Tiểu thuyết Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh

06.06.2018

Tiểu thuyết Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh

Lịch sử là một thực thể khả biến, luôn vận động không ngừng, do đó, những diễn giải đa dạng, thậm chí trái ngược nhau, không phải để triệt tiêu nhau, mà là bổ trợ nhau trong việc hình thành một nhận thức có thể chấp nhận được.

 

Với cảm thức như vậy, có thể nói tiểu thuyết “Đức Thánh Trần” (NXB Hội Nhà văn, 2017) của nhà văn Trần Thanh Cảnh là một diễn giải lịch sử mang đậm dấu ấn cá nhân nhà văn.

 

Ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, trong khoảng thời gian 34 năm (1258-1288)-một giai đoạn lịch sử đầy biến động gắn với sự tồn vong của dân tộc được tác giả khám phá, phục hiện một cách sinh động, sắc nét. Đây là thời kỳ được các sử gia ghi chép khá đầy đủ và không ít nhà văn đã dày công tái hiện chân thực (Hà Ân, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Quốc Hải), đến “Đức Thánh Trần”, Trần Thanh Cảnh đã kiếm tìm cho mình một nẻo đi riêng. Nhà văn họ Trần đã lựa chọn tái hiện các sự kiện tiêu biểu nhất, phục hiện những chân dung ưu tú của thời đại. Ông đã biến các sự kiện khô khan được ghi trong sử sách thành những câu chuyện sống động, luận giải sâu sắc các vấn đề đặt ra trong lịch sử: Sự thăng trầm, lẽ tồn vong của dân tộc trong cơn biến động; sự đồng lòng nhất trí muôn dân cùng tài năng, đức độ của người lãnh đạo tạo nên sức mạnh kỳ diệu, giúp đất nước vượt qua những thời khắc cam go; vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử; số phận những sinh linh nhỏ bé, vô danh trong sự chuyển vần của thời cuộc; vấn đề kế sách bang giao với nước lớn để giữ được hòa hiếu lâu dài…

 

Trung tâm của sự khám phá, luận giải ấy được Trần Thanh Cảnh tập trung nhiều bút lực nhất đó là câu chuyện võ nghiệp lẫy lừng và tình yêu bất diệt của Trần Quốc Tuấn. Từ chân dung lịch sử đến sáng tạo nghệ thuật, hình tượng kỳ vĩ này trong diễn ngôn của Trần Thanh Cảnh vừa gần gũi, quen thuộc vừa độc đáo, mới lạ. Có thể nói, tác giả đã hình dung, xây dựng một Trần Quốc Tuấn của riêng mình, không lẫn với nhân vật của lịch sử hay hình tượng nghệ thuật trong nhiều sáng tác trước và cùng thời nhà văn. Từ ngoại hình, thần thái, dáng vẻ đến lời nói, suy nghĩ, hành động trong bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời hay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử, trong sự miêu tả của nhà văn, Ngài luôn toát lên ánh hào quang thần thánh, những phẩm chất hơn người của một “thiên tướng nhà trời”, một “thánh nhân” mang “thiên mệnh cứu giúp hộ trì cho muôn dân vượt qua cơn binh lửa tàn khốc”. Trong cuộc chiến một mất một còn với quân xâm lược, Hưng Đạo Đại Vương chính là kết tinh cho vẻ đẹp, sức mạnh bất diệt của dân tộc; là linh hồn, điểm tựa tinh thần giúp quân dân Đại Việt vượt qua những khó khăn, thử thách, chiến thắng quân Nguyên Mông. Ngài sẵn sàng quên đi “thù riêng”, chủ động hòa giải sự đối kháng ngầm giữa hai chi trưởng-thứ, bỏ ngoài tai những lời gièm pha, tập trung mọi sức lực, tâm trí vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì bình yên, hạnh phúc của bách tính muôn dân.

 

Ngay cả ở những khía cạnh đời thường, thầm kín nhất-mối quan hệ tình ái, Trần Quốc Tuấn cũng thể hiện phẩm chất cao đẹp. Mối tình của Ngài với hai người đàn bà, dù diễn ra ở không gian nào, bãi dâu xanh bên bờ sông Thiên Đức trữ tình (với Quế Lan) hay lễ hội Mo Nang nhục dục (với công chúa Thiên Thành), cũng đều được phủ lên chất màu nhiệm, huyền bí. Ở đó có sự giao hòa của vũ trụ, đất trời, cây cỏ, cùng sự thăng hoa tình yêu, vừa chân thực, trần tục vừa thiêng liêng, ảo diệu. Tất cả được ví như mối nhân duyên trời định, là nguồn “thiên ân” bất tận, dù chỉ một lần, nhưng cũng đủ làm thỏa nguyện cho một kiếp người ngắn ngủi.

 

Không chỉ tài năng, bản lĩnh, khí phách, Trần Quốc Tuấn trong sự tái hiện của Trần Thanh Cảnh còn mang vẻ đẹp tâm hồn và tinh thần nhân văn. Ngài yêu thương, gần gũi các tướng lĩnh của mình như con cháu; chăm lo, sẻ chia những nỗi nhọc nhằn, lầm than của muôn dân; ngậm ngùi, đau đớn khi chứng kiến những hy sinh, mất mát của binh lính. Không những thế, ở Ngài còn toát lên phẩm chất của bậc trí giả-trăn trở, xót thương cho những sinh linh nhỏ bé dù đó là kẻ thù. Hình ảnh "vị tướng nhà trời" oai hùng, lẫy lừng khiến quân xâm lược phương Bắc run rẩy đặt bên cạnh hình ảnh “đứng lặng phắc như pho tượng” khi chứng khiến hàng vạn sinh linh bỏ mạng nơi chiến trường đẫm máu càng tôn lên vẻ đẹp của một bậc thánh nhân.

 

Nhằm tránh ca ngợi một chiều, thần thánh hóa, khiến nhân vật trở nên xa lạ, không thật, Trần Thanh Cảnh đã có những luận giải sâu sắc về cội rễ sức mạnh của Trần Quốc Tuấn; xa hơn là kiếm tìm, lý giải những giá trị cùng những yếu tố bền vững bảo đảm cho sự trường tồn của dân tộc trong mối xung đột, đe dọa của ngoại xâm. Bên cạnh những phẩm chất vốn có của một vị tướng nhà trời, nhà văn còn phân tích vị trí, tầm ảnh hưởng của những con người bình dị, thân thuộc và đời tư sinh động của Trần Quốc Tuấn. Qua hình tượng công chúa Thụy Bà (mẹ nuôi), công chúa Thiên Thành (vợ) và Quế Lan (tình nương), tác giả đã cho thấy dấu ấn của những người đàn bà trong cuộc đời người anh hùng. Nhà văn đã nâng họ lên tầm biểu tượng cho Thiên tính Nữ vĩnh hằng, vẻ đẹp bất diệt của Mẫu: Sự cưu mang, nuôi dưỡng, chở che (Thụy Bà), đức hy sinh, sẻ chia, bao dung (Thiên Thành), cái trong trẻo, nồng nàn, mê đắm (Quế Lan). Bên cạnh đó là công trạng của các tỳ tướng tâm phúc (Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Địa Tô, Yết Kiêu, Dã Tượng), được ví như những trụ cánh giúp sự nghiệp oanh liệt của Trần Quốc Tuấn thành công. Rõ ràng, đây là cái nhìn mới mẻ về thần tượng dân tộc, mang đậm chất triết học lịch sử và tinh thần nhân văn của Trần Thanh Cảnh.

 

Để làm nên Đức Thánh Trần, tác giả đã dám mạo hiểm xông vào những địa hạt vô cùng trống vắng sử liệu, trở thành “nhà thám hiểm cuộc sống”. Những khuất lấp của lịch sử, những bí ẩn trong đời sống nội tâm, những “vùng mờ” trong cuộc đời và số phận nhân vật được nhà văn khơi mở, phân tích sâu sắc. Sự mở rộng biên độ hư cấu, sáng tạo cho phép Trần Thanh Cảnh tiếp cận, soi rọi, giải mã những nhân vật tưởng chừng như đã “đóng đinh” trong kinh nghiệm, hiểu biết của cộng đồng. Từ điểm nhìn đời tư-thế sự-nhân văn, ông đã soi rọi, khám phá nhiều khía cạnh mới mẻ trong cuộc đời Trần Quốc Tuấn-thần tượng dân tộc, huyền thoại tôn giáo. Nhà văn thấy được ở con người vĩ đại này không chỉ mang phẩm chất thần thánh, sứ mệnh thiên định, mà còn có những giây phút rất đời, rất người. Ngòi bút của tác giả đã chạm vào những rung động vì tình yêu đầu đời, cháy bỏng đam mê của chàng trai trẻ Quốc Tuấn trước công chúa Thiên Thành; sẻ chia mọi cảm giác trần tục, đắm say của người anh hùng Đại Việt với người con gái hái dâu Quế Lan; thấu cảm trước những ngậm ngùi nhớ thương, khắc khoải cô đơn của vị tướng già khi những người yêu thương đã ra đi.

 

Có thể nói, với Trần Thanh Cảnh, lịch sử chỉ là cái cớ, phông nền để ông phân tích, luận giải, khám phá ý nghĩa mới, đem lại cách nhìn khác (mới) về hiện thực lịch sử và bản chất con người. Ông đã biết cách dung hòa hợp lý, tinh tế giữa chân lý và hư cấu trong một mạch truyện nhanh, gọn, cùng lối kết cấu linh hoạt. Ở một phương diện nào đó, ông đã tự tạo cho riêng mình một chân lý-chân lý của (nơi) tưởng tượng, hư cấu. Và công chúng độc giả có đầy đủ niềm tin để chờ đợi, hy vọng thêm nhiều sinh thể nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn từ nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Nguyễn Văn Hùng
(nhavantphcm.com.vn)