Thức dậy ở Đà Nẵng
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Ba mươi lăm năm qua kể từ ngày Đà nẵng giải phóng, ít nhất tôi đã có 10 ngàn buổi sáng thức dậy ở thành phố bên sông Hàn. Nói ít nhất là để trừ ra những bận đi công tác ra khỏi thành phố. Thức dậy bên sông Hàn mỗi buổi sáng, vì vậy, cũng là thức dậy bên bờ sóng của biển Đông và đón nhận những tia mặt trời, những ngọn gió, cả những cơn mưa đầu tiên của ngày và gởi vào đó những buồn vui của cuộc sống.
Những buổi sáng hai ba mươi năm trước, tôi đã đạp chiếc xe cà tàng đến lò bún với hai chiếc thùng có trộn sẳn cám sắn, bột cá. Bứt vội vài cành lá bên đường bỏ lên trên mặt hai thùng nước hỗn hợp ấy để khỏi tạt đổ trên đường về nhà. Vài con heo Móng Cái ỏng ẹo trong chuồng không chịu lớn. Muốn mua được heo giống Đại Bạch, phải thân quen với chủ nhiệm hợp tác xã ở quê...Lại vác cuốc ra lề đường, cuốc vội chỗ đất đá lẫn lộn, dâm vội mấy vồng khoai lang...Trên đường đi làm, đằng sau bóc-ba-ga xe đạp, bên cạnh cái lon guigoz đựng bữa cơm trưa ghế đầy sắn lát và vài con cá mặn, là cái bao nhựa mang theo đến gởi trước ở cửa hàng lương thực, cái can nhựa mua vài lít dầu lửa phân phối...Lại có buổi sáng cuối tuần, mang cái phiếu ưu tiên mua sách đến xếp hàng ở hiệu sách, mong sao đến lượt mình còn mua được một tác phẩm mới in mà mình yêu quí. Vào hiệu ăn quốc doanh, uống được ly cà phê sữa phải mua kèm hai cái bánh bao còn lẩn vài con mọt! Ở cơ quan, chị cấp dưỡng viết ngoằn nghoèo trên tấm bảng thông báo đợt bán hàng phân phối: mỗi người nam mua được hai cái lưỡi lam, một quần xà lõn, ba gói thuốc Vàm Cỏ mỗi tháng; hai người mua được chiếc lốp Sao vàng. Muốn mua xích líp xe đạp, phải đăng ký và ưu tiên cho lãnh đạo trước. Những buổi sáng dậy thật sớm, lăn lộn ở chợ trời Tăng Bạt Hổ, Ông Ích Khiêm...tìm mua mấy ổ bi, hai cái pê-đanh, khung sườn xe đạp...Tích góp lắm mới lắp được chiếc xe đạp cho vợ đi làm. Và có những buổi sáng phải bỏ việc cơ quan, đạp xe đến nhà máy xay lúa để duyệt mua một bao trấu về làm chất đốt. Nhà có việc cần điện thoại đường dài, sáng phải dậy sớm đến Bưu điện trung tâm đăng ký số cần gọi và...chờ. Có hôm gọi được cuộc điền đàm phải đến 9 giờ tối!
Vài hồi ức như vậy để thấy rằng chúng ta có những buổi sáng của một thời bao cấp gian nan sau chiến tranh.Và chúng ta đã đi qua một cách không dễ dàng.
Bây giờ, buổi sáng ở Đà Nẵng vẫn còn những anh, những chị đi xe ôm, làm công nhân vệ sinh, buôn bán nhỏ phải dậy sớm hơn nhiều người khác. Nhưng họ đã có điện thoại di động, có xe máy hơn trăm phân khối, có cà phê sáng và bữa điểm tâm đầy đủ dinh dưỡng. Buổi sáng ở bãi biển Mỹ Khê, T20, Phạm Văn Đồng, Bắc Mỹ An là hàng ngàn người đi tắm biển, tập thể dục sớm. Có người đi xe máy và nhiều gia đình đi ô tô. Trên các đường Bạch Đằng, khu Đảo xanh, công viên 29.3, công viên Bắc Tượng đài và cả các lề đường lát gạch bằng phẳng, những dòng người đi bộ, tập dưỡng sinh với những bộ quần áo thể thao loại xịn. Cả thành phố có hàng trăm sân tennis, sân cầu lông cho vài vạn người yêu thích các môn thể thao này. Buổi sáng vượt sông Hàn không còn những chuyến phà ngang phụt khói đen sì và chậm chạp; thay vào đó là năm, sáu chiếc cầu lớn, hiện đại...Một bờ biển hơn 15 cây số với hàng vạn căn nhà ổ chuột từ Thanh Bồ, Đức Lợi năm xưa đến Nam Ô, Thủy Tú đã biến mất. Những rào kẽm gai dọc bờ “Biển Đỏ” Xuân Thiều nay cũng không còn dấu vết. Đi trên con đường nay có tên Nguyễn Tất Thành, có lúc tôi nghĩ nó chẳng khác gì con đường dọc vịnh Victoria ở Hồng Kông!
Một buổi sáng tháng Ba, 35 năm sau ngày giải phóng, tôi bất ngờ chạy xe theo sau dòng người trên con đường Nguyễn Văn Linh nối dài đến bờ sông Hàn vừa láng nhựa. Con đường sẽ nối tiếp bằng chiếc cầu Rồng qua Hà Thân trong nay mai. Thành phố bỗng trở nên vừa lạ vừa thú vị với những đổi thay chóng vánh. Một tuần trước đó, tôi có việc lên xã miền núi Hòa Liên, con đường Âu Cơ rẽ về phía Tây ở chợ Hòa Khánh là một kỳ công cách đây 10 năm, nay hoàn toàn xa lạ. Thay vào đó là những đại lộ 4 làn xe ngang dọc. Cả những bãi cát ở khu Thanh Vinh dường như đã mất biệt trong những khu công nghiệp nhộn nhịp hàng ngàn công nhân trẻ ra vào thay ca...Người ta bảo không gian đô thị Đà Nẵng đã tăng lên gấp 4, 5 lần so với trước, nhưng theo tôi, với dân số chỉ mới gấp 2 lần cách đây 30 năm, không gian tăng lên đó chính là chỗ cho những cơ sở công nghiệp, dịch vụ và các công trình công cộng, nó làm giàu thêm của cải và điều kiện sống của con người!
Tôi có bạn là hai nhà dân tộc học từ Trung tâm Quốc gia khoa học Pháp mới về thăm quê nhân dịp kỷ niệm 35 năm hòa bình, anh Nguyễn Tùng và chị Nelly Borowlski. Tôi chở họ vượt cầu Thuận Phước sang Sơn Trà và đánh một vòng ven biển từ Thọ Quang đến Furama rồi về lại trung tâm qua ngã cầu Tuyên Sơn. Chị Nelly thích thú với một bờ biển xanh và những con đường rộng mở, thoáng đãng, đầy cây xanh mà như chị bảo, cả Sài Gòn hay Hà Nội cũng khó có. Sáng hôm sau, vợ chồng họ đi xe đạp đi biển, chị lại ngạc nhiên với một hoạt cảnh buổi sáng nhộn nhịp mà trong lành do hàng ngàn người Đà Nẵng và du khách tạo ra bên mép sóng. Anh chị bạn tôi có một nhà nghỉ nhỏ bên bờ Địa Trung Hải, nhưng ở đó biển lạnh và không đẹp như Đà Nẵng. Anh Tùng bảo, tuy còn một vài khiếm khuyết về môi trường và chất lượng xây dựng, nhưng quả đây là một thành phố xứng đáng để sống!
Tôi có hơn một vạn buổi sáng thức dậy ở Đà Nẵng để có thể nói rằng, từ chỗ nhiều năm rất khó khăn sau chiến tranh, thành phố này đã và đang thay đổi mỗi ngày. Yêu một thành phố ta từng sống trong gian nan và càng yêu nó hơn trong sự chuyển mình- dù không khỏi những khiếm khuyết- là một tình yêu tạo nên của cả trái tim và lý trí. Trái tim nóng hổi và lý trí tinh khôi trong mỗi buổi sáng Đà Nẵng!
TĐT