CHUYỆN VUI VỀ NHÀ THƠ KHƯƠNG HỮU DỤNG

24.02.2011

CHUYỆN VUI VỀ NHÀ THƠ KHƯƠNG HỮU DỤNG

CHUYỆN VUI VỀ NHÀ THƠ KHƯƠNG HỮU DỤNG

38 năm và một câu đối

Khi cụ Phan Bội Châu mất năm 1940, Khương Hữu Dụng có viết một đôi câu đối viếng:

"Chim từng phen khao khát tự do, to cánh cuốn trời xa, muôn ngàn dặm lên tiếng gọi đàn, bất giác nhớ rừng xanh, lơ lửng cành Nam thèm gió sớm;

Thuyền gặp buổi éo le hoàn cảnh, ngược buồm về bến cũ, mười lăm năm xuôi theo dòng nước, vô tình tuôn sóng bạc, bơ vơ bờ Ngự khóc trăng khuya".

Câu đối tuy phần nào nói được cuộc đời cụ Phan, song khi đọc lại nhiều lần, Khương Hữu Dụng cảm thấy đoạn "Bất giác nhớ rừng xanh, lơ lửng cành Nam thèm gió sớm" yếu đuối quá, thụ động quá, không nói được cái dứt khoát, cái sắt đá, cái quyết liệt của cụ Phan.

Sau nhiều năm suy ngẫm, mãi đến năm 1978, già Khương mới tìm được câu ưng ý:

"Chim từng phen khao khát tự do, to cánh cuốn trời xa, muôn ngàn dặm lên tiếng gọi đàn, ngậm đá lấp biển xanh, đau đáu cành Nam thèm gió sớm".

Câu đối được viết ra năm 1940 và được sửa lại năm 1978. 38 năm mới hoàn chỉnh một câu đối, là một tấm gương lao động nghệ thuật của nhà thơ.

Nhầm mà hay

Nhân dịp nhà thơ Khương Hữu Dụng tròn 85 tuổi, nhà thơ Trinh Đường có viết tặng Khương Hữu Dụng một bài thơ, trong đó có câu:

"Mừng anh mùa thượng thọ

Viết mấy dòng thương nhau"

Bài thơ này được in lại trong tuyểnThơ Khương Hữu Dụng" (NXB Đà Nẵng, 1993), nhưng NXB có in nhầm một chữ “anh” thành chữ “xanh”:

"Mừng xanh mùa thượng thọ

Viết mấy dòng thương nhau"

Đọc đến chữ in nhầm đó, già Khương tâm đắc: “ In nhầm mà hay quá. Mừng xanh mùa thương thọ hay hơn Mừng anh mùa thương thọ nhiều lắm”.

Mất kiên nhẫn

Nhà thơ Võ Văn Trực thời kỳ phụ trách chuyên mục "Sổ tay người yêu thơ" của Báo Văn nghệ, muốn giới thiệu bài thơ "Từ đêm 19" (viết trong kháng chiến chống Pháp) của Khương Hữu Dụng. Ông tìm đến nhà già Khương để tìm hiểu xuất xứ bài thơ.

Thấy Võ Văn Trực đến nhà, Khương Hữu Dụng vừa sốt sắng rót nước vừa ríu rít kể chuyện liên tu bất tận về chuyện cụ làm thơ trước cách mạng. Võ Văn Trực nóng ruột muốn cắt câu chuyện để hỏi về bài thơ “từ đêm 19” nhưng… không biết chỗ nào có thể chen vào được. Đành ra về.

Đêm thứ 2 Võ Văn Trực lại đến: “Cụ ơi, bài Từ đêm 19 cụ sáng tác trong hoàn cảnh nào…”. Nghe câu hỏi, già Khương như nhớ lại một khoảng thời gian dăng dặc đời mình. “ Từ đêm 19 hả, chuyện dài lắm…Này, Trực biết không…hồi đó mình thường gặp và uống trà với cụ Phan Bội Châu… Cụ Phan có đôi mắt tinh đời và đặt bút danh cho mình là Thế Nhu…”. Võ Văn Trực cứ thế nghe cụ kể chuyện đến khuya.

Đêm thứ 3 Võ Văn Trực lại đến với quyết tâm hỏi thẳng cụ xuất xứ bài thơ để viết bài cho kịp báo lên khuôn.

-“Từ đêm 19 hả, à, nhiều chuyện hay lắm. Nè, khi đối ẩm với cụ Phan Bội Châu…. Thời kỳ mình dùng bút danh Thế Nhu…”

Chuyện râm ran đến khuya, không biết lúc nào dứt. Ba đêm hầu chuyện, Võ Văn Trực đánh mất tính kiên nhẫn, đành bỏ cuộc tìm hiểu xuất xứ bài thơ, ra về tay trắng.

Mình quay lại đọc cho cậu nghe…

Khoảng 9 giờ sáng ngày mồng 2 tết, già Khương đến nhà Nguyễn Bùi Vợi chúc tết. Sau mấy câu chúc tụng đầu năm, nhấp chén Trà, Khương Hữu Dụng chuyến sang câu chuyện thơ ca từ thời xửa thời xưa. Nguyễn Bùi Vợi liếc đồng hồ. 10 giờ. 11 giờ. 12 giờ.

Vợ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nài nỉ: “Mời cụ giải lao… xơi cơm trưa cùng gia đình cụ nhé”. Già Khương liền khoát tay và… tiếp tục đọc thơ.

Đến quá trưa, đứa cháu ngoại của Nguyễn Bùi Vợi lập mưu: Cháu cầm 2 cây kẹo đến dúi vào tay mỗi người một cây "Cho mỗi ông một cái kẹo rồi đi chơi. Cứ ngồi đọc mãi".

Cụ Dụng hồn nhiên xoa đầu đứa bé: "Cháu ngoan lắm, cháu đi cho hai ông đọc thơ".

Câu chuyện thơ lại tiếp tục, thằng bé chắc quá đói bụng, đột ngột vác chiếc đòn gánh đến trước hai ông dậm chân giận dữ: "Đi chơi, không ông phang mỗi ông một gậy bây giờ". Nghe thằng bé nói vậy, mẹ nó hốt hoảng lôi nó ra đét cho mấy cái vào đít. Thằng bé vừa khóc vừa cãi: "Ai bảo ngồi mãi".

Đến lúc đó cụ Dụng mới giật mình, bịn rịn ra về.

Gia đình vừa ngồi vào mâm cơm, lại thấy già Khương quay trở lại:

"Mình về đến bệnh viện Bạch Mai, chợt nhớ ra một bài tứ tuyệt rất hóm chưa đọc cho cậu. Mình quay lại đọc cho cậu nghe rồi mình về thôi".

Định đánh tháo cho nhau đấy hả!

Một lần, già Khương đến chơi nhà Trần Lê Văn. Nghe tiếng bậc đàn anh gọi, Trần Lê Văn toan mặc thêm áo ấm để ra nghênh tiếp. Cụ Dụng thấy vậy bảo khỏi cần, ra đây một lát thôi. Vậy là Trần Lê Văn cứ phong phanh đứng trên bậc cửa nghe nhà thơ đàn anh đứng dưới sân sa sả nói chuyện tới... cả tiếng đồng hồ.

Trần Lê Văn rét run nhưng không biết thế nào để dứt câu chuyện. Nhà thơ Quang Dũng trên đường tới chơi nhà Trần Lê Văn thì phát hiện thấy hai ông đang đứng nói chuyện với nhau. Biết Trần Lê Văn đang lâm vào "thế bí", Quang Dũng lỉnh ngay vào nhà ông rồi bất chợt quay ra, nói to: "Ông Văn ơi, bà Văn bảo ông trả bà ấy cái chìa khóa để mở tủ lấy đồ".

Già Khương trừng mắt nhìn Quang Dũng, nói lớn: "Này, định đánh tháo cho nhau đấy hả!".

Một lần nói…ngắn

Trong đời thường già Khương hay nói dài, nói dai nhưng trái lại có lần trên diễn đàn cụ lại nói ngắn. Một lần nhà thơ Khương Hữu Dụng cùng nhà văn Nguyễn Công Hoan sang thăm Liên Xô, khi được Đài phát thanh Mátxcơva mời phát biểu, trong khi cụ Hoan phát biểu khá dài thì cụ Dụng lại nói... ngắn. Vì nói ngắn nên nhuận bút Đài trả cho cụ ít hơn cụ Hoan.

Vốn sẵn tài trào phúng, Nguyễn Công Hoan đã làm mấy câu thơ "trêu" già Khương như sau:

Mang tiếng xưa nay vẫn nói dài

Cớ sao lại nói ngắn trên đài?

Mới hay dài ngắn là may rủi!

Được mấy đồng thôi phí cả tài

CANH TIẾN

(Theo Tường Duy)