MỘT LẦN LẬP CÔNG DÂNG BÁC

24.02.2011

MỘT LẦN LẬP CÔNG DÂNG BÁC

Hồi ký
Mai Thanh Đông,

Vào một ngày đầu tháng 5 năm 1969 bầu trời Hoà Hải quê tôi như xanh hơn. Từng làn mây trắng đuổi nhau bay về nguồn. Tôi nằm dưới công sự, bốn bề yên ắng. Nhìn lên bầu trời mây bay mà ngỡ như từng đàn chim bồ câu trắng réo gọi hoà bình quần tụ trên vùng cát hừng hực nắng trong gió biển nôn nao. Xa xa tôi nghe tiếng sóng biển vỗ vào bờ cát và dội vào trái tim nóng bỏng của tôi một tình yêu thiêng liêng, một niềm tin mãnh liệt về vị cha già dân tộc sẽ đem lại tự do, độc lập và cơm no áo ấm cho mỗi người dân quê tôi.

Niềm tin vào Bác Hồ đã trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn trong nhân dân và mỗi lần kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ nhân dân Hoà Hải thường “lập công dâng Bác” làm cho địch thường xuyên lo lắng.

Càng gần đến ngày kỷ niệm lần thứ 79 Ngày sinh của Bác (19 tháng 5 năm 1969), địch sợ ta tấn công vào Đà Nẵng, chúng tăng cường hàng Tiểu đoàn lính Mỹ chốt giữ dọc tuyến phía Bắc Hòa Hải, nhằm bảo vệ sân bay Nước Mặn, căn cứ Liên hợp khổng lồ của Mỹ tại Đà Nẵng.

Hôm ấy, bầu trời bắt đầu hừng sáng, tôi cùng ở công sự với anh Trương Văn Tranh - đội trưởng bảo vệ cơ quan Khu 3, mà trong tôi như có lửa cháy. “Phải làm một việc gì đây để dâng lên Bác Hồ?” – tôi thầm nghĩ như vậy. Tôi nói với Tranh: “mình đi đây tí có tí việc, Thanh cứ chờ mình ở công sự này nhé”, Thanh không biết tôi đi đâu, nhưng thấy thái độ dứt khoát của tôi, Thanh không hỏi gì thêm.

Lên khỏi công sự, tôi cởi bộ đồ mốc dấu vào bụi, lấy bộ quần áo học sinh mặc vào đi hợp pháp. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: “Mình sẽ đóng vai một học sinh (lúc này tôi đã 19 tuổi, nhưng nhờ nước da trắng và nhỏ con nên dễ qua mắt lính Mỹ) và len lõi vào nơi Mỹ đóng quân và tìm cơ hội lấy vũ khí”.

Tôi đi đến cồn ông Tố tại vùng 2 thôn Đông Hải gặp trại Mỹ đóng ở đây. Trong vai một đứa học trò ngây thơ, đầu tiên tôi giả vờ chào nó và xin đồ hộp:

- Hế lô gút mó ning.

- Ê du kíp mi xặp xặp.

Tên Mỹ thấy tôi nói được “tiếng bồi” nó cười hố hố và quăng cho tôi 1 hộp cá nhân. Tôi liền chay đến nhặt, nhìn bên trong hộp thấy có kẹo, bánh và mấy lon đồ hộp, tôi cố tạo vẻ hớn hở và giơ tay chào “Thanh – kiêu!”

Tôi đi tiếp một vòng đảo mắt quanh vườn “Bà Nhàn”, tôi bất chợt giật mình khi nhìn thấy một toán lính Mỹ đang nằm ngủ la liệt trên nỗng đất cao. Tôi đoán toán lính Mỹ này vừa đi hành quân về nên thấm mệt và chúng đang chìm trong giấc ngủ say nồng.

Lính Mỹ năm ngủ nhưng cảnh giác rất cao, có đứa để khẩu súng trường dưới đất và nằm úp lên súng; có đứa đeo nguyên khẩu súng trên vai, có đứa lấy súng làm gối để ngủ. “Anh em mình mà có được những khẩu súng này để chiến đấu thì tuyệt diệu biết bao”, ý nghĩ đó thôi thúc tôi hành động. Nhìn thấy khẩu M79 báng nhựa mới toanh, thấy khẩu côn 45 mới cứng tôi lại hồi hộp tiếc rẻ là không mang theo con dao để cắt sợi dây, nhẹ nhàng… lấy súng đem về.

Đây là thời cơ hiếm có, phải tìm cách gì bợ được khẩu M79 về cho đồng đội chứ? Tôi chợt liều lĩnh: Tiếp tục đóng vai học trò lân la vào chỗ lính Mỹ đang ngủ, lựa thế tốt nhất lấy súng. Tôi nghĩ: Nếu chúng thức giấc phát hiện người lạ, tôi sẽ dùng “tiếng bồi” giải thích rằng mình vào đây… chơi, thấy khẩu súng đèm đẹp sờ cho… vui; nếu chúng không tin và bắt quả tang hành vi lấy súng thì… sẵn sàng chết. Tôi xác định thà chết chứ nhất định không để chúng bắt, vì khi bị bắt chắc chắn sẽ bị tra tấn và rất khó giữ bí mật cho đồng đội.

Tôi quan sát thấy một tên lính Mỹ trắng đang ngủ, đầu gối cây M79 báng nhựa dưới áo giáp. Nó ngủ rất say, tôi nghe rõ tiếng ngáy từng tràng dài.

Giữ thật bình tĩnh, tôi nhẹ nhàng bước vào chỗ tên lính đang ngủ. Tôi suýt bật cười khi thấy tên Mỹ trắng khuôn mặt nhợt nhạt, miệng há to thở phì phò, nước dãi chảy xuống tới mang tai, đầu nghẹo sang một bên say ngủ. Tôi ngồi xuống lấy hai tay chạm vào phía dưới đầu. Nó vẫn ngủ.

Tôi chợt nhớ hồi nhỏ, vào đêm khuya, khi các anh du kích vào nhà sợ các anh đói, mẹ tôi ra chái nhà phía sau ôm một con gà vào nhà mà chú gà vẫn lơ mơ ngủ, không kêu một tiếng nào. “Sao mẹ bắt gà giỏi thế?”, mẹ tôi cười, dễ ợt, khi gà đang ngủ sè sẹ luồng bàn tay dưới bụng nó và bợ lên, là xong. Tên Mỹ đang ngủ ở đây có giống như con gà mẹ tôi kể năm xưa không?

Tôi sè sẹ bợ dần đầu tên Mỹ lên. Nó vẫn ngáy. Len một chút nữa, chút nữa. Tim tôi lại đập mạnh. Một tay tôi giữ nguyên tư thế nâng đầu tên mỹ lên, một tay tôi rút cây M79 ra ngoài. Rồi tôi lại nhẹ nhàng hạ đầu tên Mỹ về chỗ cũ.

Ôm khẩu súng sáng chói trên tay, tôi nhón từng gót chân bước ra, đi một đoạn, tôi liền nép mình vào gò mã nhà ông Xanh và nhanh chóng giấu khẩu súng ở đây.

Năm ấy trời sương mù dày đặc cách nhau 5 mét không thấy người, tôi ra về gặp tên Mỹ trắng đọc báo trước nhà bà Lập, tôi chào nó: “Hế - lô, Gút - mó -ning”, nó cảm ơn tôi: “Thanh-kiêu”. Tôi quay về lại công sự trong lòng rạo rực sung sướng, mình đã lập được một chiến công...

Phát hiện bị mất súng, bọn Mỹ hoảng loạn “xí lô, xí là” bao vây khu vườn nhà Bà Nhàn tìm tung tích cây M79, tìm không ra chúng liền đốt quán của Bà Nhàn, gia đình bà sợ bỏ đi.

Tối hôm ấy địch rút xong, tôi chạy ra gò mã lấy khẩu M79 báng nhựa về, vui mừng khó tả. Sau đó tìm gặp Bà Nhàn động viên: chị là gia đình cách mạng trung kiên, cố gắng chịu đựng nếu bọn Mỹ trở lại điều tra, đừng khai báo cho ai biết có chúng tôi đang trụ bám ở vùng này.

Khi Bác Hồ từ trần ngày 03 tháng 9 năm 1969, Đội quyết tử trụ bám tổ chức lễ truy điệu tại nhà mẹ Chàng và phát động phong trào lập công dâng Bác. Nhiều đội viên lần lượt thoát ly vào Đội du kích tập trung, bộ đội địa phương để chiến đấu. Tôi trở lại với cương vị công tác cũ – Văn phòng Khu 3, sau năm 1971 được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Khu 3, đến năm 1973 bị thương ra Bắc điều trị, sau năm 1975 trở về với cương vị Thường vụ, Phó Bí thư, quyền Bí thư huyện Đoàn Thanh niên Hòa Vang.

Sau hơn 30 năm quê hương hoàn toàn giải phóng, bản thân giữ nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng tôi tâm đắc và sâu sắc nhất 10 năm làm Bí thư Đảng bộ xã Hòa Hải một quê hương 2 lần anh hùng; rồi làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN quận Ngũ Hành Sơn. Đến nay tôi đã nghỉ hưu, nhưng lúc nào hình ảnh những ngày chiến đấu trên quê hương Hoà Hải luôn là những trang đời đỏ thắm trong lòng tôi.

M.T.Đ

Hương Tứ

Ngọn lửa tình thương

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tuy mới phát động được mấy năm trở lại đây nhưng đã từ lâu, tình yêu thương con người của Người đã lan tỏa trong mỗi tâm hồn Việt. Và có rất nhiều người đủ mọi tầng lớp trong xã hội đã biết lấy tư tưởng ấy làm lí tưởng sống cho mình. Bác Nguyễn Hữu Tùy - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng là một tấm gương như thế.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất máu thịt Hòa Minh (hiện ở tổ 38), chứng kiến bao mất mát và hào hùng của quê hương, suốt thời tuổi trẻ, bác Tùy luôn khao khát được góp chút gì đó cống hiến cho quê hương mình. Như một bản giao ước với cuộc đời, bác Tùy đã chọn công việc hoạt động từ thiện để dấn thân trong xã hội. Suốt những ngày tháng còn sung sức nhất, tư tưởng sống của bác là kiếm sống nuôi gia đình và tích cực tham gia vào “Hồng thập tự”. Cuộc sống của bác Tùy cứ lặng lẽ trôi theo thời gian với những khát khao được làm từ thiện chưa có dịp bộc lộ hết được. Cho đến năm 1993, khi Ủy ban xã Hòa Minh quyết định thành lập Hội Chữ thập đỏ của phường, bác Tùy mới “có đất dụng võ” thực sự. Hồi vừa thành lập, Hội Chữ thập đỏ rất thiếu thốn, chỉ vài gian nhà lụp xụp, phải ngồi làm việc chung với trạm y tế phường… và ngay cả gia đình của những người cùng chí hướng với bác cũng không kém phần thiếu thốn. Nhưng bác luôn tự nhủ lòng: Cuộc sống thật sự chỉ có ý nghĩa khi mình biết sẻ chia với người khác, với những phận người khốn khó. Mỗi lần nghĩ đến những hình ảnh vật lộn khóc than của những người bị bệnh mà không đủ thuốc chữa trị, những người già neo đơn ngồi co ro vì thiếu miếng cơm manh áo…tim bác lại nhói đau, rồi bao nhiêu kế hoạch, ước mơ bỗng ập đến, thúc giục bác phải hành động.

Giao việc gia đình, con cái cho người vợ tảo tần, bác đóng góp những gì mình có và khoác lên vai những ước mơ nhỏ bé của bao mảnh đời bất hạnh, đi khắp nơi vận động những tổ chức, cá nhân ủng gộ những người bất hạnh. Việc đi xin thay cho những người tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa, khiếm thị…là niềm hạnh phúc đối với bác Tùy. Sáng ra là bác đi vận động, cứ thế tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, lâu dần thành thói quen, thấm thoắt mà đã gần hai mươi năm. Tóc bác Tùy bạc trắng tự lúc nào, nếp nhăn nhiều hơn trên khuôn mặt âu lo, vậy mà bác đâu có biết! Mỗi lần vận động được sức người sức của đem về lo cho những bà con thiếu thốn, bất hạnh trong phường là lòng bác lại trỗi lên niềm hân hoan. Việc làm từ thiện không chỉ cần cái tâm cao cả mà còn phải biết cách vận động. Cách làm của bác Tùy cũng không kém phần đặc biệt, bác không chỉ vận động trong nước mà cả với những kiều bào ở nước ngoài. Bác lên Mạng internet kêu gọi, gửi hình ảnh những người cần giúp đỡ đi khắp nơi…nhờ thế mà nhiều cá nhân, tổ chức ở nước ngoài đã động lòng và tìm về với Hội. Với bác, tình thương con người không giới hạn trong địa phương mình, mà là với tất cả những mảnh đời bất hạnh khắp nơi, những sinh viên đi học xa nhà bị trọng bệnh, những bà con ở những nơi khác bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa, những em nhỏ bị nhiễm chất độc Da cam…đều được bác và anh em trong Hội tìm đến giúp đỡ. Không những lo cho người đang sống mà cả những người vừa lìa khỏi cuộc đời, nhất là với những người ở nơi khác chết trên địa bàn của phường mình, bác luôn có mặt, tìm hiểu hoàn cảnh rồi cắm cờ, đặt thùng cứu trợ…

Với bác Tùy, đi vận động là dùng cái tâm cao cả của mình mà trao đổi, mời gọi, bởi nói sao cho người khác động lòng để họ giúp về tài chính và máu…là việc khó nhất. Thấy bác giỏi đi vận động, nhiều tổ chức cá nhân các nơi mời bác về làm việc và sẵn sàng trả lương cao nhưng bác đều từ chối. Bác không muốn xa rời những con người đang cần mình bấy lâu nay, bác chỉ muốn trực tiếp trao những chiếc tay giả, chân giả cho những người tàn tật, trao những đồng tiền mà mình vận động được cho những đứa trẻ vừa chào đời đã phải hứng lấy nỗi đau khôn xiết…mà không ai trả công. Như bác vẫn thường tâm sự: “Mình làm từ thiện và chỉ mong rằng khi mình chết không bị cuộc đời này oán trách”. Giờ đã ở cái tuổi ngoài lục tuần (67 tuổi) nhưng ngọn lửa tình thương vẫn không ngừng bùng cháy trong con tim bác, như muốn thiêu đốt hết những nỗi đau cuộc đời. Bây giờ bác không còn đi lại nhanh nhẹn như trước để một mình phiêu bạt khắp nơi tìm lòng tốt nữa, nhưng bù lại, bác có trong tay cả đội ngũ cộng tác viên mà số lượng trên dưới bốn trăm người đang tiếp tục thực hiện ước nguyện của bác.

Mặc cho phía trước là khó khăn trường kì nhưng nụ cười ấm áp, đôi mắt hiền từ của bác vẫn không ngừng tỏa sáng hằng ngày, sưởi ấm những phận người đang mang đầy nỗi đau trần thế…

H.T