NHẬT KÝ CHU CẨM PHONG
Chủ Nhật 30-3-69
Cuộc họp chiều hôm qua bế mạc. Nội dung cuộc họp không thể ghi vào đây. Tổ chức kế hoạch lần này tốt hơn, kiên quyết thực hiện tốt sẽ mở ra một thế mới.
Mấy đêm nay đại bác, cối rất nhiều, hàng ngàn quả trong một đêm.
Hôm nay mình về lại Hòa Hải để theo dõi các đội bám trụ của thanh thiếu nhi. Bọn Mỹ phục miết chỗ trước đây chúng đã phục bắt giết Cúc, Hường, Anh, Dũng. Rình suốt đến hơn 3 giờ mới đi được. Đi qua đoạn đường đó mình rất xúc động, lại nhớ đến các em rất tường tận.
Thứ Hai 31-3-69
Buổi lễ tuyên thệ ra quân của các đội Trung dũng đi đầu diệt Mỹ của vùng 5. Có ba đội, một đội của thiếu nhi do Rụ làm đội trưởng, Re làm đội phó, đội của thanh niên do N. làm đội trưởng, đội của lão thành mẹ chị do bác Lộ làm đội trưởng.
Lời tuyên thệ ra quân của các đội chiến sĩ bám trụ viết bằng mực đỏ trên vải dù trắng.
1- Sống thì sống trên đất Hòa Hải, chết thì chết trên đất Hòa Hải, trên góc giang sơn mà Đảng giao trụ bám.
2- Khắc sâu mối thù với giặc Mỹ và bọn tay sai, quyết đánh đến cùng, mỗi ngày ít nhất phải tiến công chúng một trận.
3- Không sợ hy sinh, không sợ ác liệt, dù gian khổ tra tấn, tù đày cũng quyết giữ trọn lòng trung với Đảng, chí hiếu với dân.
4- Đoàn kết một lòng sống chết có nhau, tình sâu nghĩa nặng.
Phía dưới các chiến sĩ bám trụ ký tên. Ký đầu tiên là các em thiếu nhi, sau đó đến các bà, các cụ. Các ông ký bằng chữ Hán, các bà và các em bé như thằng Cu lăn tay. Em Huệ nói:
- Vì giặc Mỹ và bọn tay sai mà con không biết chữ, chừ con xin chích máu lăn tay ăn thề bám trụ…
Bà Chân chỉ có hai vợ chồng già, chồng đau đi lại không được. Bà đăng ký vào đội bám trụ của lão thành, bà nói:
- Tôi chưa về ngay được, hứa với bà con là hai ngày nữa tôi sẽ cõng ông nhà tôi cùng về. Bà và mọi người cười ha hả (hai con đi tập kết) thoát ly có một đã hy sinh hôm T25.
Ông Phú không vợ không con, ông sống một mình. Xóm ông địch xúc hết. mình ông vẫn ở lại trên cái gò ấy làm một tiền đồn. Người ta bảo: sống ở dó là chen giữa các hố đại bác mà sống, chỉ việc ấy thôi cũng sợ rồi. Có những lần các chị bị tụi giặc ví bắt, các chị vào cái nhà cô độc đó để cho ông che chở. Ông mặc bọ bà ba đen vải thô, bịt một cái khăn, mới nhìn ông như một người đàn bà.
Ông Di, bộ râu dài bạc như cước sau khi lên viết tên ông bằng chữ Hán xuống không ngồi ghế nữa, ông ngồi xen vào các em thiếu nhi như một ông tiên. Ông bảo: “Lúc này phải ở trong hàng ngũ thiếu nhi mà hoạt động”. Ông cầm bộ râu ra hiệu cạo rồi gật gù cười.
Câu ông nói đúng câu thơ của Tố Hữu: “Tuổi xanh chẳng tiếc xá chi bạc đầu”.
Trong 14 em bám trụ, có 91 người thân trong gia đình bị giặc giết.
Cán bộ và chiến sĩ tiểu đoàn 1 gửi về tặng một bọc ni lông trắng trong đó có mớ tóc và hai chiếc nơ đỏ của em Một (tức Anh, một trong 4 em giao liên hy sinh hôm 1-3). Em Ba của Một lên nhận bọc ni lông có tóc của chị, em khóc, em xin gửi lại xã, nhờ bà con chiến đấu tiêu diệt giặc nhiều hơn để trả thù. Hội nghị đều trào nước mắt, xúc động, nghiêm trang.
Ngoài đồn bắn đại liên vào, đạn bay diu díu qua nhà. Những tiếng súng đó chỉ nhắc đến mối thù.
Các bà đã đặt ra tất cả khó khăn, hầm bị sụp, ngày hôm sau bị xúc…nhưng rồi tự họ giải quyết, trong không khí này không có cách gì khác.
Tặng phẩm của các đoàn thể cơ quan tặng cá em có rất nhiều thứ: đạn cối thối, M26 của các cơ sở trong quận 3 của các đồng chí bộ đội đánh đồn Cai Lan lấy được, Đảng ủy khu 3 tặng một cây súng ngắn để diệt ác ôn.
Trở về khá tối, nhưng già trẻ đều phấn khởi trong không khí háo hức sống, háo hức chiến đấu giết giặc giữ lấy quê hương.
Thứ Ba 1-4-69
Ba hôm nay ngày nào mình cũng ra chỗ các em thiếu nhi bám trụ hai lần. Sau giờ chống càn, ở công sự về liền ra, buổi chiều sau giờ ăn cơm ngồi đến khuya. Mình định ra ngủ với các em, nhưng các dồng chí ở xã không cho, có bữa cho người đi gọi về. Các em bắt ốc có ngày được 500 đồng, đi bắt ếch (mỗi con 10 đồng), chia từng tổ một đi bám trồng rau muống. Em Huê, em Tám đi bắt ốc, đỉa bu đến tận đầu. Buổi tối về xúm xít cùng ăn, không đủ chén các em ăn đĩa. Chia làm nhiều đợt, các em nhỏ ăn trước, các em lớn ăn sau. Các em thích hát mà chưa có điều kiện hát.
Trong nhà còn có một em bé con bà T tên là Long, năm nay mới 5 tuổi, mình nói đùa đó cũng là chiến sĩ bám trụ. Ở trong trại tập trung, em lấy pin và đạn nói là về cho bộ đội.
- Cháu ghét thằng Đoan không?
- Ghét (Long cũng kêu thằng Đoan bằng thằng, mặc dầu chưa thấy mặt nó)
*
* *
Ở vùng 2 có em bé 13 tuổi đi chôn mìn, đang chôn thì thằng bình định bắt, chĩa súng vào mang tai em. Em liền trở tay đánh bay súng rồi trốn chạy thoát, địch chẳng bắt được ai.
Các em bé nhi đồng 6-7 tuổi lấy giấy gói bánh xanh đỏ dán lại rồi cắt sao vàng dán lên thành những lá cờ to bằng bàn tay đem cắm dọc đường được 16 lá.
Thứ Tư 2-4-69
Đáng lẽ hôm nay đi Quận 3 để dự họp phụ nữ, nhưng đêm qua và ngày hôm nay bị sốt, ăn không được cơm, vả lại bọn Mỹ ở vùng 7 nên giao liên không dẫn đi. Đêm qua cô Bứa lên cơn tức suốt đêm. Chị em đều thức suốt để giữ.
Chiều nay mình cố gắng đến dự buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Đoàn và phát động đăng ký bám trụ, diệt địch của thanh niên toàn xã. Khí thế không bằng buổi phát động hôm kia.
Thứ Năm 3-4-69
Rời Hòa Hải vừa đi vừa hoa mắt. Huỳnh Thị Băng dẫn đi. Em rất táo bạo. Người ta bảo Mỹ ở vùng 7, em trả lời: “Hắn ở đó cơm bữa, đi được”. Có tin chúng đi 60 tên mang theo cả cối. Băng vừa đi vừa bám, rủ thêm mấy em nhi đồng nữa. Mỹ vừa rút đi liền vượt qua. Đi khỏi C.K., tức là cái chỗ hôm trước mình bị phục (mặc đồ đàn bà) có một bà quấn quýu chạy ngược lại báo tin có Mỹ ngụy nằm dày trong xóm. Phải chạy ngược lại. Hai tiếng đồng hồ sau đi lại, vừa đúng lúc chúng rút đi.
Đến nơi, cuộc họp của phụ nữ sắp bế mạc. Buổi chiều đi đến địa điểm họp. Lại đi ngược lại đoạn đường trưa nay, thật phiền phức.
Đêm ngủ lại trạm của Hồ, em Hoàng Trọng Phiến, có cả cô em dâu của anh ta. Chị là ủy viên chấp hành Hội phụ nữ của Quận 3. Chị ta kể lại những dư luận quanh trận đánh An Đồn và chiếc tàu ở gần cầu Đờ-lát. Chúng khen Việt Cộng tai thính và bọn ngụy thì bảo: “Còn ở gần Mỹ còn chết. Phải xa rời Mỹ”. Chúng bình luận về cờ khẩu hiệu mình treo: “Rõ ràng không phải Việt Cộng chỉ ở nông thôn, Việt Cộng giờ ở trong đô thành, mình canh gác vậy mà vẫn bị cắm cờ ngay trước cổng đồn”. Lá cờ này chúng không lấy ngay, mà phải bắn cối rất nhiều rồi mới lấy được.
Một cô gái đi giết tên ác ôn Thêm, mật thám thời Pháp Hà Nội di cư, công giáo, Cần Lao. Cô tên H, 17 tuổi. Cô giả làm người nhà đến đưa thư. Cô đã rút súng ngắn ra bắn hai phát. Chạy ra, bọn giặc đuổi theo bắt được, cô mỉm cười: “Nhiệm vụ ta đã hoàn thành. Tụi bay bắt tao à. Có hề chi. Tao đã phục bao đêm để giết hắn. Ta sung sướng”. Chị đứng trên xe mỉm cười.
Ở đây rất gần đồn địch. Làng mạc cũng bị tàn phá nhiều. Giờ đã hồi sinh, xanh tươi lại. Những lùm tre thêm xanh, rậm. Ở trong dân là một niềm vui. Cảnh sinh hoạt có cái lao xao ríu rít. Người ta gửi mình ở một gia đình ở C.H tản cư đến. Nhà nào cũng chăm sóc tụi mình rất chu đáo. Bà con hàng xóm cũng lại, người cho nắm rau sống, người cho con cá khô…Các bà bảo tụi mình là biệt động Đà Nẵng.
- Gớm thiệt. Đà Nẵng gác rứa mà vẫn lọt vào được. Một bà nói.
- Họ nằm dày ngoài đó chớ. Chú bé Thục mặc chiếc áo sọc xanh đội chiếc mũ Triều Tiên nói. Thục được giao trách nhiệm bảo vệ, đưa đón bọn mình từ nhà đến chỗ họp.
Sáng sớm nay đang ăn cơm, có tin Mỹ vào, phải chạy.
Thứ Sáu 4-4-69
Hơn 10 giờ mới khai mạc hội nghị các chiến sĩ, cán bộ trẻ có thành tích trong đợt hoạt động Xuân vừa rồi. Sau phát biểu khai mạc của anh Quý, chỉ mới Hà, Hai, Lợi phát biểu. Báo cáo của Hà và Lợi rất xuất sắc.
Buổi tối về vị trí chống càn gặp Hai, Lợi, Được, Toại nói chuyện thêm.
Thứ Bảy 5-4-69
Hội nghị ngày nay nữa bế mạc. Hôm nay Vân, Phụng, Ái, Toại (chi bộ 2 của Hòa Hải, Thao của Điện Bình), phát biểu được chú ý nhiều nhất, sôi nổi nhất là báo cáo của Vân. Đó là cô gái 18 tuổi trắng trẻo, thanh nhã, mặc chiếc áo tím. Mắt rất đen. Trên môi, sát cánh mũi trái có một nốt ruồi nhỏ, nhạt. Đuổi mắt dài. Vân lanh mồm lanh miệng đối đáp rất nhanh, nói cười luôn miệng, rất thích hát ca (ngày hôm qua cô hát một bài hò khoan), có lúc nói hơi tự do theo kiểu các cô gái làm nũng. Cuộc sống lúc nào cũng thoải mái, tràn trề những niềm vui lạc quan. Một con người như Vân không lúc nào chịu buồn, chịu yên lặng, bó tay. Cha là công nhân khuân vác bến tàu, mẹ chết. Trong hội nghị này Vân được coi là chiến sĩ đi đầu trong vận dụng 3 mũi giáp công.
Hai, mình đã được gặp trước đây ít lâu, trước đây 7 tháng mới là một y tá, giờ thành một chiến sĩ an ninh rất độc đảm. Giống Vân ở chỗ rất hay cười và thích hát, nhưng ở Hai có chỗ khác hơn là ngây thơ hơn và có cái trầm tính của một chiến sĩ an ninh. Cha đi làm biển, mẹ trước đây là bí thư chi bộ, vừa ở tù về. Hai vừa được quyết định đưa vào Ban chấp hành thanh niên quận.
Hà lớn hơn hai bạn vài tuổi, trầm tĩnh, chín chắn hơn hai bạn, một đồng chí cán bộ lãnh đạo rất trẻ, có nhiều triển vọng. Đồng chí bí thư Quận uỷ gọi Hà là một đồng chí văn võ song toàn, một đảng viên tuy còn mới nhưng đã được rèn luyện thử thách trở nên dày dạn. Cái cơ thể gầy gò, ốm yếu đó chứa đựng trái tim lớn, khối óc lớn.
Ái khoảng tuổi với Hà, có cặp mắt lé, giản dị, chất phác. Ở thành phố nhưng cô không sửa soạn chải chuốt. Có lẽ hơi ít nói. Điều người ta nhớ nhất là chuyện Ái dùng pháo tống đánh địch để treo cờ. Được mọi người gọi là chiến sĩ du kích đi đầu của quận.
Phong cặp mắt hơi híp. Cô có tài tổng kết tổng hợp tình hình.
Các cô gái ấy cùng một khu phố, nhưng được Đảng phân công đi phụ trách bốn khu phố khác nhau (trừ H đi khắp quận). Đồng chí Quý thú vị gọi đó là Tứ tướng chinh đông. Anh khoái trá:
- Ngày xưa lão Tôn Tẫn có tài hóa trang thay hình đổi dạng nhưng ngày nay các đồng chí trẻ của chúng ta còn tài giỏi hơn nhiều. Tôn Tẫn thay hình đổi dạng nhưng không dám trực diện. Còn các đồng chí chúng ta thay hình đổi dạng và trực diện để thắng kẻ thù. Ngày xưa Quan Công quá ngũ quan trảm lục tướng được người ta coi là độc đảm. Các đồng chí ngày nay còn độc đảm hơn nhiều, các đồng chí qua hàng trăm hàng ngàn cửa quan của giặc để diệt ác ôn.
Các cô này đều gọi các anh lãnh đạo trong quận là chú và xưng con.
Đáng lẽ tối nay đến chỗ Ái, Hà nói chuyện chơi, nhưng tìm chỗ ngủ không ra, đến khuya không đi được. Tiếc quá.
VÀI NÉT TẢN MẠN VỀ TẬP SÁCH
“NHẬT KÝ CHIẾN TRANH” CỦA CHU CẨM PHONG
Vừa qua, nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là vinh dự không những của gia đình nhà văn mà còn là vinh dự chung của giới văn nghệ chúng ta-Lần đầu tiên một nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Chu Cẩm Phong được phong tặng danh hiệu Anh hùng không chỉ vì đã dũng cảm chiến đấu vào giây phút cuối cùng khi địch khui hầm gọi hàng, gương mẫu, đi đầu trong công tác, chiến đấu suốt những năm 1964-1971 ở chiến trường miền Nam mà còn ở thành tích sáng tác của anh-với tư cách một nhà văn. Anh đã dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh để len lỏi vào những vùng sâu, căn cứ địch, sống với du kích, cán bộ cơ sở để vừa công tác vừa lấy tài liệu sáng tác. Chu Cẩm Phong đã được xuất bản 3 tập sách: Mặt biển mặt trận, Rét tháng giêng và Nhật ký chiến tranh. Tập Nhật ký chiến tranh là tập sách có sức nặng nhất của anh. Từ những dòng nhật ký của anh đã hiện lên cuộc sống, chiến đấu kiên trung bất khuất của nhân dân ta tại những vùng đất chiến tranh ác liệt nhất của Khu V (Quảng Nam, Quảng Đà và Quảng Ngãi). Nhiều sự việc, con người thực trong nhật ký còn gây xúc động cho ta suốt nhiều năm qua và tôi tin sẽ còn gây xúc động lâu dài. Tập Nhật ký chiến tranh trở thành một sự kiện văn học trong những năm qua. Vì thế, nhiều người muốn tìm hiểu về tác giả và quyển nhật ký đó.
Gần đây, khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm được một người lính Mỹ trao lại cho gia đình chị rồi được in, thì nổi lên những ý kiến cho rằng: Sở dĩ có Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong là do một sĩ quan ngụy cung cấp toàn bộ tư liệu như người lính Mỹ đã trao lại Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Ngay trong “Tuyển tập Chu Cẩm Phong” của Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2005, trong lời giới thiệu tập sách và Lời tri ân ở cuối tập, nhà thơ Bùi Minh Quốc, người có công lớn trong việc cung cấp bản thảo cũng không nói rõ về tập nhật ký này. Vì vậy, là một người trong cuộc, tôi xin cung cấp những thông tin về bản thảo tập Nhật ký chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong.
Nhật ký của Chu Cẩm Phong viết từ ngày 11-7-1967 đến 27-4-1971, ngày anh hy sinh. Để viết nhật ký, Chu Cẩm Phong đóng nhiều quyển sổ bằng giấy pơluya, gần như mỗi năm ghi một quyển. Trước khi đi công tác ở Quảng Đà vào cuối tháng 3-1971, Chu Cẩm Phong gửi lại cho tôi các quyển sổ ghi nhật ký viết từ 1967 đến cuối năm 1970 cùng một vài bản thảo viết tay và đánh máy, tôi nhớ trong đó có bút ký Làng Tà Riềng (có một bản viết tay và một bản đánh máy, tôi đưa chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong bản viết tay, tôi sẽ nói sau, còn giữ lại bản đánh máy, sau chiến tranh nhờ nhà văn Nguyễn Thành Long, gửi cho báo Văn Nghệ in). Tất cả các quyển sổ ghi nhật ký và một số bản thảo của Chu Cẩm Phong được đựng trong thùng đạn đại liên của Mỹ, để khi có địch càn quét, chúng tôi sẽ đào chôn hoặc cho xuống suối, sau đó sẽ tìm lại. Việc này, trong chiến tranh cán bộ ta ở căn cứ, cả ở đồng bằng vẫn hay làm. Như vậy là khoảng 4/5 tập Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong sau này (từ tháng 7-1967 đến cuối 1970), Chu Cẩm Phong giao cho đồng đội anh là tôi giữ. Anh chỉ cầm theo quyển sổ đang viết dang dở để viết tiếp nhật ký cho đến khi hy sinh. Quyển này, trước khi đi Quảng Đà, anh có ghé lại Nước Vin để chia tay chị PL, người yêu và có cho chị xem một số đoạn ghi về chị trước đó (theo lời chị PL kể lại) và có nói với chị là các quyển sổ ghi nhật ký những năm trước đã gửi lại cho tôi. Vì thế, sau khi Chu Cẩm Phong hy sinh, chị PL được ra Bắc đã ghé lại cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu V thăm chúng tôi và xin tôi cho các quyển sổ Nhật ký của anh để chị mang ra Bắc bảo vệ tốt hơn. Ngày đó, tôi còn ít tuổi, cũng ngu ngơ lắm, nhưng nghĩ: “Chị PL có buồn khi Chu Cẩm Phong mất, nhưng một thời gian rồi chị sẽ xây dựng gia đình mới. Vậy những quyển số nhật ký này rồi sẽ ra sao. Tốt hơn hết, mình là đồng đội của anh nên giữ lại, sau này còn có khi dùng”. Vì thế, tôi nói dối với chị:
- Đúng là tôi giữ các quyển sổ nhật ký của anh Tiến (Chu Cẩm Phong), nhưng vừa qua tôi đi công tác, giao lại cho Cao Duy Thảo, Thảo giờ lại đi Bình Định nên không biết nó giấu thùng đại liên ở đâu nên không thể đưa các quyển sổ ghi nhật ký cho chị được.
Chị PL hơi buồn. Sáng hôm sau, tôi lén giở thùng đại liên đưa cho chị bản thảo viết tay bút ký Làng Tà Riềng gọi là chút kỷ niệm có chữ viết tay của Chu Cẩm Phong và tiễn chị ra về. Sau đó, Cao Duy Thảo về tôi kể lại chuyện, Thảo nói: “Mày làm thế là đúng”.
Những quyển sổ nhật ký của Chu Cẩm Phong đựng trong thùng đạn đại liên theo tôi đến đầu năm 1975. Khi tôi cùng Phan Nghĩa An được phân đi công tác Quảng Ngãi (tháng 2/1975) tôi đã trao lại cho nhà thơ Ngô Thế Oanh giữ thùng đạn đại liên có đựng những quyển sổ nhật ký của Chu Cẩm Phong đó. Ngô Thế Oanh đã mang thùng đạn đại liên ấy về tận 10 Gia Long (nay là 10 Lý Tự Trọng) khi giải phóng Đà Nẵng.
Khoảng 10 hôm sau ngày giải phóng Đà Nẵng (theo lời nhà thơ Bùi Minh Quốc kể) Bùi Minh Quốc đã nhận được quyển sổ ghi nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong, tức là khoảng 1/5 tập sách Nhật ký chiến tranh sau này của Chu Cẩm Phong từ tay một sĩ quan của chế độ Sài Gòn trao lại mà anh đã kể trong lời giới thiệu Tuyển tập Chu Cẩm Phong. Quyển sổ này được Chu Cẩm Phong viết từ đầu 1971 đến ngày mất (1-5-1971). Sau đó, Ngô Thế Oanh và Bùi Minh Quốc chuyển tất cả 5 quyển sổ nhật ký cho gia đình Chu Cẩm Phong ở Hội An. Tài liệu nhà thơ Bùi Minh Quốc cung cấp để in Nhật ký chiến tranh (NXB Văn học) và Tuyển tập Chu Cẩm Phong (NXB Đà Nẵng) là do anh photo lại của gia đình. Tất cả chuyện này, tôi và Ngô Thế Oanh có cung cấp cho nhà văn, nhà báo Tô Hoàng viết trên báo Sài Gòn giải phóng năm 2000 (tôi không nhớ rõ số báo).
Gần đây ở Quảng Nam-Đà Nẵng và một số nơi rộ lên ý kiến: Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong là do một sĩ quan ngụy cung cấp toàn bộ như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm do người lính Mỹ cung cấp vậy. Do đó, tôi xin viết lại những dòng này trong lúc tôi còn sống, nhà thơ Ngô Thế Oanh còn sống, chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong còn sống, nhà văn Cao Duy Thảo còn sống để cung cấp rõ về mọi thông tin của tập sách Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong chứ không phải để kể công lênh gì (vì làm gì có chuyện công lênh khi giữ hiện vật của đồng đội, đó là trách nhiệm). Chúng tôi chỉ muốn có sự rõ ràng mà thôi. Mặt khác, tôi và đồng đội của tôi cũng rất cảm ơn người sĩ quan Sài Gòn cũ đã trao lại cho chúng tôi một phần, phần cuối cùng của bản thảo nhật ký Chu Cẩm Phong, để sau này, khi in sách chúng tôi có đầy đủ như tập Nhật ký chiến tranh này. Sở dĩ chúng tôi muốn nói rõ mọi việc vì muốn chứng minh rằng: đồng đội của Chu Cẩm Phong cũng rất nâng niu trân trọng giữ lại những di vật (đây là những quyển sổ nhật ký) của anh để lại, chứ không phải như ai đó nói là nhờ người sĩ quan kia cung cấp tất cả tư liệu mới có tập sách rồi suy diễn đủ chuyện. Viết những dòng này, chúng tôi mong rằng, được cung cấp những thông tin cho bạn đọc, cho các nhà nghiên cứu (cho cả những ai biết rõ sự thật mà cố tình nói khác đi) tìm hiểu về tập Nhật ký chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong, nhất là những người ở thế hệ sau này, khi chúng tôi không có điều kiện để “nói lại” được nữa.
Nhà văn Thanh Quế