LƯỢC SỬ THI PHÁP HỌC VIỆT NAM
LƯỢC SỬ THI PHÁP HỌC VIỆT NAM
Bộ môn Thi pháp học vốn ra đời từ thời cổ đại ở Hy Lạp với tác phẩm đầu tiên là Nghệ thuật thi ca của Aristote. Thời trung đại ở châu Âu và châu Á cũng ra đời nhiều tác phẩm bàn về phép tắc sáng tác văn chương. Người ta xếp những tác phẩm này vào loại Thi pháp học cổ điển. Còn Thi pháp học hiện đại thì phải đến đầu thế kỷ XX mới hình thành. Ban đầu phát triển mạnh ở Nga với trường phái hình thức, sau đó dịch chuyển sang Âu – Mỹ. Đến giữa thế kỷ XX thì trên thế giới, người ta không lạ gì phương pháp hình thức. Tuy nhiên, bước đường phổ biến chủ nghĩa hình thức ở các nước XHCN không mấy thuận lợi. Cho nên, mãi đến cuối thế kỷ XX, ở Việt Nam mới bùng phát phong trào nghiên cứu Thi pháp học.
Từ thời trung đại, Thi pháp học cổ điển từ Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam. Điều này dễ hiểu, nền văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu sắc nền văn hóa Trung Quốc. Phần lớn các thể loại văn chương và các quan niệm văn học ở Việt Nam cũng du nhập từ Trung Quốc nên các nhà nho Việt Nam chỉ việc cụ thể hóa thêm mà thôi. Những quan niệm về nghệ thuật thơ ca chủ yếu xuất hiện trong các bài tựa sách, ít được in thành tập riêng. Đáng kể nhất có cuốn Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn. Sang giữa thế kỷ XIX, Cao Bá Quát đề cao thuyết “tính linh” trong sáng tác văn học và được nhiều nhà nho có tư tưởng cởi mở thời đó ủng hộ. Điều này cho thấy văn chương lúc bấy giờ đang có sự bứt phá khỏi thi pháp cổ điển để chuẩn bị chuyển sang thi pháp hiện đại.
Cuốn sách Thi pháp học đầu tiên của Việt Nam xuất bản ở Sài Gòn cuối thế kỷ XIX. Đó là Thi pháp nhập môn (Bàn về thơ Annamite) của Thế Tải, Trương Minh Ký (nhà in thương mãi Rey, Saigon, 1898). Tác phẩm này dạy luật thơ thất ngôn qua những bài miêu tả các sự vật hiện tượng trong thiên nhiên có kèm tranh vẽ. Năm 1932, nhà in Bùi Văn Nhẫn ở Bến Tre cũng xuất bản cuốn sách Thi pháp diễn giải: chỉ phép tắc làm thơ, truyện, ngâm, phú… Nửa đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện nhiều công trình lý luận phê bình ứng dụng các học thuyết văn nghệ phương Tây vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam. Việc phân tích hình thức nghệ thuật đã được chú ý đến trong các tác phẩm như: Việt Hán văn khảo (Phan Kế Bính), Quốc văn cụ thể (Bùi Kỷ), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm), Ca trù thể cách (Xuân Lan), Việt Nam cổ văn học sử (Nguyễn Đổng Chi), Việt Nam văn học (Ngô Tất Tố), Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân), Nhà văn hiện đại (Vũ Ngọc Phan)… Nhưng phải nói, cuốn sách mang màu sắc Thi pháp học rõ rệt nhất là Chương Dân thi thoại (1936) của Phan Khôi.
Ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, bên cạnh việc duy trì các quan điểm thi pháp đã có từ trước 1945, còn tiếp thu thêm nhiều trường phái thi pháp hiện đại từ Âu – Mỹ tràn sang. Chủ nghĩa hình thức đã thẩm thấu trong nhiều bài nghiên cứu, phê bình, điểm sách... Những tác giả có nhiều bài viết về thuyết cấu trúc (cơ cấu) là: Trần Thái Đỉnh (Quan niệm cơ cấu trong các khoa học nhân văn – Bách khoa, số 126 - 271 / 1968; Thuyết cơ cấu và phê bình văn học – Bách khoa, số 289 – 294 / 1969…); Nguyễn Văn Trung (Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một tiểu thuyết và đặt vấn đề tiếp thu – Bách khoa, số 293 – 294 / 1969, Phê bình mới, phê bình cũ – Bách khoa, số 381 / 1972…); Trần Thiện Đạo (Tìm hiểu thuyết cơ cấu – Văn học, số 2 / 1967…); Huỳnh Phan Anh (Samuel Beckett và thẩm quyền của ngôn ngữ - Khởi hành, số 29 / 1969, Đi tìm tác phẩm văn chương – 1972…). Và các bài viết khác của Trần Ngọc Ninh, Bùi Hữu Sũng, Lê Tuyên… Đặng Tiến ngoài chuyên luận Vũ trụ thơ (1972) còn có chùm bài Thơ là gì ? đăng nhiều kỳ trên tạp chí Văn năm 1973. Trong đó, có diễn giảng và vận dụng lý thuyết ngôn ngữ thơ ca của Jakovson. Về sách đã in, đáng lưu ý có: Thi pháp (1958 – 1960) và Phép làm thơ (1963) của Diên Hương nói về hệ thống niêm luật các thể thơ truyền thống Việt Nam. Các tác phẩm: Nguyên tắc sáng tác thơ ca (1959) của Vũ Văn Thanh, Luật thơ mới (1961) của Minh Huy, Từ thơ Mới đến thơ Tự do (1969) của Bằng Giang nói về thi pháp thơ hiện đại. Cuốn Khái niệm về ngôn ngữ và thi pháp Anh (1970) của Đỗ Khánh Hoan, Ferdinand de Saussure và ngữ học cơ cấu (1974) của Phạm Hữu Lai, Văn học và ngữ học (1974) của Bùi Đức Tịnh nói về hình thức ngôn ngữ nghệ thuật. Trong cuốn sách Dư vang nghệ thuật (1967), tác giả Trần Nhật Tân có bài “Đi tìm tâm thức ca dao trên trục tọa độ không thời”, ứng dụng lý thuyết về hệ thống không – thời gian (chronotope) của các nhà Thi pháp học thế giới vào việc tìm hiểu các mô thức trong ca dao Việt Nam. Nguyễn Văn Trung là người rất đề cao lối “phê bình bút pháp”. Trong Lược khảo văn học (1963), ông quan niệm: “Hình thức văn chương là cách tổ chức, xây dựng ngôn ngữ để biểu hiện nội dung văn chương”, “Hình thức trong văn chương là kiến trúc của tác phẩm”. Thời bấy giờ, người ta chưa quen dùng từ “thi pháp” nhưng tinh thần thi pháp thì đã phổ biến ở miền Nam.
Ở miền Bắc sau 1954 cũng như cả nước sau 1975, phương pháp xã hội học hay còn gọi là phương pháp văn hóa – lịch sử giữ địa vị độc tôn. Trong nhà trường, người ta chủ yếu mượn tác phẩm văn chương để tuyên truyền chính trị và đạo đức. Các đề thi lẫn bài làm văn của học sinh cũng xoay quanh các vấn đề về nội dung tư tưởng, lối sống của con người trong chế độ XHCN, ít có câu nào dành cho hình thức nghệ thuật. Người ta rất dị ứng với chủ nghĩa hình thức nên các công trình nghiên cứu ít đề cập tới hình thức nghệ thuật, nếu có, chỉ chiếu cố cho nó vài dòng ở cuối bài viết mà thôi. Phương pháp hình thức hầu như không được sử dụng trong các công trình nghiên cứu văn học hiện đại mà chỉ được sử dụng với một chừng mực vừa phải trong một vài công trình nghiên cứu văn học dân gian và cổ trung đại. Tiêu biểu như: Giảng văn Chinh phụ ngâm (Đặng Thai Mai), Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại (1968) của Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức, Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm (1979) của Đặng Thanh Lê, và các bài viết về văn học dân gian của Đinh Gia Khánh, Đặng Văn Lung… Trong những năm 1970, thuật ngữ “thi pháp” rất ít xuất hiện, thỉnh thoảng, có nhắc đến trong trong một vài tác phẩm như: Thể lục bát từ ca dao đến Truyện Kiều (Nguyễn Văn Hoàn - Tạp chí Văn học, số 1 / 1974), Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp (Nguyễn Thái Hòa – NXB Khoa học xã hội, H. 1977). Năm 1980, các nhà nghiên cứu văn học dân gian như Lê Kinh Khiên, Chu Xuân Diên có nhắc đến thuật ngữ “thi pháp văn học dân gian”. Vương Trí Nhàn có bài “Chung quanh khái niệm “thi pháp” trong khoa nghiên cứu văn học xô – viết hiện nay đăng trên tạp chí Văn học số 1 / 1981….
Từ giữa thập niên 80, tình hình chính trị ở Liên Xô có những biến động lớn do có công cuộc cải tổ. Chủ nghĩa hình thức càng có dịp tốt để nở rộ. Theo bước chân của những nghiên cứu sinh, bộ môn Thi pháp học du nhập vào Việt Nam tạo ra một sinh khí mới. Bởi vậy, người ta nói, Thi pháp học là một bộ môn tuy cũ mà mới ở Việt Nam. Người ta nhận thấy Thi pháp học có thể giải quyết được nhiều vấn đề đang bế tắc lúc bấy giờ. Chẳng hạn, nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhưng lâu nay bị đánh giá thấp chỉ vì nội dung tư tưởng, cần phải đánh giá lại. Nhiều nhà văn đang phá bỏ những nguyên tắc sáng tác cũ lỗi thời và dẫn đầu công cuộc đổi mới nền văn học, như vậy, sẽ đánh giá tác phẩm của họ theo tiêu chí nào ?... Như vậy, không thể chỉ căn cứ vào tiêu chí nội dung tư tưởng để đánh giá tác phẩm. Hướng nghiên cứu hình thức nghệ thuật tác phẩm đang mở ra nhiều hướng đi mới, tránh những lối mòn cũ kỹ. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học buộc phải đổi mới để tránh sự bế tắc.
Sau Đổi mới, nhiều nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học, Văn học dân gian và Văn học phương Tây đã mở đường cho Thi pháp học tiến vào Việt Nam. Có thể kể tên một số nhà nghiên cứu đi tiên phong trong lĩnh vực này như sau: Phan Ngọc là người đã dịch cuốn Nghệ thuật thơ ca của Aristote xuất bản năm 1964 và sau này còn dịch cả Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, Mỹ học của Hegel. Ông còn viết các tác phẩm Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học (1995)… Hoàng Trinh có các công trình như: Thi pháp Đốt – xtôi – ép – xki dưới con mắt Ba – khơ - tin (1991), Thi pháp học và thế giới vi mô của văn học (1991), Từ ký hiệu học đến Thi pháp học (1992)… Đỗ Đức Hiểu có một số bài về thi pháp gây chú ý trên báo Văn nghệ như: Một số vấn đề Thi pháp học. Thi pháp là gì ? (số 16/1992), Thi pháp học, thi pháp thơ (số 17/1992). Sau này tập hợp in trong cuốn Thi pháp hiện đại (2000). Nguyễn Xuân Kính bảo vệ luận án tiến sĩ ở Liên Xô với đề tài về thi pháp văn học dân gian. Từ năm 1989 trở đi, ông công bố hàng loạt công trình liên quan tới thi pháp, đáng kể nhất là cuốn Thi pháp ca dao (1993). Trần Đình Sử cũng bảo vệ luận án ở Liên Xô với đề tài liên quan tới Thi pháp học và sau đó trở thành chuyên gia hàng đầu về Thi pháp học ở Việt Nam. Để chứng minh rằng Thi pháp học không có gì là “tư sản” cả, ông đã dùng nó để phân tích thơ của Tố Hữu, người đứng đầu thơ ca cách mạng vô sản Việt Nam. Cuốn sách Thi pháp thơ Tố Hữu ra đời năm 1987, đúng vào năm đầu Đổi mới nên công cuộc bành trướng Thi pháp học diễn ra hết sức thuận lợi. Sau đó ông còn cho ra đời hàng loạt công trình thi pháp như: Một số vấn đề thi pháp hiện đại (1993), Giáo trình dẫn luận Thi pháp học (1998), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1999), Thi pháp Truyện Kiều (2002)… Ngoài ra, còn có nhiều nhà nghiên cứu, dịch thuật khác đã góp phần giới thiệu Thi pháp học ở Việt Nam như: Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Hải Hà, Cao Xuân Hạo, Lại Nguyên Ân, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Tri Niên, Đỗ Lai Thúy, Lê Ngọc Trà, Vương Trí Nhàn, Chu Xuân Diên, Nguyễn Kim Đính, Phan Đăng Nhật, Hoàng Ngọc Hiến, Bùi Mạnh Nhị, Trần Duy Châu, Nguyễn Tài Cẩn…
Việc nghiên cứu Thi pháp học đã tạo thành một trào lưu ở Việt Nam những năm 1990. Hàng loạt công trình dịch thuật, giới thiệu các nhà Thi pháp học Liên Xô được xuất bản và đăng tải trên các báo chí. Bạn đọc Việt Nam đã biết đến tên tuổi của các nhà Thi pháp học nổi tiếng thế giới như: Aristote, Lưu Hiệp, Viên Mai, Bakhtin, Jakobson, Khrapchenco, Todorov, Meletinski, Propp… Thật khó thống kê được có bao nhiêu luận án, luận văn, bài báo về Thi pháp học. Tính đến năm 2000, ngoài các tác phẩm đã nêu trên còn có một số cuốn sách về Thi pháp học như sau: Về lĩnh vực Văn học dân gian và văn học kịch: Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp (Nguyễn Thái Hòa - 1977), Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian (Hà Bình Trị - 1999), Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam (Phan Thị Đào – 1999), Thi pháp văn học dân gian (Lê Trường Phát – 2000), Phong cách và thi pháp trong nghệ thuật cải lương (Hà Văn Cầu – 1995), Về thi pháp kịch (Tất Thắng – 2000)…Về văn học viết Việt Nam: Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (Bùi Văn Tiếng – 1997), Về một đặc trưng của thi pháp thơ Việt Nam (1945 – 1995) (Vũ Văn Sĩ – 1999)... Về văn học nước ngoài: Thi pháp L. Tônxtoi (Nguyễn Hải Hà – 1992), Thi pháp thơ Đường (Nguyễn Thị Bích Hải – 1995), Thi pháp thơ Đường (Lương Duy Thứ - 1996)…Về lý luận Thi pháp học: Góp phần tìm hiểu nghệ thuật thơ ca (Bùi Công Hùng – 1983), Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ (Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương – 1995), Phân tích tác phẩm văn học từ góc độ thi pháp (Nguyễn Thị Dư Khánh – 1995), Những vấn đề thi pháp của truyện (Nguyễn Thái Hòa – 2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam (Hữu Đạt – 2000)…
Từ sau năm 2000, còn xuất hiện thêm rất nhiều nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực Thi pháp học như: Phan Cự Đệ, Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân, Lộc Phương Thủy, Đỗ Bình Trị, Nguyễn Xuân Đức, Trịnh Bá Đĩnh, Trần Nho Thìn, Kiều Thu Hoạch, Hồ Thế Hà, Phan Huy Dũng, Bửu Nam, Lê Tiến Dũng, Đào Duy Hiệp, Nguyễn Đăng Điệp, Lê Huy Bắc, Lã Nhâm Thìn, Nguyễn Văn Long, Trần Hoàng, Nguyễn Nguyên Tản, Nguyễn Thanh Tú, Phan Thu Hiền, Lê Thị Tuyết Hạnh, Hoàng Xuân Họa, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Mạnh Hùng, Cao Kim Lan, Phan Diễm Phương, Phạm Thu Yến, Hồ Giang Long, Nguyễn Phong Nam, Lê Đình Sơn, Hoàng Sự, Trần Khánh Thành, Vũ Thăng, Đào Ngọc Chương, Phạm Ngọc Hiền, Bùi Thanh Truyền… Danh sách trên chắc còn chưa đầy đủ và chưa có điều kiện nói đến những nhà nghiên cứu Thi pháp học người Việt Nam ở nước ngoài. Địa hạt nghiên cứu Thi pháp học ở Việt Nam không chỉ đông đảo về tác giả, nhiều về số lượng tác phẩm mà còn đa dạng về lĩnh vực nghiên cứu và trường phái. Thỉnh thoảng cũng nổi lên vài vụ tranh luận công khai, tranh luận ngầm về cách hiểu Thi pháp học và các thuật ngữ liên quan, về phạm vi nghiên cứu và hướng tiếp cận tác phẩm. Nhìn chung, đó là một bức tranh phong phú và sống động.
Trong nhà trường, Thi pháp học được giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học. Sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay đã quan tâm nhiều đến Thi pháp học, “chất văn” đã được chú ý đúng mức trong giờ văn. Đề thi và đáp án môn văn thường yêu cầu học sinh “phải bám sát vào văn bản tác phẩm”, phân tích vẻ đẹp nghệ thuật ngôn từ. Việc dạy và học tác phẩm văn chương trong nhà trường đang dần dần tiến sâu vào quỹ đạo Thi pháp học, và trong tương lai, tinh thần Thi pháp học sẽ được vận dụng triệt để hơn. Khi ấy, ta có thể nói rằng, Thi pháp học đã được phổ cập ở Việt Nam.
TS. PHẠM NGỌC HIỀN