Đọc thơ Đặng Ngọc Khoa
Đọc thơ Đặng Ngọc Khoa
(Bài thơ “Đa mang” trong Tập Thơ cùng tên- NXB Đà Nẵng, 12/2009)
Một người bạn văn từ Đà Nẵng đã gởi cho tôi tập thơ “ Đa Mang” ( nhà XB-ĐN tháng 12-2009) của Đặng Ngọc Khoa, trang đầu có dấu son in “ Gia Đình Đặng Ngọc Khoa - Kính Tặng”. Tập thơ dày hơn 140 trang/ gồm 46 bài thơ và 5 ca khúc phổ nhạc từ thơ của anh.
Tôi không “có duyên” quen thân với anh lâu - dường như chỉ một lần ở Saigon lúc nhà thơ Hoàng Lộc về làm đám cưới cho cô con gái rượu ở nhà hàng Sinh Đôi! Lần ấy, tôi hân hạnh được gặp khá đầy đủ quý anh chị em quê gốc Quảng-Hội An/ đồng hương với Hoàng Lộc. Tuy vậy. tôi đã có dịp đọc thơ của Đặng Ngọc Khoa khá lâu rồi! Thơ anh đã tạo được dấu ấn rất riêng, rất sâu đậm trong tôi giữa bao trang thơ nhạt nhòa đồng phục hay kiểu dáng!
Tôi đã đọc “ Đa Mang” của Khoa với lòng ngưỡng mộ và tiếc nhó! Khoa không dùng Thơ để “ trang hoàng” riêng cho đời mình, mà để mong góp phần “ điểm tô “ cho người với tấm chân tình rất sâu đậm. Nếu có viết cho mình - thì đó cũng chỉ là lời trần tình chung của người cầm bút, của người có trái Tim nồng nhiệt biết yêu thương cuộc sống, trân trọng và hoài vọng về ngày mai…ĐNK không có tham vọng khi làm thơ mà chỉ coi thơ là nơi ký thác tâm sự, nối lòng, cảm nhận với bao điều xảy ra quanh anh cần phải chia sẻ mà thôi! Bởi vậy, thơ Khoa đầy ắp tình người…
Riêng trong bài ghi nhận ngắn này - tôi xin bày tỏ đôi điều về bài thơ tôi tăm đắc: “ Đa Mang” ( trang 72) . Đặng Ngọc Khoa sinh trưởng ở Quảng Nam ( Thôn An Trạch., xà Hòa Tiến, huyện Hòa Vang)-Năm 1991 anh cùng gia đình vào miền Nam sinh sống, dạy học, viết báo và trở thành phóng viên chính thức báo Thanh Niên từ năm 1993. Sau hơn 10 năm sống tại miên Nam, anh cùng gia đình trở lại Đà Nẵng năm 2002, tiếp tục làm phóng viên báo Thanh Niên. Xem vậy, ĐNK đã có nhiều chuyến đi- về Saigon-Đà Nẵng. Là một phóng viên, và nặng lòng với những hoạt động từ thiện-xã hội; anh cũng đã luôn di chuyển khắp mọi miền đất nước-chứng kiến bao điều không bao giờ quên! Bài thơ “ Đa Mang” đã được anh ghi phía dưới “Saigon-Đà Nẵng 1991.”. Có nghĩa là - ĐNK đã viết bài thơ cách ngày anh mất 18 năm, và lúc đó anh vừa tròn 34 tuổi.( ĐNK mất lúc 15 giờ 40 ngày 2.12.09-ở tuổi 52).
Tôi có ý ghi lại chi tiết này để nói thêm rằng, bài thơ “ Đa Mang”-ĐNK không phải chỉ viết lại trong một lúc ngẫu hứng – mà cả một quá trình suy ngẫm, cảm nhận lâu dài trên quảng đường Saigon-Đà Nẵng/ hai nơi đã từng ghi lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời anh! Đến năm 91 thì bài thơ mới được ghi đầy đủ lên giấy!
Lạ thay - mở đầu, Khoa đã viết:
“ Đừng khóc nữa em anh về xa
Gối đầu lên cỏ nghĩ quê nhà
Làng anh mọc dưới ngôi sao ấy
Em có bao giờ ngóng sao sa? “
“ Đừng khóc nữa em anh về xa” - lời khuyên nhủ thì thầm giản dị, bình thường - rất an nhiên với người yêu trước giờ khắc chia tay (cái “ an nhiên” trong nỗi bất hạnh không thể cứu vớt dược nữa) nghe mà rưng rưng. Phải chăng đó là một sự an bài của mệnh số, của nhân duyên-không ai có thể cưỡng lại mà Khoa đã linh cảm được? Ba tiếng “anh về xa” vang vọng da diết của người ra đi mà biết mình không thể trở lại! Và, để rồi - đêm đêm “gối đầu lên cỏ nghĩ quê nhà” - một không gian mờ ảo, thênh thang của cõi xa mờ nào đó được vẻ ra thật huyền bí, mà cũng thật cô đơn của kiếp người “ đi xa “ sẽ đến! Đó là “Làng anh mọc dưới ngôi sao ấy”/ Ngôi làng đã “mọc“ dưới ngôi sao-và nhà thơ thầm thì :“ Em có bao giờ ngóng sao sa? “- Em có bao giờ nhìn thấy, ngóng đợi một ngôi sao rơi rụng lạc lõng trên vòm trời mênh mông bóng tối ấy chưa? Đó là nơi anh đến…
“ Đừng khóc nữa em, anh nằm đau
Lá úa vàng chân gió bạc đầu
Trái tim chầm chậm buồn khản tiếng
Chim khách chết rồi - em ở đâu? “
Anh đang cô độc - buồn thương - đau đớn nằm đây/ trong cái làng “mọc dưới ngôi sao ấy”/ nghe tiếng khóc mà thêm chạnh lòng qua bao mùa lá rụng/ bao thuở gió bụi trần gian bạc thếch đời nhau! Và trái Tim anh - đã mỏi mòn trong tiếng kêu bi thương tàn lụn - đang âm ỉ. Âm thầm - từng phút giây…
“ Chim Khách” là loài chim nhỏ, có tiếng hót cao - lảnh lót, thường báo gọi sau hiên nhà mỗi khi có người lạ ( Khách) sắp đến thăm !. “ Chim Khách chết rồi ”- anh đã chết rồi, đã “ về xa” rồi - con chim khách không còn đến bên bờ tre sau nhà để gọi báo tin vui nữa -“ Em ở đâu? “ Hỏi, nhưng không đợi chờ câu trả lời!
“ Đừng khóc nữa em - đã tà huy
Lòng trời vòi vọi gió biệt ly
Thổi ngược hồn anh, bầm ký ức
Huyễn hoặc trăng chiều em vu quy…”
Em thôi đừng khóc than thêm nữa-bởi đời nhau đã xế bóng rồi, đã sắp bước vào hoàng hôn-đêm tối của chia biệt ngàn trùng! “ Lòng trời vòi vọi gió biệt ly” - Lòng trời đã vậy/ định số đã đến như cơn gió lồng lộng thổi tung mỗi số phận bé nhỏ bi thương. Và đã “ thổi ngược hồn anh bầm ký ức”-đã thổi thốc vào hồn thơ anh-vào tâm hồn anh, đời anh-mãnh liệt đến nỗi từng lớp ký ức sâu thẳm tận đáy lòng cũng rã rời, tím đau! Tất cả đã trở nên “ huyễn hoăc”, tan biến, mơ hồ ngay cả một chiều trăng ước mơ nào đó không bao giờ quên trong đời? “ Huyễn hoặc trăng chiều em vu quy…”.
“ Đừng khóc nữa em sóng thời gian
Hóa thạch nghìn năm máu dã tràng
Ngọc của đời nhau vùi xanh cát
Có bao giờ bừng hoa vông vang? “
Thời gian vẫn trôi qua - không suy giảm, không chút đổi thay - vẫn lạnh lùng/ cho dù “máu dã tràng” nghìn năm đã hóa đã! Thân phận của đời người muôn kiếp vẫn là những con dã tràng se cát ngày đêm/ để rồi -“ Ngọc của đời nhau vùi xanh cát”! “ Ngọc” sẽ trở về với cát bụi mịt mùng, bé nhỏ trước vũ trụ bao la thăm thẳm/ “ Có bao giờ bừng hoa vông vang? “- Có bao giờ những viên ngọc đời bị vùi chôn trong sóng cát thời gian kia lại bừng nở những cánh hoa xinh? Hỏi chỉ để hy vọng - một chút nắng ấm đã rọi chiếu vào giữa cõi sa mạc giá buốt cô đơn..
“ Đừng khóc nữa em, những ngày sau
Mé biển rừng đêm những toa tàu
Đa mang yêu dấu-đa mang nhớ
Có tron đời ta đa mang nhau? “
Lại thì thầm “ đừng khóc nữa em” - điêp khúc xuyên suốt 6 đoạn thơ của “ Đa Mang” không làm cho người đọc cảm thấy thừa/ mà như nó mãi ngân lên tiếng lòng da diết nhớ thương của người sắp từ biệt / sắp đi xa! “ Đừng khóc nữa em, những ngày sau/ Mé biền rừng đêm những toa tàu”- Hình ảnh chuyến tàu khuya Saigon - Đà Nẵng ( và ngược lại) rầm rập lặng lẽ chạy trên con đường ray sát mé biển đang nhấp nháy ánh sao phản chiếu, ánh đèn thuyền chài xa xa/ ghi dấu kỷ niệm một thời yêu thương sum vầy-xin em cũng đừng nhớ nữa! “ Đừng khóc nữa em…”. Hình ảnh chuyến tàu lầm lũi, yên lặng - băng băng trong đêm - một phía là biển, một bên là rừng - biển thì mênh mông xa vắng và rừng thì thâm u bạt ngàn - phải chăng, đó cũng chính là chuyến tàu của mỗi đời người ? –Vậy mà, chúng ta đã “ Đa mang yêu dấu, đa mang nhớ/ Có trọn đời ta đa mang nhau? “/ Có phải thật thế không? Chúng ta có được “ trọn đời” ta yêu thương nhau? Lần thứ tư một câu hỏi cũng bị bỏ lửng đau lòng…
“ Đừng khóc nữa em, những chiều xa
Tay ghì tím cỏ níu sao sa
Vết xướt của trời
hồn anh đấy
Em
sẽ bao giờ em bước qua?
Bên cạnh 5 điệp khúc (đừng khóc nữa em) trong 6 đoạn của bài thơ, ĐNK cũng đã để lại bao điều chưa nguôi, chưa trọn vẹn ở 5 dấu hỏi (?) ở cuối mỗi đoạn thơ nữa . Làm sao không xuyến xao luyến nhớ thương trong giờ khắt vĩnh biệt nhau ? Niềm ưu tư khắt khoải của nhà thơ cũng là những “ vấn nạn”chung ngàn đời của kiếp nhân sinh nơi cõi tạm này! Nhưng nhà thơ vẫn còn đủ tỉnh giác để lại tiếp tục tâm sự với người yêu : “ Đừng khóc nữa em, những chiều xa…”. Đôi tay gầy bé bỏng kia dù có gắng hết sức bình sinh mà “ níu giữ”/ “ tay ghì tím cỏ”-thì làm sao mà giữ nỗi một ánh sao đang rơi/ một cuộc đời đã đến rồi định số? Nỗi bất lực của con người, của vạn vật trước lẽ vô thường của đất tròi là thế…
“ Vết xướt của trời
hồn anh đấy “
Ngôi sao đang sa vào giữa cõi hư vô mịt mùng bóng tối-chút ánh sáng vẻ lên bầu trời đêm-như một vết xướt kia/ chính là “ hồn anh đấy”! Là anh còn lại với em . Với đời! Cái “còn lại” tuy thật bé nhỏ/ nhưng rất đáng trân quý…
“ Em sẽ bao giờ em bước qua? “