Văn học Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước nhìn từ truyện ngắn
Truyện ngắn với tính chất là một hình thức tự sự nghệ thuật được nhiều người viết lựa chọn đã cho thấy những ưu trội và dấu ấn thể loại trong đời sống văn học. Ảnh minh họa. Nguồn pinterest.
Sự kiện lịch sử trọng đại ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước có tác động quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, đến văn hóa, xã hội. Sự thay đổi trạng thái đời sống từ chiến tranh sang hòa bình cũng đã từng bước tạo nên chuyển biến trong đời sống văn học, từ hoạt động sáng tác đến tiếp nhận văn học. Với tính chất đặc thù của một hình thức tự sự có lợi thế trong việc nắm bắt những chuyển động kịp thời, có tính chất bước ngoặt của đời sống xã hội, thể hiện những vấn đề của cái đời thường, cái thường nhật; truyện ngắn là thể loại dễ được nhiều người viết lựa chọn. Ở thời điểm ngay sau chiến tranh, nếu các thể loại khác như tiểu thuyết, hồi ký không ưu trội về khả năng phản ánh hiện thực kịp thời do cần có thời gian lắng lại để chiêm nghiệm, đúc kết thì truyện ngắn là thể loại cho thấy sự phù hợp trong việc khắc họa trạng thái đời sống trong sự chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình, trước những tình thế mới diễn ra và nảy sinh trong đời sống. Truyện ngắn với tính chất là một hình thức tự sự nghệ thuật được nhiều người viết lựa chọn đã cho thấy những ưu trội và dấu ấn thể loại trong đời sống văn học. Ở đó người viết truyện ngắn một mặt đã kế thừa những đặc điểm truyền thống của thể loại, của văn học giai đoạn trước, mặt khác đã thể hiện được những khát vọng đổi mới thể loại, đổi mới văn học trước yêu cầu thể hiện những vấn đề của đời sống và nghệ thuật.
Chuyển biến từ tiến trình vận động thể loại
Thành tựu của truyện ngắn sau 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất có thể được nhìn nhận từ tiến trình vận động thể loại. Tiến trình này dù không trùng khít với những mốc thời gian, thời điểm cụ thể của lịch sử nhưng nhìn một cách tổng thể, trục vận động của thể loại đã vận hành trên những mốc thời gian, thời điểm có tính chất bước ngoặt hoặc có yếu tố ghi dấu những chuyển biến từ đời sống đến nghệ thuật.
Những năm đầu sau chiến tranh, đời sống bắt đầu có những thay đổi theo quy luật vận động từ chiến tranh sang hòa bình. Các nhà văn đã nắm bắt những biến đổi trong cuộc sống thường nhật, từ cuộc chiến trở về với đời thường. Các truyện ngắn trong tập truyện Trung du (1977) của Đỗ Chu là những đan xen của âm hưởng hào hùng từ cuộc chiến tranh vừa kết thúc và những trạng huống của người lính từ chiến trường trở về, không khí của những ngày tái thiết xây dựng đất nước khi hòa bình mới được lập lại. Truyện ngắn Ngọn lửa của Đỗ Chu ghi lại những thời khắc có ý nghĩa của một người vừa thoát khỏi xiềng xích của nhà tù Mỹ - ngụy. Một người lính trở về là những ngày tháng trở lại thành phố của một chiến sĩ khi đất nước bước vào thời kỳ tái thiết sau chiến tranh. Sau ngày giải phóng, Thái Bá Lợi viết Hai người trở lại trung đoàn. Ở thời điểm xuất hiện, Hai người trở lại trung đoàn đem đến một cách nhìn mới về hiện thực, cho thấy sự mở rộng các chiều kích và phương diện khám phá đời sống: con người được nhìn nhận và thể hiện trong tính đa dạng và phức tạp của nó. Những năm đầu thập niên 80, sau quán tính của một giai đoạn văn học với âm hưởng ngợi ca, khẳng định những kì tích của dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kì, tác giả truyện ngắn đã chú ý khai thác nhiều chiều kích của một hiện thực và hiện thực khác trước. Nguyễn Minh Châu có sự thay đổi tư duy nghệ thuật từ những truyện ngắn trong tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983). Tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành trong tập truyện được chú ý bởi những dấu hiệu đổi mới trong lối viết, từ cách tiếp cận hiện thực đến việc xây dựng nhân vật trở về từ chiến trường với những kí ức chiến tranh hằn sâu trong tâm trí. Ngòi bút của tác giả Nằm vạ (Bùi Hiển) tỏ ra riết róng với những vấn đề của xã hội sau chiến tranh (Cái bóng cọc, Anh bạn Kỉnh của tôi). Mười năm đầu khi chiến tranh kết thúc, với sự thay đổi trạng thái đời sống, các nhà văn đã có sự dịch chuyển trong việc thể hiện những vấn đề của hiện thực. Tuy hình tượng người lính và những vấn đề của chiến tranh cách mạng vẫn là chủ đề quan trọng nhưng đã có chiều hướng khai thác với âm hưởng đan xen giữa cái hào hùng và cái trần tục. Sau 1986, văn học đã bước vào tiến trình đổi mới với những đóng góp và dấu ấn của quan trọng của truyện ngắn.
Thành tựu của truyện ngắn được thể hiện ngay từ những năm đầu đất nước bước vào công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Mười năm sau khi chiến tranh kết thúc, đại hội VI của Đảng đánh dấu sự thay đổi trong đường lối vận hành kinh tế xã hội, xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường; đời sống xã hội có những biến chuyển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Đời sống xã hội sau chiến tranh và khi đất nước bước vào thời kỳ chuyển đổi sang cơ chế thị trường đã cho thấy những động lực, điều kiện cho sự phát triển của văn học. Chuyển động của truyện ngắn đã cho những thay đổi trong tư duy nghệ thuật và thực hành sáng tác trên tiến trình vận động. Những vấn đề của đời sống xã hội, của con người trong tính đa diện đã được nhiều người viết chuyển tải. Bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của Nguyễn Minh Châu được đăng tải trên báo Văn nghệ đã có những tác động đến thực tiễn sáng tác của văn nghệ sĩ hồi bấy giờ. Sự nhận thức lại, nhu cầu tự vấn, khát vọng được thành thật là niềm trăn trở của không chỉ Nguyễn Minh Châu thời đó. Những luận điểm của Nguyễn Minh Châu về cái gọi là “văn học minh họa” cũng như ý kiến về một nền “văn học phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến từ chỗ gây xôn xao trong đời sống văn học đã trở thành một “cú hích” cho sáng tạo nghệ thuật. Cùng với những “tuyên ngôn” là sự thay đổi về lối viết. Truyện ngắn Bức tranh có thể xem là bước ngoặt trong tư tưởng và lối viết của Nguyễn Minh Châu - nhà văn từng có các tiểu thuyết mang đậm dấu ấn sử thi và chủ nghĩa anh hùng cách mạng: từ âm hưởng hào hùng, chất giọng lãng mạn, sử thi về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc đến giọng điệu thâm trầm, day dứt về đời sống và thân phận con người sau chiến tranh. Giai đoạn này ghi nhận vai trò của Nguyễn Minh Châu ở tư cách người mở đường, có những đóng góp quan trọng cho sự đổi mới văn học. Sau Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng Nguyễn Minh Châu đã có sự “lột xác” với Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Phiên chợ Giát. “Một thời lãng mạn” lùi về phía sau nhường chỗ cho sự chiêm nghiệm và nhận thức lại.
Ngay sau thời điểm Đổi mới (1986) Nguyễn Huy Thiệp ghi dấu ấn trên tiến trình đổi mới văn học với việc công bố truyện ngắn Tướng về hưu và những truyện ngắn về đề tài lịch sử (Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc...). Với chùm truyện ngắn lịch sử trình làng, Nguyễn Huy Thiệp đã khơi mở một cách viết về lịch sử, tạo nên những tranh luận, gợi dẫn cách viết mới và mở ra những chiều kích của sự đọc. Phạm Thị Hoài công bố nhiều truyện ngắn (trong tập Mê lộ) từ những năm cuối thập niên 80. Tạ Duy Anh với Bước qua lời nguyền, Xưa kia chị đẹp nhất làng thể hiện một cách nhìn đời sống trên tinh thần đổi mới, nhận thức lại. Không ít những truyện ngắn lúc này đã thể hiện nhiều góc cạnh của đời sống, những góc khuất của số phận con người hậu chiến (Cỏ lau - Nguyễn Minh Châu, Mê lộ - Đỗ Chu, Xưa kia chị đẹp nhất làng - Tạ Duy Anh, Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo, Họ đã trở thành đàn ông - Phạm Ngọc Tiến, Hai người đàn bà xóm Trại - Nguyễn Quang Thiều, Bản lý lịch tự thuật - Y Ban)…
Bước ngoặt của truyện ngắn với những thành tựu được ghi nhận có tiền đề từ những chuyển động của văn học 10 năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc. Những năm cuối thập kỉ 80, những năm đầu thập kỉ 90 được xem là cao trào của quá trình đổi mới văn học với nhiều tên tuổi truyện ngắn được xác lập như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ... Truyện ngắn ở chặng đầu thời kỳ đổi mới còn được ghi dấu bởi sự góp mặt của các cây bút nữ. Đây cũng là thời điểm truyện ngắn nữ khởi sắc, cho thấy một phương diện thành tựu văn học của quá trình đổi mới gắn liền với những đổi mới trong quan niệm xã hội về người nữ, xuất phát từ ý thức nghệ thuật của chính tác giả nữ, không gian văn học và những cơ chế thông thoáng, cởi mở tạo điều kiện cho người nữ phát huy khả năng sáng tạo.
Những thập niên đầu thế kỷ XXI, bắt nhịp với xu thế hội nhập, nhiều cây bút đã có những tiếp cận đời sống theo những cách thức mới, đa dạng, đồng thời xuất hiện những cây bút mới: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đặng Thân, Lê Anh Hoài, Nguyễn Nguyên Phước, Di Li, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Uông Triều, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương… Có thể dẫn ra một số tập truyện ngắn của các tác giả như: Nguyễn Ngọc Tư - Cánh đồng bất tận; Đỗ Bích Thúy - Sau những mùa trăng,; Phạm Duy Nghĩa - Cơn mưa hoa mận trắng; Sương Nguyệt Minh - Người ở bến sông Châu; Tạ Duy Anh - Lãng du; Y Ban - I am đàn bà; Nguyễn Thị Châu Giang - Tóc ngắn; Dạ Ngân - Nước nguồn xuôi mãi, Ma Văn Kháng - Cỏ dại; Nguyễn Văn Thọ - Vàng xưa; Trần Thùy Mai - Quỷ trong trăng; Trần Thị Trường - Thời gian ngoảnh mặt; Nguyễn Thị Thu Huệ - Thành phố đi vắng; Nguyễn Việt Hà - Của rơi; Nguyễn Vĩnh Nguyên - Động vật trong thành phố; Hồ Anh Thái - Tự sự 265 ngày; Lê Minh Khuê - Nhiệt đới gió mùa; Mạc Can - Cuộc hành lễ buổi sáng; Vũ Đình Giang - Mười sáu mét vuông; Phan Việt - Phù phiếm truyện; Phong Điệp - Phòng trọ; Đỗ Tiến Thụy - Vết thương thành thị; Nguyễn Danh Lam - Mưa tháng mười một; Bùi Thị Như Lan - Cọn nước đôi; Cao Duy Sơn - Ngôi nhà xưa bên suối; Phan Thị Vàng Anh - Ở nhà; Lê Minh Hà - Cổ tích cho ngày mới; Nguyễn Nguyên Phước - Lần đầu tiên; Đỗ Hoàng Diệu - Bóng đè; Tô Hải Vân - Bỗng nhiên có một ngày; Bảo Ninh - Chuyện xưa kết đi được chưa; Uông Triều - Đôi mắt Đông Hoàng; Võ Diệu Thanh - Cô con gái ngỗ ngược; Ngô Phan Lưu - Con lươn chép miệng; Nguyễn Thị Kim Hòa - Đỉnh khói; Trần Thanh Cảnh - Kỳ nhân làng Ngọc; Niê Thanh Mai - Về bên kia núi; Nguyệt Chu - Người canh giữ phù dung; Nhật Phi - Nhật ký một người cô đơn; Trần Vũ - Phép tính của một nho sĩ; Đinh Phương - Mơ Lam Kinh… Những dẫn liệu trên đây đã phần nào cho thấy sự phong phú đa dạng số lượng tác pahamr, ở độ tuổi người viết, ở vùng miền sáng tác, ở các khu vực văn học. Nhìn từ không gian sống, viết và xuất bản tác phẩm có thể thấy sự hiện diện của những người viết từ trong nước đến hải ngoại, từ miền xuôi đến miền ngược; từ những người viết xuất hiện ở chặng đường trước Đổi mới, những năm đầu thời kì Đổi mới đến những cây bút mới có tác phẩm vào những thập niên đầu thế kỉ XXI. Dường như không gian xã hội rộng mở, môi trường sáng tác và cơ chế xuất bản thuận lợi đã tạo điều kiện cho những người viết bung nở.
Đổi mới trên tinh thần nhân văn mới - Con người với những đặc điểm nhân vị sinh động trở thành đối tượng khám phá
Với tính chất là một thể loại dễ thích ứng, kịp thời bám sát những vận động của đời sống con người và những bước chuyển của đời sống xã hội, sau 1975 truyện ngắn đã phát huy vai trò của một thể loại xung kích, thường được lựa chọn để khắc họa, chuyển tải những vấn đề của đời sống và nghệ thuật.
Vấn đề cốt lõi của văn học là hướng đến khắc họa đời sống con người. Ở thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, khi trí tuệ nhân tạo đã phát triển vượt bậc, kỹ thuật, máy móc có thể đảm nhiệm nhiều phương diện của đời sống nhưng con người vẫn là đối tượng quan trọng, có vai trò quyết định và trong nhiều trường hợp là không thể thay thế. Sáng tác văn học trong kỷ nguyên mới với việc AI có thể tạo ra tác phẩm cho thấy bước tiến mới nhưng đồng thời cũng đặt ra một vấn đề liệu AI có thể thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật đích thực, nhất là khi thể hiện, đề cập đến những phạm trù tâm lý, cảm xúc - phạm trù đặc thù và là một hiện thực sinh động. Xét cho cùng, con người không phải là phương tiện của lịch sử mà là mục tiêu cuối cùng của mọi công cuộc cải tổ. Con người là thước đo của những tiến bộ xã hội. Chú ý đến các bình diện của con người như một thực thể, một cá nhân với ý thức, hành vi, trạng thái tâm lý, tính cách trong đời sống xã hội là biểu hiện của tinh thần nhân văn mới trong văn học. Đây cũng là một thành tựu của văn học sau chiến tranh, với những dấu ấn quan trọng của đổi mới văn học được thúc đẩy từ cơ chế, những vận hành của đời sống xã hội và ý thức sáng tạo của người cầm bút. Cái nhìn, tư tưởng mới về con người là cơ sở cho những sáng tạo trên tinh thần nhân văn mới. Ở phương diện này, truyện ngắn có thể được nhìn nhận là thể loại đi tiên phong và có những dấu ấn quan trọng trong suốt chặng đường 50 năm sau ngày thống nhất đất nước.
Nhìn trong tiến trình lịch sử, con người luôn là một thành tố không tách rời với đời sống, với môi trường xã hội. Bởi vậy ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn văn học, con người được thể hiện mang dấu ấn lịch sử và không gian xã hội mà mỗi cá nhân trong đó thuộc về. Trong chiến tranh, nhà văn hướng tới con người cộng đồng. Điều này trở thành một quan điểm xuyên suốt của văn học thời kỳ chiến tranh cách mạng, tạo thành chủ lưu của đời sống văn học, theo đó con người cá thể thường không được chú ý khai thác. Sau 1975, tiến trình vận động của đời sống xã hội, đời sống văn học với tinh thần nhân văn mới, con người cộng đồng vẫn xuất hiện trong truyện ngắn sau 1975 nhưng không nổi trội. Người viết thường chú ý xây dựng nhiều kiểu dạng con người như một thực tiễn sinh động được phóng chiếu trong tác phẩm truyện ngắn, nhìn con người trong tính đa diện, con người bản thể. Con người được hiện diện trong tác phẩm sinh động, nhiều kiểu dạng: con người đời thường không nguyên phiến; con người tự ý thức, tự vấn; con người tha hóa, tự đánh mất mình; con người tâm linh…
Tính chất đời thường của văn học được quy chiếu trong tác phẩm qua việc thể hiện những sắc thái đa dạng với những biểu hiện của dạng thức con người đời thường không nguyên phiến. Những dấu hiệu của sự chuyển biến trong cách nhìn về con người được thể hiện trong sáng tác của nhiều cây bút truyện ngắn ngay từ những năm đầu sau chiến tranh, ở truyện ngắn Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi), những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bản. Nhiều cây bút truyện ngắn nữ (Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo…) thường khai thác những chiều kích của con người với những khát khao hạnh phúc, những xúc cảm nếm trải tạo nên những không gian hiện thực sinh động, khác với cách nhìn trước đây của người viết nữ. Con người tự ý thức cũng là một kiểu dạng thường thấy trong truyện ngắn sau 1975. Trong truyện ngắn Phạm Thị Hoài nhân vật thường được tạo dựng như một trạng thái tồn tại hoặc một ý niệm về đời sống (Năm ngày, Trong cơn mưa, Thực đơn chủ nhật). Thực tiễn đời sống xã hội có những biến chuyển không ngừng trong sự vận hành của cơ chế thị trường. Thực tế đó cho phép con người được thụ hưởng nhiều nhu cầu cá nhân nhưng đồng thời cũng dễ bị tác động theo hướng con người có thể trở nên tha hóa, tự đánh mất mình. Đây cũng là một kiểu dạng nhân vật được các cây bút truyện ngắn khắc họa. Trong truyện ngắn Lê Minh Khuê vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, vấn đề nhân cách cá nhân trước những tác động của ý thức vật chất, của sức mạnh đồng tiền được chú ý khai thác (Anh lính Tony D, Đồng đô la vĩ đại, Đồng tiền có màu xanh kì ảo, Làng xi măng, Xóm nhỏ). Con người bản năng, vô thức cũng là một biểu hiện của tinh thần nhân văn mới trong sáng tác truyện ngắn. Đề cập đến những vấn đề bản thể, bản ngã từ chỗ là khát vọng được thành thật đã trở thành biểu hiện tự thân của người viết, xuất phát từ khả năng nắm bắt và nhu cầu thể hiện những thay đổi của đời sống. Viết về giới tính, tình dục với nhiều người viết là sự “vượt thoát” khỏi những không gian hiện thực vốn dĩ đã quen thuộc và định hình trước đó (Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư, I am đàn bà - Y Ban…). Con người với những mảng khuất của thế giới tâm linh trong Thanh minh trời trong sáng (Ma Văn Kháng), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Thợ may (Phạm Hải Vân)… cũng là một không gian hiện thực cho thấy những phạm trù khó nắm bắt trong đời sống được các cây bút truyện ngắn chuyển tải. Việc viết về phạm trù này đã cho thấy những biểu hiện của tinh thần hướng tới thể hiện những vấn đề bản thể, cũng là sự gặp gỡ với tinh thần sáng tạo của nhiều loại hình nghệ thuật trong chặng đường mà tự do sáng tạo từ chỗ được khơi mở đã có điều kiện bộc lộ một cách mạnh mẽ và trực diện.
Những vấn đề thuộc về con người, bản vị cá nhân, quy luật sinh tồn, những phạm trù căn tính, thân thể, giới tính, bệnh tật, tuổi già, cái chết… cũng được người viết chú ý đề cập (trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban, Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Tư…). Quy luật của đời sống thời bình đã bộc lộ nhiều phương diện của con người cá nhân, cho phép nhà văn có thể quan sát, suy nghiệm về đời sống với cái nhìn nhân văn mới.
Những thay đổi từ chính sách nhằm tái thiết và xây dựng đất nước sau chiến tranh với tình thần đổi mới, hướng tới phát huy tiềm lực của mỗi cá nhân đã có những tác động quan trọng đến nhiều phương diện của đời sống xã hội. Tính chất dân chủ hóa của đời sống văn học đã tạo ra không gian sáng tạo rộng mở. Sáng tạo trên tinh thần nhân văn mới, hướng tới những vấn đề gần gũi, không xa lạ với đời sống con người, các cây bút truyện ngắn đã cho thấy những khám phá mới, có ý nghĩa với nhận thức của mỗi cá nhân và xã hội.
Mở rộng bình diện hiện thực từ thực tiễn của đời sống xã hội và ý thức của chủ thể sáng tạo
Đời sống xã hội từ sau chiến tranh đã có những biến chuyển không ngừng. Nhìn từ truyện ngắn, có thể thấy các cây bút truyện ngắn đã tiếp cận và lý giải những vấn đề của hiện thực từ góc nhìn mới.
Quá trình vận động của đời sống thể loại truyện ngắn sau 1975 nhìn từ cách thức viết về chiến tranh và lịch sử có thể thấy được những bước đi và thành tựu của thể loại. Viết về chiến tranh sau 1975, sau quãng thời gian quán tính khoảng 10 năm đầu sau chiến tranh, các nhà văn đã có những nhận thức và trải nghiệm mới. Cái nhìn sử thi, lý tưởng hóa duy trì ở chặng đầu đã dần có những dịch chuyển trong cách tiếp cận và lối viết. Từ những truyện ngắn thời gian đầu sau chiến tranh như Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi) với những nhận thức về con người đời thường trong chiến tranh đến cảm quan về chiến tranh từ cái nhìn nhân bản trong Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Bản lý lịch tự thuật (Y Ban), Truyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri (Nguyễn Quang Lập), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (Nguyễn Minh Châu), Xưa kia chị đẹp nhất làng (Tạ Duy Anh), Trên mái nhà người phụ nữ (Dạ Ngân), Dạo đó thời chiến tranh (Lê Minh Khuê), Núi đợi (Bùi Thị Như Lan), Đỉnh khói (Nguyễn Thị Kim Hòa), Gió tháng chạp (Nguyệt Chu)…
Cảm quan mới khi viết về lịch sử được thể hiện trong những sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Kiếm sắc, Phẩm tiết, Vàng lửa, Nguyễn Thị Lộ), Sương Nguyệt Minh (Dị hương), Trần Thùy Mai (Nàng công chúa té giếng), Uông Triều (Đôi mắt Đông Hoàng)… và những cây bút trẻ (Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương…). Lịch sử cũng là một phương diện thể hiện tâm thức sáng tạo trên tinh thần đổi mới tư duy nghệ thuật của người viết: từ chỗ chú ý bám sát sự kiện lịch sử đến việc coi lịch sử với những chất liệu đã có để tạo nên những không gian nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo. Quan niệm viết về lịch sử của Uông Triều (“tôn trọng lịch sử ở những điểm mấu chốt và rõ ràng”, “lịch sử là niềm cảm hứng, chỗ dựa để cho sự sáng tạo”, “nhìn nhận lịch sử theo cảm quan riêng của người viết”, “lịch sử để soi chiếu hiện tại”, “nhà văn cần có bút pháp hấp dẫn”) cũng là thực tiễn được ý thức và thực hành của nhiều người viết về lịch sử thời gian gần đây.
Từ sự xuất hiện thưa thớt ngay sau chiến tranh đến trở thành phạm trù chủ đạo, các truyện ngắn thể hiện những vấn đề thế sự đời tư đã từng bước đưa văn học ra khỏi không gian chiến trường, chiến trận bước vào quỹ đạo đời thường, thể hiện nhiều phương diện của đời sống con người sau chiến tranh. Không ít những truyện ngắn sau chiến tranh đi vào nhiều góc cạnh của đời sống, những góc khuất của số phận con người thời hậu chiến (Cỏ lau - Nguyễn Minh Châu, Mảnh vườn xưa hoang vắng, Mê lộ - Đỗ Chu, Xưa kia chị đẹp nhất làng - Tạ Duy Anh, Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo, Họ đã trở thành đàn ông - Phạm Ngọc Tiến, Hai người đàn bà xóm Trại - Nguyễn Quang Thiều, Bản lý lịch tự thuật (Y Ban)… với giọng điệu chiêm nghiệm, nhiều suy cảm. Các sáng tác cũng đã thể hiện những vấn đề đạo đức, về con người cá nhân: từ con người tự nhận thức trong Bức tranh (Nguyễn Minh Châu), con người với những khát khao hạnh phúc trong Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều)… đến con người với những mảng khuất của thế giới tâm linh trong Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), con người tha hóa nhân cách trong truyện ngắn của Lê Minh Khuê… Tiếp cận với thế giới nhân vật trong các sáng tác, người đọc như được tiếp xúc với con người trong đời sống thực với tất cả sự sinh động, phong phú, đa dạng và cả những đa sự và phức tạp.
Từ những hình tượng, vấn đề văn học mang tính chủ đạo như nông thôn, nông dân, chiến tranh, người lính người viết hướng đến nhiều phương diện khác như việc thể hiện đời sống thị dân, đời sống cá nhân trong môi trường đô thị hiện đại, bao gồm cả không gian sinh tồn, bầu sinh quyển đô thị và những hoạt động, trạng thái tinh thần của con người trong bối cảnh đó. Hình ảnh đời sống đô thị đã được khắc họa trong nhiều sáng tác truyện ngắn (Thành phố đi vắng - Nguyễn Thị Thu Huệ, Một chiều xa thành phố - Lê Minh Khuê, Lạc chốn thị thành - Phong Điệp, Vết thương thành thị - Đỗ Tiến Thụy, Huyền thoại phố phường - Nguyễn Huy Thiệp, Mênh mang lối phố - Đỗ Phấn, Tháng chạp - Lý Lan…). Trong nhiều truyện ngắn đương đại không gian đô thị được khúc xạ qua những hình thái khác nhau, từ không gian địa lý đến không gian tâm tưởng, từ không gian xã hội đến không gian cụ thể (không gian căn phòng, khu chung cư, căn gác trọ). Những vấn đề sinh thái môi trường cũng được nhiều người viết quan tâm, xuất phát từ thực tiễn xã hội (sự xâm lấn, mở rộng đô thị làm biến đổi môi trường, cảnh quan và những thiếu hụt ý thức về những vấn đề môi sinh (Sống mãi với cây xanh - Nguyễn Minh Châu, Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư, Cả một dây neo theo nhau đi - Hồ Anh Thái, Hoa nở trên trời - Nguyễn Thị Thu Huệ...). Từ những vấn đề sinh thái đô thị, các cây bút truyện ngắn cũng quan tâm biểu đạt mối quan hệ của con người với tự nhiên (Sói trả thù - Nguyễn Huy Thiệp, Thung mơ - Hà Nguyên Huyến, Con thú bị ruồng bỏ - Nguyễn Dậu, Khói trời lộng lẫy - Nguyễn Ngọc Tư, Kiến và người - Trần Duy Phiên…) với ý thức và thực tiễn về những vấn đề sinh thái gắn liền với đời sống, sự an nguy của tự nhiên và cũng là của chính con người trong xã hội hiện đại.
Chủ trương và quá trình thực hiện chuyển đổi cơ chế kinh tế từ tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường đã có kết quả từ những thập niên cuối thế kỷ XX, tạo đà cho sự hội nhập kinh tế thế giới khi internet được ứng dụng rộng rãi trở thành yếu tố kích thích cho tiến trình toàn cầu hóa. Từ phương diện sáng tác, cùng với việc đồng thời xuất hiện nhiều thế hệ viết là những người viết dễ dàng sống, làm viết, di chuyển và viết trong những không gian khác nhau, ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới (Lý Lan, Nguyễn Phan Quế Mai, Trần Thùy Mai, Phan Việt, Nguyễn Văn Thọ...). Việc sống và viết trong những không gian khác nhau sẽ tạo nên những sắc thái đặc thù trong việc sử dụng chất liệu sáng tác, cảm quan sáng tác và thế giới hiện thực được biểu hiện. Một mặt toàn cầu hóa làm thay đổi quan niệm về không gian, thế giới xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ những khoảng cách không gian và thời gian; mặt khác cảm thức về nơi chốn cũng là một cảm quan hiện hữu, có tính chi phối ở nhiều người viết. Những trải nghiệm văn hóa đã góp phần làm nên thế giới nghệ thuật đặc trưng trong các sáng tác của Lê Minh Hà, Hồ Anh Thái…
Những phạm trù của việc biểu hiện con người và đời sống trong sáng tác truyện ngắn từ sau 1975 là phong phú, đa dạng, tương liên và đan bện như chính thực tiễn không gian xã hội đa chiều mà mỗi con người cũng như tác phẩm văn học (sản phẩm sáng tạo của chủ thể viết) là một thành tố thuộc về. Bởi vậy trong nhiều trường hợp sẽ không có sự tách bạch rạch ròi các phạm trù và vấn đề được người viết chuyển tải. Hiện thực trong tác phẩm còn là hiện thực được cảm thấy, là những cuộc đồng hành, đối thoại, khám phá, giải mã và nhiều khi là sự tự thức nhận của mỗi người đọc trên những nền tảng tri thức và phông văn hóa được kiến tạo.
Lối viết và những hiệu năng của phương thức nghệ thuật
Những năm sau chiến tranh, cùng với việc gia nhập văn đàn của những cây bút mới là sự thay đổi lối viết của các cây bút từng kinh qua chiến tranh và điều này cho thấy một thực tế: ý thức cách tân đã trở thành nhu cầu nội tại của người cầm bút, không chỉ là những người thuộc về lớp trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh mà còn là của những nhà văn đã đi qua chiến tranh. Không dừng ở sự khám phá, tiếp cận, mở rộng biên độ hiện thực mà còn là những thực hành đổi mới lối viết. Với truyện ngắn, những yếu tố hạn định về dung lượng khiến người viết cần có những tiết chế, những hoạch định, chiến lược, ý thức sâu sắc về bút pháp, những phương thức nghệ thuật sử dụng. Đặc điểm và những đổi mới bút pháp nghệ thuật truyện ngắn cho thấy ý thức nghệ thuật và những thực hành sáng tác trong bối cảnh mới. Truyện ngắn đa dạng, linh hoạt về bút pháp nghệ thuật, kĩ thuật cắt dán, đồng hiện, dòng ý thức, nghịch dị, kì ảo, đa dạng về hình thức (giả cổ tích, giả lịch sử...). Kết cấu truyện ngắn không đóng khung mà sử dụng đa dạng hình thức kết cấu (kết cấu mở, kết cấu theo hình xoáy trôn ốc, kết cấu theo hình thức nhật kí, bức thư, hoặc đan xen các hình thức kết cấu). Tính chất quy phạm của thể loại không đặc định mà người viết có thể linh hoạt trong cách viết. Người viết cũng có chủ ý và thực hành đan xen thể loại để phát huy tối đa khả năng biểu đạt đời sống và nghệ thuật. “Quy hoạch sự viết” cũng như việc lựa chọn thể loại là những hoạch định, sự lựa chọn yếu tố phù hợp tương thích với cơ chế sáng tạo của người viết và các phạm trù muốn chuyển tải nhưng có thể thấy người viết đã không tự gò mình vào những khuôn khổ cố định bởi điều này sẽ hạn chế những phóng túng trong sáng tạo và lối viết. Đời sống là quá trình vận động, biến chuyển không ngừng và có những trạng thái, vấn đề của đời sống là khó có thể nắm bắt. Bởi vậy những thủ pháp nghệ thuật đặc thù có thể được sử dụng như cách Lê Minh Phong thực hành trong một tập truyện ngắn: “Thủ pháp siêu hư cấu (metafiction) mà tôi vận dụng nhiều trong tập sách này đã phá vỡ những quy tắc để hướng tới những trạng huống dường như không thể diễn tả được. Khi hiện thực trở nên không thể mô phỏng thì trí tưởng tượng sẽ mở ra nhiều chiều hướng mới cho văn học. Tôi muốn hướng đến xây dựng hình tượng con người tương ứng với cảm trạng và tâm thức con người đương đại. Vì thế tôi đã phá vỡ những hình tượng nhân vật vốn bị đóng khung trong thi pháp truyền thống để hướng tới kiểu con người triền miên trong những giấc mơ khi tỉnh. Con người rơi vào một thế giới xa lạ và bất an, chập chờn và ám ảnh. Con người hiện diện trong sự bủa vây của phi lý. Con người khát khao hướng tới một sự hợp nhất trọn vẹn nhưng mãi mãi bất lực, bất cả tri về chính mình và thế giới”. Ý thức này của người viết và từ thực tiễn sáng tác truyện ngắn có thể thấy những điểm gần gũi, tương hợp khi đề cập đến cảm quan, tâm thức hậu hiện đại trong thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học thời gian gần đây. Nhằm chuyển tải những trạng thái, thực tiễn khó nắm bắt, sự bất toàn, tính bất khả tín, bất khả tri của nhiều vấn đề trong những nhận thức về đời sống; những bút pháp, phương thức nghệ thuật đặc thù của nghệ thuật hậu hiện đại (cắt dán, giễu nhại, lắp ghép…) đã được nhiều cây bút truyện ngắn sử dụng. Thủ pháp nghệ thuật đã có nhiều ý nghĩa trong việc chuyển tải những vấn đề của đời sống, tạo lập không gian nghệ thuật hiệu quả. Người viết đề cao tính tự do, tính biến hóa, coi đó như một trong những cách thức để mở rộng biên độ hiện thực, làm mới lối viết. Khi những phương thức trần thuật truyền thống không còn tương thích với nhu cầu chuyển tải thông điệp của chủ thể sáng tạo cũng như tầm đón đợi của chủ thể tiếp nhận thì người viết cần tới bút pháp, lối viết khác. Những phát biểu xung quanh khái niệm, kỹ thuật, lối viết truyện ngắn của các nhà văn, những người viết truyện ngắn hôm nay cho thấy khi ý thức dân chủ và sức sáng tạo được khơi dậy thì biên độ thể loại truyện ngắn được mở rộng.
Năm mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, truyện ngắn đã có những bước đi quan trọng trên tiến trình vận động và đổi mới. Truyện ngắn đã có những thành tựu cho thấy những kết tinh nghệ thuật trên tinh thần nhăn văn mới, hướng tới khắc họa đời sống con người và xã hội trong không gian văn hóa, văn học mới. Nhìn lại diễn trình của truyện ngắn gần 50 năm qua có thể thấy đổi mới văn học có thể không đồng thời trùng khít và đi liền với những thời điểm và các mốc chính trị xã hội nhưng đều chịu sự tác động, chi phối của từ trường, bối cảnh văn hóa xã hội. Năm mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, văn đàn đã có một đội ngũ những người sáng tác đông đảo trong điều kiện môi trường sáng tác và cơ chế xuất bản thuận lợi. Thành tựu của truyện ngắn đã cho thấy những thuận lợi của môi trường sáng tác khi chiến tranh kết thúc và hiệu quả của công cuộc đổi mới được khởi xướng, khi tinh thần sáng tạo và ý thức của chủ thể viết được khơi dậy trong bối cảnh đời sống và không gian văn hóa mới. Sự đa dạng về phong cách, lối viết truyện ngắn, những giá trị kết tinh trong đời sống thể loại đã góp phần tạo dựng một hình dung về thực tiễn đời sống xã hội, đời sống văn học từ những trải nghiệm và thực hành sáng tác của chủ thể sáng tạo. Năm mươi năm sau ngày thống nhất đất nước là quãng thời gian không dài so với lịch sử văn học dân tộc nhưng đây là chặng đường văn học tồn tại trong bối cảnh đời sống có nhiều dịch chuyển. Không gian sống, các cơ hội tiếp cận tri thức đời sống được mở rộng không giới hạn, một thế hệ những người viết trẻ đang xuất hiện trên văn đàn. Sự kế tục này không đứt gãy với truyền thống nhưng đã có những dấu hiệu khác biệt với một tâm thế sáng tạo khác trước. Văn chương vẫn là một phạm trù, một không gian để người viết thể hiện những suy tư về đời sống và con người: thực tại bên trong mỗi người và cả những chiều hướng vận động, biến đổi ở đó khoa học kĩ thuật trở thành một phần tất yếu mà con người là một thành tố thuộc về. Không có khung khổ nào cho việc tiếp cận tri thức, trải nghiệm đời sống cũng như với phông văn hóa, nền tảng tri thức đang được kiến tạo, những người viết trẻ vẫn đang đi trên con đường sáng tạo trong một thế giới đa chiều vẫy gọi những thức nhận và khám phá mới.
(baovannghe.vn)