Thợ hình Bãi Sau - Truyện ngắn Trần Đức Tiến
Năm ấy, tôi quyết định đưa gia đình từ ngoài Bắc chuyển vào Vũng Tàu. Của cải không, tiền bạc không, bà con họ hàng thân thích cũng không nốt. Hơn mười năm sống ngoài Bắc, có với nhau ba mặt con rồi mà vợ chồng vẫn nghèo. Đi, thay đổi không khí, làm lại từ đầu, hy vọng vào một vận hội mới… Cơ quan vợ phân cho một căn phòng ở tạm, hơn mười mét vuông, trống tềnh toàng. Chỉ vào ba đứa con, vợ tôi bảo: “Của đấy chứ của đâu.
Khổ mãi quen rồi. Nhìn chúng nó như ngan như ngỗng thế kia là mát ruột”. Nói thế để tự an ủi mình, chứ trong bụng lo lắm, Năm miệng ăn, tạm thời trông cả vào một suất lương của vợ. Không khéo xoay, đói là cái chắc.
Nhìn xung quanh người ta xoay mà mình chóng cả mặt. Ai cũng làm thêm. Ai cũng có nghề phụ. Nấu rượu. Nuôi heo. Bán sách báo. Bán cà phê. Chữa xe. Cho thuê phao, dù ngoài bãi tắm… Làm buổi sáng. Làm buổi tối. Làm các ngày nghỉ. Làm tranh thủ trong giờ hành chính. Dân “tự do”quay cuồng làm. Người “nhà nước” cũng chớp chảo làm thêm. Việc gì có thể hái ra tiền đều làm cả.
Tôi ba mươi ba tuổi. Con nhà nghèo, thất học từ bé. Lớn lên không xin được việc làm trong cơ quan xí nghiệp nào, phải lang thang kiếm sống trong thiên hạ bằng đủ các thứ nghề: thợ mộc, thợ xây, đóng gạch, buôn bè… Ngoại trừ một bên chân tập tễnh - dị tật bẩm sinh - còn nói chung gân cốt không đến nỗi. Đáng kể hơn nữa là tinh thần “chiến đấu” - lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với số mệnh. Vì vậy, đến nơi ở mới, chỉ sau mấy ngày thăm dò, tôi đã quyết định chọn ngay một nghề để thử thời vận.
Đó là nghề chụp hình cho khách du lịch ngoài bãi tắm.
Anh Quất, người hàng xóm mới của tôi, là thợ hình chuyên nghiệp. Hàng ngày anh xách máy đi đón khách suốt từ sáng ngoài Bãi Sau, chiều tối mới về nhà. Buổi tối, tôi mang gói mồi với hai xị rượu sang anh xin học bài nhập môn. Anh rót rượu uống tự nhiên, lơ đãng nghe tôi trình bày nguyện vọng. Hết hai xị, anh liếc xéo sang tôi một cái, đôi mắt vằn đỏ: “Làm được”!
Ngày hôm sau tôi theo anh Quất từ sáng sớm. Máy móc, đồ nghề chưa kịp sắm sanh gì, nhưng anh Quất cho tôi mượn tạm chiếc máy còn dư. Cả đời tôi chỉ quen cầm đục, cầm cưa, cầm vồ. Máy ảnh chưa sờ đến. Kỹ thuật mù tịt. “Kỹ chó gì. Cốt cái sức khỏe. Phơi nắng phơi gió suốt ngày ngoài bãi, không có sức khỏe là đi đứt. Phim lắp sẵn. Tốc độ, ánh sáng để sẵn. Máy này chẳng cần cự ly. Ông cứ thế mà chụp”. Anh vừa nói vừa dúi vào tay tôi một cái máy ảnh xinh xinh, nước sơn tróc gần hết. Chúng tôi rẽ vào quầy bánh mì. Anh Quất mua hai ổ lớn, đưa tôi một, còn một cầm tay, cứ thế đưa lên miệng ngoạm, nhai ngon lành. Mới sáng ra, miếng bánh khô khốc khiến tôi ngắc ngứ. Anh Quất bảo: “Cố mà nuốt. Đừng sĩ. Sĩ ở bãi biển là chết đói”. Tôi gượng cười. Anh không cười, mặt lạnh tanh.
Ra tới bãi biển, trời vẫn còn tờ mờ. Anh Quất dặn: “Tôi quen nghề, có bạn, đứng trên này canh tài. Còn ông cứ ra thẳng ngoài bãi, gặp mối nào chụp mối ấy. Nhớ mặt khách. Nhớ số xe. Thấy mấy thằng văn hóa lảng vảng tới gần thì bùng! Ông chụp chui, chưa có giấy, chúng nó bắt máy. Chín giờ vô buồng tối. Lẹ lẹ lên, coi chừng hình bị kho”.
Một mình tôi thả bộ trên bãi biển còn vắng khách. Những người cho thuê phao, dù, ghế bố đang hối hả chuẩn bị đồ nghề trên phần đất được chia sẵn của mình. Một lát sau, khi mặt trời lên cao, những chiếc xe đò đầu tiên mới đổ khách xuống bãi tắm. Cả một rẻo bãi cát dài ngót hai cây số sinh động hẳn lên. Tôi nhanh chóng chìm khuất vào đám đông nhốn nháo đầy màu sắc ấy. Chiếc máy ảnh đeo toòng teng trước ngực, tôi lộn qua lộn lại, mắt hau háu nhìn dán vào từng người, vừa ngượng ngùng vừa háo hức, chỉ mong có ai đó gọi chụp để có thể giương máy lên, bấm những kiểu đầu tiên trong nghề.
Theo anh Quất được mươi bữa, tôi mới hiểu ra rằng kiếm miếng ăn bằng cái nghề này không phải chuyện đơn giản. Tôi có thể chịu đựng mọi sự vất vả khó nhọc. Có thể nhịn đói nhịn khát. Có thể kiên nhẫn lê bàn chân tàn tật cả ngày trên cát bỏng. Thậm chí không ngần ngại lao vào những cuộc ẩu đả rách đầu toạc mặt với những tay thợ hình anh chị quen thói chụp giật, hiếp đáp. Nhưng tất cả những khả năng ấy không phải là điều quyết định. Muốn có tiền trong nghề này, nhiều khi phải hạ mình như một kẻ ăn xin. Phải lẽo đẽo bám theo những vị khách nhởn nhơ, no đủ, lúc họ ăn uống cũng như khi thay đồ, vừa tán tỉnh vừa vật nài họ đồng ý chụp cho mấy kiểu. Phải biết cách bắn hình vô tội vạ - khách yêu cầu chụp một, mình ma giáo chụp bốn, năm - để sau đó cố sống cố chết ép họ tính tiền. Tóm lại, phải “đỉa”, phải lèo lá, gian dối. Tôi không sao quen được. Thế mới chết. Những ngày theo anh Quất, tôi chỉ kiếm được mỗi bữa mươi kiểu trắng đen, trong khi anh “đi” hàng cuộn, vài cuộn phim là thường.
Một lần ế quá, tôi lầm lũi, lang thang giữa biển người xa lạ. Chẳng ai thèm để mắt đến tôi, gã thợ hình có bộ mặt hãm tài với đôi chân cà nhắc. Trong đầu tôi miên man những ý nghĩ u ám. Đột nhiên, có một cái gì đó hực lên trong người, như sự bột phát bất thần của một cơn bệnh! Tôi giương máy lên. Một bà béo ngẫu nhiên bị thu vào ống kính. Thân hình thỗn thện của bà đang vùng vẫy trong lòng chiếc phao làm bằng săm ô tô bơm căng. Một con số không đen sì, to tướng. Tôi thuận tay bấm bừa một kiểu. Động tác bấm máy đầu tiên như lập tức giải thoát cho tôi khỏi tâm trạng u uất. Tôi liên tiếp chụp thêm bốn, năm kiểu nữa. Cho đến khi bà ta phát hiện ra tôi. Bà liền quay mặt đi, nhưng lại mủm mỉm cười. Người đàn bà này còn đang nhiều ảo tưởng! Bà ta giả bộ làm cao, nhưng trong bụng chắc hẳn đang hồi hộp, thích thú vì sự săn đón bất thường dành cho mình. Chính nụ cười đó khiến tôi điên tiết. Tôi quyết định dấn sâu hơn vào cái trò chơi mình đã trót bày đặt ra. Tôi lội theo bà ta. Ống kính của tôi chĩa thẳng vào những gì là dấu vết tàn phá của thời gian trên thân thể bà, trong một niềm hứng thú cay độc. Mái tóc thưa khô rối. Cặp má xệ. Đôi vai u. Lớp mỡ dày dưới bụng. Cho đến lúc bà ta phát hoảng, lóp ngóp bò lên bờ. Đôi chân ngắn ngủn lẫm chẫm. Bà chạy ào vào một chiếc dù gần đó và ré lên cười.
Tôi bỏ tiền túi ra in trọn cuốn phim. Ba mươi sáu kiểu hình. Ba mươi sáu kiệt tác của một thiên tài tàn nhẫn bị bỏ đói.
Giá như sau lần ấy, có ai tỉnh táo khuyên tôi từ bỏ cái nghề này thì đỡ cho tôi quá. Tiếc rằng không có ai như vậy. Khi bình tĩnh lại, tôi bắt đầu nghiền ngẫm những dự định nghiêm trọng hơn. Trước hết, tôi thấy mình không thể phụ thuộc vào anh Quất. Tôi phải sắm máy riêng, đi riêng. Không có tiền, vay. Sau nữa, tôi cần có giấy phép hành nghề chính thức để khỏi phải chui nhủi ngoài bãi. Để kiếm được tấm giấy phép, tôi đã trải qua một kỳ thi vấn đáp với hàng loạt câu hỏi. Mục đích cầm máy của anh? Anh quan niệm thế nào là một bức hình đẹp? Nghĩa vụ của người cầm máy ngoài bãi biển?... Những câu hỏi thật ngớ ngẩn và nực cười đối với kẻ kiếm cơm ngoài bãi biển như tôi. Chúng chẳng khác gì lớp xiêm y rườm rà, rẻ tiền khoác bên ngoài một
con đĩ.
Dẫu sao, tôi bắt đầu có những tiến bộ nhất định trong nghề. Số hình chụp được mỗi buổi đã vượt qua con số 10. Chậm chạp, nhưng đã vượt. Cùng với sự gia tăng số lượng, thói sĩ diện hão, mặc cảm ăn xin… tóm lại, những thứ không mài ra tiền ở nơi tôi giảm xuống. Tôi bắt đầu tham gia canh tài, như các tay anh chị. Trúng một tài còn hơn cả buổi nhớn nhác lội qua lội lại giữa đám đông để mời chào. Và tôi bắt đầu chụp hình màu. Một kiểu màu lãi gấp ba lần một kiểu trắng đen.
Nàng hầu như phát hiện ra tôi ngay từ những phút đầu. Thoáng một cử chỉ biểu lộ sự cảnh giác. Không sao, tôi nghĩ, điều đó chỉ làm tăng thêm vẻ hấp dẫn của con mồi, rèn chắc hơn chí kiên nhẫn bền bỉ của người đi săn. Kinh nghiệm đã dạy tôi: nàng thuộc loại người có thể từ chối thẳng thừng ngay từ những lời mời đầu tiên, nhưng khi đã thay đổi ý định thì lại có thể gật đầu một cách không tính toán.
Tôi lẳng lặng lắp vào máy cuộn phim màu. Lẳng lặng chờ.
Nửa buổi, bất thần đụng anh Quất.
“Khá chứ?” - anh hỏi.
“Khá” - tôi đáp.
“Biết mà. Tôi đã nói ngay từ đầu: ông làm được”!
Hình như nàng ngâm nước hơi lâu. Cặp môi tái nhợt, và khi nàng lên bờ bước lại phía cây dù, tôi ngoảnh mặt, tránh nhìn bộ đồ tắm dán chặt vào cơ thể thanh xuân.
Nàng lấy trong túi ra gói đồ ăn và ăn nhẹ. Tôi không biết là món ăn gì. Lát sau, nàng kêu một ly nước ngọt ở quầy giải khát gần đó.
Thủy triều lên. Giữa trưa, bãi biển đã vãn khách. Tôi đói. Ruột gan cào cấu. Bên chân bị tật tê dại đi vì mỏi. Nàng vẫn chưa có biểu hiện gì đoái hoài đến tôi. Hình như cơn bệnh… Hình như tôi lại sắp nổi cơn điên như hôm nào. Không, tôi định thần và tự nhủ, nàng khác xa bà béo. Với nàng, tôi chỉ biết chờ đợi. Kiên nhẫn một cách khiêm nhường chính là chìa khóa của thắng lợi.
“Này anh” - cuối cùng, chiếc chìa khóa đã xoay trong ổ.
Tôi lảo đảo bước lại, cố giữ cho đôi chân trong trạng thái cân bằng.
“Anh có phim màu chứ?”.
Tôi chỉ nấc khan được một cái thay cho câu trả lời, rồi run run mở nắp máy ảnh.
“Nhưng… Anh có thể đi với tôi xa xa một chút. Lại đằng kia?” - nàng hất hàm về phía rừng dương trước mặt.
Tôi đã đủ thì giờ lấy lại bình tĩnh, ngả mũ lau mồ hôi, nói một câu thật chững:
“Tôi có thể theo cô cùng trời cuối đất”.
Nàng “hứ” một tiếng thật dễ thương, rồi nhanh nhẹn choàng chiếc khăn bông lớn lên vai, xách túi đi luôn.
Hai chúng tôi tiến về phía rừng dương. “Cảnh hoang dã” - tôi nghĩ.
Rừng dương vắng tanh. Những bụi cây dại cằn cỗi mọc lưa thưa trên những đụn cát ngổn ngang, lặng phắc. Những cây dương chen nhau tỏa bóng rợp.
“Anh cứ chụp. Thoải mái. Tự nhiên. Đừng hỏi”.
Tôi gật đầu.
Tách. Phát thứ nhất.
Hình như ánh sáng chưa chuẩn. Tôi chỉnh lại khẩu độ.
Tách. Phát thứ hai. Ăn chắc.
Tách…Trong đầu tôi thoáng hiện lên hình ảnh đứa con gái út. Đứa con sáu tuổi. Đã lâu lắm nó chưa được ăn phở. Một lần nó bệnh, tôi mua về cho nó một cặp lồng phở gà. Con bé trệu trạo nuốt mấy thìa. Khỏi bệnh, nó thủ thỉ với mẹ. “Phở đắng, mẹ nhỉ”. Ngày mai, tôi sẽ có tiền cho con đi ăn phở. Phở không đắng.
Tách… Vợ tôi, ba mươi tuổi, ba con. Đứa lớn nhất lên mười. Đứa nhỏ nhất lên sáu. Cô giáo cấp một. Đau dạ dày kinh niên. Mệt mỏi. Rối bù. Xơ xác.
Tách… Năm nay tôi ba mươi ba tuổi. “Ba mươi ba tuổi, tôi đồng niên với Chúa”. Thơ đấy. Của ai nhỉ? Tôi không nhớ. Đời tôi toàn cay đắng. Lo nghĩ. Lo nghĩ. Lo nghĩ. Không có thì giờ để thuộc một bài thơ. Không có thì giờ để ăn một miếng ăn ngon. Không có thì giờ để mơ tưởng một người đàn bà đẹp. Biết một người đàn bà duy nhất là vợ. Tôi tự đóng đinh mình lên cây thập tự duy nhất là nàng.
Tách…
“Tiếp đi. Anh đừng ngại”.
Tôi mỉm cười. Tôi bấm máy không thương tiếc. Chưa bao giờ tôi được ngụp lặn thỏa thuê trong công việc như thế này. Mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Tôi thay cuộn phim mới và tiếp tục.
“Dừng lại!... Anh có thích chụp nuy không? Nuy nhé?”.
Rồi chẳng cần chờ xem phản ứng của tôi, nàng thản nhiên lột bộ đồ tắm trên mình ra với một vẻ khiêu khích.
“Mặc xác nàng” - tôi nghĩ. Những tay thợ hình sành sỏi đã từng kể cho tôi nghe chuyện chụp hình khỏa thân trong rừng dương. Hình như khách hàng của họ là những cô gái làm tiền. Chụp làm gì thì những tay thợ hình cóc cần biết. Tôi cũng không cần biết. Tôi cần tiền. Tôi cũng đang làm tiền.
Thân thể trắng ngần của nàng lóa nhóa trước mặt tôi. Tôi bấm bụng lao theo chụp bắt những phần trăm giây đồng hồ, sao cho đừng run tay.
“Quỷ tha ma bắt tôi đi - Cuối cùng, tôi hét lên với giọng tiếc rẻ - Hết phim!”.
“Hết rồi à?” - nàng thở phào. Dửng dưng. Không trách móc. Không đòi hỏi.
“Anh làm tôi mệt đứt hơi. Anh ngồi xuống đây”.
Tôi ngồi xuống. Không cần nhìn sang, tôi cũng đã thừa biết là nàng đẹp. Vực nước xoáy chết người hun hút ngay bên cạnh.
“Anh nghe tôi nói nhé. Tôi tặng anh toàn bộ số hình anh vừa chụp”. Ngập ngừng giây lát. “Đơn giản vì tôi không có tiền”. Cười khẽ. “Anh ngốc lắm. Đáng lẽ anh phải đoán ra điều đó ngay từ đầu”. Rồi vội vã cướp lời, như sợ im lặng sẽ khiến tôi ngất xỉu: “Nhưng thôi. Nếu anh muốn, ngay bây giờ, tôi còn có thể tặng anh nhiều hơn thế”.
Tôi duỗi cái chân đau cho đỡ mỏi. Toàn bộ sự thật đã bày ra trước mặt, hoàn toàn sáng rõ. Quả thật tôi không muốn phàn nàn một câu. Món quà tặng bất ngờ, không một chút màu mè. Chó má.
“Cô làm nghề này đã lâu chưa?” - tôi hỏi.
Nàng thoáng giật mình. Cặp môi mỏng khẽ run lên. Nhưng ngay sau đó, đôi cánh tay nóng rãy đã hoảng hốt choàng qua cổ tôi. Tôi bị cuốn chìm nghỉm vào vực nước xoáy.
Cái chân đau của tôi chới với tìm điểm tựa trên cát. Tôi khát. Tôi uống. Những ngụm khô khốc và hình như toàn bụi. Cái dạ dày lép kẹp, bỏng rát.
Có trời nhớ được những gì xảy ra sau đó. Trong khu rừng dương hoang vắng, chúng tôi đã diễn với nhau đủ mọi thứ trò khỉ. Những trò đó nhạt dần. Càng về chiều, vẻ thảng thốt, lo buồn càng lộ rõ trên gương mặt nàng. Bất chợt, nàng khóc.
“Anh phũ lắm… Nhưng tôi thích. Tôi chọn anh. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi, anh có thấy như vậy không, hả đồ ngốc? Tôi đã quyết định ở lại thành phố này. Tối nay sẽ là tối đầu tiên trong nghề của tôi. Anh mở hàng cho tôi đấy. Mở hàng không mất tiền”.
Nàng vừa cười vừa khóc. Những giọt nước mắt lăn trên má. Mặn chát. Tôi liếm khô những giọt nước mắt, như con chó trung thành liếm vết thương cho chủ.
Cuối cùng, nàng ngồi dậy, nhẫn nhục mặc vào người bộ đồ tắm dính đầy cát. Những vệt cát sẫm màu bám trên bụng, trên đùi nàng.
“Tắm chứ?” - nàng hỏi.
“Tắm” - tôi đáp.
Tôi uể oải đứng dậy. Ba mươi ba tuổi, kẻ đồng niên với Chúa đầu váng mắt hoa. Giờ thì chẳng còn gì phải giữ gìn nữa, tôi lê cái chân đau tập tễnh ra phía biển. Nàng còn ngồi rốn lại, nhìn theo tôi. Đột nhiên nàng bật cười. Tiếng cười ngắn, như tiếng nấc. Tôi cảm thấy tiếng cười như nhát búa, đập vào gáy.
Tôi bỏ nghề chụp hình ngoài Bãi Sau. Bán máy, được ít tiền chưa đủ trả nợ. Một ý tưởng táo bạo khác đã nảy ra và tôi lại nhắm mắt lao theo, không kịp suy tính gì về những chông gai đang chờ mình. Tôi đã quyết định thử thời vận bằng một nghề mới, không cần vay vốn ai: nghề cầm bút.
T.Đ.T