Ấn Độ - Phút Giây Ánh Sáng – Ghi chép Nguyễn Đông Nhật

25.03.2013

Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ có dịp đến đất nước của kinh Veda và Rigveda, của trường ca vĩ đại Mahabharata và Ramayana, của Tulsidas và Tagore, của một lịch sử tràn ngập những huyền nhiệm… Và, nhất là của Gautam Buddha, bậc đạo sư vĩ đại của nhân loại. Nếu điều ấy xảy ra, thì đấy là sự thỏa nguyện một mong ước mơ hồ ẩn kín. 

Đấy là khi chiếc máy bay CX 766 của hãng Cathay Pacific đáp xuống sân bay quốc tế New Delhi lúc 2giờ05.

PHÍA SAU NHỮNG NÉT CHẬM…

Làm sao có thể viết về một đất nước với thăm thẳm những chiều sâu, trong một bài báo ngắn! 

Ấn Độ - Phút Giây Ánh Sáng –  Ghi chép Nguyễn Đông Nhật

Và, có lẽ, cũng không nên “ký” một “sự” gì của chuyến hành trình, về những điều mà “ai cũng biết”: chỉ qua một cái nhấp chuột vào vài địa danh trong bài viết này, hàng trăm, hàng ngàn trang tư liệu sẽ “vọt” ra. Cảm giác chung của tôi trong nửa tháng “lướt qua” khoảng hơn 5.000km ở vùng bắc Ấn, về con người nơi đây, là điều mà tôi gọi tên nhịp điệu sống.

Ấy là, trên đường lên Dharamsala (trống nguyện cầu), trú xứ của thánh thần, nơi Đức Đạt Lai lạt ma đang mở pháp hội, lúc chiếc xe du lịch chở đoàn chúng tôi dừng lại đổ xăng. Người bán xăng không “giật cò”, không “thúc” cái vòi xăng nhảy vọt (như ở “quê nhà ta”!), mà thong thả, theo tốc độ bình thường, với số lượng 175 lít. Và hai lần khác nữa, tại thành phố Vassali với 195 lít và Lucknow với 209 lít. Thao tác của những người bán xăng ấy, phải chăng, đã thể hiện nhân cách và đạo đức nghề nghiệp: sự trung thực.

Ấy là, thái độ của những tài xế xe. Đường ở thành phố vùng cao rất chật hẹp, vệ đường không có trụ - rào chắn, chênh vênh chóng mặt bên bờ vực. Xe nhỏ - thấp, xe lớn - dài kín cả mặt lộ. Nhích lên, lùi lại từng chút, ken sát nhau từng tấc một. Không quát tháo, không cảnh sát giao thông. Chậm, nhưng không tắc. Vì biết nhường nhau. Vì không chỉ biết có riêng mình. Nhiều người trong đoàn vừa lo lắng lầm thầm cầu nguyện, vừa không ngớt xuýt xoa khen ngợi những người tài xế. Và, cũng thế, trong những lần xe gặp đường đông, ở nhiều nơi khác… Vả, ở những cử chỉ bình thường của vài giao tiếp đơn giản trong một chuyến du lịch. Dường như, họ đã sống trong ý tốt đẹp của bổn phận và lòng tự trọng để có thể trở thành Người đúng nghĩa. Những con người ấy, thi hào Tagore suốt đời yêu thương và ca ngợi: Người thợ cày cầm cày không mỏi / Người thợ dệt thoăn thoắt đưa thoi…/ Họ vẫn đổ mồ hôi sôi nước mắt / Để xây dựng Niết bàn trên đất nước cằn khô.

QUÀ TẶNG CỦA ĐẠO SƯ

Hành hương Ấn Độ, chủ yếu là đến Tứ động tâm (1). Với đoàn chúng tôi, lại thêm một may mắn lớn trong đời: được gặp Đức Đạt Lai lạt ma thứ 14.

Điều ấy không hề  là “nói quá”, nếu biết rằng, đã có biết bao người thỏa nguyện khi được nhìn thấy Người, từ xa.

Buổi giảng pháp sáng ngày 4.10 thu hút khoảng hơn một vạn người, thuộc 57 quốc gia - lãnh thổ. Tôi đã miêu tả buổi pháp hội này trong một bài viết khác. Ở đây, chỉ xin ghi thêm vài nét ngắn, về buổi tiếp riêng của Người dành cho đoàn Việt Nam.

Ấy là, lúc 12giờ45, sau khi buổi giảng kết thúc trước đó, lúc 11giờ30. Lòng chúng tôi rưng rưng khi Người bày tỏ: Hoàn cảnh Việt Nam và Tây Tạng có những điểm giống nhau. Rồi, Người tặng mỗi người một tượng Phật nhỏ và một gói thuốc. Những viên thuốc li ti, được làm từ dược thảo ở vùng núi cao. Công năng của chúng, là do sức gia trì của chính người ban thuôc. Vài ngày sau, một người trong đoàn kể: Chị đã dùng thuốc này, nhưng không biết phải uống bao nhiêu viên, cách uống như thế nào? Thế rồi, ngay đêm hôm sau, chị thấy, trong mơ màng giấc ngủ, cái tư thế nhón hai ngón trỏ và ngón cái khi uống thuốc, như có ai đó đang hướng dẫn chị. Chị không biết, còn tôi thì tự nhủ thầm, phải chăng, có một vị Dakini (2) nào đó đã hướng dẫn cho chị tư thế cầm thuốc, như hình dáng của ấn hư không, một trong hàng trăm ấn quyết của Mật giáo. Một người khác, khi về đến Việt Nam, cũng báo tin: Thuốc rất nóng, uống vào, toát cả mồ hôi. Tôi lại hiểu rằng: ngoài tính năng nhiệt của dược thảo, thuốc đã được gia trì bằng những đại hỏa chú.

Buổi tiếp được ban tổ chức thông báo chỉ diễn ra trong năm phút, cuối cùng, hơn 17 phút, chưa kể thời gian chụp ảnh chung. Vài người trong đoàn bảo tôi: Anh có phước lớn lắm, nên mới được Ngài đến cầm tay. Quả tình, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, vì đã thọ nhận được việc đó. Đấy là niềm tin tôn giáo. Nhắc đến lĩnh vực này, nhớ đến nhà phân tâm học người Thụy Sĩ Karl Jung, khi ông nhận xét: Tôn giáo là sự sáng tạo lớn nhất và thành công nhất của nhân loại. Tôi thì cho rằng: Sống, con người phải có niềm tin; có thể tin vào cả những điều không “sờ” thấy được, nhưng niềm tin sẽ khiến cho ta cảm được những gì không thấy bằng mắt thường. Niềm tin, không phải và không nên là, mê tín.

Hai hôm sau, sư cô Nhật Hạnh gửi email cho anh Nguyễn Trung Toàn, người tổ chức chuyến đi: Tượng Phật nhỏ mà Người tặng chúng tôi, có một người Tây Tạng xin thỉnh lại với số tiền xin dâng cúng là 10.000 USD. Tất nhiên, đây không phải chuyện… tiền bạc. Cũng như, chuyện cư sĩ Cấp Cô Độc rải vàng kín cả mặt đất để mua khu vườn Kỳ Viên làm tịnh xá cho Đức Phật và chư tăng, ngày xưa.

CẢM NGHIỆM RIÊNG LÒNG

Trước Tứ động tâm, nhiều người đã rơi lệ. Đấy là điều có thực. Tôi không có “đủ” được những giọt nước mắt như thế. Nhưng buổi sáng khi xe vừa lăn bánh rời Varanasi, thành phố thiêng của tín đồ Ấn giáo, xứ sở của thần Siva, tự dưng cổ họng tôi nghẹn lại: tôi đang đến nơi mà 2600 năm trước, Đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như, cũng là khải thị cho nhân loại về nguyên nhân và con đường thoát khỏi sự đau khổ. Ở Vườn Nai, trụ đá vua A Dục cho dựng vào khoảng thế kỷ thứ III (trước Tây lịch) chỉ còn một nửa: Không có gì mãi mãi, như lời dạy cuối của Thế tôn. Nhưng thấm vào gan đá, là tín tâm của vị vua hiếu chiến đã quay về bến Giác, để tên tuổi và công đức còn lại mãi, như một đường sáng lặng xuyên suốt thời gian. Nơi đây, lòng lại thấy rung động. Tôi biết rằng, ấy chỉ là sự mù lòa của tâm thức: vẫn biết không có gì bền vững, mà lòng riêng vẫn cứ muốn bám víu những gì mình yêu thương! Đó chính là cái Tôi tham chấp, kể cả sự tham chấp thanh cao. (Mà, làm gì có thanh cao hay bần tiện, dưới cái nhìn chân đế?). Bát Nhã tâm kinh đã chẳng phủ định đến mức: vô trí diệc vô đắc đó sao, mà bao nhiêu tụng niệm hằng ngày lại cứ lướt qua? Điều ấy, sau thời Đức Phật không lâu, Trang Tử đã từng xác quyết sau bao tận cùng trải nghiệm: Người hiền không có bản ngã.

Tại Bồ Đề đạo tràng, khi cùng nhiều anh chị trong đoàn nâng tấm y lên đắp vào thân tượng Đức Phật, lần thứ ba, trái tim bỗng thắt lại. Ở cái tuổi này rồi, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc phù thế, tôi hơi ngạc nhiên về sự yếu đuối từ chính mình! Có phải chăng, đấy là do bị cuốn theo tâm trạng của đám đông? Hay là sự mù lòa trước những diễn biến chân - giả bên trong? Không. Tôi thầm biết ơn Tự Nhiên đã trải ra cho những cảm xúc của bản thân được chân thành bộc lộ chứ không phải là tự - dối - mình!

 

Những ngày sau đó, ngay chỗ thái tử Tất Đạt Đa ra đời và tại vị trí Đức Phật vào Vô dư y Niết bàn, tôi không còn thấy diễn ra những cơn sóng cảm xúc ấy nữa, dù vẫn tưởng, chính tại nơi sinh - diệt của Con Ngươi Lớn ấy, trái tim sẽ còn phải nghẹn ngào. Dưới bóng lá êm trong vườn Lâm Tì Ni và khi đi nhiễu ba vòng quanh Phật tượng dài 12m đánh dấu nơi Đức Phật nói lời dặn cuối, tự dưng, lòng bỗng nhẹ nhàng. Ngạc nhiên, rồi có chút vui mừng. Vì tự biết, cái lẽ sinh - dị - diệt không còn là sự loay hoay trong vòng vây của nhận thức lý tính, mà đã phần nào hóa thành chút cảm nghiệm của riêng lòng. Đấy chính là một bước Vượt Qua, bắt đầu từ sự phủ nhận từng bước những định thức. Như sự thấu hiểu của nhà khoa học lừng danh Werner Heisenberg trong nghiên cứu: Sự phân chia thế giới thành chủ quan và khách quan, nội tâm và bên ngoài, thân xác và linh hồn không còn thích hợp và chỉ dẫn vào chỗ khó khăn hơn. Còn Oppenheimer, viện trưởng Viện nghiên cứu tiến bộ của Đại học Princeton thì đã xác tín: Những khái quát mà con người biết được trong ngành vật lý không phải là điều mới mẻ mà đã có trong tư tưởng Ấn giáo, Phật giáo.

 

NHỮNG TIẾNG HÁT

Đêm đầu tiên trên đất Ấn, sát bên khách sạn Spring Valley, một nhóm thanh niên đốt lửa múa hát. Họ hát… đổ mồ hôi. Họ gửi hết tâm hồn trong tiếng hát. Ở đâu trên những nơi chúng tôi qua, cũng nghe tiếng hát. Và chỉ có nhạc Ấn, không có giai điệu âm nhạc nước ngoài. Âm nhạc Ấn Độ được thể hiện dưới nhiều dạng, mà hai hình thức chính của âm nhạc cổ điển là Carnatic (Nam Ấn) và Hindustani (Bắc Ấn). Mỗi địa phương đều có truyền thống khác nhau về âm nhạc dân gian. Những điệu nhảy múa cổ điển Kathak, Bharatanatyam và Manipuri, thường ở hình thức tường thuật xen lẫn với những yếu tố ca ngợi tôn giáo - tinh thần. Chợt nhớ đến nhà vật lý F. Capra một buổi chiều nhìn những con sóng giạt vào bờ, cảm nhận được sự rung động của những nguyên tử như một phần của năng lượng vũ trụ và “biết rằng, đó là vũ điệu  của thần Shiva trong Ấn Độ giáo”. Để thêm một lần hiểu rằng, khoa học và tôn giáo không giống nhau nhưng cũng không hoàn toàn khác nhau. Để biết, cái quan niệm cho rằng, khoa học chịu trách nhiệm về những hiện tượng vật lý còn tôn giáo đảm đương những gì thuộc về tâm linh thật là sai lầm, cái sai lầm từ thời đối nghịch giữa Copernicus và Galileo với Giáo hội La Mã Trung cổ đến nay vẫn chưa phải đã chấm dứt.


Rồi lại lan man: hơn 2.000 năm trước, khi đến một xứ sở nào, để hiểu thực trạng xã hội nơi ấy, Tuân Tử đều muốn nghe nhạc. Và triết gia đã từng phán: Đời suy thì lễ phiền mà âm nhạc dâm.

 Lại, “chợt” liên tưởng đến tình trạng các ca khúc ở chốn “quê nhà yêu dấu”, giờ đây… Ôi chao!

 Trên những nẻo đường đi qua, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những cách biệt thật rõ nét giữa đói nghèo và dư thừa; và biết rằng, còn lâu lắm, khoảng cách ấy mới được dần nhích lại. Nhưng về phần mình, tôi nghĩ, hình như chính những con người cơ cực kia, trong những khu nhà ổ chuột tồi tàn giữa một New Delhi hay một Chandigard hiện đại, lại không quan tâm lắm về chính họ. Và, họ vẫn sống bình thường. Từ một truyền thống văn hóa lâu đời. Và, từ những tiếng hát.

 

*

Chúng tôi đã đặt tâm - lắng - nghe trên cỏ xanh Vườn Nai, mường tượng cảnh Bậc Giác Ngộ giảng kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkapattana sutta) và kinh Vô ngã tướng (Anatta lakkhana sutta) nơi đây. Đã ngồi yên tĩnh vài giờ dưới bóng êm cội bồ đề ở Bodh Gaya, nơi 2.600 năm trước, ánh sao mai bừng sáng trong khoảnh khắc sa môn Cồ Đàm thấu đạt chân lý. Và nghe dịu mát hơi thở của Mẹ Đất trong lòng bàn tay tại nơi ra đời của thái tử Tất Đạt Đa ở vườn Lâm Tì Ni. Và, hình dung lại những giờ phút cùng lời dạy cuối của bậc Đạo sư: “Tất cả mọi sự vật đều không tồn tại mãi mãi

Tất cả những cảm xúc ấy cứ chín dần, trở thành điều tưởng như cầm giữ được. Thực như tiếng gió trên sông Hằng lẫn trong mùi khói lò hỏa táng buổi sớm, trong tiếng nhạc kinh tiễn đưa người về một cõi khác trên lưng bò thần Nadin. Như ánh mờ mờ trên những vùng đất mênh mông đã đi qua, xanh tươi hay cằn cỗi, cái ánh mờ ảo thẳm sâu như một phần tâm thức người dân Ấn. Cũng thực như dấu vết của biển từ hàng triệu năm trước còn lưu lại trên những ngọn núi ở cao nguyên Dharamsala để hiển bày chân lý không thực của vạn pháp: tất cả đều thay đổi… Tự dưng, câu nói của nhà bác hoc lớn A. Einstein trở về trong trí, không khác gì chân lý mà các bậc đạo sư đã hiển bày từ bao ngàn năm trước: Nhân loại có thể đạt được cuộc sống hài hòa và quý giá khi thoát khỏi những giới hạn của những ham muốn về vật chất

Và Ấn Độ ngắn ngủi lướt qua, với tôi, là ánh sáng. Ánh sáng của trần gian xinh đẹp và đau khổ này. Cũng là ánh sáng gọi kêu về một hạnh phúc khác…

 

 

Nguồn: vanchuongviet.org