Cây hoa đỏ ở bệnh viện ung thư - Phạm Thị Hải Dương
Đầu hồi bệnh viện có sáu gốc cây ra hoa màu đỏ. Từ ban công tầng ba chỗ dượng điều trị nhìn xuống, sẽ thấy những lác đác những đốm hoa đậu trên tán lá xanh rậm rì. Sáu tán lá quây tròn như sáu chiếc ô đang bung mình trong nắng được điểm xuyến từng đốm hoa lớn như đốm lửa. Mỗi đốm lửa lớn được tạo thành bởi vài đốm lửa nhỏ, là những bông đơn lẻ tựa mình vào nhau, e ấp có, bung nở có.
Buổi chiều, trong khi y tá làm thuốc cho dượng, tôi không né khỏi phòng bằng cửa chính mà thường đứng ngoài ban công. Tôi thuộc hết từng chùm hoa lớn, bông hoa nhỏ, nghe được độ nở của từng bông và lượng được sắc tố sinh học của loài cây - hoa mà tôi không biết tên. Tôi đặc biệt để ý đến màu đỏ của hoa. Màu hoa khiến tôi liên tưởng tới bếp nhà quê ngoại. Không phải là sắc đỏ quên mình của những nhánh củi khô giòn đang thắm đượm trên bếp. Đây là màu của ngọn lửa đang thoi thóp trong mưa mùa miền Trung mấy tháng ròng rã.
Dượng khỏe nhiều hơn mệt lúc đủ thuốc. Đó là những sáng, khi dượng tựa người vào thành ban công, nhìn xuống cổng bệnh viện chỗ có người nhà và bệnh nhân ra vào. Khi đó nếu không lui cui lo bữa cho dượng thì tôi cũng ra đứng đấy nói bông lông với dượng cho không khí động đậy thêm. Có lần dượng chỉ vào mấy hoa của tôi, rồi hỏi: “Cây đó là cây gì đó bé?” Tôi cười trong lòng, đột nhiên nghĩ đến cái khác giữa dượng và tôi. Những đứa như tôi thì hay nói đến chuyện hoa, giữa hoa và cây thì hoa nghe có vẻ hoa mỹ vị và …cao sang hơn. Lớp người được xem có chút học hành như tôi đây chú ý và nhắc đến hoa nhiều lắm. Còn với những ai chân lấm tay bùn như dượng thì thường quan tâm đến cây nhiều hơn. Cây gì, trồng dễ hay khó, hợp đất hay không, bán được giá cao hay dễ mất giá…là những người như ba má tôi, như dượng hay nhắc. Nếu bảo miêu tả hoa cà phê có khi dượng thua, nhưng nếu hỏi kinh nghiệm làm cành, năng suất từng năm thì có khi tôi phải mang điện thoại ra ghi âm mới kịp!
Bệnh viện dượng nằm trên con đường tôi đến cơ quan. Ngày nào cũng đi qua đây, thấy mấy gốc hoa đập vào mắt, tôi cũng có chút băn khoăn về tên của nó. Mấy lần tôi định dừng lại, lấy máy ảnh chụp vài bức, đăng lên facebook hỏi thử xem có ai biết hoa ấy tên chi. Nhưng liếc đồng hồ, thấy mình không còn mấy thời gian. Bài cộng tác viên chưa đọc xong. Bìa 1 tháng này chưa có. Chưa tìm được tác giả trẻ nào khả dĩ để chốt trang. Phần giới thiệu sách mới còn dang dở…Chừng ấy thứ trong đầu khiến chuyện hoa hòe trôi nhanh hơn. Tôi cũng trôi nhanh hơn trên con đường tới chỗ làm.
Phòng bệnh có tám chiếc giường, khách tới thăm bệnh, nếu chỉ nghe mà không nhìn thì người ta dễ nghĩ phòng này chỉ có bảy bệnh nhân còn dượng tôi - bệnh nhân thứ tám - là người tới thăm bệnh. Bởi ngoài nước da vàng và thân hình gầy rộc thì dượng vẫn khỏe miệng lắm. Bởi dượng, cả đời chui rúc dưới tán cà phê, cả đời lầm lũi đội đèn cạo mủ cao su, gò lưng mang bình phun thuốc thì ung thư vẫn là một khái niệm mơ hồ. Dượng nói chuyện, cười đùa tếu táo. Câu chuyện tầm phào nào cũng trở nên say mê và khán giả hùa theo ngoài sức tưởng tượng. Phòng bệnh như sân khấu hài mà chỉ có khán giả thực như tôi mới cảm được cái bi thảm mà quay đi chỗ khác.
Những lúc đủ máu và ăn ngon, dượng hay nhìn cả nhà tôi cười lạc quan. Rồi dượng sẽ khỏe lại, tráng kiện như xưa, dượng vừa nói vừa vờ gồng hai tay lên. Hai cánh tay vàng như nghệ chỉ còn da với xương. Mùa lên, dượng sẽ thồ một lần hai bao cà phê cả tạ đi cân, sẽ lại vác nước cho nhân công hái cà. Đêm, dượng tranh thủ bốc vác kiếm thêm. Theo dượng, bốc vác là vụ kiếm tiền ngon nhất. Bởi mỗi năm chỉ có gần một tháng vào mùa mía, mùa sắn mì. Làm một đêm có khi ba, bốn trăm ngàn. Dượng không bỏ đêm nào, bởi theo lời dượng thì “làm được có mấy bữa chớ mấy. Tranh thủ làm rồi nghỉ một thể.” Dượng còn tự hào kể mấy người …đồng bệnh rằng bà ngoại, mấy cậu mấy dì khen dượng lắm. Hiếm có rể vừa hiền vừa giỏi như dượng. Hàng xóm đều thương vì dượng lành, chiều chuộng dì và ba đứa con hết mực. Dượng biết vuông, biết tròn, nhiệt thành và đạo nghĩa.
Dượng đi vào một đêm giữa hạ khi tôi chưa kịp trả lời cho dượng hoa đỏ chỗ phòng dượng nằm tên chi. Đêm ấy, lúc tôi đang đọc bông cuối trước lệnh in thì má gọi, báo rằng xe cấp cứu với bình oxy đang đưa dượng về nhà. Tôi đã dự ngày mai sẽ đi làm sớm hơn, nhất định ghé bệnh viện chụp mấy cái hoa, hỏi mọi người rồi trả lời cho dượng. Chuyện phức tạp hơn tôi còn làm được, huống gì ba cái chuyện dễ như tìm cái tên hoa, lẽ nào không tìm được! Chuyện đơn giản nên làm sẽ nhanh. Làm nhanh nên để làm sau. Làm sau, thành thử có làm không kịp nữa.
Dượng đi khi hoa cà phê chưa kịp vào vụ mới để dượng có cơ hội “nhìn kỹ lại coi nó sao để tả cho con nghe”. Dượng đi khi nhất quyết không bán mấy hecta rẫy để có tiền làm hóa trị. Tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng dượng nhưng những đốm hoa đã lòa nhòa và tan ra trong mắt tôi thành một vùng đỏ nhạt nhòa như máu. Là màu đỏ yếu ớt của bếp lửa đêm mưa năm nào đang lòa dần trong mắt đứa bé gái nhỏ đang say cơn ngủ. Tôi nhắm chặt mắt, mong mình tỉnh lại khi nắng ửng. Lửa lại sáng, đỏ rực trong góc nhà…
P.T.H.D