Ngôi chùa trong tâm thức người dân Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

10.03.2015

Có một nhà nghiên cứu viết rằng, bất kỳ người dân Việt nào cũng có một vùng quê để nhớ, để thương. Thật bất hạnh cho những ai không có một “vùng thương nhớ” đó trong hoài niệm của tuổi thơ, cho dù nơi đó cuộc sống có cơ cực, vất vả đến đâu, tủi nhục và đau buồn đến mấy thì vẫn có sức gợi dậy trong lòng những kỷ niệm ấm áp của một vùng thương nhớ. Vùng thương nhớ đó với biết bao kỷ niệm thân thương, một mái nhà, con đường, dòng sông và cả ngôi chùa đã gắn bó suốt một thời thơ ấu. Từ lâu, ngôi chùa đã hiện diện và đáp ứng một nhu cầu rất sâu đậm của đời sống thôn dã là sự cân đối trở lại nét bất bình đẳng nặng nề trong sinh hoạt làng quê xưa. Ngày nay, ngôi chùa đã trở thành một hình ảnh thân thương và vô cùng gần gũi trong tâm thức của người dân Việt nói chung, người dân Đà Nẵng nói riêng. 

Ngôi chùa trong tâm thức người dân Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

Cho đến nay, thật khó để xác định chính xác đạo Phật được truyền bá vào nước ta từ khi nào. Nhưng theo Thiền sư Lê Mạnh Thát trong công trình nghiên cứu Lịch sử Phật giáo Việt Nam của mình, ông dẫn nguồn tư liệu Nam Châu dị vật chí của Dương Phù cho biết, năm 100 sau Công nguyên đã có một bộ phận người dân Việt theo Phật giáo, họ đã biết trồng hoa Uất Kim Hương để dâng cúng đức Phật. Đây được xem là chứng cứ đầu tiên, xuất hiện sớm nhất về Phật giáo ở nước ta.[1] Buổi ban đầu, Phật giáo du nhập vào Việt Nam bằng đường bộ và đường biển từ Ấn Độ sang. Lúc bấy giờ nước ta có tên là Giao Chỉ hay là Giao Châu và là một quận huyện Bắc thuộc. Đạo Phật truyền sang Giao Chỉ trước, rồi từ đó truyền sang miền Nam Trung Hoa. Sử liệu đáng tin cậy và thường được dẫn chứng về vấn đề này là trong tập Thiền Uyển tập anh, trích lời của một pháp sư Trung Hoa là Đàm Thiên đời nhà Tùy thừa nhận đạo Phật đã từ Ấn Độ truyền trực tiếp sang Giao Châu và đã hưng thịnh ở đây, trong khi đạo Phật tại miền Giang Nam (Trung Hoa) chưa có gì, và đã kể tên những vị như Ma Ha Kỳ Vực (Marijivakạ), Khương Tăng Hội (K’ang Seng Houei), Mâu Bác (Méou Pô), Chi Cương Lương, trong đó Mâu Bác là người Trung Hoa, còn lại là những vị Tăng sĩ người Ấn Độ, họ làm công tác truyền bá đạo tại Giao Châu và đều đi bằng đường bộ từ Ấn Độ sang, ngang qua vương quốc Phù Nam: “Giao Châu có đường thẳng thông tới Thiên Trúc. Khi Phật giáo mới tới Giang Đông chưa đầy đủ gì, thì ở thủ đô Luy Lâu (cũng gọi là Liên Lâu) của Giao Châu đã có tới 20 ngôi bảo tháp (chùa), độ được hơn 500 vị Tăng và dịch được hơn 15 cuốn kinh rồi”. Và: “Hồi ấy có các vị Tăng như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác,… cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền Thượng sĩ, đắc pháp với Tì Ni Đa Lưu Chi, truyền bá tôn chỉ của Tam Tổ, là một vị bồ tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hóa đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc”. Nhưng có lẽ trước các vị Tăng sĩ Ấn Độ sang truyền bá, chắc chắn đã có nhiều thương nhân Ấn Độ qua Việt Nam buôn bán và có thể họ đã ở lại đây lâu ngày, họ đều tín ngưỡng đạo Phật, và người dân Việt trong quá trình tiếp xúc với họ cũng dần dần chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Phật giáo.[2]

Người dân Việt từ ngàn xưa vốn có truyền thống yêu nước, thương nòi, lấy đạo đức, hiếu nghĩa làm nền tảng luân lý. Cho nên khi đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam, trên cơ sở văn hóa bản địa, với giáo lý của nhà Phật đã đem đến cho họ một nếp sống thuần từ, đức hạnh, bao dung. Vì vậy, đạo Phật nghiễm nhiên cắm sâu vào trong tâm hồn người dân Việt. Bởi thời kỳ này, Việt Nam là một quốc gia mà người dân vốn sống bằng nông nghiệp lạc hậu, từ xưa họ đã nhân cách hóa Trời thành một vị thần có khả năng làm mưa, gây nên giông tố, sấm sét, vị thần này cũng ban phúc và có khi giáng họa. Trong khi đó, đạo Phật với tư tưởng bình đẳng, bác ái, không kích bác gì tín ngưỡng về ông Trời của người Việt, lại còn để cho ông Trời kết hợp với ông Phật, điều đó chúng ta có thể thấy qua câu ca dao: “Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời. Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân”.[3]

Đến nay, đã hơn 18 thế kỷ trôi qua, có lẽ đó cũng là một khoảng thời gian khá dài để cho đạo Phật được bản địa hóa, Việt Nam hóa, để cho những giá trị tinh hoa của đạo Phật biến thành sở hữu của dân tộc Việt Nam, nó đã quyện vào làm một với tinh hoa văn hóa của dân tộc, của đất nước Việt Nam. Truyền thống của đạo Phật gắn bó với dân tộc ta là một truyền thống xa xưa, được hun đúc ngay từ thời kỳ Bắc thuộc và phát triển, lan rộng trải dài theo thời gian, để rồi đạo Phật ngày càng theo chân những lưu dân người Việt hình thành và phát triển trên những vùng đất mới trong quá trình Nam tiến.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lịch sử hình thành vùng đất Đà Nẵng có từ thế kỷ XVI, XVII, đến thế kỷ XVIII thì Đà Nẵng trở thành địa danh chính có tên trong bản đồ Việt Nam và đi vào sử sách. Song, một số ý kiến khác lại cho rằng, Đà Nẵng đã có từ nửa đầu thế kỷ thứ XV trở về trước, khoảng trước năm 1470. Có ý kiến khác lại nói rõ rằng, Đà Nẵng đã có từ thế kỷ XIV (chính xác là từ năm 1306), chấp thuận lời cầu hôn của vua Chiêm là Chế Mân, vua Trần Anh Tông đã gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý (Rý) làm sính lễ. Sự kiện này được một số nhà nghiên cứu nhận định, đó là một cuộc hôn nhân đắt giá nhất trong lịch sử Chiêm quốc, để đổi lấy một tấm nhan sắc khuynh thành của Việt tộc, Chiêm Thành đã mất đi những gì quý báu nhất mà thiên nhiên đã giành cho họ, đó là của Tư Hiền và cửa Hàn hiểm yếu, cùng những gì vàng son mà tổ tiên họ đã dày công xây dựng nên, đó là miền đất thiêng liêng Amaravati cùng cựu cố đô Indrapura.

Sau cuộc hôn nhân lịch sử đó, vua Trần Anh Tông đổi châu Ô thành Thuận châu (tức vùng đất thuộc huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Điền, Hương Trà của tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) và châu Lý làm Hóa châu (tức vùng đất thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc của Thừa Thiên Huế và Hòa Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam ngày nay). Từ đó, di dân người Việt cứ tiến dần về phương Nam, họ cư trú và sinh sống trên những mảnh đất này. Cùng đi với lưu dân có cả những nhà sư người Việt và cả những thiền sư Trung Hoa theo đường biển đến trác tích tại những vùng đất xa xôi hiểm yếu này.

Đầu thế kỷ XVI, nhất là sau khi vua Lê Hiến Tông (1497 - 1504) qua đời, xã hội Đại Việt (Đàng Ngoài) mất dần cảnh thịnh trị, kinh tế sa sút, đời sống nhân dân đói khổ, các thế lực phong kiến tranh chấp lẫn nhau, xã hội loạn lạc,… làm cho đạo Phật không còn thịnh vượng và phát triển như trước. Trong khi đó, vùng đất phía Nam lúc này được khai phá mở rộng, an ninh trật tự được giữ vững, kinh tế có điều kiện để phát triển nhanh chóng, thu hút sự dịch chuyển dân cư từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh vào Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Trên cuộc hành trình của họ, còn có cả những nhà sư.

Đặc biệt là giai đoạn từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (năm 1558), ông đã chăm lo cho việc xây dựng và phát triển xứ Đàng Trong. Từ Nguyễn Hoàng cho đến những vị chúa cuối cùng của triều Nguyễn đều tỏ ra mộ đạo Phật, họ hết lòng hộ trì Phật giáo, nhờ đó đạo Phật đã phục hưng ở Đàng Trong và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, vào nửa cuối thế kỷ XVII, khi nhà Minh ở Trung Quốc suy sụp, những bộ tộc người Mãn ở phương Bắc đã liên kết với nhau lật đổ nhà Minh lập nên nhà Thanh, một số quân dân nhà Minh không chịu thuần phục nên bỏ xứ sang Đàng Trong sinh sống, trong đó có cả các thiền sư thuộc phái Thiền Lâm Tế và một số ít thuộc phái Thiền Tào Động.[4]

Có thể nói, vào thế kỷ XVII, nhiều ngôi chùa ở Đàng Trong được xây dựng, trong đó Đà Nẵng là vùng đất nằm bên vụng biển rất thuận tiện cho việc giao thương bằng đường thủy cũng xuất hiện nhiều ngôi chùa. Theo Ngũ Hành Sơn lục thì vào đời vua Lê Thánh Tông (1470 - 1497), tại phía nam khu danh thắng Ngũ Hành Sơn có một ngôi chùa mang tên Thái Bình. Theo bia Thái Bình tự thạch bi lập ngày 11 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 17 (1721), thì cuối thế kỷ XVII, vị Đại sư Lâm Tế Chánh tòa Cửu Đại Hòa thượng từ Phúc Kiến (Trung Quốc) đã đến tu hành tại đây trong hơn 24 năm, giảng dạy cho hơn 3.000 tín đồ, tài sản của chùa lúc bấy giờ rất lớn, ngoài kinh sách và những kỷ vật thiêng liêng chùa còn có đến 75 mẫu ruộng đất, trâu đực, trâu cái do nhà chùa tậu hoặc do tín đồ cúng. Và trong Ngũ Hành Sơn lục cũng cho biết, vào đời vua Lê Thánh Tông, tại phía tây Ngũ Hành Sơn có xây dựng chùa Vân Long. Ngôi chùa cổ này bị hủy hoại vào mùa xuân năm 1775 trong cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Đến năm Minh Mạng năm thứ 5 (1825), chùa được dựng lại. Kiến trúc ngày nay của ngôi chùa cổ không còn nữa, chỉ có một ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ năm 1992 trên địa phận phường Hòa Quý nằm bên kia sông Ba Chà. Bên cạnh đó, tại Ngũ Hành Sơn còn có chùa Bình An, đây là một ngôi chùa ở dưới chân núi Non Nước, đã được nhắc đến trong bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật. Chùa được xây dựng vào thời điểm nào hiện nay chưa rõ nhưng có thể suy đoán rằng chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, vì theo tấm bia nói trên thì đến năm Canh Thìn (1640) chùa đã bị hư hại nhiều nên nhà sư Huệ Đạo Minh đã phải quyên góp tiền của để trùng tu ngôi chùa. Hiện nay vết tích của chùa ở đâu không rõ.[5]

Ngoài ra, còn có nhiều ngôi chùa khác như chùa Linh Sơn ở xã Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang được xây dựng năm 1645; chùa Long Thủ ở xã Nại Hiên, huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) xây dựng năm 1657; chùa Tam Thai do Quốc sư Hưng Liên lập (không rõ năm xây dựng), nhưng theo Hòa thượng Thích Đại Sán viết trong Hải ngoại ký sự trong chuyến sang Thuận Hóa năm 1695, trên đường trở về Trung Quốc, nhà sư có ghé lại Ngũ Hành Sơn và đến thăm chùa này, ông đã mô tả: “Chúng tôi đi cách núi còn chừng nửa dặm, thấy một thầy sãi đứng nhìn chăm chỉ, rồi chạy vội chui vào kẻ đá sau núi đi mất. Trước núi có một cái gò, trước gò trèo lên chừng trăm bước có một ngôi chùa cổ; sãi trông chùa đánh chuông trống, mặc áo tràng ra rước vào lễ Phật. Mời ngồi, thết trà, cung đón tươm tất”.[6] Và cho đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 cơ sở thờ tự của Phật giáo. Nhiều ngôi chùa do trải qua thời gian, bị chiến tranh, mưa gió bào mòn làm cho hư hại nên được trùng tu, sửa chữa hoặc xây mới khang trang, phù hợp với việc chỉnh trang đô thị của thành phố. Do đó, ngôi chùa đã trở thành một biểu tượng gần gũi và vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người dân Đà Nẵng.

Buổi ban đầu khi đạo Phật được hoằng hóa tại Đà Nẵng, các tăng sĩ thường dựng lên các am, cốc ở những khu vực còn hoang sơ, vắng vẻ. Điểm dừng chân của họ có thể là một khu đất cao ráo bên cạnh một con sông, biển, hoặc nơi núi non tĩnh mịch. Trên nền đất u tịch đó, các nhà sư chặt cây, bện lá dựng lên những thảo am nhỏ. Khi người dân định cư tương đối đông, đời sống đã ổn định, việc giao lưu kinh tế trong vùng được mở rộng và phát triển thì những ngôi chùa được xây dựng bằng các chất liệu bền vững như gạch, gỗ, đá,… dần dần thay thế những ngôi chùa bằng cây lá trước kia. Do đó, phong cảnh của chùa cũng có những nét mới, nửa mang vẻ hoang sơ, nửa là hình ảnh của làng mạc, có khi ngôi chùa tọa lạc trên triền đất cao ráo thoáng mát, có khi ẩn mình trong những vườn cây, soi mình bên dòng nước, hoặc ẩn mình trong núi non, hang động. Cho dù tọa lạc ở vị trí nào, nơi thôn cùng xóm vắng, nơi núi non thâm u thì ngôi chùa vẫn hiện diện vừa thân thiết gần gũi, lại vừa huyền ảo lay động cõi tâm linh, một góc khuất trong đời sống tinh thần của người dân thôn dã. Năm 1621, Giáo sĩ dòng tên người Ý là Cristophoro Borri đến Đàng Trong, ông nhận xét về tín ngưỡng thờ Phật của cư dân nơi đây: “Mỗi địa điểm dù nhỏ bé đến đâu thì cũng có đền chùa thờ cúng thần Phật… Họ tổ chức rước sách, lễ lạt rất long trọng, để kính thần Phật”.[7]

Với kiến trúc ban đầu bằng tranh, tre, nứa, lá, các ngôi chùa ở Đà Nẵng thường tạo thành một quần thể kiến trúc “chùa và vườn chùa” đan xen, hòa quyện lẫn nhau. Vì vậy, nó đã đưa kiến trúc Phật giáo hòa nhập với thiên nhiên của dãi đất miền Trung một bên là đồi núi, một bên là dãi đồng bằng nhỏ hẹp chạy ra sát mép biển này, tạo cho các ngôi chùa có được nét gần gũi, thân quen, không biệt lập với cuộc sống thế tục xung quanh. Do đó, vào các thế kỷ trước, chùa ở Đà Nẵng thường chỉ có ba gian rộng rãi, mái lợp ngói âm dương thô mộc, ít được xây tường rào. Ngày nay, nhiều ngôi chùa mới được xây dựng, tính chất chùa và vườn chùa cũng thể hiện rất rõ. Chẳng hạn, khi du khách đến Đà Nẵng, ngồi trên cáp treo, đi qua những cánh rừng nguyên sinh để đến chùa Linh Ứng nằm trên đỉnh Bà Nà, giữa khói sương bảng lảng, giữa heo may của gió, của mây, của ngàn cây chập chùng mông lung huyền ảo, một mái chùa nằm lọt thỏm bên triền núi, một bức tượng Phật to lớn tọa lạc an nhiên như thả hồn giữa hư vô của mênh mông trời đất, chúng ta cảm nhận được sự thâm sâu huyền bí của nó. Hoặc dọc theo bãi biển, chúng ta đến chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt (Sơn Trà), nơi đây một pho tượng Quan Thế Âm đang nhìn ra biển với đôi mắt bao dung hiền từ đang chú ý theo dõi, phù hộ cho người đi biển, một khuôn viên rộng với 18 pho tượng đá của các vị La Hán, những mái chùa thâm nghiêm bình dị,… Chính quần thể kiến trúc “chùa và vườn chùa” đan xen, hòa quyện lẫn nhau như vậy đã tạo cho khách thập phương, phật tử khi đến viếng chùa cảm nhận được sự thân quen, gần gũi, thoát tục của chốn thiền môn.

Nét văn hóa mang tính hướng nội của ngôi chùa là nếp sống, sinh hoạt. Chính nếp sống Giới - Định - Tuệ của các Tăng ni đã tạo thành năng lực nội tại và mang sức ảnh hưởng lan tỏa đến xung quanh. Người xuất gia là thiền gia, sinh hoạt nhà chùa là sống thiền và cảnh chùa là cảnh thiền. Cảnh thiền môn luôn là không gian yên tĩnh, trầm mặc, linh thiêng. Sự huyền nhiệm này đã tác động đến những tâm hồn mê muội trong chốn trần ai, khiến người ta giật mình chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, về thân phận con người trong giấc mộng ba sinh. Do đó, những người dân nơi thôn dã tìm đến chùa để được quỳ dưới chân Phật đài, được chiêm ngưỡng tôn nhan đức Phật, được nghe lời tụng kinh ngọt ngào du dương quyện với khói trầm hương nghi ngút, được nghe những lời thuyết giảng của các nhà sư về đạo lý làm người, được gặp gỡ và trò chuyện, trao đổi với nhau về công việc cũng như những thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy, ngôi chùa đã trở nên rất gần gũi, gần gũi đến độ mà người ta không thể nào quên được. Những ngày đến viếng chùa, thiện nam tín nữ được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên đầy thi vị, được buông xả những tục lụy, phiền muộn của cuộc sống bình thường, họ như thật sự sống lại với sự yên tịnh thường hằng của tâm thức.

Ngôi chùa còn là chỗ dựa tâm linh của làng quê, thôn xóm, bởi với tấm lòng từ bi cao cả, ngôi chùa đã đêm ngày với tiếng kinh cầu nguyện cho người dân được sống yên vui, hạnh phúc, để người dân cùng đồng tâm hiệp lực, xây dựng cho một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn. Trong một khoảnh khoắc nào đó, tiếng chuông chùa ngân lên vang vọng như thức tỉnh và an ủi lòng người, đem đến cho người dân cuộc sống an lạc giữa thiên nhiên đang dào dạt, rực rỡ. Để rồi một ngày nào đó, ai cất bước xa quê, trong một buổi chiều chợt nghe vọng về tiếng chuông cũng làm cho lòng bâng khuâng khoắc khoải.

Bên cạnh đó, ngôi chùa là nơi tụ hội đông đảo thiện nam, tín nữ vào các ngày rằm, mồng một và những ngày đại lễ hàng năm như: Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, Lễ cúng rằm tháng 10, Lễ vía Quan Thế Âm,... Lễ Phật đản, lễ Vu lan hàng năm diễn ra tại các chùa trong thành phố nhiều năm qua thực sự đã trở thành một lễ hội của dân chúng mang tính đại đồng, đồng thời nó trở thành một phần tất yếu của đời sống tâm linh hướng thượng. Trong những năm gần đây, lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Quan Thế Âm thuộc quận Ngũ Thành Sơn được phục hồi đã trở thành một nét đẹp độc đáo của văn hóa Phật giáo, vào ngày diễn ra lễ hội, hàng ngàn lượt người không phân biệt tôn giáo, tầng lớp, lứa tuổi đã đến chùa để chiêm bái Phật Tổ, đắm mình trong không khí bình an, thể hiện nếp sống đạo hạnh, hiếu kính của người dân Đà Nẵng tự bao đời.

Gần một thế kỷ, Đà Nẵng bị thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược, biết bao nhà sư với tinh thần yêu nước, thương nòi, họ đã xuống đường tranh đấu, tham gia kháng chiến, là tấm gương sáng cho đồng bào Phật tử noi theo. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng. Ở đây, tư tưởng nhân đạo, bác ái của đạo Phật đã gặp và hòa nhập cùng với tư tưởng yêu nước của quần chúng nhân dân, làm bừng lên ngọn lửa chiến đấu oanh liệt của mảnh đất vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất. Chính điều này là cơ sở để giải thích vì sao phần lớn các nhà sư, tăng ni, phật tử ở Đà Nẵng đã tham gia cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều ngôi chùa trước ngày giải phóng, thống nhất đất nước (1975) là nơi nương náu, nuôi giấu những cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.

Ngôi chùa ngày càng trở nên thân quen và gần gũi hơn khi những người xuất gia đã đưa Đạo nhập thế, khoảng cách giữa Đạo và Đời gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhiều ngôi chùa trên địa bàn thành phố vẫn tiếp nối truyền thống phục vụ nhân sinh, đã mở nhiều lớp học tình thương, Tăng ni đã vận động, quyên góp tiền của tìm đến với những mảnh đời bất hạnh, trẻ em khuyết tật, người nhiễm chất độc điôxin, hoặc cứu trợ cho người dân gặp thiên tai bão lũ trên địa bàn thành phố và ở các địa phương khác.

Những ngôi chùa ở Đà Nẵng được hình thành và trải qua hàng trăm năm đối mặt cùng mưa gió và những biến thiên, thăng trầm của lịch sử. Cho đến tận ngày nay, phần lớn những ngôi chùa đã thay đổi kết cấu kiến trúc ban đầu, nhưng chức năng của nó vẫn ngày càng được người dân, du khách đón nhận và phát triển mạnh mẽ. Chính khung cảnh thiền vị, thoát tục của ngôi chùa đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân trên địa bàn thành phố. Bởi thế, nếp sống thuần từ, rộng lượng, bao dung, quý chuộng hòa bình của người dân Đà Nẵng trong suốt những thế kỷ qua đã mang dấu ấn đậm nét từ nếp sống của ngôi chùa.

Trong nhịp sống sôi động, hối hả của nền kinh tế thị trường hôm nay, ngôi chùa vẫn đang thực hiện sứ mạng đưa con người tìm về cội nguồn, bảo tồn những giá trị “Chân - Thiện - Mỹ”. Ngôi chùa như một ngôi nhà chung để mọi người dân trong thành phố và du khách bốn phương tụ hội về để nghe giảng đạo, được học hỏi nghiên cứu giáo lý, phát huy được trí tuệ sáng suốt, và để cho lòng mình lắng đọng lại sau những vật vã, bon chen trong công cuộc mưu sinh, mỗi ngày mỗi xa dần chỗ tối tăm đau khổ mà bước dần lên cảnh an lạc giải thoát. Ngôi chùa đã trở thành một “ngôi đền thiêng”, một “vùng thương nhớ” trong tâm thức của người dân Đà Nẵng.

Đ.T.T.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Mạnh Thát. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tập 1. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.

2. Minh Chi. Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo, 2003.

3. Thích Đại Sán. Hải ngoại ký sự. Viện Đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1963.

4. Nguyễn Hiền Đức. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.

5. Thạch Phương, Nguyễn Đình An (Chủ biên). Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.

6. Cristophoro Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và hiệu đính). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

 



[1] Lê Mạnh Thát. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tập 1. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr. 35-36.

[2] Theo Minh Chi. Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo, 2003, tr. 8-17.

[3] Minh Chi. Sđd, tr. 19.

[4] Nguyễn Hiền Đức. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.41.

[5] http://www.danangpt.vnn.vn/danang/detail.php?id=38&a=93.

[6] Thích Đại Sán. Hải ngoại ký sự. Viện Đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1963, tr. 147- 148.

[7] Cristophoro Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và hiệu đính). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.118.