Tản văn của Phạm Thị Hải Dương
Lan man chuyện Sách
Tôi thường ưu tiên chọn sách của những nhà văn gần mình. Gần về tư tưởng, lối hành văn lẫn cách sử dụng ngôn ngữ. Những quyển hàn lâm quá (với tôi), có muốn tôi cũng không nuốt nổi. Hoặc nếu bắt buộc phải đọc, tôi phải mất rất nhiều thời gian. Mà quan trọng hơn, cái thú của việc đọc sách vì thế mà giảm hẳn.
Tôi sinh ra ở vùng đất không có nhiều trầm tích văn hóa. Những gia đình rời rạc, ăn nằm quanh năm với rơm rạ. Hết đồng lúa tới rừng, rẫy. Ra đồng, lên núi rồi về nhà. Cho tôi vào đại học, ba mẹ đã cố gắng rất nhiều. Ngày nhỏ, tôi chỉ biết có sách giáo khoa. Mà không chỉ mình tôi, rất nhiều đứa trẻ trong vùng cũng không có tuổi thơ bên trang sách. Tụi nhỏ chúng tôi một buổi học, một buổi vừa chăn bò, vừa à ơi:
“Ai làm bò Cộ ấm mình
Cho con bò Bĩnh thất tình không ăn”
Vừa tí tởn trên lưng bò, chúng tôi vừa thi thả diều. Những con diều lem nhem chữ học trò, dán vụng về bằng hột cơm còn nhão nhoẹt bay vù vè khi ngược chiều gió. Chán chê, mấy đứa tôi cột bò vào thân bạch đàn, nhảy ùm xuống sông ngâm nước. Ngâm đến lúc quần áo nổi lều bều, nửa người dưới nước bắt đầu phát lạnh, nửa người phía trên bị nắng táp rát da vẫn chưa chịu thôi.
Sách không ở cạnh chúng tôi những ngày thơ ấu. Vào đại học, có lần nghe bạn nói: “Ước gì có cái bánh mì chuyển ngữ của Doraemon để khỏi học tiếng Anh”, tôi lẳng lặng bật điện thoại tra google với từ khóa “Bánh mì chuyển ngữ”. Thiếu gì thì muốn bù nấy, từ dạo đi học xa nhà, tôi hay đọc sách. Vì không có được nền móng từ bé, nên tôi đọc sách rất vụng. Ai giới thiệu quyển nào đọc quyển nấy, thường hỏi google, kiểu hỏi của người không biết cách hỏi: “Những cuốn sách hay nên đọc”, hoặc “Các tác phẩm kinh điển của nước ngoài”, rồi men theo đó mà đọc. Nhủ với mình, đọc được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chỗ nào không tường, lại nhờ anh google. Anh ấy lúng túng, trả lời lập dập nữa thì đi hỏi mọi người. Trong mười người, ắt có một người có thể giải thích hộ mình, dẫu nhiều hoặc ít.
Tôi không phải người mê sách. Phải tự thú như vậy. Bởi từ lúc mon men học viết, tôi quen nhiều tay yêu sách đến cùng cực. Anh bạn của tôi, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng chuyên sưu tầm sách. Anh mê nhất sách của các tác giả đoạt giải Nobel, nhiều nhất là Nobel Văn học. Lần đến nhà trao đổi với anh, tôi tưởng mình bị sách đè đến ngộp thở. Hỏi quyển gì, có quyển ấy. Anh cười cười, mình đọc chưa hết đâu, nhưng cứ thấy là mua, sau này nghỉ hưu rồi, có cái đọc. Mà đọc không hết nữa, thì ba đứa con chia nhau đọc. Tôi nhìn ba đứa nhỏ con anh, hạnh phúc thay phần các bé. Chúng may mắn hơn tôi, khi ngay từ bé đã có sách kề cận. Lúc ra về, anh tặng tôi một quyển sách nhỏ. Tôi ngỏ ý mượn anh một quyển sách khá hiếm có liên quan đến chuyên ngành tôi đang học, anh vui vẻ rút quyển sách ra khỏi tủ, niềm nở: “Anh tặng em!”.
Sau này, tôi biết nhiều tay điên đảo vì sách. Mua một quyển sách tốn chục triệu, có khi cả trăm triệu. Nhưng vì độc bản, bản đặc biệt, sách có thủ bút của tác giả hoặc niên đại thuộc loại hiếm nên được săn lùng gắt gao. Tôi tin còn nhiều người yêu sách và bằng cách nào đó, giá trị của sách vẫn không thể lẫn với những món ăn tinh thần khác được. Năm nào, thành phố nơi tôi học cũng tổ chức Hội sách. Mấy ngày diễn ra chương trình, nhiều bạn bè facebook của tôi thường chụp ảnh bìa sách họ mua được, giới thiệu với mọi người. Tôi tin đó là điều tốt. Còn chuyện họ có đọc hay không, chừng nào đọc, có khi tới già mới đọc như anh bạn mê sách Nobel của tôi, thì lại là chuyện khác.
Nhờ chữ “viết” nối duyên, tôi biết thêm nhiều bạn trẻ rất hay. Như nhiều thành phố lớn khác, nơi tôi ở có một bệnh viện lớn chuyên điều trị ung thư. Số bạn trẻ này nảy ra ý tưởng vận động mọi người quyên góp sách, để bệnh nhân mượn đọc trong thời gian điều trị. Lần tìm hiểu về dự án này, tôi theo đuôi xe đẩy sách của các bạn tới từng phòng bệnh. Nhìn bệnh nhân vui vẻ ký mượn sách mà ấm lòng. Ít thời gian bám sát dự án, tôi vận động một số bạn bè gửi những quyển nhẹ nhàng, dễ đọc để tôi quyên góp cho dự án. Có anh bạn làm báo ở Sài Gòn, chưa một lần gặp mặt tôi, lặng lẽ chuyển sách với lời nhắn rất dễ thương: “Cho anh cùng em giúp cuộc đời thêm đẹp.” Một người khác gọi điện cho tôi, giúp anh mua ít sách, em chịu khó viết ở trang đầu tiên mỗi quyển: “Giữ gìn để mọi người cùng đọc” hộ anh nhé! Ngày giao sách, tôi mang hết tình cảm của anh em bạn bè xa gần trao gửi lại bệnh nhân. Cầu mong những trang sách ấy có thể giúp họ vơi đi đau đớn và vực dậy niềm tin để chiến đấu với bệnh hiểm nghèo.
Giờ này mua sách, nếu là những quyển thông dụng thì không khó để tìm. Khoan nói đến cơ man các nhà sách, việc mua sách qua mạng cũng đơn giản vô cùng. Tỷ phú ba mươi hai tuổi, người Hoa Kỳ, Mark Elliot Zuckerberg, người điều hành và đồng sáng lập mạng xã hội Facebook chắc cũng không ngờ rằng, nhờ sáng tạo của ông và đồng sự, mà những người yêu sách, bán sách tại Việt Nam có được một công cụ trao đổi, kinh doanh tiện lợi đến như vậy. Nói gần hơn, tôi phục ông Trần Ngọc Thái Sơn có gan đầu tư website bán hàng điện tử mang tên Tiki.vn chỉ với hơn trăm đầu sách. Hiện tại, Tiki.vn hay Vinabook.com là hai lựa chọn được ưu tiên của người cần những quyển sách thường thức.
Xoay quanh chuyện mua sách trực tuyến, cũng có vài chuyện khiến tôi… đổ buồn. Có lần đang cần quyển Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do cố giáo sư Hoàng Phê chủ biên, tìm không thấy ở các nhà sách, tôi hỏi khắp bạn bè từ Nam chí Bắc rồi cũng tìm được một quyển ưng ý với giá khá mềm, mua qua lời giới thiệu trên facebook. Nhưng nhận sách rồi mới hay bìa trong và bìa ngoài không khớp nhau về năm xuất bản. Xem như dùng tiền mua lấy bài học cho mình. Biết hiện đại cũng nhiều lúc… hại điện lắm!
Đẻ muộn
1. Nhiều khi ước mình có thể sinh ra sớm chừng... hai mươi năm. Bạn biết vì sao không?. Bởi có vô vàn thứ hay ho mà những đứa sinh sau đẻ muộn chỉ được nghe người lớn kể, rồi chết thèm.
Đất nuôi mình lớn là vùng kinh tế mới. Sau giải phóng, theo chủ trương của nhà nước, cả hai đàng nội, ngoại đều lên vùng núi khai khẩn lập làng mới, làm ăn. Bà ngoại kể, hồi mới dựng nhà, mẹ mình trốn đi chơi biệt cả ngày không thấy tăm dạng. Tối, cả làng đốt đuốc đi tìm, sợ ông ba mươi vồ trúng. Bò, lợn mất không biết bao nhiêu mà kể. Còn mẹ hay nhớ, lần đầu mẹ theo ông ngoại đi rừng, hai bên đường, khỉ đu dày trên các tán cây, nhảy ào ào, tưởng như cây lá sắp đổ ầm xuống đất. Người đi đến đâu khỉ chuyền theo tới đấy. Đã vậy, bầy khỉ còn rung cây dọa, mẹ sợ đến mặt cắt không còn hột máu. Quê mình có câu “Cọp núi Lá, cá sông Hinh”, chắc một phần xuất phát từ đấy.
Nhưng tới thời mình, núi Lá đã không còn lá. Núi lở từng mảng nằm trơ giữa trời. Cá sông Hinh đã bơi đi đâu hết, bỏ lại con nước đục ngầu cô độc, giận dữ chảy siết quanh năm. Nào được may mắn như mẹ, hồi nhỏ muốn thấy hổ và khỉ, mình chỉ có thể xem qua tivi. Dạo mới ra phố, mình có đi sở thú một lần. Duy nhất một lần. Rồi thôi. Mình sợ đối diện với đôi mắt buồn rười rượi nằm sau song sắt cùng sợi xích lớn trên cổ của chúng. Sau này đi viết, mình có quen một anh làm công tác bảo vệ động vật hoang dã. Anh đi hầu khắp các tỉnh dọc biên giới Việt - Lào, chụp lại hình ảnh những chú khỉ bị nuôi nhốt hoặc bị sập bẫy. Mỗi lần anh giới thiệu một tấm ảnh mới với bạn bè facebook, hoặc một con khỉ mặt đỏ, chi sau bị hoại tử do sập bẫy, hoặc một con khỉ vàng bị nhốt trong lồng sắt, chi trước bấu lấy song sắt, bất lực nhìn ra ngoài. Nhìn ảnh chúng, chỉ ước mình sinh ra sớm hơn để có thể nhìn thấy bầy khỉ an nhiên chuyền từ cành này sang cành khác như mẹ mình thường kể, hoặc nằm yên trong căn nhà vách đất, nghe tiếng chân cọp giẫm lá ngoài vườn.
2. Mình có đọc quyển sách, chị tác giả viết thế này: “Tôi người lớn, có bỏ cả buổi chiều lang thang để hái nửa lon hạt muồng…”. Tới ngay đây thì dừng lại, chưa thể đọc hết câu. Đấy, cá rằng mấy đứa bằng tuổi mình rất hiếm đứa biết hạt muồng là hạt gì. Phải chi mình là chị tác giả, tức là cộng vào người chừng mười tuổi nữa, sẽ không phải tra google mới biết hạt muồng có thể làm mát gan, an thần, hạ huyết áp... Có khi từng nắm lấy một vốc hạt muồng rồi cũng nên.
Mình thấy sinh ra ở thời điểm nào cũng có cái hay của nó. Không phải cứ được đẻ ra trước là phải chịu cảnh áo không che được nắng hè, áo không che bớt được gió đông. Mình có chị bạn vong niên, năm nay chạm ngõ bốn mươi, nhìn thôi đã mát mắt. Mỗi lần hai chị em gặp nhau, mình hay vuốt ve chị, thời gian quyền năng đến thế mà phất cờ trắng khi đấu với chị rồi. Một lần, chị đưa mình xem tấm ảnh chụp bữa tiệc sinh nhật năm mười chín tuổi. Nhìn vào kiểu tóc Victory Rolls, chưa bàn tới váy áo là đủ biết cô gái mười chín năm nào thuộc dòng dõi quý hiển. Chắc chị chưa bao giờ thử nếm qua món cơm độn sắn mì, khoai lang. Thứ cơm nhà nghèo ngày xưa mà mẹ mình trìu mến gọi tên: Cơm ghé.
Năm ngoái, còn chạy thời sự, mình hay về muộn. Tránh mấy con đường vắng, mình chọn đi đường vòng về dù mất thêm mười mấy phút. Đi đường mới, mình quen thêm một cây cầu vượt. Cây cầu này nằm trong kế hoạch giảm thiểu ùn tắc và xóa bỏ điểm đen giao thông của thành phố. Khánh thành ít lâu, chân cầu trở lại nơi tá túc của không ít phận đời cơ nhỡ. Đến lúc ngưng làm thời sự, không còn lý do nào chạy con đường quanh co ấy nữa, mình vẫn đều đặn ra thăm thằng bé. Thằng nhỏ kháu lắm. Da ngăm, mũi cao và đôi mắt biết cười. Mình chẳng hỏi quê quán nó đâu, sao lưu lạc tới xứ này. Biết đâu nhắc, lại thành hỏi khó nó. Chỉ biết nó không thích bị trói chân, muốn tự do kiếm cơm. Dù thành phố không có chỗ cho nó. Nó chạy nhiều hơn bán. Bị người ta đuổi rồi, nó còn bị cơn đói rượt theo. Thế mà đêm về, nó lại cuộn trong chiếc khăn trải bàn mình cho, ngủ mất dạng. Lần nào mua đồ ăn tối tới nơi cũng phải lay nó dậy. Kêu Sơn ơi, Sơn hỡi bánh canh cá lóc nè em. Đổ bịch bánh canh ra cái tô tiện lợi, bật đèn pin điện thoại soi cho nó húp. Sơn ăn trong lúc còn ngái ngủ, mắt chưa mở hết. Mình vừa soi đèn vừa nghĩ, ráng làm ít năm nữa có chút đỉnh vốn liếng, đem cu Sơn về nuôi. Đời lấy nhiêu đó làm vui vậy!
Đêm sau đang đi ăn đồ Hàn với bạn, tòa soạn gọi gấp, báo bên cầu H. có thằng nhỏ rớt xuống sông. Lật đật kiểm tra pin máy ảnh, tao xin lỗi mấy đứa bây, tao phóng trước. Tới đầu cầu, bị đồng nghiệp ngăn lại. Em về trước đi, về tụi anh mail cho. Chưa biết mô tê gì thì tin nhắn chị biên tập tới: “Mây về nghỉ đi. Chị nhận tin của anh H. bên A rồi.” Linh cảm sự chẳng lành. Mình bấu lấy mọi người hỏi nhưng người này nhìn người kia, ai cũng im lặng, nuốt nước bọt. Tiếng mái chèo khuấy đục một khúc sông. Tiếng người thở hắt ra. Tiếng con nước nhao lên khi người ngụp xuống lòng sông mò mẫm. Cây cầu ngạt thở, tưởng như sắp trĩu xuống. Lúc đấy, mình định tháo ra khỏi đoàn người đang đứng chật trên cầu, lao xuống bờ sông thì có tiếng ai gọi giật lại: “Cu Sơn đó Mây ơi!”. Không biết mình đã chết đi bao lâu nữa.
Mình đã định bảo bọc Sơn, trở thành người thân của nó. Nhưng rồi nó chết bởi những người lớn như mình. Thế mới rõ, đâu phải cứ sinh sau đẻ muộn là được bảo bọc, chăm sóc. Được sống an yên và sung túc. Cứ thế lớn lên, hít ra thở vào mà sống được. Chị gái ngày xưa ở cùng phòng ký túc xá với mình, tốt nghiệp Sư phạm rồi bươn bả làm hết chuyện này tới chuyện khác, toàn việc trái ngành. Lần gần đây nhất hai chị em ngồi với nhau, chị khuấy ly ca cao hồi lâu. Đá tan hết, ca cao lắng dưới đáy, nước đá đùng đục nổi lên trên, chị bần thần:
- Phải chi chị được sinh ra sớm chừng mười lăm năm, chắc khỏi lo việc làm Mây hè.!.
- Biết đâu chui ra sớm chị lại không được đi học.
- Ừ! nhưng đỡ phải suy nghĩ nhiều như bây giờ.
Mình và chị lẳng lặng nhìn nhau. Con đường vẫn ăm ắp xe cộ. Cuộc đời vẫn trôi bên ngoài quán cà phê.
3. Phòng mình ở có cô bé học cử nhân Văn học, năm thứ hai. Chương trình học kỳ này của em ấy có môn Hán văn cơ sở. Thỉnh thoảng hết việc, mình nằm không ở nhà, nghe em học bài: “Chữ Hán là ký hiệu dùng để viết lại tiếng Hán. Chữ Hán được cấu tạo bởi tám nét và sáu phương thức cấu tạo. v.v...”. Trong lúc đó, giường bên cạnh, một cô bé khác bật ca khúc Buông đôi tay nhau ra của ca sĩ trẻ Sơn Tùng - MTP, vừa nhìn vào màn hình điện thoại, lẩm nhẩm theo lời bài hát. Thành thử bài học của cô em học Hán văn, thỉnh thoảng trở thành: “Chữ Hán được cấu tạo bởi tám nét và sáu phương thức cấu tạo. Cứ xa anh vậy đi. Đường mòn xưa kia dẫn lối đôi chân lẻ loi á à ù u.” (!?)
Ở cùng mình, ngoài lướt facebook, xem phim Hàn, chiều tắt nắng mở cửa phòng, ra hành lang ngắm sinh viên nam chơi bóng chuyền, thỉnh thoảng các em có mượn mình vài quyển sách nhằm thay đổi không khí. Mình để các em đọc những cuốn dễ đọc nhất. Tác giả gần các em về độ tuổi, cách sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt. Mỗi lần đặt sách trực tuyến, mình hay rủ các em mua cùng và thường kiêm luôn vai trò gợi ý và cố vấn. Sách được nhân viên giao đến tận cổng ký túc xá, các em chất đầy đầu giường, song lâu lâu mới thấy lấy xuống đọc. Mình cũng bị lây mấy em, lâu lâu thức xuyên đêm cày hết bộ phim Hàn mười sáu tập. Rảnh rỗi, mấy chị em chụm đầu đọc báo. Chủ yếu xem chân dung và lùng đời tư của diễn viên chính trong bộ phim đang phát sóng. Cô em là fan ruột của nền điện ảnh xứ sở kim chi, hào hứng kể hôm qua bạn em mới mua cái áo bác sĩ Kang (nữ diễn viên Song Hye Kyo thủ vai, phim Hậu duệ Mặt Trời). Da nó trắng, mặc vào sáng bừng cả lớp học.
Bữa nọ, mình được anh bạn tặng tận mấy cái vé mời đi xem vở tuồng Sơn Hậu. Vở do nghệ sĩ nhà hát tuồng thành phố dàn dựng, biểu diễn. Mình mê Sơn Hậu này từ lúc còn bé tẹo. Chục năm trước nghe Sơn Hậu, mình thích nhất cặp bài trùng Đổng Kim Lân (NSƯT Vũ Linh thủ vai) và Khương Linh Tá (NS Linh Tâm thủ vai). Cả hai mưu trí và dũng cảm cứu bằng được ấu chúa Tề Thiện Tôn trước vòng vây của thái sư Tạ Thiên Lăng. Có thêm tí tuổi, mình lại thích hình tượng Tạ Nguyệt Kiểu của NSƯT Thoại Mỹ. Mang dòng máu gian thần nhưng bà quyết “Phục Tề, đuổi Tạ”. Giữa lúc thứ hậu Phàn Phụng Cơ, người mang giọt máu quân vương bị giam trong ngục tối, bà đã lập mưu cùng thái giám Tử Trình, hai tôi trung Lân - Tá, đưa mẹ con Phụng Cơ về thành Sơn Hậu. Vở cải lương nhiều đoạn khiến mình trào nước mắt. Cảnh bà Phụng Cơ vừa vượt cạn vừa cầm kiếm chống lại kẻ thù. Vừa trao tay ấu chúa cho Đổng Kim Lân, thì mẹ con đôi ngả chia lìa. Lúc thái tử trưởng thành, vì khát khao gặp lại mẹ đã khăn gói lên đường tìm kiếm khắp mọi ngả đường. Ngày nhớ, đêm mơ, Thiện Tôn được ông ngoại về báo mộng, theo hướng đông ắt tìm được mẹ. Lúc đứng trước mặt thân mẫu, Thiện Tôn lại vô cùng đau đớn bởi bà Phụng Cơ đã hóa điên vì mất con, không còn nhận ra giọt máu năm nào. Rồi cảnh mẹ Đổng Kim Lân đứng trên giàn hỏa vẫn ung dung, khảng khái nhắc nhở con trai giữ trọn chữ trung với vua.v.v...
Mình cầm mấy chiếc vé, quyết đi xem nhưng lần khần không biết rủ ai xem cùng. Bầu trời này chắc chỉ còn đứa hai mươi mốt tuổi là mình đi xem tuồng. Một mình xuống nhà hát tuồng, mình thủng thẳng thả chọn lấy vị trí đẹp giữa bốn năm hàng ghế thưa người. Khán giả phần lớn là người lớn tuổi. Có vài người trẻ như mình nhưng chưa đến một phần tư vở, họ rời ghế lặng lẽ ra ngoài. Số khác chắm chúi vào di động mặc kệ trên sân khấu ông Khương Linh Tá sắp bị ngón hồi mã thương của Tạ Ôn Đình chém
bay đầu.
Mình ngồi đến tận lúc Tạ Thiên Lăng cúi đầu nhận tội. Cảm xúc vẫn lâng lâng như ngày xưa. Vở cải lương dài bốn, năm tiếng. Chạy ngót bốn cái CD. Bà ngoại cháu thả ghế trên sàn xi măng, nằm nghe từ bảy giờ đêm tới hai ba giờ sáng. Lúc mình về phòng, mấy đứa nhỏ khoe, vừa xem trao giải Mama, nữ ca sĩ Đông Nhi là đại diện tiếp theo của Việt Nam nhận giải thưởng âm nhạc hằng năm của Hàn Quốc.
Đêm đó, mình trăn trở mãi. Có khi nào dăm năm nữa, mấy đứa nhỏ sẽ hỏi anh google: “Tuồng là gì?” như mình từng hỏi ảnh: “Hạt muồng”, khi đọc quyển sách của chị nhà văn...
P.T.H.D