Đổi mới loại hình nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 - Nguyễn Văn Hùng

02.11.2016

Đổi mới loại hình nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 - Nguyễn Văn Hùng

“Tôi khóc những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời”

(Trần Dần)

 

Tiểu thuyết đương đại đã vượt qua cái nhìn “biết trước” của tự sự truyền thống; lập trường của tác giả và nhân vật ngang hàng, bình đẳng với nhau, cho nên nhà văn không thể áp đặt kết cục cuối cùng cho nhân vật mà phải tôn trọng logic nội tại của nhân vật. Theo đó, quá trình khám phá nhân vật cũng chính là quá trình đối thoại giữa người đọc với nhà văn thông qua sự hiện hữu của nhân vật trong tác phẩm của anh ta. Lúc này, sứ mệnh của tiểu thuyết gia nói như Milan Kundera “không phải là nhà sử học cũng chẳng phải là nhà tiên tri: anh ta là người thám hiểm cuộc sống”(1). Vừa mang trong mình những đặc điểm của tiểu thuyết đương đại đồng thời phải tuân thủ “luật chơi” riêng của thể loại, nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử cũng có nhiều sự đổi mới về loại hình. Ở thể loại này, nhân vật là nơi thử thách và cũng là nơi khẳng định rõ ràng nhất tài năng, bản lĩnh của mỗi nhà văn. Chọn đề tài lịch sử để sáng tác, nhà văn cần phải bồi da đắp thịt để phục sinh nhân vật, thổi sức sống cho nó, bắt nó nói năng, đi lại, nếm trải những cung bậc cảm xúc nhằm phục vụ cho tư tưởng nghệ thuật của mình. Nhân vật thành công là nhân vật không quá xa lạ với người đọc mà vẫn phù hợp với thời đại nó sống. Mỗi nghệ sĩ lớn đều sáng tạo kiểu nhân vật riêng cho mình, có quan niệm nghệ thuật riêng về con người. Với thể loại tiểu thuyết lịch sử, thế giới nhân vật vừa là những con người có thật trong lịch sử vừa là những con người được nhà văn hư cấu, thậm chí dù đó là những con người của lịch sử, trước hết họ vẫn là những nhân vật tiểu thuyết, được khoác trên mình chiếc áo choàng nhuốm màu huyền thoại, là nơi gửi gắm tình cảm sâu kín và cả những tư tưởng nhân sinh, triết học nhân bản của người nghệ sĩ. Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 hết sức phong phú. Quy gọn vào một số loại hình tất yếu sẽ làm giảm đi sự đa dạng ấy (điều mà Milan Kundera vẫn e sợ). Nhưng do yêu cầu của tư duy nghiên cứu, chúng tôi vẫn phải tiến hành tìm hiểu các loại hình nhân vật chủ yếu. Hơn thế nữa, trong mỗi loại hình, chúng tôi luôn đặt trong sự đối sánh với tiểu thuyết lịch sử Việt Nam những giai đoạn trước để thấy được sự kế thừa cũng như những đổi mới của các tác giả.

1. Nhân vật đời tư, thế sự

Vận động theo quy luật tất yếu của lịch sử dân tộc và tiến trình văn chương, tiểu thuyết lịch sử luôn hiện diện với sứ mệnh riêng và cùng văn học dân tộc đi qua nhiều bước thăng trầm. Tiểu thuyết lịch sử giai đoạn trước chú trọng nhiều đến cảm hứng lịch sử và dân tộc. Từ nỗi đau vì dân tộc bị bọn giặc ngoại bang dày xéo, các tiểu thuyết gia đã khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân đất Việt trong việc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Những sự kiện lịch sử chói lọi của dân tộc được Nguyễn Tử Siêu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng ghi lại bằng một niềm tự hào, một lòng ngưỡng mộ chân thành. Chân dung những vị anh hùng, những người con ưu tú của dân tộc đã có công trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng nhân dân cũng được khắc họa với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng: Nguyễn Xí, Đặng Dung, Đặng Tất (Trùng Quang tâm sử), Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà, Triệu Dõng (Giọt máu chung tình), Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Trần Như Hổ (Tiếng sấm đêm đông), Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Đạt, Triệu Quốc Thành (Vua Bà Triệu), Nguyễn Huệ, Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Thiếp (Việt Thanh chiến sử), Trần Quốc Toản, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng (An Tư, Lá cờ thêu sáu chữ vàng), Nguyễn Hữu Cầu (Quận He khởi nghĩa), Hoàng Hoa Thám (Núi rừng Yên Thế)... Quay về quá khứ, nối kết thực tại, bằng cảm hứng dân tộc và thời đại, nhiều tác phẩm ngợi ca nhiệt tình đối với cuộc kháng chiến thần thánh, chiêm bái những vị anh hùng dân tộc nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh quốc gia.

Sau 1975, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới (1986), những quy luật thời bình quay trở lại chi phối văn học. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi phải nhận thức lại mọi điều. Được soi sáng và cổ vũ bởi tư tưởng dân chủ của Đảng, các nhà văn đã thực sự quan tâm đến con người, có nhiều khám phá mới về con người.

Có thể nói xã hội càng phát triển, con người càng có ý thức đầy đủ hơn về cá nhân. Nó muốn là một nhân cách, một nhân vị không bị hòa tan vào môi trường sống, được phát huy tận độ những “năng lực người” của mình, được quyền tự mình định đoạt cuộc sống của mình. Nhân vật của tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử đương đại nói riêng được nhìn nhận, khám phá trong muôn vàn mối quan hệ đời tư, thế sự, khiến nhân vật trở nên gần gũi, đời thường hơn bao giờ hết. Ngoài những suy tư, trăn trở về số phận con người trong các cuộc biến thiên lịch sử, nhà văn còn “giả/giải lịch sử”, soi rọi nhân vật dưới tọa độ đời tư - thế sự - nhân văn làm nên hệ chủ đề trong các hư cấu tự sự lịch sử của mình: khát vọng tự do, tình yêu đôi lứa và hạnh phúc gia đình. Những khát vọng mang tính nhân bản có tầm phổ quát này đã đem lại sức ám ảnh/sự quyến rũ khôn nguôi cho các tác phẩm Giàn thiêu, Hồ Quý Ly, Sông Côn mùa lũ...

Giải thích về việc chọn Từ Đạo Hạnh làm “cốt” trong tiểu thuyết của mình, Võ Thị Hảo đã rất có lý khi nhận thấy sự phức tạp, chất chứa nhiều mâu thuẫn trong tính cách của nhân vật này. Suốt hai kiếp sống, Từ Lộ - Thần tông không thôi day dứt một niềm tiếc nuối tê tái: “ta đã lỡ mất kiếp này” do ông luôn luôn bị cầm tù bởi định mệnh tăm tối, lòng thù hận, thói đam mê quyền lực và sắc dục. Nhà văn đã dành nhiều tiết đoạn để cho Từ Đạo Hạnh - Thần tông phân thân và tự đối thoại với chính mình. Hóa ra khi không được là mình thì dù có nhân danh bổn phận, quyền uy, danh dự, ông ta vẫn là kẻ bất hạnh với một tâm hồn khuyết tật, lúc nào cũng khắc khoải nhớ và khát thứ tự do đã đánh mất. Bên cạnh Từ Lộ - Thần tông, Võ Thị Hảo còn xây dựng nhiều nhân vật tượng trưng cho khát vọng tự do, đó là ngọn gió lang thang mang theo cơn mưa cứu rỗi - sư bà Nhuệ Anh; sự hoang dã, vẻ đẹp thiên phú vượt ngoài kiềm tỏa của quyền lực và mưu đồ - cung nữ Ngạn La. Đọc Giàn thiêu, độc giả như đứng trước một thế giới va đập bạo liệt giữa thiện và ác, tốt và xấu, thánh thiện và dục vọng. Trong thế giới ấy vang lên những thông điệp về tình yêu và khát vọng tự do; sự trường tồn bất tử của sự thật trước bạo lực và cường quyền; những đau đớn, yêu thương và lầm lạc của kiếp nhân sinh.

Sau bao nhiêu toan tính, chọn lựa được/mất, tự do dường như là tiếng vọng cuối cùng của con người. Tiếng kêu đau đớn của Thanh Mai, một biểu tượng của con người buộc phải buông mình cho định mệnh lịch sử sẽ còn mãi ám ảnh người đọc về một ước vọng vô cùng nhân bản, như một sự cứu rỗi linh hồn: “Chàng ơi! Hãy xuống thuyền với em”, “Hãy tung hê tất cả đi! Chúng mình sẽ lên rừng. Chúng mình sẽ về với suối” (Hồ Quý Ly). Thế nhưng ước vọng “buông xả thanh thản” (chữ của Martin Heidegger) ấy vẫn mãi chỉ là niềm mơ tưởng bởi Nguyên Trừng - người tình của nàng sau cuộc vật lộn đấu tranh với chính mình đã quyết định lựa chọn con đường nghiệt ngã của lịch sử. Cả Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thế Quang, Nam Dao đều dùng tự do làm “nốt nhấn” trong cấu trúc nhân cách của các vĩ nhân. Với những con người “khổng lồ” như Hồ Quý Ly (Hồ Quý Ly), Lê Lợi, Nguyễn Trãi (Đất trời), Quang Trung (Sông Côn mùa lũ), Nguyễn Du (Nguyễn Du) khát vọng đó đã thành bão tố rung chuyển cả thời đại. Dẫu biết rằng cái giá phải trả không hề nhỏ của cuộc canh tân đất nước, Hồ Quý Ly dám chấp nhận trả giá, vượt lên căn bệnh “ngu trung” của thời đại để cứu Đại Việt khỏi bờ vực của sự khủng hoảng. Quang Trung không tự trói mình trong đám thư thi lễ nghĩa của tầng lớp hủ Nho hết thời, chấp nhận hành động “tàn nhẫn”, “có tội” với gia đình và dòng tộc để làm những điều mà với ông là cần thiết cho vận mệnh dân tộc. Còn Nguyễn Du sẵn sàng đối diện với quyền uy, chủ động đón nhận bi kịch “tha nhân” để truy tìm giá trị đích thực của tự do và khai phóng sáng tạo. Và Nguyễn Trãi dám đặt cọc bằng máu và sinh mệnh của dòng tộc bảo vệ cho tư tưởng nhân nghĩa, thân dân của mình. Dẫu thất bại, mang tiếng xấu muôn đời như Hồ Quý Ly hay gặt hái vinh quang, để lại tiếng thơm muôn thuở như Quang Trung, hoặc chịu bi kịch tru di tam tộc như Nguyễn Trãi, song họ đều là những nhân cách lớn, lớn trước hết là khả năng dám là mình, dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm về những gì mình làm.

Lịch sử trở nên vô cùng gần gũi, đời thường khi mang gương mặt của khát vọng tình yêu. Trong tiểu thuyết lịch sử đương đại, chủ đề tình yêu có một sức hút kỳ diệu, nó cho thấy từ sâu thẳm tính người, nhân loại khi đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống đều gặp nhau ở điểm hẹn tình yêu. Ám ảnh suốt hơn 500 trang Giàn thiêu là tình yêu định mệnh giữa Nhuệ Anh - Từ Lộ, tình yêu bao dung, trong trẻo của chàng Cá Bơn dành cho Nhuệ Anh, tình yêu điên rồ, đầy dục vọng của Lý Câu với Nhuệ Anh... Gương mặt tình yêu in dấu cả nét rạng rỡ hạnh phúc lẫn nỗi đau đớn khổ lụy, cả sự thánh thiện, thuần khiết lẫn vẻ tăm tối dày vò. Những trang viết về tình yêu có thể nói là những trang đẹp nhất, lung linh nhất và thăng hoa nhất trong ngòi bút Võ Thị Hảo. Trong Sông Côn mùa lũ, bên cạnh mạch chảy cuồn cuộn của những chuyển vần lịch sử, là mạch chảy âm thầm, ám ảnh và bất diệt của tiếng gọi tình yêu. Người anh hùng đánh Nam dẹp Bắc bách chiến bách thắng Nguyễn Huệ suốt một đời ân hận, day dứt về mối tình đầu ngây dại với An. Đặt Nguyễn Huệ vào một cuộc tình không trọn vẹn, Nguyễn Mộng Giác đã khám phá người anh hùng này ở khía cạnh đời thường nhất, để thấy ông là người nặng ân tình và cũng bị những giới hạn thường tình bủa vây. Tình yêu trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly lại là phép thử để Nguyễn Xuân Khánh phát hiện ra phần tự nhiên, thành thật, thầm kín nhất trong mỗi con người, kể cả Hồ Quý Ly, một khối ý chí khổng lồ, một bản lĩnh phi thường. “Bị lịch sử chọn” để gánh vác một sứ mệnh quá nặng nề, ông đã phải gồng mình lên đương đầu với nhiều kẻ thù. Chỉ duy nhất Huy Ninh và tình yêu đầy bao dung của bà mới cho ông được sống những giây phút thật lòng nhất. Hình ảnh người vợ hiền mang gương mặt thánh thiện của Phật đến với ông hằng đêm như một sự cứu rỗi, xoa dịu

đi phần nghiệt ngã, mạnh mẽ trong “nhân tính thái quá” của ông (cách nói của Nitzsche). Hơn nữa, người đàn bà ấy như một ảo ảnh tuyệt đẹp gợi nỗi tiếc nuối da diết về một cuộc đời bình yên, hạnh phúc đáng lẽ ra ông đã có. Còn trong Mẫu Thượng ngàn, hình ảnh bà Tổ Cô, Mùi, bà Ba Váy, thím Pháo, Nhụ nâng niu đôi vú hiến dâng như biểu tượng cho sự cứu rỗi, tái sinh bằng tình thương yêu, để ban tặng sức sống mãnh liệt cho những số phận đang trở nên lụi tàn về thể xác lẫn tâm hồn. Tình yêu đậm chất phồn sinh phồn thực nguyên sơ, ảo ảnh huyền thoại ấy là cái bản năng mang tính Mẫu trong văn hóa Việt được kết tinh trong mỗi người vợ, người mẹ Việt Nam được Nguyễn Xuân Khánh tái hiện vô cùng tinh tế.

Trong muôn vàn khuôn mặt của tình yêu ấy, Bùi Anh Tấn mạnh bạo kiếm tìm, tái hiện nét dị biệt, lạ lẫm của tình yêu đồng giới. Qua những mối tình éo le, trắc trở, nhân vật thể hiện những khát vọng vô cùng nhân bản của “thế giới thứ ba” là được sống với con người thật của mình, được mọi người thừa nhận. Tác giả của Bí mật hậu cung đã xây dựng nên mối tình kỳ lạ, lãng mạn và vô cùng trắc trở giữa Ngô Thuấn, một mỹ nam tử nổi tiếng của kinh thành Thăng Long, sau này trở thành danh tướng kiệt xuất Lý Thường Kiệt và đương kim Thái tử Nhật Tông, hết mực tài hoa, tinh tế, sau này kế vị ngai vàng trở thành vua Lý Thánh Tông. Ban đầu giữa họ chỉ là những chia sẻ sở thích về ngựa và võ nghệ, dần dần tình cảm đó đã vượt lên tình huynh đệ thông thường, trở thành một thứ tình cảm khác lạ. Riêng Ngô Thuấn, ngòi bút của Bùi Anh Tấn đã chạm vào những khắc khoải cô đơn, những hoài nghi, trăn trở để tạo nên những trang miêu tả, phân tích tâm lý xuất thần. Trong những khoảnh khắc ấy, tác giả đã khiến người đọc tạm quên đi hình ảnh người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, để trải lòng mình với những xúc cảm đời thường, và trên hết, thấu hiểu tấn bi kịch nội tâm của một con người: không biết mình là ai, không dám thừa nhận giới tính của mình, không được sống thật với con người, để rồi, không được quyền lựa chọn hạnh phúc riêng tư cho mình. Viết về thần tượng của dân tộc, rõ ràng, Bùi Anh Tấn đã vượt qua kinh nghiệm cộng đồng, đã “giải thiêng” thần tượng, kéo nhân vật về với kích cỡ của con người đời thường với mọi cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố.

Như vậy, quan niệm “con người đời thường”, “con người phàm tục”, “không hoàn hảo” vừa giống như một sự đối thoại với quá khứ, khước từ những quy phạm cũ, vừa đề xuất những giá trị mới để đánh giá con người: hệ giá trị nhân bản. Nhờ đó, văn học có những khám phá toàn diện, nhiều chiều về con người, mở ra những tầng sâu mới mẻ và thú vị đời sống đầy bí ẩn, vô cùng vô tận của những cá thể người sinh động và gần gũi.

2. Nhân vật đa diện, phức tạp

Nếu như nhân vật của tiểu thuyết lịch sử những giai đoạn trước còn khá đơn giản trong tính cách, nhất phiến trong tư tưởng, chân dung chủ yếu khắc họa bằng hành động và lời nói thì nhân vật giai đoạn này được nhìn nhận ở tính đa trị, lưỡng diện của nó. Trong mỗi nhân vật bao giờ cũng có phần sáng - tối, đẹp - xấu, thiện - ác tương tranh. Con người luôn hiện diện trong hai mặt của tính cách: đen - trắng, “rồng phượng lẫn rắn rết” (Nguyễn Minh Châu), thiên thần và ác quỷ… Phát hiện con người phức tạp, con người lưỡng diện, không nhất quán với mình, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 có vẻ như đi đúng quỹ đạo tư tưởng của những nhà khoa học nhân văn kiệt xuất trên thế giới. Lev Tolstoi từng ví “Con người cũng như dòng sông. Nước trong mọi con sông như nhau và ở đâu cũng thế cả nhưng mỗi con sông khi thì hẹp, khi chảy xiết, khi thì rộng, khi thì êm, khi thì trong veo, khi thì lạnh, khi thì đục, khi thì ấm. Con người cũng như vậy. Mỗi con người mang trong mình những mầm mống của mọi tính chất con người và khi thì thể hiện tính chất này, khi thì thể hiện tính chất khác”(2).

Suy cho cùng, dẫu là các nhân vật lịch sử, các vĩ nhân, anh hùng dân tộc như Trần Thủ Độ, Nguyễn Huệ, Từ Đạo Hạnh, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Lê Lợi... thì trước tiên họ cũng là con người, mà đã là con người, tất cả luôn bị chi phối và tác động bởi muôn vàn mối quan hệ phức tạp trong đời sống xã hội. Dù cố gắng hoàn thiện đến mức nào cũng không thể giấu đi những khiếm khuyết, đặc biệt trước những va xiết khốc liệt của lịch sử.

Trần Thủ Độ trong Bão táp triều Trần được Hoàng Quốc Hải khắc họa là một nhà chiến lược thiên tài, một người có tầm nhìn xa trông rộng, có công lớn trong việc chuyển giao vai trò lịch sử từ nhà Lý sang nhà Trần một cách êm thấm nhất, từ đó giúp Đại Việt thoát khỏi bờ vực của sự khủng hoảng để hồi sinh. Nhưng ở con người kiệt hiệt này cũng đầy những dối trá và thủ đoạn. Ông biến các cuộc hôn nhân của con cháu mình thành những mưu đồ chính trị khiến cuộc đời của những Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng, Thuận Thiên... không hơn gì một canh bài oan nghiệt, dở khóc dở cười. Hoàng Quốc Hải đã xoáy sâu vào những suy tư, dằn vặt phức tạp giữa một bên là sứ mệnh dòng họ, dân tộc và một bên là nhân cách, tình cảm của một con người. Từ đó, nhà văn cho thấy tính cách phức tạp, đa chiều của Trần Thủ Độ khi được soi rọi trong nhiều mối quan hệ.

Chọn Hồ Quý Ly, một trong những nhân vật phức tạp bậc nhất trong lịch sử Việt Nam để luận bàn về tư tưởng đổi mới, ý nghĩa thời thế, Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã khắc họa rõ nét hai mặt tính cách ở cả phần khuất lấp và lộ diện, cả phần sáng và phần tối. Hành động “chiếm ngôi đoạt vị” của ông là thái độ vứt bỏ lời thề với nhà Trần (chữ Trung), phũ phàng chà đạp lên sự yêu vì của Nghệ tông (chữ Nghĩa), đang tâm mưu hại những người thân nhất của mình (chữ Nhân), nhưng trong thâm tâm, ông tự nhủ ông không vứt bỏ nhân nghĩa mà “trái lại! Chính vì nhân nghĩa nên đã vứt bỏ”, không phải không trung thành mà là ông không chấp nhận “ngu trung” trong quan niệm cổ hủ của sách vở. Ông chủ trương bằng mọi cách, mọi giá phải canh tân đất nước, ngăn chặn sự khủng hoảng, xác lập sức mạnh tự cường, tự chủ của dân tộc. Hồ Quý Ly càng lạnh lùng, nghiệt ngã, tàn nhẫn trên chính trường bao nhiêu thì ông lại càng bộc lộ sự trắc ẩn, day dứt, đớn đau bấy nhiêu trong cuộc sống nội tâm của mình. Nguyên Trừng đã nhận thấy chính khoảnh khắc quỳ bên tượng mẹ mình là “nỗi cô đơn khủng khiếp” của cha mình, “nỗi cô đơn của một kẻ thoán nghịch, một kẻ làm việc lớn”. Ông thèm một bàn tay chăm sóc dịu dàng với những bữa cơm đạm bạc, đầm ấm bên vợ con, xót xa khi đến thăm cháu không được hưởng cảm giác được cháu ngoại bi bô nói, vòng tay ôm cổ ông... Nguyễn Xuân Khánh đã khám phá một góc khuất tâm hồn với những khắc khoải rất người, rất đời của nhà cải cách. Với việc gia tăng điểm nhìn trần thuật, Hồ Quý Ly là tác phẩm có khả năng đối thoại cao, khắc phục tính đơn thanh/độc thoại một chiều. Nhờ vậy, nhân vật hiện lên chân thực, sinh động trong tính cách vừa đa dạng vừa phức tạp, vừa thống nhất vừa biến ảo trong những mối quan hệ từ gia đình đến xã hội, cả trong những cõi riêng tư, vô thức của nhân vật. Thượng tướng Trần Khát Chân, một ngôi sao rực rỡ trên chính trường Đại Việt, xuất hiện trong hoàn cảnh vừa vinh quang vừa khắc nghiệt của đất nước. Trong Hồ Quý Ly, ông xuất hiện không chỉ với tư cách là một vị tướng tài ba mưu lược mà còn là một nghệ sĩ với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, trân trọng cái đẹp. “Bị lịch sử chọn lựa” để đứng đầu phái tôn thất thủ cựu trong canh bài chính trị với phe canh tân, càng ngày ông càng bị hút vào dòng xoáy của lịch sử với những ý nghĩ, toan tính, hành động chẳng kém gì kẻ thù của mình. Ông sử dụng Thanh Mai, người con nuôi ông hết mực yêu quý như là con bài chính trị tiếp cận Nguyên Trừng, ông đề nghị Sử Văn Hoa viết sách dựng chuyện nhằm bôi nhọ, hạ uy tín Hồ Quý Ly. Bên cạnh đó, Hồ Nguyên Trừng cũng được Nguyễn Xuân Khánh xây dựng như một biểu tượng cho sự phân thân, giằng xé giữa con người của chính trị và con người nghệ sĩ tài hoa. Nhân vật này chứa đựng vô vàn những mâu thuẫn, có khi muốn bứt tung mọi ràng buộc để sống cuộc sống tự do tự tại nhưng cuối cùng như một định mệnh của số phận, nhân vật buộc phải từ bỏ tình yêu, hạnh phúc để lao vào chốn trần ai nghiệt ngã, đớn đau. Chính nhờ những đổi mới trong tổ chức điểm nhìn trần thuật mà nhân vật được soi rọi từ nhiều giác độ, “không ngừng phán xét lại, định giá lại” để một lần nữa quá khứ được sống lại trong gương mặt tươi mới, với một hình hài sống động, chân thật.

Trong Hội thề, với thủ pháp gấp bội điểm nhìn, đặc biệt là di chuyển điểm nhìn bên trong vào nhân vật, Nguyễn Quang Thân đã có những khám phá mới mẻ và vô cùng tinh tế về hai vĩ nhân Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Với Lê Lợi, bên cạnh những phẩm chất khác người của bậc đế vương như khả năng chung sống với cái “dị kỷ”, với các “đồng chí” nếu như nó có lợi, chúng ta còn nhận ra nhiều góc khuất ẩn sau con người lừng danh, một tính cách lãng mạn đời thường được chứa đựng trong một đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Ông thèm khát biết bao sự yêu thương, chiều chuộng, chăm sóc của một bàn tay phụ nữ. Dần dần, Lê Lợi đau đớn nhận ra sự cô đơn, nhỏ bé và tấn bi kịch “tha nhân”, đánh mất tự do của mình. Còn với Nguyễn Trãi, vị quân sư tài ba của cuộc khởi nghĩa đã hơn một lần phải thốt lên “Tôi là một đời cô đơn!”. Bằng tâm hồn nhạy cảm, ông cảm nhận sâu sắc thân phận “nửa quan nửa tù”, thân phận khách của mình “Ông luôn là khách giữa đám quần thần tướng lĩnh của một triều đại đang bắt đầu sửa soạn ngôi thứ. Họ là người nhà, còn ông là khách, mãi mãi là khách”. Còn Thị Lộ, nếu như trong các giai thoại dân gian, người phụ nữ ấy luôn xuất hiện bên cạnh Nguyễn Trãi để chia sẻ đến tận cùng những cảm xúc kể cả những suy tư, trăn trở về quốc mệnh và dân sinh, nhưng trong Hội thề, Nguyễn Quang Thân đã đưa nhân vật này trở về với kích cỡ của một người đàn bà bình thường, với những đòi hỏi, khát khao bản năng và cả những ước mơ rất đỗi đời thường như bao người đàn bà khác.

Bên cạnh các nhân vật trên, chúng ta còn bắt gặp sự phức tạp, đa đoan trong tính cách của Nguyễn Huệ (Sông Côn mùa lũ, Gió lửa), Lê Lợi (Đất trời), Nguyễn Trãi (Oan khuất),... Những góc tối, những vùng mờ mà lịch sử “bỏ quên”, nay đã được soi rọi và giải mã một cách sinh động, chân thực.

Vậy là để thể hiện cái nhìn mới về lịch sử, nhiều nhà văn đã đặt các nhân vật trong vô vàn mối quan hệ đời thường, để nhân vật đối thoại với chính mình, xoáy sâu vào phần khuất lấp và bi kịch nội tâm, nơi có sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, phi thường và đời thường, hữu thức và vô thức, tìm ra “tiếng nói tối hậu về con người”.

3. Nhân vật biểu tượng văn hóa, lịch sử

Nhân vật biểu tượng vốn là kiểu nhân vật truyền thống của tiểu thuyết lịch sử. Đó là những con người có bản lĩnh, trí tuệ, khí phách phi thường và cuộc đời họ là những bài học triết lý nhân sinh sâu sắc. Họ tồn tại như biểu tượng cho sức mạnh, tinh thần và là gương mặt văn hóa của một thời đại. Sự vận động, cách tân của tiểu thuyết lịch sử cũng thể hiện khá rõ nét ở cảm quan nghệ thuật của nhà văn khi xây dựng kiểu loại nhân vật này.

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam ở những giai đoạn trước xây dựng khá thành công nhiều nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng như: Yết Kiêu, Dã Tượng (Trần Nguyên chiến kỷ - Nguyễn Tử Siêu), Trưng Trắc, Trưng Nhị (Hai bà đánh giặc - Nguyễn Tử Siêu), Trần Quốc Toản (Lá cờ thêu sáu chữ vàng - Nguyễn Huy Tưởng), Vũ Như Tô (Vũ Như Tô - Nguyễn Huy Tưởng), … Với cảm thức khẳng định, ca ngợi nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí chống ngoại xâm, hầu hết các nhân vật này biểu tượng cho vẻ đẹp, cho sức mạnh, khát khao của thời đại và dân tộc. Sau 1986, tiểu thuyết lịch sử cũng xây dựng cho mình hệ thống các nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng, song so với truyền thống, chúng ta nhận thấy đã có những khác biệt trong quan niệm nghệ thuật, ý thức thẩm mỹ cũng như cách thức xây dựng nhân vật. Ngoài ra, trong các tiểu thuyết lịch sử truyền thống, các nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng chủ yếu là những nhân vật có thật trong lịch sử, chí ít là đã được ghi lại trong chính sử, nay được nhà văn hư cấu thêm cho hấp dẫn. Trong khi đó, nhân vật biểu tượng trong tiểu thuyết lịch sử sau 1986 bên cạnh là các nhân vật có thật trong lịch sử, còn là những nhân vật được nhà văn hư cấu, tưởng tượng hoàn toàn. Các nhân vật như Sử Văn Hoa, Phạm Sinh, Thanh Mai (Hồ Quý Ly), bà Tổ Cô, Mùi, Nhụ (Mẫu Thượng Ngàn), giáo Hiến, An, Lãng, Lợi, Kiên (Sông Côn mùa lũ), Nhuệ Anh, Ngạn La (Giàn thiêu), Toàn, Thức (Gió lửa), Trần Nguyên Vũ (Bức huyết thư), Gia Tân, Ngô Minh (Bí mật hậu cung)... là những nhân vật hư cấu hoàn toàn nhưng đã trở thành những biểu tượng sâu sắc. Sử Văn Hoa được Nguyễn Xuân Khánh xây dựng như một biểu tượng vô cùng đẹp đẽ về phẩm cách kẻ sĩ mà cụ thể trong tư cách của một nhà chép sử. Với ông “sử là hồn núi, hồn sông. Sử là tinh túy của đất nước. Dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử càng có cơ hội trường tồn”. Suốt đời mình, Sử Văn Hoa tâm huyết với sứ mệnh chép sử, không run sợ, không dao động bởi những thế lực chèo kéo, đe dọa. Khi bị Hồ Quý Ly tống giam vào ngục vì đã dám can gián việc dời đô, Sử Văn Hoa vẫn hối hả dồn mọi sức lực, tâm huyết chuẩn bị cho sự ra đời của cuốn sử Trần với một ý nghĩ duy nhất “một khi quyển sử đầu tiên ra đời, tức cái hồn của dân Việt đã được định hình rõ nét”. Không ủng hộ Quý Ly, cũng không chấp nhận đề nghị của phe Trần Khát Chân viết sách sai sự thật nhằm bôi nhọ Quý Ly, ông biết cái giá phải trả cho sự thẳng thắn, trung thực đó là tính mạng ông và gia đình ông, nhưng ông chưa bao giờ chùn bước, sợ hãi trước tất cả các thế lực hữu hình và vô hình đó. Sử Văn Hoa trở thành một biểu tượng đẹp về kẻ sĩ Thăng Long nhiệt huyết, trung thực, thẳng thắn, không chịu cúi đầu trước cường quyền, bạo lực. Các nhân vật nữ như Thanh Mai (Hồ Quý Ly), Nhuệ Anh (Giàn thiêu), An (Sông Côn mùa lũ)... đều biểu tượng cho vẻ đẹp thánh thiện, nữ tính vĩnh hằng. Họ là hiện thân cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam bền bỉ chịu đựng, bao dung độ lượng, giàu đức hy sinh, ý chí và sức sống mãnh liệt, khát khao cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, trong cơn chuyển vần nghiệt ngã của lịch sử, chính họ là những số phận nhỏ bé, nạn nhân đáng thương nhất.

Ngay trong bản thân nhân vật có thật trong lịch sử, tính chất và ý nghĩa biểu tượng so với các tác phẩm giai đoạn trước đã có sự thay đổi trên nguyên tắc đối thoại, tinh thần dân chủ và cảm quan cá nhân. Hình ảnh Quang Trung, Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ cưỡi trên lưng ngựa với tấm áo đen sạm khói súng trở thành biểu tượng về người anh hùng bất khả chiến bại. Song, tính chất của biểu tượng ấy không hoàn toàn thuần khiết như trong tâm thức cộng đồng và trong nhiều sáng tác trước đó. Nguyễn Mộng Giác đã hé mở “một sự thật khác”, một cái nhìn “ngược sáng” về hình tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và sự nghiệp sáng chói của ông. Theo sự phân tích đa chiều của nhà văn, sự nghiệp vinh hiển ấy phần lớn do tài năng, bản lĩnh cá nhân của Nguyễn Huệ, nhưng cũng có yếu tố rất quan trọng là do thời thế và sự may mắn. Hơn nữa, bên cạnh sự thật về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ còn có một “sự thật về con người khác”: chính Nguyễn Huệ là người chủ động quay nòng súng về Quy Nhơn, nhằm vào vua anh Nguyễn Nhạc, khuấy động bàn thờ ông bà, cha mẹ để xác lập quyền uy và ngôi báu của mình, làm tiền đề để thống nhất đất nước. Rõ ràng nhân vật mang giá trị biểu tượng không hề được xây dựng một cách đơn phiến, một chiều mà ở đó luôn có sự tranh biện, đối thoại, một hình thức “giải huyền thoại” của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại.

Cũng với tinh thần ấy, khi xây dựng Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung, Nguyễn Xuân Khánh và Lưu Văn Khuê thể hiện sự đối thoại với cái nhìn phiến diện, một chiều bằng cái nhìn đa chiều, phức hợp, đối thoại với kinh nghiệm cộng đồng bằng kinh nghiệm cá nhân, tinh thần dân chủ, nhân văn. Theo kinh nghiệm cộng đồng, hai nhân vật này là những kẻ “nghịch tặc”, đáng lên án, nhưng trong tác phẩm Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung, họ lại chính là biểu tượng hình ảnh người tri thức tài năng, hoài bão, những con người giàu bản lĩnh, dám làm, dám chịu. Những cá tính như vậy cần được người đời thấu hiểu, cảm thông.

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 không chỉ mở rộng đề tài, chủ đề theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống sinh hoạt, đời tư thế sự, đời sống văn hóa tâm linh dân tộc, mà quan niệm của các nhà văn về một số vấn đề về thể loại và về lịch sử cũng mang những màu sắc thẩm mỹ mới. Vì vậy, ngoài biểu tượng cho ý chí, khát vọng thời đại, dân tộc, nhân vật của tiểu thuyết lịch sử đương đại còn mang những hệ giá trị biểu tượng đời tư - thế sự - nhân văn: Biểu tượng cho khát vọng tình yêu, hạnh phúc gia đình (Nhuệ Anh, An), biểu tượng cho vẻ đẹp nữ tính vĩnh hằng, có sức mạnh cứu rỗi, thanh tẩy (Mùi, Nhụ, bà Tổ Cô, bà Ba Váy), biểu tượng cho khát vọng tự do, được là chính mình (Ngạn La, Từ Lộ, Ngô Minh, Gia Tân)... Hệ nhân vật ấy bổ sung, làm phong phú thêm cho thế giới nhân vật, mở rộng chủ đề cho tiểu thuyết và đặc biệt thể loại tiểu thuyết lịch sử trở nên gần gũi, hấp dẫn hơn với độc giả.

4. Kết luận

Có thể nhận thấy, những nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 không còn là những sản phẩm được đắp nặn theo một khuôn khổ, kích cỡ có sẵn mà đã được tiểu thuyết gia có ý thức nhào nặn, tái tạo, thụ hưởng trên một tâm thế hoàn toàn mới. Văn học đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Trong khi miêu tả lịch sử, nhà văn đã mang lại cho lịch sử những “gương mặt người” (Vương Trí Nhàn). Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng cái nhìn triết học và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại.

 

(1) Xem thêm M. Kundera (1998), Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội), Nguyên Ngọc dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.51.

(2) Dẫn theo Nguyễn Hải Hà (1992), Thi pháp tiểu thuyết Lep Tonxtoi, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.113.

N.V.H 

Bài viết khác cùng số

Bóng xuân xanh - Lương Hoàng HạcNgười đàn bà không sinh ra ở làng Ngát - Lam PhươngNhững mặt giấy in thừa của bố - Lê Thị XuyênMầm chữ nghĩa - Phụng TúHoa mè gọi những chiều bình yên - Nguyễn Thành GiangNhớ những ngày làm thầy giáo - Nguyễn PhinTản văn của Phạm Thị Hải DươngThơ Ngân VịnhKhuyết một vầng trăng - Lê Huy HạnhChơi miền sim, lau - Lê Anh DũngNgày lạnh - Đinh Thị Như ThúyMẹ - Nguyễn Hải LýThị trấn cũ - Vũ DySự hiểu biết của tôi - Huỳnh Minh TâmTừng ngụm heo may - Đỗ Thượng ThếVấp dấu chân mình - Nguyễn Hoàng SaNắng tháng mười - Tăng Tấn TàiCõng - Huỳnh Thị Kim HiệpPhấn trắng bảng đen - Nguyễn Vân ThiênLời xin lỗi ban mai - Nguyễn Kim HuyĐô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Nguyễn Đăng MạnhTrường Đốc Thanh Chiêm - Đại học đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng - Châu Yến LoanĐịa danh trong ca dao xứ Quảng - Phạm Tuấn VũĐổi mới loại hình nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 - Nguyễn Văn HùngNhững cung bậc tình yêu trong thơ H. Man - Huỳnh Minh TâmNhững bài hát cách mạng, kháng chiến ban đầu trên quê hương ta - Trương Đình QuangQuan hệ triều Nguyễn với phương Tây trong sự đối sánh với các nước Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản - Nguyễn Văn Toàn