Đô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Nguyễn Đăng Mạnh

02.11.2016

Đô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Nguyễn Đăng Mạnh

Đô thị hóa (urbanization) là một quá trình phát triển kinh tế xã hội để biến một vùng dân cư không có cuộc sống đô thị thành vùng dân cư mang thuộc tính xã hội đô thị - xã hội mà người dân chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Quá trình này đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp ở mọi vùng miền trên đất nước ta, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong  suốt thời gian qua, yếu tố bền vững của quá trình đô thị hóa ở nước ta nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức về cả nhận thức và thực tiễn vận động, phát triển của nó. Vì vậy, ở đây chúng tôi tập trung phân tích các vấn đề cơ bản về thực trạng đô thị hóa và đô thị hóa bền vững trong thời gian qua ở Đà Nẵng, những vấn đề đặt ra và đề xuất một số giải pháp liên quan đến quá trình đô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở thành phố này.

Khái niệm đô thị hóa bền vững (sustaainable urbanization) xuất hiện ở các nước châu Âu vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX1. Đây là quá trình mở rộng đô thị trung tâm, kết nối với các chùm đô thị, các tuyến đô thị thành một mạng lưới đô thị. Đô thị bền vững xóa bỏ niềm tự hào về một thành phố độc quyền cực lớn dân số tập trung đông, xóa bỏ quan niệm lấy nông thôn nuôi thành thị, chủ trương di dân từ nông thôn vào đô thị để tạo nên nguồn nhân lực đô thị2. Đô thị hóa bền vững vì vậy khác khái niệm phát triển xã hội bền vững; trong khi phát triển xã hội bền vững bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chú trọng đến bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, thì phát triển đô thị bền vững đòi hỏi tăng cường sức mạnh của đô thị trung tâm, cũng như cả một mạng lưới đô thị để phục vụ quá trình đô thị hóa nông thôn, đưa các khu công nghiệp, khu chế xuất, các dịch vụ thương mại, khoa học, công nghệ của nền văn minh đô thị về nông thôn, giữ lực lượng lao động trẻ ở lại nông thôn để tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hạn chế việc di dân từ nông thôn vào đô thị. Từ đó, xây dựng một mạng lưới đô thị mới với quá trình đô thị hóa nông thôn để hình thành các làng đô thị vệ tinh trong một chùm đô thị/ tuyến đô thị/ mạng lưới đô thị.

Như vậy, đô thị hóa bền vững không dừng lại ở quá trình chuyển biến/ sát nhập các vùng dân cư nông dân, nông thôn, nông nghiệp ở vùng ven đô vào đô thị trung tâm, mà là quá trình chú trọng chuyển dịch công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn minh và lối sống đô thị về nông thôn để đô thị hóa ở ngay các làng xã nông thôn; từ đó hình thành các chùm đô thị/ tuyến đô thị/ mạng lưới đô thị với vai trò đầu tàu/ hạt nhân là đô thị trung tâm.

1.         Thực trạng đô thị hóa và đô thị hóa bền vững trong thời gian qua ở

Đà Nẵng

Có thể nói, với đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12 năm 1986, đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử dân tộc, kinh tế - xã hội bắt đầu phát triển đi lên, tác động trực tiếp đến các đô thị, tạo nên sự bùng nổ đô thị hóa trên toàn quốc, thể hiện trên cả hai mặt: chất lượng và số lượng. Về chất lượng, nhiều đô thị bắt đầu phát triển mạnh cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa các ngành kinh tế, khiến mức độ tập trung dân cư tăng nhanh, hình thành nhu cầu khách quan mở rộng và nâng cấp đô thị về mọi mặt. Còn về số lượng, những năm gần đây chứng kiến sự xuất hiện, nâng cấp của hàng loạt đô thị từ thị trấn đến thị xã và thành phố.

Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian vừa qua không chỉ dừng lại ở quá trình chuyển người nông dân sang lao động công nghiệp, thương mại và các dịch vụ khác mà còn chú trọng phát triển đô thị hóa bền vững, coi trọng phát triển chùm đô thị, tuyến đô thị, làng đô thị...

 Từ năm 1997, sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố vừa chủ trương chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh vừa tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị. Một trong những thành quả to lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua là công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị, khai thác nguồn lực trong dân một cách hiệu quả để phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị. Điều này đã làm thay đổi bộ mặt thành phố, thu hút các nhà đầu tư, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Các tuyến đường ven biển: Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa được xem là ba trong số những con đường ven biển đẹp nhất nước hiện nay. Vào đầu những năm 2000, Đà Nẵng cả thành phố chỉ có hơn 360 con đường có tên, đến nay tăng lên hơn 1.260 con đường có tên. Hàng trăm khu đô thị, hàng nghìn khu, cụm dân cư mới ra đời. Diện mạo của thành phố thay đổi, cuộc sống của người dân được cải thiện.

Về quy mô đô thị, diện tích nội đô, từ con số 5.000 ha vào đầu những năm 2000, đến năm 2015 đã tăng lên hơn gấp 3 lần. Với việc triển khai hàng loạt các dự án cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới các khu đô thị, như khu đô thị Thạc Gián - Vĩnh Trung, Bạch Đằng Đông, khu Liên Chiểu - Thuận Phước, Khuê Trung - Hòa Cường, Làng Đại học Đà Nẵng, các đường như Nguyễn Tất Thành, đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc... Không gian đô thị Đà Nẵng không còn bó hẹp ở một số phường của quận Hải Châu và Thanh Khê như trước. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã được mở rộng thành 6 quận nội thành với quy mô rộng lớn, cơ sở hạ tầng tương xứng với đô thị loại I.

Phải nói rằng, sau ngày giải phóng đất nước, nhất là ba thập niên đất nước đổi mới vừa qua, khoảng thời gian không dài đối với lịch sử, nhưng Đà Nẵng đã có những bước tiến nhanh trên con đường đô thị hóa hiện đại, văn minh. So với các tỉnh khác ở miền Trung, Đà Nẵng là nơi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhất. Thành phố trực thuộc Trung ương này mở rộng các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn ở mọi nơi, đặc biệt là khu công nghiệp cao Hòa Khánh - Liên Chiểu, An Đồn, khu công nghiệp chế xuất Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, khu du lịch dịch vụ Sơn Trà - Điện Ngọc, khu đô thị Cẩm Lệ - Hòa Vang… Bên cạnh việc mở rộng các khu công nghiệp, Đà Nẵng cũng chú trọng đến việc xây dựng các khu đô thị thương mại và dịch vụ, các khu trung tâm hành chính, khu vui chơi thể thao, các bảo tàng và đặc biệt là mở rộng hệ thống đường phố, xây các cầu vượt trên sông Hàn,…

Như vậy, Đà Nẵng là thành phố có quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhất so với các tỉnh khác miền Trung. Trong quá trình đó, thành phố này đã thực hiện khá hiệu quả xu hướng đô thị hóa bền vững, hình thành nhiều khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp rộng khắp ở các vùng dân cư của thành phố.

2. Những vấn đề đặt ra và đề xuất một số giải pháp liên quan đến quá trình đô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng

Trước hết, ở Đà Nẵng trong thời gian qua đã diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, rộng khắp về cả số lượng lẫn chất lượng. Về số lượng, từ những con số khiêm tốn 2 quận nội thành trong những thập niên 70, hiện nay mở rộng thêm 6 quận nội thành và có hơn 10 khu công nghiệp, khu chế xuất quy mô lớn (Hòa Khánh, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Vang, An Đồn, Sơn Trà - Điện Ngọc...). Về chất lượng, quá trình đô thị hóa đã diễn ra trên mọi mặt, từ chuyển biến cơ cấu kinh tế với xu hướng tăng công nghiệp, thương mại và dịch vụ hàng hóa đến chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất quy hoạch đô thị. Theo đó, chất lượng của quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng còn được thể hiện ở văn minh và lối sống đô thị, để thành phố này ngày càng chỉnh trang diện mạo đô thị theo hướng sạch, đẹp, trong lành, thân thiện và trở thành “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.

Tuy nhiên, những thành tựu của quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng trong thời gian qua, đang tiềm ẩn những mặt trái ảnh hưởng đến xu thế phát triển bền vững. Đó là vấn đề đất đai, với diện tích đất nông nghiệp giảm, người dân bị mất ruộng đất do quy hoạch các khu dân cư, nhà máy, nhưng họ không có tay nghề, nên ngoại trừ một bộ phận lao động trẻ vào nhà máy, xí nghiệp, số còn lại tổ chức các dịch vụ thương mại tại chỗ, số khác bán hàng rong, một số thanh niên và trung niên tậu xe để làm nghề xe ôm hoặc phục vụ xây dựng dân dụng, số khác bị thất nghiệp... Đó là vấn đề môi trường, do nghìn đời nay dân cư quen sống với làng quê, ruộng vườn, sông nước, lối sống tự do đã tạo nên thói quen không cất giữ rác thải, không chú trọng đến vệ sinh môi trường, không tạo nên sự ngăn nắp gọn gàng trong gia đình, ngõ xóm, nên trong môi trường đô thị mới, tình trạng ô nhiễm lại càng nặng nề hơn. Đó là vấn đề tổ chức đời sống văn hóa, do vai trò cộng đồng bị suy giảm, môi trường đô thị đã làm cho người dân quen dần với lối sống rạch ròi đến trần trụi, độc lập đến cô đơn, khiến cho nhiều mối quan hệ giữa người với người chỉ được giải quyết thông qua giá trị của đồng tiền, kể cả quan hệ ruột thịt trong một gia đình, và theo đó một bộ phận cư dân đô thị có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trong đó có cả cán bộ, công chức và thanh niên, học sinh, sinh viên...

Thứ hai, cùng với quá trình đô thị hóa là sự chuyển đổi văn hóa và lối sống của cư dân nông nghiệp với quan hệ gia đình - dòng tộc - xóm làng sang văn hóa và lối sống của cư dân phi nông nghiệp với gia đình - đường phố - xã hội. Tuy nhiên, dù có sự chuyển đổi đó, ý thức của người dân vẫn chưa được nâng cao, thậm chí có chiều hướng ngược lại, là “nông thôn hóa thành thị”, họ sống “bằng lệ” nhiều hơn “bằng luật”; người dân quen sống tùy tiện, ứng xử cảm tính, làm cho bệnh tùy tiện, coi thường phép nước càng trở nên trầm trọng hơn; thêm vào đó, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên có xu hướng nhiễu loạn trong tiếp nhận văn hóa/ nếu không muốn nói cạch cởm, theo kiểu trưởng giả học làm sang... Những điều này càng khiến cho việc xây dựng văn minh đô thị vốn đã bề bộn lại càng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ ba, ở Đà Nẵng trong những năm qua, chủ yếu tăng cường quá trình đô thị hóa, còn phát triển đô thị hóa bền vững, theo mô hình “chùm đô thị, đa trung tâm”, hay mở rộng đô thị ra các vùng  ven đô ít nhiều còn hạn chế... Theo đó vẫn tồn tại hiện tượng di dân lao động với số lượng lớn từ các vùng ven đô lên các khu trung tâm của thành phố, dẫn đến hiện tượng tăng dân số tự nhiên hằng năm rất cao, năm 2009: 11,3‰, 2010: 12,6‰, 2011: 11,6‰3. Đà Nẵng cũng như nhiều thành phố khác ở miền Trung vẫn chưa chú trọng hình thành trên thực tế mạng lưới đưa các khu công nghiệp, khu chế xuất, các dịch vụ thương mại, khoa học, công nghệ của nền văn minh đô thị về mọi nơi còn nghèo và lạc hậu, giữ lực lượng lao động trẻ ở lại các vùng ven đô thuộc quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang... để tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngay trên quê hương của mình.

Thứ tư, quá trình đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng trong thời gian qua ít được chú trọng quy hoạch các làng đô thị vùng ven/ làng đô thị vệ tinh theo hướng dựa vào thế mạnh của vùng sinh thái, vào truyền thống dân cư để chuyên môn hóa ngành nghề, chuyên canh sản xuất các loại hàng hóa phục vụ cuộc sống đô thị, như làng hoa, làng rau quả, làng mộc mỹ nghệ, làng thêu ren...

Làm thế nào để phát triển quá trình đô thị hóa theo xu hướng phát triển bền vững? Đó là câu hỏi lớn không dễ trả lời. Tuy nhiên, theo chúng tôi, có thể thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, phải tăng cường vai trò đầu tàu, chuyển giao công nghệ, khoa học, kỹ thuật trợ giúp cho các vùng người dân ở các phường xã còn nghèo để họ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngay trên quê hương của mình. Để làm được điều này, chúng ta phải có chính sách khuyến khích các công ty, xí nghiệp, các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất ở trung tâm thành phố mở các chi nhánh, các nhà máy, xí nghiệp vệ tinh ở các khu dân cư chưa có điều kiện phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở đó người dân sẽ chuyển dần sang lao động trong môi trường công nghiệp ngay trên chính quê hương của mình và theo đó quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ ở tất cả mọi nơi của thành phố.

Thứ hai, cần phải chú trọng nghiên cứu, quy hoạch các khu đô thị để có sự phân công lao động, chuyên môn hóa các ngành nghề, các mặt hàng; tạo nên thế mạnh về sản phẩm công nghiệp cho từng khu đô thị. Làm được điều đó, cần phải tìm hiểu thế mạnh về môi trường sinh thái, về truyền thống ngành nghề, về khả năng hợp tác liên kết, về khả năng nguồn lực lao động của từng khu dân cư/ khu đô thị để xác định chuyên môn hóa ngành nghề/ chuyên môn hóa nhà máy, xí nghiệp, như đô thị A chuyên sản xuất giày da, dệt may mặc, đô thị B chuyên chế biến ngư nông lâm sản, đô thị C chuyên về công nghiệp chăn nuôi, đô thị D chuyên về công nghiệp du lịch...

Thứ ba, cần chú trọng mở rộng xây dựng các chuỗi đô thị/ chùm đô thị ở các khu dân cư làng xã, nơi đầu mối giao thông, nơi tập trung đông dân cư lao động, nơi có tiềm năng kinh tế... Không nên chú trọng phát triển các khu đô thị gắn với  trung tâm hành chính huyện lỵ, tỉnh lỵ. Làm được điều đó chúng ta sẽ tạo nên sự liên kết hỗ trợ cho nhau trong phát triển kinh tế đô thị và tăng cường chuyên môn hóa ngành nghề cho từng vùng đô thị vệ tinh.

Cùng với quá trình  phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay của đất nước, những yêu cầu mới về phát triển đô thị hóa bền vững đang đặt ra rất cấp thiết, cần phải được nghiên cứu trên nhiều khía cạnh khác nhau để xây dựng và nâng cao chất lượng phát triển đô thị trên đất nước ta nói chung và đô thị Đà Nẵng nói riêng. Làm được điều đó, nhất thiết phải tăng cường sức mạnh của đô thị trung tâm, cũng như cả một mạng lưới đô thị/ chuỗi đô thị/ chùm đô thị để phục vụ quá trình đô thị hóa bền vững thành phố Đà Nẵng.

 

(*) PGS. TS Nguyễn Văn Mạnh, ĐHKH Huế

1 Mạc Đường, (2002), Dân tộc học đô thị và vấn đề đô thị hóa, NXB Trẻ, tr. 85.

2 Mạc Đường, (2002), Dân tộc học đô thị và vấn đề đô thị hóa, NXB Trẻ, tr. 85.

3 Bùi Văn Tiếng, (2013) “Dân số và quá trình đô thị hóa”, Báo Đà Nẵng cuối tuần, ngày 06/7/2013.

N.Đ.M 

Bài viết khác cùng số

Bóng xuân xanh - Lương Hoàng HạcNgười đàn bà không sinh ra ở làng Ngát - Lam PhươngNhững mặt giấy in thừa của bố - Lê Thị XuyênMầm chữ nghĩa - Phụng TúHoa mè gọi những chiều bình yên - Nguyễn Thành GiangNhớ những ngày làm thầy giáo - Nguyễn PhinTản văn của Phạm Thị Hải DươngThơ Ngân VịnhKhuyết một vầng trăng - Lê Huy HạnhChơi miền sim, lau - Lê Anh DũngNgày lạnh - Đinh Thị Như ThúyMẹ - Nguyễn Hải LýThị trấn cũ - Vũ DySự hiểu biết của tôi - Huỳnh Minh TâmTừng ngụm heo may - Đỗ Thượng ThếVấp dấu chân mình - Nguyễn Hoàng SaNắng tháng mười - Tăng Tấn TàiCõng - Huỳnh Thị Kim HiệpPhấn trắng bảng đen - Nguyễn Vân ThiênLời xin lỗi ban mai - Nguyễn Kim HuyĐô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Nguyễn Đăng MạnhTrường Đốc Thanh Chiêm - Đại học đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng - Châu Yến LoanĐịa danh trong ca dao xứ Quảng - Phạm Tuấn VũĐổi mới loại hình nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 - Nguyễn Văn HùngNhững cung bậc tình yêu trong thơ H. Man - Huỳnh Minh TâmNhững bài hát cách mạng, kháng chiến ban đầu trên quê hương ta - Trương Đình QuangQuan hệ triều Nguyễn với phương Tây trong sự đối sánh với các nước Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản - Nguyễn Văn Toàn