Những bài hát cách mạng, kháng chiến ban đầu trên quê hương ta - Trương Đình Quang
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hội An và Đà Nẵng, tiếp nhận ảnh hưởng ca nhạc cách mạng của giai đoạn cao trào và phong trào Mặt trận dân chủ, ca nhạc yêu nước từ nền "nhạc cải cách", bí mật lưu truyền trong các hội ái hữu, các tổ chức văn nghệ (Hội Rạng Đông, Hội yêu âm nhạc)1, nhen nhóm lên ở những gia đình và những nhóm tri âm, tri kỷ yêu nghệ thuật cách mạng.
Trong các nhà tù Vĩnh Điện, Hội An, Đà Nẵng, tiếng hát đấu tranh, Nội chiến cách mạng, Cờ Việt Minh, Mặc niệm đồng chí đã được cất lên v.v...
Đầu năm 1940, lính khố xanh giải một đoàn người tù chính trị đi bộ từ tỉnh (tức Vĩnh Điện) xuống nhà tù ở thành phố Hội An. Trên đường, họ hát bài Tam bình (sáng tác năm 1930 ở khám lớn Sài Gòn, tác giả là Trần Văn Úc đã hy sinh):
Bớ công nông, phất cờ lên (2 lần)
Đồng tâm bước tới giết loài sài lang.
Các chiến sĩ cách mạng của quê hương - Cao Hồng Lãnh (tức Năm Thêm) và Vương Gia Khương đã viết nhiều bài hát như: Hò la, Không khuất phục, Cờ Việt Minh, Côn Lôn v.v... của Vương Gia Khương được phổ biến rộng rãi, ở các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Lao Bảo.
Anh em Nam tiến của Cao Hồng Lãnh viết vào năm 1941, ca ngợi đồng đội của mình:
Tôi không quên đâu, anh em
Nam tiến
Tinh thần tranh đấu của anh em
đã in sâu trong tim tôi.
Từ sau tháng 3-1945, sau khi phát xít Nhật lật đổ thực dân Pháp, tiếng hát đấu tranh không còn bị đè nén nữa.
Kìa sáng chói huy hoàng bóng
cờ hồng
Ánh sao vàng uy nghiêm dường bao
Cách mạng Tháng Tám nổ ra trên đất Quảng, những bài hát được sáng tác với khí thế hừng hực:
Toàn dân nước Nam giờ đây
quyết tâm
Đứng lên tranh đấu, xích xiềng
đập tan.
Tam bình là bài hát bí mật, trở thành ca khúc của quần chúng.
Quốc dân ơi, vui mừng đi!
Quốc dân ơi, reo hò lên!
Cùng nhau ca hát dưới trời tự do
Chưa được hưởng trọn niềm vui trong độc lập và tự do, tháng Chín mùa thu, Nam bộ, miền Nam Trung bộ và đất Quảng phải cầm vũ khí.
Một lớp người yêu ca nhạc, ở lứa tuổi từ 15 đến trên 20, tự học lý thuyết căn bản về âm nhạc, chưa phải là người sáng tác chuyên nghiệp, noi theo những nhạc sĩ yêu nước đương thời, trong phong trào "nhạc cải cách", nhiệt tình sáng tạo.
Từ thành phố Đà Nẵng, hào hùng bước chân chiến sĩ.
Đoàn giải phóng quân một lần ra đi
Lòng có mong chi đâu ngày trở về.
(Giải phóng quân của
Phan Huỳnh Điểu)
Tình cảm của người hậu phương trong lúc tiễn đưa người chiến sĩ.
Kìa bờ Hàn Giang thu bao lần qua
Mờ trong sương buông chiếu xuống nhớ thương
Bến Hàn Giang, bao người chờ mong
Giờ vinh quang, đoàn chiến sĩ ơi.
(Bến Hàn Giang của Ngọc Trai)
Phố cổ Hội An góp vào những giai điệu của mình.
Trai hùng Nam quốc quyết đem thân ra sa trường
Mau mài gươm báu đánh tan quân sài lang.
(Trai đất Việt của Dương Minh Ninh,
lời: Tôn Thất Thái - Duy Liễu)
Rồi nối tiếp
Mùa xuân mới chứa chan bao
tâm hồn
Lộng trong gió tuôn tràn sơn hà
Niềm vui sống thắm trong lòng
bao người
Lời đất nước gieo bao niềm tin.
(Gió thiêng liêng của La Hối,
lời Duy Liễu - Võ Trọng Xán)
Giai điệu lãng mạn yêu đời của La Hối, đã có lời tiếng Hoa viết trước cách mạng, được Thế Lữ đặt lời ca, Xuân và tuổi trẻ tung bay trên mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài.
Từ tháng 12-1946, cả nước kháng chiến, Huỳnh Đồng viết bài hát Tháng Tám, Phan Huỳnh Điểu viết Tuyên truyền xung phong, Mùa đông binh sĩ, Có một đàn chim (lời Phan Quang Định), phổ thơ Những người đã chết của Tế Hanh, Ngọc Trai viết Nhớ người chiến sĩ, Dương Minh Ninh viết Vọng sơn hà (lời của Thái Trữ), Lửa chiến đấu, Tú Mỹ phổ thơ Gió mới của Xuân Diệu, Hồ Quý Yên viết Học sinh lên đường v.v...
Tạm xa quê hương, kẻ đi chiến đấu, người tản cư, nhớ về mảnh đất quê hương thân yêu, La Xuân gửi tâm tình trong Hội An, Ngày về (lời Sử Chấn Quân) mềm mại nhịp điệu tang go:
Hội An ơi, tôi về lại đây
Tôi đã đến giữa bao niềm vui
Tôi đã sống trong ngày tuyệt đẹp
Mảnh đất quê thân yêu của tôi.
Võ Đăng Minh và Quốc Tấn gửi tình cảm của mình trong Thái Phiên hoài khúc ở trổ I theo lối kể chuyện:
Chiều hôm nao Thái Phiên trong
sương khói
Dòng sông xanh êm đềm trôi
đến phương nào
Người đi đâu, Thái Phiên đây
mong nhớ
Buồm căng lên, gió lênh đênh
chân trời xa.
Trổ II chuyển nhịp điệu hành khúc, cấu trúc, cân phương, thể hiện ý chí của người vùng đất này:
Thái Phiên thành, ai về tranh đấu
Sương chiều xuống, có tiếc
thương chi!
Ngói vôi tàn như khóc than ai
Như giục ta gươm súng xông lên
diệt thù.
Ca ngợi chiến thắng đèo Hải Vân, Hoàng Chi Lăng phổ thơ của Lương Triệu:
Hải Vân rừng xanh âm u
Hải Vân núi đèo hoang vu
Im lặng triền miên
Hải Vân đèo cao mây vương
Hải Vân lắng chờ chiều dương
Nắng hờn duyên biên
Ngày bừng xuân, khi quân Nam
vùng thét lên
Khí súng khua dồn hơn sương
Từng đoàn xe tan ra tro
Từng đống thây nặng nề rơi đầy hố,
ngập đầy mương.
(Trổ I Hải Vân chiến thắng)
Bấy giờ, Văn Cận thử sức viết ca khúc Chiều tản cư, rồi tạm ngừng. Mãi đến khi đi chống đói ở vùng ven thành phố, tiếp nhận, chuyển hóa lối hò khoan dân gian, mạnh dạn viết Đánh giặc tăng gia:
Hò hê, ai lo tăng gia mà không ra sức (mà không ra sức) đánh giặc giữ làng
(2 lần)
Nếu tăng gia mà không đánh giặc, thì thằng giặc nó cướp của ta
Nếu đánh giặc mà không tăng gia, lấy gì đâu nuôi quân đánh giặc?
Hò hê, nhân dân quê ta chừ đây ra sức (chừ đây ra sức) giữ địa phương mình
(Trổ I của ca khúc)
Yêu quý cô dân quân dũng cảm chiến đấu, Phan Quang Định viết Người nữ dân quân sông Thu Bồn. Ca khúc với nhịp 3/4, giọng kể chuyện trong sáng, khỏe mạnh:
Gái Quảng Nam thù giặc, mài gươm
dưới trăng
Nén đau thương, lòng căm giận bầy
quân xâm lăng
Đưa anh đi vệ quốc, dưới cờ vàng
sao, xông lên
Em dân quân du kích, bám làng,
cùng dòng sông quê hương.
Vào cuộc chuẩn bị Tổng phản công của cả đất nước, đi với bộ đội trong chiến dịch Nguyễn Huệ (Nam Tây Nguyên), Lê Trọng Nguyễn viết Anh binh nhì ca:
Ta băng qua đồng lên non
đánh Pháp
Nghe sau xa đưa tiếng ngạ trâu làng
Ta vui trên đường núi suối đèo mây
Trên thân áo xám hoen đầy máu Tây
(Trổ I của ca khúc)
Anh lính với trang phục vải xita màu xám, màu nâu, hát trên đường hành quân:
Đây đoàn quân hướng ánh sao
vàng bay
Ra đi say sưa tin ngày mai
chiến thắng
Qua đèo cao, tuôn chông gai, lướt ào
Phất phới dưới nắng, ánh cờ sáng
muôn màu
(Trổ I Vui chiến đấu của Dương Minh Hòa)
Nhớ sông Hàn, mong ngày yên bình trở về Mỹ Khê, Sơn Trà, Tiên Sa, Vũ Hùng viết Làn sóng mơ, theo dòng trữ tình hùng tráng, gần gũi với Nụ cười sơn cước (Tô Hải), Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Thu trên sông (Việt Lang).
Với Chiều trên sông Thu, Trương Đình Cử nói về cái đẹp của dòng sông quê hương, ngợi ca tình cảm của người dân thôn quê với người dân thành phố về tản cư.
Đài Tiếng nói Việt Nam trẻ tuổi đã truyền lên làn sóng những Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong, Bến Hàn Giang, Trai đất Việt, Xuân và tuổi trẻ, Mùa đông binh sĩ v.v...
Các đội tuyên truyền xung phong, các nhóm ca nhạc biểu diễn những tác phẩm "cây nhà lá vườn" này, bên cạnh những bài hát cách mạng, kháng chiến khác, là những bài hát quần chúng, không chỉ của riêng đất Quảng, mà được phổ biến rộng rãi trên đất nước kháng chiến.
Những người làm ca nhạc bắt đầu sáng tác về đề tài kháng chiến trên quê hương ta, đã trở thành những cây bút nòng cốt ở những vùng đất Liên khu 5 mà họ gắn bó trong chiến đấu hoặc công tác.
1 Tên tiếng Pháp là Aurore, do các ông Trương Hoài Dư và Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh) phụ trách, và Société philharmonique do La Hối phụ trách.
Ghi chú: Những bài hát trong bài đều ở trong các tập:
1. Em ơi! Còn nhớ - Nxb Văn hóa Hội An, 1992.
2. Liên khu 5 yêu dấu - Nxb Đà Nẵng 1996.
3. Những bài hát hay về Đà Nẵng - Nxb Đà Nẵng, 2005.
4. Tuyển tập bài ca Khu 5 đi cùng Đất nước, 2012.
T.Đ.Q