Tản mạn về những buổi học cuối cùng - Bùi Văn Tiếng

28.05.2019

Nói đến buổi học cuối cùng, không thể không nói đến buổi học đầu tiên. Nếu cảm giác nổi bật của các buổi học đầu tiên là sự ngỡ ngàng - ngỡ ngàng vì trường mới, thầy mới, bạn mới, mọi thứ đều mới, thì cảm giác đầy ấn tượng của các buổi học cuối cùng lại là sự luyến tiếc - luyến tiếc vì những gì đã thành thân quen thậm chí vừa mới trở nên thân quen có thể sẽ chỉ còn trong ký ức.
Mỗi khi nghĩ về buổi học đầu tiên của đời mình, thế hệ chúng tôi thường nhớ đến bài tản văn Tôi đi học của Thanh Tịnh, trong đó có đoạn mở đầu: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường (…). 

Tản mạn về những buổi học cuối cùng - Bùi Văn Tiếng

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.

 

Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Và như nói trên, cảm giác nổi bật của các buổi học đầu tiên là sự ngỡ ngàng, mọi thứ đều mới mẻ mà không xa lạ, ở đây cảm giác của cậu bé Trần Thanh Tịnh lần đầu đi học cũng không ngoại lệ: “Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình.

 

Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào”. Đó cũng là cảm giác của chính tôi khi mẹ tôi nắm tay tôi dẫn đi trên đường Trưng Nữ Vương, từ chợ Vông Đồng đến kho xăng dầu Shell Nại Hiên một buổi sáng mùa thu năm 1960 để lần đầu trong đời vào học lớp năm - lớp một ngày nay - Trường tiểu học Lê Quý Đôn Đà Nẵng…

 

Khi thi tuyển vào lớp năm Trường tiểu học Lê Quý Đôn, tôi đỗ á khoa, xếp sau bạn thủ khoa Huỳnh Chí Cường. Ngày khai giảng năm học mới lần thứ nhất của nhà trường, tất cả học sinh trúng tuyển xếp hai hàng dọc trước cửa lớp và thầy hiệu trưởng Phạm Kiển cầm danh sách gọi tên từng người vào phòng theo thứ tự trúng tuyển. Đương nhiên Huỳnh Chí Cường được gọi đầu tiên. Khoảnh khắc ấy, tôi háo hức chờ thầy gọi tên người tiếp theo, nhưng rồi… không phải tên tôi. Và đến khoảng bốn chục bạn đã được gọi vào song tôi vẫn chưa nghe thấy tên mình. Tôi ngoái nhìn mẹ tôi còn đứng ngoài cánh cổng trường mà lòng như muốn khóc. Cuối cùng cái gì đến phải đến, tôi nghe rõ thầy hiệu trưởng dõng dạc xướng danh “Bùi Văn Tiến”, và tôi như vừa trút được một gánh rất nặng. Thì ra tôi đỗ thứ nhì - số chẵn - trở thành người đầu tiên được gọi vào lớp Năm B và tôi được cử làm lớp trưởng từ lớp Năm B cho tới lớp Nhất B suốt năm năm liền.


Và buổi học cuối cùng ở Trường tiểu học Lê Quý Đôn đến với tôi vào tháng 5 năm 1965, hai tháng sau khi Hoa Kỳ đưa quân đổ bộ vào Đà Nẵng, với cảm giác chung của các buổi học cuối cùng: sự luyến tiếc về một thời thơ ấu sắp đi qua.

 

Riêng tôi, ngày rời trường tiểu học còn có thêm hai điều đáng nhớ: một là lúc thầy Võ Xuân Hoãn hỏi tôi nếu được nhận phần thưởng danh dự thì có thích một cuốn tự điển Anh-Việt hay không, tôi đã xin thầy thưởng một cuốn từ điển Pháp-Việt, bởi ba tôi không muốn tôi học Anh văn - được hiểu là cách ông phản ứng về sự có mặt của lính viễn chinh Mỹ trên đất quê hương; hai là lúc thầy hiệu trưởng Phạm Kiển trao tận tay tôi chứng chỉ tốt nghiệp tiểu học kèm theo lời dặn dò: “Con phải nhớ tên con từ nay cần được viết đúng như trong giấy khai sinh là Bùi Văn Tiếng, Tiếng-có-rê chứ không phải Tiến-không-rê”. Hóa ra ngay từ lúc mới sinh ra, tôi đã là nạn nhân của tình trạng nói không đúng chính âm, viết không đúng chính tả, kể cả khi có-rê lẫn lúc không-rê. Chỉ có điều tôi thực sự thú vị là nhờ vậy mà tên mình đã trở thành một chữ thuần Nôm, không có trong từ điển Hán-Việt.      

Cảm giác đầy ấn tượng của các buổi học cuối cùng là sự luyến tiếc, nhưng ở mỗi cấp học và ở từng người sự luyến tiếc ấy không phải lúc nào cũng giống nhau. Chẳng hạn với tôi, vào buổi học cuối cùng ở Trường tiểu học Lê Quý Đôn, trong tôi vừa trào lên nỗi háo hức rằng đời đi học của mình sắp được sang trang khác - thành học sinh trung học, và được sang trọng hơn trong chiếc quần tây trắng may bằng vải kaki - thành học-sinh-Phan-Châu-Trinh, vừa trĩu nặng nỗi lo buồn khi nghĩ đến sự ngây thơ hồn nhiên trong tâm hồn mình không chừng dễ một đi không trở lại.

 

Hay chẳng hạn vào buổi học cuối cùng ở Trường trung học Phan Châu Trinh, cũng với tôi, nỗi háo hức trở thành sinh viên đại học thì không khác ngày xưa, nhưng nỗi lo buồn đã có thêm sắc thái mới của một người sắp rời quê hương đi học xa nhà, và với tuổi mười tám đang yêu như chúng tôi, có khi còn là sắp rời mối tình học trò vừa chớm nở… Tuy nhiên mỗi khi nghĩ về các buổi học cuối cùng trong đời mình, thế hệ chúng tôi thường nhớ đến truyện ngắn Buổi học cuối cùng/La dernière classe trong tuyển tập Truyện kể ngày thứ hai/Contes du lundi của nhà văn Pháp Alphonse Daudet.


Có thể tóm tắt truyện ngắn trứ danh của Daudet như sau: Cậu bé Franz - học sinh ham chơi lười học của một trường Pháp ở vùng Alsace sau khi Pháp đại bại trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức. Một bữa nọ vì muộn giờ đi học và chưa thuộc bài, Franz định bỏ học. Tuy nhiên, Franz đã cưỡng được ý muốn đó và chạy đến lớp. Đến nơi, cậu bé thấy lớp học thật khác lạ: mọi người đang vô cùng trật tự và thầy giáo Hamel không những không mắng cậu vì lỗi đi học muộn mà còn rất dịu dàng với cậu. Đứng trên bục giảng, thầy Hamel thông báo với cả lớp rằng từ ngày mai trường chỉ dạy tiếng Đức và đây là buổi học cuối cùng được dạy tiếng Pháp. Franz choáng váng.

 

Suốt buổi học, cậu bé chăm chú nghe giảng và cảm thấy hối hận vì trước đây mình đã không chú ý vào việc học. Thầy Hamel bắt đầu giảng về tiếng Pháp, Franz kinh ngạc khi thấy hôm nay mình hiểu bài đến thế, cậu bé thấy thầy thật lớn lao. Hết buổi học, mặt thầy Hamel tái đi. Thầy cố viết thật to, dằn mạnh câu: Nước Pháp muôn năm! Thầy xúc động không nói nên lời, đành phải ra hiệu cho mọi người kết thúc buổi học - buổi học cuối cùng!


Câu chuyện Daudet kể trong truyện ngắn Buổi học cuối cùng đến từ một thời gian rất xa - Truyện kể ngày thứ hai được xuất bản năm 1873 và từ một không gian rất lạ - vùng biên giới giữa hai nước Pháp và Đức cách Việt Nam hàng ngàn dặm, nhưng lại rất thời sự và đầy sức gợi, khi mà Trung Quốc đã bất chấp pháp lý và đạo lý, ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng lãnh hải và thềm lục địa nước ta, không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà còn là và chủ yếu là khoan thăm dò sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt chúng ta…  

B.V.T