Trước hết có thể nói rằng trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đương đại, con người văn hóa Việt Nam cần phải vượt qua được rào cản về ngoại ngữ. Yêu cầu này có hai mức độ: một là vượt qua được rào cản về ngoại ngữ để có thể giao tiếp thông thường và hai là vượt qua được rào cản về ngoại ngữ để đủ sức tiếp cận các thành tựu khoa học-công nghệ và văn chương - nghệ thuật, đủ sức tranh luận sòng phẳng trong các hoạt động ngoại giao chính trị hay đủ sức tranh tụng hiệu quả trong các phiên tòa quốc tế liên quan đến chủ quyền đất nước...
Mức độ vượt qua được rào cản về ngoại ngữ để có thể giao tiếp thông thường hướng đến đông đảo người Việt đương đại, mang tính phổ cập rộng rãi. Ngoại ngữ nên sớm trở thành môn học và môn thi bắt buộc trong trường phổ thông và trường đại học. Một số trường phổ thông và đại học còn có thể dạy - học song ngữ ở các môn học có điều kiện về người dạy và giáo trình. Trên cơ sở một mặt bằng ngoại ngữ học đường như vậy, đa số con người Việt Nam đương đại sẽ đủ năng lực giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ.
Có năng lực giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ nghĩa là ở trong nước thì tối thiểu có thể dùng tiếng Anh để chào hỏi du khách ngoại quốc hoặc chỉ đường cho họ, còn khi ra nước ngoài có thể đọc hiểu các bảng chỉ dẫn ở nơi công cộng, nghe hiểu các thông báo ở sân bay/ nhà ga/ trạm chờ xe buýt... và ở trên máy bay/ phương tiện giao thông công cộng... Thậm chí ngư dân ngày nay ra khơi bám biển cũng cần biết một ít tiếng Anh và thậm chí tiếng Trung để phòng khi hữu sự có đủ khả năng kêu cứu hay phản đối... Yêu cầu này càng quan trọng hơn đối với các lực lượng bảo vệ pháp luật trên biển như cảnh sát biển/ kiểm ngư/ bộ đội biên phòng... Ngay cảnh sát giao thông thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường cũng phải có lưng vốn ngoại ngữ như vậy để xử lý những đối tượng tham gia giao thông vi phạm pháp luật mà không biết... tiếng Việt. Đương nhiên đây cũng là yêu cầu tiên quyết đối với lực lượng “sĩ quan liên lạc” và tình nguyện viên phục vụ cho Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng 2017.
Mức độ vượt qua được rào cản về ngoại ngữ để có thể đủ sức tiếp cận các thành tựu khoa học - công nghệ và văn chương - nghệ thuật, đủ sức tranh luận sòng phẳng trong các hoạt động ngoại giao chính trị hay đủ sức tranh tụng hiệu quả tại các phiên tòa quốc tế liên quan đến chủ quyền đất nước... đòi hỏi một bộ phận người Việt đương đại có khả năng sử dụng thuần thục không chỉ Anh ngữ mà còn các ngoại ngữ khác - kể cả sinh ngữ lẫn cổ ngữ. Muốn vậy bộ phận tinh hoa này cần được đào tạo về ngoại ngữ một cách bài bản để có đủ sức sử dụng ngoại ngữ là công cụ chủ yếu để hành nghề và nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghề.
Những người hành nghề và nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghề bằng ngoại ngữ trước hết và phổ biến là các phiên dịch viên. Nhu cầu phiên dịch viên trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đương đại rất lớn thậm chí rất bức xúc. Nhiều sinh hoạt chính trị, ngoại giao, học thuật tầm cỡ quốc tế tổ chức ở Đà Nẵng - và chắc không chỉ ở Đà Nẵng - thời gian qua thường gặp vấn đề về đội ngũ phiên dịch viên, hầu như đội ngũ phiên dịch viên cơ hữu của thành phố rất thiếu người có khả năng dịch cabine - tức hình thức phiên dịch song song với diễn giả đang phát biểu - thậm chí có nơi có lúc còn thiếu cả người dịch ứng đoạn. Tất nhiên trong Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng 2017 - với tư cách là một sự kiện quốc tế quan trọng của cả đất nước - chắc chắn những phiên dịch viên ưu tú nhất Việt Nam sẽ được tập trung về thành phố bên sông Hàn để tác nghiệp.
Tiếp theo là các biên dịch viên - những người dịch sách ngoại văn hoặc dịch thông tin quốc tế đối nội trên báo chí nước ta. Phiên dịch viên dịch sai dịch sót cũng tai hại nhưng nhiều khi lời nói gió bay - ngay cả những sai sót rất đáng tiếc của phiên dịch viên tiếng Nga trên VTV1 trong phần tường thuật trực tiếp lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại quảng trường Đỏ vừa qua cũng sẽ sớm rơi vào quên lãng. Trường hợp các biên dịch viên có khác, tất cả tài năng dịch thuật tuyệt vời cũng như những “thảm họa dịch thuật” đều nằm trên giấy trắng mực đen, và không ít cái sai sót có khi trầm trọng “chết người” nhưng nếu không được phát hiện và đính chính sẽ có khả năng lây lan do có người trích dẫn mà không có điều kiện đối chiếu nguyên tác.
Tiếp theo nữa là các nhà ngoại giao - những người vừa phiên dịch vừa biên dịch lại vừa phải tác nghiệp qua đối thoại trực tiếp bằng ngoại ngữ. Có thể nói yêu cầu về năng lực sử dụng thuần thục ngoại ngữ đối với các nhà ngoại giao - kể cả các nhà ngoại giao trên lĩnh vực tư pháp như luật sư tranh tụng tại phiên tòa quốc tế liên quan đến chủ quyền đất nước - là rất cao, đòi hỏi không chỉ trình độ về ngôn ngữ mà còn cả năng lực hùng biện, kiến thức về luật pháp quốc tế, tư duy phản biện khoa học, độ nhạy cảm chính trị, khả năng dự báo thời cuộc và quan trọng hơn cả là bản lĩnh và khí phách của một sứ giả Việt Nam.
Việt Nam là một nước nhỏ nhưng không vì thế mà bản lĩnh và khí phách của một sứ giả Việt Nam lại không thể ngang tầm với thế giới. Các nhà ngoại giao Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đương đại rất cần học tập tấm gương ngời sáng của một nhà ngoại giao tiền bối là Đình nguyên Thám hoa Giang Văn Minh từng được cử đi sứ sang Trung Quốc vào đời nhà Minh. Trước đông đảo triều thần nhà Minh và sứ thần các nước, Hoàng đế Minh Tư Tông Chu Do Kiểm đã ra một vế đối đầy thách thức: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục - Cột đồng đến nay đã rêu xanh, hàm ý nhắc lại sự kiện Mã Viện đưa quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cùng với lời nguyền: Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt - Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong.
Và Sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh đã đối lại rất chỉnh: Đằng giang tự cổ huyết do hồng - Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ, và không những chữ nghĩa chỉnh chuẩn mà ý tứ cũng đầy khí phách khi lên tiếng cảnh tỉnh Hoàng đế Minh triều đừng quên nỗi nhục khôn rửa nổi (mượn ý Trương Hán Siêu trong Bạch Đằng giang phú: Đến nay sông nước tuy chảy hoài - Mà nhục quân thù khôn rửa nổi) qua ba lần chiến bại trên sông Bạch Đằng lịch sử. Đương nhiên Giang Văn Minh đã phải trả giá: ngày mồng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão 1639, Minh Tư Tông hạ lệnh trám đường vào miệng và mắt ông rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Khi thi hài Giang Văn Minh được đưa từ Yên Kinh/Bắc Kinh về đến Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đã đến viếng và ban tặng ông bức trướng có dòng chữ: Sứ bất nhục thiên mệnh khả vi thiên cổ anh hùng - Sứ thần không làm nhục mệnh vua xứng đáng là anh hùng thiên cổ... Cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã đặt tên Giang Văn Minh cho một con đường ở quận Hải Châu để vinh danh ông. Và có lẽ trụ sở Bộ Ngoại giao nước ta cũng như trụ sở các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nên treo ảnh hoặc dựng tượng Giang Văn Minh!
B.V.T
|