Suối tre – Truyện ngắn Thanh Quế
Ở phía tây làng Phú Thạnh của tôi có một con suối nhỏ, tên là suối Tre, vì nó chảy ngoằn ngoèo dưới những hàng tre đổ ra bàu Ngòi. Mùa hè, nước trong vắt, có thể nhìn thấy những hòn cuội dưới đáy, những chú cá đen trắng bơi tung tăng. Chúng tôi thường đến đây ngụp lặn rồi bắt những chú cá con đem về nuôi. Mùa đông, nước đục ngầu, trào ra khỏi bờ suối, chảy băng băng. Con suối hiền bỗng dữ tợn la thét. Có lần, thằng Bá bạn tôi đi chăn bò về, lội qua suối, bị nó cuốn... May nhờ có chú Nguyên đi ngang qua vớt kịp...
Chúng tôi thường theo các anh lớn ra suối câu cá. Suối có nhiều cá tràu, cá ngạnh, cá nhét...Chúng tôi yêu con suối này lắm. Không có nó thì tôi không biết mình sẽ buồn thế nào...
Một bữa, anh Tiến, anh họ tôi, đi xa về, mang theo một tấm bản đồ ViệtNam. Chúng tôi lần theo những nét xanh xanh để tìm con suối làng mình.
- Ủa, sao con suối Tre làng mình không có trên bản đồ, anh Tiến ? Tôi thắc mắc.
Anh tôi cười :
- Nó nhỏ quá ai thèm ghi vô bản đồ.
Tôi tự ái:
- Thế sông Hồng, sông Cửu Long to bao nhiêu mà được ghi ?
Anh tôi cười, giải thích :
- Nó to, to lắm. Có thể nó còn rộng hơn cả làng mình đó.
Tôi nhất định không chịu nghe theo lời giải thích của anh. Tôi bảo với anh cùng các bạn rằng, lớn lên tôi sẽ làm nghề vẽ bản đồ và sẽ vẽ con suối Tre của tôi vào bản đồ ViệtNam.
Năm tháng trôi qua, tôi lớn lên, được đi nhiều, thấy nhiều con sông rộng, suối dài, hiểu ra nhiều điều mà tuổi nhỏ tôi chưa hiểu. Tôi trở về làng và thấy con suối Tre của tôi như càng nhỏ lại, nhỏ như thể có thể đựng vào bao ni-lông cho vào túi áo đem theo bên mình cũng được. Tôi hiểu điều anh tôi nói ngày xưa là có lý. Nhưng sao tôi vẫn buồn, buồn lắm. Bởi lẽ, tất cả những nơi tôi đã đi qua, dòng sông nào, con suối nào cũng gợi tôi nhớ da diết con suối nhỏ của tôi...
Những động cát
Ở phía đông làng Phú Thạnh là những động cát, chúng nằm từ gốc cây đa làng kéo choài ra tới mép biển. Người làng tôi bảo rằng, những động cát này có được là do gió thổi cát ven bờ biển mà vun thành đống. Những động cát trắng nối liền nhau chập chùng như những quả đồi cao thấp ở miền thảo nguyên mà sau này tôi đã đi qua.
Hàng ngày, cứ chiều chiều, khi mặt trời khuất sau dãy núi phía tây, lũ trẻ chúng tôi lại rủ nhau chạy thi trên những động cát ra mép biển thử ai nhanh hơn. Cát lún chân nên rất khó chạy. Thi chạy xong, chúng tôi ngồi bệt xuống cát, lấy vỏ ốc vỏ sò múc cát giả làm gạo bán. Tiền là những chiếc lá mít chúng tôi đem từ nhà đến. Trên động còn có những con ốc "Lu Lem", chúng tôi cứ theo dấu chân chúng bò mà tóm chúng. Loại ốc này rất lạ, khi bắt chúng xong ta kéo thân chúng ra khỏi vỏ rồi để vỏ cạnh đấy thế là chúng lại lò mò tìm ra vỏ để chui thân mình chúng vô. Sau khi chơi giỡn đã đời trên động cát, chúng tôi lao ùm xuống biển tắm, vật nhau, kéo chân nhau, khoát nước vào nhau. Một lúc sau, chúng tôi chạy vù lên động cát nằm dài, vốc cát ném nhau rồi : một, hai, ba...lại ùa xuống biển tắm. Tắm xong, chúng tôi lại lên động cát bứt những cộng rau muống biển đem về cho thỏ ăn. Thỏ thích loại rau này lắm.
Vào những ngày biển động, sóng ầm ầm vỗ vào bờ, những con gió xoáy chạy trên những động cát cuốn cát bay xào xạc. Bạn đừng bao giờ đi qua động cát lúc ấy. Cát sẽ bay vào mắt, làm cho bạn dễ bị đau mắt hột. Người dân biển quê tôi hầu như ai cũng bị đau mắt hột. Ngày nhỏ, tôi cứ mơ ước khi lớn lên sẽ làm ông bác sĩ để chữa mắt cho bà con quê tôi...
Những động cát nối liền những động cát kéo dài suốt dọc ven biển miền Trung quê tôi. Cát, chỉ là cát khô khốc thôi, sao lâu ngày không nhìn thấy chúng, tôi nhớ lắm, nhớ như nhớ người thân vậy...
T.Q