Mặt trời bay đi - Truyện ngắn Minh Sáng

28.08.2018

Tôi nhìn về bên kia, mặt hồ hờ hững sóng. Sẽ còn dài lâu nữa, tôi mới có thể bình tâm ngắm mặt trời chìm dần phía bên kia hồ, sau dãy núi thẫm xanh, nơi mà có lần Hiên nói với một đôi mắt rực nắng, rằng mẹ sẽ về.

Bà tôi gọi về khi hai chúng tôi đang tha thẩn ngoài vườn, dưới cây khế, nhặt những quả khế úa vàng, quăn queo cho vào bao để ra bờ hồ ném thi. Thường thì tôi ném xa hơn Hiên, tôi lớn hơn, khỏe hơn, nhưng để giữ bạn chơi, thỉnh thoảng tôi giả bộ thua, xuýt xoa mãi, nhóc sung sướng reo lên, mắt cười rạng rỡ.

Mặt trời bay đi - Truyện ngắn Minh Sáng

Bà bảo bố mẹ tôi có nhắn người quen, nói rằng họ vẫn khỏe mạnh và rất nhớ, rất nhớ tôi, đứa con gái nhỏ của họ. Như mọi lần, tôi im lặng, lắng nghe nhịp tim mình nhè nhẹ, êm đềm và ấm áp hòa trong tiếng bà ngoại, mường tượng ở một nơi xa xôi, bố mẹ tôi tay trong tay, ngồi bên một con sông, hay một bờ hồ như thế này, hay ngồi trong căn nhà gỗ ấm áp, nói về đứa con gái của họ một cách trìu mến. Tôi vuốt lại gấu áo, vui vẻ nhặt rau cùng bà. Bà im lặng, nghe rõ tiếng gió ngoài vườn tiếng ong vo ve và tiếng lá rơi  xào xạc đầu hồi. Và đột nhiên, tiếng quát bên nhà Hiên.

- Mẹ mày, đồ mất dạy. Mày giống y như con mẹ mày ngu như lợn. Xéo ! Và sau đó là tiếng loảng xoảng của xoong nồi văng ra vườn, phía bên kia cây khế chúng tôi vừa ngồi.

Bà thở dài, chép miệng:

- Trời đất, tội con bé chưa! Thằng bố nó lại sau rồi!

Tôi im lặng, thấy nghèn nghẹn, tưng tức trong lồng ngực. Không biết là Hiên đang ở đâu trong ngôi nhà bên cạnh. Trong góc nhà? Bên bếp? Hay dưới gầm bàn ? Nhưng có một điều chắc chắn, tôi biết con bé không hề khóc. Có lẽ từ lâu lắm, nó quên mất rằng mình biết khóc. Có lần bị chó hoang cắn vọt máu tươi, nó cũng chỉ ngồi xuống, tay nắm chặt vào chân, cắn chặt môi, co rúm người, mà không có một tiếng khóc nào. Ai cũng bảo, con bé gan dạ thật. Nhưng tôi biết, chỉ mình tôi biết, một bí mật nho nhỏ là nó sẽ âm thầm đau, âm thầm khóc trong sự câm nín một thời gian lâu, rất lâu sau đó, đến nỗi người nó quắt lại, da xanh mét, tóc hoe hoe, cháy khét.

Tôi không chịu được, nhét cọng rau vào miệng, chạy sang, qua khe cửa nhòm vào nhà. Ông bố Hiên nằm sóng soài trên giường, miệng tiếp tục lẩm bẩm. Tôi đánh bạo bước vào, Hiên đang ngồi thu lu trong góc cái chuồng lợn bỏ không. Nó nhìn tôi. Trời đất, đôi mắt nó, đôi mắt với cái nhìn không thể diễn tả, có lẽ là đôi mắt của  con quỷ nhỏ, nó trông vừa hoang dại, vừa táo tợn, vừa thảm thương. Hay là con chó hoang bị tụi thanh niên trói sau nửa buổi rượt bắt tháng trước đã kịp ám vào Hiên?

Tôi vội vàng vào chuồng lợn, cầm tay dắt Hiên ra. Nó theo tôi, đi mải miết về phía trước, như không trông thấy gì trước mắt, như mộng du. Tôi túm lấy tóc nó giật:

- Hiên. Hiên, mày điên à!

Bà tôi lắc đầu, sờ nắn tay chân nó. Không bị làm sao cả. Bố nó dữ tợn thật, nhưng chưa bao giờ đánh Hiên, trong những cơn say dài, ông chỉ chửi bới, như trút hết cơn giận dữ, nỗi đớn đau lên đứa con gái có người mẹ phụ bạc, đành đoạn bỏ chồng con đi theo người đàn ông buôn trâu bò.

Đến chiều thì Hiên nguôi ngoai dần, nó nói chuyện trở lại, cũng chẳng có chuyện gì vui, lại chuyện bố nó sáng nay bảo nó ở nhà chơi ngoan, bố nó đi sang làng bên tìm mua vài con gà thả rông trong vườn, đến chiều thì bố nó liêu xiêu trở về, chửi bới, đập phá đồ đạc. Nó kể, thủ thỉ, chậm rãi như kể một đoạn phim ngắn vừa xem, đó không phải là chuyện nhà mình, bố nó không phải là bố nó, nó không phải là nó nữa, chỉ là hai nhân vật trong phim. Rồi đột nhiên nó cười, tiếng cười vẫn trong, đôi mắt trên gương mặt xanh mét thoắt hiện một tia nắng ấm áp.

- Lần say trước đây, ba em ném hết đồ rồi, không biết lấy cái gì để ném nữa, ổng nhảy vô chuồng lợn, túm lấy lợn, tính ném ra ngoài, không ngờ ổng hụt chân ngã đập mặt vô đống phân, lúc đó mới bò dậy. Tôi thầm nghĩ, ý nghĩ độc ác và man rợ: Một ngày nào đó, khi ông lại say, “vật” trước mắt ông chính là đứa con gái này thì sao?

Tôi thấy mình may mắn, có được một gia đình hạnh phúc, mặc dù tôi sống xa bố mẹ nhưng bên cạnh có bà ngoại thương yêu. Những chuyện ở trường, chuyện trong khu vườn nhỏ, tôi đều thủ thỉ kể với bà, bà lắng nghe tất cả, sẻ chia tất cả. Bà là người bạn lớn của tôi. Thỉnh thoảng tôi thoáng thấy bà trầm ngâm một mình, hay trộm nhìn tôi rơm rớm nước mắt. Tôi biết rồi, đó là tâm lý người già, cô giáo bảo, người già thường hay chạnh lòng, hay tủi thân, cần hiểu để động viên bà.

Có lần, bố Hiên không có nhà, tôi rủ nó lên đồi chơi. Chao ôi, trên đó gió mát ơi là mát. Hiên hát. Lần đầu tiên tôi nghe nó hát, hát nhiều, không rõ là hát bài nào, cứ lộn lung tung lên hết, chỉ riêng chuyện này cũng khiến nó tức cười, khúc khích một mình, cười đến đỏ cả mặt, đỏ như mặt trời sắp lặn phía bên kia hồ, sau núi. Tôi bỗng nhớ đến lời bà, trẻ nhỏ là mặt trời, mặt trời buổi sáng, tươi rói và đầy sức sống.. Thiếu “mặt trời”, người già như bà làm sao mà sống! Nhưng Hiên cứ cười miết, cười miết, không dừng. Hay là nó khóc? Tôi cúi xuống nhìn, mặt nó méo xệch, dường như tận sâu của tiếng cười, có tiếng khóc. Nó điên mất thôi. Một hồi, nó bình thường trở lại:

- Chị Minh này, tự nhiên em nhớ mẹ quá. Hồi mẹ ở nhà, thỉnh thoảng mẹ dẫn em lên đây chơi, mẹ em hay ngồi ngẩn ngơ một mình. Tại sao vậy hả chị, tại sao mẹ em không ở lại với bố, với em mà đi theo người ta hả chị? Bố em cấm em nhắc đến mẹ đó chị à.

Tôi nhớ lời bà, có lần bà bảo ngày trước, bố mẹ Hiên yêu nhau lắm, yêu nhau mới lấy nhau, sinh ra con Hiên, nhưng không biết vì sao sau đó bố Hiên hay uống rượu, mẹ Hiên bỏ đi.

- Bỏ chồng con theo người khác là bạc tình bạc nghĩa hả chị? Có phải không chị?

Thực tình tôi không biết, đó là việc của người lớn. Tôi chỉ thấy thương Hiên, nó nhỏ hơn tôi năm tuổi mà đời sao buồn quá. Bây giờ thì nó đang lẽo đẽo theo tôi, hỏi những câu không biết trả lời sao cho được.

- Không, mẹ em không xấu, phải không chị? Bố em cũng không xấu, phải không chị? Tại vì bố em buồn quá, phải không chị?

Tôi quay lại nhìn nó, con bé Hiên ngờ nghệch, tội nghiệp của tôi chớp chớp mắt. Tự nhiên tôi thấy, đằng sau vẻ yếu ớt, xanh xao của nó, lấp lánh vẻ đẹp, không biết là vẻ đẹp gì nữa, có lẽ là vẻ đẹp của vừng mặt trời mới mọc như bà thường nói.

Một lần, hai bà cháu tôi sang nhà Hiên, hôm ấy bố nó không say, bà tôi nói nhiều, nhiều lắm, bố nó cúi đầu có vẻ hối hận, sau xin lỗi bà tôi rồi hứa sẽ thay đổi. Hiên nép đằng sau lưng bố, lâu lâu lại liếc nhìn bà tôi, sợ sệt xoa tay vào nhau như người già. Khác với ngày thường, nó có vẻ xa xách với bà cháu tôi. Thì ra, đến giờ phút ấy, nó vẫn đứng về phe bố nó. Nó nhìn bố nó, và khi bố nó cúi đầu nhận lỗi, nó bật khóc, khóc ngon lành, bố bế nó lên, nó càng khóc to hơn. Thiên thần của tôi giờ đã biết khóc, đã gần thành một đứa trẻ bình thường rồi, tôi thấy mừng cho nó.

Rồi một hôm, đi học về, tôi nghe bà nói mẹ Hiên về. Mẹ Hiên về ư? Mừng quá, thế là từ nay con bé có mẹ rồi. Tôi chạy sang, bố Hiên không có nhà, một người đàn bà trẻ đẹp, áo quần sặc sỡ ngồi nơi cái ghế con, có lẽ là mẹ Hiên. Giữa nhà tung tóe những mẩu bánh.

- Con là bạn Hiên, con nói nó giúp cô, bảo nó ăn bánh đi.

Hiên đang ngồi dúi đầu vào góc tường, im lặng. Tôi lay vai nó.

- Hiên, mẹ em về kìa. Sao không ra với mẹ đi?

Nó lắc đầu, cúi sát hơn vào góc tường, rồi đột nhiên quay lại, ném về phía mẹ nó một cái nhìn sắc lạnh. Con bé bướng bỉnh thật!

Vừa lúc đó, bố Hiên đi đâu về, vừa trông thấy mẹ Hiên, ông cười mỉa:

- Cô sướng nhỉ. Đú đởn chán giờ mới về. Đúng là đồ đĩ thì không biết sỹ diện!

- Anh...! Anh vừa vừa thôi chứ! Tôi về là về thăm con, chứ người như anh thì...

Bố Hiên tái mặt:

- Thì sao? Thì tôi đuổi cô đi! Cút xéo!

Bố Hiên vơ chổi lao tới. Mẹ Hiên chồm vào góc phòng, ôm lấy Hiên lôi ra. Một cuộc giằng co của hai người lớn ở giữa là đứa bé. Hiên vùng vẫy, nhưng tuyệt nhiên không nói, không la hét một tiếng. Tôi chạy vội về nhà gọi bà. Bà vừa đi đâu mất. Tôi chạy ra đường gọi, chẳng ai để ý đến đứa con gái mười một tuổi như tôi. Tôi quay lại, người đàn bà tất tả bỏ đi, vừa đi vừa văng tục. Bố Hiên đang trong cơn điên, ông lồng lộn như con thú bị trọng thương, thế là bàn ghế, xoong chảo một lần nữa bay vèo ra sân.

Hiên bỗng bật cười sằng sặc, tiếng cười kỳ lạ khiến ông bố sững lại trong giây lát, rồi ông bỏ đi, rời căn nhà trống hươ, hoang lạnh và tang thương, nơi ông và con bé Hiên tội nghiệp sống. Chắc là ông lại đi tìm quên trong rượu đắng.

Tôi kéo Hiên về nhà mình nhưng con bé không chịu, sau lúc cười như điên nó có vẻ cứng cỏi, bình tĩnh hơn, lặng lẽ đi vào tấm phản gỗ nhỏ dành cho nó, chui vào chăn, trùm kín. Chắc là con bé đã quen với nỗi đau mất rồi.

Bà vẫn chưa về, căn nhà om om tối, tôi mệt mỏi rã rời, thấy sao mà Hiên khổ quá. Tôi bắt chước Hiên, chui vào chăn nằm cho đỡ mệt. Nỗi buồn ru tôi ngủ...

Bỗng có tiếng người la hét, tiếng khóc, tiếng chạy huỳnh huỵch. Tôi tỉnh giấc, vùng dậy chạy ra. Một đám người đứng bên bờ hồ, tất cả dõi về phía toán người đang ngụp lặn. Rồi người ta mang lên bờ một thân hình nhỏ bé, èo uột đẫm nước. Trời, Hiên!

Một thanh niên to khỏe vác Hiên dốc ngược, tất cả chạy, chạy miết, nước chảy long tong lên đôi chân cuống quýt. Cả xóm ngập trong nỗi hốt hoảng, lo lắng và hy vọng. Nhưng đã quá trễ, hy vọng dần thành tuyệt vọng. Bố Hiên về, đầu tóc rối bù, mặt mày tím tái, ngơ ngẩn trước cảnh nhốn nháo trước nhà mình. Sự thật đau đớn đẩy ông ra khỏi vũng đen của cơn say, ông tru lên man rợ. Và ông khóc. Thêm một lần, nỗi đau làm ông trở nên hung dữ khác thường. Giờ thì con bé nằm sóng sượt trên cái chiếu đặt bên hồ, mắt nhắm nghiền, đôi môi nhỏ chúm chím ngày thường giờ tím tái, đôi môi ấy đã hàng ngàn vạn lần nhắc đến mẹ, không thành tiếng, nhưng tha thiết, khát khao.

Tôi như chơi vơi giữa thực và mộng. Không, không thể là sự thật được. Con bé ngoan ngoãn, hiền lành và nhạy cảm của tôi vẫn đâu đó dưới cây khế kia, đang chờ tôi lượm những quả khế vàng ươm, hát vu vơ và thủ thỉ chuyện trò.

Và thoát khỏi nỗi buồn, vụt qua cơn đau, tôi và Hiên nắm tay nhau chạy trên cánh đồng đầy gió, trên đầu chúng tôi, hàng ngàn hàng vạn cánh diều lấp lánh bay “Mình chơi một lát rồi về nhà, bố mẹ mình đang đợi đấy”, tiếng Hiên trong trẻo, reo vang như một tiếng cười. Rồi bỗng nhiên, một tiếng sét, mặt trời lịm tắt, tất cả chìm trong bóng tối. Thế là cô bạn gái nhỏ, mặt trời bé nhỏ của bà cháu tôi đã bay vào thế giới khác, không còn tủi thân mà khóc, không phải chui vào chuồng lợn khi bố say, không là vật giằng co giữa bố và mẹ, không còn phải sống trong đằng đẵng nỗi buồn rầu, lo sợ.

Mặt trời ấm áp đã bay đi, bay đi như một điều không có thật, chẳng lẽ vậy sao? Tôi đang đứng bên hồ, ngóng ra phía xa xôi mờ mịt khói sóng. Sau lưng, ngôi nhà nhỏ chơ vơ ngày xưa đã cháy, còn lại đống tro tàn. Người cha tội lỗi châm lửa ngôi nhà mình, quỳ khóc trước mộ đứa con gái nhỏ rồi bỏ đi. Ở một nơi nào đó, trên trái đất đầy bất trắc này, người đàn bà mẹ bạn tôi có được bình yên để sống nốt cuộc đời ích kỷ, tham lam và đầy dục vọng?.


M.S