Sẽ còn lại phù sa
Người ấy là Hoài Thanh, đã nhìn nhận Vũ như là một tiếng nói riêng nhỏ nhẹ mà sâu lắng một thời đại mới trong thơ – phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước. Với Hoài Thanh, Vũ là một trong những người đầu tiên báo hiệu sự ra đời của phong trào ấy. Quả thật. Những tên tuổi như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm v.v… đã dần dần xuất hiện và trở thành những gương mặt sáng giá của một thời đại Thơ. Người ta hay nói Phạm Tiến Duật là người lĩnh xướng của phong trào ấy. Nhưng đó là câu chuyện sau năm 1969. Lưu Quang Vũ có một vị trí đặc biệt khác. Vũ nằm trong số ít một, hai người ghi dấu ấn đầu tiên đặc sắc của phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước. Đúng như điều Hoài Thanh đã dự báo. Nói là không phải ngẫu nhiên lại rơi vào Hoài Thanh – Là bởi vì với thơ Lưu Quang Vũ, Hoài Thanh đã như gặp lại những người thơ cũ của mình trong ân tình mà tha thiết của Thơ Mới 25 năm về trước và của Thơ kháng chiến chống Pháp 18 năm cách đó; Cũng là bởi vì ít có thi sỹ trẻ nào lúc đó lại tiêu biểu cho một khuynh hướng kế thừa truyền thống trong sáng tạo thi ca như Lưu Quang Vũ từ trong âm hưởng và giọng điệu cũng như những tiết tấu của hình tượng thơ, như là sự nối liền giữa 3 khoảng trời thi ca - Thơ Mới 1930-1945; Thơ ca kháng chiến chống Pháp 1946-1954; và Thơ thời những năm nửa sau 1960 và 1980.
Vào năm 1965-1967, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước bắt đầu rầm rộ và ác liệt, tuyển thơ Sức mới - tập 1, tập 2 hội tụ thơ của các nhà thơ trẻ được xuất bản. Sau đó là tập Thơ 3 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1967). Khi Chế Lan Viên viết lời giới thiệu, ông ấy còn thật dè dặt với lực lượng này. Đến năm 1968, tình hình đã khác. Hương cây Bếp lửa của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt được xuất bản là một hiện tượng thi ca nổi bật của thời kỳ đó. Người ta hồ hởi và ngạc nhiên trước một Lưu Quang Vũ mượt mà và tươi trẻ, một hồn thơ đằm thắm tình yêu quê hương đất nước với tình yêu lứa đôi trong chiến tranh mang tên gọi Hương cây. Và như Hoài Thanh, ta như gặp lại một lối thơ trữ tình trào ra từ cảm xúc, những vần thơ nhẹ nhàng mà lãng mạn tưởng như không để ý đến cấu tứ một bài thơ, tựa như tràn đầy rồi rung lên trong lắng đọng; chất tự sự không gồ lên thành một vỉa mà chỉ như một mái chèo thấp thoáng đẩy những vòng sóng cảm xúc lãng mạn lan tỏa và giao hòa vào nhau. Ta như gặp lại bóng dáng của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên thời 1930-1945 trong những vần thơ tươi trẻ mà ý tình đằm thắm của Vũ. Gửi các Anh, Qua sông Thương, Phố huyện, Hơi ấm bàn tay, Vườn trong phố, Lá bưởi lá chanh, Thức với quê hương v.v.. Những vần thơ nghe được trong dịu mát yêu thương của con người hơn là tiếng gầm thét và gớm ghiếc của chiến tranh, mặc dù trong những bài thơ đó đều có hình thù của chiến tranh ẩn náu.
Đó là Hơi ấm bàn tay của hai người yêu nhau giữa hai đầu trận tuyến như đặt trên ngực lớn cuộc đời, như giao cảm giữa các thế hệ người mà bồi hồi tình quê hương xứ sở trong sự giao hòa của những lứa đôi.
Khi đàn chim bay đến rợp trời trưa
Cồn mây về mang cơn mưa đầu hạ
Hai vì sao đổi ngôi trong gió ...
Đó chính tay mình đang vượt khoảng xa
Tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta.
1967
Đó là Vườn trong phố nơi ngưng tụ những điều hẹn ước của tình yêu tuổi trẻ, nơi bé nhỏ mà đêm khuya còn vọng lại tiếng còi tàu trong sự chở che của lá để cho nhớ xa xôi những miền quê đất nước, ta nghe như vang lại cảm xúc mới của tình thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính tan chảy trong se sẽ dịu dàng của Vũ, làm nên áng thơ tình vào loại hay nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.
Nghe lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi.
1967
Dòng cảm xúc dâng trào mãnh liệt không chỉ ở Hương cây, mà còn gặp lại nhịp điệu bồng bột yêu thương ấy trong nhiều vần thơ sau 1970 của Lưu Quang Vũ. Hoa Tầm xuân kể lại con đường xưa nơi hoa đã nở mà dòng sông cũ cánh buồm vẫn giăng giăng trắng xóa giữa buổi hoa tầm xuân đã xưa cũ mất rồi chỉ để lại những giọt sương run rẩy, khi:
Những đền đài thuở trước đã tan hoang
Những chùa cổ chiều mưa rêu ướt lạnh
Chìm trong đất những chùm hương dĩ vãng
Tầm Xuân ơi! Hoa chết đã lâu rồi.
Mùng 3 Tết Nhâm tý.
Di chúc tình yêu có cảm tưởng đồng cảm với những ý tình của Điêu Tàn trong Chế Lan Viên mà Vũ đã siêu hình về trong dáng vẻ điêu linh.
Thịt xương ta là tù ngục của hồn ta
Thân xác hẹp hòi mà khao khát bao la
Bầy chim dữ đen ngòm đang chặn lối
Những buồn chán nửa người nửa khói.
Hương cây viết khoảng thời gian 1965-1967. Bộ mặt thật của chiến tranh được Lưu Quang Vũ cho lùi lại ở phía sau; còn phía trước là con người, là những người con trai ra trận đánh thù đường trăm ngả. Buổi chiều họ xuống đò qua dòng sông mênh mông sóng vỗ. Đã ba vầng trăng rồi. Ngày mai tan giặc sẽ về với cái của muôn năm là tháng 8 sen tàn bưởi chín, chim ngói bịn rịn bay về trên quê hương nhiều lắm yêu thương. Bởi những người mẹ, người em.
Cây lá nơi này cây lá quê hương
Ôi những mẹ, những em ta hiền hậu.
1965
Trong Di cảo, nhật ký từ 21/2/1963 đến 8/10/1965 ít nhất có hai lần Vũ nhắc đến Bên kia sông Đuống. Và thơ của Vũ, ở một phương diện nào đó đi lên và nối liền với Thơ kháng chiến chống Pháp trong trường hợp Hoàng Cầm từ cách tổ chức bài thơ ngay từ Hương cây, Gửi các anh, Qua sông Thương, Lá bưởi lá chanh, Phố huyện... với lối thơ tự do có vần linh động và biến hóa một cách tự nhiên. Những bài thơ viết những năm 1970, dường như Hoàng Cầm đã trở thành nỗi ám ảnh của Vũ trong sự sáng tạo mới, khi một lần Vũ lên xứ Đoài xưa, Ba Vì mây trắng. Một miền thơ khác. Một không gian văn hóa khác.
Nhớ mặt em gầy sau lá mưa
Lênh đênh bến nước Trung Hà
Những chị buôn chè
Ngủ hè phố cũ
Con bò gầy đói cỏ
Đi trên đồng miên man
Những pho tượng gỗ chùa Phùng
Thiêm thiếp.
11/1972
Xứ Đoài 1972 có nét văn hóa tương đồng với đất Kinh Bắc 1948 để hai thi sỹ tài danh của hai thời đại thi ca gặp nhau. Cho nên cô gái buôn chè phố cũ, bà già chợ huyện khóc thời con gái thuốc lào say gần gụi với cô hàng xén ở Bên kia sông Đuống hồi 1948 nắm nghiêng nghiêng bên kháng chiến trường kỳ. Nhiều bài thơ viết khoảng thời gian 1970 và đầu 1980, người ta thấy cách tổ chức nhịp điệu thơ tự do có vần hết sức linh động của thơ Lưu Quang Vũ. Viết cho em từ biển, Không đề II, Nói với mình và các bạn, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi… và đặc biệt bài Đất nước đàn bầu viết 1972-1983, khi trở lại vùng văn hóa Kinh Bắc, trở lại với sông Cầu xa thăm thẳm, vạt áo tứ thân lau nước mắt người xưa, Vũ ngồi chẻ tre đan nón ba tầm đội lên quán dốc tìm cô bán rượu ngày xưa giữ miền quê ngào ngạt văn hóa dân gian…
Khoảng sau năm 1970, Lưu Quang Vũ rời khỏi quân ngũ, nơi Vũ đã tình nguyện nhập vào khi mới 17 tuổi. Nỗi đa đoan của một con người lúc nào cũng canh cánh tình yêu quê hương đất nước; mong mỏi được sống vì mọi người. Chính trong hoàn cảnh cam go đó, đã làm rạng ngời phẩm chất tuyệt vời của thi nhân. Thơ Lưu Quang Vũ chuyển tới một giai đoạn mới. Không tránh khỏi những cảm xúc bi thiết và đau đớn. Nhưng âm hưởng chủ đạo của thơ Lưu Quang Vũ những năm 1970-1980 luôn luôn là nỗi đau đáu tình yêu quê hương xứ sở cùng nhịp thở với tình yêu lứa đôi tha thiết đôi khi đến nghẹn ngào trong thử thách. Đó là thần khúc ngợi ca đất nước và con người Việt Nam. Tầm vóc của Lưu Quang Vũ là ở đó. Ta không thấy sự bi lụy, rã rời phủ bóng lên sự nghiệp thơ của một thi nhân với bao dằn vặt cuộc sống đời thường. Lưu Quang Vũ đã mang tới tiếng nói khác lạ của phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước bằng việc sớm đi tìm sự tiệm tiến giữa cái ta với các cá nhân để vang lên ở đấy những tiếng khắc khoải của số phận con người trong chiến tranh. Tuyển thơ Lưu Quang Vũ xuất bản 2010 ở phần 3 mang tên Đất nước đàn bầu như một tráng ca tình yêu Tổ quốc nhiều đau thương mà da diết trong sự chan hòa với hạnh phúc lứa đôi. Khác với Hương cây, ở đây thi pháp Lưu Quang Vũ đã đẩy yếu tố tự sự lên hàng đầu như là một yếu tố chính của thơ, làm nên một phong cách thơ độc đáo của phong trào thơ ca chống Mỹ cứu nước dưới góc nhìn mới mẻ về chiến tranh và hòa bình, về thân phận con người trong máu lửa và chiến tranh, chiến tranh không ẩn đằng sau con người như ở Hương cây nữa. Nó gieo rắc thảm họa. Bây giờ, Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn, Mấy đoạn Thơ, Đất nước đàn bầu, Ghi vội một đêm 1972, Viết lại một bài thơ Hà Nội, Tiếng Việt, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Hải Phòng mùa đông, Cầu nguyện, Mùa thu ấy vẫn còn nguyên ở đó v.v… Thơ thời đó, ít ai có góc nhìn như Lưu Quang Vũ về chiến tranh và hòa bình, vận mệnh đất nước và số phận con người mang sắc thái riêng biệt như thế. Khuynh hướng tự sự, tả thực để bộc lộ tâm trạng là bút pháp chủ đạo của thơ Vũ.
Vũ không ngần ngại chỉ ra những hy sinh mất mát khủng khiếp do chiến tranh giữa một chốn nhân gian đầy đổ vỡ:
Gió hú ầm ầm qua gạch vỡ
Người chết vùi thây dưới hố bom
Kẻ sống vật vờ không chốn ở
Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường.
Đêm tháng chạp 1972, bộ mặt gớm ghiếc và tàn bạo của chiến tranh xâm lược khiến con người nghẹn lại nỗi đau thương.
Bom ném lên cao những đường tàu gãy nát
Những bàn ghế những lá thư những cánh tay người
Mùi thịt cháy rợn mình mùi khói cay
Ta đứng lặng trong tiếng gầm báo động
Dưới vầng trăng tê dại nỗi kinh hoàng.
Dường như tự sự còn chưa đủ, Lưu Quang Vũ siêu thực hóa bộ mặt chiến tranh bằng cách vẽ lên những rừng đen mặt nạ hoang vắng trong mưa. Vì.
Vực sâu đã mở ra
Chôn cả lời trăng trối của mùa thu
Một chiếc lá khổng lồ đỏ thắm.
Với Lưu Quang Vũ tình yêu quê hương đất nước dù đang trải qua khổ đau như vậy vẫn vang lên tiếng nói trường tồn của văn hóa Việt. Nền văn hóa mà Vũ yêu bắt đầu từ sâu thẳm những cổ xưa như những chiếc trống đồng vùi trong cát, những mũi tên đồng lăn lóc khắp núi đồi hoang vu, những rìu đá bên đống lửa còn tro tàn sót lại, những cánh chim lạc mỏ dài cất tiếng kêu hoang dại trong đêm nồng nhiệt đới, những người đàn bà tết cỏ cây che vú đến một đêm quan họ giã bạn ra về mưa bụi mịt mù bay… Tất cả từ đó để nghe nỗi lòng đất nước trong nức nở tiếng đàn bầu. Từ xa xưa Vũ đưa ta trở về hiện tại trong một áng thơ hay tuyệt bích.
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông.
Tổ quốc Việt Nam đẹp như chưa bao giờ đẹp thế để Lưu Quang Vũ phải thốt lên đầy cảm thán mang tên gọi những bài thơ. Việt Nam ơi!, Tiếng Việt!, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi!... đầy phấn khích mà trong đó lại ẩn chứa những câu thơ điềm tĩnh lạ thường.
Tổ Quốc là nơi tỏa bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất.
Khi tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm, tiếng cha dặn thì thầm lúc nhóm lửa đời ta đã bắt đầu từ…
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày như lụa.
Điều đáng quý Lưu Quang Vũ đã nhìn thấy từ rất sớm ngày dân tộc đoàn viên sau những cuộc chiến tranh dài. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã gắn tên tuổi Lưu Quang Vũ với Trịnh Công Sơn. Theo Vũ là bởi vì người Việt Nam ta có gốc gác chung một nền văn hóa.
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc bể
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.
Thơ Lưu Quang Vũ những năm 1970-1980 tỏ rõ sự trưởng thành về chính trị, sự sâu sắc trong tư tưởng nghệ thuật với sự kết hợp giữa những vỉa tự sự và dòng cảm xúc như là một trong những đặc trưng cơ bản của thơ Việt Nam từ chiến tranh bước tới hòa bình. Bài thơ Tìm về như một khúc đoàn viên. Thời gian và lịch sử đẩy lùi xa thời đào huyệt hận thù chia miền cắt đất để có được một ngày bình thường như Văn Cao lỗi lạc đã từng viết và nói theo thơ Lưu Quang Vũ là để nở hoa muống tím, để đừng quên hoa mắc cỡ trong vườn, để anh em ruột thịt cầm tay lạy mẹ Việt Nam; oán thù đổ xuống ao sâu, rửa sạch đất bùn nhơ nhuốc… Bài thơ Những đám mây ban sớm hay Hồ sơ mùa hạ 1972, Tháng 5 – 1975… mang hơi thở ấm áp của hòa bình làm nguôi ngoai những trường đoạn về nỗi ân hận của một thời đã qua, để dân tộc trở về lợp lại mái nhà xưa…
Có người nói: toàn bộ thơ Lưu Quang Vũ là một bản tình ca dành cho nữ sĩ Xuân Quỳnh. Bao nhiêu tâm sự yêu đương cho Quỳnh và viết về Quỳnh. Thư viết cho Quỳnh trên máy bay, Cho Quỳnh những ngày xa, Phút em đến, Em sang bên kia sông, Thơ ru em ngủ v.v… Họ có lẽ là cặp uyên ương đẹp nhất của thi ca thế kỷ 20. Nhưng có lẽ họ cũng là những người bất hạnh nhất khi tình thơ của họ bù đắp cho nhau dù chữ mệnh làm cho đoản mệnh. Thơ của Vũ gọi sự bất tử của tình yêu là Mắt của trời xanh.
Tóc của đêm dài, mắt của trời xanh
Mắt của phương xa, tay của đất nâu lành.
Người yêu như lửa và như lụa
… Như vầng trăng như ngọn thủy triều
Mặc dù hiện thực đời thường cái tổ uyên ương của họ chỉ là căn phòng chật hẹp không nhìn thấy vẻ viên mãn của trời xanh, nơi Vũ đã nghẹn ngào mà viết nên câu Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.
Tôi không thể không tìm đến mấy thước vuông đó khuất nẻo trên tầng 3 số nhà 96A phố Huế. Dù đã là quá muộn, khi Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đi khỏi nơi này 33 năm rồi. Vào một buổi chiều cuối tháng 4 năm 2021, khi trời Hà Nội đang rơm rớm khép cửa mùa xuân để bước sang hè. Căn phòng chật chội. Tối và nóng vì không có điện. Người nhà Vũ giúp chúng tôi thắp 3 ngọn nến đỏ. Các giá gỗ không có kính xếp sách ngăn nắp đứng dựa vào tường. Tôi thắp 3 nén hương cầu khẩn linh hồn hai thi sỹ tài năng đã làm nên sự nghiệp ở chốn nhỏ bé này. Ở đây, Lưu Quang Vũ đã viết nên những vở kịch đi trước thời đại, bằng cái nhìn thấu tận đáy những tấn trò đời và khát vọng sống của nhân dân. Ở một thời sắp bước vào đổi thay như chưa bao giờ được thấy. Và những vần thơ mang bao nỗi lo toan trần thế đã được hát lên cũng ở nơi này. Không gian ấy chiều nay vàng ánh nến như một bằng chứng im lặng mà đầy hiển hách, tôn vinh một nhân cách nhà văn của thời đại chúng ta.
Cao Bá Quát đã từng viết: Tạo vật bản lai vô trước tướng/ Chỉ lưu nhất bán tại sơn nguyên. Có nghĩa là: Từ xưa tạo vật vốn không có hình tượng nhất định, chỉ để cho núi sông thấy một nửa mà thôi. Mặc dù, Hoài Thanh là một cây bút phê bình kiệt xuất, nhưng nếu theo Cao Bá Quát, ông ấy cũng chỉ tiên đoán một phần văn nghiệp của Lưu Quang Vũ. Kẻ hậu sinh này càng như vậy.
Chắc không phải ngẫu nhiên dòng sông Hồng phù sa chưa nguôi đỏ bao giờ mà Vũ có lần hình dung phù sa như là khái niệm đầu tiên của nước Văn Lang đã ám ảnh Lưu Quang Vũ đến mức có 4 bài thơ về dòng sông ấy. Vũ một lần viết: Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa là theo nghĩa đó. Cuộc đời cá nhân của mỗi chúng ta cuốn vào bao cơn lũ thời cuộc. Xưa phù du mà nay đã phù sa. Cá nhân mỗi con người vỗn chỉ là phù du của lịch sử để phù sa ngưng tụ lại. Văn chương Lưu Quang Vũ như phù sa ở lại mãi với đời.
Bây giờ thành phố Đà Nẵng có tên hai đường phố Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ. Nếu mở internet hàng ngày sẽ thấy những quảng cáo dóng dả về nhà hàng khách sạn, quán cá phê, giá bất động sản mặt đường ngạo nghễ, đôi khi nhiều hơn những tin tức văn chương của hai người thi nhân ấy. Có ai trong trong số khách qua đường biết rõ lý do con đường họ đang đi lại mang tên như vậy? Buổi kinh tế thị trường xô bồ khắp Bắc Trung Nam những tưởng người ta chỉ lo việc đếm tiền mà quên cả thi ca? Nhưng tôi tin tượng đài văn chương mà Lưu Quang Vũ dựng lên không bao giờ bị lãng quên trong lịch sử văn học nước nhà. Vì điều đó đã thuộc về lịch sử. Nghĩ thế, chiều nay khi ra khỏi nhà 96A phố Huế, tôi không đi sang đường để vào chợ Hôm mà đi thẳng ra bờ hồ Hoàn Kiếm đón một cơn gió mát của cuối ngày đầu hạ - Con đường mà hồi 1963-1965 Vũ vẫn thường đi. Vang lên đâu đây lời Vũ nói. Điều mình mơ ước thật sự vẫn còn xa lắm ở phía trước.
Hà Nội tháng 4/2021
(Văn nghệ số 22/2021)