Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi Phi

02.10.2019

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi Phi

Tôi đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ dài 30 năm. Trong bài báo này tôi  muốn kể về những cán bộ y tế hoạt động tại bệnh viện Liên khu 5, không phải để khuếch đại thành tích của họ đã thuộc về quá khứ và đã bị lãng quên. Họ có nhiều đóng góp lớn lao cho thắng lợi của dân tộc.                          

Sau khi Ban Dân y được tách riêng ra khỏi Ban Quân y khu 5 để hoạt động đặc thù, bắt đầu là Bệnh xá khu bộ chuyên chữa bệnh cho cán bộ thuộc Khu ủy. Những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, bệnh viện đa khoa I được thành lập lấy mật danh là Làng Khoa. Gần cuối thập niên này “Làng Khoa” được tách riêng thành hai bệnh viện: Bệnh viện 1 và 2. Sau khi sáp nhập các chức năng nhiệm vụ được tăng lên, biên chế cũng tăng. Ngoài phục vụ chữa bệnh cho cán bộ thuộc Khu ủy còn chữa bệnh cho cán bộ trung cao cấp của các tỉnh khác, thêm phần linh động điều trị cấp cứu cho bộ đội và nhân dân trong vùng mà không có kinh phí chính thức. Bệnh viện phải đi sát với Ban chấp hành Khu ủy. Biên chế vừa phải nhưng có các đơn vị hỗ trợ cố định như tiểu đoàn 10 (D10) và đồng bào các dân tộc ở xung quanh. D10 có thể giúp di chuyển bệnh nhân nặng khi có lệnh di dời địa điểm và đặc biệt là giúp xây dựng nhanh trong vòng hơn một tuần lễ các cơ sở điều trị bán dã chiến như phòng mổ, phòng làm thuốc, thay băng, phòng xét nghiệm, khoa Dược, và kho thuốc, kho lương thực...

Các bạn hình dung sự di chuyển các bệnh viện điều trị trong rừng sâu? Thông thường một năm di chuyển một lần.Thế cũng đã rất vất vả. Nhưng có một đợt vào năm 1971 trong hai tháng chúng tôi phải di chuyển 7 lần, nghĩa là vừa làm xong cơ sở dã chiến, chưa kịp chuyển bệnh nhân đến thì đã phải đi làm bệnh viện mới, ở địa điểm mới.

Thời tôi phụ trách Bệnh viện lúc đầu chỉ có một mình, về sau Ban Dân y cử thêm một Phó Giám đốc chuyên môn, bác sĩ Phạm Phú Quý chuyên khoa ngoại. Mỗi đơn vị chuyên môn đều có Trưởng khoa, bác sĩ hay dược sĩ thích hợp, y tá trưởng, y tá, hộ lý. Phòng khám bệnh phải đóng xa bệnh viện ít nhất một ngày đường rừng, vì để bảo mật địa điểm chính thức. Những người không được điều trị nội trú sẽ không được biết địa điểm bệnh viện.

Nét đặc trưng của tổ chức bộ phận Hành chính là có một đội tiếp liệu chuyên trách lo mua hàng ở vùng sâu, vận chuyển lương thực thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế do miền Bắc viện trợ (tận đường dây 559, ngoài sông Xê ca máng) và vận chuyển lương thực, thực phẩm ở cơ sở sản xuất tự túc của đơn vị.

Có một bộ phận đánh cá từ sông Tranh về để nuôi bệnh nhân. Cơ quan chỉ được cải thiện đôi lần khi có việc. Một bộ phận chuyên sản xuất như lúa, sắn, bắp và một ít rau. Rẫy sản xuất ở cách xa cơ quan một vài ngày đường.

Sau kinh nghiệm của nhiều năm dài bị đói do anh chị em chuyên môn sản xuất rất kém, chúng tôi đã thực hiện sản xuất chuyên trách, đơn vị no đủ hơn. Cuộc sống vui tươi hơn, năng suất công việc cao hơn.

Sau nhiều năm nhìn lại tôi mới thấy hết mức độ thiệt thòi của các bộ phận phục vụ phía sau này là không có gì bù đắp được nữa... Họ cạn kiệt sức lực nhanh hơn, có nhiều bệnh mãn tính do đi gùi cõng nặng...    

Biên chế chuyên môn rất mỏng và thường xuyên phải chia sẻ nhân lực.Ví dụ tôi tuy phụ trách nội khoa nhưng phải biết đỡ đẻ, phải biết mổ cấp cứu. Bác sĩ Quý tuy chuyên khoa ngoại thận - tiết niệu, nhưng vẫn phải mổ từ đầu đến chân vì có ai giỏi về ngoại khoa hơn bác sĩ ở chốn rừng sâu heo hút này? Các bác sĩ nội hay ngoại hoặc các chuyên khoa khác đều phải biết chữa sốt rét ác tính, sốt rét nặng. Các bác sĩ chuyên khoa lẻ cũng phải biết mổ một vài loại cấp cứu ngoại khoa. Bệnh viện phải phân công nhau ra kho đường dây 559, kho K45 nhận thuốc. Việc pha chế thuốc chủ yếu là các dịch truyền tĩnh mạch phục vụ mổ, điều trị cấp cứu, pha chế các sirô ho, an thần, sản xuất các thuốc Nam theo y học cổ truyền từ cây con thuốc. Trong đợt dịch phù do thiếu Vitamin B1 rất nhiều người  bị bệnh tê phù, kể cả các thể suy tim nhịp ngựa phi, mất tiếng nói do liệt dây thanh âm. Cần Vitamin B1 loại tiêm tĩnh mạch, thật là táo bạo, nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi phải pha chế lấy. Nếu không, một số bệnh nhân suy tim cấp sẽ chết. Dược sĩ Nguyễn Văn Bàng (sau khi ra miền Bắc là Phó Giáo sư, tiến sĩ Đại học Y Hà Nội) phải làm thôi. Bây giờ nghĩ lại còn sợ. Đến như Vitamin B1 dạng tiêm của các nước phát triển sản xuất còn ngại dùng bằng đường tiêm nữa là của bệnh viện chúng tôi sản xuất. Thế mà chính cơ thể bệnh nhân đã rộng lượng tiếp nhận thuốc pha chế của chúng tôi và khỏi bệnh tức thì như có phép thần, hết suy tim và từ câm trở thành nói được. Dĩ nhiên là cấp cứu xong thì không dám lạm dụng đường tiêm nhiều.

Một vài hoạt động nữa của chúng tôi kết hợp với bộ phận dược rất đáng ghi vào lịch sử y tế Khu 5. Khi thấy bệnh nhân sốt rét nặng và suy dinh dưỡng, thiếu máu đi lại không nổi. Họ có gì ăn đâu? Hàng ngày bệnh nhân ưu tiên là được chút gạo, có ghế sắn cho hơi no và thức ăn là chút cá muối hay mắm cá cơm, cá nục, đôi khi có chút thịt trâu (mua cả con trâu dưới đồng bằng đưa về, muối ăn dần).Thịt rừng đôi khi cũng săn bắn được nhưng hiếm có, vì chúng tôi không có đội săn bắn chuyên nghiệp.

Tôi thấy ở rừng có nhiều giun đất to, dài, trông thấy cũng đã sợ. Tôi nghĩ con giun có lượng thịt đáng kể. Tôi không biết tác dụng chữa bệnh tốt của giống mà bây giờ ta gọi bằng một tên rất mỹ miều là “địa long” - rồng đất này. Tôi chỉ nghĩ, nếu bệnh nhân được ăn thịt giun thì có thể sẽ rất tốt cho phục hồi sức khỏe sau sốt rét và nhiều bệnh khác gây suy dinh dưỡng. Phải chế biến để dễ ăn cho bệnh nhân đỡ sợ. Phải làm thành thuốc. Tôi tự nghĩ ra quy trình làm và giao cho dược sĩ trung cấp Minh Khiếu phải làm cho xong và đến tháng 10 năm 1969 phải có thuốc và tôi đặt tên cho viên “địa long” đó là viên MK10 (nôm na là Minh Khiếu tháng 10). Chúng tôi rọc con giun đất ra, chà muối cho sạch sẽ rồi đem sấy khô. Sau đó tán thành bột trộn với bột gạo hay nếp rang xay và mật ong rồi làm thành viên. Khá ngon đấy! (Kết quả là bệnh nhân tốt lên trông thấy. Viên MK 10 cung cấp protein cho bệnh nhân đang đói. Trong danh mục thuốc cấp phát của bệnh viện lại có thêm viên MK10 bên cạnh các thuốc Nam khác.

Mấy năm sau nguồn thuốc “địa long” này sản xuất ra cũng không được nhiều. Viên “địa long” thực chất là thức ăn bổ sung rất tốt. Một dạng thuốc chống tê phù do thiếu nhiều loại vitamin khác nữa được chúng tôi khuyên dùng là lá sắn. Tôi có nhận được của bác Võ Tố (nguyên là Trưởng ban Dân y Khu 5) một quyển Presse médicale năm 1968 - 1969. Tôi thấy các tác giả châu Mỹ La tinh có đăng một công trình nghiên cứu về thành phần các chất dinh dưỡng trong 100g lá sắn khô.Tôi thấy lá sắn tốt quá và ngẫm nghĩ có thể vì thế mà các dân tộc châu Phi và Mỹ La tinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số của ta sống được. Nó chỉ thua trứng gà vì không có methionin. Như vậy nếu bổ sung vừng là thức ăn giàu methionin thì lá sắn “bổ như trứng gà”. Tôi bèn viết báo phổ biến “thực đơn khoa học” cho toàn cán bộ Khu 5. Bao nhiêu rẫy sắn bị vặt trụi lá ảnh hưởng đến năng xuất củ sắn. Tôi bị ông Trần Kiên, nguyên Thường vụ Khu ủy, trưởng ban Tổ chức cán bộ Khu ủy phê bình. Nhưng, để đổi lại, bao nhiêu bộ đội, cán bộ thoát bệnh tê phù. Họ ăn lá sắn luộc, xào, muối chua, làm nộm có thêm vừng. Tên tôi vì thế lan rộng cả Khu 5, kể cả những người không biết mặt, không quen. Nó cũng đã cứu bao nhiêu người suy tim do thiếu Vitamin B1 vì ở xa bệnh viện hay đến bệnh viện mà không chẩn đoán được nguyên nhân bệnh chính xác.

Một vấn đề mà bây giờ tôi không thể hiểu nổi mình và không thể chấp nhận cách giải quyết của mình. Cần một người coi giữ kho thuốc và gạo dự trữ của bệnh viện. Vị trí này lúc ấy là béo bở vì có gạo ở kho anh (chị) có thể nấu cơm ăn no (chuột bọ ăn, ai mà lường hết được bao nhiêu) và không phải lao động nặng. Chỉ người yếu mới có may mắn được cử ở vị trí này. Người đó phải mang theo và biết sử dụng AK. Thì học bắn súng có gì, bắn dọa là chính, chứ có phải chiến đấu gì đâu. Tôi lại cử cô Dược sĩ Minh Khiếu đi vào giữ kho một thời gian. Tôi nghĩ quá đơn giản. Cô ấy là con gái chưa chồng, một mình nằm trong rừng núi lo có thú dữ hay nam giới dân tộc hay Kinh sàm sỡ điều gì thì cái hại làm sao mà lường hết được. Nhưng cả cô Khiếu và cả tôi đều mừng rỡ với sự phân công này. Ba chục năm về sau tôi hỏi Minh Khiếu lại về vấn đề này. Cô ta vẫn cười sung sướng vì được no và khỏi lao động nặng.

Công tác xét nghiệm cũng đã giúp chúng tôi nhiều trong chẩn đoán, đặc biệt đánh giá việc phục hồi chức năng của cơ thể một cách chung nhất và tiết kiệm thuốc khi đang khan. Y sĩ Trần Thị Cúc Hoa đã chịu trách nhiệm chính vấn đề này và đã rất tận tụy trong nhiệm vụ.

Đội tiếp liệu gồm các thanh niên xung phong tuyển từ đồng bằng lên căn cứ. Các em thuộc các gia đình cách mạng, đa số đều chưa biết chữ hay chỉ mới biết đọc, biết viết. Quê các em thuộc Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kontum... Chúng tôi thường dạy cho các em học chữ lúc rảnh. Thời ấy vùng Trà My Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh mà hai bên đường rừng phần lớn là cây chết trụi lá. Lúc ấy nào ai đã hiểu được chất da cam, chất hồng hay dioxin có tác hại khủng khiếp, lâu dài trên sức khỏe con người gì đâu! Ăn sắn nhiễm độc, rau củ ở rừng, uống nước suối nhiễm chất da cam, chất diệt cỏ là chuyện bình thường.

Có một em (Thanh Vân) lúc ấy phụ trách kế toán, nhưng chủ yếu vẫn phải làm tiếp liệu. Năm 1995 em đã chết vì ung thư thực quản. Vì sao? Không ai biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Thường xuyên các em còn phải định kỳ đi xuống đồng bằng, sát tận rìa vùng tạm chiếm để mua dầu hỏa, mắm cái, mì sợi chè gói, cà phê gói, cá trích hộp... chủ yếu cho bệnh nhân và dành một phần rất nhỏ cho số ít anh chị em đau ốm nặng của cơ quan. Các em đi liên tục, áo quần trên người toàn xông ra mùi khói bếp vì không có thời gian phơi nắng. Lưng rộp từng mảng vì các em thường xuyên thèm ăn, đã mở nắp thùng mắm cá đang gùi cõng, lôi ít con cá mắm ra để ăn với cơm hoặc có khi thì ăn “vã” không cơm rồi chiêu nước suối bên đường. Khi đậy thùng mắm lại thì không sao kín như cũ nữa. Đường rừng, dốc cao, nước mắm cứ chảy ra lưng, ra áo quần các em! Cõng dầu hoả cũng bị như vậy, không thể là do ăn, uống dầu hỏa, mà là do đổi thức ăn cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng đi qua... Tôi không biết và không bao giờ hỏi nguyên nhân gây ra những mảng da lưng bị rộp này. Tôi chỉ đoán chừng và mãi 20 năm sau chiến tranh các em mới thừa nhận nguyên nhân của những mảng da lưng rộp ấy.

Có hai em: Nguyễn Thị Lê và Nguyễn Lệ đã hy sinh trên đường về cơ quan khi đi qua đồn Phước Lâm. Các em được các anh ở đội sản xuất của Ban dân y Khu 5 chôn cất. Không biết bây giờ di hài của hai em nằm ở đâu? Tham gia trong từng đợt vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men đó cũng có một số cán bộ chuyên môn. Chúng tôi đã cố thu xếp tối thiểu số người trực chuyên môn ở nhà để bổ sung tối đa nhân lực cho đội tiếp liệu cũng như sản xuất. Từ hộ lý, y tá, dược sĩ, bác sĩ không ai là không thay phiên nhau cáng đáng phần việc này.

Tôi nhớ như in vào tâm khảm mình một câu chuyện đau lòng. Một buổi chiều gần tối Ban Dân y Khu 5 bổ sung cho đơn vị tôi khoảng 10 y dược sĩ trung cấp mới tốt nghiệp ở miền Bắc vừa vào đến chiến trường. Tôi thật ra chưa nhớ hết tên và mặt, cũng không có nhiều thông tin cá nhân về số chị em này. Tất cả đều chưa có gia đình. Tôi mừng quá. Ngày mai quân số đi cõng gạo và thuốc ở tận ngoài đường dây 559 sẽ có thêm những 10 người. Thật là trời phù hộ cho tôi.

Tôi nhớ rằng cùng đi với đoàn này có bác sĩ  Phạm Xân, nguyên Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng. Một bạn bị sốt rét ác tính phải nằm lại trạm xá quân y trên đường đi và đã chết. Nhiều bạn khác bị trúng B52, không còn thấy xác. Một đoàn lính mới bị xóa sạch. Tôi gần như điên, khi bác sĩ Xân dẫn về cơ quan số anh chị em còn sống sót mà vẫn mang nặng số hàng lĩnh được ở kho về.

- Em có nhớ tên các bạn đã hy sinh không? Tôi chỉ nhớ một em tên là Hà, không nhớ cả họ của em, quê của em.

- Em không nhớ, em đã biết hết tên và nhớ mặt cả đâu! Rồi im lặng...

- Làm sao bây giờ?

Rồi liên miên bao nhiêu công việc dồn dập. Câu chuyện lắng vào tâm khảm mỗi người. Lúc bấy giờ chúng tôi đều còn quá trẻ. Chiến tranh giữa cái sống và cái chết thật gang tấc. Số phận dành cho bạn sống, chứ tránh làm sao được bom đạn và bao nhiêu nguyên nhân gây chết khác. Các bạn chết nằm lại ở chỗ nào đó trong rừng núi mênh mông, còn chúng tôi thì chạy triền miên trong dãy rừng núi đó. Lúc này cần bản sơ yếu lý lịch cá nhân thì không có lấy một dòng nào! Bao nhiêu lần cùng anh chị em viết lý lịch trong cuộc đời làm công chức của chúng tôi, tôi cứ ngẫm nghĩ mà buồn.

Sau năm 1995 tôi có nhờ các anh trong ban Dân y Khu 5 và các anh ở Bệnh xá Khu bộ cũ đi tìm mộ các em hay là mộ vô danh chôn trong khu vực đã mai táng các em. Núi rừng sau 20 năm hòa bình đã không thể còn dấu vết gì. Không thể nhận dạng được nữa. Chính tôi đã mai táng cho ông Trưởng ban Bưu điện Liên khu 5 (Bác Chương) trong bìa rừng nơi đóng quân của Bệnh viện 1 mà sau này không ai có thể tìm ra được.

Chúng tôi cứ đau trong lòng và đã xoa dịu nỗi đau đó bằng cách xin các anh chị và cơ quan (mà người phụ trách ít nhiều đã đi B hay có con cháu đi B) có khả năng đóng góp kinh phí để làm một khu bia tưởng niệm tượng trưng cho hơn 4.000 cán bộ y tế của 9 tỉnh Liên khu 5 cũ đã hy sinh trong thời chống Mỹ tại xã Trà Tân, thuộc huyện Trà My, Quảng Nam, huyện mà chúng tôi đóng quân lâu nhất. Với tình thương yêu đồng đội và với một tấm lòng, bác sĩ Phạm Xân cùng toàn thể cán bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đã hoàn thành được bia mộ tượng trưng đó với nguồn kinh phí của các cơ quan trong nước ủng hộ, và tất cả số tiền lo được đó đã dành cho khu vực bia rộng hơn 500m2 này. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính quyền huyện Trà My cũng đã chung sức làm việc nghĩa này. Chị Phương Liên (hiện là Giáo sư của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), nguyên hoạt động ở K15 (phòng Vệ sinh dịch tễ) thuộc Ban dân y Khu 5 cũng đã đóng góp công sức đáng kể trong việc lo lắng đi xin kinh phí các cơ quan.

Một số anh chị em chúng tôi đã về dự lễ khánh thành bia tưởng niệm vào ngày 25 tháng 10 năm 2001. Không phải tất cả anh chị em đều về được vì là kinh phí tự túc, đi lại tốn rất nhiều tiền dù rằng rất muốn về thắp hương cho đồng đội ở Hà Nội, chỉ có tôi và chị Phương Liên đi bằng kinh phí tự túc. Có cả nguyên Bộ trưởng Y tế Đỗ Nguyên Phương bay từ Hà Nội vào dự. Cùng dự còn có lãnh đạo cũ của Khu ủy 5, Ban dân y Khu 5, cán bộ Bệnh viện 1 và 2, cán bộ lãnh đạo Đảng và Chính quyền huyện Trà My, có cả nhà văn Nguyên Ngọc và Anh Phạm Phát nguyên là Giám đốc ngành Giáo dục tỉnh, vừa là bạn của chúng tôi và bạn của một số anh chị em đã hy sinh. Thôi thì cũng đã có chỗ để chúng tôi thắp nén hương cho các đồng nghiệp đã hy sinh, mà trước đây trong những lần về thăm lại đồng bào Trà My, chúng tôi đã phải thắp hương, khấn vái giữa rừng trong vùng nước Pui...        

Tôi muốn viết về hai đội sản xuất và đánh cá chuyên nghiệp của Bệnh viện. Tiểu đội sản xuất do em Lưỡng phụ trách. Địa điểm sản xuất cũng phải di chuyển nhiều nơi. Tôi nhớ nhất là khi tiểu đội ở vùng núi Tu Lung. Lúc này địch nhảy dù khắp mọi nơi trên căn cứ của ta. Lệnh của chúng tôi đưa ra là tiểu đội không ai được bắn trước địch. Phải trốn địch mà sản xuất để nuôi đơn vị. Sau Xuân Mậu Thân chúng tôi quá đói. Thức ăn chính là củ nưa. Có khi địch đổ quân kề sát rẫy của bệnh viện. Lúa đã chín, để quá ngày lúa sẽ rụng hết, mất nhiều thì lấy gì mà nuôi đơn vị? Anh em phải tuốt lúa ban đêm, có khi ban ngày. Tay đau, rộp lên như phải bỏng. Quấn băng lại mà suốt lúa, tuy năng suất có giảm đi nhưng còn hơn để lúa rụng! Nhờ sự hy sinh tận tụy của tiểu đội sản xuất chúng tôi đã no đủ hơn, hạnh phúc hơn, vui cười hơn và dĩ nhiên là công việc tốt hơn.

Đội đánh cá chuyên nghiệp có hai người: Anh Quyền và Anh Đông. Cả hai anh đều quê ở Bình Sơn Quảng Ngãi. Tôi có gặp được vợ chồng anh Quyền nhiều lần khi anh chị còn công tác ở Bệnh viện C Đà Nẵng. Chị cũng công tác ở Bệnh viện 1 của chúng tôi. Tôi chưa hề được gặp lại Anh Đông sau khi hết chiến tranh. Không biết bây giờ anh sống ra sao?

Anh Quyền đã chết trong năm 2004 vì ung thư dạ dày. Nguyên nhân gì? Ai biết được chính xác bây giờ?

Trong một đêm tôi đi công tác về đến bờ sông Tranh, đối diện với nơi chúng tôi có Phòng khám bệnh và đội đánh cá ở đó. Chúng tôi đã có quy ước rõ ngày về, đúng hẹn, tôi sẽ hú gọi và các anh sẽ cho thuyền sang sông đón tôi về cơ quan nghỉ đêm để mai sẽ đi tiếp về bệnh viện. Đêm đó mưa to và trời đầy gió. Tôi đứng trên tảng đá to như vẫn đứng mỗi lần khi đi xa về. Tôi hú, gào to.Trời sập tối rất nhanh. Tôi gào to kéo dài và cuối cùng là khóc một mình trên tảng đá ngoài rừng sâu đó trên con đường mòn heo hút. Hy vọng được ăn chút cơm nóng với chút cá các anh dành cho rồi ngủ đêm đó bên bếp lửa sưởi để lấy lại sức cho cuộc đi ngày sau đã tắt ngấm. Tôi hoảng sợ. Đã có con trâu được mua dưới đồng bằng về đến đây tối quá không dắt được qua sông, anh em tiếp liệu đã cột trâu cũng đúng ở chỗ này để sang nhà mình ngủ và nghĩ rằng sáng mai sẽ sang đưa trâu về. Cọp đã ăn con trâu đó trong đêm. Tôi hoảng sợ quá. Không ai có thể bơi qua sông như thế huống chi là tôi, người không biết bơi. Tôi khóc một mình, khóc to, gào thảm thiết. Rồi ngồi thu lu trên tảng đá, trùm nilông đi mưa kín từ đầu đến chân và nghĩ đến con cọp. Tôi nhớ chồng con mình và nếu chết thì ai biết vào đâu lại tưởng tôi đã bị chiêu hồi theo địch. Tôi ngồi suốt một đêm mưa to gió lớn trong rừng sâu. Mờ sáng ra, trời lặng gió. Tôi lại gào, lại hú. Chiếc thuyền được tháo khỏi gốc cây và hai anh chèo sang. Tôi ôm chầm lấy anh Quyền khóc như cha chết. Lỗi là tại tôi ngu. Trời gió, theo chiều dòng nước sông chảy, đáng ra tôi phải đứng ngược trên tảng đá ít chục mét gào thì các anh mới nghe được. Tiếng gào đêm trước của tôi đã xuôi về phía dưới đơn vị tôi, hai anh trông đợi tôi mà không thể nghe được. Họ nghĩ rằng tôi đã về trễ! Tôi cứ tủi thân khóc, không giữ thể diện thủ trưởng đơn vị nữa. Họ an ủi không dễ. Tôi quá mệt và quyết định nghỉ thêm một ngày trước khi về cơ quan.

Ngày sau nữa đó tôi lại lủi thủi một mình trên con đường mòn trong rừng

sâu đi về. Có biết bao nguyên nhân làm

anh chị em chết trên đường đi công tác

thế này?

Đúng là số tôi chưa chết. Cũng nhiều lần bị lạc đường phải ngủ lại bên bờ suối hay bên sông Tranh. Tôi đã nhiều lần

đi lạc đường, phải qua đêm một mình giữa rừng...

Bệnh viện 1 có tiếng là nuôi bệnh nhân tốt. Mỗi bệnh nhân một ngày được ăn một lon gạo rẫy có sắn ghế thêm, có rau rừng, đôi khi có tí cá muối hay mắm cái, đôi khi có tí sữa, chè ngọt nấu đường mật, họa hoằn có tí thịt rừng. Thôi thì chúng tôi đổi tất cả thứ gì có cho đồng bào dân tộc để lấy ít lon gạo, sắn, ngô, hay may lắm con gà con để ăn thêm, Ban đêm bên những đống lửa sưởi ấm mà các em hộ lý, y tá đi bắt ốc đá dưới suối, rùa đá trong khe núi, kỳ nhông, ổ chuột con mới nở để nướng, bắt nhái dưới suối khi có dịp... Chúng tôi tự cải thiện để nâng cao sức khỏe cùng với chút ít khả năng của bệnh viện.

Bệnh nhân cũng giúp chúng tôi trong việc phục vụ bệnh nhân nặng: Họ phát thuốc, cho bệnh nhân ăn, thay áo quần cho những người ốm nặng hơn mình. Có lần cả bệnh viện bị ngộ độc nấm, chính họ báo về Ban Dân y Khu 5 để Ban bổ sung bác sĩ của Ban về giúp chúng tôi. Họ dọn các bãi nôn mửa của chúng tôi, pha nước đường, muối cho chúng tôi uống. Thật là may mắn, chúng tôi đều qua được, không như hai anh bên đội tuồng Khu 5 phải chết khi ngộ độc nấm vì quá nặng. Các bệnh nhân sau khi hồi phục sức khỏe hơn đã tham gia đi hái rau rừng giúp chị nuôi để nấu cho chính họ ăn.

Có bệnh nhân đôi lúc dạy chúng tôi học tiếng Anh như bác Hồ An (cán bộ Mặt trận - nhân sĩ yêu nước từ dưới thành phố lên) hay anh Nguyễn Đấu (hàng binh Mỹ, lấy tên Việt). Nhưng cũng chỉ có một đôi người học, vì biết bao giờ dùng đến nó? Dẫu thế tôi vẫn cứ cóp nhặt từng lúc rảnh, tế nhị để bệnh nhân không mệt trong ít ngày được nghỉ ngơi.

Khi Bệnh viện 1 có lệnh rời địa điểm truyền xuống từ Khu ủy và từ Ban dân y. Lúc này Ban Giám đốc Bệnh viện hoạt động như Ban chỉ huy thời chiến, họp khẩn cấp. Chúng tôi chia làm 3 bộ phận: Tôi là Giám đốc phải đi trước tiên đến địa điểm mới cùng với một tiểu đội cán bộ có sức khỏe và đa năng. Chúng tôi phải bám sát Khu ủy. Cùng giúp chúng tôi có D l0. Anh Quý, Phó Giám đốc sẽ đi đến địa điểm trung chuyển là bệnh viện dã chiến. Lương thực, thực phẩm và bệnh nhân nặng được chuyển về đây, có dân công giúp sức. Bệnh viện phải đảm bảo được hoạt động ở đây dù là một hai tháng hay một tuần. Bệnh nhân khỏi bệnh cho ra viện non, còn nhẹ hơn thì do cán bộ dẫn đi đến địa điểm trung chuyển. Bác sĩ Biền, bí thư chi bộ thì ở tại đơn vị (chỗ đang đóng cơ quan cùng với một tiểu đội thanh niên) lo đóng gói mọi tài sản của bệnh viện để sẵn sàng cho chuyển về trạm trung chuyển. Bác sĩ lo cho anh chị em đóng hàng vào gùi sẵn để dân công đến là họ quàng vào người và chạy. Họ không mang nặng như chúng tôi, mang nhẹ nhưng đi rất nhanh và có thể đi liên tiếp nhiều chuyến trong nhiều ngày. Đi già một buổi rồi về trong ngày để tối là ở nhà mình. Có nhiều lần di dời cơ quan, nhưng chúng tôi đem đi được tất cả: từ cây đũa cả cho chị nuôi nấu cơm đến con mèo bắt chuột, không để mất thứ gì. Ngay cả khi trong hai tháng của năm 1971 phải di chuyển bảy lần mà có lần địch chỉ cách chúng tôi có vài trăm mét đường rừng. Địch bò vào tận núi sâu, chúng di chuyển rất chậm, đủ thì giờ cho chúng tôi di chuyển, thời gian phải di chuyển thực sự vất vả, lâu dài là từ trạm trung chuyển về địa điểm chính thức. Chúng tôi phải tự lo là chính. Lực lượng chi viện ít đi vì không phải gấp rút. Anh em lính D10 đã làm xong cơ sở điều trị và chúng tôi cũng đã xong được vài ba nhà ở lúc đầu cho cán bộ là chuyển bệnh nhân và của cải về. Thường phải hàng tháng mới lo xong, trừ hai tháng năm 1971 phải di chuyển luôn, chúng tôi không kịp gì cả và để luôn trạm trung chuyển một chỗ nếu còn cho phép và chúng tôi lại chạy đi xây bệnh viện ở chỗ mới.

Cứ như thế, chúng tôi không biết gì hơn là lo hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đội tiếp liệu vẫn phải vận chuyển hàng về để nuôi bệnh nhân và đơn vị vì không phải cứ dễ dàng ăn vào số dự trữ để di chuyển được nhẹ hơn. Tôi không biết các cơ quan khác di chuyển thì có vất vả như chúng tôi không, tôi nghĩ rằng đa số cơ quan có thể nhẹ nhàng hơn, vì không có người ốm ngoài người của cơ quan mình, lại không có kho dự trữ lắm thứ như của chúng tôi. Có lần đỡ đẻ, mổ đẻ trên đường di chuyển... Thật là gian nan vô cùng.

Cuộc sống nội bộ (quan hệ giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên và nhân viên cán bộ chưa vào Đảng như thế nào?).

Với người Việt Nam, đặc biệt vào thời gian chiến tranh, Đảng là cao nhất, là tượng trưng cho các phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Ai cũng lấy mục tiêu phấn đấu của mình là trở thành đảng viên của Đảng.

Người còn ở ngoài Đảng thì tuyệt đối tuân theo ý muốn hay ý kiến của đảng viên, dù có lúc chưa đúng. Không thể khác vì đó là bản năng bảo vệ sự sống còn, sự tăng tiến của con người bên cạnh nhiệm vụ chính trị của toàn dân là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày ấy ý kiến của Chi bộ rất mạnh. Lúc ấy cách đây hơn 30 năm, có lần bác sĩ Phạm Phú Quý đau ốm vì bị rắn lục cắn đứt cả gân cơ gấp bàn chân, lỗ đứt sâu hoắm. Anh không thể đi Tu Lung để lội bùn làm ruộng lúa nước. Anh trực chuyên môn và hết chuyên môn thì anh đánh các tấm lá mây để lợp nhà. Tôi không được đi sản xuất vì lúc này địch càn liên tục, phải thường trực ở nhà. Lúc bấy giờ chi bộ đang làm việc xếp loại đảng viên. Ba bốn đêm liền họp đến 2-3 giờ sáng, bí thư chi bộ giải thích cho chi bộ nhất trí rằng bác sĩ Quý thuộc loại đảng viên xấu vì không tham gia sản xuất! Tôi suy nghĩ lung lắm. Tôi chắc đây là cú đánh nặng nhất với anh Quý. Bây giờ ở dưới suối vàng, chắc anh đã buồn cười cho cái thời chúng ta còn mông muội đó. Tôi nhớ như in hình ảnh cao nghều của anh ngồi đánh tranh mây ngoài thời gian làm chuyên môn, trong thời gian bị rắn cắn này: người phù, vàng vọt, hút thuốc bập bùng. Tôi rất thương anh, nhưng biết gỡ thế nào đây? Tôi biết từ bé dòng họ của anh ở Quảng Nam là dòng họ lớn, dòng họ trí thức, quan lại yêu nước. Đó là một dòng họ rất đáng kính trọng. Anh là người tự trọng thì làm sao chịu nổi chuyện này. Vợ anh, một nhà giáo mẫu mực thỉnh thoảng chúng tôi được xem thư chị gửi vào cho anh: một bức thư sau ngày tháng, tên thành phố Hà Nội là một gạch thẳng từ lề bên này sang lề bên kia của trang giấy rồi mới viết cho chồng. Anh hiền lành chia sẻ nỗi vui sướng cao nhất đó với mọi người đói khát hạnh phúc riêng tư!

Một đêm trong khi đang ngủ, (chúng tôi thường treo võng xung quanh bếp lửa sưởi rất to để chống rét rừng Trường Sơn) quảng 2 - 3 giờ sáng gì đó anh Quý gọi tôi dậy. Tôi rất buồn ngủ nhưng cũng phải dậy vì không hiểu đã xảy ra chuyện cấp cứu bệnh nhân gì. Đêm rất yên tĩnh làm tôi lo lắng và sau ít giây im lặng anh

nói nhỏ:

- Chị làm giấy tờ cho tôi đi Bắc chữa bệnh, ở đây khổ quá về tinh thần!

- Tôi hiểu lắm, đang nghĩ ra cách gỡ cho anh!     

Bấy giờ mà đi Bắc với cụm từ “đảng viên xấu” thì sao được. Chị và cháu Tú sẽ nghĩ thế nào về anh? Họ sẽ vô cùng thất vọng! Tôi đã nghĩ rằng ngày mai tôi sẽ đi sang Đảng ủy Ban dân y Khu, cách một ngày đường rừng, để trình bày cho anh. Tuy chi bộ gần như nhất trí, tôi và anh là thiểu số nhưng tôi tin ý kiến của tôi về anh là đúng.

Hôm sau tôi chống gậy đi một mình sang Ban dân y Khu 5 trình bày thành thật và kể cả những nhận xét về phẩm chất con người anh cho ban lãnh đạo biết. Lúc bấy giờ tôi đề xuất luôn là xin cấp trên đề cử anh là Phó Giám đốc bệnh viện giúp tôi.

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình đã hành động đúng.

Tháng 4 năm 1972 tôi rời miền Trung và Bệnh viện l. Còn hai đời giám đốc nữa mới đến ngày giải phóng miền Nam.

Cuộc gặp mặt của anh chị em Bệnh viện 1 cũ. Bác sĩ Xân có mời cả cán bộ của Bệnh viện 2 và cán bộ lãnh đạo Khu ủy cũng như Ban dân y Khu cũ. Nước mắt vui mừng khi gặp lại nhau trong ít ngày. Các em đã có gia đình riêng và đại đa số đều nghèo. Hầu hết đều bị giảm biên chế vì không đáp ứng được nhiệm vụ hiện thời. Đồng lương hưu quá thấp. Lại sống như ngày trước khi tham gia cách mạng. Họ làm ruộng, đi lấy củi trên núi về bán, làm thuê, làm đổi công, nhưng sức khỏe yếu nên đồng tiền kiếm ra thật quá ít ỏi.       

Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại những năm tháng đó, tôi và các bạn cùng một thời tại miền rừng núi âm u phía tây Quảng Nam, chúng tôi vẫn rất xúc động và tự hào. Bao nhiêu kỷ niệm tràn ngập trong tâm trí tôi, nhiều buồn hơn là vui. Những kỷ niệm này có lúc nặng nên chìm sâu dần vào tận tâm can con người, như một tảng đá nặng quăng vào hồ nước, rồi tĩnh lặng dần qua các cơn sóng lớn, nhỏ kéo dài... Sau khi nhắc qua việc lo tổ chức cho cuộc họp mặt, tôi và vợ chồng anh Xân bàn về nỗi đau da cam. Chính anh chị cũng là nạn nhân da cam. Họ có con trai bị dị tật bẩm sinh và đã được Ủy ban 10.80 giới thiệu đi phẫu thuật ở Đức. Cháu đã học xong đại học và hiện đang học sau Đại học tại Đức. May mắn thật!

Anh chị đều mong muốn tôi tham gia cùng vụ kiện các hãng hóa chất Mỹ sản xuất chất độc hóa học cho quân đội Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam. Anh nói thêm, giá như mỗi vị lãnh đạo Đảng và nhà nước bằng tiền riêng của mình chia sẻ cùng các em một số tiền để các em có một sổ tiết kiệm thì hạnh phúc biết bao! Với số tiền này có em sẽ học được một nghề kiếm sống hoặc chỉ để duy trì cuộc sống cho đến một ngày nào đó sẽ có người giúp sức tiếp.

Đề xuất trên thật là nhân hậu và cảm động.

P.T.P.P

Bài viết khác cùng số

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi PhiNgười sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng VănBán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long VânHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhMèo và trăng xanh - Trần Trung SángNhững âm thanh bên bờ sông lấp - Nguyễn Nhã TiênCơn khát tình yêu uống cạn mặt trời - Nguyễn Kim HuyKhông tình cờ - Nguyễn Minh HùngMột thoáng Sơn Trà - Kim Quốc HoaPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhNếu xứ sở dân ca không thấy biển? - Nguyễn Việt ChiếnMắt bão - Mỹ HạnhHuyền thoại sông Hàn - Võ Kim LiênAi chở mùa tôi đi xa... - Thu ThủyMùa thu giấu em điều gì? - Dương Ánh MinhĐếm tuổi - Thiều HạnhSợi bạc - Võ Kim NgânBên sông Hàn - Hoài KhánhVề Ngũ Hành Sơn - Lê Xuân CừBất ngờ một tập thơ tứ tuyệt - Vương TrọngNhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị TrangKý sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ BìnhTần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn HoaChuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền TrangNSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy TrangNhững ký họa gợi lại ký ức - Thanh QuếHà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên TháiQuảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng