Chuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền Trang

02.10.2019

Chuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền Trang

Ngày cuối mùa hè, gió sông Hàn thổi vi vu man mát. Tôi ngồi nhìn bên kia bờ sông chảy, với những tán lá vàng rơi, dập dìu ủ từng cung điệu. Chúng tôi những người bạn văn, mãi trò chuyện văn chương, hội họa. Bỗng tức thời bàn về tranh họa sĩ Duy Ninh. Bởi đã gần 30 năm, kể từ khi triển lãm của anh năm 1991. Nay, anh bất ngờ tổ chức triển lãm tại Đà Nẵng, từ ngày 28/8 đến 4/9/2019, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của anh, tên gọi chính danh: “Tranh Duy Ninh”, với 52 tác phẩm chất liệu phong phú như: sơn dầu, acrylic, tổng hợp, dán giấy,và ấn tượng đặc biệt là thủ ấn họa. Riêng với 30 bức thủ ấn họa, đã thể hiện lối pha tấu tung hứng tràn đầy ma mị. Xem tranh càng muốn ngẫm nghĩ. Tôi lại chợt nhớ đến họa sĩ Tú Duyên trong làng hội họa Việt Nam, vì ngoài Tú Duyên lúc sinh thời, ông vẽ hẳn bộ Truyện Kiều mộc bản in, khắc vẽ trên lụa, sau khi ông mất thủ ấn họa dường như đã biến mất, nếu có chỉ vài họa sĩ sáng tác, không đáng kể.

Ngày khai mạc, người đến xem tranh Duy Ninh, vẫn hay dừng lại dòng tranh thủ ấn họa (Monoprinting). Họ cảm giác tò mò bởi hình hài ảo ảnh lạ, do cách tạo ra từ kiểu in độc bản, sử dụng nhiều tố chất nền tương tác, in bản thạch, khắc gỗ, khắc trên kẽm. Theo tài liệu mỹ thuật thì nghệ thuật thủ ấn họa, là tác phẩm từ chuyển mực quét lên in bồi sang giấy, vải hoặc bề mặt khác, để cuối cùng, họa sĩ giữ lại họa phẩm đạt thẩm mỹ cao. Ở trong tranh Duy Ninh, cho thấy kỹ thuật hiệu ứng màu khá dày công phu, phân chia nhiều lớp chồng chéo bí ẩn, cộng thêm nét vẽ phụ họa mềm mài cá tính tài hoa.

Càng  nhìn tranh anh lại loay hoay, bị tò mò thủ pháp của anh, cái tên Duy Ninh lạc về đâu đó kỳ bí dòng thời gian. Tôi lại khám phá thế giới hội họa ly kỳ, về thủ ấn họa. Nó xuất hiện khi nào? Ai là người sáng tạo ra? Thì người ta nói rằng, có một họa sĩ người Hà Lan tên Hercules Seghers (1589 -1638). Ông là nghệ sĩ nổi tiếng khai phá phương pháp này, in độc bản, kết hợp thủ pháp đã nói trên. Vì in độc bản thời kỳ đó, thực sự không phổ biến do độ phức tạp, kỹ năng chất liệu đa dạng. Mãi đến năm 1860, xuất hiện họa sĩ người Anh tên Edgar Degas, tiếp nối thổi linh hồn thủ ấn họa sống lại. Họa sĩ Degas sử dụng tấm vải vụn, thậm chí ngón tay của chính mình, bôi sơn lên trên bề mặt khác, nhằm tạo ra các bản in độc bản vô cùng độc đáo. Đến thế kỷ 19, thời kỳ rực rỡ của in độc bản, đưa tranh thủ ấn họa nở rộ nhờ tài năng và sáng tạo các họa sĩ tên tuổi như: Paul Gauguin, Camille Pisarro. Maurice Prendergast, Pierre Bonard, Pablo Picasso...

Từ đó, thủ ấn họa không còn mới lạ, ở Việt Nam nổi tiếng tranh khắc in mộc bản Đông Hồ, Hàng Trống, là cách tiếp cận ra đời thủ ấn họa. Có lẽ tiếp cận để vẽ thì họa sĩ đương đại nào cũng sáng tạo. Nhưng, theo nó đi đến bút lực quả là đếm đầu ngón tay, Duy Ninh một trong số họa sĩ nổi bật đã miệt mài tìm kiếm.

Một triển lãm mang tính cá nhân, Duy Ninh ấn tượng cho người xem khám phá thế giới vô cùng. Mỗi bức tranh anh đều tự sự nỗi niềm riêng, nhẹ nhõm đến sửng sốt, từng cung bậc sắc màu tinh tế, ánh sáng trong tranh như tầng mây đen trắng, giữa bầu trời giông bão, toát lên tính cách gần gũi, sâu lắng và giản dị, thắp lên câu chuyện đời thường, chúng vừa có nội tâm sâu thẳm về con người.

Nhìn tranh Duy Ninh, khó lẫn cùng ai, do lối vẽ cách pha màu, đặt chủ đề, biến tấu sắc màu độc đáo, từng tên tranh thơ mộng gắn kết với hình vẽ sâu lắng, thở ra nỗi đau con người và chiến tranh, dấu kín mối ưu tư qua ánh trăng trên phố cổ, nụ hôn tình yêu của Huế, thoáng lên sự phản kháng giữa xã hội trong thân phận. Dường như, Duy Ninh tung hứng đường nét ngẫu nhiên, từng thời điểm bố cục thay đổi một cách tinh tế, phong phú qua kỹ năng chạm khắc, khai phá thủ pháp chính mình.

Tôi xem tranh anh, bị cuốn hút đi lạc vào cõi sâu lắng, sự tĩnh mịch vô cùng, đôi khi lại vỡ òa màu đỏ chói của ngọn lửa thiêng, dòng máu rực rỡ chảy mạnh mẽ vô biên. Vẫn bị ám ảnh cái xanh lạnh một mùa đông rét buốt, pha gam màu nóng ấm rực rỡ giữa mùa hè. Hầu như, mỗi tác phẩm của Duy Ninh khi an tĩnh đến hư vô, khi bị vỡ òa tung xé, tất cả khiến cho người xem hứng thú, chiêm nghiệm nhiều tầng cảm xúc khác nhau. Chúng hòa nguyện chữ “thương” ẩn hiện giữa nhân gian, tiếng nói quê hương, giấc mơ trôi, ám ảnh mảnh trăng đầu mùa, hoài cổ thân phận người đàn bà tận cùng tâm thức.

Trở lại thập niên 90, rất nhiều người trong giới nghiên cứu văn hóa nghệ thuật đã bày tỏ, sự khác biệt về thủ ấn họa của Duy Ninh. Nhà điêu khắc gia Trương Đình Quế, người sinh ra Đà Nẵng, một nghệ sĩ đầu đàn trước 1975, đã có đôi câu thân tình trong triển lãm của anh tại Sài Gòn “Với Duy Ninh đến Sài Gòn. Chất liệu ngôn từ lạ. Sắc màu rung cảm nhanh. Thể tài, nội dung kỳ thú.”

Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, đã lưu dấu lại một thủ bút quý giá, trong tập lưu bút, của nhà thơ Đông Trình, là người cha anh, viết trước khi họa sĩ Duy Ninh đem tranh đi triển lãm Sài Gòn, lời tâm sự biết bao kỷ niệm hân hoan và chân tình: “Hơi thở, nắng ấm và màu xanh lá cây. Sáng nay, Duy Ninh mời anh em đến nhà chơi trước khi mang tranh đi thành phố. Tôi đếm có hơn ba mươi người. Ba mươi hơi thở. Ba mươi nồng ấm. Ba mươi màu xanh lá cây. Đó là chữ của ông họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

 Hơi thở, nắng ấm và màu xanh lá cây... Ông gọi là cái tận thiên tận mỹ của trời đất mà người vẽ, người làm nặn, người nghệ sĩ nói chung phải đem bày ra cho trẻ con. Tại sao chỉ bày ra cho trẻ con? Ông già thật đáng sợ.

Duy Ninh, tôi nghĩ: Con đường chung thì bế tắc. Con đường riêng thì khổ nạn. Ninh vẫn chọn con đường khổ nhọc và khổ nhục nữa cho tranh mình. Biết làm sao khác, sao hơn, khi ta đã chọn cái mình phải chọn. Đi trên con đường này, ta gánh trên vai cái gánh chung của Con người. Đường riêng và gánh chung. Đó là bi kịch, nghệ thuật là bi kịch, có gì khác đâu.”

Một cái đẹp với tâm hồn quyến rũ, tranh anh luôn tạo một dấu ấn lạ. Kể từ khi chọn con đường vô cùng gian khổ. Với những vườn tranh trưng bày, đạo diễn, nhà thơ Đoàn Huy Giao chỉ viết: “Đẹp. Đẹp quá” Ký tên Giao. Hình như là vẽ cái đẹp ấy - không còn gì có thể tả hết, phải nhường chỗ cho cảm xúc lên ngôi.

Xem tranh Duy Ninh tôi hình dung anh là họa sĩ hiền hòa, tinh tế đến tận cùng. Đó chính là bản hòa tâm thức vang vọng mãi, khi tôi xem đếm bức tranh cuối cùng. Tiếng vọng âm khơi tâm thức và ký ức - người xa lạ được thưởng ngoạn. Là tôi thương quý vô cùng.

 

BOX

Họa sĩ Nguyễn Duy Ninh sinh năm 1951 tại Phú Hòa, thành phố Huế. Hiện anh đang sinh sống, làm việc và sáng tác tại Đà Nẵng.

Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Duy Ninh tổ chức 5 cuộc triển lãm tại Việt Nam từ 1980 đến 2015. Và lần đầu tiên triển lãm cá nhân, tổ chức vào năm 1989 tại Đà Nẵng.

Tranh Duy Ninh đã đạt được nhiều giải thưởng về hội họa như: Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 - 1995, Bằng khen của Phillio Morris tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam Asean - 1996, Giải thưởng Mỹ thuật, Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2000, Huy chương Đồng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2005 - 2010), Giải Nhì Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 3 (2010 - 2014).

H.T

Bài viết khác cùng số

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi PhiNgười sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng VănBán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long VânHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhMèo và trăng xanh - Trần Trung SángNhững âm thanh bên bờ sông lấp - Nguyễn Nhã TiênCơn khát tình yêu uống cạn mặt trời - Nguyễn Kim HuyKhông tình cờ - Nguyễn Minh HùngMột thoáng Sơn Trà - Kim Quốc HoaPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhNếu xứ sở dân ca không thấy biển? - Nguyễn Việt ChiếnMắt bão - Mỹ HạnhHuyền thoại sông Hàn - Võ Kim LiênAi chở mùa tôi đi xa... - Thu ThủyMùa thu giấu em điều gì? - Dương Ánh MinhĐếm tuổi - Thiều HạnhSợi bạc - Võ Kim NgânBên sông Hàn - Hoài KhánhVề Ngũ Hành Sơn - Lê Xuân CừBất ngờ một tập thơ tứ tuyệt - Vương TrọngNhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị TrangKý sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ BìnhTần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn HoaChuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền TrangNSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy TrangNhững ký họa gợi lại ký ức - Thanh QuếHà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên TháiQuảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng