NSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy Trang
NSND Lê Huân sinh năm 1944, tại vùng đất Sơn Tây, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khóa biên đạo đầu tiên của Trường múa Việt Nam (1959 - 1964), ông được giữ lại trường làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Năm 1968, khi vừa tròn 24 tuổi, ông tình nguyện vào chiến trường Khu 5 xây dựng Đoàn Văn công Giải phóng miền Trung Trung bộ. Cho đến tận bây giờ, khi tuổi đã ngoài bảy mươi nhưng NSND Lê Huân vẫn không ngừng sáng tạo.
Là biên đạo có hơn 50 năm trong nghề, NSND Lê Huân đã từng dàn dựng hàng trăm tác phẩm hát múa cho sân khấu ca - múa - nhạc cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Nhưng có lẽ buổi biểu diễn mà ông nhớ nhất chính là điệu múa “Người nông trường viên và con bê nhỏ” phục vụ Đại hội anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 tại Thủ đô Hà Nội. Đó là thời điểm tháng 12 năm 1965 khi giặc Mỹ đổ quân chiến đấu trực tiếp vào miền Nam và tăng cường máy bay đánh phá miền Bắc. Đặc biệt, đây cũng là tác phẩm đầu tay của ông viết về đề tài anh hùng trong chiến đấu, sản xuất. Tác phẩm kể về anh hùng lao động Hồ Giáo1 (quê hương Quảng Ngãi) công tác trong ngành chăn nuôi ở nông trường Ba Vì (Tây Sơn). Ông quan niệm rằng để xây dựng một tiết mục nghệ thuật biểu diễn trước hết phải xác định nội dung tư tưởng: nói cái gì, diễn cho ai xem và hướng tới phục vụ cho sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu đẹp. Ông dựa vào thực tế, sáng tạo ra câu chuyện kể bằng ngôn ngữ múa tình tiết, lôi cuốn người xem với nội dung trong một đêm đông giá rét, con bê nhỏ của nông trường đi lạc. Người nông trường viên thắp đuốc đi tìm, sau bao gian nan, anh tìm thấy con bê nhỏ kiệt sức gục ngã trên cánh đồng, anh đã tìm mọi cách ủ ấm cho chú bê bằng cả tình thương yêu đã giúp cho chú bê nhỏ dần dần hồi sức trở lại. Tiết mục múa “Người nông trường viên và con bê nhỏ” được khán giả vỗ tay nhiệt liệt, đặc biệt là lời khen không ngớt từ anh hùng Hồ Giáo “Hay lắm! Cảm động lắm!”.
Đối với NSND Lê Huân, năm tháng đẹp nhất của cuộc đời ông chính là tham gia đoàn Văn công Giải phóng miền Trung Trung bộ, được mang những điệu múa tâm huyết ra chiến trường phục vụ nơi tiền tuyến. Đó là những cuộc hành quân không mệt mỏi, bất chấp mưa bom bão đạn khốc liệt của kẻ thù. Bởi ông biết đối với những người lính sự xuất hiện của Đoàn Văn công luôn là nguồn cổ vũ tinh thần vô cùng lớn lao. Khi mới vào chiến trường được hai tháng, ông đã cho ra đời tác phẩm múa “Người anh hùng trên bãi cát Kỳ Anh”, do nhạc sĩ Phạm Tân (Nam Hồng) viết nhạc. Điệu múa kể về anh hùng liệt sĩ Đồng Phước Huyến2, trong cuộc chiến đấu với xe tăng giặc Mỹ trên bãi cát Kỳ Anh (Tam Kỳ - Quảng Nam). Tác phẩm không chỉ nêu cao tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà xét ở góc độ nghệ thuật đã có những đóng góp tài tình trong việc xây dựng và khắc họa nhân vật anh hùng Đồng Phước Huyến với những tình tiết dẫn dắt dễ hiểu lôi cuốn người xem, nâng cao tinh thần chiến đấu hy sinh vì ngày mai chiến thắng.
Năm 1969, trong một lần đi thực tế, ông bắt gặp một chiến sĩ nuôi quân, rất khao khát được trở về đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Từ thực tế đó, ông đã sáng tác điệu múa hài mang tên “Anh nuôi say súng”. Điệu múa do nữ NSƯT Minh Vân đóng giả trai, vào vai anh lính trẻ xạ thủ B40 và nghệ sĩ Thế Hiển đóng vai nhân vật anh nuôi. Nhờ khả năng biểu diễn xuất sắc của hai diễn viên và điệu nhạc dí dỏm, vui tươi của nhạc sĩ Nam Hồng mà tiết mục múa “Anh nuôi say súng” đã mang lại cho khán giả những tiếng cười vui nhộn, đầy sảng khoái. Điệu múa không sử dụng quá nhiều kĩ xảo, chỉ bằng mấy động tác có tính kịch hài và một vài động tác múa dân gian dân tộc tạo thành ngôn ngữ múa nhân vật. Vậy mà, đoàn Văn công đi đến bất cứ đơn vị nào, từ thủ trưởng cho đến chiến sĩ đều yêu cầu được xem lại và buổi biểu diễn nào cũng nhận được tiếng vỗ tay và lời khen không ngớt.
Một lần, ông về thăm một đơn vị tại Sư đoàn 2 do Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Chơn chỉ huy và đau xót khi biết nhiều đồng đội đã hi sinh sau chiến dịch Quảng Trị. Ông không thể nào quên đi nỗi đau đớn khi nghe tin những người bạn cùng trang lứa đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Càng nhớ, ông lại càng khắc ghi nơi tiềm thức về sự tàn phá khốc liệt và nỗi đau thương, mất mát của cuộc chiến tranh. Nỗi day dứt dồn nén trở thành động lực thôi thúc ông sáng tác ra điệu múa “Mài sắc đường lê”. Tác phẩm được biểu diễn phục vụ Đại hội Chiến sĩ thi đua của quân khu năm 1972. Những tác phẩm do Lê Huân sáng tác đã được biểu diễn khắp các chiến trường, góp phần động viên cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của quân dân ta.
Khi chiến tranh biên giới Cam-pu-chia nổ ra, Lê Huân được Cục Chính trị Quân khu cử làm chuyên gia giúp bạn xây dựng Đoàn Ca múa tỉnh Stung Treng thủ phủ miền Đông Bắc. Tại đây, ông đã sáng tác vở kịch múa ngắn mang tên “Ăng Cor bất diệt”. Vở kịch múa đã phản ánh cuộc đấu tranh dũng cảm, kiên cường của nhân dân Cam-pu-chia chống lại bọn Pôn Pốt, có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã chiến thắng ách tàn bạo của bọn Khơ me đỏ.
Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục công tác tại đoàn Văn công quân Giải phóng miền Trung Trung bộ. Tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa - nghệ thuật của đất nước như: "Những người con dũng sĩ" (1975), kịch múa "Người và ác thú" (1978), “Người mũi trưởng”, “Gặp gỡ mùa xuân” , “Đàn goong”, thơ múa “Ngọn lửa Ba tơ” (1984 - tác phẩm đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và Giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Bộ Quốc phòng)... Đó là thành quả lao động đầy tâm huyết của ông sau rất nhiều năm miệt mài không biết mệt mỏi.
Năm 1990, NSND Lê Huân về nghỉ hưu nhưng dường như cái nghiệp múa đã ăn sâu vào trong máu thịt. Ông vẫn đam mê viết kịch bản, biên đạo, dàn dựng và tổng đạo diễn nhiều tiết mục múa cho thành phố Đà Nẵng, phục vụ chương trình biểu diễn của các cơ quan, đơn vị mỗi dịp có sự kiện hay kỷ niệm các ngày lễ lớn. Ông sáng tác ra nhiều vở kịch múa lớn có giá trị và mang tính nhân văn cao cả như: “Chí Phèo” (kịch bản được Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đánh giá cao và trao tặng Giải Nhì), kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn” (kịch bản được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật của thành phố 5 năm lần thứ nhất (2000 - 2005); Kịch bản kịch múa “Một thời và mãi mãi” (kịch bản được Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Giải thưởng của Bộ Quốc phòng và Giải thưởng về Văn học - Nghệ thuật 5 năm lần thứ hai của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng); Kịch bản tổ khúc thơ múa dài “Thăng Long - Hồ Chí Minh” (kịch bản được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Giải xuất sắc và được Nhà nước cấp kinh phí dàn dựng để biểu diễn phục vụ lễ kỷ niệm “Một 1000 năm Thăng Long”); Kịch múa lịch sử “Ngọn lửa Hồ Chí Minh” (kịch bản được Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam xếp loại A năm 2018)...
Chia sẻ về những hoạt động nghệ thuật mới nhất của mình, ông cho biết vừa sáng tác vở kịch múa dài mang tên “Người mẹ thành Điện Hải”. Đây là tác phẩm mang tính lịch sử, tái hiện và nêu cao truyền thống đi đầu chống thực dân Pháp của quân dân Đà Nẵng.
Ngoài việc biên đạo, sáng tác kịch bản múa, ông còn tham gia viết nghiên cứu phê bình nghệ thuật múa, xuất bản công trình sách “Một thể loại múa cách mạng mang bản sắc dân tộc”. Đây là cuốn sách thể hiện sự tâm huyết, đam mê với nghề múa và sự trân trọng đối với những người nghệ sĩ tài ba qua những tác phẩm kịch múa có nội dung về đề tài cách mạng.
NSND Lê Huân dành gần trọn cuộc đời để hoạt động nghệ thuật và đạt được nhiều giải thưởng cao quý. Giờ đây, khi đã bước qua ngưỡng tuổi 75, nhưng ông vẫn luôn nhớ về những năm tháng tham gia đoàn Văn công Giải phóng miền Trung Trung bộ, ban ngày biểu diễn cho đồng bào và bội đội xem, ban đêm lại hành quân sang đơn vị khác. Có hôm, đang diễn máy bay địch tới, bom đạn giặc dội xuống ầm ầm, đau xót khi chứng kiến bao chiến sĩ, bạn bè của mình đã ngã xuống nơi chiến trường ác liệt. Đó cũng là lí do, thôi thúc bản thân ông phải cống hiến nhiều hơn nữa, sáng tác ra nhiều tác phẩm múa tái hiện lại dòng chảy của chiến tranh nhằm giáo dục thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về phẩm chất cao quý của con người Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Với những cống hiến và đóng góp của mình, năm 1988 ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2007 ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Hy vọng bằng vốn kiến thức tích lũy của mình và lòng yêu nghề sâu sắc, NSND Lê Huân sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm mới, chất lượng ngày càng cao hơn.
H.T.T.T