Hà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên Thái

02.10.2019

Hà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên Thái

Tháng 2 năm 1970, tôi vào đến Quảng Nam sau ba tháng trèo đèo lội suối, vượt Trường Sơn. Năm ấy, đoàn chúng tôi ăn tết Nguyên Đán ở bên dòng sông Xê Ca Máng. Chúng tôi chia tay ở Trạm đầu mối, người thì ở lại Khu 5, người tiếp tục đi vào Khu 6, người vào chiến trường Nam Bộ, Đồng Tháp, Cà Mau...

Tôi được giao liên dẫn về Trạm ông No, ngay ở đầu nguồn sông Bui. Mọi thứ ở đây đều vô cùng lạ lẫm. Tên trạm là tên của ông Trưởng trạm nên cũng dễ nhớ, dễ nhập tâm. Có một anh nằm đánh võng tít mù, hát liên miên hết bài này đến bài khác, sau mới biết anh là Bác sĩ Phẩm của Ban Dân y Khu. Anh Phẩm quê Gia Lâm, vào đây cũng đã trên hai năm. Anh có sống mũi cao và gẫy như sống mũi của người Do Thái. Bác sĩ Phẩm bảo mình đi cõng gạo, gặp nước lụt nằm đây cả tuần, nên cứ phải nghêu ngao hát cho đỡ buồn. Tôi cũng phải nằm ở trạm tới vài ngày mới có anh Thông quản lý của Hội Văn nghệ Giải phóng ra đón về cơ quan.

Họa sĩ Hà Xuân Phong hồ hởi nắm tay tôi bảo: Mình biết tin Giang Nguyên Thái vào nên mấy ngày nay cứ ở nhà chờ cậu. Cơ quan Văn nghệ lúc này còn vắng lắm. Nhà thơ Vương Linh là Chủ tịch Hội. Nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Dương Hương Ly, nghệ sĩ múa Phương Anh, biên đạo múa Thanh Phước, Hiền Minh và mấy em trong tổ cấp dưỡng là còn ở Cơ quan chờ đón tôi vào. Các anh khác như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, họa sĩ Trần Việt Sơn thì đang đi công tác đồng bằng, các anh đi thâm nhập thực tế lấy tài liệu sáng tác tại các tỉnh trong Khu. Nơi chúng tôi ở là cạnh nóc bà Bốn, thuộc vùng căn cứ xã Giác, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Họa sĩ Hà Xuân Phong sinh năm 1942, quê ở vùng Mỹ Khê, Đà Nẵng. Anh học trước tôi một khóa. Từ những năm 1965, thầy trò Trường Mỹ thuật phải lên sơ tán ở xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Ngoài giờ học, anh Hà Xuân Phong còn tổ chức cắt tóc cho các thầy và anh em sơ tán. Tôi cứ nhớ mãi tiếng kéo lách cách vui tai của anh bên hàng rào làng Đõ, nơi chúng tôi sơ tán trong nhà dân. Sau này anh Phong kể lại duyên cớ anh vào học Trường Mỹ thuật. Hà Xuân Phong tập kết ra Bắc năm 1954, sau đó anh vào làm việc tại Cửa hàng Giao tế ở Hà Nội. Cửa hàng này chuyên phục vụ cho các vị cán bộ cấp cao thời đó. Anh làm ở bộ phận dịch vụ. Một lần nhà thơ Tố Hữu đến cắt tóc, ông thấy có tờ báo tường của Cửa hàng liền hỏi: Ai vẽ đây? Anh Phong thưa: Là cháu ạ - Thấy Phong có năng khiếu Hội họa, thế là ông Tố Hữu giới thiệu để Phong vào học Trung cấp, Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Sau anh lại được Trường cử đi học ở Học viện Hàn lâm Mỹ thuật Ki-ép, Liên Xô. Nhưng anh học chưa hết khóa thì phải về nước vì lúc đó Liên Xô đang có phong trào chống xét lại.

Họa sĩ Hà Xuân Phong vào Chiến trường Khu 5 trước tôi một năm. Vào sớm nhất là các họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, Phạm Hồng, Nguyễn Đức Hạnh. Sau đó là họa sĩ Hồng Chinh Hiền và Trần Việt Sơn.

Chiến trường Khu 5 lúc tôi vào (năm 1970) đang đói to, tôi đã học được biết bao công việc mới lạ từ việc chặt cây, đốt rẫy, tỉa ngô, gùi cõng đến những việc như vót mây, tết lá dong để lợp nhà, kiếm rau, kiếm măng rừng... tôi đều được làm và làm thành thạo, tất cả cũng nhờ có Hà Xuân Phong chỉ bảo rất tận tình.

Năm 1971, sau khi tôi cùng nhà thơ Phan Thanh Quế đi thực tế ở chiến trường Quảng Ngãi về, trong một lần đi khám ở Bệnh viện 2 của Ban Dân y Khu 5, tôi ghé vào Đoàn Tuồng chơi với anh Quang, anh Ân, anh Cựu, anh Nông và chị Viên, cô Nhường... chúng tôi đã ăn phải nấm độc. Buổi chiều hôm ấy, tôi bò về tới nhà thì bị sốt cao, nôn mửa dữ dội. Anh Hà Xuân Phong đi công tác về, thấy thế hỏi tôi: Mày có ăn nấm ở đoàn Tuồng không? Tôi đáp: Có. Anh kêu trời rồi hối thúc anh em chặt cây, anh cùng chú Doanh công vụ cáng tôi lên ngay Bệnh viện. May cho tôi và anh Nông, cô Nhường, ba người chỉ ăn có ít canh nấm, lại đến bệnh viện kịp thời và được bác sĩ Phó, bác sĩ Thái cùng các bác sĩ ở Bệnh viện 2 tận tình cứu chữa nên đã qua khỏi. Vụ này bên đoàn Tuồng Khu 5 mất anh Cựu (người đóng vai Thầy Đề trong vở tuồng kinh điển “Nghêu Sò Ốc Hến”) và anh Ân, nhạc công thổi kèn Sô-na.

Sang năm 1972, tôi và nhà văn Nay Nô đi chiến dịch Đắk Tô, Tân Cảnh ở Kon Tum, anh Hà Xuân Phong đi Phù Cát, Phù Mỹ tỉnh Bình Định, lần nào đi công tác về chúng tôi cũng giở ký họa cho nhau xem, Hà Xuân Phong có lối vẽ bằng nét đen, anh tả xa gần bằng màu nước cũng khá đẹp. Hà Xuân Phong bảo anh rất thích vẽ chân dung, nhất là chân dung các bà mẹ trong vùng giải phóng. Những bức ký họa về các bà mẹ du kích ở Hoài Nhơn, Tuy Phước được anh ghi lại chân thực, đẹp mắt và đầy sức sống. Khoảng tháng 8 năm 1972, Hà Xuân Phong cùng Nhà thơ Hoàng Hởi, họa sĩ Phạm Văn Vết và tôi làm được cái nhà gác 2 tầng ở Trà My. Phải nói là họa sĩ Hà Xuân Phong rất khéo tay. Tôi còn nhớ  Tết năm 1971, hồi cơ quan Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung bộ đang ở Nước Ngheo (nay thuộc xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam), anh Phong đã làm hẳn một cây “bích đào song thọ” bằng cây rừng và giấy hồng đào thật công phu và bắt mắt.

Ngôi nhà hai tầng cột chôn xuống đất, tất cả đều được buộc néo bằng dây mây và dây rừng, hoàn toàn không có mộng mẹo gì cả. Nhà gác cũng có cầu thang, ban công rất oách, sàn lát bằng những đoạn vầu đập dập, xung quanh thưng bằng phên nứa. Tầng trên là của tổ Mỹ thuật, cũng chỉ có anh Hà Xuân Phong, Triệu Khắc Lễ, Lê Khắc Cường, Đoàn Văn Nguyên và tôi (Giang Nguyên Thái). Tầng trệt là tổ Văn có các anh Phan Thanh Quế, Hoàng Hởi, Ngô Thế Oanh, Hoàng Sơn, Trần Thành, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Bá Thâm...  Còn các anh Nguyễn Khắc Phục, Dương Hương Ly và Đoàn Tử Diễn thì tự làm một cái lán nhỏ ở bên cạnh. Cả khu Căn cứ hồi đó cứ trầm trồ khen ngợi về ngôi nhà gác độc đáo và nổi tiếng này của họa sĩ Hà Xuân Phong.

Ấy vậy mà cũng có cái bất tiện: do chỉ làm bằng dây rừng néo buộc nên cột kèo tuy có vững chãi, chắc chắn nhưng nếu tầng trên đi lại nhiều thì mấy anh em treo võng nằm bên dưới lại kêu oai oái vì nhà cứ rung rinh quằn quại làm các anh ấy mất ngủ. Họa sĩ Triệu Khắc Lễ có sáng kiến cũng rất có giá trị. Anh chặt một cây nứa to bằng bắp tay, nối với nhau để làm thành một cái máng từ sát chỗ treo võng ra thẳng ngoài rừng, máng dài cả chục mét. Để sử dụng cái máng ấy, buổi tối và đêm khuya, anh em tổ Họa khỏi phải xuống nhà, chỉ việc bắc vòi là giải quyết được nỗi buồn cứng bụng!

Cuối năm 1972 tôi cùng hai nhà văn Nguyễn Khắc Phục và Hoàng Sơn đi công tác Quảng Đà, sáu tháng sau, khi tôi về thì họa sĩ Hà Xuân Phong đã được cử ra Bắc để chữa bệnh và triển lãm tranh.

Đến cuối 1974, tôi được ra Hà Nội. Giữa đường, nghe tin Hà Xuân Phong đã quay lại chiến trường nhưng thật tiếc, dọc đường chúng tôi không gặp được nhau.

Sau khi trở lại vùng sông Trà Nô, huyện Hiệp Đức, gần chỗ cầu Bà Huỳnh, Bà Xá, họa sĩ Hà Xuân Phong còn đi vẽ ở Chiến dịch Nông Sơn, Tiên Phước.

Con sông Trà Nô, nơi chúng tôi đóng quân, bình thường vốn hiền hòa êm ả, hàng ngày chúng tôi vẫn xắn quần lội qua để sang Văn Phòng Ban Tuyên Huấn ăn cơm, họp hành... nhưng cứ đến mùa nước lũ cuộn về, dòng sông bỗng trở nên hung dữ lạ thường. Năm ấy, vào một ngày cũng đang mùa lũ, họa sĩ Hà Xuân Phong yêu quí của chúng ta đã hy sinh trên dòng sông Trà Nô đầy kỷ niệm này. Sau Giải phóng 1975, anh chị em Văn nghệ sĩ Khu 5 đã đưa anh về nằm ở Nghĩa trang Hòa Hải, ngay gần núi Ngũ Hành Sơn.  

Tháng 3 năm 2015, được sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chỗ anh Ngô Hùng đã tạo điều kiện để chúng tôi tập hợp ký họa của các Họa sĩ Khu 5, in thành tập sách “Quảng Nam trong Ký họa thời Kháng chiến”. Họa sĩ Hà Xuân Phong cũng có khá nhiều tranh đẹp in trong tập sách này.

Vừa rồi, nhà điêu khắc Phạm Hồng đang ở Đà Nẵng gọi điện cho tôi nói là ngày 27 tháng 7 vừa qua Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong, đồng thời anh cho biết Bảo tàng mua hết tranh của Hà Xuân Phong. Thật là mừng vui khôn tả. Tôi viết bài này như một nén tâm hương để tưởng nhớ anh, một người anh, một người bạn vô cùng thân thiết của tôi.

Hà Xuân Phong ơi! Yên lòng anh nhé! Tranh của anh sẽ được Bảo tàng thay anh lưu giữ cẩn thận, còn bạn bè chiến khu xưa thì vẫn luôn nhớ đến anh. 

Hà Nội, tháng 7 năm 2019

G.N.T   

Bài viết khác cùng số

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi PhiNgười sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng VănBán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long VânHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhMèo và trăng xanh - Trần Trung SángNhững âm thanh bên bờ sông lấp - Nguyễn Nhã TiênCơn khát tình yêu uống cạn mặt trời - Nguyễn Kim HuyKhông tình cờ - Nguyễn Minh HùngMột thoáng Sơn Trà - Kim Quốc HoaPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhNếu xứ sở dân ca không thấy biển? - Nguyễn Việt ChiếnMắt bão - Mỹ HạnhHuyền thoại sông Hàn - Võ Kim LiênAi chở mùa tôi đi xa... - Thu ThủyMùa thu giấu em điều gì? - Dương Ánh MinhĐếm tuổi - Thiều HạnhSợi bạc - Võ Kim NgânBên sông Hàn - Hoài KhánhVề Ngũ Hành Sơn - Lê Xuân CừBất ngờ một tập thơ tứ tuyệt - Vương TrọngNhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị TrangKý sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ BìnhTần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn HoaChuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền TrangNSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy TrangNhững ký họa gợi lại ký ức - Thanh QuếHà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên TháiQuảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng