Ký sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ Bình

02.10.2019

Ký sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ Bình

Sau gần 40 năm dốc hết tâm lực, trí lực để viết ký sự chiến tranh, ký sự văn học, nhân vật, hồi ký... với hơn 10 tập sách, mới đây nhà văn Hồ Duy Lệ đã cho ra mắt tập ký Trụ lại viết về chiến tranh của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng theo một thể loại văn học được tác giả gọi là ký sử. Ký sử cũng là một thể loại của thể ký những vẫn mang một nét riêng khác với những loại ký sự khác. Ở đó, yếu tố lịch sử đóng một vai trò quan trọng, hoàn toàn chi phối nội dung, kể cả lối viết, cách tiếp cận hiện thực của tác giả.

Nói ký là ghi chép, là một thể loại văn học, khác với tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch lấy hư cấu là cảm hứng sáng tạo thì ký đòi hỏi yêu tố chân thực, trung thành với thực tế khách quan. Lối viết ký sử đòi hỏi cao hơn quá trình phản ánh hiện thực ở sự tuyệt đối chính xác, chân thực, nó hoàn toàn xa lạ với hư cấu, tưởng tượng. Khác với lịch sử, sử ký ghi chép lại những sự kiện, những cột mốc, giai đoạn lịch sử quan trọng có tính khái quát ở tầm quốc gia còn ký sử khoanh vùng nội dung ở một vùng đất, một địa phương.

Tập ký sử Trụ lại đề cập đến cuộc chiến đấu sinh tử của phong trào cách mạng vũ trang ở Quảng Nam - Đà Nẵng từ phong trào kháng chiến chống Pháp năm 1927 cho đến kháng chiến chống Mỹ. Từ những tổ chức Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ buổi đầu sơ khai đến việc hình thành những chi bộ Đảng đầu tiên thời kháng Pháp, giai đoạn tập kết ra Bắc, đi - ở lại... cho đến những cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang, Tổng công kích, Tổng tiến công nổi dậy... thời kỳ chống Mỹ. Nói chung đọc Trụ lại, người đọc tìm thấy những diễn biến của phong trào đấu tranh khi mạnh mẽ cao trào khi khó khăn muôn vàn như chỉ mành treo chuông. Câu chuyện chiến đấu được kể lại theo trình tự thời gian có tính biên niên bám chặt thực tế cuộc sống và chiến đấu qua từng chặng đường, từng giai đoạn với những bước ngoặt trên chiến trường Quảng Đà thời ấy.

Người dẫn dắt, kể chuyện chính là ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, người từng kinh qua những chức vụ lãnh đạo chủ chốt của phong trào hiện đang còn sống. Cũng cần nói thêm, từ năm 2005, nhà văn dự định viết một tập hồi ký của ông Trần Thận, năm đó nhân vật chính của cuốn sách còn minh mẫn lắm. Sách viết xong đem đến cho ông Thận đọc. Đọc xong ông Trần Thận mới nói với tác giả: “Tôi đọc vẫn thấy không đúng lắm về cuộc chiến tranh ấy lắm. Cuộc chiến tranh ấy thuộc về nhân dân, của nhân dân chứ không phải do một ai cả, hãy viết về nhân dân... Và nhà văn đã viết lại, mất rất nhiều năm mới hoàn thành cuốn sách đúng với ý nguyện của ông Trần Thận. Trong Trụ lại, bên cạnh những câu chuyện về các nhân vật nổi bật một thời như Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng, Mười Chấp, Hà Kỳ Ngộ, Cao Sơn Pháo (Bùi Tùng), Tư Thuận (Trương Chí Cương), Mười Khôi (Phạm Khôi), tướng Nguyễn Chánh được kể lại một cách sinh động, hình ảnh của rất nhiều “nhân vật quần chúng” xuất hiện đi cùng những hoạt động của phong trào cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp diễn qua nhiều giai đoạn của lịch sử mà ở đó cuộc chiến tranh cách mạng nhân dân dưới sự lãnh đạo các cấp ủy ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng với chủ trương bám vào dân để hoạt động, đấu tranh.Trung thành với sự chân thực trong phản ánh luận, và tránh chủ quan một chiều, tư biện kể cả quảng cách thời gian quên/nhớ của nhân vật, nhà văn Hồ Duy Lệ đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức. Anh theo dõi câu chuyện của ông Trần Thận kể đến đâu, thì đến tận “hiện trường” để kiểm chứng, nghe chính những nhân chứng, những người liên quan lên tiếng. Tác giả thận trọng đến từng chi tiết, sự việc đã xảy ra, vừa đánh giá vừa lọc đãi, suy ngẫm để truyền dẫn cung cấp những thông tin đáng tin cậy làm tăng thêm tính thuyết phục đối với bạn đọc.

Tác giả từng kể với tôi về một vụ việc đã xảy ra trong quá trình thu thập tư liệu. Chuyện thế này: “Khoảng năm 1952, đường dây liên lạc từ Bình Dương về cơ quan Tỉnh ủy đứt, Hai Chế (một cán bộ cao cấp. NV) không về tỉnh họp” được,  Mười Chấp mới lệnh cho Đỗ Thế Vĩnh đi tìm Hai Chế nhưng “Thế Vĩnh nói với Mười Chấp: Địch tình mọc như nấm độc sau mưa, biết Hai Chế ở đâu mà tìm, lớ quớ bị bắt. Mười Chấp nói: Biết khó, cũng vô cùng nguy hiểm, nên tôi mới nghĩ đến anh”. Sau đó, Đỗ Thế Vĩnh giả vai người bán muối ra chợ Đo Đo tìm cả tháng trời mới gặp được Hai Chế... Về chuyện này, tác giả Trụ lại đã từng nghe người khác kể lại cuộc tìm kiếm nối lại đường dây thật ly kỳ, hi hữu nhưng anh vẫn không tin thực tế xảy ra, anh tìm cách trở lại để tìm người phụ nữ đã che giấu Hai Chế để chỉ nghe kể tiếp câu chuyện ấy thêm sinh động chân thực và hấp dẫn. Như lần khác, về chuyện cái chết của ông Cao Sơn Pháo, Phó Bí thư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sau năm 1954, từng có nhiều hướng giải thích khác nhau. Tác giả đã lặn lội nhiều ngày để tìm đến ông Tưởng Cơ, một nhân vật tiền khởi nghĩa, một nhân chứng sống đã hơn 100 tuổi, từng cận kề với Cao Sơn Pháo trước lúc hy sinh. Lần lựa, “năn nỉ”, “dân vận” nhiều lần, ông Tưởng Cơ mới kể về cái chết của ông Cao Sơn Pháo: “Nghe tiếng địch la, vây bốn bề, ổng ôm gói (gói đựng tiền và súng. NV) chạy lạc anh em... Giữ súng và giữ tiền. Bấy giờ chỉ mình ông mới giữ được hai thứ này: Tiền để phân phát cho các huyện ủy, súng để giữ thân. Lệnh trên không được bắn”. Và cuối cùng ông bị giết chỉ vì“Tên Quận trưởng Đại Lộc đấu khẩu không lại, bọn Hội đồng xã giết để lấy tiền”... Lời kể của một người sắp chết rất trung thực đã làm sáng tỏ những khúc mắc trước đây được lý giải theo hướng khác. Tại sao ông Cao Sơn Pháo có mang súng mà không chống cự để bị bắt. Đơn giản như lời khẳng định của ông Tưởng Cơ: “Lệnh trên không được bắn”.

Rất nhiều sự kiện, vụ việc nào được tác giả thu thập tư liệu luôn được kiểm chứng bằng nhiều cách. Với thủ pháp nghệ thuật đồng hiện, sự xuất hiện nhiều tuyến của “nhân vật”, nhiều nhân chứng tham gia góp tiếng nói đã xâu chuổi, liên kết đã tạo ra một cái nhìn khách quan, sống động. Đó là một câu chuyện dài của lịch sử hơn 35 năm được nhiều người kể, nhiều người tham gia, nhiều người làm chứng. Nó như một tập sách đồng tác giả nhiều người mà nhà văn là người đã sắp xếp, thiết kế câu chuyện cho thật logic, thật hấp dẫn. Kết cấu chuyện kể luôn song hành với hai mặt đối lập giữa 2 phía. Từ Luật 59, chủ trương Bình định nông thôn, tổ chức dồn dân, ấp chiến lược, liên gia của Việt Nam Cộng hòa qua các thời kỳ. Những thời kỳ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Chiến dịch phượng hoàng” của Mỹ, rồi đấu tranh trước và sau Hiệp định Paris... Ngược lại, với quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng luôn trong tư thế sẵn sàng với những quyết sách chiến lược qua từng giai đoạn để đối phó, tấn công, phản đòn... Rõ ràng, Trụ lại đã giúp ta có một cái nhìn tương đối đầy đủ về chiến tranh chống xâm lược trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Không những phản ánh mà đã tái hiện những sự kiện lịch sử không phải bằng số liệu khô khan mà với một cái nhìn sinh động được diễn ngôn bởi một thứ ngôn ngữ đẫm chất văn chương.

Sự kiện lịch sử thì chỉ có một nhưng đánh giá nhìn nhận là một quá trình. Với phong trào kháng chiến để giành độc lập của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng là vô cùng oanh liệt, đã chiến thắng kẻ thù một cách vẻ vang nhưng vẫn có những tổn thất hy sinh hết sức lớn lao. Nhà văn Hồ Duy Lệ có một lợi thế chính anh là người trong cuộc. Mấy chục năm qua anh thường xuyên bám sát đề tài chiến tranh để viết, anh có cơ hội đi lại, tiếp cận thực tế, đặc biệt là thu thập tư liệu. Khi chấp bút Trụ lại, anh luôn ý thức một cách sâu sắc rằng, lịch sử cuộc chiến đấu phải được kể lại như nó đã từng diễn ra một cách trung thực và chân thật, anh hiểu rằng không thể lặp lại những va vấp, hạn chế của những tác giả viết cùng đề tài này. Anh muốn có một lối viết ký mới, gọi tên là Ký sử. Ký sử khác với sử ký mặc dù đều cùng ghi chép về lịch sử cùng những sự kiện quan trọng nhưng sử ký thuần tính chất văn bản, số liệu chỉ ghi chép một cách khái quát, khác với ký sử nó vẫn là một loại thể của văn học mà ở đó lịch sử được kể lại, được ghi chép bằng những câu chuyện, những lời kể chân thực nhưng cũng đầy cảm xúc, cùng những chi tiết phong phú về những gì đã xảy ra của những năm tháng nghiệt ngã chiến tranh. Nói cho cùng thì bản chất của văn học là biên niên sử không chính thống.

Trong tập ký sử Trụ lại, cái phần nhìn lại những hệ lụy từ cuộc chiến được anh miêu tả bằng những câu chuyện của những nhân vật đã từng tham gia phong trào kháng chiến, phong trào cách mạng với những đoạn kết cuối đời rất ư là đau đớn. Anh không ngần ngại khi nhắc lại về trường hợp Ngô Tấn Kháng bằng một góc nhìn thưởng cảm hết sức nhân văn. Đặc biệt là đối với ông Kim Khánh, nguyên Bí thư Thị ủy Hội An, anh đã dành nguyên một chương viết về nhân vật này. Ông “Kim Khánh bị địch bắt ngày 1/8/1958. Ngày 1/5/1975 ra tù sau 17 năm ở Hầm đá, Trại 2 Côn Đảo” Câu chuyện về con người này thì dài, chỉ ghi lại một số nét chính. Sau khi ra tù (1975) trở về, mất suốt 2 tháng chờ việc, không ai đả động gì cả kể cả những người trước đây là cấp dưới của mình. Chờ mỏi cổ, tổ chức mới đưa anh về làm bửa củi cho bếp ăn tập thể, rồi sau đó chuyển làm bảo vệ. Thật nực cười, “từ Bí thư Thị ủy lọt vào tay quân thù, bị tù 17 năm ở địa ngục trần gian thoát ra khỏi Chuồng Cọp, Chuồng Bò, Côn Đảo về với cách mạng thành người bảo vệ kho”... Lúc ấy ông đã 48 tuổi “chưa một lần nhấm nháp mùi đàn bà”. Trong một lần vào miền Nam, thăm lại bạn tù và nhờ họ chứng nhận thời kỳ đấu tranh trong tù. Bạn tù mới trả lời: “Ai đã ở trong Chuồng Cọp, Chuồng Bò, Trại 2... thì cần chi phải xác nhận, vào mấy cái chuồng tru di này thì đụng độ biết bao cuộc đấu tranh sinh tử, biết bao câu chuyện có thể xác nhận, nhưng giấy mực nào ghi cho hết...” Những câu chuyện như thế sẽ làm người đọc xúc động và suy ngẫm...

Lịch sử sẽ có giá trị hơn khi nó được phản ánh một cách đầy đủ và chân thực. Nhưng lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn, lôi cuốn nếu như nó được ghi chép bằng những câu chuyện một cách sinh động mang lại những rung cảm cho người đọc. Tin rằng, Trụ lại với lối viết ký sử của nhà văn Hồ Duy Lệ sẽ mang đến nhiều thú vị cho những ai quan tâm về mảng đề tài này.

H.S.B

Bài viết khác cùng số

Rừng Trà My thời chống Mỹ - Phan Thị Phi PhiNgười sĩ quan với những nét son đời binh nghiệp - Trần Trọng VănBán đảo Sơn Trà - Mùa sim chín...- Long VânHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhMèo và trăng xanh - Trần Trung SángNhững âm thanh bên bờ sông lấp - Nguyễn Nhã TiênCơn khát tình yêu uống cạn mặt trời - Nguyễn Kim HuyKhông tình cờ - Nguyễn Minh HùngMột thoáng Sơn Trà - Kim Quốc HoaPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhNếu xứ sở dân ca không thấy biển? - Nguyễn Việt ChiếnMắt bão - Mỹ HạnhHuyền thoại sông Hàn - Võ Kim LiênAi chở mùa tôi đi xa... - Thu ThủyMùa thu giấu em điều gì? - Dương Ánh MinhĐếm tuổi - Thiều HạnhSợi bạc - Võ Kim NgânBên sông Hàn - Hoài KhánhVề Ngũ Hành Sơn - Lê Xuân CừBất ngờ một tập thơ tứ tuyệt - Vương TrọngNhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị TrangKý sử - Một thể loại bút ký mới của Hồ Duy Lệ - Hồ Sĩ BìnhTần Hoài Dạ Vũ, dâng đời tiếng hát cô đơn - Huỳnh Văn HoaChuyện về Duy Ninh - Vọng âm từ ký ức - Huyền TrangNSND Lê Huân - Với những đóng góp cho nghệ thuật Múa - Hồ Thị Thùy TrangNhững ký họa gợi lại ký ức - Thanh QuếHà Xuân Phong - Họa sĩ chiến trường - Giang Nguyên TháiQuảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng