Nhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là nơi gửi gắm khát khao...- Đinh Thị Trang
Nhà thơ Ngân Vịnh tên khai sinh là Phùng Ngân Vịnh, sinh năm 1942 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là thành phố Hà Nội). Hiện nay ông đang sinh sống ở thành phố Đà Nẵng. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1986. Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng. Nhà thơ Ngân Vịnh vào bộ đội năm 1963, là lính Sư đoàn 2 Quân giải phóng Khu 5, chiến đấu ở chiến trường Quân khu 5.
Ông bén duyên với văn nghệ từ rất sớm. Ngay từ khi học trung học, ông đã rất yêu thơ và ham sáng tác thơ. Tuy nhiên, tình yêu thơ của ông khi ấy chỉ giữ cho riêng mình, cháy bỏng mà thầm kín. Cho đến khi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, thơ Ngân Vịnh mới thực sự lên tiếng. Từ tháng 2 năm 1967, ông làm Biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ. Năm 1975, ông về trại sáng tác Quân khu 5 ở Đà Nẵng. Nhà thơ đã tham gia trận đánh Ba Gia - Vạn Tường nổi tiếng năm 1965. Tham gia Sư đoàn 309 Mặt trận 479 chiến đấu tại Campuchia vào năm 1978. Năm 1984, ông về nghỉ hưu với cấp bậc đại úy. Với tinh thần lao động nghệ thuật hăng say, ông đã xuất bản rất nhiều tập thơ và trường ca như: Tình yêu nhận từ đất (in chung, 1977), Bóng rừng trong mưa (1984), Ếch con và hoa sen (1988), Hoàng hôn mây bay (1991), Tiếng đàn của dế (1996), Ngày thường đam mê (1996), Cõi lục bát (2002), Phía hoàng hôn yên tĩnh (2002), Lặng lẽ tường đá ong (2008), Con chuồn chuồn nghệ (2013), Sương đẫm lá khộp khô (2014)...
Những khó khăn gian khổ, mất mát mà ông đã trải qua trên chiến trường đầy ác liệt ấy đã nuôi dưỡng ý chí và nghị lực của ông để cho những vần thơ hay ra đời, được độc giả đón nhận. Những năm lao động nghệ thuật đã đem lại cho ông nhiều thành tích lớn. Thơ ông đã mang về những giải thưởng lớn như: Giải B cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội (1984); Giải Nhì cuộc thi thơ báo Phụ nữ Việt Nam (1994); Giải thưởng văn học Quảng Nam - Đà Nẵng mười năm lần thứ nhất (1975 - 1985), lần thứ hai (1985 - 1995); Giải Ba tác phẩm văn học 5 năm lần thứ nhất tỉnh Vĩnh Phúc (1995 - 2000) cho tác phẩm Ngày thường đam mê; Giải C văn học thành phố Đà Nẵng cho tác phẩm Phía hoàng hôn yên tĩnh (1997 - 2005); Giải Nhì cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984; Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia lần thứ 5 (2014); Giải A về Văn học Nghệ thuật của Bộ Quốc phòng 5 năm 2009 - 2014 cho tác phẩm Sương đẫm lá khộp khô.
Chia sẻ về nghiệp văn chương, nhà thơ Ngân Vịnh tâm sự: “Với tôi thơ như duyên nghiệp. Thơ là nơi gửi gắm khát khao cuộc đời. Chia sẻ buồn vui đau khổ như người bạn tri âm đồng hành. Thơ viết trước tiên là để cho mình rồi mới cho bạn đọc. Viết bằng sự chiêm nghiệm cuộc đời. Có được cái Hay, cái Đẹp với những tầm suy nghĩ sâu sắc, chân tình đi thẳng vào trái tim. Không thách đố sẽ không sợ mình cũ hay mới. Đừng bao giờ dẫm lên dấu chân người khác, cần tìm về mình trong mọi góc độ, mọi sắc thái đa chiều. Số phận con người cần được tôn trọng và yêu thương. Công việc viết văn là công việc tự thân đầy khó nhọc, không ai đòi hỏi mình mà mình cứ phải vật vã sống chết với nó. Nó như cái ách tròng vào cổ mình mà mình vẫn thích mang, vẫn đam mê với nó. Phải chăng đó là cái nghiệp, đó là món nợ vay ở đời tự thuở nào mà mình phải trả”.
Ngôn ngữ trong thơ ông đa sắc màu. Mỗi bài thơ đều có một tứ riêng, cách diễn đạt tinh tế, giàu màu sắc, âm thanh, cảm xúc, có nhiều chi tiết, hình ảnh gợi lên sức ám ảnh cho người đọc. Ở mỗi chủ đề ông lại có giọng thơ khác nhau, viết cho thiếu nhi thì nhẹ nhàng, hóm hỉnh, viết về chiến tranh thì như tiếng thì thầm, kể chuyện.
Ông viết khá nhiều thi phẩm cho thiếu nhi, dường như đó là mạch nguồn vô tận trong con người ông, ông kể có tháng ông viết được 20 bài thơ cho thiếu nhi. Khi viết cho thiếu nhi thì như ông đang trò chuyện một cách hóm hỉnh với các em những vẻ đẹp vừa gần gủi vừa biến hóa thần tiên, những trò chơi ngộ nghĩnh: Cơn mưa rào/ Bên cầu ao/ Nổi bong bóng/ Mưa đẩy nắng/ Xa vườn xoài/ lũ chuồn khoai/ lim dim ngủ/ Cây đu đủ /đứng che dù/ Cho bầy kiến/ Vào trú mưa (Cơn mưa rào); Và qua thơ ông muốn các em thiếu nhi biết gửi gắm tình yêu thương bằng những hành động nhỏ: Những đồng tiền gấp xanh xanh/ từ lưng chui vào trong bụng/ Heo đất chiếc mũi ngắn cũn/ Vui cười chẳng biết thở than/ Sau cơn bão miền Trung/ Một ngày tay em đập vỡ/ Với những đồng tiền của nó/ Em đem giúp đỡ người nghèo (Heo đất). Đọc thơ ông những hình ảnh gắn với tuổi thơ như hiện lên một cách sinh động trước mắt. Những ký ức tuổi thơ ùa về. Có lẽ chính vì những điều đó, nên phần lớn những tập thơ của ông luôn được trẻ em đón nhận.
Khi viết về chiến trường thơ ông vừa thấm đẫm chân thực về những gian khổ, nhất là những ngày tháng vào mùa khô trong những khu rừng nơi các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam hành quân chiến đấu: Anh nằm ở đâu với cơn khát dày vò/ miệng cạp vào những cây cỏ nát/ xương thịt mỏi rời, mặt mày sưng húp/ đôi bàn tay cào đấy tóe máu tươi... (Tôi đi tìm anh); và ta thật bất ngờ/ dưới những lá khộp khô đẫm sương/ lặng lẽ/ dấu chân người lính (Sương đẫm lá khộp khô). Nhà thơ không sử dụng những ngôn từ đậm tính sử thi mà thay vào đó chứa đựng tính trữ tình để nói về những người lính hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, như bài thơ Sáng tháng hai
năm 79 tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Kim Tuấn, hy sinh tại chiến trường Battambang (Campuchia): "Giọt sương tan dưới ánh mặt trời/ Vài bông hoa cỏ trắng/ Từ giọt máu nơi anh nằm xuống/ Để đồng đội anh có chỗ đặt bàn chân".
Trong thơ ông tinh thần quốc tế cũng được đề cao. Những hình ảnh đồng đội bị thương, cõng nhau rời trận địa, những khó khăn của những ngày khô hạn, ai cũng khát là những ký ức ám ảnh đến tâm trí ông. Trong tập thơ Sương đẫm lá khộp khô còn có nhiều bài thơ viết về thiên nhiên, con người nước bạn như Gió biển hồ; Chạm vào những ngọn tháp; Trưa Phnoom pênh; Chùa Pai lin sau cơn mưa... Ông tin tưởng chắc chắn vào tương lai tốt đẹp của nước bạn:"Những giây phút hòa bình mong mỏi/ Cam-pu-chia sẽ đến một ngày/ Bóng áo nghệ vàng nhà sư đi khất thực/ Nhẹ nhõm con đường/ Lặng lẽ sớm mai" (Nhà sư đi khất thực).
Tài năng của ông không chỉ trong thơ ca, con người điềm tĩnh ấy lại là tác giả viết lời cho nhiều ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ Đình Thậm, Phan Ngọc, Nguyễn Đức, Thanh Anh, Lưu Bình... như: Đêm biển mơ, Đà Nẵng tình người, Chỉ còn biển thôi, Quế Sơn đất mẹ anh hùng... Ông kể rằng, ông bắt đầu viết lời cho ca khúc từ năm 1988 trong chuyến đi sáng tác tại Vũng Tàu với nhạc sĩ Đình Thậm, Văn Chừng. Trong đợt này, ông đã sáng tác lời cho 4 ca khúc, trong đó bài hát Đêm biển mơ để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người nghe. Đến giờ, ông vẫn còn nhớ, thanh niên thời đó nghe lời bài hát cất lên: Mưa bay trong làn gió/những hạt mưa không ngủ/Biển âm thầm bừng sôi/Mưa, mưa lại rơi, những dòng sông hối hả/mưa ướt đầm cây lá/Phố biển đầy yêu thương/Anh nhìn vào mắt em/Anh nhìn vào mưa đổ/ Nỗi buồn như quên đi... đã rất hào hứng và đều thuộc rất nhanh. Lời hát cũng như lời thơ, ông lấy từ những chiêm nghiệm cuộc đời, những gì trong cuộc sống này.Tình người, tình đời đều được ông chuyển tải vào thi ca. Từ những chiêm nghiệm đó, ông lại nhắc mình nhắc đời “có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến, có hiểu được lòng nhau, mới thấu hết nghĩa tình”. Từ những cuộc ra đi, trở lại, đã gợi lên nhiều tình cảm gắn bó với mảnh đất, con người, ông đã tạo nên những thi phẩm để lại ấn tượng trong lòng người.
Là người lao động cho nghệ thuật, nhà thơ đã thực hiện một hành trình đi tìm kiếm mình, giải bày lòng mình qua chứng kiến và nhận biết cuộc sống, ông đã để lại cho đời những tác phẩm giá trị. Mặc dù năm nay đã 77 tuổi nhưng ông sẽ tiếp tục sáng tác, tiếp tụp kéo dài duyên nghiệp ngọt ngào với thơ, góp tiếng thơ ca ngợi thiên nhiên, con người, cũng như phản ánh nhân tình, thế thái.
Đ.T.T