Quảng bá tác phẩm - Vấn đề của Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố - Bùi Văn Tiếng
Có lẽ không có văn nghệ sĩ nào sáng tạo nên tác phẩm văn học nghệ thuật chỉ để dành riêng cho một mình mình tự thưởng thức, một mình mình độc quyền được đọc/được nghe/được xem. Trong lý luận văn học, vòng đời của một tác phẩm văn chương trước hết tồn tại trong ý đồ sáng tạo của nhà văn nhưng không ít trường hợp do nhà văn không đủ cảm hứng/năng lực để viết ra hoặc thậm chí không kịp viết ra, nên chỉ dừng lại ở đây. Tiếp theo là tồn tại trong tác phẩm với tư cách một chỉnh thể nghệ thuật do nhà văn sinh thành - và không ít trường hợp do nhà văn không đủ điều kiện quảng bá hoặc thậm chí bị cấm quảng bá, nên cũng chỉ dừng lại ở đây. Và cuối cùng tồn tại trong thế giới tiếp nhận của người đọc/của công chúng nghệ thuật không chỉ một mà nhiều thế hệ - chính trong môi trường tồn tại thứ ba này một tác phẩm văn học nghệ thuật hoặc sẽ được khẳng định là đủ sức đi cùng năm tháng hoặc sẽ buộc phải dừng lại trong quên lãng của người đời. Chính trong môi trường sàng lọc khắc nghiệt này đã phát sinh hiện tượng tri âm tri kỷ và cao hơn là hiện tượng “đồng sáng tạo”.
Quảng bá là để tác phẩm của mình đến được với nhiều người, càng đông càng tốt, nhưng không một văn nghệ sĩ nào sáng tạo nên tác phẩm văn học nghệ thuật mà không có nhu cầu tìm kiếm tri âm. Tại Hội thảo bàn về quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức sáng ngày 16 tháng 8 năm 2019 (dưới đây gọi tắt là Hội thảo Quảng bá tác phẩm), trong tham luận Quảng bá tác phẩm văn học thời công nghệ số, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy cũng cho rằng: “Việc mong mỏi được nhiều người đọc biết đến của một người viết là mong mỏi có được tri âm, có được người hiểu được thông điệp trong tác phẩm để cảm thông chia sẻ, để có thể tác động chút gì đó đến xã hội, chứ không chỉ là những quảng bá rầm rộ, hay những cái bấm like, những câu khen chê đôi khi vô cảm tùy tiện của người đọc như trên facebook lúc này”.
Vòng đời của một tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật biểu diễn về cơ bản cũng tương tự thế. Trong tham luận Quảng bá tác phẩm và chất lượng nghệ thuật, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cũng phân tích rõ: “Mỹ thuật là loại hình nghệ thuật thị giác - nghệ thuật được cảm thụ, thưởng thức bằng con mắt. Với các tác phẩm mỹ thuật, ngoài giá trị tự thân của nó thì việc quảng bá tác phẩm là cần thiết và vô cùng quan trọng. Có quảng bá tác phẩm mới khẳng định giá trị tác phẩm và khẳng định được, thấy được chất lượng sáng tác mình ở đâu, phong cách sáng tác như thế nào”. Xin nói thêm, bản thân nhan đề tham luận của Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha đã hàm ý khẳng định: Quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật không phải là truyền bá rộng rãi mọi thứ mà là truyền bá rộng rãi một giá trị/một chất lượng.
Tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm cũng chính là tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ lao động sáng tạo sinh thành nên những giá trị nghệ thuật và cũng chính là tạo điều kiện cho công chúng nghệ thuật có thể tiếp cận được những giá trị chân - thiện - mỹ ấy để thưởng thức, để nâng cao tình yêu cuộc sống, thị hiếu nghệ thuật và năng lực cảm thụ, thậm chí để trở thành tri kỷ, tri âm và thậm chí “đồng sáng tạo” với tác giả, góp phần làm cho tác phẩm có thể đi trọn được vòng đời của mình. Bởi lý do ấy nên vấn đề tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm luôn là vấn đề thời sự thường xuyên được quan tâm trao đổi trong tiến trình phát triển văn học nghệ thuật, nhất là không thể không được bàn thảo nghiêm túc trong Đại hội thường kỳ của các Hội chuyên ngành và của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật. Đặc biệt trước ngưỡng cửa Đại hội đại biểu lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, vấn đề tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải phân tích đúng thực trạng và quan trọng hơn là phải đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm tạo nên một chuyển biến thực sự rõ nét trong nhiệm kỳ mới.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là phải chăng tác phẩm văn học, nghệ thuật của Đà Nẵng chỉ có thể được quảng bá ở Đà Nẵng? Và do thiếu yếu tố gì mà trong thực tế văn học nghệ thuật “quê nhà” đang có nguy cơ trở thành văn học nghệ thuật “nhà quê” - hiểu theo nghĩa chỉ hát cho nhau nghe/ vẽ cho nhau xem/ viết cho nhau đọc bên bờ sông Hàn? Do thiếu tự tin về giá trị nghệ thuật? Do mặc cảm “nhà quê”? Do hạn chế về truyền thông so với hai đầu đất nước? Hay chủ yếu do thiếu khả năng tài chính để có thể “mang chuông đi đánh xứ người”? Cách đây mấy năm, Hội Nhạc sĩ Thành phố Hồ Chí Minh từng có một đêm biểu diễn âm nhạc hoành tráng ở Sân khấu Công viên Biển Đông, vậy Đà Nẵng có thể đủ sức tự lo cho các ca sĩ/ nhạc sĩ/ nhạc công của mình đi lại/ ăn ở cũng như thù lao biểu diễn để “đem chuông” một lần như thế ở Thành phố Hồ Chí Minh? Trường hợp mang tranh “xuất ngoại” như Phan Ngọc Minh, Nguyễn Thị Dư Dư... có thể được nhân rộng?Cơ hội giao lưu văn học nghệ thuật với nước ngoài trong nhiệm kỳ 2014 - 2019 được nhiều văn nghệ sĩ mong muốn nhưng gặp phải khó khăn về kinh phí. Cái khó “đầu-tiên-tiền-đâu” đang làm cho không ít văn nghệ sĩ thành phố mất đi rất nhiều cơ hội quảng bá
tác phẩm ra ngoài phạm vi “sân nhà”
Đà Nẵng.
Tại Hội thảo Quảng bá tác phẩm, trong tham luận vừa dẫn trên, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha thừa nhận: “Cũng vì quảng bá tác phẩm quanh quẩn quê nhà mà việc sáng tác nghệ thuật chưa cao, chưa đạt chất lượng nghệ thuật... Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc ứng dụng các hoạt động truyền thông để quảng bá tác phẩm sẽ mang lại những dấu hiệu tích cực, như giới mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, hay thủ đô Hà Nội, ngoài việc triển lãm cùng Hội để quảng bá tác phẩm, họ còn mở trang website cá nhân, Gallery, About Art, Artis, Facebook... để quảng bá tác phẩm. Còn giới mỹ thuật Đà Nẵng, anh em họa sĩ nhất là họa sĩ trẻ chỉ mới quảng bá trên Facebook tập thể, trang cá nhân hay Zalo hoặc tạp chí văn nghệ... Đà Nẵng là một thành phố lớn, là trung tâm văn hóa - kinh tế lớn nhất miền Trung, vậy mà việc quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật còn nghèo nàn, thậm chí Đà Nẵng không có một gallery nghệ thuật giới thiệu bán tranh, quảng bá tác phẩm cho anh chị em giới mỹ thuật
Đà thành”.
Bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng quảng bá tác phẩm chưa như mong đợi ấy, tại Hội thảo Quảng bá tác phẩm, trong tham luận Làm thế nào để tác phẩm đến với công chúng, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh lý giải: “Giá trị đích thực của văn học xưa nay vẫn thường hiếm hoi như vậy. Không riêng gì Đà Nẵng, trong cả nước cũng thế, tác phẩm hay, gây dư luận cho công chúng rất ít, chính vì thế sức lan tỏa không sâu rộng, hầu như sách chỉ in ra rồi biếu tặng nhau là chính. Nói chung lại, hầu như tính chất chuyên nghiệp trong văn chương ở nhiều địa phương ít được coi trọng, cứ hội hè “hát cho nhau nghe/ vẽ cho nhau xem/ viết tặng cho nhau đọc/ diễn cho nhau xem” mà thôi”; còn trong tham luận Văn học nghệ thuật Đà Nẵng đang ở đâu, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hải thẳng thắn nhận định: “Các tác giả Đà Nẵng nói chung chưa có được nhiều tác phẩm mang tầm vóc quốc gia/quốc tế, chưa có những bứt phá, những phát hiện mới, những ý kiến mạnh mẽ, dũng cảm, trái chiều, sáng tạo, nên không để lại trong trí nhớ của người xem, người nghe những ấn tượng đặc biệt”.
Cơ hội “đem chuông đi đánh xứ người” thuận lợi và khả thi nhất đối với văn nghệ sĩ Đà Nẵng là gửi tác phẩm đến các cuộc xét chọn giải thưởng văn học, các cuộc thi ảnh nghệ thuật và các liên hoan phim khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và quốc tế. Chính nhờ những “sân chơi” tầm cỡ này mà công chúng yêu nghệ thuật ở các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á và thậm chí ở các nước Châu Âu mới biết đến diện mạo văn học, nghệ thuật Đà Nẵng qua tiểu thuyết Minh sư của nhà văn Thái Bá Lợi, tập thơ Sương đẫm lá khộp khô của nhà thơ Ngân Vịnh, phim Chiếc chiếu của bà Bứa/ Mrs Bua's Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu, phim Đất đai thuộc về ai và phim Lời cuối của cha của đạo diễn Đoàn Hồng Lê và qua nhiều ảnh nghệ thuật nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên... Cơ hội thường xuyên hơn là các cuộc xét chọn giải thưởng văn học, các cuộc thi ảnh nghệ thuật, các cuộc triển lãm mỹ thuật và các liên hoan phim/ sân khấu/ âm nhạc/ múa khu vực miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc. Vấn đề đặt ra là văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã được tạo điều kiện đúng mức chưa để có thể tỏa sáng hơn nữa trong các “sân chơi” tầm cỡ quốc gia/ quốc tế này và quan trọng hơn là những tác phẩm được đánh giá cao/ được trao giải sẽ tiếp tục được công chúng nghệ thuật trên thế giới, trong khu vực, trong cả nước và cả ở Đà Nẵng nghe tên biết tiếng và tôn vinh như thế nào sau khi khép lại các cuộc xét chọn giải thưởng văn học, các cuộc thi ảnh nghệ thuật, các cuộc triển lãm mỹ thuật và các liên hoan phim/ sân khấu/ âm nhạc/ múa danh giá ấy?
Trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ thơ là được ưu ái qua hoạt động Ngày Thơ Việt Nam vào dịp nguyên tiêu hằng năm. Đây cũng cơ hội quảng bá thơ, thơ phổ nhạc và các vũ khúc trên nền thơ nhạc đến với công chúng. Trong những năm qua, Ngày thơ tại Đà Nẵng chú trọng quảng bá các tác phẩm về đất nước, về chủ quyền biển đảo và bảo vệ biên cương Tổ quốc - điều không thể không làm và làm thật hiệu quả đối với một địa phương đang được giao quyền quản lý hành chính huyện đảo Hoàng Sa và là một địa phương duy nhất trong cả nước có nguyên một quần đảo xa bờ đang bị ngoại bang chiếm đóng trái phép như Đà Nẵng. Vấn đề đặt ra là việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam thường niên nên như thế nào cho thật hiệu quả và có sức lan tỏa? Chỉ trình diễn các tiết mục đọc thơ, ngâm thơ, hát ca khúc phổ thơ, xem múa phụ họa theo kịch bản chuyên nghiệp trên một sân khấu hiện đại như Nhà hát Trưng Vương, hay trình diễn với kịch bản chuyên nghiệp ấy trên một sân khấu ngoài trời để đưa thơ đến gần hơn với đông đảo công chúng, hay là chỉ tạo nên một số “sân chơi” mà những ai làm thơ đều có thể trình bày thơ của mình trước khán giả yêu thơ? Đấy là những câu hỏi không dễ trả lời, mặc dầu mấy năm trở lại đây Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố vẫn thiên về phương án thứ hai là tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại sân khấu ngoài trời của các quận Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà...
Ngày Sách Việt Nam 21 tháng 4 hằng năm cũng là cơ hội quảng bá sách văn học nghệ thuật, do vậy Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cũng đã tranh thủ các diễn đàn được tổ chức nhân dịp này trên sóng truyền hình hoặc trên sân khấu của hội sách để giới thiệu sách mới của hội viên - chủ yếu là hội viên Hội Nhà văn thành phố. Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố còn tìm cách tăng thêm “diện tích đất vàng” để văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm, chẳng hạn ngoài hai “sân nhà” là Tạp chí Non Nước và Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng, còn tận dụng các chương trình truyền hình như Đời sống văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, hay các trang văn hóa văn nghệ trên báo in và báo điện tử như Báo Đà Nẵng cuối tuần, thậm chí như Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Diễn Đàn Văn Nghệ Việt Nam của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam...
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao tạo động lực cho văn nghệ sĩ Đà Nẵng có được những tác phẩm thực sự có chất lượng để in thành sách và để giới thiệu trên các diễn đàn nhân Ngày Sách Việt Nam hằng năm, cũng như có những bài viết thực sự có chất lượng để đăng trên các báo/trang báo và tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật? Đó là chưa kể vừa qua Báo Tiền Phong đưa tin: Vào ngày 8 tháng 6 năm 2019, Trường Đại học Văn Lang - Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Báo chí tuyên truyền văn hóa nghệ thuật, thu hút nhiều văn nghệ sĩ và nhà báo tên tuổi tham dự, và đa số các nhà văn đều chung nhận xét: “Phải chăng báo chí đang bỏ rơi văn hóa nghệ thuật?” - có lẽ báo chí ở Đà Nẵng cũng không phải trường hợp ngoại lệ?
Nhân đây cũng xin nói thêm về hai “sân nhà” của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố là Tạp chí Non Nước và Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng. Điểm đ khoản 1 mục III Quyết định 362/QĐ-TTg ngày mồng 3 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 quy định: “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một cơ quan tạp chí thuộc Hội văn học nghệ thuật tỉnh”. Quyết định 362/QĐ-TTg cũng nêu rõ: “Các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in như quy định tại khoản 1 mục III trên đây thì được phép có báo, tạp chí điện tử”. Như vậy cùng với Báo Đà Nẵng, Tạp chí Non Nước vẫn tiếp tục sứ mệnh chính trị và văn học nghệ thuật của mình và hoàn toàn có thể xin nâng cấp Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng thành Tạp chí Non Nước điện tử.
Vấn đề là hiện nay nguồn nhân lực và thiết bị công nghệ của Tạp chí Non Nước và Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng quá mỏng, đặc biệt dung lượng của Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng rất nhỏ không đủ sức lưu trữ điện tử các bài đăng trên Tạp chí Non Nước; chưa kể kinh phí 400.000.000 đồng/năm thành phố đầu tư cho 12 số Tạp chí Non Nước và kinh phí 100.000.000 đồng/năm thành phố đầu tư cho Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng là một bước tiến so với giai đoạn trước năm 2015 nhưng vẫn còn hết sức khiêm tốn để có thể trả nhuận bút đúng mức hơn nhằm nâng cao chất lượng bài vở - nhất là trong bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ 2014 - 2019 đến nay Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố chủ trương không tiếp tục “chạy quảng cáo” như trước.
Tại Hội thảo Quảng bá tác phẩm, vai trò của phát thanh và truyền hình cũng là một yếu tố khách quan nổi bật được nhiều ý kiến - kể cả khi tham luận cũng như khi thảo luận - nhắc đến như là giải pháp quảng bá tác phẩm khả thi và phổ biến. Nhà báo Ngô Thị Hạnh Đoan đến từ Hội Điện ảnh thành phố viết hẳn một tham luận mang tên Quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật trên sóng truyền hình giới thiệu những mặt mạnh và cả những mặt yếu của Phòng Văn nghệ và Phòng Văn hóa Thể thao thuộc Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng trong việc quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ thành phố. Trong tham luận Thực trạng quảng bá nghệ thuật múa thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2014 -2019, nghệ sĩ múa Huỳnh Ngọc Kim còn đánh giá: “Có thể nói, truyền hình là sức mạnh, là phương tiện hữu hiệu cho ngành múa chúng tôi trong công cuộc quảng bá nghệ thuật và tác phẩm. Ngoài các chương trình tác phẩm còn các chương trình “Cửa sổ văn nghệ” phỏng vấn tác giả, nghệ sĩ đầu ngành giúp cho khán giả hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật múa”.
Tuy nhiên, việc quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật trên truyền hình hiện nay cũng còn không ít bất cập. Trong tham luận Vấn đề quảng bá tác phẩm văn nghệ dân gian tại Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Đinh Thị Hựu cho rằng: “Hiện nay, chương trình Cửa sổ văn nghệ và đời sống chủ yếu giới thiệu tác giả - tác phẩm của nhà nghiên cứu, chưa mang tính chất đặc thù của việc quảng bá tác phẩm văn nghệ dân gian của nhân dân”, từ đó kiến nghị điều chỉnh cách xây dựng chương trình Cửa sổ văn nghệ và đời sống cho phù hợp. Tương tự, nhạc sĩ Trương Duy Huyến cũng thừa nhận: “Chương trình giới thiệu tác phẩm trên Danangtv cũng chỉ làm theo cảm tính và mối quan hệ cá nhân, chưa có văn bản ký kết hợp tác đúng quy định”, từ đó đề nghị hai bên có cách làm bài bản hơn.
Để quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật trên truyền hình và phát thanh có hiệu quả hơn, trong tham luận Bàn về vấn đề quảng bá tác phẩm âm nhạc hiện nay, biên tập viên âm nhạc Doãn Ánh Quyên hiến kế: “Từ một số kinh nghiệm rút ra của một biên tập viên âm nhạc trên sóng phát thanh, tôi nhận thấy âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong nhiều nội dung các chương trình trên sóng phát thanh. Bên cạnh chuyên mục “Giới thiệu bài hát mới” hiện đang có, có thể tạo sân chơi âm nhạc bằng mục “Đố vui” những tác phẩm đã có đời sống để người nghe tham gia, cho biết cảm nhận của mình. Làm như vậy không chỉ giúp họ nhớ về những tác phẩm âm nhạc trước đây mà còn hào hứng khi được bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận, đôi khi lại là những kỷ niệm của họ với tác phẩm đó. Ngay những tác phẩm âm nhạc mới sáng tác cũng có thể gây hấp dẫn người nghe khi họ không chỉ được nghe, được viết cảm nghĩ và bình chọn có thưởng trong mục “Bài hát mới của bạn”… Với những phản hồi của người nghe, chắc chắn sẽ giúp các nhạc sĩ có thêm cảm xúc để viết. Bên cạnh đó sự phối kết hợp với phát thanh - truyền hình, bên cạnh những hình thức mạn đàm, tọa đàm theo từng chủ đề cụ thể”.
Thời @ văn nghệ sĩ còn có một kênh truyền thông cực kỳ nhanh nhạy là mạng xã hội để quảng bá tác phẩm của mình. Vậy câu hỏi đặt ra là vấn đề quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng trên mạng xã hội hiện nay như thế nào? Giải quyết mối quan hệ giữa khả năng quảng bá rộng rãi và kịp thời trên mạng xã hội với chất lượng tác phẩm ra sao? Và làm thế nào để có thể bảo vệ tác quyền của mình trên “xa lộ thông tin” không dễ kiểm soát này? Trong bài phỏng vấn có nhan đề Cần một tình yêu sâu bền, mãnh liệt đăng trên Báo Đà Nẵng điện tử ngày 12 tháng 5 năm 2019, nhà báo Quỳnh Trang đặt câu hỏi: “Cách tiếp cận với bạn đọc hiện đại có thể qua mạng xã hội, trang blog cá nhân. Anh/chị nghĩ gì về hình thức này?” và dưới đây là câu trả lời rất đáng suy ngẫm của một số văn nghệ sĩ trẻ Đà Nẵng.
Chẳng hạn nhà thơ Ngô Võ Giang Trung cho rằng: “Mạng xã hội, theo tôi, là một cơ hội rất lớn cho các tác giả trẻ tiếp cận độc giả của mình. Bản thân tôi cũng là một người viết được biết đến trước tiên qua Facebook sau đó mới có ấn phẩm ra mắt bạn đọc. Tuy nhiên điều gì càng dễ thì cũng dẫn đến vấn đề chất lượng khó kiểm soát. Và đó cũng là câu chuyện của bạn đọc. Dễ tiếp cận cũng dễ dẫn đến sự dễ dãi của độc giả cũng như của chính tác giả. Và dù sao đi nữa, một tác phẩm được in ấn xuất bản cũng vẫn là một “giá trị” ít nhiều đã được thẩm định, và cảm giác thích thú khi cầm trên tay một cuốn sách vẫn không thể nào thay đổi dù cho có ngàn vạn cách đọc trên mạng đi nữa”.
Hay chẳng hạn quan điểm của nhà thơ Trương Thị Bách Mỵ: “Tôi nghĩ đưa tác phẩm đến được với bạn đọc bằng cách nào cũng tốt. Hiện nay các tác giả có nhiều điều kiện để đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc thông qua trang cá nhân, và các trang mạng xã hội khác.Tuy nhiên mình vẫn thích cách tiếp cận truyền thống hơn; thích tác phẩm được đánh giá, phê duyệt bởi những người có chuyên môn. Tác phẩm được in ấn, được chào đón và được đến tay bạn đọc. Để người đọc có được sự tò mò, thích thú khi sở hữu được một tập sách. Để người viết có thêm động lực, niềm vui và cảm hứng sáng tác”.
Hoặc quan điểm của nhà văn Ngô Thị Thục Trang: “Tôi cũng có trang Facebook cá nhân, thỉnh thoảng có đăng bài để bạn bè đọc chứ không có chủ ý giới thiệu tác phẩm đến độc giả mới. Mình biết có rất nhiều người viết dùng trang cá nhân để quảng bá tác phẩm và họ có lượng người đọc, theo dõi cực lớn từ đây. Một số người sau đó ra sách với lượng in mà nhiều nhà văn mơ ước, dù tác phẩm của họ không được giới chuyên môn đánh giá cao, thậm chí trong làng văn chương, tên họ chưa một lần được nhắc đến. Điều đó cho thấy, văn chương mạng đang chiếm ưu thế. Những người viết, nếu biết cách thu hút bạn đọc bằng các “chiêu trò” trên mạng, sẽ có lượng “fan” đông đảo. Nhưng văn chương nào sẽ có độc giả đó. Một tác giả có nhiều “fan”, sách ra bán được lượng khủng cũng không thể lấy đó làm thước đo chất lượng của tác phẩm. Đôi khi là ngược lại”.
Trong tham luận dẫn trên, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy một mặt cho rằng: “không thể phủ nhận những ưu thế của mạng xã hội trong việc quảng bá tác phẩm văn học”, mặt khác cảnh báo “rất cần thận trọng khi nhìn nhận chất lượng của các tác phẩm đang công bố tràn lan trên mạng (...). Nếu khi chúng ta quảng bá không vì chất lượng của tác phẩm mà vì quá chú trọng vào mục đích mang tác phẩm văn học đến người đọc như mang bán một món hàng để thu lợi nhuận, thì phải chăng chúng ta cũng đang định hướng để các tác phẩm văn học dần mang tính giải trí cho số đông - tất nhiên đấy cũng là một khía cạnh của đời sống văn học và việc tạo nên các tác phẩm best seller không phải là không tốt”.
Trong các ý kiến của các văn nghệ sĩ dẫn trên, có thể thấy nổi lên là đòi hỏi rất cao về chất lượng tác phẩm được quảng bá - chất lượng tác phẩm chứ không phải số lượng người hâm mộ dành cho best-seller! Chính vì thế cũng có quan điểm cho rằng trong quá trình tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm thì nên tập trung đầu tư vào việc trao thưởng thật xứng đáng đối với những tác phẩm được giải trong các cuộc xét chọn giải thưởng văn học nghệ thuật thường niên và ngũ niên, bao gồm việc thưởng thêm 50% tiền thưởng của giải quốc gia/ quốc tế. Đó cũng là cách sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách hằng năm của thành phố dành cho văn học nghệ thuật và cả nguồn tài chính từ hai quỹ hỗ trợ sáng tạo của Trung ương và thành phố. Đương nhiên các nguồn tài chính này vẫn phải tiếp tục đầu tư cho một số hoạt động liên quan trực tiếp đến chất lượng sáng tác của văn nghệ sĩ như đầu tư tổ chức các trại sáng tác hay các đợt thâm nhập thực tế (về nông thôn Hòa Vang, ra Trường Sa...), hoặc các cuộc giao lưu về văn học nghệ thuật... Liệu rằng quan điểm nên tập trung đầu tư trao thưởng thật xứng đáng đối với những tác phẩm được giải có phải là phương án tối ưu? Câu trả lời dường như vẫn đang nằm ở... phía trước!
B.V.T