Quan điểm đoàn kết Hồ Chí minh-Một góc nhìn
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, hầu như ở đâu, làm gì và thời điểm nào Bác cũng suy ngẫm phải làm như thế nào để giữ gìn và phát huy sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chính quan điểm sáng ngời và hành động mẫu mực của Người đã, đang và mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. Thực tế cho thấy, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như sau ngày hòa bình thống nhất đất nước cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn theo đuổi chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, do đó đã tạo nên sức mạnh vĩ đại, không trở lực nào ngăn cản được, đó là con đường tất yếu dẫn dắt cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù đầy gian lao khổ hạnh và mất mát hy sinh, nhưng đã đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, minh chứng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, minh chứng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước thu non sông về một mối, đưa cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ : “Bốn mục đích hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Mặt trận : Muốn thống nhất, phải có hòa bình. Muốn độc lập thì phải thống nhất. Muốn thật sự độc lập thì phải có dân chủ. Bốn điểm đó như bầu trời có bốn phương : Đông, Tây, Nam, Bắc; như một năm có bốn mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông; không thể tách rời nhau, không thể thiếu một điểm nào”(1).
Đúc kết bài học đoàn kết từ trong giai đoạn cả nước trường kỳ kháng chiến, sau 35 năm hòa bình thống nhất đất nước chúng ta vẫn đang nghiêm túc thực hiện quan điểm đoàn kết, thống nhất theo tư tưởng Hồ Chí Minh, từ Trung ương đến địa phương cơ sở, từ đảng viên đến quần chúng, từ cán bộ đến dân thường đều rất rõ ý nghĩ, tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết, theo đó đã không ngừng chung tay góp sức làm cho sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng ngày càng vững chắc, đó là cơ sở tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn, không gì sánh nổi để chúng ta có thể vượt qua những thách thức trở ngại trong thời kỳ mới, đưa đất nước ta tiếp tục tiến lên ngang tầm thời đại, để Việt Nam“to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như mong muốn của Bác Hồ.
Tuy nhiên từ trong thực tế, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ở nơi này nơi khác, ở cấp nọ cấp kia, tình trạng đoàn kết theo kiểu xuôi chiều, theo kiểu “nín thở qua cầu” nhằm thực hiện ý đồ vụ lợi chính trị cá nhân đang ngang nhiên tồn tại, tạo ra tâm lý âm ỉ bức xúc trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy:“…Nền có vững, nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi. Trong chính sách đoàn kết cần phải chống hai khuynh hướng sai lầm : Cô độc hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc. Phải lấy công tác mà củng cố đoàn kết. Phải lấy đoàn kết mà đẩy mạnh công tác” (2).
Những “hạt sạn” trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách đoàn kết mà chúng ta đang đối mặt, đó cũng là điều tất nhiên bởi mặt trái của xã hội còn nhiều vấn đề tác động tiêu cực đến quá trình thực hiện chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này. Trong 15 năm qua chúng ta đã đồng tâm nhất trí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, theo đó chất lượng và hiệu quả đời sống của cộng đồng dân cư ngày một tốt đẹp hơn, tình làng nghĩa xóm ấm áp hơn, rõ ràng Cuộc vận động trên đã tạo ra một sản phẩm xã hội đáng được trân trọng, và chắc chắn chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả hơn, tốt đẹp hơn khi tiếp tục chung tay giữ gìn và phát huy, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào rộng lớn này.
Trong Lời kêu gọi gởi đồng bào cả nước nhân dịp Quốc khánh Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lần thứ 11, Bác Hồ đã viết:“…Để làm tròn nhiệm vụ ấy, toàn dân ta phải đoàn kết rộng rãi hơn nữa trong Mặt trận Tổ quốc.
Cán bộ phải đoàn kết nhất trí, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí; hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Chính phủ và pháp luật của Nhà nước…”(3).
Suy ngẫm về sự khuyên răn của Bác Hồ ở phạm trù đoàn kết, thì mỗi cán bộ, đảng viên của chúng ta suốt cuộc đời cũng không thể học hết những gì Người đã dạy bảo, nhưng hãy luôn nhớ câu đúc kết có tính bất hủ đầy chân lý của Người:“ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”.
Mai Mộng Tưởng
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, tập 7, trang 438-439
(2) Sdd, trang 438
(3) Sdd, tập 8, trang 248