Phương pháp lẩy Kiều của Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền
Tuyên truyền là một phương thức tiến hành công tác tư tưởng của Đảng, là loại hình đặc biệt, kênh thông tin hiệu quả, một mắt khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đưa ra quan điểm: “Mỗi người yêu nước đều phải làm tuyên truyền. Mỗi cử chỉ, mỗi hành động của chúng ta có thể là một công tác tuyên truyền.”(1) Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Bác đã kết hợp nhiều phương pháp tuyên truyền khác nhau dựa trên đặc điểm đối tượng người nghe. Trong đó, phương pháp tuyên truyền vận dụng sáng tạo lẩy Kiều được Người thường xuyên sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và phát huy hiệu quả cao.
Lẩy Kiều là lấy ra một cụm từ, câu, cặp câu trong Truyện Kiều, có thể giữ nguyên hoặc thay đổi để biểu hiện một nội dung mới phù hợp với ngữ cảnh. Bằng hình thức lẩy Kiều, Hồ Chí Minh tạo nên sự phong phú, sinh động và hấp dẫn khi chuyển tải những câu chuyện thời sự, chính trị.
Với đồng bào, chiến sĩ cả nước, Hồ Chí Minh thường xuyên sử dụng lẩy Kiều trong công tác tuyên truyền. Khi giải thích về chính sách và hoạt động của Việt Minh, Người viết: Người có sức, đem sức quyên/ Ta có tiền của, quyên tiền của ta/ Trên vì nước, dưới vì nhà/ Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh/ Chúng ta có Hội Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh.(2)
Sức mạnh của một dân tộc được thể hiện ở tinh thần đoàn kết. Có được tinh thần ấy, chúng ta có thể vượt qua những thử thách khó khăn nhất. Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định điều này: “Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi. Vậy có thơ rằng: Cũng trong một cuộc Điện Biên/ Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa/ Trăm năm trong cõi người ta/ Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua.(3)
Tinh thần đoàn kết còn được Hồ Chí Minh mở rộng không chỉ trong nước mà còn với kiều bào ta ở nước ngoài. Tháng 8 năm 1955, nhân sự kiện gần 2.000 kiều bào ở Pháp, đủ các tầng lớp, đã kí tên đòi đương cục miền Nam hiệp thương với Chính phủ ta, đòi Chính phủ Pháp phải làm đúng Hiệp định Genève, Hồ Chí Minh đã gửi lời cảm ơn chân thành: Gửi thân đất khách quê người/ Nhìn về cố quốc cách vời trùng dương/ Càng nhìn càng nhớ, càng thương/ Càng mong Tổ quốc thịnh cường vẻ vang/ Càng căm những kẻ gian ngoan/ Nghe lời bọn Mĩ phá ngang hòa bình.
Trong công cuộc chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vấn đề cấp thiết đặt ra là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tất cả hướng về tiền tuyến. Năm 1960, khi nói chuyện về vấn đề “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”, Hồ Chí Minh khéo léo nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ cả nước: Trăm năm trong cõi người ta/ Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/ Mừng xuân, xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân.(4) Thực hành tiết kiệm được Hồ Chí Minh gắn với công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước. Người từng khẳng định: “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sự sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỉ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn. Cần phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí ấy.”(5) Tiết kiệm là yêu nước, là nhiệm vụ chung của mọi gia đình và xã hội. Mỗi việc làm tiết kiệm trong những ngày tết, ngày hội chính là hành động cụ thể, thiết thực nhất.
Với kẻ thù, Hồ Chí Minh cũng thường sử dụng lẩy Kiều để vạch mặt âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chúng. Tháng 2 năm 1955, Người đã khẳng định bộ mặt xấu xa của đế quốc Mĩ khi nhúng tay phá hoại hòa bình của Việt Nam. Trước mắt khẳng định thực dân Pháp đã bị ra rìa, sau là dự đoán về những kẻ bám đuôi đế quốc Mĩ ắt phải chịu kết quả như vậy: “Mĩ đã hất cẳng Pháp về mặt chính trị và quân sự, nay lại hất cẳng Pháp về mặt kinh tế. Pháp theo Mĩ, kết quả như thế đó. Vậy có thơ rằng: Trách mình thôi chớ trách ai/ Càng theo đuôi Mĩ, càng tai họa nhiều.”(6) Hay Lăm le cướp nước người ta/ Bọn đế quốc Mĩ thật là dã man/ Quyết lòng gìn giữ giang san/ Đồng bào Nam Việt muôn vàn văn minh.(7)
Cùng với vạch tội ác kẻ thù, Hồ Chí Minh còn tranh thủ làm công tác binh vận, địch vận. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, điều đó được thể hiện thông qua việc tuyên truyền, vận động, tranh thủ, lôi kéo những người Việt Nam vì những lí do khác nhau đang cầm súng, làm việc cho Mĩ, ngụy trở về với dân tộc, đứng lên cùng nhân dân chống xâm lược và bè lũ tay sai phản động. Với những người lính bên kia chiến tuyến, trong “Thư gửi binh sĩ thuộc chính quyền miền Nam”, Người vạch rõ bộ mặt lừa bịp của đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm khi tiến hành chiến tranh, chia cắt đất nước. Bác dẫn ra những tấm gương giác ngộ, dám đứng lên chống lại cái xấu, cái ác; giúp quân giải phóng giành thắng lợi ở Hiệp Hòa, Kon Tum, Vĩnh Long… Để rồi thúc giục những người lính bên kia chiến tuyến hành động vì lợi ích của đất nước: Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.(8)
Để tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, Hồ Chí Minh cũng tích cực vun đắp, xây dựng tình đoàn kết quốc tế. Đoàn kết quốc tế là nhân tố thường xuyên và quan trọng giúp cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Tinh thần đoàn kết quốc tế “anh em” được khẳng định trong suốt chiều dài cách mạng của dân tộc ta.
Đại hội Đảng lần thứ III diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960 tại Hà Nội, tham dự đại hội, ngoài các đại biểu đại diện cho các đảng viên trong cả nước còn có sự góp mặt của hơn 16 đảng cộng sản và các tổ chức quốc tế khác. Trong không khí đoàn kết quốc tế, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Các đồng chí đã vì tình nghĩa quốc tế cao cả mà đến dự đại hội của chúng ta và mang đến cho chúng ta tình thân ái của các đảng anh em. Thật là: Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em.”(9) Cách lẩy Kiều của Hồ Chí Minh đem lại không khí văn chương gần gũi, thân mật, thú vị, tăng hiệu quả ngoại giao.
Ngày 10 tháng 3 năm 1963, trong buổi tiếp đón nhà vua Lào Xri Xavang Vatthana, Hồ Chí Minh phát biểu về sự gắn bó, gần gũi giữa hai quốc gia: Bức tường nô lệ chắn ngang/ Tuy trong gang tấc, gấp ngàn quan sơn…/ Bấy lâu cách trở quan hà/ Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau.(10) Có thể thấy, vận dụng lẩy Kiều trong công tác tuyên truyền của Hồ Chí Minh vừa đạt được hiệu quả ngoại giao vừa góp phần giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc đến các quốc gia trên thế giới.
Vận dụng lẩy Kiều là hướng tiếp cận độc đáo, thể hiện sự linh hoạt của Hồ Chí Minh, mang đến màu sắc mới trong công tác tuyên truyền. Học tập và làm theo cách thức này của Bác sẽ đặc biệt có ý nghĩa trong việc bồi đắp nền tảng văn hóa dân tộc cho những cán bộ làm công tác tuyên truyền, hướng tới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của Quân đội trong thời kì mới
(VNQĐ)
Chú thích
1, 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.134 và tr.296.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, sđd, tr.243.
3, 4, 9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, sđd, tr.238, tr.441 và tr.670.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, sđd, tr.500.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, sđd, tr.397.
8, 10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, sđd, tr.238 và tr.45-46.