Bác Hồ ở trong tim - Huỳnh Lê
Một ngày đầu tháng 5, tôi tìm gặp nhạc sĩ, NSƯT Thanh Anh tại nhà riêng nằm yên bình trong khu cư xá sĩ quan Quân khu 5. Ông vẫn vậy, nét mặt hiền từ và nụ cười luôn hiện hữu trên môi. Đi bộ đội từ rất sớm, trở thành lính chiến tại khu vực Bắc Tây Nguyên khi 16 tuổi. Nhờ có năng khiếu văn nghệ, ông trở thành diễn viên múa của đoàn Văn công Trung đoàn 120 rồi Đội trưởng múa Đoàn Văn công bộ đội liên khu 5 tập kết ở miền Bắc. Năm 1961, từ miền Bắc, ông vào chiến trường B1 (khu 5) làm Trưởng đoàn Văn công quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Những năm tháng ngược xuôi gian khổ này, ông sáng tác nhiều nhất với chất men tạo nên ca khúc được lấy từ chiến trường ác liệt.
Dù có rất nhiều tác phẩm để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả như Cô du kích Đà Nẵng, Du kích nhân dân, Tải đạn ra chiến trường, Lính trẻ công binh hát, Ký ức đồng đội, Xe về tiền phương, Sông Hàn vẫn đợi, Đà Nẵng thành phố tôi yêu, Nồi cơm mẹ Thứ, Em đi thồ, Nộp gạo nuôi quân, Anh là chim đầu đàn… nhưng nhạc sĩ Thanh Anh vẫn trăn trở mỗi khi nhắc đến quá trình sáng tác của mình về Bác Hồ. Ông tâm sự, là nhạc sĩ, ai cũng muốn viết về Bác và viết hay, viết khỏe, không phải để khán giả biết đến, mà để thỏa lòng yêu kính, tôn thờ vị lãnh tụ của dân tộc. Nhưng làm sao để viết về Người thật gần gũi, nhưng cũng thật lớn lao, là điều khiến ông trăn trở mỗi khi chắp bút.
Cũng theo nhạc sĩ Thanh Anh, cái bóng quá lớn từ một số ca khúc hay về Người như Trông cây lại nhớ đến Người của Đỗ Nhuận, Đôi dép Bác Hồ của Văn An, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Ngày thống nhất Bác đi thăm của Phạm Tuyên, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên của Lê Lôi, Người là niềm tin tất thắng của Chu Minh, Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục, Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Ngôi sao tình yêu của Thuận Yến hay Những bông hoa trong vườn Bác của Văn Dung, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm của Trần Hoàn… khiến ông luôn cảm thấy những sáng tác của mình chưa hay, chưa đạt. Tuy nhiên, là một người lính, ông tâm niệm một điều, viết ca khúc về Bác Hồ cũng là cách tri ân, học theo suy nghĩ, lối sống tích cực của Người, giúp tuổi trẻ dễ thuộc, dễ nhớ để không quên những năm tháng trường kỳ kháng chiến của dân tộc.
Sinh ra, trưởng thành và gắn bó cuộc đời mình với màu xanh áo lính đã giúp Thanh Anh có được cảm xúc gần gũi, chân tình, không gượng ép trước sự hi sinh, mất mát của đồng chí, đồng đội. Trong nhiều ca khúc, lời ca của ông không bóng bẩy, trau chuốt mà đi thẳng vào thực tế, miêu tả chân thực công việc trồng sắn, tỉa bắp, gùi hàng, cõng gạo, đào hầm, đói khát, hành quân, đánh trả quân thù của quân và dân ta. Và, những năm tháng ấy, hình ảnh người lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh được toàn dân tộc xem là người cha già kính yêu, luôn gần gũi, chân tình và giản dị biết bao.
Qua những sáng tác ít ỏi về Người như Tây Nguyên ơn Bác, Bác trồng cây (thơ Trần Căn), Viếng Bác (thơ Nguyễn Nho Thùy Dương), Hành khúc bộ đội cụ Hồ và nhiều bài lồng ghép tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như Dáng đứng kiểm soát viên, Người lính khu 5, Em về Bình Định quê anh…, nhạc sĩ Thanh Anh đã kịp gửi gắm tâm tư, tình cảm của người lính suốt đời gắn bó với lý tưởng cách mạng. Đơn cử, trong Hành khúc Bộ đội cụ Hồ với nhịp đi, khỏe, pha lẫn tự hào, ông đã viết: “Là bộ đội cụ Hồ trọn đời hi sinh cho đất nước. Vì hạnh phúc nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội. Là bộ đội cụ Hồ năm nào cha anh đánh giặt. Từ Điện Biên lẫy lừng đến chiến dịch Hồ Chí Minh… Là bộ đội cụ Hồ bốn mùa mưa đông nắng hạ. Một lòng đi theo Đảng theo con đường Bác đã đi”. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Thanh Anh còn có ca khúc Tây nguyên ơn Bác, trình bày lần đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và nhanh chóng có được vị trí trong đời sống âm nhạc. Bài hát là tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên muốn nhắn gửi rằng “…tình Bác còn cao hơn núi, ơn Bác còn dài hơn sông, lòng Bác cao rộng mênh mông như cả đất trời ta đó…”. Hay như lời thơ nhẹ nhàng, yêu kính của Trần Căn trong bài Bác trồng cây cũng được Thanh Anh chuyển hóa thành công qua giai điệu ngọt ngào, trầm lắng: “Trọn đời Người, Bác chăm chuốt trồng cây. Chẳng quản gian lao, đêm ngày không mỏi. Mặc nắng mưa, mặc phong ba bão nổi. Người trồng cây quên cả mái tóc sương”…
Sau gần 50 năm sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Anh đã viết hơn 200 tác phẩm, trong đó hơn 170 ca khúc phát trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương, được đông đảo quần chúng yêu thích. Những sáng tác của ông phong phú hình thức, đa dạng nội dung, khai thác và vận dụng khá nhuần nhuyễn ngôn ngữ âm nhạc và làn điệu dân ca các dân tộc. Trong đó, nhiều bài hát ra đời nóng hổi hơi thở thời chiến, đậm đà giai điệu khu 5, giàu sức biểu cảm, là nguồn động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến.
Nhạc sĩ Thanh Anh tên thật là Bùi Anh Phò, sinh ra trên quê hương Cát Khánh, Phù Cát (Bình Định). Hầu hết những ca khúc của ông đều bắt nguồn từ sự rung động của trái tim và từ sự cấp thiết cho việc dàn dựng tiết mục cho đoàn văn công hát phục vụ đồng bào. Chia sẻ về tình yêu nghiệp dĩ, ông nói: “Không thể nói tất cả sáng tác đều hay nhưng đó là tấm lòng, là tình yêu của tôi dành cho Bác. Theo tôi, viết về Người, không chỉ đơn thuần là sự nhìn nhận của bản thân về một con người, mà còn là sự chiêm nghiệm, gắn kết từng câu chuyện nhỏ để tạo ra ảnh hưởng lớn”. Có lẽ, đó không chỉ là suy nghĩ của riêng nhạc sĩ Thanh Anh, mà còn là trăn trở của nhiều nhạc sĩ khi chắp bút viết về đề tài Bác Hồ. Một đề tài lớn lao, nhưng vô cùng gần gũi.
H.L