Tư tưởng Hồ Chí Minh từ điểm nhìn đời sống văn hóa nghệ thuật và nghệ thuật dân tộc
Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân (Ảnh tư liệu)
Tư tưởng Hồ Chí Minh với đời sống văn hoá nghệ thuật
Cuộc sống trong điều kiện kinh tế thị trường và mở cửa giao lưu luôn luôn là mặt biến động. Những cái được đi liền với nhiều nghịch lý, sự tăng trưởng ở một số lĩnh vực kinh tế không ngăn nổi sự xuống cấp về đạo đức, sự tha hoá về phẩm chất, về lối sống... Tất cả những điều nghịch lý đó như những đợt sóng va đập vào con thuyền văn nghệ vốn không mấy yên ả.
Trong thực trạng đầy phức tạp đó, đọc lại những trang viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá, văn nghệ, chúng tôi nêu lại và lý giải theo tinh thần mới trong rất nhiều vấn đề nóng bỏng hiện nay.
Một là, “văn hoá của ta còn loanh quanh trong thành phố, chỗ dễ ăn, chứ chưa đến chỗ đồng bào Mèo, đồng bào Mán”.
Câu nói giản dị đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ văn hoá ngày 30/10/1958 đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Đời sống văn hoá của nhân dân đã được cải thiện một bước rõ rệt, nhất là ở các đô thị. Nhưng ngay cả ở đô thị, trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều hiện tượng đáng lo ngại cũng đang làm vẩn đục môi trường văn hoá. Các loại văn hoá độc hại đang truyền bá tràn lan vào tận giường ngủ của mỗi gia đình. Nhiều loại bằng hình, bằng tiếng, sách báo, ấn phẩm có nội dung độc hại đang lưu hành qua con đường nhập lậu.
Điều đáng báo động là đối tượng tiếp nhận văn hoá độc hại số đông là thanh, thiếu niên, học sinh. Hiện tượng tiêu dùng vọng ngoại đã sinh ra tâm lý sùng ngoại, phục ngoại. Giữa lúc đó thì các tác phẩm văn nghệ cách mạng và tiến bộ của nhiều nước đã không còn được ciing chúng quan tâm. Trái lại, những tiểu thuyết ngôn tình; nhiều bộ phim thương mại... thì được giới trẻ vồ vập; những bài hát đầy rẫy những câu thô tục, những âm thanh của loại âm nhạc cụ thể (musique concrète) bắt chước những âm thanh thô kệch ở ngoài đời đang hàng ngày tuồn vào nước ta với mục đích là làm cho lớp trẻ tiếp nhận lối sống tiêu dùng, buông thả.
Trong khi đó, sự hưởng thụ văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Người dân tộc thiểu số không biết tiếng dân tộc mình, không biết hát dân ca dân tộc mình, không mặc y phục dân tộc trong lễ hội, không hát múa những bài hát, điệu múa dân tộc, mà thay vào đó là nhạc xập xình, nhảy uốn éo, bắt chước những giọng hát đặc sệt chất điện tử.
Còn nhân dân ở nông thôn đối xử với văn hoá ra sao? Phần lớn dân cư nông thôn sống dựa vào nông nghiệp, những hủ tục nặng nề trong ma chay, cưới xin, lễ hội còn tồn tại ở một số nơi góp phần làm cho người dân nghèo khó hơn. Đã nghèo, khó thì lấy gì để mua sách, xem kịch, nghe nhạc? Ở nhiều vùng, một bộ phận thanh niên thiếu phương tiện thông tin, sách báo, thời gian rỗi thường tụ tập ở quán rượu, hát karaoke, gây lộn, v.v... để giải trí.
Hai là, vấn đề văn nghệ phản ánh hiện thực.
Văn hoá nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống và tái tạo cuộc sống. Theo lý luận phản ánh nghệ thuật và cuộc sống là hai phạm trù vừa không hoàn toàn trùng khít, vừa không đối lập nhau. Sức mạnh của chúng là ở sự thống nhất. Hoạt động nghệ thuật để cải tạo con người - là nhờ tác phẩm nghệ thuật không tách rời cuộc sống, trái - phản ánh cuộc sống một cách có nghệ thuật. Khẳng định lại điều này để ngăn ngừa những quan niệm cực đoan đã từng nảy sinh trong lịch sử văn nghệ: đòi “giải phóng” nghệ thuật khỏi sự thất khách quan và tuyệt đối hoá vai trò chủ thể sáng tạo; coi sáng tạo nghệ thuật cũng giống như sản xuất hàng hoá, coi thường đặc trưng nghệ thuật, biến tác phẩm thành “tấm gương chết”....
Tuy nhiên, phản ánh hiện thực như thế nào là một vấn đề chưa dễ thống nhất. - Để định hướng cho sự sáng tạo hiện nay, chúng ta cần nhắc lại và hiểu đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ nghệ thuật: “Có những người, những việc vô cùng anh dũng, oanh liệt. Đó là những “đề tài” cực kỳ phong phú để cổ vũ đồng bào ta và để giáo dục con cháu ta.
Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn những người, những việc ấy, bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác, vv...”.
Từ lời dạy của Bác Hồ, chúng ta thấy: Đối với sáng tạo văn nghệ, Bác rất tôn trọng cá tính sáng tạo của nghệ sĩ. Chưa bao giờ Bác dùng chữ phải (miêu tả cho hay...), vì sáng tạo là tự nguyện chứ không thể bắt buộc, lại càng tránh cưỡng bức, là đòi hỏi quá trình nuôi dưỡng cảm hứng chủ đạo, sự tự do lựa chọn đề tài và sự xuất hiện cảm hứng phản xạ. Bác hiểu rõ chức năng thẩm mỹ trong sáng tạo. Bác yêu cầu: miêu tả cho hay (hoặc cho đẹp, cho khéo...); nghệ thuật trước hết là nghệ thuật, thơ cho ra thơ...
Phẩm chất chính trị thế hiện rõ nhất trong văn nghệ chính là người nghệ sĩ phải có tác phẩm hay, đẹp, không hay không đẹp thì người đọc, người xem cũng quên luôn danh hiệu của tác giả. Miêu tả cho chân thật. Muốn miêu tả cho chân thật thì điều kiện tiên quyết là người nghệ sĩ phải có “tình cảm chân thật”, “nói lên được tình người” và “phát huy tốt cách dân tộc”; còn tác phẩm nên “có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi.
Khi chưa xem thì muốn xem, xem thì có bổ ích”. Còn câu này, có lẽ là lời Bác căn dặn các nhà lý, các nhà chỉ đạo văn nghệ: “Chớ gò bó họ vào khuôn, làm mất vẻ sáng tạo...”. Miêu tả cho hùng hồn mà Bác nói ở đây là khẳng định mạnh mẽ những người lao động bình thường, miêu tả sâu sắc nội tâm, tâm lý những con người mới, việc mới, đồng thời cũng phải phê phán rất nghiêm khắc những cái xấu xa của xã hội cũ như lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu...
Người nghệ sĩ có thể tìm thấy ở đây cái chung, dù phản ánh mảng hiện thực nào, đối tượng nào... Đó là chủ nghĩa nhân văn đọng lại trong tác phẩm xuất phát từ lòng bao dung, nỗi trắc ẩn của bản thân nghệ sĩ, dù có nói đến cái xấu, cái ác cũng vì cái đẹp, điều thiện. Và qua đó, nghệ sĩ mở lối thoát cho con người đấu tranh nhằm chiến thắng cái ác, cái xấu và để sống tốt hơn.
Văn học nghệ thuật xưa nay không hề chấp nhận những ý đồ cá nhân, những tâm địa hằn học đồng bào, đồng sự, thậm chí những mục đích biến tác phẩm thành nơi công kích, bôi đen chế độ với mục đích chính trị đen tối. Văn học nghệ thuật dân tộc ta cũng xa lạ với những ấn phẩm suy đồi, bệnh hoạn với ý đồ đem tâm hồn thác loạn làm lây lan và vấy bẩn sang người khác.
Văn hoá nghệ thuật phản ánh đời sống chính trị là phản ánh con người. Con người trong mối quan hệ tổng hoà mới có nhữngphẩm chất tương ứng với những đòi hỏi của thời kỳ mới.Đó là những con người có cá tính riêng, có nhu cầu sáng tạo và luôn hướng tới tâm cao trí tuệ.
Trong lý luận, phê bình văn học nghệ thuật có nhiều nhà lý luận nêu lại vai trò của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bất cứ văn nghệ sĩ nào, dù ý thức hay vô ý thức, dù muốn hay không muốn, đều để lại dấu ấn phương pháp đó trong sáng tác của mình. Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là kết quả của sự tìm tòi của cả một tập thể các nhà mỹ học, nhà văn có tên tuổi. Nhờ nó mà nhiều nền văn học đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm cổ điển và nhiều văn nghệ sĩ tài ba.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và viết về nghệ thuật dân tộc không nhiều. Sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ mới choán hết tâm trí và hành động của Người. Tuy vậy, những gì còn lại qua những trang viết trực tiếp hay gián tiếp của Người về nghệ thuật của cha ông ta, đặc biệt là về phương pháp luận và quan điểm lịch sự cụ thể của Người, được coi là những cơ sở quan trọng để khảo sát nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Có một phép biện chứng độc đáo ở tư tưởng Hồ Chí Minh, phép biện chứng đã trở thành công cụ để nhận thức và cải tạo thế giới. Người nhắn cán bộ phải coi trọng việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là những chân lý phổ biến, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn Việt Nam thì phải sáng tạo, học để làm, lý luận phải đi đôi với thực tiễn. Từ chuyện to như xây dựng đường lối cách mạng đến chuyện nhỏ như ứng xử hàng ngày với nhau đều phải có lý, có tình.
Như đã trình bày ở trên, trong sáng tạo nghệ thuật, Bác chưa bao giờ dùng chữ phải (miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn...), vì sáng tạo nghệ thuật là tự nguyện, tối kỵ sự cưỡng bức. Là đòi hỏi quá trình nuôi dưỡng cảm hứng chủ đạo, sự lựa chọn đề tài, thi pháp, phong cách... tóm lại là sự tôn trọng cá tính sáng tạo của nghệ sĩ. Nhưng, trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát thì cách tiếp cận của Bác có phần nguyên tắc.
Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1957), sau khi hỏi những người phụ trách về việc khai thác vốn truyền thống dân tộc, Bác nhắc: “Có trước mới có sau, có cũ mới có mới, nhưng không nên nệ cô. Bây giờ là thời đại cách mạng phải nhanh, phải cải cách”. Về sau, mỗi lần gặp các nghệ sĩ Bác đều không quên câu chuyện bảo tồn giá trị của nghệ thuật dân tộc.
Vì sao Bác Hồ quan tâm đến bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc đến vậy? Vì đó là những công đoạn quan trọng nằm trong quá trình tiến hành quy luật kế thừa nghệ thuật dân tộc. Cơ chế kế thừa trong nghệ thuật hoàn toàn khác cơ chế kế thừa trong sinh học, nó phức tạp hơn nhiều, liên quan tới nhiều công đoạn khảo sát, nhiều bộ môn khoa học. Đó là chưa kể đến những chủ thể khảo sát và sáng tạo bao gồm nhiều thế hệ, được đào tạo và hình thành không giống nhau, xuất thân từ nhiều địa phương khác nhau, in đậm dấu ấn sắc thái văn hoá vùng...
Bác Hồ có một câu nói vừa mang ý nghĩa đánh giá vừa như dặn dò những người làm nghệ thuật thông qua hai nghệ sĩ tuồng bậc thầy Nguyễn Nho Tuý và Ngô Thị Liên: “Nghệ thuật tuồng hay đấy! Nhưng phải phát triển, đừng giẫm chân tại chỗ, chớ gieo vừng ra ngô”?. Câu nói này có bốn ý chính làm nổi rõ tiến trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc.
Nghệ thuật tuồng hay đấy! Khẳng định giá trị thẩm mỹ, vốn là đặc trưng cơ bản của “tác phẩm nghệ thuật”. Nhưng phải phát triển: nguyên lý bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc với một hệ thống nối tiếp nhau, bổ sung cho nhau: sưu tầm, lưu giữ, chỉnh lý, thử nghiệm, biểu diễn, giáo dục, phổ biến tri thức của loại hình cho công chúng mới. Đừng giẫm chân tại chỗ: chống bảo thủ, trì trệ trong cách tân. Chớ gieo vừng ra ngô: nguyên lý cải biên, cách tân, trên cơ sở tri thức và tài năng sáng tạo, nhu cầu thị hiếu của lớp công chúng mới.
Phép biện chứng trong quan hệ đối với văn nghệ được Bác Hồ vận dụng linh hoạt, nhưng chỉ trên cơ sở đặc thù nghệ thuật. Để phản ánh cuộc sống mới, con người mới một cách chân thật, hùng hồn, có tính người, Bác yêu cầu mô tả cho hay (hoặc cho đẹp, cho khéo). Qua những câu này, Bác lưu ý những nhà sáng tạo và những người thưởng thức nghệ thuật chú ý hàng đầu tới chức năng thẩm mỹ. Nói như vậy không có nghĩa là phi chính trị. Phẩm chất chính trị cao nhất trong sáng tạo chính là nghệ sĩ phải có tác phẩm hay, đẹp.
Trong quan hệ với nghệ thuật của các dân tộc khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm được lôgic biện chứng giữa các dân tộc và cái quốc tế. Đến dự khai mạc hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/1946, Người nói câu nổi tiếng: “Phải phát triển cái hay cái đẹp của dân tộc, tức là cùng đi tới chỗ nhân loại”; “Chúng ta không chịu vay mà không trả”. Hơn mười năm sau, tại Hội nghị Cán bộ văn hoá ngày 28/2/1957, Người nhắc lại: “Việc phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc (nhưng tránh phục cổ một cách máy móc) và việc học tập văn hoá tiên tiến của các nước (trước hết là các nước bạn) chưa làm được nhiều”.
Nói chuyện với vợ chồng nhà văn, dịch giả người Đức Irênê Phabe nhân dịp Truyện Kiều được xuất bản ở nước Đức, Bác Hồ nói: “Những người cộng sản chúng ta rất quý trọng di sản cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ bắt nguồn từ ngọn núi di sản cổ điển. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống dân tộc của cha ông”. Như vậy, cái dân tộc và cái quốc tế trong nghệ thuật là hai dòng suối gặp nhau ở một thung lũng, là hai cánh của con chim đại bàng, mà thiếu một thì không có cuộc bay như một nhà thơ lớn Xô Viết đã từng ví von. Có điều, cái dân tộc là gốc, là bản sắc, là bản lĩnh.
Quan điểm lịch sử cụ thể trong khảo sát, đánh giá các hiện tượng nghệ thuật
Nghệ thuật là sự chưng cất mọi giá trị của dân tộc và của nhân loại, là sự trầm tích của lớp tri thức của nhiều thời đại, của trăm nghìn khuynh hướng, vừa là sự cách tân không ngừng các giá trị cho phù hợp với nhu cầu của thời đại. Hiểu như vậy thì tính bao dung văn hoá, văn hoá không chấp hận thù, văn hoá tôn trọng sự khác biệt về bản sắc... giúp chúng ta hiểu được những luận điểm của V. I. Lênin về tiếp nhận một phần văn hoá tư sản, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự hoà đồng văn hoá.
Ngay từ đầu năm 1908, Lênin viết: “Tôi cho rằng, người nghệ sĩ có thể tìm thấy cho mình nhiều điểm có lợi trong bất cứ triết học nào”. Cũng từ rất sớm, Hồ Chí Minh viết: “Học của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tự dưỡng đạo đức - Tôn giáo của Giêsu có ưu điểm là lòng bác ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội... Tôi cố gắng là người học trò của các vị ấy” (Nho giáo xưa và nay – Phan Văn Các). Trên đây không phải là sự hợp lưu vô nguyên tắc hay là con số cộng chủ nghĩa triết trung, mà là hiện tượng hoà đồng văn hoá của thời đại. Những hạt nhân hợp lý của các triết thuyết sẽ tồn tại, khi chúng ta biết “phát triển nó; không phải là thay nó bằng một sự đối lập khác, phiến diện, mà là đưa nó vào một hệ thống cao hơn”.
Nói đến nghệ thuật dân tộc hôm nay là nói đến những phẩm chất của nó, trong đó có tính đảng. Nội dung của tính đảng hay tính đoàn thể được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (1947), trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá 1 trường Nguyễn Ái Quốc (1957) và trong bài Xem viện bảo tàng Cách mạng (1959) là thống nhất, tức là đặt lợi ích của Đảng trên lợi ích cá nhân, là đạo đức của cán bộ và nhân dân của đảng viên và người chưa vào Đảng. Tính đảng là nguyên tắc đạo lý của con người, nhất là của nhà mácxít. Như vậy, tính đảng là động cơ, động lực, là sự thôi thúc bên trong. Trong sáng tạo nghệ thuật, có một thời kỳ chúng ta hiểu sai tính đảng, coi như một sức mạnh bên ngoài áp đặt cho chủ thể sáng tạo, nhất là cho các nhà phê bình, nên ít đưa lại hiệu quả xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật dân tộc còn được thể hiện ở phép biện chứng giữa đặc điểm dân tộc và giá trị phổ biến nhân loại, giữa cốt cách dân tộc và tinh hoa thế giới; giữa truyền thống hiếu học của dân tộc và gia tài văn hoá của nhân loại. Chúng có quan hệ hữu cơ với nhau, làm phong phú lẫn nhau. Khi Bác cảnh báo: “Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng người nước ngoài...” là Người không chỉ nói lên một sự thật không hay lâu nay của nhà nghiên cứu đối xử với văn hoá dân tộc bởi vì không hiểu hết các giá trị, nhất là những giá trị thật, giá trị tiền ẩn do lớp bụi thời gian phủ mờ thì làm sao nhà khảo sát có thi tìm được những “vốn quý báu” nằm rải rác kết chặt trong các loại hình, thể loại nghệ thuật. Vấn đề còn lại ngoài sự đòi hỏi cần có phương pháp nghiên cứu đúng đắn, còn là “nhân tâm thế đạo” của nhà nghiên cứu.
(arttimes.vn)