Bác Hồ với Đà Nẵng và đất Quảng

18.05.2025
Trần Nguyên Hậu
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), bài viết này hồi tưởng lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XX để tìm hiểu mối quan hệ giữa Bác Hồ với Đà Nẵng nói riêng và với đất Quảng nói chung.

Bác Hồ với Đà Nẵng và đất Quảng

Trước hết hãy bắt đầu bằng con đường chạy dọc theo vịnh Đà Nẵng mang tên Nguyễn Tất Thành. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng ba lần đặt chân đến Đà Nẵng nói riêng và đến đất Quảng nói chung từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Lần thứ nhất, Nguyễn Tất Thành (lúc đó còn mang tên Nguyễn Sinh Cung) theo cha là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào Quảng Nam thăm thầy học cũ của cha là cụ Mã Sơn Trần Đình Phong (người Nghệ An đang làm Đốc học Quảng Nam, thầy học của Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) - thời điểm cụ thẻ là sau khi Nguyễn Sinh Sắc và Phan Châu Trinh cùng thi đỗ Phó bảng khoa thi năm Tân Sửu 1901. Lần thứ hai vào năm 1908, Nguyễn Tất Thành theo bạn là Lê Đình Dương về thăm quê Lê Đình Dương ở làng La Kham (nay thuộc xã Điện Quang thị xã Điện Bàn) - sau khi tham gia đoàn biểu tình của nông dân Thừa Thiên trong vụ Trung Kỳ dân biến. Lần thứ ba vào năm 1910, Nguyễn Tất Thành ghé lại Tourane hai hôm trên đường từ Huế vào Phan Thiết dạy học ở trường Dục Thanh (sau đó ngày 26 tháng 2 năm 1911, cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng xuống tàu tại Tourane để vào Phan Thiết gặp con. Xét mối quan hệ giữa Bác Hồ với đất Quảng trên phương diện đất và người thì quả là không đáng kể bằng Bác Hồ với Nghệ An nơi Bác chôn nhau cắt rốn, không đáng kể bằng Bác Hồ với đất Huế cố đô nơi Bác từng học trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba và trường Quốc học, là nơi Bác phải chịu tang mẹ hồi năm 1901, cũng không đáng kể bằng Bác Hồ với Phan Thiết nơi Bác ngồi dạy học. Nhưng nếu xét mối quan hệ giữa Bác Hồ với đất Quảng trên phương diện người và người thì có thể nói đây là dấu ấn rất sâu đậm trong quá trình hình thành nhân cách của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Đương thời đất Quảng là trung tâm của phong trào Duy tân mà cũng là trung tâm của phong trào Đông du cả nước (thủ lĩnh thực sự của Đông du là một người Quảng - Tiểu La Nguyễn Thành). Người Quảng sôi nổi cắt tóc ngắn, vận âu phục, mở trường học duy tân, mở hiệu sách Đức An ở Hội An và mở hiệu buôn với chủ trương lấy hiệu buôn nuôi trường học. Đồng thời người Quảng cũng khởi sự Trung Kỳ dân biến năm 1908. Một sĩ phu Hà Tĩnh đương thời là Nguyễn Hàng Chi đã viết truyền đơn ca ngợi Trung Kỳ dân biến: “Đáng mến phục thay dân Quảng Nam, đáng kính trọng thay dân Quảng Nam, đáng học tập thay dân Quảng Nam! Lòng chuyên nhất như thế, chí kiên trì như thế, hành động quang minh như thế! Họ muốn chết mà chưa chết được càng làm cho chúng ta ngưỡng mộ, sùng bái và khen ngợi mãi mãi!”. Trung Kỳ dân biến mà trung tâm là đất Quảng đã tác động trực tiếp đến nhiều học sinh Quốc học như Lê Đình Dương và Nguyễn Tất Thành. Đó là ấn tượng sâu sắc đầu tiên của Nguyễn Tất Thành về người Quảng, cho nên Nguyễn Tất Thành đã đi cùng Lê Đình Dương về thăm đất Quảng. 

Ta thường nói năm 1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ra đi đây tức là ra nước ngoài, là xuất dương. Đương thời có hai con đường xuất dương của những người Việt Nam yêu nước: Đông du - đi về phía Đông và Tây du - đi về phía Tây. Là người quê Nghệ An, con một nhà nho yêu nước, Nguyễn Tất Thành rất có khả năng được chọn đi về phía Đông, qua Nhật từ những năm 1903, 1904, 1905 lúc phong trào Đông du đương thịnh. Nhưng Nguyễn Tất Thành đã vào học tiểu học Pháp-Việt Vinh (năm 1905) rồi tiểu học Pháp-Việt Đông Ba (năm 1906) theo lời khuyên của một người Quảng: Phan Châu Trinh (hai cụ Nguyễn Sinh Sắc và Phan Châu Trinh cùng học một thầy, cùng thi đỗ phó bảng một khoa, rồi kẻ trước người sau cùng giữ chức Thừa biện Bộ Lễ). Đây là tiền đề rất quan trọng của một hướng chọn đường khác: Đi về phía Tây, đến với phương Tây, sang Pháp.

Đi về phía Tây, đến với phương Tây, sang Pháp là hướng chọn đường của Phan Châu Trinh, khác với đi về phía Đông, đến với phương Đông, sang Nhật sang Tàu là hướng chọn đường của Phan Bội Châu. Nếu chọn đi theo con đường Đông du của Phan Bội Châu có lẽ Nguyễn Tất Thành đã có một số phận lịch sử khác (vào học các trường quân sự ở Nhật và phần lớn hy sinh trong các cuộc bạo động không thành). Nguyễn Tất Thành trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vì Người đã chọn đi theo Tây du của Phan Châu Trinh. Có thể nói Phan Châu Trinh có ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Tất Thành. Cụ Phan rất yêu quý Bác Hồ và Bác Hồ cũng rất nể phục và kính trọng cụ Phan, không chỉ vì cụ là bạn của cha mình mà bởi cụ còn là người thầy trong đấu tranh cách mạng (Bác Hồ gọi cụ Phan gọi là bác và xưng cháu - cuồng điệt).

Đi theo con đường Tây du của Phan Châu Trinh, xem cụ Phan là người thầy trong đấu tranh cách mạng nhưng Nguyễn Tất Thành sẽ chỉ là Nguyễn Tất Thành thôi nếu cuối cùng Bác không tự chọn cho mình được một lối đi riêng. Cùng đi trên con đường yêu nước nhưng Phan Bội Châu đi về phương Đông còn Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành đi về phương Tây. Cùng đi về phương Tây nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn khác Phan Châu Trinh: Nguyễn Tất Thành yêu nước đã trở thành người cộng sản Nguyễn Ái Quốc, đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản (Luận cương đến và Người đã khóc - Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin - thơ Chế Lan Viên).    

Khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ cũng rất gắn bó với nhiều người Quảng, trong đó sâu đậm thân thiết nhất là hai người: Huỳnh Thúc Kháng và Hoàng Hữu Nam tức Phan Bôi. Huỳnh Thúc Kháng cũng như Phan Châu Trinh là bạn đồng khoa của Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Bác Hồ. Cụ Huỳnh là một nhà trí thức uyên thâm Hán học, một nhân sĩ yêu nước. Nếu Cụ Huỳnh tham gia Chính phủ Liên hiệp thì rất có lợi cho uy tín của Chính phủ cho nên Bác Hồ muốn mời Cụ tham chính, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bác Hồ rất kính trọng và tin cậy Huỳnh Thúc Kháng, giao cho Cụ chức vụ Quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp. Câu “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là của Cụ Hồ nói với Cụ Huỳnh ở sân bay Gia Lâm trước khi lên máy bay.

Cụ Huỳnh làm Bộ trưởng Nội vụ bên cạnh một người thanh niên đồng hương Quảng Nam là Phan Bôi lúc ấy lấy bí danh là Hoàng Hữu Nam. Phan Bôi chính là người cán bộ cách mạng đang diễn thuyết thì bị Pháp vây bắt và được Lý Tự Trọng đi theo bảo vệ giải vây. Hoàng Hữu Nam được Bác Hồ tin cẩn và quý mến tài năng, là người tham mưu cho Bác về nhiều quốc gia đại sự, nhất là về công tác cán bộ (21 lần Bác Hồ viết thư trao đổi với Hoàng Hữu Nam). Tháng 4 năm 1947, khi Phan Bôi bị tai nạn chết đuối trên sông Lô ở Tuyên Quang, Bác Hồ rất buồn và đã khóc vì tiếc thương. Gần như cùng lúc Bác Hồ mất đi hai người cộng sự Quảng Nam, vì thời điểm này Cụ Huỳnh thay mặt Chính phủ đi kinh lý các tỉnh miền Trung cũng lâm bệnh và từ trần tại Quảng Ngãi. Vì từng là nguyên thủ quốc gia nên khi mất, Cụ Huỳnh được Bác Hồ cho tổ chức quốc tang. Có lẽ cụ Huỳnh là người Quảng đầu tiên ở vị trí nguyên thủ quốc gia dẫu chỉ trong một thời gian ngắn.

Sau khi đất nước thống nhất, một người Quảng khác là Võ Chí Công cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1953, Võ Chí Công từ chiến trường Liên khu 5 ra Việt Bắc để dự hội nghị toàn quốc thông qua Luật Cải cách ruộng đất, lần đầu tiên được gặp Bác Hồ và cũng đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với Bác. Năm 1985, Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành tập sách Những lần gặp Bác. Sáng 17 tháng 5 năm 2005, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức gặp mặt nhân chứng từng được gặp Bác Hồ. Những người Quảng đã trực tiếp gặp Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc chắc cũng không nhiều, mà phần lớn cũng là người thiên cổ. Có một người thuộc thế hệ đảng viên từ năm 1930 là cụ Phan Thêm tức Cao Hồng Lãnh (1906-2008, quê Hội An, con ông Phan Ngọc Cư, chủ hiệu sách Đức An) được gặp Bác Hồ từ khi sang dự lớp huấn luyện cán bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu. Còn có thể kể thêm một vài người như vậy nữa: Đỗ Quang, Lê Quang Sung cũng đã từ trần từ lâu.

Số người Quảng đã trực tiếp gặp Hồ Chí Minh đông hơn, có lẽ lên đến hàng ngàn, trong đó ngoài Võ Chí Công, có thể kể một số tên tuổi như Nguyễn Thị Bình (gặp Bác tháng 12 năm 1954), Phan Tứ (gặp Bác năm 1967) là các cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh, như các Anh hùng Trần Thị Lý (Người con gái Việt Nam gặp Bác tháng 11 năm 1958), Trần Dưỡng (gặp Bác tháng 12 năm 1965 sau Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ I), Huỳnh Thúc Bá (gặp Bác tháng 3 năm 1969)... Có một Anh hùng người Quảng chưa từng được gặp Bác nhưng đã để lại trong lòng Bác những tình cảm thân thương: Nguyễn Văn Trỗi. Khi cuốn truyện ký Sống như Anh của Trần Đình Vân được xuất bản, chính Bác Hồ đã viết vào trang đầu cuốn sách mấy dòng bút tích: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập! - Bác Hồ”.       

Có lần tôi phát hiện chính xác một người đồng hương Quảng Nam trong số mấy chục du khách đứng quanh ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đúng hơn là tôi và anh ta phát hiện ra nhau nơi đất Cao Lãnh xa xăm này. Dấu hiệu để hai chúng tôi cùng nhận đúng cái chân tướng Quảng Nam không phải là chất giọng đặc trưng mô tê răng rứa, bởi mọi người đều đương thành kính lặng im khi nghe cô gái Đồng Tháp thuyết minh bằng giọng nói Nam Bộ rất đỗi dịu dàng về cuộc đời cụ Phó bảng. Chúng tôi nhận ra nhau qua một nụ cười, dẫu hết sức kín đáo nhưng dường như lộ liễu trong mắt nhìn của người đồng cảm, đồng tâm. Ấy là lúc cô thuyết minh trân trọng giới thiệu chiếc đỉnh trầm đặt trước sân lăng. Cùng sờ tay vào dòng chữ khắc trên thân đỉnh: “Làm bằng đá Ngũ Hành Sơn - tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng”, anh ta bảo tôi, bằng giọng đặc sệt Nam Bộ: "Nghe nhắc tới cố hương, mà lại ở cái phần đóng góp độc đáo của Quảng Nam mình, ai hổng khoái chứ!".

Đó cũng chính là tình cảm của người Quảng đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc, cũng là tình cảm của người Quảng đối với Bác Hồ. Nhưng việc gửi đá vào Cao Lãnh làm đỉnh trầm là việc làm trong hòa bình (khởi công tháng 8 năm 1975), còn việc gửi đá, gửi gỗ ra Hà Nội để đóng góp xây dựng Lăng Bác là việc làm trong khói lửa chiến tranh. Khó khăn nhất là việc gửi đá, vì hồi đó Ngũ Hành Sơn vẫn là vùng đich tạm chiếm. Từ tháng 4 năm 1972, Hòa Hải - xã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - đã gấp rút khai thác và vận chuyển 120 phiến đá cẩm thạch kích thước 40cm x 40cm x 2cm vào vùng giải phóng để từ đó vượt Trường Sơn ra Bắc.

*

Từ sau năm 1975, Đà Nẵng đã có Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực III (tiền thân của Học viện Chính trị khu vực III thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay), có Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Quân khu 5 trên đường Duy Tân và sắp đến đây sẽ có tượng Bác Hồ trong khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng - theo mẫu tượng có tên Bác Hồ ngồi phê duyệt văn bản do họa sĩ Nguyễn Văn Huỳnh sáng tác năm 2002 - đang được nỗ lực hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.

T.N.H