Người đi vào từng giấc mơ
“Sẽ thật khó mà tìm thấy một ai đó ở Ấn Độ không nghe, không biết về vị lãnh tụ huyền thoại của nhân dân Việt Nam - Hồ Chí Minh”, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam G.Sác-ma (Geetesh Sharma) đã từng chia sẻ như vậy mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam nói riêng và của nhân dân thế giới nói chung, trong đó có Ấn Độ.
Huyền thoại về Bác trong lòng người dân Ấn Độ
Năm 2014, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam G.Sác-ma đến Hà Nội để giới thiệu tập sách mới, cuốn “Hồ Chí Minh-Vị cứu tinh của Hòa bình, Độc lập và Hạnh phúc (Hochiminh-A Messiah of Peace, Independence and Happiness). Chia sẻ cảm xúc khi nói về cuốn sách này, ông G.Sác-ma cho biết, Bác Hồ đã từng đi vào giấc mơ của ông. Vì thế, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Người, cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh -Vị cứu tinh của Hòa bình, Độc lập và Hạnh phúc” đã ra đời. “Tôi yêu Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã từng xuống đường biểu tình phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, từng hiến máu giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Nhưng mãi đến năm 1984, tôi mới có dịp sang đất nước các bạn. Đến đây, được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về Người, tôi càng thêm kính trọng vị lãnh tụ kiệt xuất này”, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam chia sẻ.
Theo ông G.Sác-ma, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người bạn chân thành và vĩ đại của Ấn Độ. Người đã hai lần đến thăm Ấn Độ vào các năm 1946, 1958 và đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân Ấn Độ về sự ân cần, thân mật, nhân ái, khiêm tốn và giản dị của Người.
Cho đến nay, người dân Ấn Độ vẫn nhớ những câu chuyện về Bác Hồ trong lần đến thăm Ấn Độ năm 1958. Đó là tại buổi mít tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort ở thủ đô Niu Đê-li, các bạn Ấn Độ làm sẵn một cái ghế cho Bác Hồ ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một cái ngai vàng, rất lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ ngày ấy là G.Nê-ru thì chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi Thủ tướng Nê-ru mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó, Bác dứt khoát từ chối. Thấy vậy, Thủ tướng Nê-ru nói: “Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi”. Chứng kiến điều này, hàng vạn người dự mít tinh phía dưới Quảng trường đứng cả lên xem. Hai vị lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, chẳng ai chịu ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Cuối cùng, Thủ tướng Nê-ru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Thấy vậy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới Quảng trường rất cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Cũng trong chuyến thăm này, trong một bữa tiệc do Thủ tướng Nê-ru chiêu đãi Bác Hồ có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng 5 ngón tay để bốc thức ăn. Cả Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng muốn dùng tay bốc thức ăn. Nhưng tại bữa tiệc quốc tế, người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng Nê-ru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon, chứ còn ăn bằng thìa, dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch. Nghe Bác Hồ nói vậy, cả bàn tiệc cười vang làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật.
Sức lan tỏa vượt khỏi biên giới quốc gia
Sự ấm áp, ân tình từ phong thái và tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với bất cứ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, giai cấp…, nó vượt ra khỏi biên giới quốc gia để đến với mọi người.
Chị Kê-dê-la Kiếc Bao, giáo viên Trường Thể dục thể thao thanh niên Rô-tốc (Đức), vốn là một thiếu nhi được đón Bác Hồ ở sân bay Rô-tốc khi Người đến thăm thành phố này ngày 27-7-1957. Nhớ lại những giây phút đẹp đẽ ấy, chị kể: “Thay mặt các đội viên thị trấn Bác-tơ, tôi kính chào vị Chủ tịch Nước, dâng hoa và sung sướng quàng lên vai Người chiếc khăn đội viên màu xanh của tôi. Bác Hồ âu yếm hôn tôi, hôn các đội viên bạn tôi và lần lượt bắt tay những người ra đón. Từ phút ấy cho đến khi Bác cùng đoàn đại biểu lên xe về nhà khách, chúng tôi vẫn được đi bên cạnh Bác Hồ, được Người trìu mến hỏi han. Chúng tôi thưa với Bác về tên tuổi, lớp học, cha mẹ… Tôi thấy Bác rất vui. Bác đột nhiên hỏi chúng tôi: “Các cháu có biết ai là người giàu nhất nước Cộng hòa dân chủ Đức không?”. Chúng tôi suy nghĩ nhưng không thể nào tìm ra câu trả lời để thưa với Bác. Bác cười: “Để Bác nói nhé. Mãi đến gần đây, Bác cũng không biết đâu. Hóa ra chính Bác là Người giàu nhất nước Cộng hòa dân chủ Đức đấy, các cháu ạ! Các cháu xem, hầu như cửa hàng nào cũng có chữ Ho, tên Bác đấy thôi!” (HO chữ viết tắt “Handels organisation” chỉ các cửa hàng quốc doanh ở Cộng hòa dân chủ Đức trước đây)". Kê-dê-la Kiếc Bao thực sự rất bất ngờ và vô cùng thú vị về sự dí dỏm, hài hước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, câu chuyện này được người dân Đức truyền tụng rộng rãi cho đến nay.
Trong số những nhà báo quốc tế từng phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Mác-ta Rô-gia, quốc tịch Cu-ba, là người may mắn nhất vì bà là nhà báo nước ngoài cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người qua đời.
Cuộc phỏng vấn của bà được thực hiện vào tháng 7-1969 tại Phủ Chủ tịch. Hơn 40 năm sau, nhà báo M.Rô-gia vẫn nhớ cuộc phỏng vấn ấy. Bà kể, trước khi gặp Người, thông qua các hình ảnh, bà biết rằng Người hút thuốc. Vì vậy khi sang Việt Nam, bà đã mang theo một chiếc gạt tàn bằng đồng để nếu có được gặp mặt phỏng vấn Người thì đó sẽ là món quà từ đất nước Cu-ba. Nữ nhà báo nhớ lại: "Lúc tôi đưa ra chiếc gạt tàn, đồng chí Hồ Chí Minh nói, bây giờ Người không hút thuốc nữa, nhưng cái gạt tàn vẫn rất hữu dụng. Lúc đó trên bàn làm việc của đồng chí rất nhiều giấy tờ và Người đã dùng chiếc gạt tàn để đựng ghim giấy".
Cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khắc sâu trong trái tim nhà báo M.Rô-gia. Qua cuộc gặp với Người, bà càng thấu hiểu sức mạnh của dân tộc Việt Nam, hiểu sự yêu mến của người dân Việt Nam dành cho nhà lãnh đạo tài ba và nhân hậu. "Hình ảnh Bác Hồ lúc nào cũng rất sống động, Bác ở trong trái tim mọi người và ở cả trong trái tim tôi", nữ nhà báo M.Rô-gia bày tỏ…
Phương Linh