Học cách sử dụng thành ngữ của Bác- Nguyễn Minh Ánh

25.06.2013

Học cách sử dụng thành ngữ của Bác- Nguyễn Minh Ánh

Thành ngữ được các nhà từ vựng học tập trung nghiên cứu về mặt cấu tạo, về nghĩa và cách sử dụng trong các văn bản khác nhau. Thành ngữ còn là đối tượng nghiên cứu của phong cách học bởi sự sinh động và sắc thái tu từ phong phú mà mỗi đơn vị có thể xem như là một bức tranh nhỏ về hiện thực khách quan và được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của quần chúng. Đó là cách nói ví von rất hay, rất có hình ảnh và rất thấm thía.


Theo cách hiểu truyền thống, thành ngữ là những chức năng cụm từ cố định có kết cấu lớn hơn nhưng mang chức năng của từ, có hình ảnh và giàu màu sắc biểu cảm (mèo mả gà đồng/ông chằng bà chuộc/đầu cua tai nheo/ruộng sâu trâu nái/hồn xiêu phách lạc/ cạn tàu ráo máng/đầu bạc răng long v.v...). Dùng thành ngữ có thể biến những khái niệm trừu tượng, khô khan thành những hình ảnh xác thực, dễ hiểu, dễ nhớ. Ngoài sắc thái trung tính như: nhà tranh vách đất, ruộng sâu trâu nái, thắt lưng buộc bụng v.v... thành ngữ còn mang những sắc thái khác. Chẳng hạn, cùng một nghĩa chỉ sự may mắn bất ngờ, nhưng có thành ngữ mang sắc thái dương tính như "chuột sa hủ nếp", "ngã vào võng đào", "buồn ngủ gặp phải chiếu manh" và những thành ngữ có sắc thái âm tính: "chó ngáp phải ruồi", "ăn mày được cỗ xôi gấc"… Có hiện tượng đó là do tính biểu trưng của thành ngữ. Sau khi xác định được tình huống và người đối thoại với mình, người nói lựa chọn thành ngữ để sử dụng cho phù hợp. Thông thường thì trong sự tiếp xúc lần đầu người ta ít dùng thành ngữ mà phải tạo ra một không khí cởi mở, thân thiện, thông cảm với người nghe rồi mới dùng, bởi vì thành ngữ có nhiều ẩn ý có thể bị hiểu sai mục đích nói của người phát ngôn. Thành ngữ được sử dụng rất linh hoạt, có thể dùng nguyên vẹn hoặc chỉ dùng một vài yếu tố để gợi. Chẳng hạn: “Phòng khi nước đã đến chân” hay “Lo gì việc ấy mà lo/Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?” (Nguyễn Du). Trong trường hợp đó, thành ngữ càng thêm bóng bẩy và người nghe có khoái cảm được nhắc gợi vốn ngôn ngữ của mình. Thành ngữ còn khác các từ ngữ tương đương ở chỗ chức năng cú pháp không phải cứng nhắc mà khi thì dùng như một chủ ngữ, khi thì làm vị ngữ và có thể là một bộ phận của câu hay thành một câu (phát ngôn). Vì vậy, thành ngữ là những đơn vị có sẵn trong kho từ vựng nhưng ở dạng tiềm năng và do đó vận dụng hết sức linh hoạt đến mức khó vạch một ranh giới phân định rõ ràng giữa thành ngữ và từ ghép, thành ngữ và tục ngữ. Dân gian sử dụng thành ngữ không phải chỉ với cái vốn sẵn có mà luôn luôn thay đổi và sáng tạo theo mô hình nào đó. Trong quá trình sáng tác, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng góp phần đổi mới và sáng tạo thành ngữ.

 

Trong ngôn ngữ chính luận, thành ngữ là phương tiện sắc bén để diễn đạt và hướng đến mục đích nói một cách có hiệu quả cao nhất. Bác Hồ thường sử dụng thành ngữ dân gian một cách rất linh hoạt, biến hoá. Trong các bài nói, bài viết cũng như khi trao đổi chuyện trò, phong cách ứng xử của Bác Hồ là luôn luôn quan tâm đến người đối thoại - một yếu tố quan trọng dẫn đến hiệu quả cao trong giao tiếp. Nghệ thuật mở đầu câu chuyện, diễn biến giao tiếp cũng như các bài viết luôn gắn liền với việc làm rõ tính mục đích và nội dung được trình bày, trong đó việc sử dụng thành ngữ của Bác hết sức tự nhiên và hợp lý mang sức thuyết phục cao. Khi nói đến cách viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách nôm na: "Trước hết là cần phải tránh cái lối viết "rau muống", nghĩa là lằng nhằng "trường giang đại hải", làm cho người xem như là "chắt chắt vào rừng xanh". Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được  thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn  gàng, chớ  dùng chữ nhiều". Trường hợp này Bác đã sử dụng các từ ngữ tương đương của thành ngữ: "Dây cà ra dây muống", một cách nói rất có hình ảnh mà ai cũng có thể hiểu được điều mà Bác muốn nói. Sinh thời, Người cũng từng nói: "Quần  chúng  là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng, quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa... Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại ngắn, chứ không "trường thiên đại hải", "dây cà ra dây muống". Trường hợp này Bác đã sử dụng một lúc hai thành ngữ: "Dây cà ra dây muống", "trường thiên đại hải"  nhằm có ý nhấn mạnh đồng thời để người nghe dễ hiểu. Ở đây cái mà Bác nhằm đạt tới ở người nghe (và người đọc) chính là cái quy định nội dung và cách thể hiện khi nói (viết). Đó chính là chú ý đến mục đích, đối tượng, phương thức phát ngôn và hoàn cảnh giao tiếp. Bác luôn căn dặn, nội dung của bài nói, bài viết phải có sức tác động đến người nghe, người đọc, nghĩa là phải có sức thuyết phục.

 

Trong một lần nói chuyện với giáo viên, Bác nói: "Bác nghe nói một số giáo viên phàn nàn là không được chính quyền địa phương coi trọng. Người ta có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương". Giáo viên chưa được coi trọng là vì chưa có hương, còn xa rời quần chúng. Có nhiều giáo viên được quần chúng coi trọng, như chiến sĩ thi đua, giáo viên bình dân học vụ, họ cùng với nhân dân kết thành một khối nên được quần chúng yêu mến". Trường hợp này Bác sử dụng thành ngữ "Hữu xạ tự nhiên hương" là rất hợp với đối tượng, và như thế là đã đạt được mục đích nói mà người nghe hết sức dễ chịu. Hoặc, khi để so sánh làm rõ bản chất của đế quốc thực dân: "Bọn trùm đế quốc như tổng Ken đều là: "Khẩu Phật tâm xà; miệng là Bồ tát, bụng là Xatăng!". Trong việc sử dụng thành ngữ, Bác thường truyền đạt thông tin đến người tiếp nhận và luôn quan tâm đến sự lắng nghe của đối tượng. Điều này hầu như thường trực trong tiềm thức của Người, khiến lời nói càng trở nên sinh động và gây được tác động mạnh mẽ đến người tiếp nhận.

 

Trong cách diễn đạt, Bác đặc biệt chú ý đến cách hành văn sao cho dễ hiểu, dễ nhớ và dùng thành ngữ sao cho đắc địa nhất, bởi một từ ngữ, một thành ngữ được dùng đúng chỗ có thể thay thế cho một câu, thậm chí cho cả một đoạn câu, một bài viết. Chẳng hạn như Bác nói: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Trường hợp này giá trị biểu đạt với hàm lượng thông tin rất cao và mang tính khái quát lớn vừa cụ thể lại vừa hình tượng nên câu nói ấy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị thời sự đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. “Trồng người” được dùng như một cụm từ mang tính thành ngữ cao, kết hợp một cách tài tình tạo nên một cụm từ gồm động từ trồng với nghĩa vun xới, chăm sóc… kết hợp với danh từ người là đối tượng được chăm sóc giáo dục.

 

Người cũng đã từng căn dặn: "Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng mới lọt tai quần chúng…" . Sự vận dụng sáng tạo thành ngữ trong giao tiếp, hướng đến người tiếp nhận là mục đích nhằm chuyển đạt những thông tin với hiệu quả cao nhất. Ðạt được điều này cần phải có quá trình rèn luyện và tùy thuộc vào năng lực ngôn ngữ của mỗi người./.

N.M.A