Lấp lánh một tình yêu âm nhạc
Ở tuổi 85, cái tuổi “xưa nay hiếm”, PGS, nhạc sĩ Vĩnh Cát (trong ảnh) vẫn đang tràn đầy nhiệt huyết để chuẩn bị ra mắt đêm nhạc của riêng mình. Đôi mắt ông như sáng lên lấp lánh, giọng nói cũng trở nên hào sảng hơn mỗi khi được chia sẻ về âm nhạc. Thế mới thấy, với người nhạc sĩ lão thành ấy, âm nhạc tựa suối nguồn đam mê tuôn chảy suốt cuộc đời.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934 tại Hưng Yên nhưng sống từ nhỏ cùng gia đình ở Hà Nội. Tài năng sáng tác âm nhạc thiên bẩm của ông khiến không ít người bất ngờ khi ngay từ năm 14 tuổi, lúc còn là diễn viên Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách, ông đã là tác giả của những ca khúc được lựa chọn phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô kháng chiến như Nhớ Bác Hồ, Việt Bắc, Gửi bạn Thủ đô... Năm 1956, ông trúng tuyển khóa đầu tiên Khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Ông tu nghiệp chương trình sau đại học tại Nhạc viện Alma-Ata (Liên Xô cũ). Nhạc sĩ Vĩnh Cát được người yêu nhạc biết đến với nhiều ca khúc để đời như: Ngôi sao Hà Nội, Kỷ niệm trái tim, Hà Nội của ta, Nụ hôn đầu, Sa Pa thành phố trong sương... Nhưng vì luôn trăn trở “Một nền âm nhạc chỉ có ca khúc là nền âm nhạc không đầy đủ” cho nên ông còn đau đáu với khí nhạc, dẫu biết đó là con đường nhiều khó khăn. Nhạc sĩ Vĩnh Cát được coi là một trong những nhạc sĩ góp phần đặt nền móng cho âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam bằng các sáng tác khí nhạc. Ngay từ năm 1958, ông đã có tác phẩm thính phòng pi-a-nô nổi tiếng Tiếng võng ru. Đặc biệt, tổ khúc giao hưởng kịch múa Hái hoa dâng Bác của ông đã trở thành tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Trường Múa Việt Nam biểu diễn mừng sinh nhật Bác lần thứ 70 (19-5-1960). Bên cạnh đó, dấu ấn sáng tác khí nhạc của ông còn được khẳng định với hàng loạt tác phẩm lớn như: Bản giao hưởng số một, Cuộc đối đầu lịch sử, Miền Nam có bông sen trắng, Tuổi trẻ anh hùng, Ngàn năm khoảnh khắc… So với sáng tác ca khúc, viết khí nhạc bao giờ cũng tốn nhiều thời gian, đòi hỏi công sức và tâm huyết nhiều hơn. Song nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có những đêm nhạc giao hưởng của riêng mình và có CD riêng về nhạc giao hưởng phát hành trên thị trường. Đủ thấy, ở lĩnh vực sáng tác âm nhạc, ông là nhạc sĩ tài hoa hiếm có khẳng định được dấu ấn bằng cả ca khúc và khí nhạc.
Còn trên phương diện một nhà quản lý, người ta biết đến nhạc sĩ Vĩnh Cát ở nhiều cương vị như Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Ông cũng là nhà sư phạm âm nhạc nặng lòng với sự nghiệp trồng người, được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư từ năm 1992. Song nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn chỉ muốn nhận mình là “ngôi sao không tên”, giống như lời bài hát ông từng viết: Anh không làm sao Hôm, em chẳng làm sao Mai, chỉ làm ngôi sao không tên, để gần nhau suốt đời. Có thể ví, cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như một bản nhạc với đầy đủ giai điệu, tiết tấu. Và dù là khi còn sung sức hay khi đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, người nhạc sĩ ấy vẫn luôn bền bỉ, lặng lẽ cống hiến cho đời những thanh âm nghệ thuật.
Đến nay, giới nhạc và công chúng hẳn vẫn chưa quên dấu ấn và tiếng vang từ chương trình giao hưởng “Nhạc sĩ Vĩnh Cát với Hà Nội Thủ đô yêu dấu” diễn ra ở Nhà hát Lớn đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhạc sĩ đã tri ân Hà Nội bằng hai tác phẩm công phu dày đến 500 trang tổng phổ: một là công-xéc-tô Đây Sông Hồng - Sông Cái gồm ba chương, một là bản giao hưởng Không chỉ là huyền thoại gồm năm chương. Và sau gần 10 năm, cũng ở thánh đường nghệ thuật này, nhạc sĩ Vĩnh Cát lại muốn tri ân người yêu nhạc bằng một chương trình nghệ thuật độc đáo của riêng mình. Có điều, lần này, ông không chọn khí nhạc mà chọn ca khúc để được thủ thỉ, tâm tình gần hơn với những người yêu nhạc. Diễn ra tối 6-4 tại sân khấu Nhà hát Lớn, Hà Nội, chương trình đánh dấu 85 năm nhạc sĩ Vĩnh Cát được ông đặt tên theo tên một ca khúc nổi tiếng của mình là “Ngôi sao Hà Nội”. Trong vai trò người biên tập âm nhạc, từ hàng trăm bài hát của nhạc sĩ Vĩnh Cát, nhạc sĩ Trọng Đài đã chọn lọc 18 ca khúc để đưa vào chương trình với hai phần “Đất nước” và “Con người” để phần nào khắc họa diện mạo chung của những sáng tác âm nhạc mang tên Vĩnh Cát. Đó không chỉ là khúc ca hào hùng của đất nước trong những năm tháng chiến tranh, xây dựng hòa bình, mà còn là những giai điệu trữ tình sâu lắng của tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa. Chương trình hứa hẹn mang đến những xúc cảm nghệ thuật đặc biệt với sự hòa trộn của dàn nhạc dây, nhạc nhẹ và nhạc dân tộc; cùng sự góp mặt của những ngôi sao thanh nhạc hàng đầu Việt Nam như: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Lan Anh, NSƯT Phạm Phương Thảo, ca sĩ Trọng Tấn, Tùng Dương, Đinh Trang, Phúc Tiệp...
(nhandan.com.vn)