Phan Châu Trinh – Tinh Vệ điền hải

04.03.2015
Có thể thấy Phan là một tác giả có “bút lực” dồi dào. Có lẽ về số lượng, văn nghiệp của ông chỉ xếp sau Phan Bội Châu. Với cuộc đời khép lại quá sớm ở tuổi 54, và khoảng 20 năm (1905–1926) cầm bút, Phan Châu Trinh đã có hàng ngàn trang di cảo, bao gồm nhiều loại: thơ, diễn ca, văn xuôi chính luận, kịch bản tuồng..., bằng cả ba văn tự: chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ. Đáng kể là ông để lại một di sản văn xuôi chính luận hiếm có cả về độ dày cũng như sự sắc sảo

Phan Châu Trinh – Tinh Vệ điền hải

1. Hành trình đến với con đường vận động “khai dân trí”

Ngày 9 tháng 9 năm 1872, cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Tây Lộc, Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, hẳn nhiên Phan Châu Trinh chưa thấu nỗi đau “quốc phá gia vong”, cho dù hơn mười năm trước đó ba tỉnh miền Đông rồi miền Tây Nam kỳ đã lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Nhưng hơn mười năm sau thì cậu bé Phan bắt đầu những trải nghiệm đầu tiên của thân phận bi tráng “vong quốc nô”. Tiếng súng Pháp bắn vào cửa biển Thuận An (1883), tin tức về việc triều đình ký hòa ước công nhận quyền đô hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam từ miền Trung, chắc chắn đã dội đến miền quê của Phan Châu Trinh.

Năm 1885, thất bại trong cuộc kháng cự quá chênh lệch với quân Pháp, quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị rồi về Hương Khê (Hà Tĩnh) phát động phong trào Cần Vương chống Pháp. Phong trào bùng phát khắp Trung, Bắc kỳ, trong đó có cuộc nổi dậy của Nguyễn Duy Hiệu vùng Nam Ngãi – quê hương Phan Châu Trinh. Theo chân cha, một chuyển vận sứ của Nghĩa hội, cậu bé Trinh có những tháng ngày học võ rèn binh trong khu căn cứ. Nhưng hai năm sau, năm 1887, Nghĩa hội tan vỡ, Phan Văn Bình, cha Phan Châu Trinh, chịu một cái chết oan khuất do những rối ren nội bộ, khiến cậu trở lại làng quê, theo nghiệp đèn sách muộn màng. Song có lẽ, trong tâm hồn chất chứa nhiều suy tư của Phan, đã thường trực những tìm tòi khác. Bởi thế, vừa rùi mài kinh sách đeo đuổi cử nghiệp, Phan Châu Trinh vừa tìm kết mối tâm giao với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp - những người đồng chí trong tương lai, vừa lắng nghe những bi âm của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng (1895). Sau kỳ thi Hội, đậu Phó bảng (1901), vào triều làm Thừa biện bộ Lễ, song phần lớn thời gian tại nhiệm, Phan dành cho những cuộc kiếm tìm bạn đồng chí, đọc Tân thư. Và hai năm sau, 1904, Phan từ quan về quê, chính thức dấn thân vào công cuộc tìm đường cứu vong cho cả dân tộc.

Những cuộc vào Nam ra Bắc, xuất dương… trải suốt những năm 1905 đến 1906 của ông nhằm tìm hiểu công cuộc vũ trang chống Pháp (căn cứ của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ở tận núi rừng phía Bắc), nắm bắt thời cuộc trong nước ngoài nước (Trung Hoa, Nhật Bản) đã đưa đến cho ông tiếng “không” quả quyết với xu thế bạo động giải phóng dân tộc, với chủ trương cầu viện ngoại bang. Trong Phan Bội Châu niên biểu hay còn gọi là Tự phán, Phan Bội Châu đã nói những lời gan ruột về mục đích đúc rút những kinh nghiệm xương máu của mấy mươi năm bôn ba lao khổ của mình, rằng: “Chúng ta nên trông bánh xe đã đổ trước, thay đổi con đường thất bại, tìm kiếm con đường thành công, kiếm cái sống trong trăm ngàn cái chết…”[2]. Phan Châu Trinh đã “trông bánh xe đổ” Cần Vương, dõi thất bại của biến pháp Mậu Tuất, của Nghĩa hòa đoàn Trung Hoa, ông đã “kiếm con đường thành công” ở cuộc Duy tân Minh Trị Nhật Bản: “sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong học hành, mở mang trí tuệ” (bài “Hiện trạng vấn đề” viết cho chuyên mục “Tư tưởng của người An Nam” của báo Người tiên phong Đông Dương)[3], hay: “Không bạo động, bạo động tất chết. Không trông người ngoài, trông người ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “chi bằng học”, với chủ trương: “cùng với nhân nhân chí sĩ kỳ thức tỉnh nhân tâm, hợp quần, hợp tác, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đông tay sao mà chẳng vỗ nên bộp” theo hướng “ỷ Pháp cầu tiến bộ”:

Ước chánh trị càng ngày rộng rãi,

Dắt ta theo vào cõi văn minh.

Hiến chương pháp luật ban hành,

Nói năng nghĩ ngợi thỏa tình tự do.

... Cuộc điều dưỡng khắp trong dân sự,

Nẻo giao thông tứ xứ sơn lâm;

Làm cho bá tính yên tâm,

Làm cho sinh kế càng năm càng giàu.

                             ... Hãy xin mở lượng hải hà,

Ra tay tế độ con nhà An Nam.

... Chánh tự trị bắt đầu hứa trước,

Định hạn kỳ phỏng ước mấy năm.

Chủ trương đã có chỉ nam,

Trăm điều tự khỏi lỗi lầm sai ngoa.

Pháp luật dựa Lang Sa làm chủ,

Lợi quyền cùng nghĩa vụ cho cân.

Có viện thay mặt quốc dân,

Có quan trách nhậm đại thần phụng công.

Để ta được vào vòng chánh trị,

Từ hội hè, suy nghĩ, nói năng,

Cũng nên hạn chế có ngằn,

Dắt tay ta để lần lần cho theo.

Niên hạn chẳng kỳ kèo lâu chóng,

Cốt cho ta hiệu phỏng tinh thần,

Quyền vua đổi lại quyền dân,

Chánh cang trước phải vài phần khai minh.

(Tỉnh quốc hồn ca, II)

14 năm bươn trải xứ người, chủ thuyết của Phan Châu Trinh có ít nhiều thay đổi. Ông không chỉ thấu nhận ra rằng: “... trên đời này, làm sao ngọn bút và cái lưỡi của một nho sĩ có thể ngăn được làm sóng dữ?” (Thư viết ngày 10 tháng 3 năm 1912, gửi Lương Văn Can, vị Thục trưởng trường Đông Kinh Nghĩa thục vài năm trước), vốn là một trực cảm của ông ngay những ngày đầu đặt chân lên đất Pháp - xứ sở nhân quyền:

Thử bang đệ nhất dân quyền tổ,

Bách vạn đầu lô cấu tự do.

Tiếu sát thư sinh vô kiến thức,

Mạn tương bút thiệt vãn cuồng lưu.

(Nơi đây xứ gốc quyền dân chủ,

Trăm vạn đầu rơi đổi tự do.

Cười chú học trò khờ khạo quá,

Muốn đem bút lưỡi đuổi quân thù.

(“Lưu Pháp kinh giảng chư lưu huyết chí sĩ đồng tượng hữu cảm khẩu chiếm” – Thơ ứng khẩu nói cảm xúc khi nghe giảng về tượng đồng những chí sĩ đổ máu nhân lúc trú tại kinh đô nước Pháp. Tây Hồ thi tập. Nguyễn Văn Dương dịch)

 

14 năm ấy cũng là thời gian để ông nhận ra: “... bọn mình ở bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng mà kết quả chẳng được là bao, cái khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu, ông Lư Thoa khởi xướng chẳng nhỏ được giọt nào trên cái đất An Nam mình. Xem thế thì ngẫm ngay được rằng: một chủng tộc muốn như chủng tộc văn minh chỉ có tự lập tự cường[4]. Bỏ lại sau lưng ý tưởng “ỷ Pháp cầu tiến bộ”, và “chủ trương bất bạo động”, vẫn đau đáu một nỗi “âu quốc thương sinh”:

Đánh cũng chết, hòa rồi cũng chết,

Bốn mươi năm gió quét sạch không.

Ông cha gầy dựng non sông,

Mà nay nông nỗi, đau lòng xiết bao!

(Tỉnh quốc hồn ca, II)

thay vào đó, trở về quê hương, trong 2 bài diễn thuyết Đạo đức và Luân lý Đông TâyQuân trị và Dân trị chủ nghĩa, Phan Châu Trinh tha thiết hơn khi nhắc đến tự do, nhiệt thành hơn trong kêu gọi tự lập tự cường, tự trị khai hóa: “Xét lịch sử xưa nay, dân nào khôn ngoan thì lo tự cường tự lập, mưu lấy sự lợi ích chung của mình”[5]. Song mấu chốt của một chủ thuyết thì không hề thay đổi: “so sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và dân trị thì thấy cái chủ nghĩa dân trị hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều...”[6]. Và chủ thuyết ấy không rời khỏi tâm não Phan Châu Trinh khi ông trút hơi thơ cuối cùng vào ngày 24 tháng 3 năm 1926. Đám tang ông, với hàng chục vạn người tham gia, trở thành một cuộc diễu hành tưởng nhớ nhà dân chủ đầu tiên và kiên định nhất của Việt Nam, là cuộc “chuyền đuốc”, đưa và lưu giữ nhiệt huyết đấu tranh vì văn minh dân tộc đến các thế hệ tiếp nối ông, đến ngày nay.  

 

2. “Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng… Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng…”

Nhìn lướt qua di sản của Phan Châu Trinh:

Chí thành thông thánh (thơ, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp), Lương ngọc danh sơn (phú, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp), viết năm 1905

Tỉnh quốc hồn ca, I (1907? 1912?)

Đầu Pháp chính phủ thư (1907)

- Đề tựa Hợp quần doanh sinh thuyết của Nguyễn Thượng Hiền (1908)

Tây Hồ thi tập (70 bài thơ quốc âm, làm từ khi đương quan ở Huế đến khoảng 1913, 14 ở Pháp)

Xăng tê thi tập (hơn 220 bài thơ làm trong 10 tháng bị giam ở ngục Xăng tê Pari 1914-15

Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký (Ghi chép đầu duôi nỗi oan vụ dân biến Trung Kỳ)

Pháp Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam (khoảng 1911-14)

Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (khoảng 1911-14)

Thơ gửi cho Khải Định (Thất điều thư, 1922)

Tỉnh quốc hồn ca, II (1922)

Đạo đức và luân lý Đông TâyQuân trị và dân trị chủ nghĩa (tháng 11, 1925)

...

có thể thấy Phan là một tác giả có “bút lực” dồi dào. Có lẽ về số lượng, văn nghiệp của ông chỉ xếp sau Phan Bội Châu. Với cuộc đời khép lại quá sớm ở tuổi 54, và khoảng 20 năm (1905–1926) cầm bút, Phan Châu Trinh đã có hàng ngàn trang di cảo, bao gồm nhiều loại: thơ, diễn ca, văn xuôi chính luận, kịch bản tuồng..., bằng cả ba văn tự: chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ. Đáng kể là ông để lại một di sản văn xuôi chính luận hiếm có cả về độ dày cũng như sự sắc sảo; đồng thời ông đã hoán cải/diễn dịch một tiểu thuyết chính trị Nhật Bản thành truyện thơ theo lối truyền thống dài hơn hai lần Truyện Kiều là Giai nhân kỳ ngộ diễn ca[7].

Phan Châu Trinh cũng là người có giọng điệu đa dạng: chất hài hước hóm hỉnh, da diết xúc cảm, và triết luận khúc chiết rành mạch thường đan quyện vào nhau trong từng câu chữ, ý tưởng. Trong di sản của ông có những câu thành ngữ phương ngôn được sử dụng rất nhuần nhuyễn và độc đáo[8], lại có cả lối viết đầy điển tích điển cố theo kiểu “Tử viết”, “Thi vân” (Khổng Tử nói; Kinh thi có câu) của Nho gia mỗi khi cầm bút[9]. Đọc ông thấy cả những diễn ngôn bình dị dân dã lẫn những câu chữ chắt lọc tinh tế, diễn đạt công phu, xếp đặt đăng đối... đúng thể thức người xưa, nhưng thiên hướng của ông luôn là triết lý tranh biện. Nhà nghiên cứu Huỳnh Lý đã xếp ông vào hàng “hùng đàm hoạt luận”. Quả hiếm có người nào can đảm viết thư gửi chính phủ thực dân (Đầu Pháp chính phủ thư) - người nắm thực quyền cai trị toàn cõi Đông Dương bấy giờ để kêu oan (Trung kỳ dân biến...), đề xuất canh cải nền chính trị (Pháp Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam), viết thư kể tội vua (Thất điều thư). Tình yêu giống nòi xứ sở và nỗi đau chất chứa trong Phan Châu Trinh được bộc bạch bằng những ngôn từ khi rành rẽ quyết liệt khi ôn hòa khéo léo. Đọc những câu mở đầu nói lý do viết bản điều trần Trung kỳ dân biến...

... ngoái lại sĩ dân nước Nam cũng là con dân của nước Đại Pháp, thì những nổi khổ đau cũng nên đem ra bày tỏ để mong được thương xót. Huống chi thân sĩ bạn bè, cùng bệnh thương nhau, không tội bị hình, oan sâu như biển; hoặc bị trói nơi hoang đảo hàng ngày chịu roi vọt, đến nay sống chết chưa hay; hoặc vùi thân nơi xứ khác, đến nay vợ con không thể lãnh chôn. Hễ người có lòng, nói đến ắt nổi giận, âm thầm nghĩ đến mà tan gan nát ruột[10].

khó ai nghĩ đấy chỉ là một tiếng kêu thương, nhưng cũng không dễ bắt bẻ đó là một lời kết tội đanh thép cả thực dân Pháp và quan lại Nam triều.

Nhưng trên hết, Phan Châu Trinh là nhà cổ động duy tân với một ý hướng cầm bút rõ ràng, táo bạo, tự tin, như nhất. Tiến hành cuộc vận động tuyên truyền tư tưởng mới cho quần chúng mọi tầng lớp, các nhà chí sĩ duy tân, trong đó có Phan Châu Trinh, tìm được một trợ thủ đắc lực là văn chương. Do quán tính lịch sử tích tụ lại thành thói quen văn hóa, trong các công cụ sáng tạo tinh thần truyền thống ở Việt Nam thì không gì đi vào lòng người dễ dàng hơn, hiệu quả hơn văn chương, mà văn chương vốn lại là sở trường của nhà nho. Không phải ngẫu nhiên mà các thời kỳ chống ngoại xâm cũng là giai đoạn nở rộ thịnh đạt của văn chương yêu nước đánh giặc. Rất nhiều thơ văn, thực tiễn sáng tác và những tác động thực tế của loại văn chương này đã chứng thực công năng và giá trị to lớn của văn chương, khi được dùng như một thứ vũ khí. Lâm vào tình thế “non sông đã mất”, “đôi tay trắng quyết phất cờ xã hội” như các nhà ái quốc duy tân đầu thế kỷ 20, ngọn bút văn chương càng được mài sắc hơn bao giờ hết. Nhờ sách vở, văn chương Phan Bội Châu đến được với người đồng chí lân bang là Lương Khải Siêu: “độc thư thập niên nhãn, toại thành thông gia (đọc sách mười năm thành tình nghĩa thông gia”[11]. Kế sách đầu tiên mà Lương Khải Siêu bày cho họ Phan cũng lại là nắm lấy văn chương: “Phải làm thật nhiều bài văn kịch liệt và thống thiết mô tả thảm trạng nước mất nhà tan, lột trần tội ác giặc Pháp hòng làm diệt chủng nước ngài, tuyên bố với thế giới để gây dư luận”[12]. Phan Châu Trinh đã chia sẻ quan niệm này một cách quyết liệt hơn:

Bút lưỡi muốn xoay dòng nước lũ

khí phách hơn:

                                      Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng...

                                      Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng...

Trong truyền thống, văn chương, với nhà nho, là để di dưỡng tính tình; quan niệm “văn dĩ tải đạo, thi ngôn chí” nhập khẩu từ Trung Hoa vào cũng đã thành phương châm ứng xử cho các văn nhân Việt Nam xưa khi cầm bút. Như vậy, ở phương diện này, Phan Châu Trinh và các nhà nho duy tân đã làm được một công việc vừa mang tính “phục cổ” vừa có ý nghĩa canh tân. Họ nhiệt tâm thực hành “văn dĩ tải đạo, thi ngôn chí” nhưng “chí” và “đạo” đã có một nội hàm mới: kêu gọi cắt tóc, tuyên cáo hủ lậu, tế sống thầy đồ hủ, tuyên truyền văn minh tân học, kỹ nghệ, kêu gọi “hợp quần doanh sinh, cạnh tranh bảo chủng”, trình bày quan điểm về quân trị và dân trị, về dân quyền bình đẳng... Đó là những điều chưa từng có trong văn chương trước kia. Hơn thế, cùng với các nhà cổ động duy tân chiếm lĩnh mặt trận văn chương, Phan Châu Trinh đã góp phần biến văn chương cổ động thành “một tiếng nói trang nghiêm, có tính nghệ thuật”[13]. 

 

3. “... Cửa Dân chủ khêu đèn thêm sáng chói” hay

Phan Châu Trinh qua năm tháng

Sớm trở thành cặp bài trùng, thành hai cái tên tiêu biểu cho những người dẫn đạo của phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu luôn luôn được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu lịch sử, văn học sử, văn hóa dân tộc cho đến ngày nay. Tuy nhiên so với Phan Bội Châu, cái tên Phan Châu Trinh thường được/bị đặt ở một vị trí khá khiêm nhường, cả về số lượng cũng như thời gian xuất hiện, cả về sưu tập công bố di thảo cũng như các nghiên cứu nhận định[14].

Sau ngày Phan Châu Trinh qua đời, năm 1926, phải đến năm 1949 Tân Dân, số 3, ngày 24.3, mới ra số Đặc biệt kỷ niệm Phan Tây Hồ tiên sinh, một tập sách gom nhặt những điếu tế bộc bạch niềm tiếc thương và lòng kính trọng nhà chí sĩ một đời vì đại nghiệp quốc gia, và đây gần như là khúc tưởng niệm hy hữu trong nhiều năm[15]. Trước 1975, toàn bộ di cảo của Phan Châu Trinh được con cháu bảo quản lưu giữ tại nửa nước phía Nam nhưng vì lý do chính trị nên chỉ được công bố từng phần, rải rác ở nhiều thời điểm, như Tây Hồ Phan Châu Trinh di thảoTây Hồ và Xăng Tê thi tập do người con rể là Lê Ấm cho xuất bản năm 1945, 1961; Giai nhân kỳ ngộ, anh hùng ca do Lê Văn Siêu biên soạn, Hướng Dương Sài Gòn xuất bản năm 1958; Tuồng Trưng Nữ Vương, Anh Minh xuất bản, Huế, 1963; Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, Sài Gòn 1973. Trong khi đó ở một nửa phía Bắc của đất nước, các nhà nghiên cứu không thể chạm tay tới nguồn tư liệu đó nên công việc nghiên cứu cũng không thể đẩy xa thêm, chưa kể sự ấu trĩ, cạn hẹp trong cách nhìn lịch sử xã hội của một thời kỳ đã làm ngay chính những đánh giá về tư tưởng của Phan Châu Trinh cũng chưa đúng với thực chất của nó. Chẳng hạn, bên cạnh công trình nghiên cứu nghiêm túc nhưng hàm chứa một cách nhìn khe khắt của một thời về tất cả những đường hướng cách mạng phi bạo động Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh[16], những năm 1960 Tập san Văn Sử Địa liên tục có những cuộc tranh luận về Phan Châu Trinh, mà tiếng nói phủ định là áp đảo. Nguyên nhân của nó chính là xu thế tư tưởng xã hội trên một nửa nước phía Bắc bấy giờ cần những tiếng nói đồng thuận, khẳng định công cuộc giải phóng đất nước bằng con đường vũ trang cách mạng[17]. Phan Châu Trinh trở thành một nhân vật chịu ít nhiều hàm oan, hoặc được khẳng định dè dặt. Đánh giá về sự nghiệp của ông, các công trình nghiên cứu thường nghiêng về tư tưởng (điều này có cơ sở của nó là động cơ cầm bút của Phan Châu Trinh), nhưng nghịch lý là đóng góp của ông, nhiều năm liền, nếu được nhắc đến, đa phần được khoanh vùng trong phạm vi thơ văn[18]. Cho đến những năm tháng đổi mới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhiều dấu hiệu thay đổi trong nghiên cứu, đánh giá sự nghiệp và tư tưởng của Phan Châu Trinh mới lần lượt xuất hiện. Năm 1995, lần đầu tiên gần như toàn bộ những gì có trong di sản Phan Châu Trinh được con cháu giữ gìn mới được tập hợp công bố: Tuyển tập Phan Châu Trinh[19]Tiếp đó là công trình đồ sộ Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (Lê Thị Kinh, tức Phan Thị Minh, biên soạn), 2 tập, với những tư liệu chủ yếu lấy từ nguồn lưu trữ Pháp, giúp soi sáng quãng thời gian 14 năm Phan Châu Trinh lặn lội xứ người[20]. Đặc biệt là những báo cáo của các nhân viên hoặc quan chức Pháp từng tiếp xúc với ông trong quãng thời gian này nhận định về Phan Châu Trinh:

... tôi không hề coi nho sĩ này và bạn bè ông ta là những người hòa hợp với tư tưởng Pháp.

Tôi đã nói chuyện với Nguyễn Văn Vĩnh, kẻ hết sức tâm đầu ý hợp với Phan Châu Trinh (như chính Vĩnh thú nhận); tôi cũng đã nói chuyện với ông này ở tại đây. Và cảm nhận của tôi năm 1911 cũng giống như năm 1908: những người Bắc Kỳ này đều là những người quốc gia chấp nhận sự chỉ huy tức thời của nước Pháp nhưng với điều kiện là sự chỉ huy đó sẽ phục vụ cho việc đào tạo một tầng lớp ưu tú sẽ sớm thay thế chúng ta lãnh đạo đất nước và nếu có thể sẽ được đào tạo bằng các sách vở dịch ra tiếng mẹ đẻ, để tránh khỏi ảnh hưởng tư tưởng của Pháp (Thư của Salles – phó Chủ tịch Hội liên kết Pháp và Ủy ban Paul Bert - ngày 3 tháng 10 năm 1911)[21]

hay:

Cả hai nhóm đều cho con người của Phan Châu Trinh là rất thông minh, mẫn cảm và hoàn toàn không thể xem thường. Đó cũng là ý nghĩ của tôi đối với nhân vật này từ khi tôi được trò chuyện và tranh luận với ông ta trên nhiều vấn đề.

... tôi cũng đã tự thấy được qua trò chuyện với ông ta những biểu hiện không thể nhầm lẫn được của tính cương nghị, vừa thẳng thắn, vừa thận trọng trong ngôn ngữ, của tính khoan hòa và sự thông minh nhạy bén trong hiểu và đoán các ý đồ.

... tôi tin rằng nếu chúng ta chưa có trước mắt một kẻ hành đạo được một bộ phận trong đồng bào ông ta suy tôn với một chủ thuyết quốc gia và cải cách kiểu Tôn Dật Tiên thì cũng chưa phải là một người bắt chước Kỳ Đồng.

(Ý kiến của Capus, gửi Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội, ngày 16-8-1912)[22].

Đây là những tư liệu không thể bỏ qua do tính khách quan đặc biệt của chúng, bởi người viết đều ở phía bên kia chiến tuyến về quyền lợi dân tộc lại có những đánh giá đầy ngưỡng mộ và thống nhất về con người và tư tưởng của Phan Châu Trinh.

Đáng chú ý nhất trong các hoạt động tái nhận thức diễn ra những năm đầu thế kỷ 21 về Phan Châu Trinh là những cuộc Hội thảo[23] thể hiện một chặng đường mới trong nghiên cứu, nhận định về Phan Châu Trinh, trong đó giá trị của tư tưởng là cái được chú ý nhấn mạnh và có nhiều đổi thay nhất. Không khí xã hội tư tưởng học thuật cởi mở, dân chủ hơn, nhu cầu về một đời sống dân sự dân chủ ngày một cao hơn cấp bách hơn... chính là những tiền đề căn bản cho những tiếng nói đó. Đóng góp tư tưởng của Phan không chỉ được nhắc lại là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam” (theo lời Huỳnh Thúc Kháng), là người khởi xướng và dẫn dắt phong trào Duy tân, là người khai dẫn cho tư tưởng dân chủ dân quyền vào Việt Nam, mà còn được nhấn thêm ở khía cạnh cách tân, cách mạng về văn hóa giáo dục (Hoàng Xuân Hãn, Nguyên Ngọc): “Phan Châu Trinh cho rằng sở dĩ chúng ta thua Pháp, mất nước là vì chúng ta thua họ một thời đại... Phan Châu Trinh đã bắt đầu bằng thực học để tạo nên sức mạnh của xã hội và quốc gia, để xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở một dân trí được thực sự nâng cao”[24].

Có thể tán thành những ý kiến coi ông là một nhà văn hóa. Bằng vào công cuộc Duy tân mà ông chủ xướng từ Trung kỳ, với những cuộc vận động xin xâu, cúp tóc, lập thương hội, dựng học đường. Bằng vào những cuộc diễn thuyết và những đóng góp cụ thể của ông cho ngôi trường Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội - phỏng theo Khánh Ứng nghĩa thục Nhật Bản, và đặc biệt là bằng vào chủ thuyết canh tân đất nước theo phương thức: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh - tức là canh tân đời sống tinh thần của người dân. Nói như Nguyên Ngọc, người chia sẻ sự ngưỡng mộ chí sĩ họ Phan với học giả Hoàng Xuân Hãn: “Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm và tìm thấy nguyên nhân sâu xa “đã đưa đến mất nước và bị đô hộ ngày càng khốc liệt” không phải ở đâu khác mà là chính ở trong văn hóa, ở những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội của xã hội ta so với phương Tây”[25]. Học giả họ Hoàng gọi cuộc Duy tân của Phan là “một cuộc cách mạng tân văn hóa”. Tác giả Nguyên Ngọc cũng nhấn mạnh “Ông nhận ra sự lạc hậu về văn hóa cả một thời đại của chúng ta so với đối phương... Muốn cứu nước phải khắc phục chính cái khoảng cách về thời đại đó, phải tự thay đổi dân tộc mình, đưa dân tộc vượt lên hẳn một thời đại... Đây là một bước tiến vĩ đại, một cuộc cách mạng trong tư duy” (Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn, Tham luận tại Hội thảo Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Châu Trinh, 2002)[26].

Trở lại với những nhận định về tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh. Từ những năm 80 của thế kỷ 20, nhà nghiên cứu quá cố Trần Đình Hượu, trong phần viết về Phan Châu Trinh của Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, đã có một khẳng định quan trọng: “Có thể nói vào lúc đó Phan Châu Trinh là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất, sâu nhất và nhất quán nhất”[27]. Là một chuyên gia hiếm hoi về tư tưởng Nho giáo Việt Nam, Trần Đình Hượu đã nhìn Phan Châu Trinh trong mạch phát triển tư tưởng của nhà nho và Nho giáo Việt Nam, và từ đó ông cũng đi đến một kết luận sáng suốt khác: “Phan Châu Trinh là nhà dân chủ, yêu nước, và cách mạng. Nhưng Phan Châu Trinh cũng là một nhà nho. Nhà nho có thể vì yêu nước mà đề xướng chế độ dân chủ như một lý tưởng xã hội đẹp đẽ. Nhưng dân chủ lại không thể là thuộc tính của nhà nho. Không phủ định triệt để thế giới quan Nho giáo thì không thể tiếp nhận được tư tưởng dân chủ thực sự”[28]. Trong bài báo “Nho giáo đã thành vấn đề như thế nào với nước Việt Nam hiện nay?” đăng trên báo Văn hóa và đời sống, Tp. Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 1992, tác giả Trần Đình Hượu cũng đã đề cập đến vấn đề tương tự: “Dân chủ hóa là đòi hỏi cấp thiết. Nhưng trật tự trên dưới của Nho giáo vốn là không đi đôi được với vấn đề dân chủ”.

          Đồng quan điểm này, Mark Phillip Bradley – tác giả của công trình Becoming Văn Minh: Civilizational Discourse and Vision of the Self in Twentieth-Century Vietnam (Trở nên Văn minh: Diễn ngôn văn minh hóa và những hình dung về chính mình ở Việt Nam thế kỷ 20), khi phân tích đặc thù tiếp nhận tư tưởng văn minh Âu Mỹ của các nhà nho Duy tân Việt Nam đầu thế kỷ 20 cũng khẳng định: “Bằng việc cạnh tranh với những thành tựu của phương Tây, các nhà lãnh đạo phong trào Duy tân tin rằng học có thể vượt lên trên thực dân Pháp và giành lại vị trí chính đáng của mình là những người dẫn đạo một nước Việt Nam mới hùng cường. Nhưng trong khi các nhà cải cách ở Việt Nam mở cái nhìn của mình sang lý tưởng Âu Mỹ thì họ vẫn tiếp tục coi mình là những đấng quân tử Nho giáo và diễn đạt những khái niệm về cá nhân và bổn phận của cá nhân đối với xã hội bằng những thuật ngữ và giá trị Nho giáo… Trào lưu tư tưởng phương Tây mới mang tính cách mạng cổ vũ công cuộc Duy tân ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 tiếp tục được khúc xạ qua lăng kính tân Nho giáo bảo thủ của thế giới cổ điển Đông Á”.

Tương tự, David G. Marr, một học giả Mỹ, đã khẳng định: “Phan Châu Trinh ngay từ những năm đầu tiếp xúc với những tư tưởng của thế kỷ Ánh sáng đã bị quyến rũ... và từ đó ông không bao giờ nghiêng ngả cho tới khi chết vào năm 1926”. Đồng thời, Marr cũng chỉ ra mức độ “am hiểu sâu sắc” các tư tưởng phương Tây ở Phan Châu Trinh và nguyên nhân của nó là:

- Do nền giáo dục tiếp nhận từ thiếu thời, nên tư tưởng của Phan Châu Trinh là Khổng giáo

- Chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây qua sách vở Trung Hoa - không chính xác – không những đã lẫn lộn Montesquieu với Mạnh Tử mà còn cố gắng để du nhập cả hai người này vào một nước Việt Nam thuộc địa ở thế kỷ 20

- Những hành động cương quyết không bao giờ được cụ thể hóa[29].

 

Đến đây chúng ta có thể làm một so sánh nhỏ, có thể hơi gượng ép nhưng cần thiết để có một hình dung chính xác, là đặt Phan Châu Trinh bên nhà canh tân, nhà giáo dục học mang tư tưởng Duy tân Nhật Bản: Fukuzawa Yukichi - người được thế hệ Duy tân Việt Nam ngưỡng mộ và nhắc đến bằng cái tên theo âm Hán Việt Phúc Trạch Dụ Cát. Fukuzawa kể lại trong hồi ký: “Khi ở trường của thầy Shira’ishi (khoảng 14, 15 tuổi) tôi chỉ đọc toàn kinh điển Nho gia như Tứ thưNgũ kinh” - một nền học vấn với những kiến thức có lẽ không khác những gì Phan Châu Trinh và các nhà nho Việt Nam thụ nhận. Nhưng chỉ vài năm sau, 20 tuổi, Fukuzawa lên Osaka học Hà Lan học, 5 năm sau chuyển sang học tiếng Anh. Và trong những chuyến công du sau đó sang Mỹ (6 tháng của năm 1859), châu Âu (1 năm, 1861-62), và đến Mỹ lần thứ hai (1867-68), Fukuzawa đã đóng vai trò thông dịch viên của phái đoàn chính phủ Minh Trị. Chính nhờ những kiến thức “trực thụ” mới mẻ này mà Fukuzawa đã đi đến một nhận thức quan trọng, thực sự mang tính cách mạng: “Nền văn minh hiện đại không thể song song tồn tại được cùng với những truyền thống Nhật Bản” (Thoát Á luận)[30]. Ông cũng không giấu giếm khát vọng: “Tôi muốn làm sao để mở cửa đất nước Nhật Bản đang bị đóng kín này, đưa lên con đường văn minh kiểu phương Tây... Thế nhưng, không phải chỉ nói bằng miệng...[31]. Và Fukuzawa Yukichi trở thành nhà canh tân lừng danh Nhật Bản, sự nghiệp của ông, của đất nước Nhật Bản đã thành công vào năm 1868. Còn Phan Châu Trinh, hơn 10 năm sau ngày đặt chân lên đất Pháp, trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18 tháng 2 năm 1922, đã tự nhận “tôi đọc chữ Pháp bập bẹ nên không am tường hết sách vở ở cái đất văn minh này”. Thiết nghĩ, đấy chính là lý do để 3 năm sau, trở về quê nhà, trước sự háo hức của quốc dân, ông không ngại ngần tuyên bố “Cái văn minh Âu châu bây giờ có trái gì luân lý Khổng Mạnh đâu? (Đạo đức và Luân lý Đông Tây). Và có điều gì như mâu thuẫn, khó hiểu, khi từ một đầu óc canh tân sóm nhất Việt Nam lại có những tuyên ngôn trái ngược:

Độc lập tự do ngoài cánh cửa,

Vào nhà xin giữ thói phương ngôn.

(“Trẻ cậy cha, già cậy con”, Xăng tê thi tập)

khi từ một người từng nhiệt thành cổ động “hợp quần doanh sinh, cạnh tranh bảo chủng” lại có những lời nghiệt ngã về “thương, cổ”. Và chỉ vừa câu trước đề cao thương kỹ: 

Trong thế không thương gẫm khó chơi,

Nghề buôn cũng lắm giúp công người.

Của nông, đồ thợ nhờ chuyên chở,

Chỗ có nơi không cậy đổi dời.

câu sau đã hạ xuống đúng “bản vị” xưa cũ: sĩ, nông, công, thương:  

... Đua nhau chiết cạnh nông công cổ,

Phân bậc nên chi để chót thôi.

(“Bốn thương”, Xăng tê thi tập)

Đấy chính là hiện tượng “lại giống” của các nhà nho canh tân Việt Nam khi đại sự bất thành[32]. Đấy cũng là sự bất cập của tư tưởng Duy tân Việt Nam mà Phan Châu Trinh là một đại diện tiêu biểu.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà chính những người cùng bước ra từ cửa Khổng sân Trình lại là những người sớm đánh giá đúng công lao sự nghiệp của Phan Châu Trinh. Không chỉ người bạn cùng chí hướng với Phan như Huỳnh Thúc Kháng coi ông là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”, mà cả Phan Bội Châu, vốn khác biệt với Phan Châu Trinh về đường lối cứu nước, trong nỗi đau Chung Kỳ mất Bá Nha, cũng nói về ông bằng những lời vô cùng xúc động mà cũng cực kỳ tinh xác “Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng; Cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói”. Bởi xét đến cùng, họ là những người đồng hội đồng thuyền: những chí sĩ Duy tân. Thế cuộc giao cho họ một trọng trách ngoài vận mệnh lịch sử: kêu gọi dân quyền dân chủ theo văn minh Âu Mỹ bằng sở học Nho gia. Thế cuộc cũng đặt trước họ những “nan đề” trong khi đã tước mất của họ những điểm tựa tối quan trọng: chủ quyền dân tộc và lực lượng ủng hộ. Nhìn sâu vào lịch sử, Phan Châu Trinh không chỉ thua thiệt Fukuzawa Yukichi về kiến thức Âu học trực tiếp mà chính lịch sử Việt Nam - cũng như Trung Hoa, Triều Tiên - luôn thiếu những phát triển đối trọng về tư tưởng, về kinh tế[33]. Và đấy chính là nguyên nhân sâu sa để mọi tư tưởng cải cách trong lịch sử Việt Nam đều sớm thui chột, để khi thử thách lịch sử hiện diện vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cả dân tộc, đất nước không tránh khỏi một kết cục bi thương[34].

Trong 10 bài thơ điếu nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu viết giữa Paris, Phan Châu Trinh đầy xúc cảm khi nhắc đến hình ảnh chim Tinh Vệ, hóa thân của con gái vua Viêm Đế chết giữa biển khơi nhưng quyết nuôi mong muốn quay về, nên ngày ngày ngậm đá lấp biển. Tiếng khóc của ông như một sẻ chia, như một ngậm ngùi âu lo về trọng trách mà mình đang tự nhiệm trước quốc dân đồng bào, nhưng cũng là một dũng khí:   

Bể sâu mù mịt cây toan lấp,

Trời rách toang hoang đá sắp khâu.

(Bài số 8)

Cả cuộc đời mình, Phan Tây Hồ đã không mệt mỏi làm cánh chim Tinh Vệ, quả quyết, nhẫn nại ngậm đá lấp biển bằng, vì khát vọng đưa người dân đến vị trí làm chủ một đất nước văn minh giàu mạnh. 

Một thế kỷ sau, nhìn lại bài học Phan Châu Trinh, có lẽ cần vượt qua những say mê cảm tính với “tính cập nhật kỳ lạ” của tư tưởng do ông đề xướng để thấm nỗi đau của một vòng quay lịch sử khắc nghiệt: nan đề của 100 năm trước vẫn là những nhức nhối của hôm nay ! Và hơn tất cả là tìm con đường hiệu quả nhất, bền chắc nhất để vượt qua những khuất khúc của lịch sử, để được độc lập và tự do ở một chiều kích rộng sâu hơn trước, trong xu thế phát triển đang biến động không ngừng cảu nhân loại.  

Trong phạm vi văn học, do những “tế toái” trong việc trình bày trực diện, thẳng thắn những nhận định về tư tưởng Phan Châu Trinh, nên từ cuối những năm 1960, việc nghiên cứu về tác giả này hướng nhiều sang văn chương, như đã nói. Gần đây, việc tìm kiếm di sản và nghiên cứu di sản của Phan Châu Trinh đã có thêm nhiều chuyển động tích cực. Chưa có những phát hiện thực sự đột xuất về sáng tác văn chương của Phan Châu Trinh, nhưng những kiếm tìm tư liệu “cận văn chương”, và việc tiếp cận dễ dàng hơn với những tư liệu nghiên cứu về khung cảnh xã hội, tư tưởng văn hóa khu vực Đông Á thời kỳ cận đại đang và sẽ tạo ra những khả năng tiếp cận mới đối với tác giả này. Mặt khác, tính chất bất phân văn-sử-triết của văn chương trung đại “đeo đẳng” văn chương nhà nho đầu thế kỷ 20, như Phan Châu Trinh, cũng đang tìm thấy những điểm gặp gỡ với các xu hướng nghiên cứu liên ngành đa ngành ngày càng có triển vọng, và chắc chắc sẽ góp phần không chỉ định giá đúng Phan Châu Trinh như một tác giả văn chương mà còn cung cấp những căn cứ để đánh giá đầy đủ hơn nhân vật này, cả ở phương diện tư tưởng và văn hóa.

 

 Trần Hải Yến
(http://vienvanhoc.vass.gov.vn) 


[1]. Lấy ý từ vế câu đối khóc Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu: “Thương hải vị điền, tinh vệ hàm thạch…” (nghĩa là Biển thẳm chưa lấp bằng, Tinh vệ còn ngậm đá).  

[2]. Phan Bội Châu niên biểu, “Tựa”, tr.20, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.

[3]. Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, tập 1 quyển 1, tr.155, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2001.

 

[4]. Thư gửi Nguyễn Ái Quốc, ngày 18 tháng 2 năm 1922, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 2, tr.99.

[5]. Quân trị và Dân trị chủ nghĩa, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, tr 238.

[6]. Như trên.

[7]. Xem thêm “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong dòng văn học duy tân yêu nước đầu thế kỷ 20, Luận án Tiến sĩ của Trần Hải Yến, bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước, Viện Văn học, 2002.  

[8]. Xăng tê thi tập là một ví dụ. Hầu hết tên các bài trong tập đều là một câu thành ngữ tục ngữ hoặc phương ngôn. Vấn đề này đã được chúng tôi triển khai kỹ hơn trong bài viết: “Phan Châu Trinh và việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ”, Văn hóa dân gian, 4.1998.  

[9]. Xin xem hai bài diễn thuyết: Đạo đức và Luân lý Đông TâyQuân trị và Dân trị chủ nghĩa

[10]. Phan Châu Trinh toàn tập, tập 2, tr.166.

[11]. Tự phán, đã dẫn, tr.54.

[12]. Tự phán, tr.58.

[13]. Giáo trình văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930.

[14]. Chẳng hạn, bộ sách Phan Bội Châu toàn tập (Chương Thâu sưu tầm và biên soạn) gồm 10 tập, ra mắt lần thứ nhất, năm 1990[14]. 10 năm sau, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của Phan Bội Châu, bộ sách được tái bản với hơn 5000 trang tư liệu bổ sung, do Nhà xuất bản Thuận Hóa, và Trung Tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây phối hợp tái bản. Và có thể kể thêm, công trìnhPhan Bội Châu tác gia tác phẩm (Chương Thâu-Trần Ngọc Vương giới thiệu và tuyển chọn) nằm trong loạt sách của Nhà xuất bản Giáo dục đã có mặt trên các giá sách từ năm 2001.

[15]. Và phải đến năm 1964 tạp chí Bách khoa Sài Gòn (số tháng 3) và năm 1972, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông, tạp chíVăn học Sài Gòn (số 148, tháng 6) mới ra số đặc khảo về Phan Châu Trinh.  

[16]. Tôn Quang Phiệt, Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956.