Mai Hữu Phước - bác sĩ "mắc nợ" nghiệp thơ văn

25.09.2014
...
Ông tâm sự, trong con người ông, 50% dành cho khoa học, 50% dành cho thơ, nếu như khoa học giúp ông mưu sinh thì thơ giúp ông thấy cuộc đời này đẹp và đáng sống hơn. “Khoa học bắt ta ngày ngày nghiên cứu, ngày ngày làm việc, làm việc một cách tích cực và chăm chỉ thì thơ không như vậy. Nó là một khoảnh khắc bất chợt trong cuộc sống.
...

Mai Hữu Phước - bác sĩ

Học chuyên Toán nhưng duyên nợ với môn Văn

“Từ nhỏ, tôi đã được gia đình hướng cho học các môn tự nhiên để sau này làm kỹ sư, bác sĩ, thế nhưng tôi cũng học rất khá môn Văn. Là dân chuyên Toán nhưng nhiều lần tôi được chọn đi thi học sinh giỏi Văn của thành phố”, ông Mai Hữu Phước đã mở đầu câu chuyện như vậy khi thấy tôi có vẻ ngạc nhiên về chuyện ông vừa là bác sĩ, vừa là nhà thơ nổi tiếng của đất Đà thành.

Chia sẻ về duyên nợ đưa ông đến với thơ, Mai Hữu Phước bồi hồi nhớ lại: “Tôi bắt đầu làm thơ rất tình cờ. Hồi đó học lớp 6, lớp 7, tôi qua nhà thằng bạn chơi, lật cuốn vở nó ra coi thì thấy nó làm mấy vần thơ về cây xoài, cây dừa trong vườn nhà. Tôi thấy cũng thú vị, rồi nghĩ nhà mình có cây ổi nức tiếng cả phố, mình cũng phải làm mấy vần thơ về cây ổi nhà mình mới được. Thế là về mấy ngày trời vắt óc suy nghĩ cũng ra được vài dòng, đọc thấy cũng hay hay”.

Miên man dòng hồi tưởng, ông kể từ sau lần đó, những buổi sinh hoạt tập thể của trường như liên hoan, văn nghệ..., ông đều góp nhặt những điều tai nghe mắt thấy rồi về “tô đắp” thành những câu thơ. Những vần thơ trẻ con tưởng như giữ riêng cho mình nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, thầy cô, ông mạnh dạn chia sẻ trước lớp, trước trường, không ngờ được thầy cô, bạn bè ủng hộ nhiệt tình. “Từ đó, cứ mỗi dịp lễ lạt gì là tôi được giao nhiệm vụ làm thơ và đọc thơ góp vui. Các bài thơ của tôi còn được in lên báo tường của trường nữa. Nhờ có những bước đệm ban đầu như vậy mà tôi gắn bó với thơ đến giờ”.

Đối với nhà thơ Mai Hữu Phước, từ nhỏ, thơ đã là phương tiện để ông bày tỏ những tâm sự với bạn bè, trường lớp. Là dân chuyên Toán, ông cũng dùng những vần thơ của mình để chuyển hoá các công thức toán học cho dễ thuộc, dễ nhớ. Những vần thơ của ông đã khiến các công thức khoa học “khó nhai” trở thành những hình ảnh linh động và dễ hiểu. Đặc biệt, năm học lớp 8, ông đã đạt giải thưởng trong cuộc thi sáng tác thơ với chủ đề “60 năm Cách mạng tháng Mười Nga” với bài thơ “Đất nước Lênin”. Kể từ thuở đó, bạn bè yêu mến và gọi ông là nhà thơ.

Bác sĩ là nghề, làm thơ là nghiệp

“Ai cũng hỏi tôi làm bác sĩ rồi thì thời gian đâu làm thơ mà trở thành nhà thơ được, thế nhưng sự thật thì tôi là nhà thơ trước khi học bác sĩ”, ông Phước cười nói.

Nhà thơ chân phương này trân quý nghề y, bởi nó đem lại cho ông một cuộc sống ổn định, một địa vị xã hội. Bởi vậy, dù có tâm hồn nghệ sĩ, là một lãng tử yêu thơ, ông chưa một lần xao nhãng công việc chính. “Hằng năm, tôi đều làm nghiên cứu khoa học và có nhiều nghiên cứu của tôi được giới chuyên môn công nhận. Năm vừa rồi, tôi cũng được xếp loại A của toàn ngành Y tế thành phố”.

Ông tâm sự, trong con người ông, 50% dành cho khoa học, 50% dành cho thơ, nếu như khoa học giúp ông mưu sinh thì thơ giúp ông thấy cuộc đời này đẹp và đáng sống hơn. “Khoa học bắt ta ngày ngày nghiên cứu, ngày ngày làm việc, làm việc một cách tích cực và chăm chỉ thì thơ không như vậy. Nó là một khoảnh khắc bất chợt trong cuộc sống. Có khi cả năm không làm được một vần thơ hay nhưng có khi một buổi sáng đang nhâm nhi tách cà phê, xé một tờ lịch thì có thể viết được 3, 4 bài”.

Chính vì yêu thơ như vậy, thơ nó “vận” vào người, nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của ông, ông xem nó là nghiệp của đời mình. Thi sĩ Phước quan niệm: “Về mặt nghề, tôi là người chữa bệnh thể xác. Nhưng về mặt nghiệp, thì văn chương luôn là nỗi ám ảnh, đó là món nợ cần phải được giải bày, trang trải và cần phải trả”.

Ông chủ yếu làm thơ về tình yêu bởi với ông, tình yêu là điều thiêng liêng, dễ đi vào lòng người, dễ tìm sự đồng cảm của bạn đọc nhất.

“Em chôn anh trong tim

Để tìm quên dĩ vãng

Anh chôn em trong tim

Để phôi pha ngày tháng

Nhưng em ơi em ơi

Ta đã đào lộn huyệt

Chôn nhau trong tim côi

Tình đầu không thể chết.

(Tình đầu)

Mai Hữu Phước làm thơ dựa trên chất liệu từ cuộc sống, là những câu chuyện giản dị của bản thân ông hoặc của người thân, bạn bè và qua thơ, cảm xúc như được nhân lên gấp bội. Ông chia sẻ, hễ cuộc sống có bất cứ dấu thăng, dấu trầm nào là ông đều dùng thơ để ghi lại. Nó là một liều thuốc bổ cho tinh thần, là động lực để ông thấy yêu đời, yêu người hơn.

Điều đặc biệt, ông là nhà thơ rất có duyên với âm nhạc. Rất nhiều bài thơ của ông đã được phổ thành nhạc và trở thành những bài hát nổi tiếng như: Trở lại Huế xưa, Như mười đóa hoa thơm, Rộn ràng vui hội pháo hoa, Mời anh về thăm phố biển… Trong số các nhạc sĩ phổ thơ ông, ông "ưng ý" nhạc sĩ Quỳnh Hợp nhất, bởi "Quỳnh Hợp cảm được ý thơ của mình", "sự kết hợp của Mai Hữu Phước và Quỳnh Hợp là sự kết hợp giữa thơ và nhạc"...

Gắn với nghiệp thơ từ những ngày còn đi học cho đến nay, nhà thơ - bác sĩ Mai Hữu Phước rất vui khi được gọi bằng cả 2 danh xưng mà trong cuộc đời mình may mắn nhận được. “Đến với thơ như một cơ duyên rồi gắn bó cả đời với nó, tôi chỉ nhận được nhiều điều chứ không hề mất mát gì”.

Nhà thơ-bác sĩ Mai Hữu Phước sinh ngày 21-7-1963, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hiện ông đang công tác tại khoa Nội, bệnh viện quận Ngũ Hành Sơn. Ông đã xuất bản 4 tập thơ: Xin cảm ơn em, Một thưở học trò, Thì thầm phố nhỏ, Phiên khúc sang mùa. Ngoài là bác sĩ, nhà thơ, Mai Hữu Phước còn là một ông đồ viết thư pháp rất có nghề, là một nhiếp ảnh gia không chuyên và còn tham gia tư vấn chuyên mục sức khỏe cho nhiều trang báo mạng uy tín.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang


Nguồn: baodanang.vn