Ở ATM - Truyện ngắn của Quỳnh Ngọc

31.01.2012
Bà già đứng trước tôi khoảng bảy mươi tuổi, nom yếu ớt, da xám, trước bà là gã trung niên có dáng người cao, thẳng, mái tóc dày, đen, bóng mượt. Dòng người xếp hàng rút tiền từ ngân hàng tự động ATM còn dài, dài lắm, tôi không để ý đến nhiều người, vì sốt ruột nhích từng bước muốn mau chóng nhận được tiền lương. Mười lăm năm trước, tôi ra trường với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, bao thăng trầm cuộc đời trôi đi theo thời gian, từng đồng lương cũng nhích dần và hôm nay đã đến với con số hai triệu đồng một tháng… Tôi sẽ khoe với chồng khoản tiền lương được máy công nghiệp hóa chi trả một cách chính xác, sạch sẽ, văn minh, không lấm lem dầu mỡ như những đồng tiền của chồng làm nghề sửa chữa ô tô.

Ở ATM - Truyện ngắn của Quỳnh Ngọc

-Con mời bà rút tiền trước.

Tiếng nói trầm ấm của gã đàn ông có "mái tóc dày đen” với bà già vang lên khiến tôi nể trọng. Thời buổi hiện đại, văn minh còn ai nhường vị trí nơi đông người cho "bà già, em nhỏ, phụ nữ có thai”! Tất cả là tốc độ, thời gian là trên hết. Bà già bị đẩy lên phía trước. Bà lúng túng khi đối mặt với ngân hàng đang nhấp nháy con mắt điện tử như chế giễu với dòng chữ "kính chào quí khách đã đến với ATM”. Bà run rẫy đưa bàn tay gầy khô khỏng cho thẻ vào máy, luống cuống thẻ rơi xuống đất. Gã đàn ông nhanh tay nhặt lên, giúp bà cho thẻ vào khe dọc máy ngân hàng. Tôi đứng gần, nhìn thẳng vào mặt gã. Trời ơi, gương mặt đến là thánh thiện. Đôi mắt to, đen sâu, đầy vẻ quyết liệt trong ánh nhìn. Đôi mày của gã cũng đen, rậm đầy nam tính, đài các và kiêu hãnh.

Tôi nhìn xuống bàn tay gã đang đặt lên vai bà già có vẻ chở che. Trái tim tôi phút chốc nóng bừng, hơi thở cũng nóng. Bàn tay của gã, các ngón tay thon dài mềm mại như bàn tay của các nghệ sĩ chơi đàn đến là tuyệt diệu. Biết đâu chính gã cũng là nghệ sĩ chơi đàn đang "mai danh ẩn tích” để ‘ vi hành” chăng? Lâu lắm rồi, trái tim tôi lạnh giá, bởi cuộc sống cuồn cuộn trôi đi che khuất hết vẻ đẹp của cuộc đời chăng? Tôi chưa thấy người nào giữa chốn đông người lại vẹn toàn vẻ đẹp tâm hồn và hình thể như gã đàn ông tóc đen dày hôm nay. Tôi thường chứng kiến nơi đông người, người lấn nhau, văng tục chửi thề. Ai cũng muốn phải hơn người khacsm dù chỉ là chút thời gian, mặc dầu chẳng để làm gì.

Tôi nhìn gã bằng con mắt của kẻ tình si. Tôi ngán ngẫm nghĩ đến người chồng quê mùa lem luốc, đen nhẻm, bàn tay thô kệch suốt ngày chui dưới gầm ô tô tải luôn bốc lên mùi dầu mỡ. Đã thế, kết thúc một ngày làm việc bao giờ chồng cũng kèm theo đùm thịt chó, trứng vịt lộn, rau thơm, lại còn rượu nữa, đến là thô tục. Hình ảnh gã "tóc đen, dày” đã làm mờ người chồng quê mùa, lạc hậu trong tôi. Tôi khao khát muốn hôn lên đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của gã. Muốn hôn lên mái tóc đen, dày, bàn tay đẹp như nghệ sĩ chơi đàn. Tôi mơ màng ngám nhìn gã – con người của thời đại văn minh- đang giúp bà già nhận tiền từ ngân hàng tự động, dìu bà nơi tam cấp của tòa nhà ngân hàng to lớn bước xuống vỉa hè. Tôi nhìn thấy gã nhoẻn cười với tôi, rồi đưa bà ngồi nghỉ chân ở quán nước ven đường. Gã kiểm tra lại chiếc xe FX đồ sộ, lại cười thiện chí, hàm răng trắng lóa đến mê hồn, khiến trái tim tôi muốn vọt lên tận trời xanh. Gã tình nguyệ xếp hàng tiếp vào dòng người chờ đợi mà không hề chen lấn.

Tôi đã nhận được tiền lương, theo thói quen…đếm lại, rồi bắt đầu nản lòng nghĩ đến đoạn đường trở về nhà. Tôi xao lòng đưa mắt tìm gã tóc đen, dày nhưng không thấy đâu. Cũng trong giây phút đó, tiếng âm ỉ nức nở của người già đến ai oán. Bà già lúc nãy đứng trước tôi, giờ ngồi trong quán nwowqcs đang đưa hai tay ôm ngực như không thể chịu đựng nỗi đau đang cấu xé trong tim. Đông người vây quanh bà, tiếng lao xao. Tôi bước lại, nhìn thấy túi áo đựng tiền của bà được ghim chặt bằng kim băng, giờ đã bị mở tung, trơ mỗi tấm thẻ ATM nằm lăn lóc. Lởn vởn trong đầu tôi còn nguyên hình ảnh gã đàn ôngđỡ hai bên hông dìu bà đi cách đây chưa đầy mười phút đồng hồ. Chẳng lẽ thủ phạm lại là gã ư? Thật là khủng khiếp hơn thế nữa, nếu tội ác có tính toán đầy "nghệ thuật” được dấu kín dưới lớp vỏ hào hoa của thời đại văn minh. Không ai nói lời nào với bà, tôi cũng vậy, nỗi đau sâu thẳm chất chứa đã qua bao nhiêu thời gian của cả một đời người khiến không ai dám động vào. Tôi ngồi bệt xuống ỉa hè, cầm lấy cánh tay của bà, tôi hỏi:

-Bà mất tiền phải không?

Điều này thì hẳn rồi, ai cũng biết, nhưng không ai dũng cảm để hỏi bà câu ấy. Bà chỉ chờ có thế, nỗi đau đớn bật trào ra:

-Tôi đã từng là thanh niên xung phong…ở một mình…không muốn làm phiền ai…tôi lấy tiền ủng hộ bảo thọ…tôi yếu rồi…có năm triệu đồng…tôi không ngờ…đau quá.

Bà già lại nhắc đi nhắc lại "đau quá…tôi không ngờ” . Tiếng nói của bà nghe thì thào như vang lên trong lòng đất. Nỗi đau của bà lớn quá, khiến mọi người bối rối lặng im. Tôi cho tay vào túi xách, hai triệu đồng lương tháng của tôi giờ chẳng là gì trước nỗi đau của bà. Tôi xếp lại mớ tiền ngay ngắn rồi đặt tất cả vào bàn tay trơ xương lạnh giá:

-Con tặng bà thanh niên xung phong.

Bà lão đã khóc được, hai hố mắt bị da nhăn nheo che khuất, khô queo, bà làm gì còn nước mắt để tẩy rửa bớt nỗi đau. Bà có chịu đựng được sống thêm bao nhiêu ngày tháng nữa? Lấy hết sức lực, bà cám ơn tôi, còn hỏi trong hơi thở hốt hoảng đến kinh hoàng:

-Tại sao nó lại lấy của tôi chứ, thật không ngờ, không ngờ…

Làm sao tôi có thể trả lời được câu hỏi ấy, trái tim tôi cũng đã từng rung động trước vẻ đẹp hào hoa về hình thể của gã, cũng đã từng xao long trong giây phút muốn quên gia đình để đi theo. Giờ đây, đã đi qua, kết thúc những giây phút đó, những ước mơ ngọt ngào say đắm, tình si. Tôi thấy mình…trưởng thành hơn qua những gì vừa trải nghiệm của thời đại …văn minh. Con đường về nhà đầy lá rơi thường ngày, bỗng chốc thấy gần gụi ấm cúng hơn.

Q.N