Mây trắng trên cao - Hoàng Nhật Tuyên

06.07.2020

Đang giữa trưa, trời nắng chói chang, vậy mà thím Sang, người hàng xóm ở cách nhà tôi cái hóc ruộng, không rõ đi đâu về, khi ngang qua con đường nhỏ trước nhà, thấy mẹ tôi đang đứng xỉa răng dưới gốc cây mít trước sân, liền hỏi một câu chẳng đâu vào đâu, ăn trưa rồi hả, xong, chẳng đợi mời, thím lấy chiếc nón lá trên đầu xuống, te te đi vào, vừa quạt vừa tỏ ý coi thử con heo mẹ tôi nuôi cùng lứa với con heo thím có nhanh lớn không. Hai người ra cái chuồng làm bằng gỗ phía sau hè, nhìn heo rồi nhỏ to về chuyện cám, chuyện rau. Một lát, khi vào ngồi uống nước ở cái ghế nơi hàng hiên, nói qua nói lại mấy câu, bất chợt vẻ mặt trở nên nghiêm trọng, thím đập nhẹ vào tay mẹ tôi bảo.

Mây trắng trên cao - Hoàng Nhật Tuyên

- Bà này, có chuyện thiệt là lạ nghen! Đêm qua, lúc gần sáng, đang nằm ngủ mê man, tự dưng tôi thấy ông Hiên đi ngang trước nhà và hỏi có thiến heo không. Giật mình, thức dậy, sợ quá bà ơi, vậy là thức luôn! Ổng đi lùi lũi, y như hồi xưa vậy bà!

- Vậy hả? - Mẹ tôi mới nghe đã tròn mắt hỏi - Rồi sao nữa?

- Thì có sao nữa đâu, mới nằm thấy tới đó thì giật mình thức giấc, thế là thôi!

- Tưởng ổng còn nói thêm gì nữa!

- Mẹ tôi tỏ ra chưng hửng vì bà là người hay tin vào mấy chuyện tâm linh, nhưng sau đó bảo - Cái ông này linh thiệt, mất bao nhiêu năm rồi vậy mà ai cũng thấy chiêm bao. Tuần trước, lên xóm trên, gặp mụ Kiên cũng nói nằm ngủ chiêm bao. Mủ còn bảo ổng dặn mủ nên mua hèm rượu cho heo ăn thêm nó sẽ mau lớn.

- Sợ chớ bà, ông này linh! - Thím Sang nói rồi gật gù - Linh thiệt!

Nghe hai người lớn tuổi trò chuyện với nhau, tôi không rõ có mối quan hệ nào giữa kẻ đã khuất và giấc mơ của người đang sống hay không. Có điều tôi biết, ông Hiên là một nhân vật rất lạ của làng tôi. Hình ảnh ông còn lưu lại trong ký ức của khá nhiều người. Không chỉ có chuyện nằm mơ, cho tới tận bây giờ, thỉnh thoảng ngồi với nhau ôn cố tri tân, nhắc lại chuyện khổ, chuyện nghèo của hơn bốn mươi năm trước, không ít người lớn tuổi trong làng lại nhắc đến tên ông. Mà nói tới ông Hiên, người ta lại nhắc đến một chuyện động trời, một chuyện động trời do ông Hiên làm nhưng mãi về sau vẫn không có câu giải đáp rõ ràng vì sao ông ta lại làm. Tất cả cứ mờ mờ, đầy suy đoán, mặc dù cho đến nay, dân làng ai cũng còn quí mến ông, bằng chứng là đã gần bốn mươi năm trôi qua, kể từ khi ông lão mất, vậy mà mộ ông luôn nghi ngút khói hương. Ai đi thăm người thân đã khuất nằm ở nghĩa trang, ngang nơi ông yên nghỉ cũng dành một nén để cắm. Người già đã đành, đám trẻ lớn lên sau này thấy người lớn làm, nhiều đứa cũng làm theo để tỏ lòng tôn kính.

Ông Hiên là dân chính gốc của làng tôi, làng Suối Đá, một làng không lớn, không nhỏ nằm ven núi. Nghe đâu từ thời xa xưa, khi  mới lập làng thì ông tổ của nhà ông là một trong lớp những người đầu tiên đã có mặt. Bình thường thì người ta gọi ông là ông Hiên, nhưng lớn lên, có lẽ do ông Hiên làm nghề thiến heo, nên một kẻ nào đó nghịch ngợm, sành nói lái đã chơi xỏ, thêm chữ Théo vào trước, để rồi sau đó dân làng bắt chước, khi không có mặt ông, lén gọi ông là Théo Hiên. Gọi lâu thành quen. Nhà nào đó có heo chuẩn bị thiến mà chưa gặp ông liền nói với hàng xóm: “Lâu quá, không thấy lão Théo Hiên đi ngang. Con heo trong chuồng cần thiến rồi! Nếu có gặp thì nhắn đến thiến giúp nghen!”. Hoặc: “Thằng cha Théo Hiên mắc dịch hay sao mà lâu nay không thấy. Con heo sắp đến kỳ rượng đực rồi mà ngóng hoài, không thấy đi ngang” Thậm chí, trong đám trẻ con, có đứa thấy ông đi qua, liền trốn vào bụi cây, hét to “ông Théo Hiên là ông thiến heo”. Nhưng đối với ông Hiên, hình như ông chẳng lấy thế làm buồn.

Thân hình tuy có thấp bé so với người bình thường, chân đi hơi vòng kiềng, nhưng trông ông Hiên rất nhanh nhẹn. Đôi mắt của ông hơi lé một chút, lé nghiêng nghiêng về phía trái. Lé nhưng trong việc thiến heo thì ông rất tinh tường. Khi ông thiến, nhiều người là chủ heo tưởng ông nhìn đi nơi khác, tỏ ra lo lắng nhưng thực ra mắt ông đang tập trung cho công việc. Ngày ngày, cùng với hành trang là chiếc túi vải màu đà nhuộm từ vỏ cây trâm nấu lên, đeo bên hông, trong đó có con dao xếp bén ngót cùng với cuộn chỉ, mấy cây kim khâu và một chai dầu hỏa trộn với lọ nồi và bồ hóng, tạo thành một thứ nước bột đen đen, sền sệt, ông Hiên đi hết làng trên, xóm dưới, thỉnh thoảng cất lên mấy tiếng hô “ai thiến heo hô... ôn?”.

Ở quê tôi thời trước, cùng với ông Năm cắt tóc dạo và bà Yến gánh bánh bèo đi bán rong, ông Hiên là người mà không nhà nào lại không quen mặt, quen đến nỗi người ta gọi đùa rằng họ là những cán bộ đi sát dân nhất, đi sát cơ sở nhất. Gọi như thế cũng đúng, vì ngày nào cả ba cũng đi khắp làng và nhà nào có chuyện gì xảy ra họ đều biết ráo. Đối với ông Hiên, ai có heo cần thiến thì mời ông vào và niềm nở, rót nước chè lá, đón như đón khách quí. Đơn giản là ở nhà quê, con heo là nguồn tài sản, được người ta rất nâng niu. Làm nông, có con heo trong chuồng coi như của bỏ ống, dù rằng có khi bận rộn chỉ cho nó ăn cám, ăn rau, ăn chuối cây qua ngày, nhưng nhà nào cũng gởi vào đó niềm hy vọng. Mà ông Hiên lại là người thiến giỏi. Thường thì heo đực ông cột hai chân sau, treo lên cái cây cọc rồi dùng dao rạch bẹn, lấy đi “hai viên ngọc”. Heo cái thì ông trói chân, lấy gối đè lên, mổ một bên hông, thò ngón tay trỏ và ngón giữa vào bụng, lòn lòn, nguậy nguậy, tìm cách kẹp, rồi ngắt đi bộ phận liên quan đến đường sinh nở.

 Rạch, mổ, thiến rồi dùng kim và chỉ để khâu, sau đó bôi dầu hỏa trộn lọ nồi, bồ hóng vào vết thương. Những động tác ấy, bao giờ cũng được ông Hiên làm rất nhanh, rất khéo. Chỉ khâu của ông dùng là loại sợi tước ra từ vỏ của bẹ thơm, nên khâu xong chẳng bao lâu sau sẽ tự tiêu lấy mà không cần cắt cũng chẳng cần rút.

Mỗi con heo dù đực hay cái vào tay ông Hiên chỉ chừng mươi phút là xong, là có thể bỏ chúng trở lại chuồng sau mấy tiếng kêu eng éc, mà chẳng cần thêm thuốc men gì. Thậm chí heo nọc hết kỳ dắt đi thả giống hay heo nái quá thì sinh đẻ, để vỗ béo kiếm tiền, tuy thiến có vất vả hơn song ông cũng làm được. Người ta quí ông Hiên vì theo họ, ông là người có tay thiến. Heo ông thiến không bao giờ bị trục trặc mà sau đó lại hay ăn, chóng lớn. Với lại, ông là người dễ tính, thiến heo xong ai trả tiền ngay thì lấy, ai nợ thì để từ từ, chẳng hề câu mâu, khó chịu bao giờ... Câu nói quen thuộc mà ông làm ai nấy đều vui là: Tiền chưa lấy thì còn đó, nó có chạy đi đâu mà lo!

Nhà ông Hiên ở dưới chân đồi Mù U, cách nhà tôi không xa mấy, chỉ hơn cây số. Bọn nhỏ chúng tôi trong làng chẳng đứa nào lại không biết ông. Tiếng rao bằng cái giọng hơi khàn khàn kéo dài về phần cuối “Ai thiến heo hô ...ôn?” đã trở nên quá quen thuộc. Có lẽ cũng cần kể thêm rằng, do nằm ven rừng, ruộng đất ở quê tôi đa phần ít màu mỡ, đây lại là nơi bị chiến tranh tàn phá khá nặng nề. Sau ngày đất nước thống nhất, mọi người tản cư khắp nơi mới trở về, bắt đầu khôi phục cuộc sống, rồi bốn năm thì cuộc vận động xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đã được tiến hành.

Thời kỳ đầu trống dong cờ mở, khí thế hào hởi lắm, phấn chấn lắm. Ai cũng nghĩ rồi đây tất cả mọi nhà sẽ có cuộc sống giàu sang. Không rõ căn cứ vào đâu mà có anh cán bộ từ trên huyện về, người gầy gầy, đeo cái túi vải đã bạc màu bên hông, khi phổ biến chủ trương đã đứng trước đám đông, hiên ngang tuyên bố rằng, tương lai không xa bà con trong làng sẽ chỉ ăn bánh mì với phô-ma và uống sữa chứ không ăn cơm nữa, giống như bên Liên Xô. Anh ta nói say sưa đến mức ở hai khóe miệng đóng hai cục nước bọt trắng hếu, thế mà vẫn nói. Nói xong thấy mọi người há hốc mồm để nghe, anh ta còn hứng chí hát vang mấy câu “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa...”, làm cho ai nấy hoan hỉ tưởng chừng như rồi đây dân làng mình chỉ có hát ca, nhảy múa. Riêng cái món phô-ma thôi mới nghe đám con nít đứa nào cũng thấy lạ, cũng thấy thèm. Hồi đó phô-ma chưa có nhiều như bây giờ nên chưa ai hình dung được, nên bọn nhỏ cãi vã nhau, đứa nói món ấy màu đỏ, đứa nói món đó màu trắng. Thậm chí có thằng nhóc tỏ ra hiểu biết, bảo món ấy có màu xanh. Nó còn khẳng định mình được ăn rồi, làm cho bọn khác đứng chung quanh phục sát đất.

Song thực tế không phải vậy. Ai đã từng sống ở nông thôn chắc biết, do cách quản lý kém nên đời sống xã viên ở các hợp tác xã của mấy mươi năm trước đa phần gặp khó khăn vô cùng. Người dân quê tôi không thoát khỏi tình trạng trên. Từ chỗ nhà nào làm cũng đủ ăn, giờ đây ai cũng thiếu trên, hụt dưới. Cái cảnh cha chung không ai khóc của hợp tác xã chỉ sau mấy năm đã làm cho bức tranh làng quê ngày càng ảm đạm. Nhiều người chán nản, khi ra đồng chỉ đứng chống cuốc, chờ xong buổi đi về. Có bận thiếu ăn quá nhiều gia đình phải lên rừng đào thêm củ mài.

 Tiếp đó một thời gian, chế độ khoán đất cho từng hộ gia đình được thực hiện. Giai đoạn này ở một số hợp tác xã lân cận, nhờ sự năng động của Ban chủ nhiệm, đời sống của người dân có được nâng lên. Nhưng ở quê tôi, do chuyện mất đoàn kết nội bộ diễn ra liên miên, lại gặp hạn hán kéo dài làm cho người nông dân tuy nhận khoán đất nhưng lúa thu được để nộp cho hợp tác xã không đủ. Chỉ tiêu giao khoán lại quá cao. Nhà này khất nợ. Nhà kia khất nợ. Mùa nọ nối mùa kia, có nhà nợ thuế, nợ các loại phí như thủy lợi, phí mua phân bón, trừ sâu... lên đến mấy tấn thóc. Nhưng nợ thì phải thu! Vì có nhiều khoản hợp tác xã bắt buộc phải nộp cho cấp trên theo kế hoạch huy động lương thực. Chủ trương này ngày ngày với những điệp khúc oang oang được phát trên những chiếc loa phóng thanh bằng sắt treo ở mấy ngon cây cao. Các tổ hợp tác vào các buổi tối đánh kẻng, tổ chức họp  xã viên liên miên, nội dung họp cũng chỉ là chuyện kêu gọi bà con trả nợ. Nhưng thóc lúa lấy đâu mà trả? Thế rồi không rõ do lệnh của ai, sau cuộc vận động bất thành, theo đề nghị của hợp tác, ủy ban xã đã quyết định tiến hành một đợt cưỡng chế, nghĩa là xã sẽ huy động lực lượng đến từng nhà mắc nợ xem ai có gì tịch thu nấy để bán, cấn trừ.

Dạo ấy tôi vừa thi rớt đại học nên ở nhà vừa tự ôn bài chờ năm sau thi tiếp vừa giúp cha mẹ. Nhà tôi cũng thuộc diện nợ lúa. Nợ trên hai tấn. Gần đến ngày xã tổ chức các đội công tác đi cưỡng chế, tôi thấy cha mẹ tôi hay thở dài. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá nhưng ai cũng lo, cũng sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi đội công tác cưỡng chế đến. Người người hoang mang. Nhà nhà hoang mang. Trong xóm, trong làng, những người lớn tuổi gặp nhau, ai nấy mặt mày nhăm nhúm đến tội nghiệp.

Nhưng thật bất ngờ, vào một buổi trưa... Tôi còn nhớ khá rõ, đó là một buổi trưa mùa hè nắng như đổ lửa, giữa lúc cả làng xóm im lìm chìm trong sự oi bức của những cơn gió nam non đang tràn qua, thì phía trụ sở hợp tác xã có tiếng la hét om sòm và ở đó có một ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt. Khi chúng tôi chạy tới thì thấy gian nhà chính, là văn phòng hợp tác xã đã cháy trụi và mọi người đang tập trung tìm cách không cho ngọn lửa lan sang phía mấy nhà kho nằm ở gần đó.

Cán bộ, xã viên, người lớn, trẻ con... chẳng mấy chốc đã tụ lại rất đông. Lúc lửa gần như đã tàn, mọi người bắt đầu đi tìm nguyên nhân sự cố và ai nấy đều kinh ngạc khi biết tin chính ông Hiên thiến heo là người trực tiếp châm lửa, gây ra vụ hỏa hoạn. Không phải một nhân chứng mà có đến bốn người đã khẳng định điều đó vì tất cả họ đều có mặt lúc xảy ra sự việc nhưng không ai can ngăn kịp vì việc diễn ra quá bất ngờ mà gió lại to làm cho lửa bùng lên rất nhanh. Bàn ghế, các tủ đựng giấy tờ đã cháy trụi, tất cả đang nghi ngút khói.

Ông chủ nhiệm hợp tác xã không rõ từ đâu chạy tới trong khi trên người đang còn mặc chiếc áo may ô cùng cái quần xà lỏn và sau lưng là con chó vện lon ton chạy theo. Nhìn cảnh trụ sở bị cháy, mặt mày tái mét, ông ta gào lên:

- Chết cha tôi rồi! Chứng từ, nợ nần cả đống cháy hết rồi! Đồ phản động! Quân phản động! Ai đốt? Đứa nào đốt? Ông Hiên đốt hả? Ông này điên hả?

Mọi người càng kinh ngạc hơn là sau khi làm cái việc động trời, ông Hiên không hề bỏ chạy, mà trên tay đang cầm một con cúi bằng rơm còn nghi ngút khói, mặt đờ đẫn, hai cái chân vòng kiềng đứng dạng ra dưới gốc cây xoài to cách trụ sở hợp tác xã chưa đầy trăm mét. Với đôi mắt nhìn nghiêng nghiêng, vừa nhún nhảy, múa may, ông ta vừa há miệng, ứ ớ nói những tiếng nghe rất quái đản: a a a!

á á á ... à à à ! éc, éc éc... ẹc ẹc ẹc...

- Thằng cha Hiên thiến heo điên rồi ! - Người nào đó nói thật to! Bắt hắn lại! Bắt hắn lại chứ không hắn đốt nữa bây giờ!

Tiếp đó có nhiều tiếng la hét, phụ họa theo:

- Bắt ông ta lại!

- Bắt ổng trói lại, có chuyện gì sẽ tính sau!

Trước đám người càng lúc càng đông đang vây quanh, nhộn nhạo, ồn ào, ông Hiên dường như không để ý đến ai, mắt cứ nghiêng nghiêng, liếc trời, liếc đất và tiếp tục nhún nhảy, uốn éo hết về phía bên này lại sang phía bên kia giống như một đứa trẻ tinh nghịch, miệng liên tiếp phát ra những âm vô nghĩa: a a a! á á á...

Cho đến khi có ba thanh niên là lực lượng du kích của xã xông vào, kẻ ôm, người vật, sau đó trói lại, nhưng ông Hiên vẫn thế, cứ như kẻ vô hồn, cứ cười khằng khặc rồi lại a a a ! á á á ...

Mặc dù ông Hiên bị giải ngay về trụ sở ủy ban xã, tiếp đó được công an huyện đưa về tạm giam tại thị trấn để điều tra, song chiều hôm ấy và nhiều ngày sau, khắp làng tôi chuyện liên quan đến ông đi đâu cũng nghe người ta đem ra bàn tán xôn xao, lúc ngoài đường khi ở chợ, lúc ngoài đồng, khi trên đồi. Không bàn tán sao được! Đốt trụ sở hợp tác xã là chuyện nếu không phải là người ăn gan trời thì cũng là kẻ điên khùng chứ ai dám. Từ xưa đến nay, trong xã chưa hề có chuyện như thế bao giờ. Mụ Tám Sâm, người đàn bà góa, nhà nằm ở cái dốc thoai thoải bên bờ sông, người thường lén lút xem bói và vào dịp đầu năm hay đoán thời vận cho khách qua mấy bộ chân gà luộc chín đã bắn tin rằng, ông Hiên bị ma heo bắt. Theo mụ, ông Hiên thiến quá nhiều heo nên có một con heo nào đó hóa thành ma đã nhập vào, xúi làm chuyện bậy bạ, bằng chứng là những tiếng kêu éc éc dị hợm từ miệng ông ta phát ra.

Người làng tôi thời ấy không ít kẻ còn tin vào chuyện ma quỉ. Ma gia, ma trơi, ma le, ma heo, ma trâu... thôi thì lắm loại ma, loại nào cũng đáng sợ. Mà người đã bị ma nhập, ma ám, không bị điên cuồng thì cũng lâm bệnh tật, điêu đứng. Giờ thì  sự mò đoán của mụ Tám Sâm làm cho những người yếu bóng vía càng tin.

Nhưng lực lượng công an điều tra cũng như chính quyền xã không tin chuyện đó. Người ta tập trung tìm hiểu theo hướng: Động cơ nào khiến ông Hiên có hành động phá hoại kia? Có ai đứng đằng sau, xúi giục ông Hiên không và lý do tại đâu? Liệu thế lực thù địch cài cắm trong việc này không? Rất nhiều người quen biết với ông Hiên đã được mời đến trụ sở ủy ban xã để thăm dò, nhờ cung cấp thêm thông tin, nhưng hình như chưa có manh mối nào xác đáng. Lý lịch ba đời nhà ông Hiên cũng được đem ra xem xét, nhưng nghe đâu tất cả đều không có điểm đen, tất cả đều trong sạch. Ba đời nhà ông Hiên đều nghèo, không có ai là thành phần bóc lột, cũng chẳng cái ai làm việc gì gây nợ máu với nhân dân mà hầu hết đều có công với cách mạng. Riêng ông, cả đời đi thiến heo, chưa làm mất lòng ai nói chi đến chuyện phạm pháp.

Thế thì do đâu? Ngày nối ngày, cái trụ sở bị cháy chỉ còn là đống tro than đen thui nằm chình ình ngay trên con đường qua lại cứ như một câu hỏi khổng lồ. Dần dà, một sự phỏng đoán mới lại lan ra. Người ta nhận định, có thể ông Hiên bị tâm thần. Lý do để người ta tin như thế là vì ngoài các hành vi khác thường, hồi chiến tranh có lần ông Hiên bị thương và một mảnh bom bi vẫn còn nằm trong đầu không lấy ra được. Có thể lắm chứ! Chuyện những năm chiến tranh ác liệt liên quan đến vết thương của ông Hiên lại trở thành đề tài sôi nổi để người ta xôn xao khi tụm năm, tụm ba.

Ông Cường, chồng bà Ba Xự có tiệm bán bánh đúc, bánh bèo ở ngã tư làng là người phổ biến nhiều nhất nội dung này. Vì nghe đâu nhà ông ta có hiềm khích với mụ Tám Sâm bói toán, nên ai đến mua bánh ông ta cũng kéo lại, xỏ xiên:

- Biết gì chưa? Thằng cha Hiên bị thần kinh do mảnh bom bi chứ không phải tại ma trâu, ma heo gì hết. Thời buổi này ai còn đi nói mấy chuyện thúi thúi về ma với quỉ như cái đám thầy bói tầm phào kia. Tội nghiệp, cái mảnh bom dính vào đầu lão Hiên năm xưa, tưởng ngủ yên, ai ngờ giờ đây lại cựa quậy...

 - Hồi đó... Còn ông Sáu Thi, vốn là người ít nói, giờ đây gặp ai cũng góp phần giải thích bằng sự xác nhận - Hồi đó, lúc thằng cha Hiên bị thương tui đang có mặt. Chúng tôi đang cuốc đất ngoài đồng Trâu thì máy bay Mỹ đến nên chạy toán loạn rồi núp dưới con mương Ồ Ồ. Trong trận bom ấy thằng chả bị thương vào đầu và sau đó chính tui cùng thằng Năm Xẹt khiêng vào bệnh viện của quân ta trong rừng...

Nhưng chuyện chưa dừng ở đó, trong khi cuộc điều tra chưa có kết luận cuối cùng thì bà con trong làng tôi bàng hoàng vì tin ông Hiên qua đời. Thì ra, từ lâu người đàn ông đi thiến heo dạo mắc chứng xơ gan cổ trướng nhưng không chịu đi bệnh viện mà chỉ âm thầm chạy chữa bằng thuốc nam nên không khỏi. Trong thời gian bị tạm giam, ông ta luôn bỏ ăn, sức khỏe càng thêm suy kiệt, rồi một bữa, lăn đùng ra bất tỉnh. Người ta đưa ông Hiên qua bệnh viện huyện cấp cứu mới phát hiện ra bệnh. Nhưng bệnh đã ở giai đoạn cuối rồi, lá gan phình to, đầy u nần sưng tấy và sắp vỡ ra rồi, nên chỉ mấy ngày sau ông mất.

Vợ con đã chết từ thời còn chiến tranh nên từ đó ông Hiên vẫn sống một mình dưới chân đồi Mù U, duy nhất chỉ có bà Bốn Lê, một người em họ nhà ở gần đó, hàng ngày thường lui tới giúp đỡ. Khi quan tài của ông Hiên đưa về, bà Bốn Lê đã ôm lấy mà khóc. Khóc nức nở. Bà khóc rồi mếu máo kể cho mọi người nghe rằng, ông Hiên bị bệnh từ lâu nhưng ông cố chịu, không nói cho ai biết. Gần đây, một bữa qua nhà thăm ông, bà buồn rầu lo lắng, ca cẩm về việc mình không có thóc để trả nợ, ông liền bảo để ông giúp. Bà tưởng ông Hiên nói đùa, không ngờ, ông giúp theo cách này...

- Anh ơi là anh, mình bịnh thì lo cho mình chứ sao lại đi lo cho người khác thế này! Anh ơi là anh! - Giọng bà Bốn Lê càng kể nghe càng não nề - Anh ơi là anh....!

Nghe chuyện, không ai cầm được nước mắt. Ông Năm cắt tóc dạo lúc này đứng gần chỗ quan tài, có lẽ do quá ngạc nhiên, đã lách đám đông để ra sân, nói như hét lên:

- Trời ơi, chết cha rồi bà con ơi! Thằng cha Hiên này biết mình bị bệnh không qua khỏi, nên đốt trụ sở, đốt hết giấy tờ để bà con ta khỏi phải trả nợ đây mà...

Thấy vậy, bà Yến bán bún dạo đang đứng giữa sân cũng nhao nhao, phụ họa theo bằng một câu chẳng đâu vào đâu:

- Đúng, đúng, có lý lắm! Ông này thương người lắm! Hèn chi mấy kỳ gặp ổng ngoài đường thấy mặt ổng xanh tái, cứ lờ đờ, lờ đờ...

Thêm một nguồn tin mới được lan ra và mọi người lại tụm năm, tụm ba.

Buổi đưa tang ông Hiên không hiểu sao, gió thổi rất mạnh. Những ngọn cờ tang hai màu đen trắng cứ bay rần rật. Dân làng đi tiễn người quá cố rất nhiều và trên đường đi, đám đông lại xầm xì bàn tán. Có điều, tuy không công khai nói ra, nhưng ai cũng thầm biết ơn ông Hiên, vì sau vụ cháy, nghe đâu do giấy tờ bị thiêu rụi theo nên hợp tác xã và chính quyền xã chẳng còn biết ai nợ bao nhiêu để mà đòi, mà cưỡng chế.

Tiếp đó, cấp trên cử đoàn về kiểm tra và kết luận việc hợp tác xã và ủy ban xã tự ý đề ra chủ trương đi cưỡng chế thu nợ là sai. Một loạt cán bộ bị thi hành kỷ luật. Vài năm sau, theo chủ trương của trên, các hợp tác xã nông nghiệp được giải thể, đất ruộng được trả lại cho dân. Cuộc sống nghèo nàn lùi dần. Quê tôi sau mấy mươi năm, giờ đây đã phát triển về mọi mặt. Tuy vậy, chuyện tày đình do ông Hiên làm ngày nào thỉnh thoảng vẫn còn được những người lớn tuổi nhắc lại với những câu hỏi vì đâu, do đâu... Và cũng giống như chuyện mẹ tôi và thím Sang nói với nhau, trong làng thỉnh thoảng lại có người kể rằng họ đã nằm mơ thấy Hiên hông đeo cái túi nâu đi ngoài đường và rao “Ai thiến heo hô ...ôn?”.

 Hôm qua có việc, tôi đi ngang đồi Mù U, nơi ngày nào có ngôi nhà  tranh của ông Hiên từng sống. Ngọn đồi này nghe đâu thời xa xưa, có rất nhiều mù u, nhưng do loại gỗ này làm thớt rất tốt. Tuy cái thớt chẳng tốn bao lăm gỗ, nhưng hết đời này sang đời kia, người ta đốn dần, nay chỉ còn một cây đứng bên chân đồi. Tôi nhìn cây mù u cổ thụ, chợt nhớ đến ông Hiên rồi nhớ đến chuyện bà Bốn Lê khóc và kể lể bên quan tài ngày xưa. Việc ông Hiên làm quả là quá cực đoan, nhưng phải chăng người thợ thiến heo bình thường trước khi mất, thương dân làng nhưng không biết phải làm gì nên đã... Ừ, mà biết đâu được! Đâu phải chỉ có những người tài cao học rộng, hay các quan chức đảm nhiệm những chức vụ quan trọng mới thương dân! Dù rằng chỉ là thợ thiến heo nhưng ông cũng là con người kia mà...? Tôi tự hỏi nhưng lại bối rối, không rõ chính xác hay không trước những câu trả lời của chính mình.

Trong vòm lá xanh của cây mù u có một chú chim khách màu đen tuyền, đầu đen, thân đen, chân đen, cả cái mỏ cũng đen thui đang nhảy nhót, có lẽ thấy tôi nên cất tiếng kêu khách khách. Đây là giống chim mà người  ở quê tôi rất quí, tiếng kêu của nó luôn báo hiệu điềm lành.

Tôi ngước mặt nhìn lên. Trên cao, có một đám mây trắng bồng bềnh đang chầm chậm trôi đi.

H.N.T
(Tạp chí Non Nước số 269)