Con người với “vết thương” môi sinh

31.10.2016

Con người với “vết thương” môi sinh

Xưa nay người ta dùng văn học là để phản ánh nhiều vết thương tinh thần, thể xác của con người. Đặc biệt là trong chiến tranh, với sự hy sinh của những người lính. Lần này tác giả trẻ Nguyễn Văn Học viết về một vết thương, "Vết thương hoa hồng", sao nó nhức nhối và đau đớn đến thế. Tiểu thuyết vừa được ra mắt tại Nhà xuất bản Hà Nội, 9-2016.

1. Chuyện bắt đầu từ một làng quê Việt Nam. Vẫn là nắng gió, quả đồi thiêng, vẫn là đầm sen thơm ngát và những đêm trăng diễn kịch ở sân đình, nhưng làng quê ấy đã không còn thanh bình nữa. Cô gái tên Hoa có một vẻ đẹp hoàn hảo, tuyệt vời, là mơ ước của bao người, là động lực của gia đình và chính bản thân. Nhưng cô đã không được sống đúng với mơ ước và mong muốn của mình, là được thi vào đại học, được sống có ích và được sống hạnh phúc. Cô đã bị những con người độc ác, có tiền có quyền có chức, có thế lực ở làng quê ấy hãm hại, đẩy đến bước đường cùng, không lối thoát. Kéo theo đó là một loạt cuộc đời và số phận cũng giống như cô, không được sống hạnh phúc kiếp làm người (Gấm, Yêm, Hiền, Vẹt, Nắng, Tõn...). Bao nhiêu người đã âm thầm chết mòn trong bóng đêm ngặt nghèo của số phận.

Dưới ngòi bút cô đọng, súc tích của Nguyễn Văn Học, bi kịch ấy hiện lên rõ nét. Làng quê vốn thanh bình, người dân quê vốn lam lũ, thuần phác, nhưng có một bọn "cường hào ác bá" thoái hóa biến chất nổi lên, mặc sức hoành hành. Chúng mặc sức vơ vét đất đai, quyền hành và tiền bạc, gái đẹp và mọi hưởng thụ sung sướng, thản nhiên chà đạp lên niềm hy vọng và hạnh phúc của dân đen. Chúng dùng tiền để bẻ quặt vấn đề, biến tội ác từ có thành không có, thậm chí thành nhân nghĩa. Tiêu biểu cho thế lực hắc ám đó là ông Hỗn chủ tịch xã và vây cánh của ông ta. Con cháu của ông ta thất đức, dâm ô và bạo ngược, ỷ thế làm càn, ngang nhiên quậy phá và hành hạ đồng loại, bất chấp đạo lý và luật pháp. Lò gạch của họ ngày đêm thải khí ra môi trường, làm hại thiên nhiên, đe dọa sức khỏe và sự sinh tồn của con người. Một vùng quê đã bị nhiễm độc, nham nhở và vô cùng nguy hiểm đối với người nông dân. Vết thương sinh thái, vết thương môi trường này ăn từ trong ruột ăn ra, nó bắt nguồn từ con người, nên nó hủy hoại toàn bộ cơ thể, như căn bệnh ung thư, lở loét nhiễm trùng, rất khó chữa trị. Cô gái tên Hoa hiền lành xinh đẹp giỏi giang đầy mơ ước, đã bị con trai ông Hỗn chủ tịch xã phi sào tre vào mặt, hãm hiếp, mang dị tật, mang hoang thai, mãi mãi mất đi vẻ đẹp thiên thần, thui chột tài năng, mơ ước, và mất đi trinh tiết, danh dự của một con người cùng với con đường mưu sinh khi vừa mới bước chân vào đời. Một mình quằn quại với nỗi đau, cô trở nên vô cảm, độc ác với chính mình và đồng loại. Nhiều cuộc đời khác cũng hiện lên nơi vùng quê nhỏ bé, họ bị bức hiếp, nhục mạ thể xác và tinh thần. Có người phải lánh xa đồng loại, có người phải đi ra phố để bắt đầu cuộc đời mưu sinh cực nhọc. Cuối cùng ông Hỗn và con cháu ông ta, do vừa sống dối trá, tham lam, lại trác táng, lang chạ, dâm tà, nên khi lấy vợ lấy chồng hoặc ăn nằm với ai rất hay sinh ra quái thai, có người bị tuyệt tự và thậm chí bị ung thư chết.

 2. Nguyễn Văn Học đã rung một tiếng chuông cảnh tỉnh cho một tai họa kinh hoàng đang hiển hiện trước mắt chúng ta. Khi môi trường và lòng tin con người bị tàn phá, thì còn mong gì nữa! Anh đang đứng ở góc độ xã hội nhìn vấn đề qua lăng kính khoa học. Làng quê ấy thật là đáng sợ. Sự tàn phá sẽ lan nhanh theo diện rộng, cấp số nhân, như đám cháy lan ra khi mọi người còn đang ngủ! Ở đất nước này có bao nhiêu cái làng như vậy? Nhiều làng quê như vậy thì đất nước có còn vững mạnh không?! Bao giờ gột bỏ được hết những ung nhọt đó? Tiểu thuyết "Vết thương hoa hồng" gây một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng lại xuất hiện những "ung nhọt" mới, những nhân tố có sức tàn phá mới, nguy hiểm cho tương lai của nhiều thế hệ, cho sự sống của cả cộng đồng người. Cái nguy hiểm nhất là sự tha hóa của con người; niềm tin của con người bị cạn kiệt, hạnh phúc rời xa, đẩy nhanh sự suy sụp, tan rã của cộng đồng, làng xã. Nguyễn Văn Học rất tự tin, bình thản khi bóc tách vấn đề này, chứng tỏ anh thai nghén đã lâu. Dùng ngòi bút văn chương để đả động đến một vấn đề lớn của xã hội như Nguyễn Văn Học, là bản lĩnh kiên cường, lòng dũng cảm khai phá và trách nhiệm lớn của người cầm bút.

Bản lĩnh này đã xuất hiện rất sớm ở anh từ ngày còn trẻ. Từ ngày anh viết Quỷ (bản thảo), Rơi xuống vực sâu, Hỗn danh... đã xới lên một loạt các vấn đề xã hội. Ba mươi lăm tuổi (sinh năm 1981), với hai mươi năm cầm bút và 24 đầu sách đủ mọi thể loại, Nguyễn Văn Học cũng chỉ một lòng yêu thương con người. Anh viết nhiều tiểu thuyết phóng sự về vấn đề nóng hổi, gai góc của xã hội, ngòi bút anh thầm lặng và bền bỉ lách qua mọi rào cản, mọi định kiến để bênh vực, đứng về phía con người lương thiện. Tôi rất ngạc nhiên bởi anh. Tác phẩm nào, câu văn nào của anh cũng tràn đầy lòng nhân ái, cảm thông với con người, thấu hiểu và đồng hành với con người, mọi tầng lớp xã hội. Anh rất hiểu về tâm lý nhân vật và luôn hiền từ, nhân hậu, nhưng không hề né tránh các vấn đề lớn của xã hội. Văn chương anh viết nhiều, nên nó cũng trở nên cô đọng, súc tích, đẹp đẽ và trong sáng hơn, bố cục rất hoàn thiện. Dường như trước khi bắt tay viết một tiểu thuyết, thì tất cả đã nằm trong đầu anh sẵn rồi. Anh viết, không khó khăn, tôi đoán thế. Anh một cây bút rất có tâm, sáng suốt và mạnh mẽ vậy. Như tiểu thuyết "Vết thương hoa hồng" này rất ngắn, nhưng anh đã khai triển và giải quyết trọn vẹn vấn đề số phận con người và xã hội trong chỉ gần 200 trang sách. Anh có những câu văn sung sức không kém phần dữ dội để mổ xẻ vấn đề xã hội, những mặt tối, những tội ác, những nẻo đường lầm lạc trong tư tưởng con người. Cô gái tên Hoa ấy, đẹp đẽ đến thế, mà bị hủy hoại đến thế, phải chịu số phận nhiều bất công, đớn đau, phi lý. Vùng quê ấy, đẹp đẽ thanh bình đến thế, mà bị khói độc của lò gạch, của các khu công nghiệp bủa vây, làm ô nhiễm bầu khí quyển và nguồn nước; bị sự giận dữ, tàn hại của thiên nhiên, sự nguyền rủa của Thượng đế và nhân quả nhỡn tiền của nhà Phật. Tất cả đã và đang bị tàn phá! Hãy cứu lấy làng quê, cứu lấy những con người vô tội. Trong nhiều tác phẩm văn chương của mình, Nguyễn Văn Học cũng chỉ đau đáu một vấn đề đó. Qua bao năm tháng, thời gian và dũng khí, khiến cho ngòi bút của anh lớn mạnh lên thêm.

Trở lại "Vết thương hoa hồng", người ta thấy giữa làng quê ấy, vẫn còn những tấm lòng thuần hậu, nếp nhà ấm áp, tình cảm đùm bọc gia đình, bè bạn, khiến người ta không cô đơn hơn. Người ta thấy trong mình một hơi ấm, một niềm hạnh phúc và một niềm hy vọng, một khát vọng được sống rất chân thành. Hàn Vũ - một nhà thơ lãng du luôn yêu thương và đỡ nâng cái đẹp. Hồng Xuyến - một người bạn của Hoa luôn có khát vọng bay xa. Văn thơ như tiếng gọi thiêng liêng, nguồn sáng xa vời... an ủi tâm hồn đau khổ của Hoa. Và chân trời phía trước vẫn luôn mở rộng với những ai khao khát. Chỉ có điều khi còn non trẻ quá, khi vấp ngã người ta không thể tự mình đứng dậy. Cho dù vấp ngã đó không phải là do chính họ! Họ phải cần một tấm lòng... Một gia đình như gia đình Hoa, có những tấm lòng với tình máu mủ đùm bọc nhau trong khổ đau, là một niềm an ủi rất lớn cho nhau rồi. Những con người bất hạnh trong cộng đồng nhỏ bé biết xích lại gần nhau, quan tâm, san sẻ, thấu hiểu và che chở cho nhau lúc tai ương, hoạn nạn. Nhưng những niềm hạnh phúc, những tình cảm con người ấy còn quá ít, quá yếu, làm sao thắng nổi lũ côn đồ và cái ác, thế lực của đồng tiền và những mưu ma chước quỷ đang lường gạt con người? Tuy vậy, những ánh sáng đó, những mầm non hy vọng đó vẫn sẽ vươn lên, vẫn mãi vươn lên và hứa hẹn thắng lợi cuối cùng cho sự sống.

3. Không cái một cái gì tàn bạo, trái tự nhiên mà còn sống sót được. Tại sao con người tàn nhẫn, vô lương tâm, mặc nhiên tàn phá hủy hoại môi trường và tâm thức nhân loại? Có lẽ vì do một bộ phận người là những kẻ cơ hội, thực dụng, ích kỷ, vô ý thức và không hiểu biết. Nên kết cục họ đã gánh chịu hậu quả là tàn phá chính mình. Ông Hỗn chết vì ung thư, con trai ông ta sinh ra quái thai, chết non hết lần này đến lần khác. Tai họa lạ lùng quái đản này làm cho người dân trong vùng rất hoảng loạn, hoang mang. Không gì đáng sợ hơn là cái ác đang lây lan hủy hoại niềm tin của nhiều thế hệ và chất độc hóa học tàn phá môi trường, làm biến dạng mầm sống của muôn loài. Về vấn đề này, các nhà chức trách, nhà khoa học, nhà làm luật, những người có lương tri, có trách nhiệm phải quan tâm lên tiếng, can thiệp vào thì mới giải quyết và ngăn chặn được. Có thể trong suy nghĩ của mọi người, đó là nhân quả, là sự trừng phạt của Trời Phật. Ở tác phẩm này, Nguyễn Văn Học nhiều lần đề cập đến tâm linh, nhân quả của Phật giáo, cũng như tình thương của Thượng đế. Văn xuôi của anh đã có ý thức thấm nhuần về vấn đề tâm linh, văn hóa, có nhiều âm hưởng của Phật giáo, đây là một hướng đi đúng ở anh mà ta thấy rất rõ rệt. Vì yếu tố đó, tiểu thuyết "Vết thương hoa hồng" vừa có tính chất hiện thực, vừa huyền ảo. Nguyễn Văn Học cũng có chất bi hài, hài trong đau thương để càng đau hơn nữa! Nhưng anh không thích cường điệu, không thích người ta ảo tưởng về sự vật. Đôi khi ta thấy chủ nghĩa tự nhiên thấp thoáng ở anh, như khi anh nói vết thương của nhân vật Hoa là đáng "tởm", "tởm lợm". Có lần thân tình tôi góp ý với anh, nhưng anh vẫn cứ tự nhiên như vậy. Từ đó tôi hiểu các chi tiết tự nhiên chủ nghĩa ở anh như một chất hài.  

Suy cho cùng, con người nào cũng chỉ là con người. Họ cũng biết đau thương, mỏi mệt và kiệt sức trước những bi kịch tàn khốc, một khi nó xảy đến với chính mình. Gia đình ông Hỗn gieo gió gặt bão, phải chịu những hậu quả về nhân mạng và dòng giống chẳng hay ho gì. Nhưng rồi, có lẽ cuối cùng họ cũng nhận ra lẽ phải. Nhưng đừng bao giờ để quá muộn. Đó là một bài học xương máu cho tất cả chúng ta!

Khi sự tha hóa, cái ác, vô cảm, mất niềm tin đã lan tràn như bệnh dịch trong xã hội, làm thế nào để bảo vệ những giá trị làm người?... Làm thế nào để tái tạo niềm tin của con người, để lại di sản tinh thần cho các thế hệ sau?... Làm thế nào khi những đứa trẻ không ngừng được sinh ra trên mảnh đất điêu tàn như vậy?! Đó là bài toán nan giải. Câu cuối cùng khép lại tiểu thuyết, tác giả để cho nhân vật Hoa tự nhủ: "Ôi, đó là vết thương thế hệ, khó mà ngày một ngày hai dịu lại. Nhưng mỗi con người cần phải nghĩ khác, để sống khác". Văn xuôi Nguyễn Văn Học là thứ văn chân thật, nhiều khát vọng như thế đó. Người ta nhìn thấy trong nhân vật của Học thấp thoáng số phận mình; làng quê của Học sao mà rất giống với làng quê của họ, rất giống với làng quê họ đã đi qua. Đối với tôi, "Vết thương hoa hồng" là một tiểu thuyết hay.

Trần Thị Ngọc Lan
(vanhien.vn)