Những bông hoa tình yêu - Trần Thúy Lành

15.07.2020

Tiếng gào thất thanh của mẹ chồng “Con ơi là con!” khiến Xanh choáng váng, hai chân loạng quạng suýt ngã quỵ xuống. Cô cố sức lao nhanh về phía cầu ao, nơi đám đông đang quây kín. Trong lồng ngực, trái tim cô đập thình thịch, đau buốt. Mắt cô hoa lên, tối sầm lại. Những cánh tay chắc như gọng kìm đẩy cô vào trong nhà. Cô vùng vẫy, bải hoải và lịm đi.
- Anh Mạnh ơi! Anh Mạnh đâu rồi! Trả lại chồng tôi cho tôi đi! Ông trời ơi! - Xanh mở choàng mắt, bật dậy, gào lên điên cuồng.

Những bông hoa tình yêu - Trần Thúy Lành

Hai chị hàng xóm ôm chặt lấy Xanh, mỗi người giữ một bên. Một chị vừa lấy tay lau những giọt nước mắt đầm đìa trên mặt Xanh vừa thủ thỉ động viên:

- Bình tĩnh nào! Phải cố lên em ơi! Anh ấy đi rồi… - Chị nghẹn lại, không nói được nữa, nước mắt trào ra.

Chị kia xoa vào lưng Xanh, vỗ về:

- Âu cũng là cái số! Em khóc nhiều là anh ấy không siêu thoát được đâu.

Xanh giằng ra:

- Em phải nhìn mặt anh ấy…

Hai người đàn bà kia không giữ được Xanh. Xanh chạy ra giữa nhà, vạch màn ra rồi phủ phục xuống đấy. Vết bầm tím giữa trán của chồng đập vào mắt cô. Chồng cô bơi giỏi nên không thể nào bị đuối nước được. Hè vừa qua anh còn tình nguyện dạy bơi miễn phí cho trẻ con trong làng. Chính anh dạy con trai bơi giỏi như một con nhái bén. Mới đêm hôm qua thôi, nằm cạnh Xanh, anh vẫn còn bàn tính về kế hoạch cho tương lai, rằng hai vợ chồng trả hết nợ làm nhà sẽ quy hoạch toàn bộ hơn hai nghìn héc ta đất canh tác đấu thầu lâu năm để biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái, để mỗi cuối tuần lại được đón khách trên thành phố về nhà quê nghỉ dưỡng, ngắm hoa hồng và câu cá. Anh sẽ nhân rộng vườn cúc họa mi để cho thuê chụp ảnh, cần gì phải lên tận Hà Nội mới có cúc họa mi. Xanh gối đầu lên cánh tay rắn chắc và ấm áp của chồng, nghe những hoài bão dự định của anh mà như được ru ngủ. Anh bảo khi nào em cảm thấy cuộc sống ngoài kia mệt mỏi quá thì em hãy về với ngôi nhà của chúng ta, ngôi nhà nhỏ ven sông là hết mệt ngay. Nơi ấy có giàn hoa hồng quanh năm nở rộ, có hàng dừa nghiêng mình soi bóng nước, có hàng cau thẳng tắp chạy trước hiên nhà, có vườn chanh lúc nào cũng ngào ngạt hương đồng nội, có đàn cá dào dạt mặt nước đớp mồi mỗi sớm mai, có những xoài, bưởi, hồng, na, khế, ổi... thân thuộc như vườn bà trong ký ức tuổi thơ em, có ô cửa mở ra cả một trời cao rộng, có những bình yên êm dịu mà em chẳng thể tìm thấy nơi đâu... Xanh thì thào: “Nhưng em vẫn thích hoa hồng nhất” rồi Xanh thiếp đi lúc nào chẳng biết.

Tỉnh dậy, không thấy chồng đâu, Xanh cũng quen rồi vì từ ngày đi làm công trình ở xa, anh Mạnh có thói quen dậy sớm, lại nghiện thuốc lào. Anh sợ mẹ con Xanh mất giấc ngủ, khó chịu với cái mùi nồng nặc hôi rình ấy nên thường vác điếu cày ra bờ ao rít vài hơi khai vị trước khi ăn sáng. Xanh múc mì ra ba cái bát to, đánh thức con dậy, sai thằng bé ra gọi bố nhưng lát sau, nó chạy vào, lắc đầu: “Bố không có ngoài ao mẹ ạ!”. Xanh nhìn quanh nhà, hai chiếc xe máy vẫn dựng trong góc kia. Quái, anh Mạnh đi đâu vào giờ này nhỉ? Không về ăn nhanh thì bát mì lại nguội ngắt nguội ngơ, trương phềnh lên mất thôi. Xanh lấy điện thoại di động bấm máy. Chuông điện thoại reo vang. Điện thoại của chồng vẫn nằm chềnh ềnh trên giường. Xanh gọi tiếp cho bố mẹ chồng hỏi xem chồng con có sang bên đó không. Không thấy tăm hơi đâu cả. Một lúc sau, mẹ chồng nhào ra nhà Xanh giục cô đi tìm chồng đi, không hiểu sao mẹ nóng ruột lắm, như có lửa thiêu trong lòng. Bà chạy quanh bờ ao, phát hiện cái điếu cày cạnh cầu ao thì bủn rủn chân tay: “Có chuyện rồi Xanh ơi!”. Bằng linh cảm của người mẹ, bà huy động thanh niên, trai tráng quanh xóm xuống ao mò khoắng. Bao nhiêu người nhào xuống mò quanh cái ao rộng mênh mông nhưng lại chừa chỗ cầu ao ra. Bà mẹ sốt ruột, xắn quần lội xuống. Đụng ngay phải con trai mình nằm còng queo dưới nước, bà thét lên.

- Sao anh lại nỡ lừa em? Anh dậy đi! Anh nói đi! – Xanh thổn thức.

- Người chết chưa khâm liệm thì không được để nước mắt rơi vào, lôi chị ấy ra đi! - Tiếng ai đó oang oang.

Mọi người xốc cánh tay Xanh ra ngoài. Xanh ngửa mặt lên trời, hớp tí không khí, nấc từng hồi như sắp ngất. Họ hàng, làng xóm và cả học trò của Xanh kéo đến mỗi lúc một đông. Người ta thi nhau bán tán, chỉ trỏ, khóc lóc.

- Tránh ra! Mọi người tránh ra cho cô ấy thở - Tiếng ai đó gào lên. Người bấm ngón tay vào giữa cằm Xanh, người thì giật tóc, người thì xoa thái dương. Xanh lờ mờ nhận ra mấy đứa học trò cũ, cầm tay Xanh mà nước mắt cứ ròng ròng: “Cô phải mạnh mẽ lên, cô ơi!”.

Xanh ngồi bệt nơi góc sân, tựa lưng vào bức tường mới còn phảng phất mùi sơn. Mới tháng trước, trong bữa tiệc tân gia, cô nhớ người ta chúc mừng, người ta khen lấy khen để rằng nơi đây giống như thiên đường. Ngôi nhà này do chính tay chồng cô thiết kế theo kiểu nhà thủy tạ, một nửa nằm trên mặt ao, một nửa nằm trên liền thổ, nương theo hàng cây dừa quanh năm vi vu gió mát và những khóm hồng nhung rực rỡ bốn mùa.

Xanh cứ ngồi như thế, cặp mắt đờ đẫn, vô hồn cho đến khi công an xã tới làm việc để xác định xem chồng cô đột tử là do tai nạn hay do án mạng. Bố mẹ chồng cô nhất quyết không cho khám nghiệm tử thi. Gia đình cô chẳng có thù hằn với ai. Anh Mạnh cũng chẳng có mâu thuẫn với người nào. Chỉ là tai nạn thôi. Cô nhắm mắt ký vào biên bản mà cũng chẳng cần biết biên bản ghi cái gì. Từ sáng đến giờ, bên tai cô văng vẳng biết bao lời đồn đoán, suy luận, giả định về rự ra đi đột ngột của anh Mạnh. Người thì bảo anh bị tai biến mạch máu não, người bảo anh bị đột quỵ, người thì đoán anh bị say thuốc lào nên ngã xuống ao, thậm chí có người còn cho rằng anh bị say rượu, trúng gió độc. Mấy ông già, bà già thì tặc lưỡi: “Kinh thật! Cái hạn làm nhà đấy. Nhà này sát chủ rồi”. “Phong thủy có vấn đề! Tôi chưa thấy ai làm nhà mà một nửa ở trên ao bao giờ”. “Chắc Hà Bá quật cho rồi”... Tai Xanh ù đặc. Cô không muốn nghe gì hết. Không thể nào có một cái chết vô lý như thế được. Chồng cô mới bốn mươi, đang khỏe mạnh. Anh vẫn còn trẻ lắm. Đời vẫn còn dài lắm. Đây chỉ là một cơn ác mộng thôi. Lẽ nào ông trời bất công với cô đến thế. Lẽ nào cuộc đời mẹ cô lặp lại một lần nữa và vận vào chính cuộc đời cô?

Tiếng kèn trống nổi lên, đã đến giờ khâm liệm, Xanh nhào vào trong nhà nhưng bao nhiêu cánh tay níu cô lại. Ai đó khoác lên người cô bộ áo xô mầu trắng, ai đó buộc lên đầu cô vành khăn tang mầu trắng. Không phải là ác mộng mà là sự thật rồi. Thằng bé bảy tuổi con cô cũng phải mặc bộ đồ xô gai mầu trắng, cũng phải đội lên đầu vành khăn tang mầu trắng mà lúc bằng tầm tuổi nó cô đã phải đeo. Vành khăn tang ấy chẳng khác nào cái vòng kim cô, làm mẹ con cô đau đớn, khốn khổ biết bao nhiêu năm ròng. Chẳng có thần chú nào nhiệm màu để gỡ nó ra. Đến khi anh Mạnh bước vào cuộc đời cô, cô đã rào trước đón sau: “Phía sau em là cả một gánh nặng, mẹ góa, con côi, em trai thì bệnh tật. Anh có dám đi cùng em đến hết cuộc đời không?”. Khi ấy, anh đã quả quyết như một lời thề: “Anh sẽ bù đắp cho em, sẽ san sẻ với em gánh nặng ấy, sẽ đi với em đến cùng trời cuối đất”.

- Anh nói dối! Anh nói dối! - Xanh gục bên quan tài chồng, khóc đấy rồi lại nhe răng cười hềnh hệch.

- Chị vợ sốc quá, điên mất thôi! Tội nghiệp quá! Thằng con thì dại, chả biết gì, cứ nghịch cây gậy kìa!

Học sinh cũ, học sinh mới ào về, đứa nào cũng muốn ôm Xanh một cái, nắm chặt hai bàn tay lạnh giá của Xanh để tiếp thêm nghị lực cho cô giáo của chúng:

- Cô ơi! Cô đừng khóc! Cô vẫn dạy chúng em rằng giữa vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp cơ mà!

- Cô ơi! Cô phải làm chỗ dựa cho em bé nữa! Cô không được gục ngã cô nhé!

Đồng nghiệp nắm tay Xanh, thở dài, mắt đỏ hoe:

- Cuộc đời này là vô thường. Sống nay, ngày mai ra đi không ai biết trước được. Sống là hành trình đi tới cái chết mà thôi. Cuối con đường sự sống là cái chết. Ai mà không phải vậy. Có ai khác được đâu.

Một tuần sau, mái tóc đen của Xanh ngả bạc gần hết. Nhiều đêm cô không ngủ được một chút nào. Cô gọi những ngày ấy là những ngày khủng khiếp. Thật khủng khiếp! Có những lúc cô nhắm chặt mắt để không phải nhìn thấy bất kỳ cái gì trong ngôi nhà của mình. Phải đến hàng mấy tuần sau đó cô mới dám bước chân ra vườn hoa vì sợ nhìn thấy, sợ giẫm phải, sợ chạm vào cái gì đó mà cô không chịu đựng nổi. Đã có lúc cô tính sẽ mang máy xúc về băm vằm, dập nát ngôi nhà mình ra. Đã có lúc cô nghĩ sẽ phá tan vườn hoa hồng nhà mình. Vì cô nghĩ nó là nguyên nhân của tất cả. Đẹp đẽ để làm gì! Tất cả đều vô nghĩa! Tại sao? Tại sao lại như vậy? Tại sao lại xảy đến với chồng cô, với cô, với gia đình cô? Cô có ác với ai bao giờ đâu mà sao ông trời nỡ đối xử với cô như vậy. Ông trời không có mắt à? Cô căm hận cuộc đời. Cô muốn điên lên, muốn xé nát mọi thứ. Giá như, cô đừng đòi chuyển nhà về quê. Giá như cô đừng thích ao thả cả, đừng thích ao cho con thỏa sức vẫy vùng, đừng yêu hoa hồng.  Giá như...

Khi ấy dự án làm đường liên tỉnh chạy qua nửa già căn nhà của vợ chồng Xanh trên thị trấn. Khu phố xôn xao về mức giá đền bù lên tới hàng tỷ đồng. Ai cũng bảo vợ chồng Xanh thế mà may, tự dưng có lộc trời cho, chứ chồng kỹ sư, vợ giáo viên thì đến mùa quýt sang năm cũng chẳng có tiền tỷ mà xây nhà lầu và mua xe hơi. Xanh muốn chồng không đi theo công trình ở xa nữa, tiền của chẳng được bao nhiêu mà vợ chồng lại phải xa cách. Cô bàn với chồng, số tiền đền bù ấy cộng với tiền bán mảnh đất còn lại trên phố có thể mua được mảnh đất rộng rãi ở quê, xây được cái nhà khang trang, lại có ao, có vườn, tha hồ nuôi cá, trồng hoa, lại được gần ông bà nội của con. Lúc đầu anh Mạnh không thích về làng vì muốn bám mặt phố để buôn bán vật liệu xây dựng nhưng Xanh thuyết phục chồng rằng vào làng ở cho yên tĩnh, biết đâu môi trường sống mới sẽ tốt cho sức khỏe của con trai. Nó có biểu hiện tăng động nên cần một không gian thoáng đãng. Trong đầu Xanh lại lóe lên giấc mơ xa xỉ. Vì con, nghĩ đến con, chồng cô có thể làm bất cứ việc gì. Anh chiều theo ý cô, rời phố về quê, đấu thầu thêm vườn ao rộng mênh mông để làm kinh tế. Từ một kỹ sư xây dựng, anh trở thành người làm vườn thực thụ khi tỉ mẩn lựa chọn, trồng và chăm sóc hàng trăm khóm hồng nhung, hàng chục loại cây ăn quả. Con anh được học bơi, được chèo thuyền, được bắt sâu, bắt bướm và hít hà hương thơm của hoa hồng mỗi sớm mỗi chiều. Trên Facebook của Xanh tràn ngập video và ảnh chụp ngôi nhà đẹp như trong tranh của mình. Ai cũng xuýt xoa, trầm trồ và ao ước được đến chụp ảnh.

Xanh khổ từ tấm bé, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần nhưng chưa bao giờ thôi mơ mộng. Cô luôn mơ ước về một tổ ấm trọn vẹn với ngôi nhà đẹp như lâu đài, phía trước có bể bơi mầu xanh ngọc và xung quanh trồng đầy hoa hồng. Sáng sáng, chiều chiều cô sẽ ngồi trên chiếc ghế xích đu để ngắm hoa và hít hà mùi hương thơm ngát. Ngôi nhà ấy đã đi vào giấc mơ của cô không biết bao nhiêu lần từ tấm bé. Tỉnh dậy, cô kể cho mẹ nghe, mẹ thở dài ngao ngán: “Ăn còn chẳng đủ, mơ với chả mộng, hão huyền. Mẹ chỉ cần con học giỏi để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, để tự lo cho bản thân. Mẹ thì khổ quen rồi”. Xanh len lén nhìn mẹ, phát hiện những vết nhám trên má mẹ đã lan rộng hơn, những nếp nhăn xung quanh quầng mắt cũng nhiều hơn.

Từ ngày cha mất sớm, một mình mẹ Xanh vật lộn với đời để mưu sinh, để kiếm tiền chữa bệnh cho thằng Vũ, em Xanh. Thi thoảng nó lại lên cơn động kinh, lăn đùng ra đất, mắt trợn ngược, miệng sùi bọt mép. Nhà có bao nhiêu của nả đều đội nón ra đi, theo chân nó vào bệnh viện. Suốt những năm tiểu học, mẹ tha thiết xin nhà trường cho Vũ được “ngồi nhờ” vì có đận đi chữa bệnh dài ngày, hai năm nó học một lớp, đúp lên đúp xuống, đến lớp 7 thì nó quá lớn so với các bạn, tự biết ngượng nên không chịu đi học nữa. Những cơn động kinh của nó thưa dần nhưng vẫn chưa dứt hẳn. Bác sĩ dặn không được để nó bị kích động, tâm lý phải ổn định nên mẹ luôn cưng chiều nó. Xanh cũng không dám nói to với nó bao giờ. Cô trở thành người chị gái dịu dàng, che chở và bao bọc đứa em ngờ nghệch, kém may mắn. Đến tận lúc đi làm rồi lấy chồng, Xanh vẫn nghĩ đến trách nhiệm của mình, là phải lo cho mẹ, lo cho em có một cuộc sống đủ đầy. Vậy mà, ước mơ ấy Xanh vừa mới chạm tay vào thì đã vụt tan biến.

Nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai, ký ức nào rồi cũng phải phai nhạt nhưng bây giờ thì Xanh chưa thể. Cô và con trai thật khó khăn để chấp nhận sự thật. Khó khăn để vượt qua. Khó khăn để bước tiếp. Thằng bé không ngày nào không nhớ bố, không nhắc đến bố. Nhắc bố khi ăn cơm, khi học bài, khi xem ti vi, khi đi đường, khi ngồi chơi... Nó luôn nói về bố như ngày xưa, như thể bố vẫn còn đâu đây. Có lần nó còn ao ước: “Con muốn nhìn thấy bố. Con nhớ tiếng của bố. Bố nói thế nào hở mẹ...”. Còn  cô, gần ba mươi năm về trước cũng đã từng ước giá như mình có được một tấm ảnh của bố. Nhưng chẳng có gì ngoài tấm ảnh thờ, trên nóc tủ, đằng sau những mịt mù hương khói. Và vì thế, mọi thứ cũng cứ mờ dần.

Xanh nghỉ không lương cả tháng trời vì sức khỏe và tinh thần suy sụp sau sự ra đi đột ngột của chồng. Bỗng học sinh trong đội tuyển văn mượn máy của mẹ nhắn tin cho cô: “Cô ơi, cái đề bài này thì em nên làm như thế nào: Dẫu cho sinh mệnh như hạt cát, vẫn mong năm tháng tựa bài ca”. Xanh nhắn lại: “Đây là tựa đề một cuốn sách rất hay”. Nói chuyện với học trò một hồi, Xanh cảm thấy người nhẹ bẫng. Cô nhớ lũ tiểu yêu nôn nao, bèn quyết định tuần tới trở lại với công việc. Hiệu trưởng nắm tay cô động viên:

- Cố gắng lên em ạ! Ra đi sớm chắc gì đã đau khổ. Ở lại mãi trên cõi đời chắc gì đã vui sướng. Cuộc sống này, có vì những đau khổ của ta mà dừng lại đâu! Phải sống, phải sống mạnh mẽ nhé em!

Xanh ghìm cơn xúc động, không muốn để nước mắt mình tiếp tục rơi. Cô bày tỏ nguyện vọng của mình:

- Em chẳng thể chăm sóc vườn hồng chu đáo như anh ấy đã từng chăm sóc, nên chỉ giữ một ít thôi, còn lại em muốn tặng nhà trường, tặng người thân, bạn bè. Em muốn tình yêu thương được lan tỏa.

- Em nghĩ được thế là tốt rồi. Cuộc sống nghiệt ngã đánh gục ta. Có đứng dậy hay không do chúng ta lựa chọn!

Từng ngày trôi qua, Xanh bớt căm thù đời đi một tí, cô hiểu ra một tí, cô thay đổi một tí. Giờ đây cô chẳng thể nào vui tươi như xưa được nhưng cô không còn muốn phá cái gì nữa. Bao nhiêu người xui cô bán nhà, bán cái đen đủi ấy đi nhưng cô không bán. Làm sao cô phải bán. Nhà cô vẫn đẹp. Hoa hồng vẫn nở bừng dưới ánh nắng ban mai. Ngay cả lúc anh còn, cô cũng chưa bao giờ thấy hoa hồng nhà mình rực rỡ đến vậy. Cô hiểu anh đang nhắn nhủ điều gì! Cô tự nhắc mình phải nắm chặt tay con, phải cứng cỏi, phải kiên cường, phải tàn nhẫn với cảm xúc của mình, phải gạt đi, phải tích cực lên. Đau khổ mãi thì được gì cơ chứ? Cuộc sống này vẫn thế. Mỗi sớm mai thức dậy, mặt trời vẫn chiếu sáng, nắng vẫn vàng ươm, hoa vẫn rực rỡ trong khu vườn nhỏ, chim vẫn hót véo von sau vòm lá, loa đài nhà hàng xóm vẫn rộn ràng, da diết những bản tình ca, dòng người vẫn hối hả trên đường đời mưu sinh. Cuộc sống này có vì những đau khổ của cô mà dừng lại đâu thì việc gì cô phải dừng lại.

Nhìn những nụ hồng chúm chím trong khuôn viên sân trường chuẩn bị bung nở, Xanh lặng lẽ mỉm cười. Cô vẫn yêu hoa hồng như ngày nào. Những bông hoa tình yêu ấy không có tội. Tất cả không có tội. Và cô biết. Anh vẫn còn ở đó, luôn dõi theo và chăm chút mọi thứ cho mẹ con cô.

T.T.L
(baovannghe.com.vn)