Huyền thoại về đình rắn - Đặng Hoàng Thám

26.02.2014
Đêm như chìm sâu trong u tịch… Gió từ sông Hàm Luông thổi về  vi vu trên mấy cây dương ở hong đình. Tấn phì phà nhả khói, anh nhấp một cốc rượu và gắp một miếng mồi - mắm tép- đó là loại mắm đặc biệt được làm bằng tép bạc đất, có khá nhiều ở vùng sông rạch cù lao Minh. Mắm tép trộn với đu đủ “mỏ vịt” ăn mềm mềm, dòn dòn, ngọt kháy đến phải tém miệng mới thôi!…Tấn thong thả kể chuyện. Bọn tôi khẻ liếc vào cặp rắn  được chạm trổ quấn cột đình. Trong ánh sáng vàng mờ ảo của bóng đèn tròn nhỏ…Cặp rắn trông như thật! Rắn thần có khác. To bằng cột nhà, trên đầu có mào giống vương miện. Đôi mắt thần Rắn xeo xéo như  lúc nào cũng liếc nhìn bọn tôi.

 Huyền thoại về đình rắn - Đặng Hoàng Thám

 

         Tấn kể lại cái chuyện thời xa xưa, lúc mà cụ  sơ tổ của anh ta còn nhuộm răng đen: “Răng đen thật đó mấy ông ạ! Lúc cải táng cụ tổ, tôi đã chứng kiến. Hòm của cụ tổ làm bằng thân cây sao cổ thụ khoét ruột, nên rất bền khi ở dưới đất ngập nước,  khi đem lên nó vẫn còn xanh dờn, có thể đẽo gọt đóng ghe được!”

o0o

 

         Gió mùa Đông Bắc đã thổi. Cái  làng chài nhỏ bé  cuối sông Gianh lờ mờ ẩn  hiện  trong sương sớm. Chút  bóng tối  còn  đọng  lại  đâu  đó, trong  những  mái nhà  tranh  xiêu vẹo, trên những  lùm cây dại, trên những đồi cát thấp, mấp mô  ven biển. Gió  liu riu, có lúc phần  phật thổi tung những vó lưới rách bươm, có lúc lao xao trên  những hàng dừa xác xơ cằn cổi. Cụ  Hậu bì bập điếu thuốc lá Cẩm lệ vấn bằng đầu ngón tay trỏ, trùm chiếc  mền  bố  thô  củ  rách, đứng  trước nhà  lắng  nghe gió biển.

          - Gió  đã  đổi ngọn! Vào Nam được rồi - Cụ lẩm bẩm.

        Cái làng chài cuối sông, ven biển nầy, ngược về phía  thượng  nguồn  một  đỗi, mé  bờ tả ngạn là đồn trại của quân Chúa Trịnh. Đối diện, loáng thoáng, mù mù bên  kia  sông là phòng tuyến của quân Chúa Nguyễn. Quân Trịnh, Nguyễn thỉnh thoảng đột  kích qua sông đánh nhau, cuớp bóc, đốt nhà, bắt đàn bà, con gái… Làng xóm tiêu  điều! Gặp phải mùa hạn hán, kéo dài từ tháng11 đến tháng 6 âm lịch chưa có lấy một giọt mưa! Ruộng đồng cằn khô không  miếng nước. Những giồng khoai cùn mủn  xác  xơ, bới lên chỉ có những củ ốm tong như đuôi chuột! Ngô trên những bãi cát ven  sông trổ cờ, đứng liêu xiêu như những đám sậy bị đốt. Dân trong làng bỏ đi  gần  hết!

          Ông Hậu quay vào  trong  nhà, đánh  thức những  người  còn  đang  ngủ: “Dậy  đi! Đã có gió rồi. Hôm  nay phải đi thôi… Không chết đói!”

         Anh Tứ cùng vợ và  bốn đứa con ngơ ngác thức dậy, nhấp  nhem dụi mắt.

          - Đã có gió rồi hở bố? Sớm nhỉ!- Anh Tứ ngần ngật  hỏi cha.

- Ừ, sớm thật! Ý trời cứu dân ta!

         Quần áo lương  thực đã chuẩn bị mấy hôm trước được đem sắp cẩn thận xuống  chiếc thuyền đánh cá cũ. Tứ lên tiếng hỏi cha:

- Bố à! Chuyến nầy xóm mình đi có đông không?

          - Khoảng sáu, bảy gia đình. Nhà cụ Bảo, cụ Chà, cụ Tuất cũng đi chung  với mình - Ông Hậu nói.

           Bình minh rõ mặt. Sáu chiếc thuyền đánh cá dong  buồm, mang theo sáu gia  đình với hơn bốn mươi nhân khẩu xuôi về phương Nam theo gió biển.

          Thuỷ triều lên xuống. Thuyền khi xa, khi  gần đất  liền. Ông Hậu nheo nheo mắt nhìn về phía làng quê  mờ  mờ, khuất dần trong mênh mông biển  nước… Những chiếc thuyền lênh  đênh, dập dờn giữa biển nước mênh mông. Trời cũng phù hộ. Biển hiền lành như thương xót những người tha hương cầu thực. Mười mấy ngày đêm, gió yên biển lặng  trôi qua, đoàn thuyền đến một cửa sông lớn. Ông Hậu nghiêng mình xuống mạn thuyền, đưa tay vốc nước và nếm:

          “Nước ngọt! mình vào sông và cố đi lên càng xa càng  tốt” - Ông bắt  tay làm loa gọi các thuyền  bạn.

          Đoàn thuyền vào cửa sông và ngược lên phía thượng nguồn. Giòng  sông  rộng  mênh  mông, nước đục ngầu phù sa khác  với  nước sông Gianh trong  suốt, xanh như mắt mèo! Hai bên sông là những cánh rừng bần, đước, mắm, lá xanh phơn  phởn; thỉnh thoảng có những con cá to bằng nắm tay, tung mình, toé nước trên dòng sông trắng đục phù sa; những con chim đen có, trắng có hoặc màu sắc sặc sỡ đậu  trên những cành cây chót vót, thản nhiên nhìn đoàn người đang  ngược giòng  nước…

          Những người ngồi trên thuyền ngẩn ngơ nhìn cái màu xanh gần như bất tận  hai bên bờ sông. Đoàn thuyền đi chầm chậm, men theo bờ hữu  ngạn của  dòng sông. Buổi sáng sương mù còn lảng đãng trên những cánh rừng bạt ngàn, hoang vắng. Bỗng phía trước có tiếng la của Tứ :

- Chết rồi! dừng  lại  thôi. Thuyền  phá  nước!

          Chiếc thuyến đi đầu là của gia đình cụ Hậu, hơi khá xa bờ. Sông không có sóng lớn nhưng mênh mông đến nao người! Con thuyền từ từ chìm xuống… Mọi người nhốn nháo. Tứ hốt hoảng, đưa hai tay làm loa gọi các thuyền bạn: “Thuyền chìm…thuyền chìm! Đến cứu ngay…cứu ngay!”. Những chiếc thuyền ở phía sau rướn nhanh lên về phía thuyền cụ Hậu. Bỗng thật lạ lùng! Chiếc thuyền của gia đình cụ Hậu từ từ nổi lên và te te lướt tắp bờ. Hình như có sinh vật gì ở dưới sông to lớn lắm, kè đỡ nó. Chiếc thuyền từ  từ chúi  mũi xuống ngay cạnh một vàm sông nhỏ. Nước bỗng tung lên trắng xoá! Có hai bóng đen to như hai cây cột cái nhà lớn, dài ngoằn ngoèo, từ hai bên mạn thuyền phóng vun vút lên đám lau sậy um tùm ven sông rồi mất hút! Vết trượt trên bãi bùn láng lẩy như vết đẩy xuồng! Mọi người vô cùng kinh hải! Cụ Hậu đứng đàng sau lái, ngữa mặt nhìn  trời, chắp tay lâm râm khấn vái gì  không rõ. Cụ gọi  to mọi người:

          - Lên bờ thôi! “Nhị vị Linh xà Cửu Long Giang Nam bộ đầu Đại tướng quân” đã độ hộ chúng ta! Ý trời. Thuyền đã rã tại đây. Tôi đặt tên cho  chỗ  nầy là  “Rã bè”* .

          Thế là đoàn người: già, trẻ, bé, lớn dắt díu, dìu nhau, gồng gánh đeo mang, lội  bì bõm, chân thấp, chân cao  vượt bãi sình lún tới ống quyển, đặt  chân  lên  cái  mom  sông hoang vắng, không một bóng người.

          - Mỗi nhà lựa cho mình một chỗ hạ trại, làm chòi! Nhưng  không  được cách nhau quá mười thước, phòng  khi  hữu sự! - Cụ Hậu ra lệnh - Thổi  cơm  sớm, đốt lửa lên ung muỗi và xua thú dữ.

          Cụ Hậu dứt tiếng chẳng bao  lâu, ở phía rừng không xa lắm có tiếng rống  văng vẳng bên tai: “U u… hu…u  hu”...

          Tứ xanh  mặt hỏi cha:

          - Con gì rống nghe khiếp quá vậy bố?

          Cụ Chà, cụ Tuất hoang mang xúm lại hỏi cụ Hậu:

          - Ông có biết con gì  không?

          Cụ Hậu nhíu mày:

          - Trâu  rừng! Đích thị là trâu rừng. Lúc còn trẻ, vào Đồng Nai tôi đã từng nghe… Đúng là nó không sai!

- Nó có dữ không?

          - Cũng không đến nổi, nếu ta không chọc chúng!

          Lửa được đốt lên từ những cành cây mục đổ mà  đám  trai tráng kéo  về.  Mọi  người ăn cơm vội vã rồi kiếm chỗ căng màn. Khói và sương chiều quyện vào nhau  bàng bạc như dải lụa vương vấn trên ngàn cây ngọn cỏ. Cụ Hậu, cụ Bảo, cụ  Tuất, Tứ và mấy người đàn ông quây quần bên đống lửa, uống nước trà nhạt. Đoàn người  hăng say bàn những việc làm sắp tới. Bỗng Tứ giật tay ông Hậu , giọng hốt hoảng:

          - Bố nhìn kìa!

          Trong bóng đêm mịt mùng của những lùm cây rậm, có nhiều đóm sáng xanh  rờn như ma trơi di động lúc ẩn, lúc hiện. Cả đoàn hoang mang nín thở. Duy có cụ  Hậu  là  thản  nhiên:

 - Đừng sợ! Mắt thú rừng ban đêm đó.

 - Thú hiền hay thú dữ?

          - Mắt trong xanh màu đom đóm là thú hiền… Chỉ sợ ngán màu đỏ than  hồng đó là mắt Hổ. Nhưng đã có lửa, bọn thú dữ không dám lại gần  đâu!

          Trong đêm rừng âm u, nói đến “ hổ”, mọi người nghe lạnh xương sống, nhưng  chẳng ai dám  nói ra! Mọi người lúc nầy nhất nhất nghe lời cụ  Hậu. Cụ Hậu đã từng  bị quân chúa Nguyễn bắt làm tù binh đi khai phá đất  phương Nam năm xưa, đã vào  tận miền Thuỷ Chân lạp - “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng!”-Việc gì cụ cũng  thông suốt. Cụ xứng đáng  là  người lãnh đạo của đám cư dân phiêu bạt nầy!

          Mọi ngưòi về chỗ ngủ, nhưng chẳng ai  ngủ được trong  cái  đêm  rừng hoang vắng nầy cả! Trừ lũ trẻ  con ăn  chưa  no, lo chưa  tới. Nửa đêm, gần  về  sáng, trăng xanh le lói trên dải rừng tối đen sầm sậm, Thỉnh  thoảng có  tiếng  kêu của những con chim lạ ăn đêm; tiếng hú lảnh lót của lũ khỉ vượn, và  đáng  sợ hơn cả là tiếng gầm xa xa: “Um… um… cà um…”. Tiếng muông thú hoà  lẫn tiếng gió, tiếng sóng vỗ bờ oàm oạp tạo thành một âm thanh hoang dã, rờn  rợn…

          Buổi sáng nắng lên, khói sương rừng nghi ngút. Bình minh châu thổ  đẹp lạ lùng, hoang dã. Gió từ dòng sông mênh mang bắt đầu thổi lao rao trên  những dải rừng bạt ngàn, âm u và hoang vắng.

      “Số dân ở Đàng ngoài, bị chiến tranh, mất mùa, đói kém, dong thuyền vào Nam theo đường biển, ngược dòng Hàm Luông họp cùng số đã vào trước từ bên Cù lao Bảo qua, nhóm tụ lại thành chòi trại, làng xóm, khai phá đất Cù lao Minh gồm các huyện Mỏ Cày, Thạnh Phú, Chợ Lách của tỉnh Bến Tre ngày nay!”

0O0

 

          “Đó là câu chuyện về nguồn gốc xa xưa của làng Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Nơi đây, bà nữ tướng Nguyễn Thị Định đã phát  lệnh mở màn  Đồng Khởi 1960 … Đình Rắn** là nơi hội họp, mít- tinh của lực lượng cách mạng trong những ngày đầu nổi dậy chống Mỹ Diệm ở Bến Tre”

          - Còn cặp Rắn thần ấy… về sau có còn xuất hiện nữa không?

          - Cặp Rắn thần, có nhiều chuyện kể khác nhau. Tôi kể theo chuyện… tôi nghe. Chuyện mới nhất thời chống Mỹ, cách nay cũng trên 40 năm!

          - Kể đi… kể đi! - Bọn tôi sốt ruột giục Tấn. Tay nầy có lối kể chuyện vòng vo nhưng hấp dẫn!

          “Như vầy… như vầy” - Tấn kể - “Hồi đó, khoảng năm 65 của thế kỉ trước. Lúc nầy chiến tranh đã đến hồi ác liệt. Dân Định Thuỷ tản cư, tránh bom đạn, đi gần hết, chỉ còn lại lực lượng vũ trang bám trụ, đánh địch . Đình Rắn là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc họp  của cán bộ ta… Người ta đồn rằng cặp rắn thần ngày xưa,  dài hơn 20m, mình to như khạp năm cân đã trở về!  Nhiều người  quả quyết đã trông thấy cặp rắn nầy, nhưng thường chỉ thấy một mình! Rắn đi rạp lúa, thành lằn lớn, có khi dài hằng cây số! Sự thật, sau nầy, có người cho biết đó là vết xuồng đẩy của bộ đội ta! Chuyện Rắn thần đã trở về ở đình làng Định Thuỷ đồn râm ran trong dân, trong lính nguỵ, cả trong bộ đội ta… Ban đầu người ta cho là chuyện dóc, chuyện “Tề thiên”! Nhưng dần dà rồi người ta lại tin là có thật, với nhiều chuyện ly kì! Nào là Rắn thần đã nuốt một con bê con đi lạc, nào là Rắn thần nằm ngang đập, chặn nước bắt cá, nào là chúng phun nọc độc làm mù mắt những con rái cá mò lại khu vực đình bắt trộm cá! Những năm đó có những con rái cá bị mù mắt thật, có người sau nầy cho là chúng bị chất độc hoá học của máy bay Mỹ thả xuống . Sau tiếp thu, tôi về dọn vườn đã từng gặp những con rái cá lông đen tuyền, có cặp mắt trắng đục như nước cơm vo. Kể cũng lạ!… Chuyện có Rắn thần trở về đình hay không vẫn là chuyện nửa thật, nửa hư. Nhưng có điều, bọn lính  khi bén mảng lại gần khu vực đình là có chết! Chết vì bị mìn trái, chết vì bị bắn tỉa, chết vì bị sụp hố chông. Mười lần như một. Riết rồi chúng cũng đâm ra tin thật, cho là có chuyện huyền bí ở đây, chúng sợ hãi, cố tình né tránh tiếp cận đình Rắn… Bây giờ cặp Rắn thần đã về đình thật rồi!- Tấn chỉ cặp rắn quấn cột đình đang le lưỡi lia thia  như doạ những ai yếu bóng vía.

          Chúng tôi cùng  nhìn về cặp rắn  có vi vảy óng ánh, đen tuyền. Cặp rắn hình như cũng đang chăm chú nhìn chúng tôi! Tường Linh, níu tay tôi, giọng nàng hơi run run: “Anh trông kìa … Rắn thần! Giống Rắn thần thật anh ạ!”.

 Đ.H.T

 

 

* Vàm Rã Bè ( xưa): Vàm Cái Bè Bé ngày nay, ở ấp Thanh Phước, xã Định Thuỷ ,huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre

* Đình Rắn : di tích lịch sử , văn hoá ở xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre