Chớm xuân - Truyện ngắn Kim Hòa

19.02.2017

Con gái 15 tuổi một bữa kéo tay mẹ lại trước gương: “Mẹ coi! Mẹ để tóc này già quá trời già. Mẹ duỗi ra, tỉa tỉa như con vầy nè. Ra đường người ta chắc nói hai chị em!”.
Nghe lời con, chị bỏ cả buổi chiều ngồi đồng trong tiệm tóc. Sớm xách giỏ vô cơ quan, ngang qua bàn anh, thấy một cặp mắt ngỡ ngàng. “Em... lạ quá!”. Mim mím nụ cười chực bật ra, chị đóng mặt ngầu. “Lạ là sao? Ý nói em già, em xấu tệ phải không?”. “Đâu mà. Em thiệt..”. Nhìn khuôn mặt ngăm ngăm vụt trở nên đen sì sì ngượng nghịu, không đừng được, từ sau lưng, chị vòng tay ôm lấy bờ vai rộng. 

Chớm xuân - Truyện ngắn Kim Hòa

Đàn ông gì mà quanh năm suốt tháng củ mỉ củ mì, hễ ra là đỏ mặt mắc cỡ y chang con gái. Thương người ta cả năm ròng, một ngày không gặp nhấp nha nhấp nhổm, vậy mà cũng không biết nói được một lời nịnh nọt cho người ta nghe mát lỗ tai.

Thế đó, nhưng không hiểu sao chị vẫn cứ yêu. Thậm chí còn yêu hơn cả mối tình đầu đắm say dại dột thời con gái.

Chị đã tưởng chẳng yêu được người đàn ông nào bằng con người phụ bạc chị thời con gái.

Ngày đó, mắt chị long lanh, môi còn mọng, má còn đầy. Chị yêu và dâng hiến. Không ngại ngần, không suy nghĩ.

Hai mươi tuổi, chị làm mẹ. Vào phòng sinh, cơn đau banh da xé thịt không khiến chị rớt nước mắt nhiều bằng những tiếng chặc lưỡi, hỏi han: “Chồng con đâu mà đi sinh có một mình?”.

Bé Bi 3 tháng, mẹ từ quê bươn bả lên thăm, chết sững thấy đứa con gái hơn một năm nói bận học không về ngồi đẩy võng kẽo cà kẽo kẹt lời ru.

Hết nhìn con, sang nhìn cháu, lại nhìn con, mẹ bưng mặt khóc như mưa. Khóc mỗi một lần đấy. Rồi thôi. “Con dại cái mang’, mẹ ôm cháu ngoại về quê, để con gái trở lại trường sau kết quả bảo lưu một năm đại học.

Đó là những ngày tháng dài nhất trong cuộc đời chị. Chiều từ giảng đường về, ngó chai dầu khuynh diệp, ngó hộp phấn rôm gần cạn lăn lóc đầu giường, chị thấy hai bầu ngực mình cương lên, nhưng nhức sữa.

Hai mươi tuổi, chị đã biết thế nào là nỗi nhớ con đứt ruột, đứt gan.

Con gái càng lớn càng giống mẹ. Bà ngoại lúc cháu ngủ say, nói một mình: “Cũng may! Để khỏi mẹ mày nhìn mà nhớ cái giống phụ tình”.

Mười mấy năm, bà ngoại chỉ thiết tha một nỗi: mẹ con Bi lấy chồng. Mong riết, mong riết... đến mức niềm hy vọng tha thiết kia dần mỏng tịch mỏng tang như lá lúa. Lúc bà quyết định thôi mong, thì một chiều chị về, lúng búng trong miệng: “Mẹ ơi, hay là Tết này con lấy chồng!”.

Khỏi phải nói ngày hôm đó mẹ chị cười bao nhiêu lần. Ra sân tưới mấy chậu mai già cỗi, bà cười với đám lá xanh um: "Đó nghen! Tết này tụi bây phải nổ bông thiệt đẹp mừng mẹ con Bi lấy chồng đó nghen!”.

Rải thóc cho đàn gà con líp chíp chạy khắp sân, bà cũng cười: “Ăn đi con. Mau lớn, Tết này có thịt làm đám mẹ con Bi”.

Bạn già hàng xóm sang chơi, chưa ngồi nóng chỗ đã thấy bà tay nắm tay níu, móm mém cười: “Rốt cuộc, mẹ con Bi nó cũng chịu lấy chồng!”.

Bi đi học về, loáng thoáng nghe, lặng lên gác đá cửa cái ầm. Dưới nhà, nụ cười bà ngoại héo đi một nửa.

Bi không muốn mẹ nó đi bước nữa, Hơn con gái, bà biết rõ ràng điều đó. Con gái làm sao hiểu Bi được bằng bà. Bà đã cho nó bú sữa bình, thay tã nó, tắm nó. Bà cho nó ăn, rồi nuôi nó lớn. Nó dính mãi bèn nách bà ngày còn 3 tháng đỏ hỏn đến trắng da dài tóc như bây giờ. Mẹ nó hết học rồi làm, bận bịu với đủ thứ trên đời. Có thân thiết, có thương cũng sao rành suy nghĩ nó như bà cho được.

Dòng con không cha sao mà khôn như từ trong trứng khôn ra.

Bảy tuổi, cô giáo dạy thêm lúc bà đón nó vui miệng hỏi thăm: “Bữa nay ba mắc làm nên bà đón Bi thế đó ha?”. Ngớ ra, bà đứng nghe cô giáo khen Bi học giỏi ra sao, Bi ngoan thế nào, Bi làm bài văn kể về gia đình có ba, có mẹ, có bà ngoại hay nhất lớp. Mấy bữa cô giáo thấy có ông nào là lạ chở Bi tới học, hỏi Bi nói: “Dạ, ba con”. Bà kể chuyện nhà cho cô. Hai người lớn đứng nói thiệt lâu, người sững sờ, người châm chấm tay ngang mắt.

Tối đó, nằm ngủ sát bên, bà ngoại xoa xoa lưng Bi hỏi: “Bi. Con thích có ba lắm phải không con?”. Vẫn úp mặt xuống giường, nó nhừa nhựa giọng trả lời khi giấc ngủ đã rục riễu kề bên: “Có ba ai mà hổng thích hả bà!”.

Duy nhất lần đó, bà tin nó trả lời bà thiệt.

Chứ mẹ nó hay bất kỳ ai sau này mà có hỏi, thì cũng nhận được y sì nhau cái hếch mũi xì dài: “Ba gì mà ba! Có ba, lỡ lì lì bị đánh cho mềm xương chứ được gì! Ở với ngoại, với mẹ là sướng nhất. Trước giờ hổng bị đánh một cái nữa là…”.

Quả thật, bà với mẹ Bi chưa đánh nó lần nào.

Không phải vì cưng chiều. Mà vì Bi ngoan đến mức chẳng khi nào khiến bà, khiến mẹ bận tâm hay phiền lòng bất cứ việc gì.

Mẹ nó tưởng dàn bà một mình nuôi con trách nhiệm nặng nề mà hóa ra nhẹ hẫng. Lắm khi nó còn quan tâm chăm chút lại mẹ như một bà cụ non.

Mười lăm năm nay, duy chỉ lần này Bi khiến ngoại phải buồn.

Hồi nhỏ thích có ba làm vậy. Vậy mà sao lớn nó trở nên ngang ngạnh cố chấp chi để khuya nào bà cũng thấy nằng nặng trong lòng, không ngủ được, đi ra đi vô thở ngắn than dài.

Mẹ Bi vốn vô tâm, thấy nó im im, nhưng gặp người ta cũng lễ phép chào hỏi dạ thưa. Tưởng nó buồn buồn, sợ mất mẹ kiểu con nít ít lâu rồi thôi.

Bà không dám nói chuyện mấy lần mẹ đi làm, nó ngồi dựa cây cột giằng dỗi với bà: “Cũng ngoại không! Đang yên đang lành... ngoại cứ bắt mẹ lấy chồng, lấy chồng! Ông mà về đây ở, con bỏ đi mất biệt cho ngoại coi!”.

Bà không nói. Nên sáng mẹ nó tính đi chụp hình cưới, ngủ dậy thấy tờ giấy gấp tư để bên gối. Mở ra đọc xong, xây xẩm mặt mày, té xỉu luôn xuống chân giường. Ba bốn người xúm xít xung quanh, đổ nước chanh, giật tóc mai bốn năm hồi, con gái mở mắt được, thấy mẹ gào lên như ai cắt ruột: “Sao má không nói với con! Má ở nhà gần gũi nó, má biết nó không thích người ta nhiều vậy, mà sao không nói với con! Giờ nó bỏ nhà đi đâu rồi! Con gái của con nó đi mất rồi. Má làm sao thì làm. Má đem nó về lại cho con!”.

Lau mắt, bà lủi thủi ra ngoài. Nghĩ con gái xót con nó, lú lẫn nói tầm bậy tầm bạ vậy thôi. Nhưng không hiểu sao nước ở đâu cứ rớt từng hột từng hột xuống ly sữa đang pha dở. Cả buổi trời con gái bà không ăn uống được gì. Có ly sữa cầm bụng để nó khỏe khỏe xíu, còn có sức đi tìm con với người ta.

Bi biền biệt tận ba ngày.

Ba ngày, bà ngoại lên bàn thờ Phật gõ mõ dọc kinh cầu nguyện từ sâm sẩm chiều đến lúc nửa đêm.

Ba ngày, chị sấp ngửa tất tả hết chỗ này sang chỗ khác, tóc tai phờ phạc, cả người rộc rạc chỉ để nhận lại những cái lắc đầu.

Anh đến. Chị không còn đủ sức để ngước nhìn, thẫn thờ ngồi lặng thinh, ôm đầu gối một góc nhà. Chừng sực nhớ ra, đứng dậy, chị mím môi phủi phủi tay vẻ như người ta phủi hạt bụi làm dơ áo: “Anh về đi! Giờ tôi chẳng còn tâm trí nào...”. Anh lại đến. Lầm lụi, chậm chạp sau lưng anh hôm sau còn có một người. Chị nằm lả trên giường, nhác thấy cái đuôi tóc nhỏng nhà nhỏng nhảnh lấp ló bên khung cửa, bật dậy hơn cả cái lò xo bị nén lâu ngày.

Đứa con gái mặt mày lem nhem nước để mặc mẹ đập tay bồm bộp lên lưng lên vai nó.

Mẹ khóc, con khóc, bà ngoại run rẩy chắp tay lạy Phật lạy trời bên ngoài cũng khóc. Anh chờ ba tiếng khóc dứt mới thẽ thọt tìm được con bé bên nhà đứa bạn chung lớp. Con nhỏ bao che bạn, mấy lần chị gặng hỏi, nó nói con đâu biết gì đâu mà mặt mày lấm lét, sao chị không kịp nghĩ ra.

Vuốt vuốt tóc con trong lòng mình, chị nhớ ngày đầu tiên gặp lại con sau lần ba tháng mẹ ẵm nó về quê. Mặt bụ sữa, nó giương cặp mắt trong vắt trong veo lạ lẫm trước hai bàn tay chị đưa ra, ngoạy đầu khóc thét. Lơn lớn một chút, chị về nó còn len lén trốn sau lưng, nắm ống quần bà ngoại: “Sợ chị…sợ chị…”. Hết 4 tuổi, chị mới nghe được tiếng “mẹ” thay tiếng “chị” nhoi nhói lòng trên cái miệng xinh xắn của con.

Bao lần mừng rỡ ôm con trong tay. Nhưng chưa khi nào cảm giác yêu thương hạnh phúc toàn vẹn trùm lấy chị như lần này.

Tội nghiệp con gái của mẹ. Gồng mình để tỏ ra giỏi giang, tỏ ra không thua kém gì người. Sao mẹ không nhận ra con muốn lấp đầy vết thương cha con ngày xưa khoét lõm trong lòng mẹ. Nhìn con cười, con hát, con ăn nói hồn nhiên, mẹ đã vô tâm không nghĩ vết thương trong tim con còn hoăm hoắm hơn nơi mẹ rất nhiều. Con chịu sao được tình yêu nơi mẹ giờ sẻ nửa làm hai.

Vùi mặt vào tóc con, chị để mắt rơi luôn những giọt nước cuối cùng.

Vì vậy, khi chị ngước lên, anh thấy mặt chị ráo hoảnh, lạnh băng: “Mẹ con em cảm ơn anh nhiều. Cũng trễ rồi... anh về đem luôn hộp nhẫn trên bàn đi trả lại dùm em”.

Nắng chiếu xuyên qua khe cửa sổ khép hờ, chị choàng dậy, giật mình thấy con gái ngồi ngay đơ ngó mẹ đăm đăm.

“Trễ học rồi. Sao con ngồi đó chưa đi?”. Không trả lời mẹ, con bé tới kéo bung cửa tủ, lục lọi, loay xoay. Cuối cùng, nó quay qua, giơ trước chị một bộ áo quần:

“Mẹ mặc cái này đi. Con thấy mẹ mặc cái này đẹp nhất. Chút nữa chụp hình mẹ lựa mấy cái xoa rê màu na ná vầy nè. Sáng da. Lên hình cho nó đẹp!”.

Nó không nhìn chị, con bé tiếp tục bằng một giọng lí nhí tưởng chừng như đang tự thầm thì: “Con gọi chú ấy rồi. Chú qua chở mẹ đi bây giờ đó. Mẹ dậy chuẩn bị đi!...”.

Không dưng, có cơn gió nào ngoài kia mở toang cửa sổ để ánh nắng tuôn vào tràn trụa hết căn phòng.

Không dưng, nắng xiên vào mắt chị chói lòa, ran rát. Một dòng lạnh mát rớt lên môi. Chạm đầu lưỡi, chị chỉ thấy vị gì ngòn ngọt, say say.

Ngoài sân, bà ngoại còn mãi ngắm nhìn một chậu mai. Từ một cành trụi lá khẳng khiu, vừa nhu nhú ra mấy búp nõn xanh óng ánh, run run như đang khẽ cười cùng những đợt gió chớm xuân.

 

K.H