Vạn Lộc và "Hái mùa đông vạt nắng"

21.07.2023
Phạm Quốc Toàn
Tháng 7, tôi nhận được tập thơ “Hái mùa đông vạt nắng” (NXB Hội Nhà văn, 6/2023) của Vạn Lộc, người phụ nữ “say đắm cùng thơ” sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên. Đây là tập thơ thứ 11 kể từ khi NXB Đà Nẵng in tập thơ đầu tay, năm 1997.

Vạn Lộc và "Hái mùa đông vạt nắng"

Năm 2022, Vạn Lộc trình làng “Miền mây trắng”, “Lá trên cành đang thu” được nhiều bạn thơ và độc giả mến mộ. Trong 10 tập thơ đã in, “Gió thổi từ Đông yên” tái bản lần thứ hai. Tôi đọc hầu hết các tập thơ của tác giả Vạn Lộc: Tình yêu là chủ đề xuyên suốt trong thơ của chị - yêu quê hương, yêu thiên nhiên, cây cỏ, yêu dòng sông, yêu biển, yêu mái trường xưa, tình yêu dành cho mái ấm gia đình, chồng vợ, con cháu, bạn hữu thân thiết.

Các thi hữu xứ Quảng đã không ít lần nói về “Hiện tượng thơ Vạn Lộc”, bởi chị làm thơ từ trái tim, mượt mà, đong đầy cảm xúc, thơ nói hộ lòng như là nhật ký cuộc đời, sâu nặng nghĩa tình của phụ nữ xứ Quảng, vùng đất kiên trung mà rất đỗi lãng mạn.  

 

“Hái mùa đông vạt nắng” tập hợp 55 bài thơ mà Vạn Lộc sáng tác trong vài ba năm gần đây, nhà thơ Bằng Việt cảm nhận: “Vạn Lộc với chút nắng vừa ấm áp vừa xót xa của một nhà thơ nữ đã bước qua tuổi xưa nay hiếm luôn luôn có ý thức trọn vẹn về những gì mình đã, đang và sẽ phải trải qua”.

Tôi hỏi một người bạn là hội viên Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng về thơ của Vạn Lộc, anh nói: “Cảm phục một người phụ nữ yêu thơ, trải nỗi lòng bằng thơ, từ thơ – gần như chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, yêu người – yêu đời luôn xuyên suốt trong thơ Vạn Lộc mà không trùng lặp, tươi mới, sống động…”.

Vạn Lộc viết: Sắp tròn một ván cờ người/ Chẳng ai thắng nổi trò chơi luân hồi. Vâng, một đời người trải qua biết bao biến cố lên thác xuống ghềnh, sướng khổ - vui buồn, nhưng rồi cuộc đời - dù sẽ đến ngày ra đi - vẫn luôn tiến về phía trước, biết mấy buồn vui, không gì là không thể. Quê hương xứ Quảng kiên trung, biết mấy tự hào.

Thơ của Vạn Lộc trước hết rất đậm chất quê nhà. Vạn Lộc viết về bãi dâu, nong kén, ngọn gió thổi, con nước lên rồi lại xuống để rồi đổ vào Mẹ - biển cả. Một Vạn Lộc dung dị, gần gũi mà lắng sâu: Tôi về nép bóng quê mình/ Thấy cây thấy cỏ cũng xinh như là/ Cánh đồng nở bất tận hoa/ Buổi trưa có bụi tre ngà hát ru/ Đâu đây bóng mẹ hiền từ/ Chợ xa gánh gánh thiên thu mẹ về/ Tuổi thơ tôi vấp triền đê/ Cỏ may cỏ xước hồn quê đời người… (SĐD, trang 12).

Một “Hồn quê” bên dòng sông Thu Bồn thật lắng dịu, da diết bao nỗi nhớ, nỗi thương của tuổi thơ: Ôi những cánh chim chở chiều/ Chở mưa nắng chở thương yêu về nguồn/…Rớt lòng ai câu hò quê/ Dài theo con nước lê thê nẫu buồn …Chiều quê con nước lặng thinh/ Mà lòng tôi sóng lênh đênh vỗ hoài… (SĐD, trang 15).

Trong bài “Thao thức với sông quê”, Vạn Lộc khắc khoải cùng dòng sông Thu Bồn: Tôi về thức với sông quê/ Đêm nghe bìm bịp kêu thê thiết buồn/ Sông nhớ người người nhớ sông/ Ngày đi hoa sóng mênh mông tiễn người.

Tuổi thơ của Vạn Lộc bươn chải mưu sinh, 13 tuổi, Vạn Lộc xa quê cùng mẹ học bán buôn ở chợ Cồn (Đà Nẵng), đành bỏ lại phía sau bao nỗi nhớ mong quê nhà. Và nay trở lại quê, trong sâu thẳm tâm hồn chị lại bùng lên bao nỗi nhớ: Từng giọt sương sớm man khê/ Gởi dòng thơm ngon hương thề tóc mây/ Qua sông từng giọt nắng gầy/ Còn nguyên nỗi nhớ trên tay tôi cầm/ Tôi về thương lấy ngàn năm/ Bãi bờ xanh với dâu tằm quê xưa/ Chiều sông Thu chợt đổ mưa/ Lòng tôi nghiêng ngọn gió khua bãi bờ … (SĐD, trang 17).

Thủy chung, trọn vẹn, càng trưởng thành, khi tóc đã điểm sương con người xa quê càng gắn bó với quê hương. Gần trọn một kiếp người, trải bao biến cố thăng trầm, vẫn một Vạn Lộc khắc khoải với con sông quê: Quê tôi bên sông Thu Bồn/ Duy Trinh quê mẹ nuôi hồn thơ tôi/ Đời sông bên lở bên bồi/ Đời người cũng thế  lở bồi với sông (trang 22). Đúng vậy, đó là nỗi lòng, là niềm tin yêu, sự khắc khoải nhớ nhung nơi mình đã sinh thành: Tám mươi năm dâu bể/ Cũng sắp xong cuộc người/ Ơi nỗi niềm trần thế/ Bao giờ chẳng đầy vơi. 

Khó khăn không chùn bước, khổ đau vẫn vượt qua, bão tố, sóng cả vững tay chèo, đèo cao dốc thẳm không cản bước. Và Vạn Lộc vẫn một lòng một dạ hướng về quê hương - quê hương luôn giang rộng cánh tay đón người con đi xa trở về cùng  dòng sông Thu: Thu Bồn ngày đêm da diết/ Đục trong thầm gọi tôi về/ Dẫu qua bao sông bao bể/ Hồn tôi vẫn lụy bến quê … (SĐD, Trang 21).

Với Vạn Lộc, quê hương chính là Tổ quốc, là miền Trung “Nỗi nhớ”, là con sông Hoài - Hội An, sông Hoài, sông Bồ - Hương Trà, xứ Huế, con sông Hàn – Đà Nẵng, Thánh địa Mỹ Sơn,  Cù Lao Cràm, biển Cửa Đại, Núi Thành, Trà Kiệu… và còn biết bao địa danh tên tuổi khác. Quê hương đá sỏi cũng thành ca dao, mỗi địa danh quê hương mà chị yêu nhớ là một “Khúc giao mùa”.

Về quê hương - Thánh địa Mỹ Sơn, Vạn Lộc như thốt lên, những vần thơ sâu lắng, ẩn kín sau đó bao nhiêu nỗi niềm: Ơi nghìn năm Cổ tháp/ Trông ánh trăng cô đơn/ Là nghìn năm vằng vặc/ Khóc thương nỗi oán hờn… (SĐD, trang 86)

Vạn Lộc giàu lòng nhân ái, khi có điều kiện, chị luôn giang rộng cánh tay trìu mến, yêu thương hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho những học sinh nghèo mà chăm ngoan, hiếu học. Năm học 2022 – 2023, khi trở về mái trường xưa – Trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Duy Xuyên, Vạn Lộc phát thưởng tặng các em có thành tích vượt khó, học giỏi, chị xúc động viết: Lại một mùa phượng thắm/ Thêm một mùa chia tay/ Từng trang lưu bút nhớ/ Sẽ theo ta tháng ngày/ Những sớm trưa đến lớp/ Rồi những buổi tan trường/ Hàng sao đen xanh mát/ Mây áo trắng Hùng Vương/… Hai bốn mùa phượng nhớ/ Duy Xuyên quê mình thương

Bài thơ “Hạnh phúc của mẹ” là một trong số những bài thơ hay của Vạn Lộc, hay ở tình yêu thương mẹ, lòng kính trọng và biết ơn – có Mẹ ta như có tất cả, không còn mẹ, bếp lửa không còn hồng, tiếng ru hời cho cuộc đời ta không có nơi nương tựa, nguội tắt. Vạn Lộc có người mẹ hiền dìu dắt, chăm chút cho con trưởng thành.

Và kiếp luân hồi đến lượt Vạn Lộc cũng là người mẹ hiền của gần mười đứa con ngoan, thành đạt. Vạn Lộc yêu Mẹ đến vô cùng và cũng là sự nhắn gửi các con của mình dù lớn mấy cũng là con của Mẹ, càng yêu Mẹ nhiều hơn: Đôi vòng tay mẹ thuở tao nôi/ Ru các con tuổi mới vào đời/ Bàn tay mẹ giờ gầy guộc lắm/ Chỉ còn ôm được kỷ niệm thôi/… Các con biền biệt theo năm tháng/ Biền biệt ngược xuôi khắp phương trời/ Dựng xây bao nhiêu công trình mới/ Các con cho mẹ những ngày vui …

Tình yêu đôi lứa cho ta sức mạnh để vượt qua mọi biến cố cuộc đời. Có lẽ Vạn Lộc là một trong số không nhiều những người phụ nữ yêu chồng đến lạ từ cảm hứng thơ ca, chị có hẳn một tập thơ tựa đề “Miền mây trắng” (NXB Hội Nhà Văn, 2022) với những bài thơ da diết khóc chồng, thủy chung nhớ thương người bạn đời yêu dấu.

Tại “Hái mùa đông vạt nắng” chị vẫn khóc chồng, nhưng không bi lụy mà ánh lên sự chấp nhận và đón đợi. Vạn Lộc xao xuyến, xúc động: Khi xưa em đến bên đời/ Bao nhiêu câu hát ngọt lời ca dao/ Thơm thơm hương rượu Hồng Đào/ Thế mà lại chọn sông Bồ buông neo/ Quê anh cách mấy quãng đèo/ Mấy truông, mấy núi em theo anh về… (SĐD, trang 114).

Người bạn đời của Vạn Lộc rời cõi tạm về miền mây trắng, Vạn Lộc đêm ít ngủ, ngày quên ăn, hiu quạnh nhớ chồng tâm sự cùng anh, bật lên câu thơ thật nhớ thương mà rất nhẹ nhõm: Ở ga cuối biết anh đang ngóng/ Nhưng em còn bao việc dở dang/ Ơi anh ơi xin anh hãy đợi/ Mình hẹn nhau bên dốc địa đàng… (SĐD, trang 82).

Cảm ơn và chúc nhà thơ Vạn Lộc đã có những bài thơ hay. Và chúc cho chị, tuổi ngoài 80 vẫn trẻ trung, yêu đời, dạt dào cảm xúc mỗi ngày. Vui khỏe, biết đủ, an nhiên, yêu đời là chất xúc tác để thi sĩ có thơ hay!

(QNO)