Lê Anh Dũng: Mắt phù sa - Ẩn tích chân thường.
I. Thơ là tác giả:
Thơ là người. Thơ Lê Anh Dũng xuất xứ từ đồng nội, thiên nhiên, nơi anh từng sống và đi qua. Thơ anh hoài thai từ những tháng ngày anh đã sống với đồng bào, cùng nhau thở bầu không khí truyền thống của quê hương: lưu vực sông Thu Bồn- Quảng Nam-Việt Nam : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và trong tình yêu chung, “trồng cây cũng nhớ người ăn quả”.
Dũng tuổi Kỷ Hợi: hãy gọi người thơ bằng cách gọi thân thương bình dị. (Dù anh là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Đà Nẵng, Đại tá, nhà thơ, nhà báo). Anh người làng Đa Hòa, trôi nổi ra sống ở Hội An rồi Đà Nẵng, là bộ đội, là thằng Ảnh sống với bà, với mẹ, hôi trâu, khét nắng mà nên thơ ở thời thơ ấu. Bộ đội chúng ta, “từ nhân dân mà ra” …nên bộ đội nhận rõ trên hết là nhân dân, là đồng bào. Bộ đội 1954 và bộ đội bây giờ, hào hùng, hiệp sĩ, nên thơ…
Dũng làm nhiều thơ, dài hơi, bền bỉ. Trường ca mang chất sử thi- hát rong: hát cho dân tôi nghe. Nhánh trường ca theo dòng lịch sử, từ núi Ngọc Linh, nguồn Thu Bồn, thấm qua tâm linh trở thành vô thức, thành ánh trăng, đốm lửa hiện trên đền thờ bà Thu Bồn. “Mắt phù sa” là tâm thức mở mắt từ vùng trời tâm linh, thể hiện nhịp sống hơi thở, triết lý của tác giả vào lúc mở đầu kỉ nguyên thái bình.
II. Mạch thơ và cảm xúc
Nhan đề của thơ “Mắt phù sa”. Nói rộng, giống như trong lời giới thiệu trường ca “Dòng sông di sản”, thì thơ Lê Anh Dũng thể hiện “biện chứng tuần hoàn”: Nhân- quả- nhân hay tổng thể - cá nhân- tổng thể: bao trùm từ nguồn ra biển, từ vận hành lịch sử, sinh hoạt xã hội nói chung, cho đến những sự kiện, thiên tai, biến cố, từ những di sản văn hóa được quốc tế thừa nhận cho đến những địa danh khiêm tốn, từ những vĩ nhân cho đến những tên người trong hoài niệm thân thương đặc biệt. “mắt phù sa” là đề thơ “xuất phát trong những cuộc rong chơi, những cái nhìn ngẫu hứng được chứa đựng trong một phong cách sống, một lẽ sống và một triết lý sống rõ nét lồng vào thơ”.
Nên nhớ, đầu nguồn không phải biển hồ lai láng, tràn trề mà là mạng lưới chập chờn, biến hiện. Thơ, văn học, văn hóa là hòa lưu của hiện thực và viễn tượng tâm linh, tình cảm, ý tưởng và vô thức. Nước tích chứa trong lòng đất, trong thời gian dài, kết tập thành dòng chính, dòng phụ, bốc thành mây rồi lại mưa về nguồn, ngấm ngầm trong đất. Thơ là vòng quay của kinh nghiệm tiếp chạm, định hướng cảm xúc, hiện vào nghệ thuật câu chữ.
Phù sa là trầm tích của những dòng lưu tụ hội, từ những vùng miền xa xôi, tạo chất màu cho đất, tạo thành màu xanh của đồng lúa, nương dâu, hoa và quả, bướm và hoa. “Phù sa” nơi đây tạo thành kinh nghiệm thơ, rung động, hình tượng cảm xúc. Nhưng sao gọi là :Mắt phù sa? Mắt phù sa hướng về một chân trời “rạng đông”, một viễn tượng cho tương lai trong cảnh thái bình.
Trường ca trải dài theo hướng sử thi, thần thoại lịch sử. Trường ca là ký sự, kể chuyện thơ với đồng bào. Trường ca là nỗi nhớ, tấm bản đồ cho lịch sử và về địa phương, tấm bản đồ mang chiều sâu hoài niệm và tri ân: bổ sung quý của ngành du lịch.
“Mắt phù sa” là hơi thở sảng khoái, trong làn gió mát trong lành lúc thanh bình, đất nước nối liền, Nam- Bắc thông thương, lúc nhìn ngắm “rạng đông” trên bãi biển Đồ Sơn:
Đón gió hòa bình anh hát mấy câu
Để xanh cánh trắng bồ câu
Mưa to, bão lớn đằng sau đã lùi
Hoàng Cầm
“Mắt” nhìn về viễn tượng. Mắt hướng bước chân thơ và thơ trở thành những cuộc rong chơi, gặp gỡ bạn bè, cô gái xứ Thanh, cô sơn nữ trong vũ điệu Tây Nguyên…Sơn Trà, Bảo Lộc, Đà Lạt. Thơ, đây là viễn tượng, điềm triệu “cát tường”. Thái bình, tự do, thú vị.
Mắt phù sa: hy vọng phồn vinh, Nguồn hữu hình của thơ Lê Anh Dũng tiếp thu từ vô vàn nguồn truyền thống, thần thoại vô thức.
III. Rong chơi ngẫu hứng
Trường ca kể chuyện theo dòng chảy thời gian, tương tục và gián đoạn, thần thoại và lịch sử…Trường ca, sử thi…Mắt phù sa: nhảy nhót, rong chơi ngẫu hứng, mắt phù sa là một phong cách vui chơi, một triết lý sống. Vui trong thành quả xây dựng, kiến tạo, đất nước. Vui với người, vui cả với thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá hòa vui.
- Ta ở trọ mình, gió mây trọ núi
Thả những tờ rơi cuộc chơi của lá
- Ai người lên đèo hứng chí làm thơ
Ai người lên đèo lấy thơ hứng chí
Lá cũng chơi, lá múa may với người. Người hứng chí hay thơ hứng chí? Vui quá, trong vũ khúc đại đồng của tự nhiên!
Thiên nhiên mênh mông, chén trà bốc khói: trà biết nói, nói lên đời vui cho tình thơ, tình bạn, tình quê Bảo Lộc
- Bảo Lộc chiều mênh mông
Ô Long bồng bềnh khói
Trà ngon thay lời nói
- Nâng chén trà Ô Long
Cho đời mình thong dong
Lữ khách, xin dừng lại nơi đây, những đồi trà xanh, dưới bầu trời trong xanh. Trà thơm thanh khiết, chốn quê đây, nặng tình. Xin mời! Buổi thanh bình…
Thơ là bức tranh nhiều chiều: “của rất nhiều thứ hoa, hoa lan, hoa ban, Mimosa, thủy tiên, hoa anh đào xa xứ, cả hoa trên núi , hoa vệ đường, hoa lục bình bồng bềnh tím chiều quê hương. Đề thơ là những đoạn phim chợt hiện ngẫu nhiên. Cảnh, người phô lộ tình cảm ở những góc cạnh khác nhau cho tầm mắt phù sa, bước chân lãng tử. Thơ đến với tác giả, hay tác giả đến với thơ ? Ai đó làm thơ trong tác giả, “Câu thơ lạ đó không phải, hình như ai đó trong tôi làm thơ, hình như, chỉ hình như, do tôi mà thôi”(Rimbaud). Đôi mắt phù sa, khách quan hay chủ quan? Không sao, thơ mà!
Vui chơi, thong dong, hứng khởi, có lúc man mác buồn. Đôi lúc nghịch thường là chỗ thơ hay, kích thích cảm xúc.
Màu sắc biến dị, vì tình người nổi trôi, không khuôn sáo
Lắm lúc âm u hoài niệm, nhạt nhòa màu quá khứ, thời gian.
- Bên gốc mù u cây đa cổ thụ
Hoa cỏ ngậm ngùi trăng dõi nhớ thương
- Dưới tán mù u, đa làng rũ bóng
Nghĩa sĩ về dấu xưa đồng vọng
Nỗi niềm nước sông hóa thành Cẩm Lệ
- Lễ hội tan, hương tàn, người vắng
………………………………….
Dãy hoa sứ trước sân mộ chí
Nồng nàn, tỏa khói hương
Đêm tưởng vọng
Nỗi niềm thật đẹp khi nỗi buồn chân thành, khi nỗi buồn là nỗi nhớ
Những đại thụ rì rầm việc quân việc nước
Mưa Tây Nguyên gió sông Kôn thổi mãi
Đêm bảo tàng Quang Trung
Rộn ràng, phơi phới, bâng khuâng trong mênh mông đất trời. Vì sao phải buồn đau trong cõi thế “vô thường”? Bởi chưa có một tầm nhìn, một thái độ sống tổng hợp:
Hoa lục bình nhỏ nhoi phơn phớt tím
Cái nổi trôi ai ngờ cái đẹp
Chỉ cái nhìn cạn hẹp mà thôi
IV. Triết
Triết là đôi mắt của thơ Lê Anh Dũng: Mắt phù sa… là đôi cánh của nghệ thuật tạo ra những chủ đề, hướng dẫn rung cảm. Triết được tạo ra từ trầm tích phù sa, cuộc sống, bầu trời, dòng sông, những bước chân của chàng bộ đội sống trong lòng đồng bào với phẩm chất rất bộ đội, hào hiệp, bình dị, gần gũi…Triết đi vào khoa học và cũng đi vào nghệ thuật, vào thơ truyền thống nhiều ngàn năm dân tộc.
Soi chiếu, phản chiếu. Mắt phù sa soi cảnh, soi tâm, niềm vui, nỗi buồn, để phát hiện thái độ sống và rung cảm nghệ thuật, lặn sâu, bay cao.
Thơ tra vấn nên thơ là triết:
Chắc gì mặt trăng mãi tròn
Chắc gì bồ hòn mãi đắng
Đi tìm một nửa
Nghi vấn để phát hiện, nên nghi vấn tích cực:
Vì - Nửa kia chìm trong nửa nọ
Nên - Tìm trong tình có hương
Tìm trong tro có lửa
Nghịch lý, thái độ tổng hợp, nghệ thuật tổng hợp:
Thơ hình thành trong dâu bể vô thường. Rung cảm thiên tài thường là những vần điệu đau buồn. Nhưng ngôn ngữ thơ là một bổ sung cần thiết cho ngôn ngữ khái niệm.
Chắp tay con lạy mười phương
Từ khi học lẽ vô thường sắc không
Như không
Thi sĩ có tiếng, người Pháp nói như một châm ngôn: “Frappes toi le coeur,ce qu’est le génie” (Hãy làm cho cõi lòng tan nát, để cho thiên tài xuất lộ). Đời vui gì khi người giàu cũng khóc? Thơ Lê Anh Dũng thì man mác, lâng lâng, lắm khi trào dâng phấn khởi. Nếu có buồn chỉ là buồn nao nao trong hoài niệm, tri ân truyền thống. Người ta bảo nghệ thuật là đi tìm cái mới, nghệ thuật “hậu hiện đại” hướng tới điều lạ, dị thường, khác thường. Sự thật hay chỉ là “một cách nói” trên con đường văn học?
“Vô thường” là một cách nhìn nhà Phật thì “chân thường” lại cũng là một cách nhìn khác của Phật giáo để tựuthành lẽ “viên dung”. Già thì buồn, nhưng già hóa trẻ thì vui, thơ Dũng tựu thành sự tổng hợp
Tuổi vắt qua thế kỉ
Thơ rộn rực xuân thì
Già Khương
Và rồi sẽ già, sẽ cỗi
……………………
Rồi sẽ già hóa trẻ
Hạnh phúc, niềm vui, tựu thành trong minh triết, trong cái bao dung, rộng rãi, phương Đông.
Cái nổi trôi-ai ngờ- cái đẹp
Chỉ cái nhìn cạn hẹp mà thôi
Hoa lục bình
Và lúc ưu sầu mỏi cánh
………………………….
Bỗng chim kêu sáng rừng
Cảm xúc vui thế ấy, ai bảo không lan truyền?
Thơ cất cánh trong vũ điệu của lá, trong đất trời bao la, ở bài thơ đầu Hải Vân một quan san .
Thơ kỳ đặc, triết lý, Đông phương trong bài cuối Xin cho tôi (và những thơ từ trang 24 đến 35) một chọn lọc: Xin…trong…Biết. Sống chậm, lặng câm như hạt thóc, chính mình, ong kiến nhỏ nhoi, kẻ tôi đòi!...Trong cuộc sống hiện đại dường như có báo hiệu một cái nhìn nào đó làm mất cân đối, mất hòa điệu nhân sinh và vũ trụ.
Không phải quen, không phải lạ, không phải cũ, không phải mới, không phải buồn, không phải vui. Trang Tử bên cầu nhìn đàn cá và bảo: “đàn cá vui thay! Trung Đạo là Đại Đạo vô ngôn (mà cả hữu ngôn, Trung đạo được dịch là Le Juste Milieu).
Thơ Lê Anh Dũng phát tích từ những mạch ngầm tích cực, một ý thức tổng hợp. Trong hương xưa, gió mát của chân trời rạng đông, hình như Dũng muốn mang theo hình ảnh của người lính các thời Lý, Trần về với quê hương, đồng nội!
Nguyệt Liêm
(Nhà nghiên cứu văn học)