Nhà văn THÁI BÁ LỢI
Nhà văn Thái Bá Lợi sinh ngày 8-4-1945 tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tên tuổi của ông gắn với những tác phẩm chân thực về chiến tranh và sau chiến tranh.
Năm 1965, ông nhập ngũ, từng hoạt động trên chiến trường đường 9, Huế Tết Mậu Thân, chiến trường quân khu 5.
Năm 1971, ông chuyển về Ban văn học Cục chính trị quân khu 5 viết văn, làm báo.
Năm 1976, ông tham gia trại sáng tác quân khu 5.
Đến năm 1979, ông theo học Trường viết văn Nguyễn Du khoá I.
Năm 1983, ông chuyển công tác về Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến khi về hưu.
Hội viên hội nhà văn Việt Nam năm 1977.
Hiện ông sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.
*Tác phẩm đã xuất bản:
-Tập truyện ngắn Vùng chân Hòa Tàu. NXB Quân đội nhân dân, 1978
-Tiểu thuyết Thung lũng thử thách. NXB Tác phẩm mới, 1978
-Tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai. NXB Quân đội nhân dân, 1981
-Tiểu thuyết Bán đảo. NXB Tác phẩm mới, 1983
-Tiểu thuyết Còn lại với thời gian. NXB Quân đội nhân dân, 1989
-Tập truyện ngắn Đội hành quyết. NXB Đà Nẵng, 1992
-Tiểu thuyết Trùng tu. NXB Quân đội nhân dân, 2003
-Tiểu thuyết Khê ma ma. NXB Hội nhà văn, 2004
-Tiểu thuyết Minh sư. NXB Hội nhà văn, 2010
* Giải thưởng văn học:
- Truyện ngắn Lòng cha, Giải thưởng tạp chí Văn nghệ quân đội, 1974
- Tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1983
- Tiểu thuyết Trùng tu, Giải A, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, 2004
- Tiểu thuyết Khê ma ma, Giải B (không có giải A), Giải thưởng văn học – nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, 2001 - 2005
- Tiểu thuyết Minh sư, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2010; Giải thưởng văn học Đông Nam Á (S.E.A Write Award), 2013
- Tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai và Trùng Tu, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 2012
* Suy nghĩ về công việc viết văn:
Con người dù sống ở bất cứ quốc gia nào cũng là đề tài muôn thuở của văn học. Dù chúng ta có viết về chiến tranh hay hòa bình, thành phố hay nông thôn, người lớn hay trẻ nhỏ, quá khứ hay hiện tại, viết về nơi mình đang sống hay một xứ sở xa xôi, viết về thiên nhiên tươi đẹp hay vùng đất khắc nghiệt, viết về hiền nhân hay bạo chúa… thì cũng là viết về con người. Trong quá trình tiến hóa của mình để vươn lên sự hoàn thiện, con người đã phải trải qua nhiều thử thách cam go, có khi phải trả bằng giá đắt. Lịch sử các dân tộc đã cho ta biết điều đó. Nhưng con người phải luôn luôn tiến hóa để rốt ráo đến Chân, Thiện, Mỹ. Với tư cách một người cầm bút, tôi tin tưởng vào điều này. Trên con đường đến với sự hoàn thiện của con người, những nhà văn chúng ta bằng công việc của mình góp phần vào thiên chức làm bớt đi càng nhiều càng tốt khả năng làm điều ác, tăng trưởng điều thiện của con người. Đó là hạnh phúc của nhà văn.
* Viết về nhà văn Thái Bá Lợi:
Thái Bá Lợi - Ký ức và mơ ước
Thái Bá Lợi sinh năm 1945, thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thần thánh của dân tộc. Ông được coi là một trong số những nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh được bạn đọc chú ý.
Thái Bá Lợi sinh năm 1945, thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thần thánh của dân tộc. Ông được coi là một trong số những nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh được bạn đọc chú ý.
Thái Bá Lợi bước vào nghề văn từ những năm 70 của thế kỷ XX. Ông sáng tác không nhiều nhưng mỗi khi đứa con tinh thần của ông ra đời thì đều gây được tiếng vang và đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, đặc biệt là những tác phẩm mới xuất bản gần đây. Ông đã thử bút và thành công ở hai lĩnh vực truyện và tiểu thuyết. Những trang viết đầu tay là những truyện ngắn: tập truyện Vùng chân Hòn Tàu (1978), Đội hành quyết (1994). Sau này Thái Bá Lợi tập trung bút lực vào viết tiểu thuyết và coi đây là sở trường của mình. Người đọc biết đến ông với hàng loạt cuốn tiểu thuyết có giá trị như: Họ cùng thời với những ai (1978-1980)- tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; Thung lũng thử thách (1981), Bán đảo (1983), Còn lại với thời gian (1986), Trùng tu (2003)- đạt giải A Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Khêmama (2004). Ông có một truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn (1978). Ngoài ra ông còn viết báo nhưng người đọc biết đến ông với tư cách là nhà văn nhiều hơn.
Là văn nghệ sĩ thì ai cũng có quan điểm nghệ thuật riêng hoặc chịu ảnh hưởng từ một người khác. Những quan niệm tư tưởng vốn định sẵn đó có ảnh hưởng sâu sắc đến đứa con tinh thần của nhà văn. Thái Bá Lợi cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Người ta nói văn là người. Với Thái Bá Lợi quả đúng như vậy. Đọc các tác phẩm của ông và may mắn hơn là sau đó lại được gặp gỡ và trò chuyện nhiều lần với nhà văn, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng con người ông đã được thể hiện sinh động trên những trang văn mà ông viết. Chỉ có điều người đọc tùy theo nhận thức có nhận ra hay không mà thôi. Đến với văn chương, Thái Bá Lợi mang theo một quan niệm thật giản dị: chỉ cần “ biết đọc, biết viết là làm được. Khi đã có nhu cầu cần tâm sự, cần chia sẻ thì chẳng cần tính toán gì, có điều gì thì cứ vô tư viết ra còn phán xét là phần việc của người đọc và thời gian”.
Với Thái Bá Lợi con người vừa là đối tượng phản ánh vừa là mục đích tôn vinh của văn học. Ông tâm sự: “dù ta có viết về cái xấu hay cái tốt, viết về người lớn hay trẻ em, viết về quá khứ, hiện tại hay tương lai cuối cùng vẫn là đề cao giá trị tinh thần vốn có của con người”, “dù là bút pháp của nhà văn có lạnh lùng đến đâu, dù nhà văn viết về cái xấu, cái ác, cái dung tục có sắc sảo đến đâu thì cái đích cuối cùng của văn học là làm sáng ra cái phần trong trắng nhất, phần sáng suốt nhất, phần sạch sẽ nhất, phần nguyên vẹn nhất của con người”. Vậy theo ông, nhiệm vụ của văn học là phải hướng tới con người và vì con người. Văn học có mục đích cao cả và thiêng liêng là “làm sáng ra” phần tốt đẹp nhất của con người. Phải chăng vì thế mà những trang văn của ông thường nghiêng về khai thác những giá trị đao đức, giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống dù viết về đề tài nào, về đối tượng nào đi nữa. Mối quan tâm của ông không phải là ở dáng vẻ bề ngoài mà là những phẩm chất, nhân cách cao đẹp ẩn sâu bên trong tâm hồn con người.
Những chi tiết được Thái Bá Lợi chọn để xây dựng tác phẩm thường được gọi dậy từ kí ức, từ những kỷ niệm thực của bản thân nhà văn. Vì được gọi ra từ kí ức nên nó đã được sàng lọc kĩ càng và giàu tính biểu cảm. Khi viết, điều làm nhà văn trăn trở nhất là văn xuôi phải kết hợp như thế nào đó để phản ánh được cuộc vận động của đời sống đang đặt ra. Trong nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt là Khêmama, ông đã thể hiện khát vọng về một mẫu người lí tưởng sau chiến tranh, khát vọng đánh thức những tiềm năng của con người. Đó chính là sự hình dung về những giá trị nhân văn mà loài người cần phải có trong cuộc sống hôm nay.
Ở lĩnh vực tiểu thuyết, Thái Bá Lợi đồng tình với quan niệm của M.Kundera: “Tiểu thuyết là tiếng gọi của giấc mơ”. Và ông đã dành cuộc đời mình để theo đuổi một giấc mơ. Giấc mơ về quá khứ - sự hồi tưởng day dứt khôn nguôi về số phận con người trong chiến tranh. Giấc mơ về tương lai - khát vọng về những giá trị nhân văn mà mỗi người cần phải có. Thực và mơ được trộn lẫn với nhau trong những cuốn tiểu thuyết của Thái Bá Lợi. Tiêu biểu trong số đó có Khêmama. Nhân vật Khêmama trong tác phẩm xuất hiện và ra đi giống như từ một giấc mơ, không ai rõ cô là ai, từ đâu đến và sẽ đi đâu. Nhưng vì đó là câu chuyện trong cuốn nhật kí mà “tôi” tình cờ nhặt được nên tác phẩm vẫn mang đậm tính hiện thực. Vẻ đẹp của nhân vật Khêmama khiến cho độc giả hoài nghi và đôi lúc tự hỏi: “Liệu trong thực tế có ai như vậy không?” Nhưng rồi nhìn lại, họ ngỡ ngàng nhận ra mình cũng đã từng gặp ở đâu đó giữa dòng đời xuôi ngược này một trong những nét tính cách đáng quý của Khêmama.
Hầu hết những cuốn tiểu thuyết của Thái Bá Lợi có dung lượng nhỏ, khoảng trên dưới hai trăm trang và có xu hướng ngày càng mỏng dần, súc tích và cô lắng hơn. Vì ông cho rằng tiểu thuyết thời hiện đại có ngắn mới phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhà văn giải thích thêm: “Trong thời đại mà văn hóa đọc ngày càng xuống cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường thì việc viết những cuốn tiểu thuyết dài hơi là điều không còn phù hợp nữa”. Quan niệm của ông rất rõ ràng: “Nếu muốn lưu danh thì cần gì đến hàng ngàn trang, vài câu hay vẫn lưu danh được”.
Trên bước đường văn chương của mình, nhà văn Thái Bá Lợi không ngừng theo đuổi mục đích viết về con người với cuộc hành trình đi tìm chính mình. Ông nói: “con người viết hoa ấy luôn luôn tiến hóa, luôn luôn có khát vọng tìm ra chính mình, tự hoàn thiện mình để rồi không bao giờ đánh mất mình nữa. Tôi theo đuổi con người này đến cùng (…) ”.Với Trùng tu, Bán đảo và Khêmama nhà văn đã trở thành một lữ khách trong cuộc hành trình đi tìm chính mình. Ông đi không ngừng nghỉ, không mệt mỏi và mang theo một niềm tin: “Thế nào tôi cũng tự tìm ra tôi”.
Nhìn lại toàn bộ sáng tác của Thái Bá Lợi, ta dễ dàng nhận ra một thế giới hiện thực được nhìn qua kí ức. Bản thân nhà văn đã đi qua chiến tranh ở vào thời điểm khốc liệt nhất của nó. Với sự nhạy cảm, tinh tế của một tâm hồn giàu cảm xúc, trong ông luôn đầy ắp những kỷ niệm về chiến tranh. Ông đến với nghề văn như một sự tình cờ. Ông tâm sự: “càng lăn lộn với cuộc đời càng thấy có nhu cầu cần tâm sự, cần chia sẻ những điều mình cảm nhận, những điều mình suy nghĩ trong đời sống đang diễn ra hằng ngày, nói theo chữ nghĩa là vốn sống, là kinh nghiệm sống với người khác”. “Dường như vì quá nặng lòng với cái đã qua và cho rằng “quên đi quá khứ là thấy mình có lỗi” nên ông viết rất nhiều về chiến tranh dù đó chỉ còn là hoài niệm. Đối với ông, trong đó còn có bao điều cần phải nói bởi trước đây người ta chỉ quen nhìn nó một cách phiến diện” (theo Đặng Thị Minh Châu).
Vùng kí ức của Thái Bá Lợi được bồi đắp từ nhiều nguồn khác nhau: có khi là sự trải nghiệm của ông trong chiến tranh và có khi là những hồi ức của những người thương binh ở đội phẫu mà ông từng gặp. Bởi vậy, hiện thực trong trang văn vừa chân thực vừa cảm động. Ông hay chọn cho mình những “chi tiết nghiệt ngã” để nói về đời sống trên chiến trường. Qua đó tác phẩm của ông có tác dụng làm nổi bật lên hiện thực tàn khốc của chiến tranh và phẩm giá con người càng được sáng rỡ thêm.
Xét về mặt bút pháp mà điểm đầu tiên đó là thế giới hình tượng của tác phẩm, ta dễ dàng nhận ra thế giới hình tượng trong tác phẩm của Thái Bá Lợi được ông quan sát bằng cái nhìn đa chiều. Hai hình tượng xuyên suốt những trang văn xuôi của nhà văn là hình tượng người lính và người phụ nữ. Những mẫu người này được trở đi trở lại trong thời điểm chiến tranh và hòa bình với nhiều mối quan tâm khác nhau.
Về hình tượng người lính trong chiến tranh, tuy mỗi người mang trong mình những nét tính cách riêng, số phận riêng nhưng họ đều có những phẩm chất tốt đẹp: lòng dũng cảm, đức vị tha, chiến đấu hết mình cho lẽ sống và lí tưởng chung của dân tộc. Đó là hình ảnh của Thạch, Thanh (trong truyện Hai người trở lại trung đoàn), Phan Nam, Trần Thán, Thái, Tánh (trong tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai), “tôi” và “nó” (trong tiểu thuyết Trùng tu). Theo thời gian, dấu vết của chiến tranh trên mặt đất này có thể bị xóa nhòa nhưng nó chẳng thể nào mất đi trong kí ức của những người lính đã từng đi qua chiến trận.
Về hình tượng người phụ nữ trong thế giới nghệ thuật của Thái Bá Lợi, trong chiến tranh họ hiện lên với vẻ đẹp của lòng dũng cảm, tính cách xông xáo, nhanh nhẹn trong công việc được giao. Đó là cô du kích Mây (trong truyện Hai người trở laị trung đoàn), cô xã đội trưởng Lê (trong tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai), Mai (trong tiểu thuyết Trùng tu). Trong thời bình họ cũng mang trong mình những nét tính cách đáng quý tuy sắc thái có phần khác trước (nhân vật Khê trong tiểu thuyết Khêmama). Những chân dung phụ nữ ấy mang vẻ đẹp giản dị, chất phác mà cũng rất hồn nhiên, đáng yêu thậm chí có phần táo bạo trong tính cách.
Tuy nhiên, nét độc đáo trong văn Thái Bá Lợi lại được thể hiện ở chỗ ông đi sâu khám phá nỗi lòng của người mẹ sau chiến tranh (qua truyện ngắn Đội hành quyết). Vậy là nhà văn không chỉ quan tâm đến số phận của những người lính đi ra từ chiến tranh mà còn dành tình cảm đặc biệt, mở rộng lòng mình ra để sẻ chia với những nỗi đau thầm lặng nhưng chất chứa của người mẹ khi đứa con bị hành quyết. Bên cạnh đó, ta còn thấy xuất hiện một số trang văn tác giả dành để ghi lại hình ảnh của bọn lính Mĩ (trong tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai), hình ảnh những người dân sâu nặng, tình nghĩa ở vùng hậu phương miền Bắc và Thừa Thiên Huế trong chiến tranh (trong các tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai, và Trùng tu).
Nhà văn Thái Bá Lợi được sinh ra trên mảnh đất Nghệ An anh hùng. Miền quê ấy với những nét đẹp truyền thống đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và đời văn của ông. Tuy nhiên, cuộc sống chiến đấu của người lính đã để lại trong ông nhiều kỉ niệm về những vùng đất bị tàn phá khốc liệt trong chiến tranh, những vùng đất mà ông đã đi qua với những trận đánh dữ dội. Ông dành phần lớn những trang văn của mình để viết về vùng Quảng Trị - Thừa Thiên (trong tác phẩm Họ cùng thời với những ai) và vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, quê hương thứ hai của mình đồng thời cũng là quê vợ (trong các tác phẩm Hai người trở lại trung đoàn, Thung lũng thử thách, Đội hành quyết). Hai vùng đất này đã trở thành hai vùng thẩm mĩ chính trong những sáng tác của nhà văn. Đằm sâu trong những trang viết ấy là những tình cảm thiết tha, nồng nàn của ông đối với nhân dân anh hùng trong chiến tranh. Ẩn chứa trong đó còn là niềm tự hào, là nỗi trăn trở, nỗi day dứt khôn nguôi về quá khứ.
Với bút pháp độc đáo, Thái Bá Lợi thường vận dụng nghệ thuật tạo dựng tình huống với lối kết thúc truyện mang màu sắc triết lý khi xây dựng tác phẩm. Hiện thực được dồn nén trong tác phẩm và chỉ đến khi kết thúc, tư tưởng, chủ đề của nó mới bật lên. Chính điều này đã làm cho câu chuyện mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, định hướng nhận thức cho người đọc một cách rõ ràng hơn. Trong phần lớn các tác phẩm của nhà văn mà tiêu biểu là Trùng tu và Đội hành quyết, ta bắt gặp lối kết cấu đan xen hiện tại và kí ức. Thứ ngôn ngữ mà ông dùng để viết không hề cao siêu mà hết sức trong sáng, tự nhiên và gần gũi với độc giả chính bởi nó đã được sàng lọc kĩ càng từ thứ ngôn ngữ đời sống hằng ngày. Giọng văn của Thái Bá Lợi nghiêng về xu hướng của văn xuôi viết về chiến tranh sau đổi mới với tính chất “đa giọng điệu”. Những trang văn nhiều giọng điệu khác nhau với nhiều màu sắc đã tạo được sức lôi cuốn đặc biệt từ phía người đọc.
Suốt mấy chục năm qua, Thái Bá Lợi vẫn lặng lẽ, cần mẫn lao động và sáng tạo nghệ thuật với một thái độ nghiêm túc, một cái tâm trong sáng. Nhà văn cho rằng viết văn chỉ là để thỏa mãn nhu cầu cần được tâm sự, cần được sẻ chia những điều mình cảm nhận được. Nhưng thực ra, công việc ông đang làm mang trong nó một giá trị nhân văn sâu sắc. Ngày đêm ông vẫn làm một công việc thật đáng quý là gom nhặt những kỷ niệm về chiến tranh để nói về quá khứ trong cái nhìn của hôm nay. Đằng sau những trang văn bình dị và điềm tĩnh ấy, ta bắt gặp một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết với con người, với đời sống cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Với Thái Bá Lợi dù viết về chiến tranh hay bất cứ đề tài nào cũng không ngoài mục đích quan tâm, phát hiện những vấn đề về đạo đức, thân phận con người. Chính vì thế, tác phẩm của ông từ những truyện ngắn đầu tay, Hai người trở lại trung đoàn đến Trùng tu, Khêmama gần đây đều để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả. Tiếp xúc với ông thông qua tác phẩm hay trong đời sống thực, ta đều thấy ở ông toát lên cái phong thái của một “nhà hiền triết”, một “ẩn sĩ” thời xưa cho dù cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay.
Với tư chất và tài năng của mình, chắc chắn rằng trong một tương lai không xa nhà văn Thái Bá Lợi sẽ cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm có giá trị mang đậm dấu ấn riêng. Ông đã bật mí về cuốn tiểu thuyết Minh sư, một tác phẩm mang sắc thái hoàn toàn khác trước mà ông đã bắt đầu viết cách đây vài năm. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng các tác phẩm mới của ông sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích, lí thú và mới lạ hơn nữa, đồng thời ngày càng góp phần to lớn khẳng định vị trí của nhà văn trong nền văn học nước nhà.
Vũ Thị Thảo (Theo toquoc.vn)
Thái Bá Lợi- Người cứ nhẩn nha... kể chuyện
Thái Bá Lợi năm 1945, ở Quỳnh Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhưng sự nghiệp văn chương của ông gắn liền với mảnh đất xứ Quảng. Ngoài hai tiểu thuyết Trùng tu (2003) và Minh sư (2010) ông có ít nhiều đề cập đến những vùng đất khác, còn lại hầu hết các truyện ngắn và tiểu thuyết, từ truyện ngắn đầu tay Lòng cha (1973), đến hai tập truyện ngắn Vùng chân Hòn Tàu (1978), và Đội hành quyết (1993), truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn (1978) và các tiểu thuyết Thung lũng thử thách (1981), Họ cùng thời với những ai (1982), Bán đảo (1983), Còn lại với thời gian (1989), Khê mama (2004), Câu chuyện Đà Nẵng (2016) đều là những sinh thể nghệ thuật được ông cắm sâu ngòi bút thâm canh trên cánh đồng trĩu nặng phù sa của miền quê có nhiều vỏ đạn và rơm rạ Quảng Nam. Vậy là, trước tiên có thể nói ngay rằng, chính đất Quảng đã tạo nên sự nghiệp văn chương khá đồ sộ của Thái Bá Lợi, ngược lại, cũng chính Thái Bá Lợi đã góp phần tạo nên diện mạo văn chương đất Quảng, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập với văn chương cả nước và thế giới.
Về thể loại, truyện ngắn đối với Thái Bá Lợi chỉ là sự dò tìm, ướm thử hoặc luyện bút, còn thành công chủ yếu của ông cả về số lượng và chất lượng là tiểu thuyết, thể loại được coi “là cái máy cái của văn học” , “là một truyện dài bằng văn xuôi có dung lượng lớn, với nhiều nhân vật hoạt động trong phạm vi lịch sử, xã hội rộng lớn” . Trải rộng tâm hồn đánh đu với loại “tác phẩm tự sự cở lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian” , với hằng chục tác phẩm đến với người đọc trong gần nửa thế kỷ qua, Thái Bá Lợi đã gặt hái được thành công về nhiều mặt, nhưng quan trọng nhất, được khẳng định rõ nhất và cũng là cái làm nên tên tuổi Thái Bá Lợi, không trộn lẫn với bất kỳ ai, là nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết. Vậy nên, sau nhiều lần ướm thử, chúng tôi xin được đặt chân vào lĩnh vực tự sự học nhằm tiếp cận thế giới nghệ thuật của Thái Bá Lợi. “Tự sự học (Narratology) là một lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của lý luận văn học, lấy nghệ thuật tự sự làm đối tượng (…), là một nhánh của thi pháp học hiện đại, hiểu theo nghĩa rộng, nghiên cứu cấu trúc văn bản tự sự và các vấn đề liên quan hoặc nói cách khác là nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật trần thuật của văn bản tự sự nhằm tìm một cách đọc” . Tự sự học nghiên cứu nhiều thành tố nghệ thuật như diễn ngôn, lời kể với những người kể, điểm nhìn, các mô – tiếp truyện, hệ thống sự kiện và cách tổ chức các sự kiện đó… Ở đây, chúng tôi tập trung chủ yếu vào các yếu tố người kể truyện, điểm nhìn trần thuật và giọng điệu.
@
Tác phẩm tự sự không thể thiếu hình tượng người kể truyện. Đối với tiểu thuyết Thái Bá Lợi, vấn đề này càng trở nên thiết yếu, là nơi chuyên chở quan niệm nghệ thuật của nhà văn, được biểu hiện một cách đa dạng, khi thì nhà văn đứng ngoài nhân vật, khi nhảy xổ vào tác phẩm, khi thì tường thuật ở ngôi thứ nhất, lúc ẩn mình ở ngôi thứ hai. Sáng tác của Thái Bá Lợi, chủ yếu ra đời sau chiến tranh. Là người trực tiếp tham chiến, phần lớn tác phẩm của ông được trần thuật ở ngôi thứ nhất. Nếu ở những sáng tác đầu tay của mình, nhà văn dè dặt trần thuật ở ngôi thứ ba, thì sau này khi có khoảng lùi thời gian cần thiết để nhà văn đủ tự tin bước vào những trang sách của mình trần thuật ở ngôi thứ nhất một cách linh hoạt và khéo léo, để chèo lái con thuyền tinh thần của mình trôi đúng hướng và chắc chắn. Nhân vật “tôi” đằm chất đời sống, linh hoạt và tự nhiên. Trong “tôi” xuất hiện cái “tôi” tác giả, cũng có thể là cái “tôi” nhân vật. Bất kỳ người kể chuyện nào về nguyên tắc là một “cái tôi – được sáng tạo nên” (M.Prisvin), là sự thống nhất cái thuộc về tác giả với cái khách quan ngoài tác giả, cái “người khác” để tạo nên cái “chúng ta”. Nhân vật “tôi” ngôi thứ nhất của Thái Bá Lợi luôn linh động, chuyển dịch, khi thì chỉ là cái tôi chứng kiến, khi lại trở thành nhân vật chính, hoặc nhân vật trung tâm tham gia vào sự kiện đồng hóa với hình tượng tác giả.
Cái tôi chứng kiến trong tiểu thuyết của Thái Bá Lợi cũng được biểu hiện nhiều kiểu khác nhau. Truyện vừa có dung lượng tiểu thuyết Hai người trở lại trung đoàn, người kể truyện chỉ xuất hiện công khai duy nhất một lần để dẫn dắt câu truyện theo mạch kể tự nhiên: “Đó là một buổi chiều tháng 9 năm 1975, sau lễ Quốc khánh lần thứ 30 mấy ngày. Nhưng câu truyện tôi kể lại bắt đầu từ tháng 6 năm trước…” (tr.121). Người kể đã đứng bên ngoài, hết sức khách quan, nhưng lại đứng rất gần nhân vật để đồng cảm, sẽ chia. Sự kiện trong truyện được kể cụ thể, chính xác và đầy đủ. Rất tự nhiên và hấp dẫn qua người kể truyện ta thấy được đời sống con người trong chiến tranh và những chuyện đời bên lề cuộc chiến. Chiến tranh không chỉ có ác liệt, chết chóc mà bên cạnh đó còn có những xung đột, lợi ích và ham muốn của con người. Người đọc yêu mến và cảm phục Thanh, một chiến sĩ dũng cảm hết mình, một người bạn tốt và là một người tình thủy chung, ân nghĩa. Trách Trí ích kỷ và vô trách nhiệm. Lại đồng cảm với Mây, cô gái tốt bụng nhưng lầm lỡ… Nhà văn bình tĩnh đứng bên ngoài để quan sát và kể lại. Am hiểu tường tận mọi vấn đề nên cách kể của nhân vật tôi tự tin và làm chủ được giọng kể của mình. Người kể truyện và tác giả là một, nhưng khách quan tới mức mọi diễn biến của sự kiện và sự phát triển của tính cách nhân vật tưởng như không can hệ gì đến tác giả. Nhưng mọi diễn biến đều không thoát khỏi sự theo dõi và quan sát của tác giả. Vì thế, tuy câu truyện tự nhiên nhưng lại được dẫn dắt theo ý đồ tác giả. Đến Bán đảo, cũng người kể truyện ngôi thứ nhất khách quan đứng bên ngoài sự kiện, nhưng tác giả đã dấn sâu thêm một bước, đưa người kể trở thành nhân vật phụ trong tác phẩm, xuất hiện song song với nhân vật chính, chứng kiến và dẫn dắt câu truyện. Nhân vật tôi mạnh dạn đi sâu vào tác phẩm để thấu hiểu và cảm thông với số phận nhân vật. Người kể truyện ở đây vừa là nhân vật, lại vừa là chính tác giả, cái kiểu như Đoàn Cầm Thi đã nói, là nhà văn “đang chơi trò đánh trận giả: đây vừa là “tôi” vừa không là “tôi”! Nhưng cái “tôi” cố tình làm đảo lộn các cặp phạm trù cũ: hư cấu / phi hư cấu, thực / ảo” . Nếu như trong Hai người trở lại trung đoàn người kể truyện là người biết hết mọi điều thì ở Bán đảo người kể truyện biết có giới hạn, phải để nhân vật chính kể mới biết được. Để cho nhân vật tự kể về cuộc đời họ, mới chính xác và khách quan. Người kể truyện vẫn đứng bên ngoài sự kiện, giống như một người dẫn chương trình, đảm nhiệm vai trò giới thiệu tên tuổi, địa chỉ từng nhân vật để rồi tự họ bộc bạch chính mình cho độc giả nghe. Cũng như người đọc, nhân vật tôi cũng hồi hộp, tò mò khi nghe các nhân vật kể về cuộc đời của mình: “Hôm ấy là một buổi chiều mùa hạ năm 1958 ở Sài Gòn – sau này chị Tân kể lại – con người hào hoa của miền lục tỉnh đó đến chào thầy giáo tiếng Pháp nhân ngày anh tốt nghiệp trường kỹ thuật…” (tr. 28). Nhân vật chính thứ hai tiếp tục kể về cuộc đời của mình, về sự hối hận và nỗi day dứt cả đời khi bắn nhầm thủ trưởng của mình, về những tháng ngày gặp lại chị Tân và sững sờ khi biết mình còn có một đứa con gái… Bằng cách để cho các nhân vật tự bộc lộ về mình, người đọc thấy được mấu chốt của câu chuyện tình tay ba rối rắm. Chị Tân là người yêu của anh Hải nhưng lại là vợ của anh Ngà. Chị là người phụ nữ đảm đang, yêu chồng, thương con nhưng luôn day dứt về người yêu cũ cùng với đứa con là kết tinh tình yêu của hai người và một người chồng bỏ nhà đi không rõ lý do. Anh Hải là người chỉ huy giỏi nhưng luôn sống trong bóng ma tội lỗi về cái chết của thủ trưởng, về người yêu cũ và đứa con đã từng bị anh bỏ rơi. Rồi anh Ngà, một người lính dũng cảm, nhưng cuộc sống gia đình gặp nhiều bất hạnh và anh tìm đến một tổ ấm mới nhưng tự cảm thấy mình là người phá vỡ hạnh phúc người khác, tự ti, mặc cảm anh đã bỏ vợ, bỏ con để chạy theo cái đích vô vọng của mình… Bằng những câu chuyện kể xâu chuỗi lại, người đọc thấy được cả một mối quan hệ phức tạp của những con người vừa được sống trong thời bình. Đó không còn là mâu thuẫn, xung đột trong phạm vi gia đình, mà lớn hơn là của xã hội lúc bấy giờ. Chiến tranh đã đi qua, hậu quả nó để lại không rõ rệt, không phải vết thương ngoài da mà là những chấn thương tinh thần, làm cho những con người vừa bước ra từ cuộc chiến tranh phải sống trong nỗi buồn âm ĩ, trong thế giới / “bán đảo” riêng của mình.
Vẫn trần thuật ở ngôi thư nhất, nhưng ở các tiểu thuyết Trùng tu và Khê mama, tác giả đã đưa nhân vật tôi trở thành nhân vật chính, hoặc nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, tham dự vào mọi sự kiện và diễn biến của truyện và cốt truyện. Trùng tu là câu chuyện giữa tôi và nó, mở đầu bằng hai từ này: “Tôi và nó, hai trong số vài ba chục người sống sót của một tiểu đoàn bảy trăm người sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế tình cờ găp nhau” (tr. 13) và kết thúc cũng bằng hai từ ấy: “Lá thư mới nhất nó viết rằng dù khó khăn đến đâu việc trùng tu Huế trước sau cũng sẽ làm được, nó nói cảm xúc của nó đầy ứ trên mỗi viên gạch, mỗi bậc thềm mà nó đi qua, mà nó nhớ lại rõ ràng hơn nhờ ký ức gian khổ chúng tôi cùng từng trải, nhưng việc ấy làm sao quan trọng bằng việc trùng tu những điều năm tháng đi qua đã để lai, những con người bước từ trong đó ra, kể cả tôi và nó” (tr. 190). Cuộc gặp gỡ đánh thức ký ức hai người bạn, được miêu tả đan xen giữa cuộc sống thời bình và ký ức chiến tranh. Nó giờ là người chuyên đi trùng tu các di tích lịch sử văn hóa. Trùng tu, hàn gắn lại những đỗ vỡ trong chiến tranh, nhưng trong lòng lại càng thêm nhiều đỗ vỡ mới. Những gian lao vất vã và sự hy sinh trong chiến tranh thật đáng trân trọng. Ở đó, người tốt kẻ xấu đều “xuất kích” ra khỏi công sự để hiện nguyên hình. Chiến tranh khiến cho nhiều người ra đi mãi mãi, lại có nhiều người trở về nhưng mang trong mình những vết thương không bao giờ lành… Những chiêm nghiệm, suy tư được rút ra từ đời sống, không chỉ “trùng tu” được ký ức (Thanh Thảo) mà còn trùng tu cả những phẩm chất cao cả để hoàn thiện nhân cách con người. Khê mama người kể truyện nhảy xổ vào tác phẩm, tham dự vào câu chuyện. Nhân vật tôi ở đây không phải vô tình gặp người đồng đội cũ hay tình cờ biết được mà ngẫu nhiên nhặt được cuốn sổ nhật ký bên bìa rừng. Trong nhật ký, người ta thoải mái bộc bạch những điều sâu kín trong lòng mình. Không có gì có thể thật hơn nhật ký. Đó là cuốn nhật ký viết về Khê, trong mối quan hệ với xung quanh và nhân vật “tôi” – thi sĩ. Khê, một cô gái năng động, tinh nghịch và nhiệt tình, có lối sống trung thực, thẳng thắn nhưng đôi khi hơi khó hiểu, đến mức lãnh đạm và bí ẩn: “Khê đi đâu đó bảy ngày mới về. Khê luôn giữ cho mình một sự độc lập tương đối nên sự đi về của em rất ít ai biết đến vì em rất ít nói với ai về các chuyến đi. Tôi cũng không có ngoại lệ. Khê đi lặng lẽ như một ngọn gió thoảng để lại cho những người thân mà tôi được biết không phải là ít, một nỗi buồn xa xăm” (tr. 65).
Bên cạnh đó, nhiều tiểu thuyết thành công của Thái Bá Lợi người kể truyện được đặt ở ngôi thứ ba, nghĩa là đứng bên ngoài tác phẩm và không xưng danh: Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai, Minh sư, Câu chuyện Đà Nẵng…Hai tiểu thuyết Họ cùng thời… và Thung lũng thử thách viết về chiến tranh sau chiến tranh. Như một câu hỏi, những nhân vật như Thán, Thái, Tánh, Nhương, Nhiếp,… được đặt trong câu nghi vấn khẳng định là“cùng thời với những ai”? Đó là câu chuyện “ về những con người vừa từ cuộc chiến tranh quyết liệt bước ra, mà những đau đớn, những thử thách, những chịu đựng của họ đáng để chúng ta kính trọng”. Trận đánh khốc liệt để chiếm đồi Gò Cấm trong Thung lũng thử thách của Lạc và các đồng đội của anh như Muộn, Thơ, Thái, Lực… là những chàng trai hồn nhiên, trong sáng nhưng mạnh mẽ, phi thường. Họ sẵn sàng hy sinh để giành thắng lợi, đem lại bình yên cho xóm làng, no ấm cho mỗi người. Sự hy sinh của Lạc là minh chứng hùng hồn cho vẻ đẹp tâm hồn và chân dung của người chiến sĩ. Lối kể chuyện đầy xúc động của nhà văn đã làm mềm lòng người đọc. Tuy đứng ngoài nhưng người kể chuyện vẫn theo dõi từng bước đi của các nhân vật trong truyện. Nhiều đoạn người đọc không thể phân biệt đâu là lời nhân vật, đâu là lời người kể chuyện: “Nhưng chính cái căn cứ Gò Cấm đó đã giúp Lạc làm chủ được tâm trạng mình. Sẽ có lúc mình sẽ đánh vào nó và có thể mình sẽ hy sinh trên đó, anh nghĩ. Lạc hình dung ra trận đánh. Chắc là anh sẽ dẫn đầu đại đội vào ngay sở chỉ huy trung đoàn địch, cắm lá cờ chiến thắng chính giữa căn cứ… nhưng anh tin là anh sẽ thắng” (tr.114). Ở tiểu thuyết lịch sử Minh sư, tác giả diễn trình về sự nghiệp mở cõi phương Nam của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng, bằng một lối viết rất hiện đại, có đoạn giọng điệu nhân vật lại bao hàm cả trần thuật sự kiện đan xen với so sánh và đánh giá, xét đoán của người đời về công lao của bậc minh quân trên một chặng đường dài của lịch sử: “Người lính kia góp vào: Mình phận lính tráng hiểu sao được tính toán của ngài. Lần này vào Quảng Nam có công tử Nguyên cùng đi, nghe nói ngài sẽ giao cho công tử trấn thủ Quảng Nam. Ngài là bậc kiệt hiệt, mỗi bước đi đều tính toán kỹ càng chứ đâu có hồ đồ như bọn ta. Khi ngài rời triều đình vào đây hơn bốn mươi năm trước đã tính toán cho ngày nay rồi. Mà ngày ấy Quốc công mới trên ba mươi tuổi. Thật kỳ quặc, tính được thời vận như thần” (tr.412)…
Dù người kể chuyện ở ngôi nào, thì lối văn trần thuật của Thái Bá Lợi cũng linh hoạt, chân thành, tình cảm nên tạo được lực hút đối với người đọc, đồng thời gia tăng sức nặng cho trang sách, thể hiện phong cách của nhà văn. Chính vì thế, tuy văn chương bình dị, ít kịch tính nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng khó phai. Một tác phẩm tự sự mà thiếu đi “độ mặn” trong nghệ thuật kể chuyện thì nhạt nhẽo biết dường nào. Và, cũng qua người kể chuyện mới có thể nhận ra điểm nhìn trần thuật và giọng điệu văn chương.
2. Không chỉ tài năng trong cách kể chuyện mà Thái Bá Lợi còn linh hoạt trong việc tổ chức điểm nhìn nghệ thuật, thể hiện quan điểm của người kể chuyện và thế giới quan của nhà văn. Trần Đình Sử cho rằng, thực chất “điểm nhìn nghệ thuật là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật, hơn thế nữa là một cấu trúc tiềm ẩn được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý từ các mối quan hệ phức hợp giữa người kể và văn bản, giữa văn bản và người đọc văn bản, giữa người kể và người đọc hàm ẩn” . Vì vậy, điểm nhìn di chuyển theo góc độ ngôi thứ của người kể chuyện và khi điểm nhìn thay đổi thì diện mạo hình tượng, mà trước tiên là hình tượng không gian, cũng thay đổi. Thái Bá Lợi là người có ý thức và kỹ năng trong việc tổ chức hệ điểm nhìn đa phương và nhiều góc độ của người kể chuyện trực tiếp và gián tiếp.
Hai người trở lại trung đoàn có điểm nhìn nhân vật tôi linh hoạt, di chuyển từ người kể chuyện sang các nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác. Mỗi khung cảnh lại được đặt ở một điểm khác nhau. Vì thế, câu chuyện tự nhiên và khách quan. Người kể chuyện không tham gia vào câu chuyện mà chỉ đảm nhiệm vai trò dẫn dắt câu chuyện và kết nối sự kiện nên điểm nhìn khách quan và không có sự nhận xét về mình mà chỉ thể hiện quan điểm của mình mà thôi. Không can dự vào câu chuyện nhưng người kể chứng kiến tỉ mỉ và trực tiếp biểu lộ thái độ của mình, nên điểm nhìn trở nên đa phương. Tác giả đã để cho nhân vật Trí tự bộc lộ tình cảm và cái nhìn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Mây: “Khuôn mặt Mây đột ngột hiện ra trắng trẻo. Trí vội quay mặt đi. Anh nhìn xuống những hòn sỏi trắng muốt lóng lánh dưới lòng suối. Nhưng anh vẫn hình dung được rõ ràng Mây đang ngồi dậy, cô lấy tay vuốt nhẹ nhàng những sợi tóc trước trán. Cô lại nằm xuống võng, lấy hai cánh bọc võng che kín người, chỉ để lộ ra khuôn mặt. Trí rụt rè ngước nhìn về chỗ Mây. Đó là một khuôn mặt tròn, cặp môi mỏng và đôi mắt thì như đang cười” (tr.125). Với cái nhìn của Trí, vẻ đẹp của Mây hiện lên trong trẻo và thuần khiết và cũng dậy lên trong anh tình cảm đối với Mây từ đó. Điểm nhìn lại di chuyển sang những người đồng đội. Họ khâm phục và yêu mến người đồng đội nhỏ bé của mình: “Những người lính của trung đoàn, với sức vóc khỏe khoắn, với sự từng trải từ những ngày đầu chiến tranh đều cảm phục người con gái ấy”. Điểm nhìn lại di chuyển sang Thanh: “Cô ấy tốt anh ạ. Dũng cảm và linh lợi lắm… Cô ấy còn hồn nhiên và vô tư quá”. Với sự di chuyển điểm nhìn liên tục như vậy tạo nên không gian đa chiều cho tác phẩm và đặt ra nhiều cách cảm nhận cho người đọc. Có khi chính nhân vật tự nhìn lại mình: “Cô đi sát Trí và nhìn theo những bước chân của anh. Cô đang ngạc nhiên với cả chính mình và cũng không hiểu nổi mình. Mới có mấy ngày mà cô thấy mình thay đổi nhiều quá”. Lúc này người trần thuật lại trở lại ngôi thứ ba để nói tiếng nói khách quan: “Nhưng con người đang im lặng trước cô, con người đó đã đến. Anh sống dũng cảm và sôi nổi. Anh ấy không có gì đặc biệt hơn hàng ngàn người lính trong trung đoàn nhưng quan trọng hơn là anh ấy đã đến với cô…” (tr.151). Người trần thuật đã đi lại tự do trong truyện để đặt góc nhìn nghệ thuật mọi nơi, mọi chốn. Khi thì chính mình nhìn trực diện, khi thì đặt điểm nhìn ở các nhân vật để họ tự soi chiếu nhau và từ đó làm nổi bật lên ý nghĩa của vấn đề. Ở Bán đảo, không chỉ điểm nhìn di động về hàng loạt nơi chốn: con đường, dãy phố, quán xá, biển trời… mà nhân vật tôi còn có cái nhìn luân phiên từ chị Tân, đến anh Hải, anh Ngà…Nhưng đến Khê mama và Trùng tu cái nhìn trần thuật được chuyển đổi có tính chất đối sánh giữa hai nhân vật chính: tôi và Khê, tôi và nó. Điểm nhìn chuyển đổi đối sánh trong Khê mama được đặt bên trong, song song với các sự kiện giữa tôi và Khê, vận động theo logic tâm trạng, tạo nên chiều sâu của tư tưởng – nghệ thuật và sự hấp dẫn đến bất ngờ đối với người đọc, dù cho từ câu chuyện đến người kể, giọng kể và điểm nhìn đều đơn giản, mộc mạc. Ở phía khác, hai người bạn chiến đấu cũ gặp nhau và “trùng tu” lại ký ức của những gì đã qua còn tươi nguyên trong tâm tưởng. Tiếc nhớ quá khứ và không bằng lòng với thực tại nên điểm nhìn trong truyện thiên về triết lý, chiêm nghiệm cuộc đời. Điểm nhìn chuyển đổi đối sánh cũng được đặt ở bên trong, nhưng rất linh hoạt, khi thì lắng trong giọng điệu trần thuật, lúc lại nằm ở sự kiện trong khung cảnh chiến tranh, tạo nên ít nhiều có sự đối lập giữa thời chiến và thời bình, mà nghiệm ra ý nghĩa nhân sinh. Tài năng của tác giả ở tiểu thuyết này thể hiện ở nghệ thuật kết cấu: từ đầu đến cuối tác phẩm chỉ diễn ra trên bàn một cuộc “nhậu” và sau đó là đi “tăng hai” ở quán cà phê, từ đó mở ra một không gian chiến tranh, những trận đánh, những cuộc tháo chạy, mất mát hy sinh đang được hồi sinh từ ký ức, còn hiện tại điểm nhìn trực tiếp gói gọn trong một không gian lép kẹp là một quán nhậu ồn ào và một quán cà phê yên tĩnh... Nhìn chung, hệ điểm nhìn của người kể chuyện trực tiếp của Thái Bá Lợi rất phong phú, đa dạng, có sự linh hoạt, chuyển dịch nhiều góc độ có tính chất đa phương, đa diện trong cảm quan hiện thực, tạo nên sự tự nhiên, bất ngờ và độc đáo, có sức thu hút mạnh mẽ người đọc.
Khác với hệ điểm nhìn trực tiếp, nhân vật tôi nằm bên trong tác phẩm, hệ điểm nhìn gián tiếp nhân vật kể chuyện ở ngôi thứ ba, cái nhìn được đặt bên ngoài, để quan sát và miêu tả sự kiện, đó là cái nhìn liên tục. Với Thung lũng thử thách, điểm nhìn trần thuật ở bên ngoài nhưng đặt rất gần để quan sát. Điểm nhìn thể hiện gián tiếp qua người kể chuyện, nhìn kín đáo và nhẹ nhàng đối với nhân vật. Đôi khi có sự xuyên thấm, khó phân biệt đâu là điểm nhìn trần thuật, đâu là điểm nhìn nhân vật: “Thế mà khi xa ông dăm bảy bữa, anh đã thấy nhớ. Có ông đến anh lại có niềm vui. Bây giờ nhìn dáng đi lầm lũi của ông, một tình yêu đã đến với Lạc. Ông đó, như một cây lim vững chãi trong khu rừng đầy giông bão để anh dựa vào mà vững vàng, mà rắn rỏi” (tr.21). Điểm nhìn trần thuật bao quát toàn bộ tác phẩm. Dường như từng lời nói, từng hành động của các nhân vật đêu có điểm nhìn theo dõi. Giữa các câu chuyện của nhân vật người kể hay ngầm nhận xét và phát biểu ý kiến của mình, thông qua điểm nhìn, “…mỗi con người và từng đơn vị trong sư đoàn được thành lập gấp gáp này đều muốn làm nổi bật thêm cuộc chiến của họ, dù trước đây họ đã trưởng thành hay có lúc va vấp…Nhưng Hiên cứ thấy ở Vẻ có điểm nào đó chưa thật vững chắc mà ông đang cố tìm ra để giúp anh. Ông hồi hộp theo dõi những con người đó như theo dõi diễn biến của chiến dịch này” (tr.54). Cứ thế, điểm nhìn trần thuật xuất hiện liên tục… Sự tổn thất, mất mát của thời chiến là hẳn nhiên, nhưng đến thời bình vẫn còn nhiều mất mát trong quan hệ nội bộ hết sức phức tạp của từng tổ chức, hoặc đồng chí đồng đội, mà lớn nhất là tổn thất về lòng tin. Câu chuyện Đà Nẵng nói về một thành phố trẻ có tầm vóc ở miền Trung, sự phát triển năng động của nó kéo theo nhiều phức tạp, có cả những va vấp, tùy quan niệm và cách đánh giá của mỗi người. Ở tầm cao của người lãnh đạo từng trải, quyết đoán và năng động, nhân vật trung tâm của tác phẩm là chủ tịch thành phố Ba Danh, đã có sự cảm thông với những sai lầm của người đồng sự, thông qua điểm nhìn gián tiếp và nhập vai trước các sự kiện liên tục diễn ra: “Mấy ngày sau lễ, Ba Danh được một người bên Sở Công an cho biết Văn Minh đã khai với cơ quan điều tra đã hối lộ cho Chủ tịch thành phố nhiều lần, không thể nhớ nổi, có đến hàng tỉ đồng trên cả mức án tử hình. Diễn biến vụ án rất xấu cho Ba Danh. Ba Danh im lặng trước người sĩ quan công an vài phút rồi nói: Đặt mình vào hoàn cảnh của Văn Minh, chắc tui cũng phải khai vậy. Người ta sẽ nói án ông là tử hình, nếu thành thật khai báo mới có căn cứ để giảm án, có thể chỉ xử lý hành chính. Phải thông cảm với Văn Minh” (tr.329). Ở một sự kiện khác, trong Minh sư, điểm nhìn trần thuật cũng liên tục dẫn dắt người đọc dõi theo cái nhìn suốt chiều dài lịch sử, vừa hun hút theo thời gian vừa tỏa rộng trong không gian, với ý thức về chủ quyền của đất nước và uy quyền của người hưởng bổng lộc triều đình, có trách nhiệm với thổ ngơi, sông núi: “Ngày hôm sau, Phạm Dữ được Bùi đô đốc cho đi theo trong chuyến thị sát cửa biển Sơn Trà bằng thuyền. Về lộ giới thì đây là đất phủ Điện Bàn thuộc Thuận Hóa, vì cách trở Hải Vân nên quan lại ngoài đó ít khi kiểm soát tới trong này, biến nơi đây thành đất tự tung tự tác của các đảng cướp đủ loại. Ở đâu cũng là đất của triều đình còn mình là quan của triều đình thì không thể để một thước đất nào mà không có chủ, nghĩ vậy nên Bắc quân Đô đốc thường phái người hoặc tự mình ra tuần duyên ở đây” (tr.193). Tính năng động trong điểm nhìn của nhà văn là sự liên tục thay đổi từ xa đến gần từ gần đến xa, từ bên trong ra bên ngoài từ bên ngoài vào bên trong, hoặc liền kề tuần tự.
Điểm nhìn trần thuật gián tiếp không chỉ thể hiện quan điểm của tác giả về nhân vật, diện mạo của không gian và thời gian nghệ thuật, mà còn thể hiện tầm nhận thức của tác giả. Pierre Teihard de Chardin cho rằng, cần phải “nổ lực nhìn và làm cho nhìn thấy. Con người sẽ như thế nào và đòi hỏi điều gì, nếu ta đặt con người vào khung cảnh bên ngoài, một cách toàn diện và triệt để / Tại sao phải cố tìm cách nhìn / Và tại sao chúng ta lại hướng sự chú ý của mình về đối tượng con người một cách đặc biệt như vậy? / Nhìn. Chúng ta có thể nói rằng tất cả sự sống là việc đó – nếu không phải sau chót thì ít nhất căn bản cũng là việc đó” . Năng lực nghệ thuật tiểu thuyết của Thái Bá Lợi là đã xây dựng thành công hệ điểm nhìn của người kể chuyện gián tiếp. Dù đứng xa hay gần, bên trong hay bên ngoài tác phẩm thì điểm nhìn trần thuật vẫn luôn theo sát diễn biến của câu chuyện, để từ đó phát biểu suy nghĩ của mình. Hơn nữa, qua hai hệ điểm nhìn trực tiếp và gián tiếp, còn bộc lộ ý thức và quan niệm nghệ thuật của tác giả, đồng thời tạo điều kiện để người đọc tiếp cận được thế giới hình tượng nghệ thuật, thông qua giọng điệu văn chương theo kiểu riêng của Thái Bá Lợi.
3. Bên cạnh giọng điệu miêu tả và giọng điệu nhân vật, thì giọng điệu kể chuyện là một trong ba phương thức thể hiện giọng điệu trong tác phẩm tự sự. Giọng điệu văn chương cũng xuất phát từ ngôn ngữ, nhưng nó là biểu hiện sinh động của ngôn ngữ, bao hàm ngữ cảnh, thái độ, quan niệm, cách ứng xử, âm thanh, màu sắc… và cá thể hóa đến mức trở thành tài sản riêng của từng sinh thể tư duy , cũng như chính giọng điệu quen thuộc từng lặp đi lặp lại của một con người trong cuộc đời. Nếu mỗi người có một giọng nói thì mỗi tác giả có một giọng điệu văn chương, không trộn lẫn với bất cứ ai. Cùng viết về chiến tranh nhưng Nguyễn Minh Châu có giọng điệu đằm thắm, vừa có chất trí tuệ, vừa thể hiện nỗi đau giằng xé của phận người. Nguyễn Khải thường hay lý lẽ, biện luận một cách triết lý trước cuộc đời. Nguyên Ngọc mượt mà nhưng không kém phần rắn rỏi thể hiện quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Thái Bá Lợi lại khác. Nhà văn có giọng điệu điềm tĩnh, tự nhiên, thậm chí có chút suồng sã, có phần bỗ bã, sử dụng nhiều giọng kể hơn là giọng tả, nhân vật thiên về hành động nhiều hơn là suy tư xét đoán .
Văn chương Thái Bá Lợi chủ yếu là giọng kể. Xin được nói ngay rằng, điều này dễ dẫn đến nhược điểm là hạn chế hình tượng không gian nghệ thuật. Viết về chiến tranh sau chiến tranh, do có khoảng lùi về thời gian các nhà văn thường hay sử dụng giọng điệu trần thuật và Thái Bá Lợi cũng không ngoại lệ: “Hồi ấy tôi đi sau trung đoàn mười ngày. Nhiều năm sau tôi vẫn nghĩ đó là một thiệt thòi lớn của đời tôi. Đáng ra tôi có thể đi trước vào Huế cùng với trung đoàn trưởng. Nhưng một loạt bom tọa độ ở bờ nam sông Cam Lộ, loạt bom mà chỉ một quả rơi xuống sông, tiểu đoàn 7 đi sau đã vớt được một tạ cá đã làm tôi phải tụt lại… (tr.17). Kể về những trận đánh, những giờ phút khốc liệt nhưng giọng điệu nhà văn vẫn không ồn ào, gấp gáp mà điềm tĩnh và cẩn trọng. Đó cũng là giọng điệu giúp người đọc hình dung thái độ bình tĩnh, gan dạ của các chiến sĩ trước sức mạnh sắt thép dữ dội của kẻ thù: “Chỉ mười lăm phút, một tốp bốn chiếc F4 đến. Một phút sau bốn chiếc nữa. Khói bom mù mịt các điểm cao. Những chớp lửa lóe lên rồi chìm đi trong khói… Nhiều người nhổm dậy phủi đất trên súng, sửa lại cành lá cột trên dải áo quần. Tiếng lào xào, tiếng lách cách, tiếng bước chân nặng trịch trong lòng hào. Rồi tất cả im lặng…” (tr.121). Chiến tranh bao giờ cũng tàn nhẫn và ác liệt. Cái chết không ngoại trừ ai. Người tốt, kẻ xấu đều là mục tiêu của bom đạn. Giây phút hy sinh của những người đồng đội, giọng trần thuật của nhà văn chùng xuống, nghẹn lại, chất chứa yêu thương và thấm đẫm tình người: “Muộn ra lệnh cho mọi người tản ra, vì pháo địch đã bắn đến. Anh cho giải ngay bọn tù binh xuống chân đồi. Lúc ấy đỉnh đồi chỉ còn Thơ và Lạc. Nắng trùm lên hai người một màu vàng dịu và nền trời thì rất xanh. Chắc chẳng bao giờ Muộn quên được màu nắng và màu trời ấy” (tr.210). Viết về mất mát, hy sinh giọng điệu của nhà văn xúc động, thành kính và ấm áp. Đã từng là một quân y sĩ, từng chiến đấu và chứng kiến bao nỗi đau thương của đồng đội nên hơn ai hết, nhà văn trân trọng những hy sinh và tự đáy lòng mình thầm biết ơn và ngưỡng vọng những con người cao đẹp đó. Giọng văn vì thế trở nên sâu lắng và có sức gợi cảm hơn. Dường như không còn là câu chữ, mà thật sự là âm vang của giọng điệu, được nhà văn thổi hồn mình vào trong đó, âm ấm hơi người, nồng nàn cảm xúc, tạo nên những dư vị vang xa đằng sau những xúc động dâng trào. Có lẽ, Thái Bá Lợi không quen nghĩ xấu về con người, ông ít dụng công miêu tả nhân vật xấu, ngay cả với kẻ thù cũng chỉ dừng lại ở mức tội ác của chiến tranh. Đôi khi lướt qua về kẻ địch, kể về người xấu, kẻ phản bội hoặc hèn nhát, cơ hội, giọng điệu của nhà văn tuy dứt khoát, thể hiện rõ quan điểm của mình, nhưng không lên án sâu cay, gay gắt mà nhẹ nhàng phán xét thông qua giọng điệu có đôi chút cảm thông: “Mày quên tay Thị là điều không thể tha thứ được. Mười mấy năm ròng tao vẫn nghĩ thế nào cũng tìm gặp được cha nội này, dù có phải lăn lội đến tận xó xỉnh nào. Tao có linh cảm thằng này không chết. Những thằng như nó biết cách để không phải chết. Những thằng như bọn mình sao dễ chết quá…” (tr.59). Văn xuôi hiện đại chú trọng ngôn ngữ tự nhiên như chính tiếng nói của đời sống. Nhà văn của chúng ta cũng theo dòng chảy đó, nên giọng điệu giản dị, đời thường, thậm chí có khi có cả chút thô tục. Chính điều đó thể hiện giọng điệu tự nhiên, suồng sã và bỗ bã của nhà văn. Nhưng khác với giọng văn đời thường, thô tục nhưng sắc lạnh của Nguyễn Huy Thiệp, giọng văn Thái Bá Lợi cũng đời thường, thô tục nhưng lại thân tình, ấm áp. Vì vậy, giọng văn của ông không lạ lẫm, xa vời mà rất quen thuộc, gần gủi như chính giọng điệu cuộc sống. Có những từ ngữ chỉ dùng trong văn nói cũng xuất hiện trong tiểu thuyết của Thái Bá Lợi một cách tự nhiên như vốn có của đời sống khi nói ra không cưỡng lại được: “Đại đội trưởng nghe tôi nói xong nổi nóng ngay: Vừa mới ra lệnh điều đi giờ lại điều về. Các anh làm ăn như con cặc” (tr.22). Khi luận bàn đến chuyện loài người đang đứng yên, thụt lại hay tiến hóa, nhà văn cũng gài cho một nhân vật nói tự nhiên về cái lẽ tất nhiên của đời sống: “Không có tiến hóa gì nhiều đâu, hàng ngàn năm qua nhân loại chơi nhau đến mòn cả chim, thụt ra thụt vào rồi xịt nước có giải quyết được vấn đề gì đâu, nhân dân lại đẻ ra nhân dân, rồi ăn rồi ngủ, lại sinh con đẻ cái rồi chết, lãng xẹt” (tr.96). Giọng điệu văn chương và giọng điệu đời thường dường như không còn khoảng cách. Những câu nói bình dị trong đời sống hiện hữu trong văn chương, góp phần kéo gần hiện thực - tác giả - tác phẩm. Nhà văn không dụng công trau chút hay dùng điển tích, ước lệ mà mộc mạc, chân quê, nhưng khi kể về tình cảm thiêng liêng, tình yêu mới chớm lại rất êm đềm, đằm thắm, ngọt ngào: “Nhương vẫn đứng bên anh, chân cô khuấy cho nước suối thành những gợn sóng ập vào bờ. Khi Thái đặt cái hôn mãnh liệt lên môi cô, thì anh thấy trán cô nhăn lại. Trong cặp mắt vốn rất sáng của cô nhìn anh giờ càng sáng hơn, tỉnh táo lạ thường trừ cái khoảnh khắc đờ đẫn lúc đầu. Như có sức hút từ phía sau, hai tay Thái buông thõng xuống, anh bỏ người con gái ra và đứng nhìn cô một cách lạ lẫm” (tr.163). Cũng có khi giọng kể đan xen với giọng tả về một bức tranh trữ tình đầy lãng mạn: “Trăng đã lên từ lúc nào đó không ai để ý. Trên mái tranh, rồi trong sân ánh trăng vàng một cách lạ lùng. Trăng cuối tháng sao mà sáng quá. Ánh trăng suông làm cho nó rùng mình. Tự nhiên nó muốn nhìn rõ mặt cô gái, nhưng ánh sáng ở góc vườn bị cây che không cho nó làm việc đó” (tr.89).
Tất nhiên, giọng kể là chủ yếu, nhưng trong văn xuôi tự sự không phải bao giờ cũng có sự tách bạch giữa giọng kể với giọng tả và giọng điệu nhân vật. Nếu chỉ có giọng điệu trần thuật, thì đó chỉ là thể loại chuyện kể, chứ không thể là tiểu thuyết. Kể, tả và đối thoại được kết hợp với nhau mới tạo ra được một sinh thể nghệ thuật, mà trong đó, trước tiên là làm nên sức sống của nhân vật. Nhà văn bao giờ cũng tưởng tượng ra một thế giới mà trong đó, tất nhiên không phải một trăm phần trăm, nhưng ít nhiều đã từng được trải nghiệm. Viết là một động tác cơ học lôi ra những điều từng trải nghiệm đã lắng lại thành ký ức, đem ra sắp bày lên trang giấy. Thanh Thảo cho rằng: “Những nhân vật của Thái Bá Lợi thường bước ra từ ký ức của anh (…) Những câu văn của Thái Bá Lợi cũng có vẻ được gọi ra từ ký ức, những câu văn vừa hoàn chỉnh vừa lấp lửng / Thì ký ức vốn là vậy, nó cũng thường lấp lửng trong hoàn chỉnh, và ngược lại” . Ừ, thì hoàn chỉnh và lấp lửng là lối viết, và cũng là một kiểu giọng điệu của nhà văn họ Thái, nhưng muốn người đọc hình dung những điều lấy ra từ ký ức, trong đó có nhân vật, thì phải có sự tích hợp giữa ba phương thức kể, tả và lời thoại. Đoạn văn nói về cuộc rút quân khỏi mặt trận Huế vào mùa xuân 1968, thật khó mà phân định là giọng kể hay là giọng tả: “Có lẽ không bao giờ tôi tìm ra đủ chữ để diễn tả cảnh tượng mà tôi nhìn thấy đêm ấy. Bầu trời nghi ngút khói từ đuôi những trái pháo sáng tỏa ra. Khói từ mặt đất tiếp tục bốc lên bởi các đám cháy mỗi lúc một lớn hơn. Khói hòa vào ánh pháo sáng lúc đen, lúc vàng. Trên đầu ầm ầm tiếng động cơ các loại máy bay. Những chiếc C130, những tốp trực thăng vũ trang quần lên nhào xuống, đèn đỏ dưới bụng chúng nhấp nháy như đang nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng có vài loạt pháo bắn cầm canh vào những nơi chúng tôi đóng quân. Những loạt pháo này rất khó chịu, chúng không có khoảng cách thời gian và không gian. Quân đi hàng một, lâu lâu bị ùn lại. Qua những chỗ trống hàng quân phơi ra dưới ánh sáng của hàng chục trái pháo sáng, không hiểu vì sao bọn phi công trên máy bay không nhìn thấy. Những loạt đạn trọng liên từ các cụm xe tăng rống lên, xén đứt những ngọn tre, lá tre rơi xuống vai bộ đội” (tr.137). Còn đoạn văn sau đây nói về tính cách của Ba Danh, có cả ba phương thức: “Cũng không biết nữa. Thì nó cũng một hướng nhìn ra sông Hàn như phòng Chủ tịch bên kia. Thiên hạ còn đồn nhiều chuyện ly kỳ hơn nữa. Có thanh minh, thanh nga thì đến tết Cônggô cũng không hết được. Mình cứ làm đi, dân người ta nhìn vào công việc của anh thì họ biết người tốt, người xấu, người chỉ nói không làm, người nói đi đôi với làm, người nói ít làm nhiều. Nhưng cũng phải có thời gian người ta mới đánh giá được. Tao nghĩ cứ bình tĩnh mà làm, đâu sẽ vào đó” (tr.205); hoặc đối thoại đặc sệt giọng kể và giọng tả: “Buổi chiều Ba Danh sang resort F nói với Phó tổng giám đốc Vinh: Ông cho tôi nghỉ mấy ngày / Anh là Chủ tịch thành phố sao sang đây nghỉ? / Không phải nghỉ mà núp / Núp cái gì anh? / Núp pháo, pháo bầy” (tr.329). Nhờ sự linh hoạt và khá điêu luyện trong việc tổ chức giọng điệu, vừa đa thanh, đa chiều, đa phương thức lại vừa phù hợp với mọi tình huống của truyện, nên văn xuôi tự sự của Thái Bá Lợi đã tạo ra được những chỉnh thể nghệ thuật có sức sống lâu bền trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc.
@
Quảng Nam không chỉ là miền quê sáng tác của Thái Bá Lợi, mà còn là nơi đặt cây bút vào tay, xui khiến anh viết tác phẩm đầu tay và sinh thành cái con người thứ hai của anh có mặt ở trên đời – nhà văn: “Trong một đời viết, khó ai có thể nhớ hết được những ngả đường mình đã qua, những khuôn mặt mình đã gặp, ngay cả khi những tên người tên đất ấy một lần nào đó đã vào văn. Thế nhưng, có một vùng sống mà chắc chắn không mấy ai quên được – đó là nơi người cầm bút đã viết những trang đầu tiên, đã trải qua cái tâm trạng lạ lùng và duy nhất khi hoàn thành một tác phẩm đầu tay. Với Thái Bá Lợi – nơi đó chính là Quảng Nam Đà Nẵng – vùng đất đã lưu lại trong anh nhiều ấn tượng, nhiều “nguyên cớ” xui khiến anh cầm bút” . Đáp lại, mấy chục năm qua, ông đã có hàng mấy ngìn trang viết về đất và người xứ Quảng. Về tự sự học, đó thực chất là nhà văn kể chuyện về những con người sống hiên ngang trên mảnh đất kiên cường, bất khuất. Không thể kể hết những tên đất, tên người đã đi vào văn ông, có một cuộc sống thứ hai đẹp lấp lánh nhiều phẩm chất truyền thống và được bồi đắp dày thêm lên bởi được thổi hồn hiện đại, trong đó không ít tài sản được nhà văn phát hiện, hoặc tô thắm thêm chất liệu mỹ cảm, tôn vinh sự giàu có của cả một vùng văn hóa.
Viết nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện vừa, nhưng tiểu thuyết mới là thể loại nhà văn Thái Bá Lợi có nhiều đóng góp, và thật sự, bên cạnh những người như Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Văn Bổng, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Thi, Anh Đức… ông là một trong số rất ít những nhà tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh chống Mỹ ở nước ta. Thái Bá Lợi viết chậm và đều. Có những tác phẩm ra đời cách nhau hằng chục năm, như Lời nhà xuất bản trong lần thứ 4 tái bản tiểu thuyết Trùng tu có nói rằng: “Thái Bá Lợi viết tác phẩm chưa đến hai trăm trang này từ năm 1988 nhưng mãi đến năm 2003 mới xuất bản. Được biết, trong mười lăm năm đó tác giả không sáng tác gì nhiều, chỉ trăn trở nghiền ngẫm với cuốn tiểu thuyết ngắn này và khi in cũng không sửa chữa gì ngoài những lỗi chính tả” (tr.5). Người viết chậm là người ý thức một cách đầy đủ về trách nhiệm của ngòi bút. Ông coi công việc văn chương là hết sức khó nhọc và nặng nề: “Mang được thân người đã khó. Làm người đúng nghĩa “hiền nhân” còn khó gấp bội phần. Với nghề văn, nói được một điều gì đó với con người lại khó gấp bội phần so với hiền nhân” . Quan trọng hơn, có thể nói rằng, từ cảm quan hiện thực đến lý tưởng thẩm mỹ, từ nhận thức đến ngôn từ trong tâm thức sáng tạo của ông, trước sau tỏ ra nhất quán. Từ khi cầm bút đã hình thành một lối viết theo kiểu riêng của Thái Bá Lợi và ngày càng thể hiện rõ hơn lối viết ấy mà thôi. Có chăng, trước thời đổi mới 1986, ông có ít nhiều dè dặt và cân nhắc, còn về nhận thức, đối tượng, đề tài, chủ đề… những yếu tố đã góp phần tạo nên cá tính và phong cách sáng tạo của ông, cho đến nay không có gì thay đổi. Điều đó có thể dễ nhận ra, tuy là người đi vào văn chương vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã có sự nhạy bén để nhận ra con đường phát triển tất yếu của văn chương nước ta trên bước đường hội nhập và hiện đại hóa, cho dù sự cảm nhận ấy là tự nhiên như bản năng hay vô thức, cũng là điều đáng quý.
Phạm Phú Phong
(Theo tập “Những chân trời xanh thẳm” Phạm Phú Phong/NXB Hội Nhà văn, tháng 12-2018)
Minh Toàn tổng hợp