Nhà văn QUẾ HƯƠNG

25.12.2020
Như Nghĩa

Nhà văn QUẾ HƯƠNG

 Nhà văn Quế Hương tên thật là Hoàng Thị Thương, sinh ngày  19 tháng  1 năm 1950 tại thành phố Huế. Hiện ở tại số 16 Nam Sơn 4 Hòa Cường Bắc, TP Đà Nẵng.

 * Tác phẩm đã xuất bản:

- Tập truyện ngắn Đôi chân biết khóc - NXB Phụ Nữ, 1994

- Tập truyện ngắn Quán Búp Bê - NXB Kim Đồng, 1996

- Truyện vừa Có Miu trong nhà – NXB Trẻ, 1997

- Tập truyện Thư gửi thời gian - NXB Công An Nhân Dân, 1998

- Tập truyện vừa cho trẻ em Bí Đỏ và... - NXB Kim Đồng, 2001

- Tập truyện ngắn Đám cưới Cỏ - NXB Kim Đồng, 2004

- Tập truyện ngắn 27 truyện ngắn Quế Hương - NXB Phụ Nữ, 2004

- Tập truyện ngắn Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh - NXB Trẻ, 2009

- Tập thơ Ngồi chơi với bụi – NXB Thuận Hóa, 2009

- Tập truyện ngắn Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm - NXB Phụ Nữ, 2010

- Tập tản văn Gặp lại ấu thơ - NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, 2011

 * Giải thưởng, tặng thưởng văn học:

- Truyện ngắn Bức tranh thiếu nữ áo lục - Giải nhì (không có giải nhất) Tạp chí Sông Hương, 1993

- Truyện ngắn Bà mụ búp bê - Giải thưởng truyện ngắn hay chọn trên báo và tạp chí bạn năm 1995, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, 1996

- Truyện ngắn Công chúa xứ Mơ - Giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh Báo Tiền Phong, 1995

- Chùm truyện ngắn 3 truyện : Vua lũ đồ chơi, Kẻ thù, Thương lấy Mắt To - Giải nhì cuộc thi sáng tác thơ, truyện cho trẻ em  Ủy Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc trẻ em VN, Unicef VN và Hội Nhà Văn VN phối hợp tổ chức, 1996 – 1997

- Tập truyện ngắn Quán Búp Bê - Tặng thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam, 1997

- Truyện ngắn Họ và Lão -  Giải nhì cuộc thi “Mối tình đầu của tôi” tạp chí Kiến thức ngày nay (Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh  tổ chức), 1999

- Truyện ngắn Tí bụi - Giải nhất cuộc thi Sáng tác văn học vì trẻ em Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em VN, Hội Nhà văn VN và UNICEF phối hợp tổ chức, năm 2000-2001

- Truyện vừa Bí Đỏ và…-  Giải khuyến khích cuộc thi sáng tác NXB Kim Đồng, năm 2000

- Truyện ngắn Một cuộc đua - Giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên NXB Giáo Dục và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp, năm 2004 

- Tryện ngắn Đáo Bỉ Ngạn - Giải tư Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, 2005- 2006

- Truyện ngắn Thằng tò he Xuân La - Giải khuyến khích Hội Nhà Văn Hà Nội- NXB Kim Đồng - Hội nhà văn Đan Mạch, 2007

- Truyện ngắn Úmbala - Giải khuyến khích NXB Kim Đồng - Hội Nhà Văn Đan Mạch - Hội Nhà Văn Hà Nội, 2009

- Bài thơ Thu – Giải khuyến khích giải thơ Haiku Việt – Nhật (lần 2) Tổng lãnh sự quán Nhật tại TP HCM+ Báo Tuổi Trẻ, 2009

- Bài thơ Lạc - Giải khuyến khích thi thơ Tứ Tuyệt mở rộng Báo Kiến Thức Ngày Nay, 2009-2010

- 2 bài bình: Chuyện của kiếp người với bế tắc và khát vọng muôn thưở (Bình truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam) và Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ (Bình Ông đồ của Vũ Đình Liên) - Giải nhì Bình văn Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay tổ chức, năm 1994.

- 2 bài bình: Vẻ đẹp con người (Bình truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao và Ta ở, ta đi không vĩnh biệt (Bình Cáo tật thị chúng của thiền sư Mãn Giác - Giải nhất Bình văn, Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay tổ chức lần 2, năm 1995

- Bài bình Nỗi buồn tuổi trẻ (Bình bài thơ Về lại dòng sông của Hoa Ngõ Hạnh) Giải tư cuộc thi bình thơ Đài Tiếng nói Việt Nam, 1998

 * Các loại khen thưởng khác:

- Kịch bản Thư gửi thời gian - Giải nhì (không có giải nhất) kịch bản phim truyện do Hãng phim truyện Việt Nam tổ chức, 1997

- Kịch bản phim truyện Câu hát tìm nhau - Giải nhì (Không có giải nhất) do Đài Truyền hình và Phát thanh Hà Nội tổ chức, năm 1998

- Kịch bản hoạt hình - Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác kịch bản đề tài phụ nữ và trẻ em, Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng,      2005

-  Kịch bản Phố Hoài - Giải  khuyến khích Giải thưởng văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng lần 1 (1997-2005)

  * Suy nghĩ về công việc viết văn:

Tác phẩm là giấc mơ cuộc đời trên giấy. Ở đó mọi thứ dù tầm thường nhất cũng có thể “bay” bởi phép lạ ngôn từ, chiều sâu tư tưởng, khát vọng người viết. Nhà văn là kẻ  đào đục, khai thác những tầng vĩa sâu thẳm, khuất lấp của kiếp nhân sinh để nhặt ngọc, kim cương và cả cát bụi, rác rưởi. Trong sáng tác, sự tưởng tượng và thông minh của cảm xúc còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiện thực.

Dù lạc lõng tôi vẫn thích tạo ra thứ văn chương sâu thẳm, đầy ánh sáng nhân văn hơn trần trụi, thực dụng.

 

  Truyện ngắn QUẾ HƯƠNG

 Một cuộc đua

 

 

Minh họa Nguyễn Ngọc Thuần

Thấy tôi tái xanh tái xám, mồ hôi mồ kê bước vào nằm chuồi ra giường, con Thuý ngừng đọc báo:

- Mất dạy hả ?

- Ừ. Thằng quỷ bảo hôm nay em trúng gió, cô cạo gió giùm em. Rồi hắn cởi áo... Tao dằn lòng lắm mới không cho nó cái tát. Đạp xe đi về gần 15 cây số tốn hao bao ca lo mà chẳng được gì. Chỗ gặp học trò trời sợ. Chỗ thì phụ huynh cứ giả vờ quên ngày trả tiền, chỉ tặng đồ quá đát...

- Có cái này dành cho mi đây ! Coi gặm được không ? - Con Thuý chìa tờ báo. Tôi dán mắt vào chỗ hắn chỉ :

“Cần một giúp việc nữ dưới 25, lí lịch rõ ràng, ngoại hình khá, dễ mến, trình độ phổ thông trung học, có khả năng chăm sóc người bệnh nằm một chỗ. 50.000đ/2 giờ. Thử việc 3 buổi...”.

- Dạy kèm không ra gì, tiếp thị bia không xong thì giúp việc nhà thời công nghiệp vậy. Tính ra tháng bằng 4 chỗ dạy kèm ! ăn học thoải mái.

- Tiền nào mệt nấy !

- Đồng tiền lương thiện bao giờ cũng nhọc nhằn. Lấy xe máy tao đi !

- Đi giờ ?

- Chụp giật liền. Lương cao khối đứa nhào vô. - Con Thuý giục.

- Giúp việc nhà mà làm như tranh suất học bổng đi nước ngoài ! Lại còn ngoại hình khá !

Tôi càu nhàu nhưng vẫn nghe lời con Thuý, đứng dậy. Hắn đáng nể. Tiếp thị bia để ăn học mà tâm hồn, thể xác 2 năm rồi còn nguyên xi. Hắn tránh né những thói sàm sỡ bằng thứ dịu dàng bọc thép, còn tôi mới làm chưa được một tuần đã tung chưởng bốp vào má một sếp tuồn tay vào váy và lập tức bị nghỉ việc. Tôi thay cái quần jeans cũ rồi nhìn mình trong gương. Đứa con gái trong đó nhìn lại tôi. Tóc ngang vai, không trang điểm, không “dễ mến”. Gai nhọn trong ánh nhìn. Môi khép hờ như nụ hồng nhưng mở ra có thể là 2 lưỡi dao bén. Tôi nhớ những từ người ta quẳng vào mình : Con mọi cứng đầu. Thứ không mẹ không cha. Nghèo mà chảnh !..

Tôi đến địa chỉ trong báo. Đúng là giàu. Biệt thự mặt tiền. Xe hơi phủ vải ở ga-ra. Béc-giê xổ một tràng tiếng cẩu. Một người đàn bà khoảng dưới 40 nhìn tôi qua cửa sắt. Tôi chìa tờ báo có mẩu tìm người. Bà ta gật đầu rồi mở cửa. Cuộc phỏng vấn tiến hành chớp nhoáng :

- Hãy giới thiệu ngắn gọn về mình.

- Tên Phượng, 21 tuổi, sinh viên.

Nghe đến đó, bà ta chìa tay. Tôi hiểu ý rút ví lấy thẻ sinh viên. Bà ta nhìn ảnh rồi nhìn tôi săm soi từ đầu đến chân.

- Cô biết đùa, hát karaoke, nói chuyện phiếm giải buồn không ?

- Biết.

- Kiên nhẫn chịu khó không ?

- Tôi dễ thương tổn nhưng lì lợm, không dễ đầu hàng.

- Mấy người trước dội ra đều bảo họ thừa dịu dàng kiên nhẫn. Tôi thấy cô thẳng thắn, cứng cáp. Nếu cô trụ được, cô có thể được 2 triệu 1 tháng để ăn học. Còn không, 200.000đ cho 3 buổi rồi đi. Mai cô bắt đầu. Từ 3 đến 5 giờ chiều. Để lại địa chỉ, thẻ sinh viên hoặc chứng minh thư.

- Công việc cụ thể của tôi là gì ?

- Trò chuyện, chịu đựng người bệnh, giảm áp lực buồn chán vì nằm một chỗ.

Trên đường về, con Hai Triệu tung tăng chạy trước ngoắc ngoắc tôi. Vì nó, tôi sẵn sàng gồng mình chịu đựng 2 giờ cho 22 giờ còn lại, cho cuộc đời tôi tự chọn và đi bằng đôi chân mình. Đêm ấy con Hai Triệu và một người không hình dáng chập chờn quấy nhiễu giấc ngủ tôi. Nam hay nữ, già hay trẻ, người hay quỷ ?

Buổi đầu...

Bà quản gia dẫn tôi đến phòng bệnh nhân. Bà thì thào : “Cậu chủ ngủ. Ngồi đợi”.

Phòng rộng, thoáng nhưng bề bộn đồ đạc. Trên giường cũng bề bộn một hình hài. Tóc nhuộm hai màu chọi nhau. Chăn mỏng đắp hờ ngang bụng. Hai tay giăng ngang như bị đóng đinh. Lũ gối lớn nhỏ vây quanh cả chục cái. Tôi ngạc nhiên nhìn gương mặt trẻ măng đang ngủ mà mày nhíu lại như vật lộn với nan giải.

- Khi cậu chủ dậy, cô giới thiệu cô là người thứ mười ba.

Bà ta đi ra. Tôi cúi nhặt mấy tờ báo trên nền bỗng bị một cái gối ném trúng. Ngẩng lên, tôi chạm phải đôi mắt đầy hận thù trên gương mặt khoảng chừng đôi mươi.

- Mày là con đĩ nào ?

Tôi đã hình dung nhiều tình huống nhưng vẫn không phải tình huống này. Máu dồn lên mặt nhưng con Hai Triệu vuốt giận tôi.

- Người thứ mười ba. - Tôi đáp.

- Đứng dậy !

Ánh mắt thằng nhãi lướt trên tôi rồi cắm vào đôi chân lành lặn của tôi với vẻ ganh tị:

- Mày có cặp giò mặc váy chắc đẹp. Tao... - Hắn bỏ dở câu nói rồi ném vào chân tôi cái gối. Tôi đón lấy. Cái nữa... Cái nữa...

 Tôi cáu :

 - Tôi sẽ quẳng lại nếu cậu tiếp tục.

 Gối cứ tỉnh bơ nhắm tôi bay tới. Tôi gạt phăng con Hai Triệu qua bên, chụp lấy ném trở lại vào mặt thằng chủ. Thấy tôi ném hăng quá, thằng nhãi nhà giàu ngạc nhiên :

 - Không sợ mất việc hả ?

 - Mày tưởng có tiền rồi làm cha thiên hạ chắc ? - Tôi chống nạnh trừng mắt.

 Thằng nhãi trố mắt nhìn tôi, rồi bật cười :

 - Trông mày cũng hay hay. Đỡ buồn ! - Nó chống tay ngồi dậy nhưng không được.

 - Giỏi ném nữa đi !

 - Đỡ tao ngồi dậy ! Tao thuê mày để làm việc đó.

 - Nhưng nếu tao không cần làm thuê nữa thì mày gọi đứa thứ mười bốn tới mà đỡ ! Tao đi đây ! - Tôi quay lưng.

 - Này... ! - Thằng chủ gọi giật.

 Tôi dừng. Đời tôi, tôi chưa đầu hàng cái gì trong vòng 15 phút.

 - Tôi cần tiền. Cậu cần người giúp đỡ. Có tôn trọng nhau thì hợp tác. Không thì thôi. Không có màn sỉ nhục. - Tôi đứng ở cửa ra điều kiện.

 - Tên gì ?

 - Phượng.

 - Sinh viên hả ?

 - Ừ.

 - Lại đây đỡ tao !

 Tôi đến gần... Con Hai Triệu động viên : “Hắn không đứng dậy được. Đừng sợ !”.

 - Bế tao ra xe lăn ! - Thằng chủ chỉ tay về phía cửa sổ.

 Tôi định lật mền nhưng hắn thì thào : “Để thế !”.

 Tôi luồn tay qua cổ hắn và cảm nhận cái mềm mỏng rủ xuống ở tay kia. Hắn quàng tay qua tôi, mắt lấp lánh ánh tinh quái. Tôi đe :

 - Chớ dại ! Nếu không sẽ bị quẳng ngay xuống đất.

 Thằng nhóc lè lưỡi nép vào tôi. Lần đầu tiên tôi chạm vào một người đàn ông, dù hắn ta dường như chỉ còn một nửa !

 Buổi thứ hai...

 Vừa dựng xe đạp tôi đã nghe tiếng gào, tiếng khóc, tiếng chửi rủa sa sả. Một quý bà sực nức son phấn và nước hoa từ phòng cậu chủ đi ra, vừa đi vừa lau nước mắt. Thấy tôi, bà dừng lại :

 - Nghe nói cô đã qua buổi đầu tiên êm thấm với nó. Nếu cô làm dịu những cơn khủng hoảng thần kinh của con tôi, cô sẽ được trả gấp đôi.

 - Tôi có thể biết nguyên nhân và tình trạng của cậu ấy được không ?

 - Đua xe. Bạn gái chết, còn nó phải cắt cụt đôi chân vì xe tải nghiến nát. Đã 2 tháng nay tôi sống trong địa ngục, sợ những cơn cuồng nộ của nó đến không dám ở nhà...

 Tôi vào phòng, đến bên hình hài tàn phế đang nằm thở dốc và khóc.

 - Thứ mười ba đến rồi. - Tôi báo.

 - Trả chân cho tao ! - Gã gào lên.

 - Tôi không lấy chân của cậu. Có chân không đi, trời lấy lại.

 Gã há miệng như nghẹt thở rồi cầm “con dế” bên gối định ném tôi. Nghĩ sao, gã lại vứt nó qua cửa sổ.

 - Ông không còn chân, gọi thằng nào cũng không đến !

 - Đúng là ném tiền qua cửa sổ !

 - 7 triệu đấy, nhưng tiền để làm gì ? - Gã tì tay xuống gối lấy gì đó ném vào tôi. Gã luôn ném để khẳng định mình còn đôi tay quyền lực.

 Tôi nhặt lên, ngỡ ngàng nhìn tờ trăm đô xếp thành hình con hạc giấy. Cảm nhận được sức nặng của con hạc trong tay nhưng tôi vẫn ném trả. Gã lại ném qua... Cả bầy hạc giấy dưới chân tôi...

 - Nằm một chỗ, bà già vẫn phát lương. Còn mua sẵn chiếc xe hơi an ủi. Nhưng giờ tôi chỉ muốn chết. Hãy chỉ cho tôi cách chết ít đau đớn nhất. Tôi sẽ trả công cho cô.

 Tôi nhặt hết 5 con hạc giấy đặt xuống gối gã.

 - Cho đấy !

 - Tôi làm công nhận lương, không nhận tiền cho không.

 - Nghèo mà chảnh nhỉ ! - Gã ngạc nhiên.

 - Hôm nay có mấy kiểu chết trên báo, cậu chọn kiểu nào ? Nhảy từ cà phê 33 tầng vào sinh nhật thứ 21. Hỗn chiến tại quán bia, bị đâm. Một nữ sinh 17 tuổi dắt xe đạp băng qua đường sắt bị tàu đụng. Một thanh niên đi xe máy sụp ổ gà bị xe rác cán chết.

 - Toàn ghê rợn ! - Gã nhăn mặt.

 - Làm gì có cái chết dịu dàng ! Để tới cái chết phải băng qua đau đớn.

 Và bỗng nhiên hình ảnh mẹ tôi nằm chết trên mặt đường hiện ra trong vũng nắng.

 - Cô sao thế ?

 Tôi lau vội giọt nước mắt ứa ra, lắc đầu...

 - Cậu chọn cái chết thì cũng chẳng cần người giúp việc nữa ! Tôi về đây. Mất thì giờ !

 - Đừng để tôi một mình. - Gã kéo tay tôi - ở thêm với tôi, tôi trả cô một con hạc. Đây là tiền công chứ không phải tiền cho không.

 - Được. Dại gì không lấy. Giờ cậu muốn tôi làm gì ?

 - Cô sẽ làm gì nếu mai cô chết ? - Gã hỏi lại.

 - Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để mai tôi vẫn sống. Một ngày là một cuộc chiến.

 - Giá nghèo như cô, tôi sẽ không bất hạnh thế này. Không có xe để đua, không có tiền để đốt đời mình...

 - Tại cậu chưa nếm mùi nghèo khổ đó thôi ! Tàn bạo, khốc liệt lắm, cuốn trôi bao ước mơ, đè bẹp bao số phận. Nhưng khi thừa mứa quá, nỗi đau trong tim còn dữ dội hơn cả cái đói. Một nhà văn đã nói thế.

 - Cô nói đúng. Tôi thừa tiền mà đầy trống vắng. Nhà tôi ai cũng sống giả dối, mọi thứ dùng tiền mua. Mà này, cô e bằng tuổi tôi sao “già” thế ?

 - Một chiếc xe chở ba người đã cướp mất tuổi thơ của tôi khi tôi lên 6, bởi vậy tôi ghét những đứa giết người rồi bị người giết như cậu... Tôi văng khỏi chiếc xe đạp khóc ré lên còn mẹ tôi nằm trên đường trưa im lặng... Tôi không có cha. Người đàn ông nào đó đã bỏ mẹ tôi khi tôi tượng hình. Ông cậu đem tôi về, lấy hết tiền người ta bồi thường, cho đi học một nửa buổi còn nửa buổi sai vặt, bưng bê trong quán cà phê của họ... 14 tuổi, tôi bị bà mợ ép bán trinh cho một doanh nhân. Tôi cầm chai rượu quật vào ông ta...

 - Rồi sao ?

 - Ông ta bưng đầu chạy. Còn tôi từ đó không nhà, lang thang vất vưởng rồi nương thân trong một mái ấm toàn những đứa trẻ không có tuổi thơ như mình. Tôi tự kiếm sống bằng mọi cách, giương vuốt bảo vệ mình và cố đổi thay số phận.

 - Đời cô buồn nhỉ !

 - Bởi vậy mỗi ngày của tôi là một cuộc chiến, chiến đấu để tồn tại, để biến đời buồn thành vui...

 Buổi thứ ba...

 Ngày thứ ba gã không la hét cũng không ném thứ gì. Gã nói chuyện, cùng tôi thi hát karaoke. Bà quản gia dường như không tin tiếng hát vọng ra từ phòng gã, sững sờ đứng chôn chân ở cửa. Gã thắng tôi dễ dàng.

 - Tôi thích sự thách thức. Chính vì vậy mà tôi lao vào cuộc đua. - Gã thở dài.

 - Giờ cậu dám đua nữa không ?

 - Đua với ai khi thế này... ?

 - Với tôi. Chúng ta đua ngoi lên dưới ánh mặt trời. Thời hạn 5 năm.

 Gã không trả lời tôi, tư lự. Khi tôi bế gã từ xe lăn trở lại giường, gã nhìn vào mắt tôi :

 - Cô có đôi mắt rất đẹp. Thăm thẳm nỗi buồn nhưng ánh nhìn quyết liệt. Đôi mắt ấy...

 - “Khóc người một con”... (Bùi Giáng) - Tôi nhìn gã đáp.

 Tôi qua trót lọt 3 buổi thử việc nhưng không “có duyên” với con Hai Triệu. Ngày hôm sau, một người đến tận chỗ tôi trọ gửi tiền công 3 buổi và một gói quà. Mở ra tôi thấy một bầy hạc châu đầu vào một đoá hồng. Đoá hồng là một cái thư, còn bầy hạc mười con xếp bằng tiền đôla thật. Tôi và con Thuý đọc :

 “Cô không cần đến buổi thứ tư. Tôi vốn là một đứa sáng dạ, chỉ cần ba buổi là ngộ... Tôi nhận lời “đua” với cô, đua ngoi lên dưới ánh mặt trời để “còn hai con mắt khóc người một con”. Mười con hạc giấy này tôi tặng cô. Nó chỉ bằng chai rượu tôi uống trong những đêm đốt đời mình. Trước khi bay, người ta cũng cần đôi cánh. Đừng chảnh, hãy nhận nó vì tấm lòng thành của tôi. Hẹn gặp lại cuối đường đua”.

 - Thằng này chưa phải là đồ bỏ. Hoặc điên, hoặc rất lãng mạn. - Con Thuý bảo.

 - Không ai là đồ bỏ cả. Đi mua máy tính với tao. Tao khởi đầu cuộc đua đây ! Mau lên ! - Tôi giục con Thuý.

 QUẾ HƯƠNG ( www.nxbgd.com.vn )

 

 *Viết về Quế Hương:

 NGÒI BÚT NẶNG NỢ ÂN TÌNH…

 “...Trong rất nhiều gương mặt gắn bó với văn học thiếu nhi, Quế Hương là cây bút có những trở trăn đặc biệt đối với bi kịch trẻ thơ. Có những đứa trẻ ngay cả cái tên cũng đã nghe “mùi” bất hạnh (Lỡ, Quẳng, Sót). Cái âm thanh đi suốt đời người ấy đôi khi lại là hiện thân cho niềm say mê tội nghiệp của người cha (Mơ, Ngỗ) – nỗi thèm khát “cầy tơ” của ông đã gián tiếp biến chúng trở thành những đứa trẻ mồ côi mẹ, đói khát cả vật chất lẫn tinh thần (Ả Ìa âu?). Có những nhân vật còn không có cái tên cụ thể, chúng chỉ được gọi chung chung theo những khiếm khuyết của đời mình như “con bé câm”, “thằng đầu to”... Người viết đã dừng lại đặc tả ngoại hình cùng những nỗi đau của chúng: con Lỡ (Bà mụ của búp bê) thì có “đôi chân cong vòng, nhỏ như cây sậy”, nước mắt cứ ri rỉ suốt ngày; hằng đêm, thằng Cọt với giấc mơ khủng khiếp về cái chết của mẹ, vẫn bị cái lạnh tận tiềm thức bám riết (Cò gà)... Ở Apsara hoang dại, bi kịch cuộc đời in vào hình thể cô bé: “cánh tay gầy đen đủi, bộ ngực lép kẹp”, một “hình hài còi cọc, khó đoán tuổi”, đặc biệt là đôi mắt với một ánh nhìn hoang dại, mênh mông buồn. Việc làm đó không phải để nhẫn tâm xoáy sâu vào vết thương lòng của các em mà quan trọng hơn, người viết đã dùng chúng làm đòn bẩy để thắp sáng vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật. Bên trong một con Lỡ xấu xí là tâm hồn trong sáng và thánh thiện; đằng sau một Apsara gầy đen, đói khát là dòng nhựa sống căng tràn những khát vọng, những niềm say mê được hóa thân cho nghệ thuật; ẩn dưới thân phận thằng Cọt đáng thương là một tấm lòng nhân ái bao la… Ngòi bút nặng nợ ân tình của Quế Hương làm người đọc cảm thấy nao lòng khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh. Với 27 truyện ngắn trong tập Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh, chúng ta được đến gần hơn với những góc khuất của cuộc sống, nơi ánh sáng của hạnh phúc chưa kịp chiếu rọi cho những mảnh đời thơ ngây, vô tội để trân trọng và đồng cảm hơn với một cây bút hết lòng vì trẻ thơ.”

 

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba  

(Trích bài viết “Đọc 27 truyện ngắn Quế Hương”)

       

CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN QUẾ HƯƠNG

Truyện ngắn Quế Hương khơi sâu vào những khoảng lặng nội tâm con người; miêu tả những nhân vật luôn mang trong tim mình tình yêu nặng trĩu; dựng lên một không gian nghệ thuật mộng mơ, bảng lảng và u trầm rất Huế, với thời gian hoài niệm như chuyến đò tìm về miền quá khứ in dấu bao kí ức đẹp đẽ tinh khôi. Quế Hương có một giọng văn nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, lối diễn đạt mượt mà, sâu lắng, câu văn giàu nhịp điệu,… Giản dị mà sắc sảo, nồng ấm mà dịu mát, truyện ngắn của Quế Hương là thế giới của sự hài hòa, hài hòa ngay cả trong đổ vỡ. Quế Hương đã góp một tiếng nói nhỏ nhẹ, thâm trầm vào bản hòa ca của nhiều phong cách truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Từ khóa: chất trữ tình, truyện ngắn, Quế Hương

  1. MỞ ĐẦU

Giao thoa thể loại là một thực tế tồn tại từ xưa đến nay trong đời sống văn chương. Đó là hiện tượng các thể loại “gần” nhau, “nhìn sang” nhau, “hợp nhất vào nhau”…, là sự hút hương nhụy một cách độc đáo để tạo ra những hình thức thể loại mới, mà truyện ngắn trữ tình chính là một ví dụ điển hình. Có thể nói, truyện ngắn trữ tình là kết tinh của sự giao thoa giữa hai phương thức sáng tác thơ và văn xuôi. Nhà nghiên cứu người Nga Kuranop cho rằng: “Trong nền văn học hôm nay, chúng ta chứng kiến sự xích lại gần nhau giữa thơ và văn xuôi. Sự xích lại này làm cho văn xuôi chúng ta thêm nồng ấm, run rẩy, nhiều chất hội họa, cô đọng hơn trong những ẩn dụ thấm vào từng câu, từng đoạn.” [2, tr. 23]. Với người Việt Nam, trữ tình nói chung và thi ca nói riêng luôn là một mạch nguồn thẳm sâu cắm rễ trong tâm thức Việt. Đó chính là cội nguồn của chất trữ tình đằm thắm trong một bộ phận truyện ngắn của các nhà văn nữ giai đoạn sau 1975, tạo thành một dòng mạch sâu lắng và đầy xúc cảm.

Phải nói rằng, sự góp mặt của hàng loạt cây bút nữ trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam sau 1975 đã đem đến một không khí mới mẻ cho văn chương nước nhà. Những tên tuổi Dạ Ngân, Đoàn Lê, Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư… đã tạo ra những ấn tượng sâu sắc với bạn đọc. Truyện ngắn của các nhà văn ấy là những mảng màu đa sắc: hiện thực mặn chát, kì ảo huyền hoặc, hài hước biếm họa… nhưng tất cả vẫn gặp nhau ở mạch ngầm trữ tình da diết như từ trong sâu thẳm tâm hồn nữ giới thể hiện ra trên nhiều phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Và ngồn ngộn giữa bao tác phẩm của những nhà văn nữ ấy, truyện ngắn Quế Hương hiện lên như một “bức tranh thiếu nữ áo lục” đằm thắm, dịu dàng mà khắc khoải như một vệt tím tâm hồn tha thiết níu giữ trái tim người đọc.

  1. CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN QUẾ HƯƠNG

Quế Hương là bút danh của Nguyễn Thị Thương. Từ cô nữ sinh Đồng Khánh đến cô giáo dạy Việt văn trung học Thành Nội - Huế và nay là một nhà văn với hơn mười mấy năm cầm bút, văn chương như một nghiệp dĩ ngấm vào tâm hồn chị. Để rồi, lúc vừa buông viên phấn, ngọn bút của nhà văn Quế Hương lại nở hoa thành những trang văn đằm thắm dịu dàng mà khắc khoải, da diết… Văn của chị lôi cuốn người đọc bởi “nỗi buồn ấm áp” được chưng cất nên từ bao điều bé mọn của cuộc sống thường ngày. Đó là thứ văn như chắt ra từ sâu thẳm thương yêu. Có thể nói rằng, chất trữ tình trong truyện ngắn Quế Hương không chỉ là một “dư vị” khó quên mà còn là dấu hiệu của một phong cách nghệ thuật độc đáo.

2.1. Truyện ngắn của Quế Hương khá phong phú, đa dạng. Có những truyện như một lát cắt của hiện thực đời sống nghiệt ngã với những vấn đề thời sự nhức nhối: căn bệnh thế kỉ AIDS để lại nỗi đau trên thân phận đứa bé mà cái tên đã là một nỗi xót xa: Tội (Tiên ngồi khóc); những mảnh đời lầm lụi của trẻ em đường phố (Tí bụi); áp lực học tập và sự thiếu đồng cảm với trẻ thơ (Trốn tìm); là lối sống của thanh niên trong xã hội đương thời (Một cuộc đua)… Truyện của Quế Hương khi thì được khoác lên sắc màu cổ tích với những bài học nhân sinh sâu sắc (Câu hát gọi tìm, Cội mai lưu lạc); khi thì lấp lánh chất huyền hoặc, bảng lảng không khí cổ xưa (Bức tranh thiếu nữ áo lục, Tịnh tâm viên)… Nhưng dù viết về đề tài gì, mạch trữ tình vẫn bàng bạc thấm sâu trong từng con chữ, trở thành một thứ sinh quyển của văn bản, làm cho mỗi truyện ngắn của Quế Hương như “một nốt trầm xao xuyến”, rất giàu chất thơ.

Truyện ngắn Quế Hương không có những xung đột gai góc, kịch tính mà thường là những khoảng lặng của nội tâm. Chị có tài làm cho da diết những điều tưởng chừng như giản đơn, bé nhỏ chỉ chực tuột đi trong nhịp sống hối hả thường ngày. Đó là người phụ nữ mảnh mai của những câu chuyện buồn tủi, xót xa mà cũng đầy mơ mộng; người phụ nữ của những câu chuyện về thân phận bọt bèo, tuổi thơ bị ruồng bỏ, tình yêu như con nước dịu dàng trôi chảy... Đó là tình thương của thằng Tí bụi với bà mẹ điên và bầy chó làm cho tâm hồn nó lóng lánh những sắc màu đáng quý sau lớp bụi đời cáu bẩn (Tí bụi). Là mảnh hồn trong trẻo như cánh cò trắng muốt của thằng Cọt mất mẹ, mất em trong mùa nước lũ, dồn tất cả tình thương cho cò gà bé bỏng (Cò gà). Cảm tưởng như sự “lạ hóa” không phải là yêu cầu tiên quyết trong văn Quế Hương. Đành rằng văn chương cần cái mới, nhưng quan trọng hơn cả là sự cảm thông đồng điệu. Văn của chị thường trở đi trở lại và lay động hồn người bởi những điều bé mọn. Ả ìa âu? là một tiếng nấc nghẹn của đứa trẻ khi mất đi con chó - người bạn đồng hành của tuổi thơ. Đôi chân biết khóc là sự rưng rưng trước cảnh ngộ của mẹ, của mình - những thân phận đàn bà với những nhọc nhằn lam lũ. Ga xép là một khoảnh khắc bất chợt giữa hai tâm hồn: Con tàu đã lao đi vào cái vòng xoáy bất tận của cuộc đời nhốn nháo, cái bóng liêu xiêu mảnh mai của chị - người đàn bà xa lạ trong một gặp gỡ tình cờ trên một ga xép quạnh hiu - đã nhạt nhòa, nhưng trong anh vẫn níu giữ trọn vẹn cảm giác về hạnh phúc vĩnh cửu, lặng lẽ… Chất thơ trong nhiều truyện ngắn của Quế Hương toát lên từ sự ứng xử của các nhân vật. Họ đau đáu một tình yêu trong tim và lời yêu chỉ vỡ òa thành tiếng “Mưa ơi” khắc khoải khi người ta khóc thương cho một đời nằm xuống (Trần gian có mưa) hay chắt đúc thành giọt yêu thương như chiếc lá hình giọt lệ chị Thời cặm cụi cắt tỉa một đời. Là biển người mênh mông, thời gian như lớp bụi mờ, lão Tầm Xuân vẫn đau đáu đi tìm lại nửa câu quan họ cắt đôi chia lìa ngày trước (Câu hát tìm nhau).

2.2. Nhân vật của Quế Hương luôn gánh trong tim mình một tình yêu nặng trĩu, đẹp mà buồn. Không tràn dục tính, mãnh liệt và cuồng bạo như Đỗ Hoàng Diệu hay Nguyễn Ngọc Tư, tình yêu trong văn chị nhẹ nhàng mà da diết như chính những nhân vật của nó. Không chỉ là những người phụ nữ yêu lặng thầm (Chiếc lá hình giọt lệ, Phố Hoài), “tình yêu non dại của chị âm ỉ như lò than nướng bánh tráng” [3, tr. 353], nhân vật của Quế Hương còn là những người đàn ông nặng lòng với những khoảnh khắc yêu vụt qua cuộc đời mình. “Chú gặp cô ấy chỉ một tuần cháu ạ… Một tuần so với đời người quá ngắn thế mà cả cuộc đời chú không thoát khỏi cái tuần ấy được. Dường như nó vắt kiệt máu trong tim chú khiến chú không còn yêu ai được nữa” [3, tr. 116]. Truyện của chị thường là những mối tình đơn phương không dám ngỏ lời, không chỉ của riêng tuổi trẻ, mà của trọn kiếp người. Đó là những tơ vương của tuổi hoa niên, là những sắt son chung thủy ngay cả cái chết cũng không thể chia lìa. Phố Hoài, Nhìn từ vĩnh cửu, Tịnh Tâm viên, Câu hát tìm nhau, Tre nở hoa… là những bản tình ca dịu dàng như thế.

Sự thấu hiểu và cảm thông với từng số phận con người đã khiến cho Quế Hương đi sâu được vào đời sống nội tâm, giao cảm được với con người qua những niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát, khổ đau. Cũng dễ hiểu vì sao trong văn của mình, Quế Hương dành khá nhiều trang viết cho người phụ nữ. Họ là người đàn bà lầm lụi, hi sinh một đời vì chồng vì con và nín lặng một tình yêu sau tấm ngực gầy nhưng ẩn chứa một tâm hồn mãnh liệt. “Khế đang mùa hoa. Rụng đầy. Mẹ thích thế nên chỉ quét buổi chiều để có một ngày nhìn sân tim tím. Một người vậy phải lãng mạn.Thế nhưng tôi chỉ biết mẹ như một người đàn bà tất bật, tẻ nhạt, còng lưng dưới gánh nặng của cam chịu và bổn phận” [3, tr. 109]. Họ đảm đang, dịu hiền nhưng cũng đầy bất hạnh. Đó là cô Thơm, chị Thời, cô Tú... những phận đàn bà mỏng manh giữa bất trắc cuộc đời. Quế Hương cắt nghĩa một cách xa xót bằng cái nhìn nhân ái của một người cùng giới. “Thượng đế cho người đàn bà đến ba đôi mắt! Đôi đằng trước, đôi đằng sau, đôi trong tâm hồn để nhìn, cảm nhận và thấu suốt” [3, tr. 112]. Chính vì thế mà họ luôn có đôi chân biết khóc, một đời phải “bận tay, bận lòng” và một tâm hồn sâu thẳm với khoảng trời riêng để khi một mình lại “ngồi bó gối bên bếp lửa đun nỗi cô đơn cháy đỏ trong chiều” [3, tr. 165].

Với một cái nhìn vĩnh cửu, Quế Hương muốn dùng cây bút của mình xoa dịu đi những vết thương lòng, đem thương yêu ủ ấp những nhức nhối, khổ đau. Chính vì vậy, trong tác phẩm của Quế Hương, những thân phận ấy dù có cô đơn, bé nhỏ trước cõi người mênh mông thì họ vẫn, trong một góc khuất nào đó, không chịu cam lòng với số phận. “Cô tôi, người đàn bà nhút nhát, đoan trang, chưa hề đặt chân ra khỏi khuôn phép của công dung ngôn hạnh đã dám vượt rào bay xa sống phần đời còn lại của đời mình” [3, tr. 171]. Con Lỡ trong Bà mụ búp bê vẫn tin “con nó làm đẹp cho nó. Con người được cứu vãn nhờ tái sinh” [3, tr. 205]. Hay "ngày mai tôi yên tâm trở về. Không sợ chị đơn độc. Không sợ chị yếu đuối. Có lẽ tôi lại mất việc. Nhưng tôi sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu. Tôi đã học nhiều điều trong hơn tháng kề cận họ. Đời rộng mênh mông bởi tôi đã nhìn ngắm nó dưới góc độ vĩnh cửu [3, tr. 162].

Chính vì thế mà truyện ngắn của Quế Hương thường có một kết thúc giàu chất gợi, hướng người đọc về một niềm tin ở phía trước. “Chim sơn ca bằng thủy tinh cất tiếng hót lảnh lót chạm thấu trời xanh, chạm tới giấc mơ của những chú bé” [3, tr. 48]; “Từ cái gốc nhẵn thín câm lặng kia lại trồi lên một mầm sống mới, một nhánh mai non tơ mảnh khảnh, rạo rực vươn lên” [3, tr. 327]; “Gai của hoa là hương thơm và vẻ đẹp. Chính cái đó đã quy phục con cừu không rọ mõm và gieo lên tâm hồn hoang mạc của nó một mầm sống mới” [3, tr. 29]. Không tìm thấy trong văn Quế Hương vẻ gay gắt, quyết liệt. “Đó là một thế giới hài hòa, hài hòa ngay cả từ sự đổ vỡ” [1, tr. 6]. Kể cả chuyện tưởng chừng như gay gắt, quyết liệt nhất như Một cuộc đua thì cái kết của nó cũng là một khoảng dừng đầy ước khát và mơ mộng. Khi nhân vật chính từ trong bi thảm, thất vọng đã nhận lời “đua ngoi lên dưới ánh mặt trời” và đã tìm cho mình đôi cánh để tiếp tục bay…

2.3. Chất trữ tình trong truyện ngắn Quế Hương còn thấm đượm ở không gian nghệ thuật mộng mơ, giàu chất Huế. Người đọc có thể bắt gặp không gian đặc trưng của xứ Huế ngay từ con đường Phượng bay trong Thành Nội, đàn Nam Giao, thôn Kim Long… - nơi náu mình của “ngôi nhà vườn cổ kính mái trĩu thời gian, lấp ló trong màu cây ngăn ngắt” (Quán búp bê). Vì Huế là “một thành phố vườn” (Hoàng Phủ Ngọc Tường) nên trong truyện của chị, người đọc đôi khi ngẩn ngơ dừng chân trước một Tịnh Tâm viên, một Mai gia trang, một Mộng viên. “Qua khỏi cổng là bức bình phong bằng chè tàu, hòn non bộ thu gọn cảnh sơn thủy hữu tình, núi non hang động”, “những con đường nhỏ sỏi trắng trải đầy... Lau bạc đầu ngả ngớn bên lũ cỏ non tơ” (Tịnh Tâm viên)..., bảng lảng mùi hương ngọc lan ngan ngát hay cây cỏ hồn nhiên hiến dâng trọn vẹn cho đất trời sắc tím mê hồn, cái sắc màu riêng rất Huế…

Đó còn là không gian giăng mắc một màu mưa đặc trưng xứ Huế: “Những cơn mưa rả rích, trầm buồn, dai dẳng, nhức nhối xâu xé tâm can lữ khách... Bầu trời như sáng lên vì trút được gánh nặng. Hiên mưa thánh thót giọt vắn giọt dài” [3, tr. 262]. Trong không gian ấy, nỗi buồn, niềm đau của nhân vật được vỡ òa (Trần gian có mưa); được thanh tẩy, gột rửa: “với người điên, mưa trở thành một tấu khúc kì diệu của đất trời. Từng giọt, từng giọt… gõ xuống cõi hỗn mang của người đàn bà, thức dậy một thời xa vắng, rửa sạch bụi bặm, thương đau” [3, tr. 262]; được bừng ngộ, thăng hoa cảm xúc và sáng tạo: “Một que diêm, hai que diêm lóe lên và ông thấy một gương mặt nhòe nhoẹt nước áp vào cửa kính. Ông nhận ra đó là gương mặt ông đã hoài công tái hiện trong tranh… Ông kéo giá vẽ lại gần. Trong bức tranh gần hoàn thành ông vẽ gương mặt thiếu nữ áo lục. Ông làm việc mê man” [3, tr. 294]. “Mưa níu người ta về một niềm nhớ, một nỗi hoài vọng ướt sũng mưa hay lệ khó mà phân biệt được. Có tình yêu ngắn như cơn mưa giông nhưng cũng có những tình yêu dài hơn những cơn mưa dầm trong đời người xâu lại. Mẹ có một tình yêu như thế, có lẽ nặng sâu và oan nghiệt” [3, tr. 118]. Chất trữ tình tha thiết in đậm trong nhiều truyện ngắn của chị thể hiện qua việc khắc họa những cơn mưa ấy. Nó cũng nhẹ nhàng, da diết như chính tâm hồn nhân vật và cả tâm hồn nhà văn.

Đó còn là không gian của đền đài lăng tẩm: “Hoàng cung u trầm diễm lệ của vị vua đã khuất còn chìm trong màn sương” (Bức tranh thiếu nữ áo lục). Nhưng hình như Quế Hương không cố công đi tìm những vẻ đẹp uy nghi, đường bệ, lộng lẫy của thành quách, Đại Nội, núi Ngự, sông Hương… mà tâm hồn tinh tế ấy rung động trước những tặng vật nho nhỏ của thành phố này: “Một bông hoa dại hồn nhiên nở trong búi cỏ trên vỉa hè lát đá của đại lộ. Ngôi nhà hoang phế liêu xiêu, cánh cửa rục rã” [3, tr. 29]. Chị cứ thế, lãng đãng mơ màng trong không khí trầm lắng, êm ả, trong nhịp điệu từ tốn chậm rãi của thành phố đứng bên lề sự chuyển động chóng mặt của thời đại. Chị lang thang khắp chốn và Huế từ tốn, lặng lẽ hồi sinh trên trang văn của chị. Điều đó cũng đã tạo nên một giọng điệu buồn thương da diết mang hơi hướng của điệu Nam ai, Nam bình, như tiếng dạ thưa của người con gái Huế, một nét riêng rất Quế Hương.

2.4. Cùng với không gian nghệ thuật đầy chất thơ, truyện ngắn Quế Hương còn xây dựng một thời gian nghệ thuật với những miền hoài niệm, những tình huống trở về quá khứ in dấu bao kí ức đẹp đẽ, tinh khôi. Điều này bộc lộ sâu sắc tâm trạng, đặc biệt là tâm lí của nhân vật trong tác phẩm. Vì một cội mai già lưu lạc đau đáu trong tim người mẹ mà cô con gái phải làm một chuyến hành trình trở về rồi lặng lẽ gây dựng một mảnh vườn như trong kí ức người thiên cổ (Cội mai lưu lạc). Là thằng Dậu hôm nay tóc bạc, da mồi đi giữa lòng Phố Hoài mà như thấy cả tuổi mười sáu “roi rói tươi nguyên như mới lấy ra từ hoài niệm” với chị Tường Rêu xưa cũ. Thời gian hoài niệm ấy cho nhân vật của Quế Hương được sống lại với những tình yêu đã lỡ. Trong “Nước mắt khô”, “Tre nở hoa”, “Ẩn lan”, “Câu hát tìm nhau”…, người đọc như chạm đến những day dứt, xót xa hoài nhớ về một bóng hình, một tình yêu, với những xúc cảm một thời nay vẫn sóng sánh trong tim. Sức nặng của những hoài niệm dĩ vãng làm cho nhân vật của chị có tính người hơn, chung thủy hơn.

Thời gian trần thuật bị đảo lộn. Đồng hiện thời gian được tổ chức một cách có nghệ thuật: hiện tại - quá khứ, thực - hư đan lồng. Dòng nội tâm của nhân vật miên man cất lên giữa đôi bờ khắc khoải ấy. “Lời vô thức – mạch trữ tình trội lên ở bình diện thứ nhất, mạch tự sự chìm khuất sau những ngổn ngang hoài niệm” [4, tr. 2]. Chính vì thế, người đọc có thế bắt gặp những khoảnh khắc phân tâm như : “Thỉnh thoảng, mái hiên đầy bóng tối và nước mắt ấy lại hiện về trong giấc mơ thằng Dậu. Cả cảm giác ngất ngây bàng hoàng chưa hề gặp trong đời ấy. Thằng ranh, mi làm chi rứa?”. “Tuổi mười sáu của hắn chưa kịp xanh đã chớm vàng trong nỗi quay quắt được thành người lớn. Lớn mau, lớn mau, hỡi thằng ranh!” [3, tr. 354]. Trong thời gian nghệ thuật ấy, tâm thức con người được trở về, ăn năn, hoài niệm, khổ đau, xa xót.

2.5. Chuyên chở những số phận con người trong không gian, thời gian nghệ thuật ấy là một giọng văn nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, lối diễn đạt mượt mà sâu lắng. Người đọc yêu một con Phố Hoài với “Trăng gầy như nét vẽ. Mái cúi thấp để trời thêm cao. Ai đó ném một tiếng ho khan vào tĩnh lặng”. Câu văn giàu nhịp điệu, giàu tính từ miêu tả góp phần tạo nên màu sắc trữ tình cho truyện. “Lạnh lẽo và lộng lẫy, trăng lênh láng dát bạc đường mòn, rừng, cây, thảm lá. Ánh trăng làm những vòm lá phong đỏ như lửa cháy dịu lại. Chúng đang đợi gió để cùng lìa cành. Những chiếc mỏng mảnh trên mặt đất lại phập phồng đợi gió bay lên.” [3, tr. 216]. Từ láy được sử dụng một cách tối đa tràn vào trong câu văn khiến cho lời văn giàu tính tượng hình, tượng thanh: non nỏn, lai láng, lảnh lót, lần chần, xẹo xọ, xơ xác, mỏng mảnh, mơn man… Đọc truyện ngắn của chị, chúng ta nhớ tới nhận xét tinh tế của Pauxtopxki: “Văn xuôi phải có cánh… Mỗi người viết văn xuôi thực sự phải hiểu biết thấu đáo thơ và họa” [5, tr. 142]. Văn và họa cùng hòa lẫn trong nét bút khiến cho mỗi trang sách của chị tràn hương sắc và man mác chất thơ. “Rêu chảy từ trên mái xuống tường, non nỏn đến dại lòng, thăm thẳm đến tê tái. Đôi cây hoa dại cheo leo trên mái hoặc đánh đu nghịch ngợm trên tường, hồn nhiên toét miệng cười” [3, tr. 353]. Trong những câu chuyện dành cho trẻ em, giọng điệu thủ thỉ như những lời cổ tích hiện đại dệt nên những giấc mơ thần tiên về vua lũ đồ chơi, đám cưới cỏ… “Cổng vào giăng hai hàng Lồng Đèn tròn căng mũm mĩm, đung đưa trên những dây hoa Tóc Tiên rực rỡ màu nhung thắm. Bọ Ngựa cao kều mời khách nhấp sương giải khát. Cúc dại giới thiệu chương trình, nhỏ nhắn, dịu dàng, áo trắng tinh khiết, giọng thanh tao ngọt tựa đường phèn. Dàn nhạc bắt đầu. Dế chơi vĩ cầm. Gõ kiến chơi trống. Ve sầu đồng ca. Khúc nhạc mùa hè vang lên. Phượng đồng loạt thắp lửa trong bóng tối” [3, tr. 72].Trí tưởng tượng bay bổng và nét duyên trong một ngòi bút đằm sâu chất Huế đã làm gia tăng chất trữ tình cho truyện của Quế Hương để rồi gấp trang sách lại, người đọc như còn vương vấn một niềm nhớ, một nỗi buồn ấm áp, dịu ngọt trăn trở khôn nguôi.

  1. KẾT LUẬN

Quế Hương từng quan niệm, viết văn giúp nhà văn bước ra khỏi “khung cửa hẹp”của đời mình, để thấy “thế tục thẳm sâu hơn, cõi người lung linh bí ẩn hơn”. Và con đường giúp chị bước ra khỏi khung cửa hẹp ấy để hòa vào tâm hồn độc giả chính là ngòi bút trữ tình sâu lắng của mình. Cùng với những nhà văn nữ khác đương thời như Lê Minh Khuê, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyên Hương…, Quế Hương đã làm đậm lên dòng mạch trữ tình trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, góp một tiếng nói làm cho bức tranh truyện ngắn thêm phần đa thanh, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ nhiều chiều của người đọc.

 

 NGUYỄN THỊ NGỌC GIANG

(Theo tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] Đoàn Ánh Dương (2010). “Thay lời giới thiệu”, trong sách Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm (Truyện ngắn chọn lọc Quế Hương), NXB Phụ nữ.

[2] Lê Thu Hà (2013). Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

 [3] Quế Hương (2010). Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm (truyện ngắn chọn lọc), NXB Phụ nữ.

[4] Lê Thị Hường (tháng 9/2013). “Truyện ngắn Quế Hương – Thế giới của những nỗi buồn rực rỡ”, Tạp chí Non Nước, số 190.

 [5] Bùi Việt Thắng (2000). Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

 *Một số bìa tác phẩm Quế Hương: