Nhà thơ, nhà biên kịch Văn Trọng Hùng: Hơn cả “ôn cố tri tân”
Theo nhà văn Lê Hoài Lương thì "Văn Trọng Hùng làm cách mạng trước khi làm thơ. Và thơ của ông thời kỳ này như một vũ khí tuyên truyền, chiến đấu, thơ phục vụ cuộc kháng chiến, đánh giặc giữ nước.
1.Từ năm 1968, khi Văn Trọng Hùng mới học đệ ngũ, đệ lục (lớp 5, lớp 6) ở tuổi 13 - 14, tại một trường học phổ thông vùng địch tạm chiếm tỉnh Bình Định (miền Trung Nam Bộ), ông đã tham gia hoạt động hợp pháp trong phong trào học sinh, sinh viên.
Sau, phần bị lộ, phần vì Chính quyền Sài Gòn phát hiện ra ông là con một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954, nên Văn Trọng Hùng chủ động "nhảy núi" (chỉ người theo cách mạng, giống như người lên rừng, vào R. ở Nam Bộ) và được phiên chế vào Đội võ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên giáo của tỉnh ở tuổi vị thành niên với nhiệm vụ chủ yếu: Viết truyền đơn, rải truyền đơn kêu gọi lòng yêu nước, căm thù giặc và sử dụng vũ khí để trừ khử những kẻ cam tâm theo giặc, có nợ máu với nhân dân.
Ngay từ thời ấy, Văn Trọng Hùng đã say mê văn chương và đặc biệt thích "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Xôviết Nikolai A. Ostrovsky - cuốn sách gối đầu giường của tuổi trẻ Việt Nam một thuở. Cùng với "Thép đã tôi thế đấy", ông và đồng đội của ông còn thường xuyên đọc những sáng tác mới của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Dương Hương Ly…
Ông nhớ lại: "Năm 1971 - 1972, Tạp chí Văn nghệ khu 5 in tipô và được trình bày rất đơn giản, sơ sài, ra theo quý. Nhưng chúng tôi không quan tâm đến hình thức, chỉ quan tâm đến nội dung của nó. Và nó thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của chúng tôi và có tác dụng động viên chúng tôi rất lớn. Chúng tôi đã chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát.
Theo tôi, đấy là những tác phẩm gan ruột, hừng hực lửa chiến đấu của những chiến sĩ - nhà văn sống và viết trên tuyến đầu Tổ quốc. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ và vẫn hết sức xúc động như thuở nào khi đọc "Bài thơ về Hạnh phúc" của Dương Hương Ly khóc Dương Thị Xuân Quý - vợ ông - một nhà văn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong những năm chiến tranh có thể nói là chất chồng gian nan và vô cùng khốc liệt.
Rồi Văn Trọng Hùng đọc: "Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên/ Trời chiến trưòng không một phút bình yên/ Súng nổ gấp/ Anh lên đường đuổi giặc/ Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên/ Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc/ Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc/ Anh mất em như mất nửa cuộc đời/ Nỗi đau anh không thể nói bằng lời/ Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy/ Những viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy/ Như những vết đạn xưa chúng giết bao người/ Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi/ Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc… Em ra đi chẳng để lại gì/ Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi/ Và anh biết khi bất thần trúng đạn/ Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/ Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai/ Bởi biết mình có mặt ở tương lai…" và ông bình: "Đấy là những câu thơ được viết từ máu và nước mắt hay chỉ có máu và nước mắt mới sinh ra được những câu thơ như vậy. Đó cũng là tiếng đập của trái tim đến với trái tim. Tôi và đồng đội tôi từng đọc bài thơ này trong nghẹn ngào nước mắt và có lúc máu trong người sôi lên trong tâm thế của một người lính sẵn sàng xung trận. Đã có một thời, thi ca có sức mạnh thúc giục và lan tỏa ghê gớm như vậy đó!".
2. Theo nhà văn Lê Hoài Lương thì "Văn Trọng Hùng làm cách mạng trước khi làm thơ. Và thơ của ông thời kỳ này như một vũ khí tuyên truyền, chiến đấu, thơ phục vụ cuộc kháng chiến, đánh giặc giữ nước.
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông được phân công về công tác trong ngành in ấn, ngành văn hóa. Công việc gần gũi với sáng tác này như một sự đùa dai của số phận và ông lại cầm bút. Giờ thì, ngoài những trang thơ về quê hương và cách mạng, về niềm vui giải phóng, thơ ông thêm mảng trữ tình như một lẽ tất yếu. Thơ viết và được in cũng chỉ ở mức cho thấy một Văn Trọng Hùng chiến sĩ giờ thêm chất nghệ sĩ.
Nên mãi đến năm 1991, tập thơ đầu tay của ông mới ra đời, tập "Dạo khúc nhân tình". Và đây là một mảng khác, đầy những suy tư, trăn trở. Sau cái hào hùng của chiến thắng, cuộc sống đời thường với những vất vả, lo toan và thử thách lòng người, thơ Văn Trọng Hùng đã lặn vào những ngóc ngách ấy của nhân tình đầy trách nhiệm. Và cũng không dễ dàng gì. Tập thơ đã có những ý kiến phản bác khi lối tư duy đường mòn, chụp mũ tư tưởng vẫn còn khá nặng nề lúc bấy giờ. Ông gặp khó khăn ít nhiều. May rồi mọi thứ cũng qua.
Có vẻ chính cái "tai nạn" này là nguồn kích thích cho Văn Trọng Hùng tiếp tục cầm bút. Và càng lúc, chuyện thế sự, thế thái nhân tình trong thơ ông càng dày. Cả mảng trữ tình cũng đầy những tự sự buồn, những đau đáu nỗi niềm chung.
Thiên chức cao cả của thi sĩ đã lặng lẽ vận vào Văn Trọng Hùng lúc nào không biết.
Rồi những bài thơ của ông xuất hiện ngày càng nhiều trên báo, tạp chí, cả những tờ báo, tạp chí danh tiếng. Sau "Dạo khúc nhân tình", những tập thơ "Bóng trúc", "Đối ảnh", "Hầu chuyện tiền nhân" ra đời. So với các tập trước, tập sau đầy hơn về những suy tư, trăn trở và kỹ thuật càng tiếp cận với thơ hiện đại. Đáng chú ý là ở tập mới nhất, "Hầu chuyện tiền nhân", Văn Trọng Hùng đã làm một cuộc đột phá về đề tài như tên tập thơ. Và sở trường "phản biện" của ông đã được bộc lộ đầy sức thuyết phục từ tập thơ này".
Tôi đã đọc rất kỹ "Hầu chuyện tiền nhân" và nhận ra: Đây là một tập thơ được viết kỳ khu, có xuất phát từ một lối tư duy lật xoay, một cách nhìn của một cái tâm trong sáng, khách quan. Những câu: "Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân, yêu nước" hay "Người trung nghĩa đã thành bất tử/ Thì nơi nào chẳng hóa quê hương"… là những câu thơ tâm đắc, phản ánh xuất phát ấy của Văn Trọng Hùng.
Về bài thơ "Đêm ấy ở Côn Sơn" (trích từ "Hầu chuyện tiền nhân"), nhà văn Văn Chinh viết: "Còn thơ ở Văn Trọng Hùng lại cao ngạo, như một tuyên ngôn nhân cách kẻ sĩ. Ông viết về vụ án Lệ Chi viên: "Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách/ Về khuya mưa như trút nước/ Lê Lợi đến thăm/ Nguyễn Trãi đã đi nằm".
3. Tôi biết Văn Trọng Hùng nhờ vô tình có trong tay "Hầu chuyện tiền nhân" của một người khác cho mượn. Tôi đánh giá cao tập thơ này. Nhà thơ Lương Ngọc An nghe xong, bảo: "Em gần như là người em của anh ấy" và bốc máy gọi Văn Trọng Hùng, "kết nối" tôi với Văn Trọng Hùng, nhờ vậy mà tôi và Văn Trọng Hùng dần dà quen biết rồi thân thiết nhau tự lúc nào không hay.
Nhưng Văn Trọng Hùng đâu chỉ có thế. Bên cạnh con người thi sĩ, trong ông ít nhất còn có một con người nữa: Nhà biên kịch.
Từ 1992 đến 2016, ông đã có cả chục kịch bản đã dàn dựng. Đó là "Nước mắt Diêm vương"; "Tiết Giao trả ngọc"; "Phong thần"; "Đi tìm chân chúa"; "Anh hùng với giai nhân" (viết chung với Sỹ Chức); "Luận anh hùng"; "Nhìn lại một vương triều"; "Đêm sáng phương Nam" (viết chung với Đoàn Thanh Tâm); "Khúc ca bi tráng"; "Hồn tháp"; "Nước non cửa Phật" và cũng trong khoảng thời gian này, ông đã đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật.
Đó là 12 giải thưởng về kịch bản và vở diễn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, trong đó có 2 huy chương vàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đó là Giải tác giả kịch bản văn học xuất sắc nhất Hội thi sân khấu chuyên nghiệp tuồng và dân ca toàn quốc năm 2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đó là: 6 giải A Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu ( 4 giải kịch, 2 giải thơ) các lần I (1991-1995), lần II (1996-2000), lần III (2001-2005), lần IV (2006-2010) của UBND tỉnh Bình Định…
Nhớ có lần tôi, nhà thơ Ngô Thế Trường, nhà thơ Lương Ngọc An bất ngờ bay vào Tam Kỳ (Quảng Nam) từ đêm hôm trước để sáng hôm sau kịp xem mỗi "Khúc ca bi tráng" của Văn Trọng Hùng trong Hội diễn sân khấu tuồng, dân ca chuyên nghiệp toàn quốc 2013, rồi trở Hà Nội ngay hôm sau, chúng tôi dự đoán "Khúc ca bi tráng" sẽ "ăn" một số giải cao. Không ngờ điều ấy lại trở thành hiện thực. Đó là một chuyến vô Nam chớp nhoáng, hy hữu và nhớ đời.
Ông kể: "Vở diễn này dàn dựng công phu và đến phút chót, vẫn còn một số trục trặc, phải thay đổi đấy. Tôi đã phải điều chỉnh lại 14 điểm trong kịch bản và thay cả diễn viên chính".
Đây cũng là sự quyết đoán cần thiết và hợp lý ở thời điểm Văn Trọng Hùng còn là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định.
Tôi quý Văn Trọng Hùng ở sự chí tình, chí nghĩa với anh em bè bạn của ông. Và cả phẩm chất nghệ sĩ ở con người ông nữa. Do "chất nghệ" trong ông hơi cao nên nhiều người Bình Định đặt cho ông vài biệt danh khác như: "Anh Bảy lãng đãng", "Anh Bảy Hùng nghệ sĩ"…
Nhưng trên hết, ông là người say mê và quan tâm nhiều đề tài của lịch sử và coi những nhiều đề tài lịch sử như dòng chủ lưu trong những sáng tác của mình. Ông muốn chiêm nghiệm, lý giải nhiều sự kiện và nhiều nhân vật lịch sử bằng con mắt của người hôm nay qua sự sáng tạo của thơ và kịch. Ông bảo: "Tôi không minh họa mà sáng tạo lại, trong mối liên hệ với hôm nay, với cái nhìn không phân biệt và nhân văn"
Và như vậy, Văn Trọng Hùng đã không chỉ "ôn cố tri tân", mà còn hơn thế và trên cả thế nữa.
Đặng Huy Giang(vnca.cand.com.vn)