Nhà thơ Hoàng Trung Thủy: Mặt trời phập phồng theo biển thở

25.03.2019

Ngày ấy, Hoàng Trung Thủy là Lớp phó của Lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa 6 (1973-1974) tại Quảng Bá, Hà Nội, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Lớp học chưa đến ba chục người, nhưng giáo trình giảng dạy và tinh thần học tập rất nền nếp, quy củ. Ấy nhưng với anh em viết, thì cái trò chức tước lớp trưởng lớp phó cũng chả có gì quan trọng cả. Tuy nhiên, chúng tôi rất quý nhau, tôn trọng nhau. Hoàng Trung Thủy được cả lớp quý mến.

Nhà thơ Hoàng Trung Thủy: Mặt trời phập phồng theo biển thở

Anh người cao dong dỏng, toát vẻ hào hoa phong nhã, mái tóc bồng bềnh sương khói. Đặc biệt là anh hay cười. Hễ nói đến thơ ca, anh lại say như điếu đổ.
Vốn là anh giáo làng ở Nam Định, vừa dạy học, vừa ham viết thơ, rồi cùng người em rể là nhà thơ Vũ Ngọc Phác về học ở Quảng Bá. Cặp anh em này có mang theo chiếc xe đạp Phượng Hoàng nam màu cánh chả. Lớp học hễ có buổi trống tiết, hai người lại kèo kẽo đèo nhau vào phố phường Hà Nội. Hồi ấy, Hoàng Trung Thuỷ mê thơ Lưu Quang Vũ và Bằng Việt lắm.

Hoàng Trung Thuỷ có trí nhớ thơ bạn bè đến mức kỳ lạ. Bốc lên, anh cứ nhắm mắt mà đọc. Cái đầu lắc lắc, mái tóc cứ bồng lên bồng xuống. Ngày ấy nghiệp chữ nghĩa cuốn người ta như lên đồng. Ngày vào học, Hoàng Trung Thuỷ chưa phải là người nổi tiếng, nhưng thấp thoáng các bài thơ anh in trên báo đã làm tôi thú vị. Ấy là giọng thơ hồn hậu, nồng nhiệt, đắm đuối của chàng trai tỉnh Nam. Những câu thơ thật thà:

Khi anh biết yêu em đồng lúa cũng chín vàng
Mùa bận rộn tình anh bận rộn.

Hoặc:

Em đi không thấu vùng hương ấy
Bổ dứa chờ anh phấp phỏng chiều
.

Khi viết về quê hương, về gia đình, anh có những câu thơ đọc lên nhói lòng:

Nén hương con thắp ngày ra phép
Viếng mẹ năm nào cháy hết chưa?

Lớp học Quảng Bá kết thúc chẳng bao lâu thì đất nước thống nhất. Trong không khí tưng bừng miền Nam giải phóng, Hoàng Trung Thuỷ làm đơn xin vào dạy học trong đấy. Tôi biết, ngoài phần đem ánh sáng văn hoá cho vùng đất vừa giải phóng, anh còn có ham muốn mở rộng vùng đất sáng tác của anh. Mấy năm dạy học, đã lên chức hiệu trưởng trường huyện, ấy rồi anh giã từ để chuyển về Hội Văn nghệ Vũng Tàu.

Từ một anh giáo làng Thành Nam, trở thành ông giáo đất phương Nam, rồi anh thành nhà thơ, vượt lên nỗi lo đời thường cơm áo gạo tiền, anh dốc sức cho từng trang viết. Thành phố biển phương Nam đẹp, thoáng rộng "Mặt trời trắng phập phồng theo biển thở", song tâm trí anh vẫn thường trực về quê hương xứ Bắc.Nghiệp văn chương kéo anh đi. Tập thơ "Tình muộn" của anh được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1990, có hơn chục bài thơ anh viết về Vũng Tàu, quê hương thứ hai của anh. Những bài thơ có cái tên bài rất thật thà "Chợ tết Vũng Tàu", "Giảng Truyện Kiều ở Vũng Tàu", "Về những cơn giông ở Vũng Tàu"... đều chứa chan cảm xúc. Đọc, vẫn thấy rõ một Hoàng Trung Thuỷ thuở nào. Nồng nhiệt, hồn hậu, đắm đuối, tuôn chảy. Năm 1997, anh cho ra mắt trường ca "Hoa bằng lăng" viết hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Trang đầu sách, anh có in câu thơ "Thi sỹ nên anh sống rất tình".

Con người có thể di chuyển sinh sống nhiều miền đất khác nhau, nhưng tâm trí thì như vẫn hướng về quê quán. Vẫn con người yêu đời, yêu thơ thuở nào. Qua một người bạn văn ra Hà Nội, anh gửi sách thơ tặng bạn bè và tôi; vẫn hàng chữ anh viết "Rất yêu mến tặng...".

Sau này, qua bạn bè kể lại, tôi biết anh có thời sống rất khó khăn. Nhà túng, con cái ăn học tốn kém. Ở cái thành phố du lịch mơ mộng ấy, đêm đêm anh vẫn cùng người vợ cần mẫn đi bê rải từng chiếc ghế vải bố dọc bãi biển, mong có người tới ngồi nghỉ, lấy đồng tiền công dịch vụ còm nuôi con, nuôi thơ. Tôi hình dung người bạn học cùng khoá thuở nào, dáng cao, mái tóc bồng lặng lẽ ngồi góc biển chờ khách đến ngồi ghế bố của mình. Và tâm hồn anh đang chộn rộn chờ những tứ thơ vụt loé.

Dịch vụ bưng bê ghế cho khách ngồi ngắm biển cũng chẳng cải thiện đời sống gia đình anh được mấy chút. Nhà thơ lại nghĩ ra việc đi chụp ảnh thuê dọc bãi biển vào các ngày chủ nhật và lễ tết. Anh dồn tiền mua được cái máy ảnh loại tầm tầm, rồi đi gạ khách, mời khách chụp ảnh kỷ niệm.

Ngày ngày, bãi biển thơ mộng Vũng Tàu cũng chẳng làm anh thơ thới tâm hồn chút nào. Anh chầm vập mời chào toán khách này, toán khách kia. Cái máy ảnh anh cầm mỏi trên tay, ngày cũng chỉ loạch xoạch chụp được dăm bảy kiểu ảnh.

Mỗi khi chụp xong, anh lại hộc tốc đạp xe vào một mi-li-láp nào đó để tráng phim, in ảnh. Khuôn mặt trai gái trong ảnh nào như cũng cười tươi hết cỡ bên biển xanh, mà tâm hồn anh vẫn vật vó, quặn thắt. Anh xác định rõ công việc mưu sinh cho anh và gia đình. Hoàng Trung Thuỷ chỉ mỉm cười sung sướng khi đêm đêm, anh chong đèn chợt viết được câu thơ nào mà anh tâm đắc.

Khuôn mặt vợ con ngủ ngon sau tấm màn, như an ủi anh sau một ngày công việc căng thẳng. Anh mơ màng, đời sống rồi bớt khó khăn, những câu thơ sẽ được viết đắm say và thật lòng mình hơn!...

Thế mà cơn bệnh hiểm nghèo ập đến, cướp đi sự sống của anh. Hoàng Trung Thuỷ vừa được bạn bè văn chương Vũng Tàu quý mến suy tôn làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, ấy rồi anh ra đi đột ngột. Thêm một sự nghiệp văn chương dở dang.

Bạn bè văn chương ở Vũng Tàu vẫn còn nhắc nhiều về ngôi nhà đơn sơ số 169, đường Lê Hồng Phong của anh ngày ấy. Anh em thường nói vui, đấy là trụ sở thứ hai của Hội. Tuy nhà nghèo, nhưng chủ nhà luôn có tấm lòng rộng mở, nồng nhiệt chào đón các cây bút đến giao lưu, gặp gỡ. Hội Văn học nghệ thuật Vũng Tàu - Côn Đảo khi mới thành lập bao khó khăn. Khi tờ báo Văn nghệ địa phương ra những số báo đầu tiên, bạn đọc chưa biết, chưa quen thuộc, Hoàng Trung Thủy liền biến ngôi nhà mình thành quầy bán báo. Cái sạp báo có chăng dây treo tờ báo "Văn nghệ Vũng Tàu - Côn Đảo" như một nhen nhóm sự quảng cáo đầy tự tin. Ấy rồi sạp báo, sạp sách có biển hiệu "Văn thư Tình quán" của nhà thơ cũng chả tồn tại được bao lâu, khi cơn sốt kinh tế rùng rùng chuyển động, lấn lướt cả văn thơ nhạc họa. Quán sách báo "Văn thư Tình quán" đành phải dẹp, nhường chỗ cửa hàng bán vật liệu xây dựng thuê, lấy tiền nuôi con cái và thơ.

Mấy năm trước, tôi hay có dịp về Thành Nam. Kỳ nào về cũng ghé thăm Vũ Ngọc Phác, em rể của nhà thơ Hoàng Trung Thủy. Nói chuyện thơ, Vũ Ngọc Phác lại say như điếu đổ. Cho dù, nay anh không còn viết thơ, quay ra chơi cây cảnh, sưu tập cổ vật. Hễ nói về Hoàng Trung Thủy, chúng tôi đều thốt lên, ấy là con người say thơ đến mức lạ kỳ. Chúng tôi cùng tiếc quá, Hoàng Trung Thủy ra đi quá sớm. Sinh năm 1945, mất năm 1998, hưởng dương 54 tuổi ta.

Một nhà thơ từng chiếm giải Thơ trong cuộc thi thơ đình đám của báo Văn nghệ năm 1979. Bây giờ còn mấy ai nhớ tới? Thời gian vốn nghiệt ngã. Nhưng tôi tin, những người bạn viết cùng thời với anh, còn nhớ về anh, một nhà thơ giàu phẩm chất thi sỹ. Hãy đọc lại một bài thơ "Không đề" của anh:

Em ạ, mùa hè đang đến đây
Đầm đìa hai mắt sắc xanh cây
Hồn xuân như vẫn còn vương vấn
Trong cánh ong buồn ngơ ngẩn bay

Hoa ở bàn ta héo lúc nào
Đường về năm trước nắng lao xao
Chao ôi giá được qua vườn cũ
Anh lại yêu em đến nghẹn ngào

Vẫn biết rồi thu sẽ nhuốm vàng
Mà sao cứ mỗi độ hè sang
Lòng anh thêm một lần đau đớn
Khi thấy mùa xuân lặng lẽ tàn.

Con người say thơ, tâm hồn tưởng yếu mềm, ấy nhưng trước cái sai, cái chưa đúng, anh có thái độ cả quyết, dứt khoát. Anh em ở Hội còn kể, khi đương chức Chủ tịch Hội, có lần nhận được công văn của Tỉnh ủy gửi đến. Thấy văn bản quá nhiều lỗi chính tả, sai ngữ pháp, Hoàng Trung Thủy liền lấy bút bi đỏ gạch chi chít và gửi lại Văn phòng Tỉnh ủy.

Với tinh thần của một nhà giáo, không cho phép anh thỏa hiệp, đồng lõa với cách làm ăn cẩu thả của một lớp người văn phòng như vậy. Nghe nói, Văn phòng Tỉnh ủy phải gửi lại công văn đã sửa với lời xin lỗi.

Một con người biết vượt lên cảnh ngộ, lặng lẽ nuôi một niềm khao khát. Đấy là niềm khao khát trong sáng, đắm say, có chút gì khờ khạo của lớp người cầm bút đầu giai đoạn chống Mỹ. Có thể những con chữ viết ra còn thật thà, hoặc lý tưởng quá. Nhưng đó là nỗi niềm hừng hực của niềm tin yêu tự trái tim mình. Thời trẻ, từng sống ở Nam Định.

Mảnh đất nhiều ông nghè, ông cử, nhiều nhà văn nhà thơ đã khởi hướng niềm khao khát văn chương đắm say cho anh. Anh từ giã mảnh đất thành Nam, rồi chấp nhận định mệnh ngặt nghèo tại miền đất hứa của chính mình, khi tuổi đời còn đang trẻ.

Văn chương là gì? Nó là đôi cánh mơ hồ kéo con người bay là là trên mặt đất. Và vượt trên mặt đất. Vượt trên cơm áo gạo tiền. Vượt lên chức quyền. Vượt trên mọi nỗi nhọc nhằn của kiếp người.

Nhớ về anh, cho tôi thêm niềm tin thẳm sâu như thế.

Vũ Từ Trang
(vnca.cand.com.vn)